Chuyện vặt tuần thánh lượm nhặt trên đường
Tuần Thánh là trung tâm điểm Phụng vụ của Giáo hội. Tưởng như Tuần Thánh năm nay “thất nghiệp” thì bỗng đâu tôi nhận được lời mời lên thăm Giáo xứ Thường Thắng. Tôi lóc cóc mò đường và cuối cùng cũng đến được với Thường Thắng vào chiều thứ 5 – ngày Lễ Tiệc ly. Tôi đã đến và ở lại với Thường Thắng. Tuy chỉ ở mảnh đất bé nhỏ vỏn vẹn Tam nhật vượt qua nhưng tôi đã kịp lượm cho mình những bài học ý nghĩa. Đúng là “đi một ngày đàng nhặt một sàng chuyện. Xin kể…
Đường…
Con đường từ Hà Nội đến Thường Thắng khá đẹp, chạy xe mất chừng hơn tiếng đồng hồ. Băng qua cầu Vát, tôi đi nhầm lên Thị Trấn Thắng, phải quay đầu mất hai cây số rưỡi. Xa chút nhưng lại phát hiện ra điều lý thú. Vốn là năm trước, tôi ở Phú Bình – Thái Nguyên. Thi thoảng, tôi lượn xe xuống Hà Nội để đi việc này việc kia. Quốc lộ 3 mới thì cấm xe máy. Đường 3 cũ thì đang thi công “xấu xa tội lỗi”vô cùng. Xấu cũng phải đi vì đó là con đường nhanh nhất tôi biết. Cho nên mỗi lần đi trên tuyến đường đó kiểu gì tôi cũng lủng bủng vài câu “trách đời, trách người”. Giá như lúc ấy biết đi qua cầu Vát lên Phố Thắng rồi sang Phú Bình thì có nhanh hơn và đỡ tội hơn không. Vậy đấy, khi con người ta chỉ biết đi trên một con đường cùn mòn, cũ kĩ thì cái giá phải trả đương nhiên đắt hơn, đắt bụi, đắt vì tắc nghẽn, đắt vì chán nản, đắt vì bực bội, đắt vì chậm chạp…
Đức Giêsu đến trần gian để mở ra con đường Phục Sinh và mời gọi nhân loại bước đi trên con đường ấy. Hai ngàn năm băng qua như một cái chớp mắt, Tin Mừng đã đến với mọi dân tộc nhưng tỉ lệ còn ít quá ví như Giáo phận Bắc Ninh chỉ có hơn một phần trăm trong tổng số dân cư là người Công giáo. Cũng đáng buồn lắm chứ. Biết trách ai đây. Trách Chúa sao. Không. Trách nhiệm Loan báo hồng ân cứu độ là của tất các tín hữu Ki-tô giáo. Mỗi người đều mang trong mình hạt giống Tin Mừng nhưng hình như sự thờ ơ và sợ hãi đã khiến các tín hữu giấu kín hạt giống ấy như là phần thưởng cho riêng mình, không chịu gieo vào lòng đất, không chịu chết đi, không chịu thối rữa… thì giống nhưu chuyện đi trên con đường cũ kĩ, gập ghềnhxưa kia mà thôi. Muốn đổi mới cuộc đời, con người phải đi trên đường thập tự xưa kia Chúa Giêsu đã đi thì mới tới được vinh quang Phục Sinh.
Ít thua…
Giáo xứ Thường Thắng bé nhỏ được thành lập cách đây vài năm. Tổng số nhân danh ước chừng 800 người với 4 giáo họ: nhà xứ Thường, Bến Đông (nước), Hoàng Vân và Hoàng Nguyên. Tuy nhỏ bé nhưng nơi đây chứa đựng nhiều tiềm năng hứa hẹn tương lai tốt tươi, điều quan trọng là phải có nhiều hơn những nhân tố biết cách biến tiềm năng thành hiện năng.
Lần đầu tiên kể từ ngày khai thiên lập địa, Giáo xứ Thường Thắng có Cha về tổ chức Tam nhật Vượt Qua. Bỡ ngỡ nhiều lắm, nhưng hẳn nhiên nhờ Ơn Chúa quan phòng nên mọi chuyện êm xuôi vượt ngoài sức tưởng tượng. Theo lẽ thường, Tuần Thánh có rất nhiều nghi lễ phức tạp chỉ cần lơ là một chút là chia trí. Nhất là ca đoàn có khi phải chuẩn bị, tập rượt trước cả tháng nhưng ở Thường Thắng thì chỉ cần vài ngày là “OK” hết. Các vật dụng cần thiết cũng vậy, cứ “ho” một cái là “phút mốt” có ngay. Qua đó mới thấy tinh thần hi sinh phục vụ của Ban giáo xứ, ban hành giáo và cộng đoàn nơi đây nhiệt tình thế nào. Nhờ vậy mà Ơn Chúa xuống trên Giáo xứ thật dồi dào. Đúng như cái tên Thường Thắng, đã là THƯỜNG THẮNG thì ÍT THUA lắm. Ước mong sao giáo xứ sớm có mục tử đến ở cùng và dẫn dắt đoàn Chiên Thánh vững bước nhờ tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh.
Rửa chân…
Tối thứ 5 Tuần Thánh, Thánh Lễ Tiệc ly kỉ niệm sự kiện Chúa Giêsu thiết lập Thánh chức Linh mục và truyền phép Thánh Thể. Trong Thánh Lễ có nghi thức vị chủ tế cúi xuống rửa chân cho đoàn tông đồ nhắc nhớ hành động Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ năm xưa vì thế mà cộng đoàn quen gọi là Thánh Lễ rửa chân. Rửa chân là việc làm của đầy tớ đối với ông chủ của mình hay rộng ra là người dưới phục vụ người trên nhưng Chúa Giêsu là Vua các Vua, Chúa của các Chúa mà hạ mình xuống rửa chân cho các đồ đệ (trong đó có cả đồ đệ phản bội bán thầy với 30 đồng bạc) nghe sao lạ quá. Sự lạ đó nhắc nhở những người đi theo Chúa phải hạ mình xuống, quên mình đi mà phục vụ tha nhân, bởi Chúa đến trần gian là để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Thế nhưng, sự lạ đó cứ diễn đi diễn lại theo một hình thức nhất định nên thành ra quen thuộc mà mất đi tính chất lạ. Năm nào cũng vậy, cộng đoàn đến dự Lễ Tiệc ly, xem Linh mục rửa chân có mấy ông già già ở gần nhà mình xong rồi chưa kịp về đến nhà thì đã quên. Đấy cái lạ, cái ngược đời vốn dĩ làm giật mình bao người, chạm tới sâu thẳm tâm hồn bao người mà nay mất đi tính thời sự, trở nên quen thuộc đến nhàm chán. Sau Lễ rửa chân, có mấy ai dám quên mình đi để rồi đến tắm rửa, cắt móng tay móng chân, cắt tóc, giặt quần áo cho những anh chị em bị mắc bệnh bại liệt hay thần kinh lấy một năm một lần hay không. Nghe chừng khó quá, thách thức lớn quá. Thôi thì cứ tà tà vậy đã.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh mọi nghi thức trở nên quen thuộc đến nhàm chán thì đột nhiên Thiên Chúa lại gửi đến cho chúng ta một con người vĩ đại, tên Ngài là Jorge Mario Bergoglio. Khi còn là Hồng y – Tổng Giám mục, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nổi tiếng là một giáo sĩ sống nghèo khó, khi đăng quang Giáo hoàng, Ngài vẫn giữ cho mình nếp sống khó nghèo như trước.Thế rồi, lên Ngai được ít ngày, Ngài làm cho cả thế giới ngạc nhiên hết lần này đến lần khác. Đặc biệt, khi Đức Thánh Cha đến rửa và hôn chân các tù nhân vị thành niên thì cả thế giới giật mình và sững sờ. Mọi người giật mình vì thấy sự lạ, ai đời vị Giáo hoàng uy quyền như thế mà cúi xuống rửa chân cho các tù nhân. Điều đó cũng không lạ lắm vì khi Đức Giáo hoàng ở quê hương Ngài cũng làm như thế và xưa kia Chúa Giêsu cũng làm như thế chẳng qua là người ta quên đi hay thấy nó đã quá quen với hình thức cố định mà thôi. Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm một điều lạ một cách rất lạ. Vậy đấy, nếu một sự lạ mà cứ diễn đi diễn lại cùng một hình thức thì nó sẽ hết lạ mà trở thành quen. Vì thế, hành động lạ của Chúa Giêsu là rửa chân cho các môn đệ cần luôn luôn có những hình thức diễn đạt lạ. Không chỉ các Linh mục rửa chân cho 12 người đàn ông trong Thánh Lễ thứ 5 Tuần Thánh mà mỗi một Ki-tô hữu cũng phải rửa chân cho nhau và sẵn sàng phục vụ tha nhân trong mọi hoàn cảnh. Lạy Chúa! Rửa chân cho một người thân hay người bạn khỏe mạnh bình thường thì con cũng dám làm nhưng rửa chân cho kẻ thù của mình thì con chưa dám nghĩ tới. Xin Chúa chỉ cho con cách phải làm sao để hạ mình xuống như Chúa.
Ngắm và than…
Ngắm và than là hình thức sinh hoạt đạo đức bình dân quen thuộc trong mùa Chay Thánh. Thú thực từ bé tôi chưa từng lần nào ngắm và than. Một phần vì ngại, một phần cũng chẳng có ai chỉ bảo, một phần chưa có cơ hội. Dẫu thế trước mặt anh em bạn hữu vẫn chém gió phần phật để tỏ ra là mình nguy hiểm. Năm nay, cơ may đến, Cha chủ sự nhường cho xuất than quyển. Tôi vừa vui vừa sợ, vui vì có cơ hội được thử cảm nhận hương vị khi than vãn thế nào, nhưng cũng thấy rất sợ vì không may đổ bể thì khốn đốn. Đây là chuyện phụng tự nghiêm túc chứ không phải là lúc thử nghiệm khả năng của mình. Sau một hồi lâu suy nghĩ, tôi quyết định nhận lời. Than thì than, sợ gì. Tôi tin có Chúa hướng dẫn, mình chỉ cần chịu khó cần mẫn là mọi việc sẽ xuôi chèo mát mái. Thế là tối thứ 6 tôi đeo khăn tang lên than, than xong không thấy ai khóc nhưng cho đến hôm nay thì chưa thấy ai khen hay chê gì. Chẳng biết kết quả tốt xấu thế nào. Dẫu miệng gần tai nhưng khi than mình cũng có nghe thấy gì đâu. Thôi thì hay dở thế nào thì cũng mặc kệ, biết làm sao được, Chúa biết tình cảm của mình dành cho Chúa thế nào mà. Đợi mùa sau có dịp sẽ quyết tâm lên ngắm và than. Chắc chắn sẽ hay hơn nhiều. Mình tin là thế. Chúa ở bên mình. Chẳng sợ.
Rượu…
Ngẫm! Đời đôi khi cũng hay ra phết. Đang tỉnh táo bình thường thì lôi nhau ra uống cho bét-tè-lè-nhè mới sướng. Nhưng sướng chả thấy đâu chỉ thấy hoa mắt, chóng mắt, chóng mặt, đau đầu giảm trí nhớ, có khi nôn ọe chẳng khác gì chấn thương sọ não cả. Khi đã say thì lại mong rồi tìm mọi cách tỉnh thật nhanh. Ô. Thế mới hay. Hay quá xá. Lúc uống rượu người ta thường chúc nhau sức khỏe thế mới yếu. Ai cũng biết uống rượu nhiều không tốt cho sức khỏe nhưng sao cứ phải tìm cách mời nhau uống nhiều nhiều thì mới thích đã thế lại còn “em mời bác chén này chúc sức khỏe”. Chúa tôi. Khổ quá cơ. Cứ lấy rượu chúc sức khỏe nhau thì kiểu gì cũng yếu.
Nói đi thì cũng phải nói lại. Rượu thì cả thế giới này nơi nào cũng có, nơi nào cũng uống. Biết nó độc mà sao vẫn sản xuất vẫn uống ầm ầm. Chắc có lẽ là ngấm Lời Chúa quá đâm ra “yêu kẻ thù” tha thiết. Mà này nhé, Kinh Thánh chẳng nói Chúa Giêsu biến nước lã thành rượu ngon trong tiệc cưới Ca-na là gì. Còn nữa, chắc bữa nào Chúa và các môn đệ cũng uống rượu nên mới có Thánh Lễ Tiệc Ly, mới có sự kiện Chúa Giêsu cầm chén trong tay thánh thiện khả kính ngước mắt lên trời rồi trao cho các môn đệ mà nói “anh em hãy nhận lấy mà uống vì này là chén máu Thầy, máu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu sẽ được đổ ra cho anh em”. Lạ nhỉ, thế thì Chúa cũng ủng hộ việc uống rượu, Chúa hóa nước thành rượu ngon đã đành lại còn hóa rượu nho thành máu Người nữa. Không. Không phải thế. Ta phải hiểu thế này, sau khi Linh mục đặt tay truyền phép Thánh Thể thì bánh hóa thành mình Chúa, rượu hóa thành máu Chúa. Lúc ta hiệp Lễ là đón nhận mình và máu Thánh Chúa chứ không phải là bánh rượu đơn thuần nữa. Sự ly kì nằm ở đó. Rượu là rượu mà không phải là rượu nhưng lại là máu Chúa. Hay. Quá hay. Cho nên, trong tiệc cưới Ca-na, chưa chắc Chúa Giêsu đã hóa nước lã thành rượu mà có khi Chúa khiến cho những người dự tiệc khi uống nước lã múc từ trong chum đó ra có cảm giác như rượu ngon. Tức là nước lã là nước lã nhưng không phải là nước lã mà nhưng là rượu ngon. Thế mới hay. Hay ở chỗ khi ta tin đó là rượu thì nước cũng là rượu và tin đó là máu Chúa thì rượu sẽ là máu Chúa. Mấu chốt nằm ở chỗ ông có TIN hay không mà thôi. Bởi vì điều Thiên Chúa cần nơi con người không phải là các dạng vật chất hữu hình mà hơn cả là Đức tin. Chỉ cần đức tin của con bé bằng hạt cải thì con có thể rời núi lấp biển mà. Tiếc thay Đức tin của con còn bé quá, bé tới mức không có hình thù gì.
Trở lại chuyện rượu ở đời thường. Hẳn nhiên là chỉ khi người ta vui vẻ, quý mến nhau thì mới mời nhau uống rượu và chỉ khi uống rượu người ta mới thật. Vì lẽ đó mà cứ đến đâu người ta quý mến là cũng lôi rượu ngon ra mời và chúc sức khỏe. Khổ nỗi khỏe chưa thấy đâu thì đã thấy yếu ngồi chờ ở đáy chén rồi. Không biết làm sao, uống vào thì say hỏng lỡ hết việc mà không uống thì họ không vui cũng khó hợp tác để làm việc cho nên hồn. Ngẫm đi ngẫm lại tình yêu của con người dành cho nhau kiểu gì cũng có tác dụng phụ, chỉ tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại là nguyên tuyền, vì tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu cho đi vô điều kiện mà không đòi đáp trả.
Ruồi…
Mấy ngày ngồi ăn cơm ở Thường Thắng tự ngẫm ra một chuyện khá hay. Tôi lặng lẽ quan sát hoạt động của các chú ruồi một cách tỉ mỉ và chợt phát hiện ra, những chú ruồi này hết sức thông minh. Có khi chúng thông minh hơn cả con người cũng nên. Các chú lượn lờ vo ve trên không trung rồi nhanh như chớp đậu xuống các đĩa thức ăn. Nếu không có ai xua đuổi, đánh đập thì chúng cứ ngồi lý ở đó. Nhưng không phải món nào chúng cũng đậu đâu ạ. Thường thì lúc bay lượn cũng là lúc chúng đi “kiểm tra độ an toàn thực phẩm” và khi thấy món ăn an toàn liền lập tức hạ cánh xuống. Ví dụ, như trong mâm có bún vị chua chua khá quyến rũ nhưng các chú ruồi chẳng bao giờ hoặc rất ít hoặc có chót đậu xuống rồi là bay ngay vì ở trong bún chắc chắc chắn có hóa chất tẩy rửa. Tôi chợt nhớ đến một bài báo nọ nói đến chuyện người dân ngâm cá biển vào hóa chất rồi đem phơi trên bãi cát, ruồi nhặng kéo đến rất đông nhưng tuyệt nhiên không con nào đậu vào những bạt cá phơi dưới nắng nhìn ngon lành, bắt mắt mà rủ nhau đi tìm những chỗ người ta bỏ đầu, bỏ ruột cá để vui chơi vì ở chỗ đó không ngâm hóa chất. Trời đất quỷ thần cũng chẳng hình dung nổi, có những món ăn đến ruồi còn chẳng thèm đậu ấy vậy mà con người vẫn ăn ngon lành và khen tấm tắc. Từ đó tôi rút ra kinh nghiệm thế này, giống như rau sạch ắt sẽ có sâu nên khi chọn các các món ăn, cứ thấy món nào có ruồi bâu thì chắc chắn đó là món ăn sạch. Có đúng không ạ?
Ruồi là loài được xem là rất bẩn, là trung gian gây các bệnh truyền nhiễm. Người ta thường bảo “tự nhiên như ruồi”, “bẩn như ruồi”, ấy vậy mà chúng có tự nhiên, có bẩn lắm đâu. Chúng biết chọn thực phẩm sạch để đậu chứ không phải gặp đâu bâu đấy. Còn con người thì lại làm ra thực phẩm độc hai để nuôi sống đồng loại của mình. Hơn nữa, dẫu biết là nó bẩn, ẩn chứa nhiều bệnh tật nhưng vì khuất mắt trông coi nên cứ ăn nhiệt tình. Đến loài ruồi bẩn được xem là bẩn thỉu mà còn biết đậu chốn thanh sạch thì con người trông khôn ngoan như thế chả lẽ lại không thanh sạch hơn loài ruồi được sao?
Có những Cha kể rằng, nhiều khi giáo dân quý mến Cha xứ nên đem con gà quả trứng hoặc thịt hoặc rau hay các sản vật ở quê vào biếu. Vì yêu mến quá nên khi biếu thì thường kèm thêm lời giải trình như “gà này là gà sạch con không cho ăn cám tăng trọng…” hay “con biếu Cha rau sạch không một giọt thuốc kích thích…” hay “con biếu Cha yến mì ăn sáng, mì này nhìn đen đen nhưng là mì sạch không có thuốc tẩy…”. Còn nhiều chuyện nghe xong dở khóc dở cười. Xã hội biến thái nhiều quá, những giá trị CHÂN – THIỆN – MỸ bị méo mó. Có khi nào những người Công giáo ngồi lại mà xét mình xem có phải là người sản xuất, tiếp tay, phân phối những thực phẩm có hại cho cộng đồng hay không. Điều đó cứ để cho lương tâm mỗi người trả lời. Nhưng nhất định những người theo Chúa thì không thể vì lợi nhuận mà bán rẻ lương tâm mình. Nói vậy thì cũng chỉ là về mặt lý thuyết thôi. Biết là hóa chất này kia gây hại nhưng cái hại đó không nhìn thấy bằng mắt thường. Nếu không có hóa chất thì không có lợi nhuận, không có cái ăn nên cũng đói vàng mắt ra. Khó. Bài toán quá khó. Không hóa chất cũng chết mà hóa chất cũng chết. Chọn cách nào. Các cụ nhà ta bảo “chết vinh còn hơn sống nhục”. Từ vấn nạn trên, tôi thiết nghĩ đến việc hình thành những làng CÔNG GIÁO SẠCH, sạch những tai tệ nạn xã hội, đồng thời gắn liền với việc sản xuất thực phẩm sạch, bảo vệ môi trường tự nhiên trong sạch. Tức là hiện thực hóa nền văn minh tình thương và sự sống, tránh tình trạng cứ nói trên miệng, viết trên giấy xuông rồi quên. Những làng Công giáo sạch khi được hình thành sẽ góp phần đẩy lùi xu hướng biến thái của xã hội, nhất là về lâu về dài những người chưa phải Công giáo sẽ nhận ra dấu chỉ tình thương Chúa, và đó cũng là phương cách để Loan báo Tin Mừng hữu hiệu. Dẫu biết chống lại xu thế của xa hội là rất khó nhưng với sự quyết tâm và Ơn Chúa giúp, chắc chắn người Công giáo sẽ làm được.
Tân tòng
Tối thứ 5 Tuần Thánh, rước mình Thánh Chúa sang nhà tạm. Các giáo họ được phân công chầu Thánh Thể lần lượt. Chúng tôi cùng với Cha chủ sự Chầu cuối cùng. Khi vừa bước vào nhà thờ, tôi thấy một thanh niên mặc áo trắng, sơ vi đàng hoàng chắc đã chầu ở đó từ rất lâu. Tôi tự hỏi không biết anh thanh niên này là ai mà đạo đức đến vậy, với dáng vẻ thánh thiện như thế có khi anh là một tu sĩ ở Dòng Kín nào về nghỉ dịp Tuần Thánh cũng nên. Suy nghĩ về anh tôi thấy mình còn khô khan nguội lạnh lắm, có nhiều khi đến với Chúa vì nghĩa vụ hay cho hết trách nhiệm chứ thực ra cũng chẳng yêu Chúa là mấy. Nhờ anh thanh niên ấy mà tôi có nửa giờ chầu ý nghĩa và sốt sáng.
Tưởng chừng như câu chuyện dừng lại ở đây thì chiều hôm sau, tôi gặp lại người thanh niên này. Anh chủ động tới chào, bắt tay tôi cách trân trọng và quý mến. Anh giới thiệu tên là Tuấn nhà ở gần đây lấy vợ ở Cẩm Khê – Phú Thọ (vợ anh là đồng hương với tôi). Tôi biết vậy không dám tò mò hỏi thêm. Chiều thứ 7 anh đến rất sớm đem theo bộ âm thanh của gia đình để lắp ở khu vực lễ đài. Anh còn nhiệt tình tham gia vào công việc chuẩn bị cho Thánh Lễ đêm vọng Phục Sinh. Buổi chiều tối, khi ngồi ăn cơm lân la hỏi chuyện tôi mới giật mình biết rằng anh là tân tòng, vợ anh là đạo gốc. Anh đang làm xây dựng ở Hà Nội, lấy vợ cách đây mấy năm nay có hai nhóc rồi. Anh kể anh là con trưởng trong một gia đình chưa có đạo nên khi anh ngỏ ý muốn lấy chị thì gia đình phản đối dữ lắm nhưng anh vẫn quyết định tiến đến hôn nhân. Anh bảo, anh nhận được nhiều Ơn Chúa như vậy là nhờ đời sống đạo đức của chị. Anh rất cảm phục chị vì dù ở Hà Nội bao năm, dù gia đình khó khăn là vậy nhưng chị vẫn giữ mình không vướng phải những cám dỗ. Từ sự cảm phục chị, anh đã tìm hiểu đạo và đến với Chúa bằng cả trái tim của mình. Anh sẵn sàng hy sinh cho công việc nhà Chúa với tâm hồn đơn sơ và chân thật. Theo cách nói như bây giờ thì anh Tuấn xứng đáng được phong danh hiệu “giáo dân chất lượng cao”. Tôi bảo vậy, anh Tuấn cười mãn nguyện lắm. Tôi tự cảm thấy xấu hổ vì anh Tuấn là tân tòng (đạo ngọn) mà sốt sáng làm vậy mà nhiều người đạo gốc (trong đó có tôi) lại thờ ơ, đôi khi coi Chúa như là mơ. Và tôi cũng lấy làm buồn vì số lượng những tân tòng như anh Tuấn còn ít quá. Thậm chí rất nhiều bạn nữ Công giáo sau khi lấy chồng (chồng là tân tòng) lại bị truyền giáo ngược tức là quên hết cả Chúa, quên hết cả đạo nghĩa thờ thánh. Vậy hóa ra những bạn nữ đó chưa thực sự trưởng thành về Đức tin hoặc không có ý thức về giá trị của Đức tin và đương nhiên là không có khái niệm về Loan báo Tin Mừng. Đâm ra về mặt con số cơ học chúng ta có thêm một người nữa trở lại Đạo nhưng thực chất là chúng ta mất đi một tín hữu. Có rất nhiều Cha xứ, giáo xứ quy định khá chặt chẽ về vấn đề hôn nhân phức tạp này như thời gian tìm hiểu đạo phải từ 6 tháng trở lên (kể từ khi trình diện), học giáo lý dự tòng trong thời gian dài, học kinh bổn đầy đủ… Tuy nhiên đó chỉ là kế sách tạm thời, đôi khi còn gây ra tác dụng phụ vì người ngoài Công giáo không hiểu thành ra họ trách người có đạo ép họ đi đạo mới cho cưới hay trong chính những bậc phụ huynh (là người Công giáo) sốt ruột muốn tổ chức cho con cái mình thật nhanh nên trách Cha xứ, Ban hành giáo “hành hạ” gia đình họ. Có không ít trường hợp vì Cha xứ, Ban hành giáo không làm theo ý họ muốn nên sinh ra chuyện nói hành, nói xấu Cha xứ, Ban hành giáo đủ chuyện, thậm chí là bỏ luôn cả thờ thánh, Lễ lạy. Thật đáng buồn. Cho nên về lâu về dài chúng ta nhất thiết phải trang bị cho những bạn trẻ Công giáo có đủ khả năng để bảo vệ và thông truyền Đức tin của mình trong mọi hoàn cảnh. Có lẽ phải mở ra những khóa học đặc biệt để đào tạo giới trẻ Công giáo biết sống chứng nhân Tin mừng khi xây dựng gia đình với người khác đạo hoặc tân tòng. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh phải thực sự quan tâm đến con cái mình nhất là các bạn trẻ là sinh viên, công nhân sống xa nhà, từ đó có định hướng phù hợp về hôn nhân nhưng hơn cả là tạo cho con em mình nếp sống đạo vững vàng chứ đừng để nước đến chân rồi mới nhảy thì đã muộn.
Chia tay…
Sáng Chúa Nhật Phục Sinh, đoàn chúng tôi chuẩn bị hành trang lên đường. Dù là ngày Lễ nghỉ ai cũng có dự định riêng nhưng bà con giáo dân còn nán lại rất lâu sau Thánh Lễ để chia tay đoàn. Những cái bắt tay, những nụ cười chan chứa hy vọng chúng tôi sẽ trở lại vào một ngày gần nhất. Mọi người đều bịn rịn, có người cất giọt nước mắt vào sâu bên trong. Có đi, có đến, có tiếp xúc với nhiều người mới thấy tình anh em chung một Cha trên trời lớn mức nào. Mảnh đất Thường Thắng đã đón tiếp chúng tôi, đã nuôi chúng tôi lớn lên. Dẫu xa cách nhưng trong trái tim mỗi người luôn nhớ về Tam Nhật Vượt Qua lần đầu tiên nơi Giáo xứ Thường Thắng thân yêu. Trong Thánh Lễ, Cha chủ sự nói rằng không chỉ đợi đến khi đi đất mới hóa tâm hồn mà ngay khi còn ở Thường Thắng mảnh đất này đã hóa tâm hôn chúng con. Nhớ lắm những ánh mắt dịu dàng, những bữa ăn đầy ắp tình yêu thương. Nhớ lắm ngôi Thánh đường đá ong cổ kính, nhớ những hàng vải đang trổ sinh hoa trái. Nhớ lắm những con người mộc mạc giản dị nơi đây, nhớ ông Chánh Nhàn, ông Chánh Hòa, ông trùm Kính, ông trùm Khánh, anh Sinh, anh Tuấn… và biết bao người đã cầu nguyện đã hy sinh đã hỗ trợ để chúng ta Mừng Chúa Phục Sinh trong hân hoan và tạ ơn. Chúng con tạ ơn Chúa muôn đời, xin Chúa cho chúng con luôn can đảm làm chứng về Đức Ki-tô Phục Sinh Khải hoàn trong môi trường sống của mỗi người chúng con.
Chiếc xe chạy về phía trước còn yêu thương cứ chạy mãi về phía sau.
Bác ái…
Chia tay Thường Thắng, đoàn chúng tôi đến với ngôi nhà Bảo Lý yêu thương – nơi tôi đã từng sống gần một năm. Mỗi lần trở lại đây, trong tôi lại trào ứa niềm xúc động mãnh liệt. Đã từ lâu, tôi coi Bảo Lý là ngôi nhà thứ 2 của tôi. Những con người nơi đây đã giúp đỡ tôi, cưu mang tôi, cho tôi thêm nghị lực để sống, để phục vụ. Từ ngày tôi đi, Bảo Lý giờ đã có nhiều đổi khác gọn gàng hơn, ấm cúng hơn, sinh tươi hơn hứa hẹn tương lai tốt đẹp trong yêu thương và khiêm nhường.
Nắng đầu mùa man mác, tiết trời ngày Đại Lễ Phục Sinh trong trẻo, ngọt ngào. Thánh Lễ trưa nay có thêm bí tích khai tâm đón nhận 3 thành viên mới vào gia đình Giáo hội. Nhìn sâu trong đôi mắt của cả 3 người tôi thấy lóe lên những tia hy vọng mãnh liệt. Anh Sơn, chị Nhàn và cháu Dũng vốn là những trường hợp gặp khó khăn, đau khổ trong cuộc sống nhờ sự chở che, gúp đỡ, chỉ dạy của những môn đệ theo Chúa Giêsu mà họ nhận ra và yêu mến Chúa để rồi họ quyết tâm vác thập giá lên cùng đi theo Chúa. Kể từ nay có Chúa cầm tay soi lối chỉ đường, anh chị và cháu sẽ không sợ vấp chân vào đá. Chúa Giêsu Phục Sinh Khả hoàn vinh thắng tiến lên để mở ra cả trời hồng ân, làm cho cây thập giá mỗi người nở hoa và trở nên Thánh Giá.
Mầu nhiệm Chúa Giêsu Phục Sinh là tâm điểm là mấu chốt trong hành trình Đức tin của các tín hữu. Các tín hữu không được phép giữ kín Tin Mừng Phục Sinh cho riêng mình mà phải hân hoan loan báo cho những người xung quanh. Không phải bằng lời nói xuông hay những hoạt động ăn mừng Lễ dầm dộ nhưng qua lời cầu nguyện, qua những việc lành phúc đức để mọi người nhận biết Thiên Chúa là tình yêu. Qua chứng nhân là những Ki-tô hữu sống yêu thương và tín thác, sẽ có nhiều người biết Chúa và trở lại cùng Chúa. Yêu thương là con đường duy nhất mà Thiên Chúa hằng đi. Yêu thương là phương thức hữu hiệu nhất để Loan báo Tin Mừng cứu độ. Chúa Giêsu đến trần gian vì yêu thương, rao giảng chân lý vì yêu thương, chết đi vì yêu thương và sống lại vinh hiển cũng vì yêu thương. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đa ban Con Một Ngài, để những ai tin vào Người sẽ được cứu độ. Lạy Chúa xin Chúa cho chúng con biết yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng con.
“Đây là ngày Chúa đã làm ra
Nào ta hãy vui mừng hoan hỉ”
Kỉ niệm Tuần Thánh 2015
Nguyên Đức