Đức Thánh Cha ấn định Chúa Nhật III Thường Niên là Chúa Nhật Lời Chúa
Lai lịch và mở đầu
Đức Thánh Cha cho biết ngài đi đến quyết định trên đây, nhắm lại lời bao nhiêu lời thỉnh cầu của các tín hữu, mong muốn trong Giáo Hội có một Chúa Nhật Lời Chúa được cử hành. Ý tưởng này, ngài đã có vào cuối Năm Thánh Lòng Thương Xót hồi năm 2016, nghĩa là thiết lập “một Chúa Nhật hoàn toàn về Lời Chúa, để hiểu sự phong phú vô tận đến từ cuộc đối thoại liên lỷ của Thiên Chúa với dân Người” (Misericordia et misera, 7).
Tông Thư Tự Sắc của Đức Thánh Cha dài 12 trang, chia làm 15 đoạn, bắt đầu với câu trích từ Tin Mừng theo thánh Luca, đoạn 24 câu 45, kể lại Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các môn đệ “trong lúc họ họp nhau, bẻ bánh và Chúa mở tâm trí cho họ hiểu Kinh Thánh”. Chúa tỏ cho các môn đệ đang sợ sệt và thất vọng ý nghĩa của mầu nhiệm Vượt Qua, nghĩa là theo ý định đời đời của Chúa Cha, Chúa Giêsu phải chịu khổ nạn và sống lại từ cõi chết để ban ơn hoán cải và tha thứ tội lỗi; Chúa hứa ban Thánh Linh, Đấng ban cho các môn đệ sức mạnh can đảm trở thành nhân chứng về Mầu Nhiệm Cứu Độ ấy”.
Đức Thánh Cha nhắc lại Cộng Đồng Vatican II, qua Hiến Chế “Lời Chúa” (Dei Verbum) và Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã triệu tập Thượng Hội đồng Giám mục thế giới năm 2008 về “Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội” và sau đó đã công bố Tông Huấn “Lời Chúa”, là giáo huấn tối cần thiết cho các cộng đoàn chúng ta”.
Khía cạnh đại kết của Chúa Nhật Lời Chúa
Trong Tự Sắc, Đức Thánh Cha cũng nhắc đến chiều kích đại kết của Chúa Nhật Lời Chúa vì ngày này ở trong mùa các tín hữu Công Giáo được mời gọi củng cố các liên hệ với người Do thái (17/01) và cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô (25/01). Đức Thánh Cha nhận xét rằng “đó không phải là một sự trùng hợp tình cờ: việc cử hành Chúa nhật Lời Chúa biểu lộ một giá trị đại kết vì Kinh Thánh vạch ra cho những người lắng nghe con đường phải theo để đạt tới một sự hiệp nhất chân chính và vững chắc”.
Vài đề nghị cụ thể
Đức Thánh Cha cũng đưa ra một vài đề nghị cụ thể để tiến hành Chúa Nhật Lời Chúa: cử hành trọng thể, trong thánh lễ nên đặt Sách Thánh trên ngai để cộng đoàn thấy rõ giá trị qui phạm của Lời Chúa. Các giám mục có thể cử hành nghi thức trao ban tác vụ Đọc Sách trong phụng vụ… Các cha sở có thể tìm ra những hình thức để trao Kinh Thánh hoặc 1 phần trong Bộ Sách Thánh cho toàn thể cộng đoàn để làm nổi bật điều này là: cần tiếp tục đọc, đào sâu và cầu nguyện với Sách Thánh trong đời sống thường nhật, đặc biệt là nguyện gẫm Lời Chúa, Lectio Divina.
Dọn bài giảng
Trong dịp này, Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở về tầm quan trọng của việc dọn bài giảng, “dành thời giờ thích hợp cho công việc này. Không thể ứng khẩu bình luận các bài đọc Sách Thánh… Các vị mục tử có trách nhiệm giải thích và giúp mọi người hiểu Kinh Thánh, với ngôn ngữ đơn sơ và thích hợp với người nghe… Các vị giảng thuyết được yêu cầu đừng giảng dài, “đừng nhiều lời với những bài giảng khoa đại, dạy đời, hoặc về những đề tài ngoài đề”.
Đức Thánh Cha viết: “Khi ta dừng lại để suy niệm và cầu nguyện về văn bản thánh, khi ấy ta có khả năng nói với hết tâm hồn để đi vào tâm hồn của những người lắng nghe, để có thể biểu lộ điều thiết yếu được đón nhận và mang lại hoa trái. Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi trong việc dành thời giờ và kinh nguyện cho Kinh Thánh, để Kinh Thánh được đón nhận “không phải như lời người phàm, nhưng như lời đích thực của Thiên Chúa” (1 Tx 2,13). (Sala Stampa 30-9-2019).
Theo Đài Chân Lý Á Châu