Cuộc Sống Đổi Thay

Tôi là một người công giáo sinh ra và lớn lên tại một họ đạo nhỏ của giáo phận Bắc Ninh. Khác với những đứa trẻ công giáo khác, từ nhỏ họ đã được đi lễ thường xuyên, được học giáo lý, được sinh hoạt, thì tôi hoàn toàn ngược lại. Một họ đạo nhỏ bé có vài giáo dân, mỗi tháng chỉ có một thánh lễ, có khi không có lễ nào, không được học giáo lý, không được sinh hoạt vì không có các hội đoàn. Có lẽ, đây là thiệt thòi vô cùng lớn đối với bản thân tôi. Nhưng bù lại, tôi có một gia đình ngoan đạo, luôn hướng dẫn tôi đọc kinh, làm gương sáng để tôi noi theo, đây chính là điều mà Thiên Chúa đã bù lại cho tôi. Đến năm tôi học lớp 10, giáo xứ chính thức có cha xứ, họ đạo nhỏ bé cũng được quan tâm nhiều hơn và đều có thánh lễ vào sáng Chúa nhật hàng tuần. Đây là một niềm vui vô cùng lớn đối với tôi vì có thể được cùng gia đình đi lễ, được gần Chúa nhiều hơn. Hè năm lớp 12, một biến cố đã xảy ra với tôi, vào một buổi sáng Chúa nhật như thường lệ, sau khi kết thúc thánh lễ cha xứ có thông báo:

  • Trong tháng 7 này có khoá tĩnh tâm tìm hiểu tại Nhà Ứng Sinh Thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự dành cho các em từ lớp 9 đến hết lớp 12, mong các ông bà có thể cổ võ các em đi tìm hiểu. Nếu em nào muốn đi thì xin gia đình báo lại cho ông trùm để ông trùm báo lại cho cha nhé!

Đó là lần đầu tiên tôi nghe đến Nhà Ứng Sinh và hàng ngàn câu hỏi hiện ra trong đầu tôi: Vào đó để làm gì? Có gì hay không? Ở đấy có như ở nhà không? Thế rồi các câu hỏi của tôi được giải đáp bởi một người anh họ gần nhà xứ đã từng đi tìm hiểu trước đó. Lần đó, được lời mời gọi của cha xứ và sự ủng hộ của gia đình, tôi quyết định đi tĩnh tâm định hướng.

Mang theo nỗi lo âu cùng với sự tò mò, tôi cùng với một người anh khác cùng xứ đã đến Nhà Ứng Sinh.

Đến nơi, điều đầu tiên tôi thấy là sự ngoằn ngoèo và nhỏ hẹp khó đi của đường làng  Xuân Hòa. Khi qua được đường làng, chúng tôi tiến vào trong cổng Nhà Thánh Tự. Thứ hình ảnh in sâu vào trong tâm trí tôi đó là hình ảnh của đàn cò trắng đang bay lượn trên bầu trời, tiếp đến là ngôi nhà nguyện nhỏ cổ kính với hàng trăm năm tuổi đời và dãy nhà cổ màu vàng lập ngói đỏ au. Bất ngờ hơn là sự tiếp đón chu đáo của quý cha và quý thầy trong ban ơn gọi. Sau khi hoàn thành thủ tục đăng kí, tôi nhận được phòng nghỉ của mình. Cất đồ xong tôi quay lại bàn trà để làm quen với những anh em khác cùng khóa tĩnh tâm. Cùng khoá với tôi có 24 anh em đến từ mọi miền trong giáo phận Bắc Ninh.

Tuần tĩnh tâm gồm 7 ngày, 2 ngày đầu tiên để chúng tôi làm quen với môi trường và giờ giấc nơi đây. Trong hai ngày ấy, chúng tôi được cùng nhau tìm hiểu về đời sống thánh hiến, bốn chiều kích thiêng liêng và vui chơi trong các giờ thể thao.

Giờ tĩnh tâm bắt đầu từ chiều thứ tư đến chiều ngày thứ bảy, trong khoảng thời gian này chúng tôi phải giữ thinh lặng để cầu nguyện và phân định ơn gọi.

Kết thúc tĩnh tâm, anh em chúng tôi họp mặt nhau để chia sẻ những gì đã nhận được qua kì tĩnh tâm vừa rồi. Với bản thân tôi, điều mà tôi nhận ra được qua kì tĩnh tâm đó chính là tình yêu với tha nhân, với những người nghèo và những người có số phận bất hạnh. Đây cũng chính là một trong những nguồn động lực thúc đẩy tôi bước theo con đường ơn gọi thánh hiến.

Ngày cuối cùng, anh em chúng tôi cám ơn quý cha và quý thầy và chào tạm biệt để trở về nhà.

Khi vừa về đến nhà, tôi nhận được điện thoại của mẹ:

  • Con về đến nhà chưa? – Mẹ nói

Tôi trả lời:

  • Dạ con về đến rồi, bố mẹ đi đâu đấy con không thấy ở nhà?

Mẹ tôi tiếp tục:

  • Bố mẹ đang ở viện trông bà, bà bị ôm đi viện được mấy ngày rồi, có đồ ăn mẹ mua sẵn rồi đấy con cứ hâm nóng lên rồi ăn thôi.

Tôi ngậm ngùi:

  • Dạ vâng, bà khoẻ hơn chưa ạ? Mẹ cho con nói chuyện với bà một tí.

Mẹ trả lời:

  • Bà đỡ rồi, nhưng đang ngủ lúc nào bà thức thì mẹ gọi cho. Thôi con cứ nghỉ đi đã có gì mẹ gọi lại sau.

Tôi đành ngồi đó và thưa với mẹ:

  • Dạ vâng, con chào mẹ!

Hai tuần sau, thay vì gọi điện thì bố tôi đưa tôi đến bệnh viện để thăm bà. Chúng tôi trò chuyện vui vẻ với bà, nhưng bà cũng chỉ có thể mỉm cười vỏn vẹn một hai cái vì bà mệt. Đó là lần cuối cùng trong đời tôi được nói chuyện cùng với bà.

Chỉ hơn một tuần sau đó, khi tôi đang ngủ, bỗng có người gọi tôi dậy vào lúc 6 giờ sáng. Khi tôi dậy thì mọi người đều đã tỉnh, những bầu không khí lúc này thật tĩnh lặng không ai nói câu gì, chỉ nghe thấy tiếng khóc thút thít của bác gái:

  • Dậy cầu nguyện cho bà đi, bà đang về rồi!  

Không còn là đứa trẻ ngay thơ, tôi hiểu ra vấn đề, mắt tôi bắt đầu ướt nhẹp vì nước mắt chảy ra không kiềm lại được. Hai tiếng sau, một chiếc xe cứu thương đi vào trong sân nhà, bà được đưa xuống xe bằng giường đẩy. Lúc này, hơi thở của bà chỉ còn thoi thóp. Vài phút sau bà nhìn mặt cả nhà lần cuối rồi về với Chúa mà không nói được một câu nào. 8 giờ ngày 14 tháng 8, một mốc thời gian mà cả đời tôi sẽ không thể nào quên được. Bà chính là một người bạn, một người thầy luôn ân cần chăm sóc chở che tôi từ khi tôi còn đang trong bọc mẹ mà nay đã ra đi. Con cám ơn bà rất nhiều vì đã luôn đồng hành bên con!

Ấy vậy mà thời gian trôi qua nhanh chóng, mới ngày nào tôi còn chưa biết đi tu là gì, còn đang cởi trần chăn bò, bắn bi với bạn, nghe chuyện bà kể. Bây giờ tôi đã là một chú ứng sinh đang trên bước đường tìm hiểu ơn gọi của mình. Ở Nhà Thánh Tự, tôi giống như một người con, một người em và là một người anh, được làm việc, học tập, vui chơi, được tham dự thánh lễ và các giờ kinh cùng mọi người. Đó chính là niềm vui của đời sống thánh hiến.

Tôi còn nhớ rõ, câu hỏi mà các cha trong ban ơn gọi đã hỏi tôi trong kì tĩnh tâm:

  • Con có thích đi tu không?

Lúc ấy, như có một năng lực phát ra tự nơi tôi khiến tôi trả lời một cách dứt khoát và không hề do dự:

  • Dạ! Con có.

Chính câu trả lời tự do ấy đã giúp tôi được bước theo Chúa.

Con xin cảm tạ Chúa vì Ngài đã dẫn dắt con, mời gọi con bước theo con đường của Ngài, để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Xin Chúa thánh hóa và biến đổi con người con mỗi ngày để con có thể từ bỏ thói xấu, trau dồi kiến thức và rèn luyện các nhân đức. Xin Chúa cũng ban ơn cho các bạn trẻ để họ mạnh dạn đáp lại lời của Ngài và sẵn sàng phục vụ tha nhân.

Con xin tạ ơn Chúa. 

– Issac –

Nhà Ứng Sinh thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự