Cuộc sống nhà trọ thời covid

 Nói đến thời Covid-19, chúng ta nghĩ đến điều gì nổi cộm bây giờ? Nổi cộm là chữ “No!” có nghĩa là “Không”: Công nhân không có việc làm; học sinh không đến trường được; hàng quán không buôn bán sầm uất; người không phận sự không ra ngoài đường; làng nào biết xóm ấy không tụ tập, không tổ chức sự kiện tập trung đông người… để tránh Covid-19. Nói như thế có nghĩa việc người dân không có thu nhập ổn định, thiếu thốn tư bề giữa trời nắng tháng 6 nơi các dãy nhà trọ. Tôi cũng vậy! Covid-19 cũng không tha tôi. Tôi cũng tạm hết công việc, đồng nghĩa với đói, thiếu thốn và lo lắng.

Nhưng Covid-19 chưa vào đến nhà tôi. Cho nên, tôi vẫn phải chạy như cờ ông công, tôi không sợ nó sao? Không phải là không sợ, nhưng vì cũng đói và thiếu thốn như nhiều người đang phải giãn cách, đang phải cách ly. Cái bụng của tôi sôi lên vì ăn mỳ tôm hết tuần này qua tuần khác. Tôi nhìn đến mì tôm là ngán đến tận cổ, sót ruột, thèm rau, chỉ ở trong phòng trọ vài mét vuông với bốn bức tường nóng hầm hập. Đúng là “chống dịch như chống giặc”. Các ngả đường dường như vắng lạnh mà các cụ ví “vắng như đi tránh bom”. Các ngả đường dãy phố bị phong toả bằng tôn, bằng gạch, bằng tầm cống bê tông để ngăn người ra vào khu vực cách ly và giãn cách xã hội.

Điệp khúc lãng mạng như: “Ngày buồn, tháng nhớ, đêm mong” mấy ngày nay cũng được nhắc lại nhiều trong các show của chị Covid-19. Buồn vì không được về quê, buồn vì mỗi ngày lại có thêm người bị nhiễm Covid-19, buồn vì đói, thiếu thốn và thất nghiệp, buồn vì bị cách xa, ly biệt…buồn vì nhớ bạn bè, nhớ thầy cô, nhớ trường nhớ lớp, nhớ người yêu, nhớ những con đường tấp nập tràn đầy nhựa sống mà nay đã đìu hiu. Tiếng cười của trẻ thơ trong những ngày hè cũng không còn rôm rả nữa. Lẽ ra chúng không phải ở nhà tránh dịch, mà chúng cần được cha mẹ cho đi thăm quan du lịch, tắm biển, cho về quê nội quê ngoại.

Quả là đáng buồn biết bao phải không! Cuộc sống thời Covid-19 khó khăn và trăn trở bao nỗi niềm, nhưng đổi lại người ta lại có cơ hội nhìn lại cuộc sống của mình để sống chậm hơn, sống thời gian bên gia đình nhiều hơn. Trước đây có thể vì những chuyến công tác, những hợp đồng làm ăn, những công việc, những cuộc hẹn hò, những bữa tiệc như cuốn người ta đi, những bữa cơm gia đình thường ít khi có đủ cả vợ chồng con cái.

Như vậy dù bị phong toả hay cách ly về mặt địa lý, nhưng tình tương thân tương ái của con người vẫn được biểu lộ rõ qua những chuyến thiện nguyện khắp nơi trên quê hương Việt Nam thân thương đổ về. Cao cả hơn và thánh thiêng hơn là những lời kinh, nguyện ngắm không chỉ của những người trưởng thành, người lớn tuổi mà còn của các em thiếu nhi cứ vang lên để cầu nguyện cho nhau. Tất cả những việc đó chúng ta gần nhau hơn.

Dù muốn hay không, chúng ta vẫn phải thừa nhận một thực tế là dịch Covid-19 đã gây ra những xáo trộn không nhỏ trong đời sống xã hội, làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người, nhiều gia đình. Việc phòng, chống, ngăn chặn và đẩy lùi dịch Covid-19 là trách nhiệm chung của mọi người, của toàn xã hội. Song ở góc nhìn khác, dịch bệnh cũng là cơ hội để nhiều người tìm về với giá trị gia đình, sưởi ấm tình cảm gia đình thiêng liêng, và có thời gian gần gũi với cha mẹ, con cái và vợ chồng hơn.

Những việc vốn bình dị nhưng trong thường nhật bận rộn, không phải ai cũng có thể làm được. Cho nên, việc phong tỏa hay cách ly xã hội về địa lý không là một rào cản lớn lao làm cho người ta xa cách nhau cho bằng việc phong toản con tim của mỗi người với nhau. Covid cũng đem chúng ta lại gần nhau hơn. Hãy xem đại dịch này như một cơ hội để yêu thương. Theo lời Chúa dạy, Kitô hữu phải nhìn nhận tất cả là “người lân cận” (x.Lc 10,28-29), sẵn lòng “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15). Nhờ đó tình Chúa, tình người sẽ cứ mãi lan toả ở cuộc đời này.

Maria Phạm Thị Hoài