Gx. Xuân Hòa: Đức cha giáo phận dâng lễ Phục sinh và kỷ niệm 159 năm các đầu mục tử đạo
Hòa chung không khí Mừng Chúa Phục Sinh của giáo phận Bắc Ninh, kỷ niệm 159 năm (4/4/1862 – 4/4/2021), ngày 100 vị đầu mục Bắc Ninh đã đổ máu đào lưu giữ đức tin cho giáo phận tại cổng tả, thành cổ Bắc Ninh, giáo xứ Xuân Hòa vinh dự được đóng góp 26 vị đầu mục vào trong danh sách những người con ưu tú của giáo phận. Vì thế, hôm nay mọi thành phần dân Chúa trong giáo xứ long trọng kỷ niệm ngày các vị được phúc tử vì đạo.
Thánh lễ Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, vị chủ chăn của giáo phận chủ tế. Đồng tế với ngài, có cha Giám đốc nhà thánh Phê-rô Tự Giuse Lê Quốc Chinh, Cha xứ Giu-se Nguyễn Văn Tâm, quý thầy, quý chú, quý Dì dòng Đa Minh Bắc Ninh, cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa sở tại.
Mở đầu bài chia sẻ Lời Chúa, Đức cha Cosma đã hỏi các em thiếu nhi về sự quyết tâm bảo vệ đức tin theo gương cha ông đã đi trước, đặc biệt là 26 vị đầu mục tử đạo của giáo xứ. Ngài kể lại chẳng đường mà các vị đầu mục đã phải trải qua, biết bao cám dỗ, tra tấn và thử thách, cũng có vị đã bước qua, nhưng đúng 100 vị đầu mục đã anh dũng bảo vệ Thánh Giá Chúa, bảo vệ đức tin của giáo phận mà không chịu bước qua Thánh Giá.
Mừng ngày các đầu mục hy sinh bảo vệ đức tin, không chỉ là để chúng ta tôn vinh, hò reo sự anh dũng của các ngài, rồi sau đó lại đi vào quên lãng. Nhưng mỗi lần nhắc tới các ngài là mỗi lần chúng ta được đong đầy sức mạnh để kiên cường sống và bảo vệ đức tin của mình. Ước chi tinh thần của các thánh tử đạo, các vị đầu mục, được nhập thế nơi mỗi người tín hữu trong giáo xứ chúng ta. Ngõ hầu tinh thần đó không bao giờ bị dập tắt nhưng luôn được hun đúc và ngày một lớn lên nơi mảnh đất tâm hồn của mỗi chúng ta.
Xã hội nào thì vẫn luôn cần những chứng nhân đức tin. Với xã hội ngày hôm nay, tinh thần tử đạo, có lẽ không mang tà áo của đầu rơi, máu đổ nữa nhưng ẩn sâu nơi một cuộc sống an bình là lối sống hưởng thụ ích kỷ và cá nhân chủ nghĩa. Như thế tinh thần tử đạo của những người con Chúa đòi hỏi cách tinh tế và ngược dòng. Liệu rằng chúng ta có sãn sàng chấp nhận như vậy hay không?
Trước khi kết thúc thánh lễ, Đức cha trao phần thưởng khích lễ cho những em thiếu nhi đã thi ngắm nhân tài trước đó. Ngắm nhân tài hay còn gọi là ngắm thi. Ở miền Bắc trước năm 1954, một số giáo xứ lớn có phong tục thi ngắm 15 Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu để xem cá nhân nào hay xứ họ nào có người ngắm hay nhất. Ngắm Nhân Tài diễn ra vào một trong những ngày của tuần thánh, nhưng lồng vào đó tinh thần thi đua.
Cuối cùng, Đức cha trao tặng cho tất cả các bé thiếu nhi những quả trứng Phục sinh, do các anh chị giới trẻ đã trang trí và vẽ lên những hình ngộ ngĩnh hay những biểu tượng khác nhau. Trứng phục sinh có rất nhiều ý nghĩa: Với ý nghĩa quả trứng là biểu tượng của khởi đầu, là khởi nguyên, và điều đó hướng đến Đấng Sáng Tạo, đó chính là Thiên Chúa. Trứng còn là biểu tượng Phục Sinh, hồi sinh, quả trứng tượng chưng cho ngôi mộ bị niêm phong của Chúa, và việc đập vỏ trứng là biểu tượng của sự sống lại từ cái chết. Trứng có hình tròn, chính là điểm bắt đầu và là điểm kết thúc, là trời và là đất. Tóm lại, trứng Phục Sinh là biểu tượng của sự sống và sự bình an, của niềm tin và hi vọng của mỗi tín hữu.
Lệ Lệ