Góp ý Dự Thảo Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo

GÓP Ý VỀ DỰ THẢO LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO

Góp ý dự thảo luật tín ngưỡng, tôn giáo (pdf)

Kính gửi Văn phòng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam,

Nhận được đề nghị của Văn phòng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam góp ý về Dự Thảo Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo đề ngày 16 tháng 8 năm 2016 về việc góp ý dự thảo  Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo (sau đây viết tắt là: DTLTNTG).  Chúng con đại diện cho Đức giám mục, linh mục, nam nữ tu sỹ và giáo dân có một số nhận định và góp ý như sau:

Nhìn chung DTLTNTG có một số tiến bộ hơn so với bản dự thảo 4 Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo đề ngày 10 tháng 4 năm 2015  của Bộ Nội Vụ – Ban Tôn Giáo Chính Phủ. Tuy nhiên, DTLTNTG này vẫn còn nhiều điểm dựa trên những nguyên tắc bảo vệ quyền của chính quyền hơn là bảo vệ quyền của con người và quyền công dân.

 Sau đây chúng con xin có một  vài góp ý:

  1. Luật tín ngưỡng tôn giáo phải đảm bảo được tính dân chủ: theo như điều 3 hiến pháp hiện hành của Việt nam quy định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ củaNhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.” Vì vậy luật này không thể lấy việc quản lý của chính quyền làm gốc.  Hầu như suốt từ chương 3 đến hết  chương 8 của DTLTNTG luôn quy định mọi sinh hoạt tôn giáo phải “đăng ký”  đến cơ quan có thẩm quyền và phải chờ trả lời bằng văn bản. Điều này trên thực tế trong nhiều năm vừa qua đã gây khó khăn và cản trở biết bao những hoạt động của các tôn giáo.
  1. Bản DTLTNTG này tự nó mâu thuẫn: các quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo được đề cập khá đầy đủ  ở chương 2.  Tuy nhiên từ chương 3 trở đi thì các quyền và tự do  lại bị hạn chế và ngăn cản bởi các thủ tục hành chính mà dự thảo quy định. Hoặc điều kiện để một  tổ chức tôn giáo được công nhận  phải có tài sản độc lập với cá nhân (điều 21). Trong khi đó điều 30 lại quy định tổ chức tôn giáo chỉ được công nhận là pháp nhân khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận việc thành lập. Vì vậy các tổ chức tôn giáo chưa được công nhận lấy đâu ra tài sản độc lập để được công nhận.
  1. Các chức sắc tôn giáo hay các nhà tu cũng là một công dân, vì vậy họ cũng có quyền lợi và nghĩa vụ như bất kỳ những công dân khác. Tuy nhiên DTLTNTG này có nhiều điểm hạn chế quyền công dân của các chức sắc  tôn giáo và những người tu hành.
  1. Nhiều từ ngữ trong DTLTNTG còn rất chung chung và mơ hồ, điều này đã tạo cơ sở cho những người quản lý, nhất là các cấp địa phương luộn lợi dụng vào kẽ hở này để gây khó dễ cho các  sinh hoạt tôn giáo. Ví dụ: “Sở hữu chung cộng đồng”  “truyền đạo trái pháp luật”, “tham gia” “đăng ký”….. Phải hiểu như thế nào về những cụm từ này?
  1. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt nam không thể đứng ngoài đà phát triển chung của thế giới. Trong khi đó Việt nam đang hội nhập khá thành công và mang lại nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế cũng như văn hóa xã hội. Nhưng DTLTNTG còn mang tính “lũy tre làng”, chưa đáp ứng được qúa trình hội nhập, nhất là trong các điều đề cập đến tôn giáo có yếu tố nước ngoài.

Trên đây là một số những nhận định và góp ý chân thành của  chúng con, với mong  muốn Văn phòng Hội Đồng Giám Mục Việt nam  có những ý kiến đóng góp cho Luật tín ngưỡng, tôn giáo thực sự là một văn bản luật tiến bộ, tạo được  môi trường thông thoáng với chính sách hợp lòng người để có thể hòa nhập với đà tiến của thế giới. Có như thế xã hội mới ngày càng phát triển bền vững và tốt đẹp, tất cả nhằm mục đích phục vụ người dân hợp với sự phát triển chung của nhân loại trong đó có dân tộc Việt Nam. 

   Lm. Tổng Đại Diện

(ấn ký)

Giuse Nguyễn Đức Hiểu