Bài học từ cha “Bác”
Tôi sinh ra và lớn lên trong thời gian Cha bác Giuse đáng kính đang sống cách âm thầm đời Linh mục. Sáng sáng tôi theo bố mẹ lên một phòng nhỏ cạnh phòng bác để tham dự thánh lễ với khoảng 30 người khác. Vì không biết Cha bác đang sống đời linh mục cách thầm lặng, nên tôi không bao giờ ngừng thắc mắc tại sao Cha bác không ra dâng lễ ngoài nhà thờ. Khi học cấp II và cấp III, tối tối, bố mẹ cho tôi vào ở cùng Cha bác để sáng hôm sau dậy giúp lễ cho ngài. Thời gian này, Cha bác đã dâng lễ ngoài nhà thờ với khá đông anh chị em Kitô hữu. Sau Thánh lễ, tôi lại trở về với gia đình để đi học và phụ giúp cha mẹ. Trong những năm sinh viên và chủng sinh, mỗi dịp nghỉ hè và nghỉ tết, tôi lại có cơ hội để thăm bác, trò chuyện với bác về chuyện học tập và sinh hoạt.
Tôi được nghe mọi người kể rất nhiều câu chuyện về tuổi thơ, về quãng thời gian đi tu và về việc chăm sóc mục vụ của Cha bác. Có cơ hội tiếp xúc nhiều với Cha bác, tôi thấy nơi ngài một vài nét chấm phá mà tôi cần cảm nghiệm và học cả đời.
1. Không bao giờ kêu khổ. Tôi được nghe mọi người kể về tuổi thơ đầy gian khó của ngài, nhưng từ miệng ngài, tôi không thấy ngài kêu khổ khi nào. Dường như qua đau khổ ấy mà luyện ngài thành tài như ngày hôm nay. Và như vậy, có khi thay vì kêu khổ, ngài lại cám ơn những ngày gian khó ấy. Đó là một ngôi trường giúp ngài HIỂU về cuộc đời.
2. Không bao giờ càm ràm. Với nhiều người, khi mình bị ép buộc làm một điều gì đó không muốn, chắc họ càm ràm mãi không thôi. Với Cha bác, tôi không bao giờ thấy ngài càm ràm về thời gian tập trung cải tạo bắt buộc. Tôi nghe kể rằng, ngay từ khi còn là những chủng sinh, khi chuẩn bị đến ngày lễ lớn của Giáo Hội, ngài lại “được mời” đi làm việc cho đến qua ngày lễ mới được về. Và ngay cả với 33 năm sống đời Linh mục trong thầm lặng, tôi cũng chưa hề nghe thấy ngài càm ràm về ai và sự việc gì. Đó là một ngôi trường giúp ngài HIỂU về thời cuộc.
3. Không bao giờ khiển trách. Thời gian giúp lễ và chủng sinh, tôi cũng không hề thấy Cha bác khiển trách bất cứ ai và sự việc gì. Trong những hoàn cảnh khó khăn, ngài chỉ nói hãy cố gắng và cầu nguyện cho nhau. Có lẽ vì nét tính cách đặc biệt này, ngài được mọi người rất thương mến, gần gũi, chia sẻ và tìm được sự nâng đỡ. Với những anh em gặp khó khăn trong đời sống dâng hiến, đến với ngài đều cảm thấy được sự bình an và chữa lành. Qua đó, anh em lại có thêm động lực để dấn thân trong ơn gọi. Đó là ngôi trường của ơn thông HIỂU, Cha bác để lại cho mọi người.
4. Không bao giờ kêu đau. Trong những ngày dưỡng bệnh, đau đớn là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, nơi bác tôi nhận thấy một sự nhẫn nhịn. Nhìn nét mặt, nhìn dáng đi, ai cũng thấy ngài đang chịu sự đau đớn rất lớn. Các bác sỹ chăm sóc cho ngài nhận thấy điểm khó nơi ngài là việc hỏi xem ngài có đau chỗ này chỗ kia không, ngài đều nói là không. Chứng kiến việc ngài nằm trên giường bệnh, tôi linh cảm rằng, Cha bác đáng kính đã gặp được Đức Giêsu trên Thánh giá. Ngài và Chúa Giêsu đã hòa hợp nên một, đã đến và hoàn tất Ý Chúa muốn trong cuộc sống lữ hành này. Đó là ngôi trường giúp tôi HIỂU thế nào là nên thánh.
“Lạy Chúa, này con đến để thực thi Ý Ngài”. (Dt 10,7)
Có được như ngày hôm nay, tôi nhận ra rằng, mình đã có một tấm gương rất lớn và sáng rõ để noi theo.
Ngồi bên linh cữu bác, tôi cảm nhận những giá trị tinh thần và thiêng liêng rất cao quý Cha bác để lại trong tôi và cho những người có cơ hội được tiếp xúc. Cha bác đã họa lại được hình ảnh của một Đức Kitô khác nơi cuộc đời ngài. Lúc này, Cha bác đã HIỂU và thực thi Ý Chúa cách sung mãn và tròn đầy. Cha bác khuất đi, ngài mời gọi tôi và mỗi người tiếp tục đến và thi hành điều Chúa muốn nơi mỗi người.
MỘT NGƯỜI CHÁU
Hiển Hiển
Tin liên quan