Đôi nét về giáo xứ Dâu
THÔNG TIN CHI TIẾT
Giáo xứ Dâu từng là một giáo xứ bề thế của giáo phận trong những năm trước chiến tranh. Giáo xứ được thành lập năm 1936 với 12 họ đạo trực thuộc. Tuy nhiên, trải qua nhiều thăng trầm, hiện nay xứ Dâu chỉ còn 3 giáo họ là Dâu, Ngọc Khám và Tứ Cờ với tổng số 272 nhân danh.
I. GIÁO HỌ NHÀ XỨ DÂU
1. Các thông tin cơ bản.
Tên gọi: Giáo họ nhà xứ Dâu.
Địa chỉ nhà thờ: Thanh Khương, Khương Tự, Thuận Thành, Bắc Ninh.
Năm thành lập: 1936.
Bổn mạng: Thánh Albertô (15/11).
Số giáo dân: Dâu có 170 nhân danh sống rải rác trong thôn Khương Tự với dân số khoảng 1600 người (tức giáo dân chỉ chiếm hơn 10%). Người dân ở Dâu chủ yếu vẫn sống dựa vào đồng ruộng nhưng trong những năm gần đây, bà con đã chuyển dần sang các ngành dịch vụ – thương mại.
Các dòng tu, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Cộng đoàn Hiệp hội Đức Maria – Mẹ Sự Sống, hội Mân côi, hội Lòng Chúa Thương Xót, phong trào Thiếu nhi Thánh Thể.
Nhà thờ: Ngôi thánh đường xứ Dâu nằm bên tỉnh lộ 282, sát cạnh chùa Dâu, do cha Giuse Trần Đăng Can khởi công xây dựng năm 1998, hoàn thành giai đoạn 1 năm 2001 với gian cung thánh và 3 gian phía dưới. Cho đến năm 2008 mới hoàn thiện giai đoạn 2 với 2 gian cuối và phần tháp. Nhà thờ có kiến trúc theo phong cách nhà rông Tây Nguyên kết hợp mặt bằng hình chữ Thập thời Phục Hưng. Nhà thờ có chiều dài 24m, chiều rộng 10m (nơi hẹp nhất) – 15m (nơi rộng nhất). Mái nhà thờ cao 14m, tháp chuông cao 28,5m với 2 quả chuông nhỏ, nặng khoảng 10kg/1 quả (trong đó 1 quả đúc ở Pháp, 1 quả đúc ở Nga).
2. Lịch sử hình thành và phát triển
Mảnh đất Dâu vốn là chiếc nôi của Phật giáo, có thành Luy Lâu là trung tâm chính trị thời Bắc thuộc tại Việt Nam nên việc truyền giáo tại khu vực này rất khó khăn. Không có tài liệu lịch sử nào ghi nhận việc truyền giáo tại đây trong suốt mấy thế kỉ từ khi có người Công giáo hiện diện ở Việt Nam. Thế nhưng, mảnh đất này đã đón nhận đức tin trong một hoàn cảnh vừa bình thường mà lại hết sức lạ lùng. Vào thập niên 20 của thế kỉ trước, ông Cao Văn Thoan là người Dâu về thăm anh em ở Đình Tổ (vốn đã đón nhận đức tin từ trước). Thấy đời sống của người Công giáo rất lạ, rất văn minh, quyền con người được đề cao, đặc biệt là thấy người người yêu thương nhau nên ông Thoan đã tiếp cận và tìm hiểu về đạo. Về quê nhà ở Dâu, ông Thoan kêu gọi anh em họ hàng, làng xóm cơm đùm cơm nắm xuống Đình Tổ học đạo. Càng học càng hiểu càng thấm, bà con Dâu nô nức xin gia nhập đạo. Người này giới thiệu cho người kia, số giáo dân ở Dâu gia tăng một cách nhanh chóng. Nhà thờ, nhà nguyện trong vùng được xây dựng cấp tốc, tuy đơn sơ nhưng người dân hân hoan, làng xóm vui mừng.
Tới năm 1936, giáo xứ Dâu được thiết lập với 12 họ đạo trực thuộc là: Thanh Hoài, Mãn Xá, Công Hà, Đông Cốc, Đồng Ngư, Phú Mỹ… và có các cha về coi sóc. Đời sống đức tin đang ngày một lớn mạnh thì biến cố năm 1954 xảy ra. Tuy không có nhiều người di cư vào Nam nhưng vì những o ép thời cuộc và lại là bổn đạo mới nên bà con giáo dân hoang mang sợ hãi rồi dần dần bỏ đạo. Vì thế mà từ một giáo xứ sầm uất, đời sống đạo ở Dâu trở nên yên ắng đến lạ thường. Đất nhà thờ bị chiếm dụng trước sự bất lực của 5 gia đình giáo dân trung kiên hết lòng yêu mến và quyết tâm giữ gìn Đạo Chúa tới cùng. Từ số giáo dân còn “sót” lại sau biến cố đau thương ấy, đời sống đức tin xứ Dâu tưởng như đã đi vào quên lãng, tới nay lại hồi sinh và không ngừng bung lộc trổ hoa, hứa hẹn một mùa gặt bội thu.
3. Đời sống đức tin:
Xứ Dâu có một số hội đoàn như: Cộng đoàn Hiệp hội Đức Maria – Mẹ Sự Sống, hội Mân Côi, hội Lòng Chúa Thương Xót, phong trào Thiếu nhi Thánh Thể đang hoạt động. Ngoài ra còn có nhóm sinh viên công giáo đang theo học ở Trường Cao đẳng May Thời trang Hà Nội thường xuyên sinh hoạt, cùng với một số giáo dân đang làm việc tại các khu công nghiệp lân cận. Trong tương lai, ở Dâu có thể sẽ có thêm rất nhiều di dân tới sinh hoạt nên cha xứ và ban hành giáo đặc biệt chú trọng đến vấn đề này.
II. GIÁO HỌ NGỌC KHÁM
1. Các thông tin cơ bản.
Tên gọi: Giáo họ Ngọc Khám.
Địa chỉ nhà thờ: Ngọc Khám – Gia Đông – Thuận Thành – Bắc Ninh.
Bổn mạng: Thánh Giuse (19/03).
Năm thành lập: 1950.
Số giáo dân: Giáo họ hiện có 102 nhân danh với 27 gia đình Công giáo sống rải rác trong thôn Ngọc Khám, Âp Khám và phố Khám. Các gia đình trong vùng đa phần canh tác nông nghiệp, một số ít làm công nhân viên và phần nhỏ tham gia vào các hoạt động thương mại – dịch vụ trên địa bàn. Đời sống kinh tế trong những năm gần đây tương đối ổn định.
Nhà thờ: Nhà thờ Ngọc Khám được khánh thành ngày 31 tháng 12 năm 2014. Nhà thờ rộng 9m, dài 25,5m, mái cao 11m, tháp chuông cao 28m với 1 quả chuông cổ nặng 165kg. Tổng diện tích khuôn viên nhà thờ rộng 1165,5m2.
2. Lịch sử hình thành và phát triển:
Ngọc Khám đón nhận Đức tin từ cuối thế kỉ XIX. Nghe các bậc cao niên kể lại rằng: ngày ấy, một thiếu nữ trong làng lấy chồng ở Ngăm Giáo rồi 2 vợ chồng về Ngọc Khám sinh sống, nhờ đời sống đạo đức yêu thương nhau của 2 vợ chồng mà rất nhiều người dân trong làng đã xin gia nhập đạo.
Từ những hạt giống ban đầu, họ đạo Ngọc Khám dần hình thành và một ngôi nhà nguyện đã được xây dựng. Đến năm 1950, giáo họ có thêm rất nhiều gia đình trong làng gia nhập đạo, trong đó có cả gia đình các ông lý trưởng, lý phó. Lúc đó, Ngọc Khám có chừng hơn 1.700 nhân danh và giáo họ đã xây dựng một ngôi nhà thờ bằng gỗ lim rộng 9 gian trên một mảnh đất mới.
Biến cố di cư năm 1954, hầu hết mọi người đã di cư vào miền Nam, ở lại Ngọc Khám chỉ còn mấy gia đình, một vài gia đình trong số ở lại đã bỏ đạo.
Ngôi nhà thờ 9 gian và mảnh đất của giáo họ bị trưng thu làm nhà kho hợp tác xã. Tới năm 1990, chính quyền mới trả lại 3 gian nhà dột nát cho giáo dân tới đọc kinh. Sau nhiều kiến nghị, chính quyền đã đổi lại cho giáo họ Ngọc Khám mảnh đất mới là nhà thờ hiện nay.
3. Đời sống đức tin:
Hiện nay, Ngọc Khám chưa tái thiết lập được hội đoàn nào. Hy vọng trong tương lai không xa, giáo họ Ngọc Khám sẽ thêm lớn mạnh và không ngừng trổ sinh hoa trái cho giáo hội, để tiếp tục làm chứng tá cho Đức Kitô Phục sinh như những tháng năm vàng son thủa nào.
III. GIÁO HỌ TỨ CỜ
1. Thông tin cơ bản
Tên gọi: Giáo họ Tứ Cờ.
Địa chỉ: Tứ Kỳ, Ngũ Thái, Thuận Thành, Bắc Ninh.
Bổn mạng: Thánh Phaolô trở lại (25/01)
Số giáo dân: 38 nhân danh.
Nhà thờ: Nhà nguyện Tứ Cờ được xây dựng năm 2016.
2. Lịch sử hình thành và phát triển:
Vùng đất Tứ Cờ vốn trước kia là vùng trắng chưa có bất cứ người Kitô hữu. Nhưng kể từ khi một người con của vùng đất Tứ Cờ là bà Nguyễn Thị Năm làm ăn ở Hà Nội, bà Năm đã gặp được các cha Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội và đã tìm hiểu về đạo và được rửa tội vào năm 2009. Cùng với Tông đoàn Gioan Phaolô II và các cha Dòng Chúa Cứu Thế, bà Năm đã đưa Tin mừng về cho những người thân yêu ở Tứ Cờ. Năm 2014, cụ bà Nguyễn Thị Liễu được người cháu là bà Nguyễn Thị Năm khuyên bảo nên đã theo đạo Chúa. Cụ Liễu được rửa tội và lấy tên thánh là Maria vào cuối năm 2014, cụ Maria Liễu là tín hữu người đầu tiên ở Tứ Cờ.
Sau đó con cháu của cụ Liễu được cha Giuse Đỗ Đình Tư và một số thành viên Tông đoàn Phaolô II dạy giáo lý và được rửa tội năm 2017. Cũng trong ngày rửa tội, ngôi nhà thờ được Đức cha giáo phận Cosma Hoàng Văn Đạt cắt băng khánh thành và làm phép làm nơi đọc kinh, dâng lễ cầu nguyện cho tổ tiên và toàn dân ở vùng Tứ Cờ.
3. Đời sống đức tin.
Từ hạt giống Tin mừng đầu tiên là cụ Maria Nguyễn Thị Liễu rửa tội vào năm 2014, đến nay sau 8 năm số tín hữu ở Tứ Cờ đã tăng lên 38 nhân danh, cùng với lòng nhiệt thành và sốt sắng của bà con giáo dân. Đây là một niềm hy vọng lớn cho công cuộc Loan báo Tin Mừng sẽ sinh nhiều hoa thơm trái ngọt tại vùng đất cổ kính Tứ Cờ.
Biên soạn: Ban TTGP Bắc Ninh