Bao giờ sơ làm ra tiền?

Bíp… Qua đi! bíp…!!! Qua lẹ lên!

Những tiếng còi xe kéo dài, tiếng mọi người thúc dục hòa với sự ồn ào của động cơ như bản giao hưởng hỗn độn càng khiến tôi thêm căng thẳng. Trái tim tôi đập nhanh hơn, cảm giác như nó sắp nhảy ra khỏi lồng ngực.Tôi cố gắng hít thở sâu để giữ bình tĩnh. Mỗi khi thấy có khe hở giữa các xe, bàn tay run run cố gắng ga nhẹ tiến về phía trước nhưng rồi lại thất bại rụt về.

Âm thanh phía sau vẫn không ngừng vang lên. Lướt qua gương chiếu hậu, tôi bắt gặp những ánh mắt tức giận bởi sự chậm trễ của tôi. Nhiều chiếc xe đã không đủ kiên nhẫn để chờ đợi, họ lách qua đầu xe tôi mà phóng đi. Hơn 1 tháng qua, đây là lần “thứ n” tôi phải đối diện với cuộc chiến “sang đường”. Cứ ngỡ bản thân đã đủ can đảm để dành chiến thắng. Ấy vậy mà, trong giây phút này tôi vẫn mơ ước ai đó có thể dẫn tôi đi qua những đoàn xe đang nối đuôi nhau trên đường. Lòng tôi không ngừng thốt lên:  Lạy Chúa, xin cứu giúp con!

Và rồi như có phép lạ, bỗng một chiếc xe khác cùng chiều đang chuyển hướng tới vị trí bên kia đường. Tôi vội vàng bám theo vị cứu tinh này.

Tạ ơn Chúa! Cuối cùng con cũng sang được đường.

Đi thêm khoảng 100m, tôi dừng trước một tiệm sửa xe máy. Đang loay hoay, ngó trước nhìn sau tìm vị trí để xe, thì tiếng của bác chủ quán vang lên:

– Con chào sơ! Xe của sơ sao vậy? Sơ mang qua đây con sửa trước cho.

– Dạ! Con chào chú! Chú khám xem nó bị sao rồi sửa giúp con.

Bởi là chỗ quen, tôi tin tưởng trao toàn quyền trên chiếc xe cho chú thợ, rồi lại thẫn thờ đưa mắt ngắm nhìn dòng người không ngừng lướt qua nhau như cuộc chiến không có hồi kết. Cái nắng gay gắt sau cơn mưa chiều qua càng khiến bầu khí nóng bức, khó chịu hối thúc mọi người nhanh chóng trở về nhà. Họ thật chuyên nghiệp và khéo léo luồn lách qua nhau. Nhưng điều đó chẳng dễ dàng gì với cô gái cao 3m bẻ đôi, mới từ quê ra phố như tôi. Nếu không vì một lí tưởng cao đẹp, chắc chắn tôi không chọn nơi ồn ào náo nhiệt này. Cuộc sống nhộn nhịp nơi đây chẳng làm cho tôi năng động và hào hứng như nó đã làm cho nhiều người khác. Ngược lại, tôi cảm thấy cẳng thẳng và mệt mỏi. Tôi nhớ mùa thu Hà Nội, nhớ cái nắng nhẹ nhàng, nhớ không khí trong lành và nhịp sống chậm rãi đã từng là phần không thể thiếu trong cuộc đời tôi……

  • Sơ ơi! Xe của sơ được rồi nè.

Tiếng chú thợ sửa xe cắt đứt dòng suy nghĩ trong tôi.

  • Con cảm ơn Chú! Của con hết bao nhiêu tiền ạ?
  • 20 ngàn sơ.
  • Sao rẻ vậy? Con thấy chú sửa nhiều mà.
  • Giờ sơ chưa làm ra tiền nên con lấy vậy thôi.

Tôi mỉm cười:

– Vậy là chú phải chịu thiệt rồi. Không biết bao giờ các sơ mới làm ra tiền. hihi!

– Dạ có chứ sơ! Khi nào sơ lớn, sơ cầu nguyện cho người ta, người ta sẽ cho sơ tiền.

**********************************

  • Bao giờ sơ làm ra tiền?
  • Cầu nguyện có phải là công việc kiếm tiền của các sơ?

Hai câu hỏi cứ xoáy sâu vào tâm trí tôi sau cuộc đối thoại với chú thợ sửa xe.

Bao giờ sơ làm ra tiền? Theo suy luận của chú thợ thì “Khi nào sơ lớn… sơ sẽ làm ra tiền. Có lẽ chú nghĩ các sơ cũng như mọi người. Muốn có được đồng tiền chân chính cần phải trải qua những giai đoạn học tập, rèn luyện, tích luỹ kinh nghiệm. Trong gia đình, các bậc sinh thành thường hy sinh tất cả để chăm lo cho con cái với mong ước tương lai con mình sẽ thành công và giàu có, thì nhà dòng cũng dành thời gian đào tạo để các sơ có khả năng làm giàu.

Tôi, một sơ nhỏ mạo muội không phủ nhận những suy nghĩ trên của chú. Đúng vậy! Trên con đường kia, bao người phải bon chen giữa dòng đời để kiếm cái mưu sinh, thì các sơ cũng phải tập luyện, chiến đấu vượt qua những ngã rẽ cuộc đời mới có kinh nghiệm kiếm tiền. Người ta vất vả lao mình để tìm kiếm một chỗ đứng trong xã hội, thì các sơ cũng đang từng ngày tập tành hy sinh, từ bỏ để có một vị trí hạnh phúc bền vững. Họ làm việc không ngừng nghỉ, tích cóp của cải để trở nên giàu có, thì các sơ cũng phải chắt chiu tích trữ vào kho tàng những của cải không thể hư mất.

Nghe các sơ đi tu mà làm giàu sao thấy lạ! Liệu rằng đời thánh hiến có còn ý nghĩa? Thánh Phaolô nói: “Hãy làm giàu bằng những việc tốt, sẵn lòng chia sẻ, và hào phóng. Như vậy, họ sẽ tích trữ cho mình một kho tàng tốt đẹp cho tương lai, để đạt được sự sống đời đời.” (1Tm 6.19). Tiền của, vị trí hạnh phúc, kho tàng vĩnh cửu mà ngày ngày các sơ đang tìm kiếm, tích luỹ không phải là tiền tài, danh vọng nơi trần thế này, nhưng là: sự hy sinh, quảng đại chia sẻ, bác ái, tình thương nhưng không, phần rỗi các linh hồn… Như thế, các sơ không chỉ làm giàu cho mình nhưng còn làm giàu cho người khác, cho Giáo Hội, cho Nước Chúa – Một đích điểm giúp các sơ sống trọn vẹn ơn gọi thánh hiến, trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu, “Người đã tự ý trở nên nghèo khó, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em được trở nên giàu có” (2Cr 8.9)

Từ câu hỏi “Bao giờ sơ làm ra tiền?”, tôi càng nghiệm thấy một ý nghĩa sâu xa hơn về giá trị thực sự của cuộc sống. Cách kiếm tiền truyền thống không phải là con đường duy nhất, mà còn có những kho tàng vô hình mà chúng tôi tích lũy qua tình thương, lòng nhân ái và sự hy sinh. Cầu nguyện, dù không phải là một công việc kiếm tiền, nhưng lại là nguồn sức mạnh nuôi dưỡng tâm hồn và dẫn dắt tôi trong hành trình này. Đời sống thánh hiến không chỉ là từ bỏ, mà còn là sự mở lòng để chia sẻ, phục vụ và làm giàu cho người khác. Sẽ chẳng có thời gian hay không gian nào ngăn cản tôi làm việc đó, có chăng cũng chỉ là sự nhát đảm, ngại khó khăn, thích an nhàn… Dẫu rằng vẫn còn đó những thử thách, nhưng sau tất cả tôi vẫn luôn tìm thấy hạnh phúc trong những điều giản dị. Đó là sự phong phú của tinh thần, là ánh sáng của đức tin và tình yêu thương.Vậy nên, có thể nói, tiền bạc không phải là mục đích cuối cùng. Điều quan trọng hơn là những giá trị mà tôi góp nhặt được trong từng khoảnh khắc sống, từng mối quan hệ, và những hành động yêu thương mà tôi dành cho đời. Câu hỏi “Bao giờ sơ làm ra tiền?” sẽ có câu trả lời trọn vẹn hơn nữa khi tôi hiểu rằng giàu có thật sự là sự giàu có của tâm hồn.

Đỗ Tương – Học Viện Đức Maria, Mẹ Sự Sống