Đôi nét về giáo họ Hòa An

       Nằm bên hữu ngạn sông Thương và cách nhà xứ Mỹ Lộc 4 km về phía Tây Nam, Hòa An đã thu hút bao con người. Nơi hài hòa, thư thái, an lành, con người được gặp gỡ nhau và gặp gỡ đất Trời. Niềm tin Công Giáo đã được in sâu vào tâm lòng con người Hòa An ,trong tấm lòng  của mỗi người dân chất phác nơi đây, ẩn chứa một đức tin kiên cường, một lòng mến vững vàng và lòng cậy trông tha thiết. Bởi thế, Lò Nồi luôn hứa hẹn một mùa gặt bội thu của đức tin. 

Bổn mạng: Lễ thánh Giuse thợ (01/5), địa chỉ: Thôn Lò Nồi, Hợp Đức, Tân Yên, Bắc Giang

 

Hạt giống đức tin

Hòa An được hình thành từ hai nhóm người di cư đến. Nhóm thứ nhất, năm 1919, có 9 hộ giáo đình thuộc họ nhà xứ Mỹ Lộc đã sang chân đồi Bờ Tầng thuộc xóm Lò Nồi, xã Hợp Đức hiện nay để làm ăn sinh sống. Gồm các gia đình: Ông Kính, Ông Vượng, Ông Trìu, Ông Tụng, Ông Giang, Ông Mão, Ông Điền. Nhóm đến sau đó ít lâu, có hai hộ gia đình làm nghề chài lưới quê ở Thanh Miện, Hải Dương đến làm ăn ở khu Bến Táng (khu Cống Mọc, hiện nay vẫn còn một mảnh đất gần bờ sông Thương).Bởi địa hình  khu Con Cá (thôn Lò Nồi) là một nơi dễ dàng cho việc làm ăn kinh tế. Đây được coi là nhóm người đầu tiên ở làng Hòa An, cũng là những tín hữu tiên khởi của giáo họ. Có thể ví họ như hạt giống nhỏ bé được gieo âm thầm dưới lòng đất thẳm sâu để một ngày mai mọc lên một cây cải to lớn, trưởng thành và sinh hoa trái.

Nhà thờ, biểu tượng đức tin

Sau một thời gian ngắn, cơ sở đã gọn gàng, mọi người sống yên ấm bên nhau. Ông Kính vận động khu Con Cá, ông Trọng động viên khu Cống Mọc xây dựng nhà nguyện, để có chỗ đọc kinh, cầu nguyện. Được Cha xứ Gioakim Thuần cho phép, nhà nguyện nhỏ được xây dựng tại khu chân Bờ Tầng, Con Cá. Người người, nhà nhà cố gắng góp công, góp sức vào xây dựng ngôi nhà nguyện nhỏ bé. Chịu trách nhiệm xây dựng, ông Kính, đã cho đắp tường bằng cay đất, khung bằng tre, mái lợp rạ. Gọi là Nhà thờ Con Cá. Tuy nhỏ bé, nhưng nhà thờ cũng đủ nói lên sự hiệp nhất của người Lò Nồi. Tuy từ hai tỉnh xa cách nhưng chung một niềm tin. Tuy khác biệt về văn hóa và con người nhưng gặp nhau ở đời sống đức tin.

Khi làm xong Nhà thờ, Giáo họ có bầu 2 ông trùm: ông Inhaxiô Kính là trùm chính, ông Phêrô Trọng  làm trùm phó. Khi nhà thờ đã hoàn thiện , Giáo họ được Cha xứ đến  làm phép và làm tuần tu đức để đón nhận ơn lành của Chúa.

Năm 1942, cha Phêrô Phạm Huy Niêm về coi sóc giáo xứ Mỹ Lộc. Nhờ đó, Ngài đã kêu gọi toàn bộ các hộ thuộc họ Sàn, họ Mỹ Lộc đang làm ăn sinh sống tại đây (bên sông) sinh hoạt tôn giáo theo họ Con Cá.

Ấn tượng  không quên là cuộc rước năm 1946, kiệu sơn son thiếp vàng, đứng trên có tượng Đức Mẹ ngự trị, từ Cống Mọc về nhà thờ Con Cá. Sự kiện này đã ghi dấu một bước trưởng thành của Giáo họ. Khi ấy, Giáo họ có 47 hộ tham dự cuộc rước và tuần tu đức (10 hộ làm nghề chài)

Mất mát và hy vọng

Từ năm 1946-1954, trong cuộc chiến tranh Đông Dương cùng với tình hình chung của đất nước , giáo họ cũng chịu một phần hậu quả của cuộc kháng chiến, cũng nổi trôi theo sông mang tên sông Thương. Vào năm 1949, trong chính sách tiêu thổ kháng chiến chỉ còn lại. Nhà thờ cũng bị phá hoại nặng, xuống cấp nghiêm  trọng, số tín hữu ở lại quá ít ỏi, không đủ sức tu sửa. Bởi thế, nhà thờ Con Cá  không được  trùng tu và dần hư hỏng theo thời gian.

Năm 1950, cha Phêrô Niêm coi sóc giáo xứ, đã cho số giáo hữu còn lại chuyển Nhà thờ về khu Trại Canh, đất bãi ven Sông Thương. Sau biến cố lịch sử giáo họ chỉ còn lại một số hộ dân chài. Nhà thờ được chuyển gần với dân . Cha  đổi tên thành  họ Nghĩa Hưng và chuẩn bị xây nhà thờ mới, là nơi con Chúa tụ họp để cầu nguyện cho quê hương Việt Nam yêu dấu qua khỏi bom đạn và chia ly.

Đang xây dựng dở dang, thì chiến tranh chống Pháp lan rộng, nên nhà thờ chưa hoàn thành được .Cùng với thời gian nhà thờ bị hư hỏng dần, chỉ còn lại nền móng và tường gạch. Thời gian này, các hộ gia đình lại về sinh hoạt đức tin tại họ cũ (Sàn, Mỹ Lộc).

Tin buồn ngang tai, làm đau đớn lòng người Nghĩa Hưng. Ngày 15.3.1959, cha Phêrô Niêm đã được Chúa gọi về. Từ nay, cha con xa cách, nhà thờ Nghĩa Hưng bị hư hỏng nặng, giáo dân không có chỗ để tập trung đọc kinh cầu nguyện nữa.Thời gian này, đức tin nơi Nghĩa Hưng lại mang một dáng dấp mới thầm kín và riêng tư.

Năm 1961, cha Đaminh Hoàng Nghĩa Châu phụ trách vùng Bắc Giang trong đó có giáo họ Nghĩa Hưng (tên cũ của giáo họ Hoàn An). Nhờ đó, các hộ thuộc họ Sàn, họ nhà xứ Mỹ Lộc đang sống bên kia sông (thuộc Lò Nồi) sát nhập vào họ Nghĩa Hưng sinh hoạt với dân thuyền làng chài ở đó. Việc này tiện bề cho danh giới hành chính, bởi cách trở sông nước. Đến đây, Nghĩa Hưng vẫn chưa có nhà thờ nên các gia đình vẫn chủ yếu đọc kinh tại gia.

Tạ ơn Chúa, niềm vui ngập lòng, đoàn con phấn khởi vui mừng. Năm 1964, Chúa đã gửi đến với Giáo họ một vài ân nhân. Nghĩa Hưng tuy bé nhỏ nhưng cũng cố gắng trùng tu lại Nhà Chúa. Thế nhưng, tình đời cứ vậy, thi công dở dang thì bị ngăn cản. Chính quyền không cho làm vì lý do: Đất nước đang bước vào chiến tranh chống Mỹ. Ngậm mùi, người con Nghĩa Hưng lại cố gắng cầu nguyện nơi vách đất chênh vênh của đời sống để một ngày đức tin bừng sáng.

Năm 1973, cha Giuse Nguyễn Tiến Giản đã xin Đức cha Giáo phận thành lập họ Hòa An, quy tụ các tín hữu ở cả ba khu Lò Nồi, Con Cá và Nghĩa Hưng. Cũng từ đó, anh chị em giáo hữu tập trung tại tư gia để đọc kinh cho đến khi chuyển về nhà thờ hiện nay. Qua năm gia đình, ngôi nhà riêng thành nhà chung để Giáo họ đến đọc kinh cầu nguyện. Lần lượt là các gia đình: ông Đinh Đồng Nhiêm (khoảng 1 năm); ông Phanxicô Nguyễn Văn Trâm (khoảng 3 năm); Giuse Nguyễn Văn Miện (khoảng 2 năm); ông Phanxicô Nguyễn Văn Tri (1 tháng). Vì khó khăn đi lại, rậm rạp, nên sau đó chuyển trở lại gia đình ông Phanxicô Nguyễn Văn Trâm (từ năm 1975 đến 2000). Nơi đây để quy tụ con dân Nghĩa Hưng,Lò Nồi hướng về. Nơi đây, dân Chúa Hòa An hiệp nhất với nhau bằng lời kinh âm vang, sốt sắng và trang nghiêm, mỗi sáng, mỗi tối. Hơn nữa, nơi đây, thỉnh thoảng có thánh lễ, có một lần Đức Cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến đã về kinh lý.

Đến năm 1975,  do chính sách khắt khe về tôn giáo nên việc đọc kinh và dâng hoa từ tháng 8.1975 đến tháng 6.1976 chỉ làm trong sự lặng im. Điều này luôn hối thúc mọi con tim cùng hướng về một nơi để ca tụng Cha trên trời, là Đấng Tạo Hóa muôn loài. Cho dù nhiều ngăn cản việc đọc kinh chung, nhưng khó khăn cấm cách đó không thể vượt trên lòng của con dân Nghĩa Hưng. Để từ đây, mọi sinh hoạt tôn giáo đều diễn ra ở ngoài trời, bên cạnh nhà thờ đổ. Bất kể trời nắng, trời mưa, hạt giống đức tin vẫn âm thầm để một mai sẽ trổ sinh hoa trái.

Ngôi nhà thờ mới

Ngôi nhà thờ hiện tại của Giáo họ được xây từ năm 1999. Theo nghị quyết 228 của chính phủ, dân cư phải vào trong xóm sinh sống, nên khu Trại Canh không còn dân cư ở. Bởi thế việc khôi phục nhà thờ trên nền móng cũ (khu Trại Canh) là không  phù hợp. Năm 1990, Giáo họ đã liên tục làm đơn xin chuyển nhà thờ về địa điểm mới để xây dựng lại.Đến ngày, 18.12.1998, chính quyền đã đồng ý với ý kiến của giáo dân.

Ngày 15.11.2003, Đức cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến đã làm phép để dâng ngôi nhà thờ này cho Thiên Chúa. Nhìn từ xa ngôi nhà thời mới hiện lên nổi bật nhờ hai tháp sừng sững vươn lên giữa trời trên  quê hương xã Hợp Đức. Từ nay, tiếng chuông được vang lên đều đặn trước các giờ kinh, giờ lễ chung cả cộng đoàn.

Năm 2012, nhà thờ đã được trùng tu và nối tiếp hai gian cuối, từ nhà thờ đến tháp chuông. Đến nay, nhà thờ có kích thước: dài 21m, rộng 7m, cao 6m, nằm trọn trên diện tích 7000m2.

Hiện nay, Giáo họ được coi sóc bởi quý cha dòng Don Bosco, quý dì dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức. Về tổ chức Giáo họ: ban hành giáo có 7 người, có các hội đoàn đạo đức như: Dòng ba Đaminh, Mân Côi, Giuse, Focolare, Huynh trưởng, Thiếu nhi Thánh Thể, Ca đoàn, Trống trắc, Đoàn hoa.

Đến nay, cảm nghiệm được ơn lành từ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Giáo họ Hòa An luôn tiến bước trong đức tin, dấn thân vào xã hội phục vụ mọi người không phân biệt lương giáo.

WGP Bắc Ninh