Bộ Giáo Sĩ và Thượng Hội Đồng: Thư gửi các linh mục về tiến trình hiệp hành
WHĐ (21.3.2022) – Nhân ngày lễ Thánh Giuse, Đức Hồng Y Mario Grech, Tổng Thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục, và Đức Tổng Giám Mục Lazzaro You Heung sik, Tổng Trưởng Bộ Giáo Sĩ, viết thư cho các linh mục trên toàn thế giới để nói về sự đóng góp của các linh mục trong vai trò mục tử ở giữa Dân Chúa đối với tiến trình thượng hội đồng. Sau đây là nguyên văn bức thư:
BỘ GIÁO SĨ VÀ THƯỢNG HỘI ĐỒNG
Prot. n. 220083
THƯ GỬI CÁC LINH MỤC VỀ TIẾN TRÌNH HIỆP HÀNH
Thành Vatican, ngày 19 tháng 3 năm 2022
Các linh mục thân mến,
Chúng tôi đây, cũng là hai người anh em linh mục của anh em! Liệu chúng tôi có thể xin anh em một chút thời gian được không? Chúng tôi muốn nói chuyện với các anh em về một chủ đề tác động đến tất cả chúng ta.
“Hội thánh của Thiên Chúa đang được triệu tập trong Thượng hội đồng”. Tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội đồng từ năm 2021 đến năm 2023 bắt đầu bằng những từ này. Trong hai năm, toàn Dân Thiên Chúa được mời gọi suy tư về chủ đề “Hướng đến một Hội thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”. Đây là một điều mới mẻ có thể khơi dậy sự nhiệt tình và thậm chí là một chút bối rối nữa.
Tuy nhiên, “trong thiên niên kỷ đầu tiên, ‘bước đi cùng nhau’, tức là thực hành tính hiệp hành, đó là cách thức tiến hành thông thường của Hội thánh. Công đồng Vaticanô II đã làm sáng tỏ chiều kích này của đời sống Hội thánh, chiều kích ấy quan trọng đến nỗi thánh Gioan Kim Khẩu đã có thể khẳng định rằng: “Hội thánh và Thượng Hội đồng thì đồng nghĩa với nhau” (Thánh Gioan Kim Khẩu, Chú giải Thánh vịnh 149).
Chúng ta biết rằng thế giới hiện nay đang có nhu cầu cấp thiết về tình huynh đệ. Thế giới đang khao khát gặp gỡ Chúa Giêsu mà không nhận ra điều đó. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể làm cho cuộc gặp gỡ này xảy ra? Cùng với toàn thể Dân Chúa, chúng ta cần biết lắng nghe Chúa Thánh Thần, để canh tân đức tin và tìm ra những cách thức và ngôn ngữ mới mẻ để chia sẻ Tin Mừng với anh chị em của chúng ta. Tiến trình hiệp hành mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đề xuất cho chúng ta có mục tiêu chính xác là: cùng nhau đề ra, cùng biết lắng nghe lẫn nhau, chia sẻ những ý tưởng và dự án, để thể hiện khuôn mặt đích thực của Hội thánh: một “ngôi nhà chung” đón tiếp, với những cánh cửa rộng mở, là nơi có Chúa hiện diện và hoạt động bởi các mối tương giao huynh đệ.
Để chúng ta không rơi vào những rủi ro mà Đức Thánh cha Phanxicô đã nhấn mạnh – đó là chủ nghĩa hình thức làm giảm Thượng hội đồng thành một khẩu hiệu trống rỗng, chủ nghĩa duy lý, khiến Thượng hội đồng trở thành một suy tư lý thuyết về các vấn đề, và chủ nghĩa thụ động, vốn bám vào sự an toàn của các thói quen nơi chúng ta để không có gì thay đổi – điều quan trọng là chúng ta phải mở rộng tâm hồn và lắng nghe những điều Thần Khí gợi ý cho các Hội thánh (x. Kh 2,7).
Rõ ràng là khi đối mặt với hành trình này, nỗi sợ hãi có thể nảy sinh tấn công chúng ta.
Trước hết, chúng ta nhận thức rõ rằng các linh mục ở nhiều nơi trên thế giới đã và đang mang một gánh nặng mục vụ lớn lao. Và bây giờ – có vẻ như – một việc khác “phải làm” được thêm vào. Thay vì mời gọi các anh em nhân rộng các hoạt động của mình, chúng tôi muốn khuyến khích anh em nhìn các cộng đoàn của mình bằng ánh mắt chiêm ngưỡng mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói với chúng ta trong Tông huấn Evangelii Gaudium (số 71) để khám phá ra nhiều mẫu gương về sự tham gia, chia sẻ, đã bén rễ và phát triển nơi các cộng đoàn của anh em. Trên thực tế, giai đoạn của Thượng hội đồng ở cấp giáo phận hiện nay đang được thực hiện nhằm “thu thập sự phong phú cụ thể của các kinh nghiệm hiệp hành sống động” (Tài liệu Chuẩn bị, số 31). Chúng tôi chắc chắn rằng có nhiều điều hơn những gì thoạt nhìn có thể thấy, thậm chí có thể là không chính thức và còn tự phát nữa. Bất cứ nơi nào anh em lắng nghe cách sâu sắc, anh em học hỏi lẫn nhau, coi trọng những món quà của người khác, giúp đỡ nhau và cùng nhau đưa ra quyết định, thì đã có sẵn tính hiệp hành ở đó rồi. Tất cả những điều này phải được xem xét và đánh giá cao, để ngày càng phát triển phong cách hiệp hành, vốn là “cách thức sống và hành động đặc thù của Hội thánh, của Dân Thiên Chúa” (Tài liệu Chuẩn bị, số 10).
Nhưng cũng có thể còn có một nỗi sợ hãi khác: nếu quá chú trọng đến chức tư tế phổ quát của những người đã được rửa tội và cảm thức đức tin (sensus fidei) của Dân Thiên Chúa, thì điều gì sẽ xảy ra đối với vai trò của chúng ta, với tư cách là những người hướng dẫn và với căn tính đặc thù của mình, trong tư cách là những thừa tác viên đã được truyền chức? Không nghi ngờ gì nữa, mục đích là khám phá ngày càng nhiều hơn sự bình đẳng cơ bản của tất cả những người đã được rửa tội và khuyến khích tất cả các tín hữu tham gia tích cực vào cuộc hành trình và sứ vụ của Hội thánh. Do đó, chúng ta sẽ có được niềm vui khi gặp gỡ những anh chị em cùng chia sẻ trách nhiệm rao giảng Tin Mừng với chúng ta. Nhưng trong kinh nghiệm này của Dân Thiên Chúa, đặc sủng riêng biệt của các thừa tác viên đã được truyền chức để phục vụ, thánh hóa và làm sinh động Dân Thiên Chúa có thể và cũng phải đi tiên phong theo một cách thức mới mẻ.
Theo nghĩa này, chúng tôi muốn đặc biệt xin anh em đóng góp về ba phương diện vào hành trình hiệp hành hiện nay:
– Hãy làm mọi thứ có thể để cuộc hành trình này dựa trên việc lắng nghe và thực hành sống Lời Chúa. Đức Thánh cha Phanxicô gần đây đã khuyến khích chúng ta như vậy: “Chúng ta hãy trở thành những người say mê Sách Thánh. Chúng ta hãy để cho mình được Lời Chúa soi xét nội tâm, đó là Lời Chúa bày tỏ sự mới mẻ của Thiên Chúa và dẫn dắt chúng ta yêu thương tha nhân mà không biết mệt mỏi” (Đức Giáo hoàng Phanxicô, Bài giảng, ngày Chúa Nhật Lời Chúa, 23.1.2022).
Nếu không có nền tảng này trong sự sống của Lời Chúa, thì chúng ta có nguy cơ bước đi trong tối tăm và những suy tư của chúng ta có thể trở thành một ý thức hệ. Thay vào đó, khi đem Lời Chúa ra thực hành, thì chúng ta đang xây nhà trên đá (x. Mt 7,24-27) và giống như các môn đệ trên đường Emmaus, chúng ta sẽ cảm nghiệm được sự hướng dẫn đầy ngạc nhiên và ánh sáng của Đấng Phục Sinh.
– Chúng ta hãy cố gắng hết sức để đảm bảo rằng cuộc hành trình này được đặc trưng bởi sự lắng nghe và chấp nhận lẫn nhau. Ngay cả trước khi có kết quả cụ thể, thì đối thoại sâu sắc và gặp gỡ chân thực đã là một giá trị rồi. Trên thực tế, có rất nhiều sáng kiến và tiềm năng của các cộng đoàn của chúng ta, nhưng quá thường xuyên các cá nhân hoặc các nhóm có nguy cơ dẫn đến chủ nghĩa cá nhân và tự quy chiếu về bản thân mình. Với điều răn mới, Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Với tư cách là mục tử, chúng ta có thể làm rất nhiều điều tốt lành để tình yêu thương hàn gắn các mối tương giao và chữa lành những vết thương, vốn thường ảnh hưởng đến cơ cấu của Hội thánh, để niềm vui khi cảm thấy chúng ta là một gia đình duy nhất, một dân tộc lữ hành duy nhất, những người con cùng một Cha, và vì thế, tất cả đều là anh chị em với nhau, bằng cách khởi đi từ tình huynh đệ giữa các linh mục chúng ta.
– Hãy lưu ý rằng cuộc hành trình không dẫn chúng ta đến sự đóng kín thu mình lại, mà khuyến khích chúng ta bước ra ngoài để gặp gỡ mọi người. Trong tông huấn Evangelii Gaudium, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã cho chúng ta ước mơ về một Hội thánh không ngại làm bẩn bàn tay của mình bằng cách can dự vào vết thương của nhân loại, một Hội thánh biết lắng nghe và phục vụ người nghèo và các vùng ngoại biên. Sự “đi ra” đầy năng động này hướng đến các anh chị em của mình, với la bàn của Lời Chúa và ngọn lửa đức ái, thực hiện kế hoạch cao cả nguyên thủy của Chúa Cha: “Để tất cả nên một” (Ga 17,21). Trong Thông điệp mới nhất của ngài, Fratelli Tutti, Đức Thánh cha Phanxicô yêu cầu chúng ta dấn thân thực hiện điều này cùng với những người anh chị em của chúng ta thuộc các Giáo hội khác, thuộc các tín hữu của các tôn giáo khác, và tất cả những người thiện ý chí: tình huynh đệ đại đồng và tình yêu thương thì không loại trừ ai, nhưng phải bao trùm mọi sự và tất cả mọi người. Với tư cách là tôi tớ phục vụ Dân Thiên Chúa, chúng ta có một vị trí đặc biệt để đảm bảo rằng điều này không còn là một định hướng mơ hồ và chung chung nữa, nhưng trở nên hiện thực hóa chính nơi chúng ta đang sống.
Anh em linh mục thân mến, chúng tôi chắc chắn rằng, bắt đầu từ những ưu tiên này, anh em cũng sẽ tìm ra cách để đem lại sức sống cho những sáng kiến cụ thể, tùy theo nhu cầu và khả năng, bởi vì tính hiệp hành thực sự là lời kêu gọi của Thiên Chúa đối với Hội thánh của thiên niên kỷ thứ ba. Bước đi theo hướng này sẽ không thiếu những vấn nạn, những khó khăn và thất bại, nhưng chúng ta có thể tin tưởng rằng chúng ta sẽ nhận được gấp trăm, trong tình huynh đệ và hoa trái của sức sống Tin Mừng hóa. Chỉ cần nghĩ đến Thượng Hội đồng đầu tiên ở Giêrusalem (x. Cv 15). Ai biết được đằng sau hậu trường đó đã có bao nhiêu nỗ lực! Nhưng chúng ta biết khoảnh khắc đó có ý nghĩa quyết định như thế nào đối với Hội thánh sơ khai.
Chúng tôi kết thúc bức thư này của chúng tôi với hai đoạn từ Tài liệu Chuẩn bị sẽ có thể truyền cảm hứng và đồng hành với chúng ta gần giống như một cuốn Cẩm nang Thượng Hội Đồng.
“Khả năng hình dung ra một tương lai khác cho Giáo hội và cho các định chế của Giáo hội xứng tầm sứ vụ mà Giáo hội nhận lãnh, tùy thuộc phần lớn vào quyết định khởi động những tiến trình lắng nghe, đối thoại và biện phân cộng đồng, trong đó tất cả và mỗi người đều có thể tham gia và góp phần.” (Tài liệu Chuẩn bị, số 9).
“Hãy nhớ rằng mục đích của Thượng Hội đồng, và do đó của cuộc thỉnh ý này, không nhằm tạo ra các tài liệu, mà là ‘để gieo mầm ước mơ, rút ra các lời tiên tri và thị kiến, cho phép hy vọng nảy nở, khơi dậy niềm tin, băng bó các vết thương, cùng nhau đan kết các mối tương quan, đánh thức bình minh hy vọng, học hỏi lẫn nhau và mang lại một khả năng sáng tạo giúp khai mở trí tuệ, sưởi ấm trái tim, tiếp thêm sức mạnh cho đôi tay’” (Tài liệu Chuẩn bị, số 32).
Cảm ơn sự chú ý của anh em, chúng tôi xin đoan chắc về những lời cầu nguyện của chúng tôi và chúng tôi cầu chúc anh em và cộng đoàn của anh em có một hành trình hiệp hành vui tươi và kiến hiệu. Hãy biết rằng chúng tôi gần gũi và đồng hành với anh em trên hành trình này! Và thông qua chúng tôi, anh em hãy đón nhận lòng biết ơn của Đức Thánh cha Phanxicô, người luôn cảm nhận rằng anh em đang rất gần gũi với ngài.
Chúng tôi ký thác mỗi người trong anh em cho Đức Trinh Nữ Maria Chí Thánh, chúng tôi thân ái chào anh em trong Chúa Giêsu.
(đã ký)
Tổng Giám mục Lazzaro You Heung Sik,
Nguyên Giám mục Daejeon,
Tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ
(đã ký)
Hồng y Mario Grech,
Tổng thư ký Thượng hội đồng
Chuyển ngữ: Giuse Phan Văn Phi, O.Cist.
Dịch từ nguyên tác tiếng Ý, synod.va (19.3.2022)
Nguồn: hdgmvietnam.com