Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội – Lumen Gentium

PHAOLÔ GIÁM MỤC, TÔI TỚ CÁC TÔI TỚ THIÊN CHÚA
HỢP NHẤT VỚI CÁC NGHỊ PHỤ CỦA THÁNH CÔNG ĐỒNG ĐỂ MUÔN ĐỜI GHI NHỚ

HIẾN CHẾ TÍN LÝ
VỀ GIÁO HỘI
LUMEN GENTIUM
Ngày 21 tháng 11 năm 1964

Tải file word về

CHƯƠNG I
MẦU NHIỆM GIÁO HỘI

  1. 1. Ánh sáng muôn dân là chính Chúa Kitô, vì vậy, Thánh Công Đồng được quy tụ trong Chúa Thánh Thần, tha thiết mong muốn soi dẫn mọi người bằng ánh sáng của Người, đang chiếu tỏa trên khuôn mặt Giáo Hội, để Tin Mừng được loan báo cho mọi loài thụ tạo (x. Mc 16:15). Trong Đức Kitô, Giáo Hội như là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và phương tiện hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và hợp nhất mọi người, vì thế Giáo Hội muốn trình bày rõ ràng hơn cho các tín hữu và cho toàn thế giới chính bản tính và sứ mệnh phổ quát của mình, dựa trên giáo huấn của các Công Đồng trước đây. Thực trạng thế giới đương đại khiến cho bổn phận này của Giáo Hội càng trở nên khẩn thiết, để con người ngày nay, khi đã gắn kết với nhau chặt chẽ hơn nhờ những mối liên hệ đa dạng trong lãnh vực xã hội, kỹ thuật và văn hóa, phải đạt đến sự hợp nhất trọn vẹn trong Chúa Kitô.
  2. 2. Với ý định tự do và nhiệm mầu đầy khôn ngoan nhân lành, Chúa Cha hằng hữu đã tạo dựng toàn thể vũ trụ, Ngài đã quyết định nâng con người lên để chia sẻ sự sống thần linh, và đã không bỏ mặc loài người sa ngã nơi nguyên tổ Ađam, nhưng luôn giúp họ đón nhận ơn cứu rỗi nhờ Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc, Đấng vốn là “hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo” (Cl 1,15). Từ muôn thuở, Chúa Cha “đã kêu gọi và tiền định để họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài để Người Con Một trở nên trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29). Ngài quyết định quy tụ những ai tin vào Đức Kitô thành một Giáo Hội thánh thiện, được tiên báo bằng hình ảnh biểu trưng ngay từ lúc khởi nguyên thế giới, được chuẩn bị cách diệu kỳ nơi lịch sử dân Israel và Cựu ước,[1] được thiết lập vào thời kỳ sau hết, được tỏ lộ trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống và sẽ được hoàn tất trong vinh quang vào lúc kết tận thời gian. Bấy giờ, như các Giáo phụ nói, tất cả những người công chính từ thời Ađam, “từ Abel, người công chính, tới người được tuyển chọn cuối cùng”[2] sẽ được qui tụ lại bên Chúa Cha trong Giáo Hội phổ quát.
  3. 3. Như thế, Chúa Con được sai đến từ nơi Chúa Cha, Đấng đã tuyển chọn chúng ta trong Con của Ngài trước cả khi tạo dựng vũ trụ, và tiền định cho chúng ta làm nghĩa tử, vì muốn qui tụ muôn loài trong Đức Kitô (x. Ep 1,4-5.10). Như vậy, để chu toàn thánh ý Chúa Cha, Đức Kitô đã khai nguyên Nước Trời ở trần gian và mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm của Người, đồng thời cho chúng ta được ơn cứu chuộc nhờ sự vâng phục của Người. Giáo Hội, nghĩa là vương quốc Chúa Kitô đang hiện diện cách mầu nhiệm, vẫn luôn tăng trưởng cách hữu hình trong thế giới nhờ quyền lực Thiên Chúa. Cội nguồn và sự tăng triển của Giáo Hội được biểu thị bằng máu và nước chảy ra từ cạnh sườn rộng mở của Đức Giêsu chịu đóng đinh (x. Ga 19,34), và được tiên báo qua lời Chúa nói về cái chết của Người trên Thập Giá: “Phần tôi, khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32: bản Hy Lạp). Mỗi khi hy tế Thập Giá được cử hành trên bàn thờ, qua đó “Đức Kitô là con chiên vượt qua của chúng ta đã chịu hiến tế” (1 Cr 5,7), thì công trình cứu chuộc chúng ta lại được thực hiện. Đồng thời, nhiệm tích tấm bánh Thánh Thể diễn tả và thực hiện sự hợp nhất các tín hữu, những người kết nên một thân mình trong Đức Kitô (x. 1 Cr 10,17). Tất cả mọi người đều được mời gọi kết hợp với Đức Kitô, Đấng chính là ánh sáng thế gian, là cội nguồn, là sức sống và là cùng đích của tất cả chúng ta.
  4. Khi công trình Chúa Cha trao phó cho Chúa Con thực hiện trên trần gian đã hoàn tất (x. Ga 17,4), Chúa Thánh Thần được cử đến vào ngày lễ Ngũ Tuần để không ngừng thánh hoá Giáo Hội, và như thế, những kẻ tin sẽ đến với Chúa Cha qua Chúa Kitô trong cùng một Chúa Thánh Thần (x. Ep 2,18). Chính Ngài là Thần Khí sự sống, là mạch nước vọt lên đến sự sống vĩnh cửu (x. Ga 4,14; 7,38-39), nhờ Ngài, Chúa Cha tác sinh những kẻ đã chết vì tội lỗi, cho đến khi Ngài phục sinh thân xác hay chết của họ trong Đức Kitô (x. Rm 8,10-11). Chúa Thánh Thần ngự trong Giáo Hội và trong tâm hồn các tín hữu như trong đền thờ (x. 1 Cr 3,16; 6,19). Ngài cầu nguyện trong họ và chứng thực họ là nghĩa tử (x. Gl 4,6; Rm 8,15-16.26). Ngài dẫn Giáo Hội đến sự thật toàn vẹn (x. Ga 16,13), và hợp nhất Giáo Hội trong sự hiệp thông và trong tác vụ, Ngài xây dựng và hướng dẫn Giáo Hội với nhiều hiện sủng và đoàn sủng khác nhau, Ngài trang điểm Giáo Hội bằng các hoa quả của Ngài (x. Ep 4,11-12; 1 Cr 12,4; Gl 5,22). Nhờ sức mạnh Tin Mừng, Ngài không ngừng canh tân và làm cho Giáo Hội luôn tươi trẻ, dẫn đưa Giáo Hội đi đến kết hợp hoàn toàn với Phu Quân của mình[3]. Thật vậy, Chúa Thánh Thần cùng Hiền Thê nói với Chúa Giêsu: “Xin Ngài ngự đến” (x. Kh 22,17).

Như thế, Giáo Hội phổ quát xuất hiện như “một dân tộc được hợp nhất khởi nguồn từ sự hợp nhất của Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”[4].

  1. Mầu nhiệm Hội Thánh được biểu lộ trong chính cách thức Giáo Hội được thành lập. Thật thế, Chúa Giêsu đã khai sáng Giáo Hội của Người bằng việc rao giảng tin vui về sự xuất hiện của triều đại Thiên Chúa đã được hứa trong Thánh Kinh từ muôn thuở: “Thời gian đã mãn, và triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,15; x. Mt 4,17). Triều đại này tỏa chiếu trước mặt mọi người qua lời nói, hành động và sự hiện diện của Đức Kitô. Thật vậy, Lời Chúa ví như hạt giống gieo trong ruộng (x. Mc 4,14): ai tin tưởng lắng nghe và gia nhập đoàn chiên nhỏ bé của Đức Kitô (x. Lc 12,32), thì đã tiếp nhận triều đại ấy; rồi hạt giống tự sức nẩy mầm và lớn lên cho đến mùa gặt (x. Mc 4,26-29). Các phép lạ của Đức Giêsu cũng chứng minh rằng triều đại Thiên Chúa đã đến trần gian: “Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà xua trừ ma quỷ, thì hẳn là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Lc 11,20; x. Mt 12,28). Nhưng chủ yếu triều đại ấy được mạc khải trong chính con người Đức Kitô, Con Thiên Chúa và Con Người, Đấng đã đến “để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc nhiều người” (Mc 10,45).

Sau khi chịu chết trên Thập Giá vì nhân loại, Chúa Giêsu đã sống lại, được đặt làm Chúa, làm Đấng Kitô và làm Tư Tế cho đến muôn đời (x. Cv 2,36; Dt 5,6; 7,17-21), Người đổ tràn trên các môn đệ Thần Khí đã được Chúa Cha hứa ban (x. Cv 2,33). Từ đó, khi được vun đắp bằng các ân huệ của Đấng sáng lập và trung thành tuân giữ các giới luật bác ái, khiêm nhường và từ bỏ, Giáo Hội lãnh nhận sứ mệnh công bố và thiết lập vương quốc của Đức Kitô và của Thiên Chúa nơi mọi dân tộc, đồng thời cũng trở nên hạt mầm và là điểm khai nguyên của vương quốc ấy trên trần gian. Đang lúc dần dần phát triển tới mức trưởng thành, Giáo Hội khát mong vương quốc ấy được thành toàn, ngập tràn hy vọng và ao ước được kết hợp với Vua của mình trong vinh quang.

  1. Trong Cựu ước, mạc khải về vương quốc thường được thực hiện qua những biểu tượng, bây giờ cũng thế, bản tính thâm sâu của Giáo Hội được diễn tả bằng những hình ảnh khác nhau, được chuẩn bị trong sách các ngôn sứ, lấy từ đời sống du mục, nông nghiệp, kiến trúc hoặc gia đình và hôn lễ.

Như thế, Giáo Hội là chuồng chiên mà cửa vào duy nhất và buộc phải đi qua là Đức Kitô (x. Ga 10,1-10). Giáo Hội cũng là đoàn chiên mà chính Thiên Chúa đã tiên báo Ngài là mục tử (x. Is 40,11; Ez 34,11tt.), tuy được các mục tử nhân loại trông nom, nhưng các con chiên luôn được dẫn dắt và nuôi dưỡng bởi chính Đức Kitô, vị Mục Tử nhân lành và là Thủ lãnh của các mục tử (x. Ga 10,11; 1 Pr 5,4), Đấng đã hiến mạng sống vì đoàn chiên (x. Ga 10,11-15).

Giáo Hội là mảnh vườn được canh tác hay thửa đất của Thiên Chúa (x. 1 Cr 3,9). Trên mảnh đất ấy, mọc lên cây ôliu xưa cũ mà gốc rễ lành thánh là các Tổ phụ, và nhờ cây này, sự hoà giải giữa dân Do thái và các dân ngoại đã và sẽ được thực hiện (x. Rm 11,13-26). Gốc cây từ giống nho đặc tuyển, đã được người canh tác thiên quốc trồng xuống (x. Mt 21,33-43). Cây nho đích thực chính là Đức Kitô, Đấng ban sức sống và hoa trái cho các cành nho, nghĩa là cho chúng ta đây, những người nhờ Giáo Hội mà được ở lại trong Đức Kitô, và nếu không có Người, chúng ta không thể làm được gì (x. Ga 15,1-5).

Giáo Hội cũng thường được gọi là toà nhà của Thiên Chúa (1 Cr 3,9). Chính Chúa Giêsu đã ví mình như viên đá bị các thợ xây loại bỏ nhưng đã trở thành viên đá góc (x. Mt 21,42t; Cv 4,11; 1 Pr 2,7; Tv 117,22). Trên nền móng đó, các Tông đồ đã ra công xây dựng Giáo Hội (x. 1 Cr 3,11), cũng chính đá tảng đó làm kiên vững và liên kết cả Giáo Hội. Công trình xây dựng này còn được gọi bằng nhiều danh hiệu khác như: nhà Thiên Chúa (x. 1 Tm 3,15), nơi gia đình Ngài cư ngụ, nhà tạm của Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần (x. Ep 2,19-22), nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại (Kh 21,3), và đặc biệt là đền thánh, ngôi đền thờ được các thánh Giáo phụ ca tụng, được biểu trưng qua các cung thánh bằng đá, và trong phụng vụ được sánh ví thật chí lý với Thánh Đô, Thành Giêrusalem mới[5]. Thật vậy, ở trần thế nầy, chúng ta thuộc về công trình đó như những viên đá sống động xây nên thành thánh (x. 1 Pr 2,5). Thánh Gioan đã chiêm ngưỡng thành thánh ấy, khi địa cầu được đổi mới, từ trời, từ Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang (Kh 21,1tt.).

Giáo Hội còn được gọi là “Giêrusalem thượng giới” và “mẹ chúng ta” (Gl 4,26; x. Kh 12,17), được mô tả như hiền thê tinh tuyền của Con Chiên không tì ố (Kh 19,7; 21,2 và 9; 22,17), là Giáo Hội được Đức Kitô “yêu thương và hiến mình để thánh hoá” (Ep 5,25), được liên kết với Người bằng một giao ước bất khả phân ly, không ngừng được “nuôi nấng và chăm sóc” (Ep 5,29), đó cũng là Giáo Hội thanh sạch mà Đức Kitô muốn phải luôn kết hợp với Người và vâng phục Người trong tình yêu và trung tín (x. Ep 5,24), sau cùng, đó chính là Giáo Hội luôn được Đức Kitô tuôn đổ tràn đầy mọi ân huệ trên trời, để làm cho chúng ta hiểu được tình yêu của Thiên Chúa và của Đức Kitô đối với chúng ta, một tình yêu vượt trên mọi hiểu biết (x. Ep 3,19). Đang khi lữ hành trên mặt đất này còn cách xa Thiên Chúa (x. 2 Cr 5,6), Giáo Hội thấy mình như kẻ lưu đầy, nên luôn tìm kiếm và ao ước những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa, nơi sự sống của Giáo Hội được ẩn dấu với Đức Kitô trong Thiên Chúa, chờ đợi ngày được xuất hiện cùng với Phu Quân trong vinh quang (x. Cl 3,1-4).

  1. 7. Con Thiên Chúa, kết hợp với bản tính nhân loại, khi đánh bại sự chết bằng chính cái chết và sự phục sinh của mình, đã cứu chuộc và biến đổi con người thành một thụ tạo mới (x. Gl 6,15; 2 Cr 5,17). Thật vậy, khi thông ban Chúa Thánh Thần, Người đã qui tụ các anh chị em của mình từ muôn dân tộc để thiết lập cách mầu nhiệm thân mình của Người.

Trong thân mình ấy, sự sống Đức Kitô được thông truyền cho những người tin, và nhờ các bí tích, họ thực sự được kết hợp cách mầu nhiệm với Đức Kitô khổ nạn và vinh hiển[6]. Nhờ phép Thánh tẩy, chúng ta được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô: “Chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thánh Thần để trở nên một thân thể” (1 Cr 12,13). Nghi thức linh thánh ấy biểu tả và thực hiện sự thông dự vào cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô: “Chúng ta đã cùng được mai táng với Người nhờ phép rửa trong cái chết của Người, “; mà nếu “chúng ta đã hòa nhập với Đức Kitô nhờ đã chết giống như Người, thì chúng ta cũng sẽ được như thế nhờ sống lại như Người” (Rm 6,4-5). Khi thực sự thông phần vào Thân Mình của Chúa trong việc bẻ bánh Thánh Thể, chúng ta được đưa vào hiệp thông với Người và với nhau. “Vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10,17). Bằng cách này tất cả chúng ta được trở nên những chi thể của Thân Mình Người (x. 1 Cr 12,27), “vì mỗi người đều là chi thể của nhau” (Rm 12,5).

Như tất cả các chi thể của thân thể, tuy nhiều, nhưng chỉ tạo thành một thân thể, thì các tín hữu trong Đức Kitô cũng vậy (x. 1 Cr 12,12). Trong việc xây dựng thân mình Đức Kitô, rất cần đến sự đa dạng của các chi thể và phận vụ. Chỉ có một Thần Khí duy nhất là Đấng ban những ân huệ khác nhau theo sự sung mãn của Người và tùy nhu cầu của các tác vụ vì ích lợi của Giáo Hội (x. 1 Cr 12,1-11). Trong số những ân huệ ấy, ân sủng ban cho các Tông đồ là trọng nhất: chính Chúa Thánh Thần đặt ngay cả những người lãnh nhận các đặc sủng dưới quyền của các ngài (x. 1 Cr 14). Chính Chúa Thánh Thần, khi làm cho toàn thân được hợp nhất nhờ chính Ngài, với sức mạnh của Ngài và do sự liên kết nội tại của các chi thể, cũng làm phát sinh và thôi thúc đức ái giữa các tín hữu. Vì thế, nếu một chi thể đau, tất cả các chi thể đều chịu đau chung; và nếu một chi thể được vinh dự, tất cả các chi thể khác cùng vui chung (x. 1 Cr 12,26).

Đầu của thân mình này, chính là Đức Kitô. Người là hình ảnh Thiên Chúa vô hình và trong Người mọi vật được tạo thành. Người có trước mọi loài thụ tạo và mọi sự đều tồn tại trong Người. Người là đầu của thân mình là Giáo Hội. Người là khởi nguyên, là trưởng tử giữa các kẻ đã chết, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu (x. Cl 1,15-18). Người cai trị mọi loài trên trời dưới đất bằng quyền lực lớn lao và đã dùng sự toàn thiện và hành động cao vời mà đổ đầy toàn thân vinh quang sung mãn của Người (x. Ep 1,18-23)[7].

Mọi chi thể phải nên giống Đức Kitô cho đến khi Người được hình thành trong họ (x. Gl 4,19). Vì thế, khi đã nên giống như Người, đã chết và sống lại với Người, chúng ta được tiếp nhận vào các mầu nhiệm của sự sống nơi Người, cho đến khi chúng ta cùng hiển trị với Người (x. Pl 3,21; 2 Tm 2,11; Ep 2,6; Cl 2,12; vv.). Khi đang lữ hành trên trần gian, khi bước theo lối đường Người đi trong đau thương và bách hại, chúng ta kết hợp với những đau khổ của Người như thân thể kết hợp với đầu, cùng chịu thương khó với Người để được vinh hiển với Người (x. Rm 8,17).

Nhờ Người, “toàn thân, do được kiến tạo và liên kết với nhau nhờ các đường gân khớp nối, được tăng trưởng nhờ chính Thiên Chúa” (Cl 2,19). Trong thân thể Người là Giáo Hội, Người luôn trao ban các thừa tác vụ, nhờ đó, chúng ta phục vụ nhau để đạt tới ơn cứu độ nhờ quyền năng của Người, để khi thực thi chân lý trong lòng mến, chúng ta tăng trưởng về mọi phương diện trong Đấng là Đầu của chúng ta (x. Ep 4,11-16: bản Hy Lạp).

Để chúng ta được canh tân liên lỉ trong Người (x. Ep 4,23), Người đã thông ban cho chúng ta Thần Khí của Người, cùng một Thần Khí duy nhất đó hiện diện nơi Đầu cũng như trong các chi thể, ban sự sống, hợp nhất và tạo chuyển động cho toàn thân, đến độ các thánh Giáo phụ đã so sánh hoạt động của Ngài với những gì mà linh hồn, nguyên lý sự sống, thực hiện nơi thân xác con người[8].

Đức Kitô yêu thương Giáo Hội như hiền thê mình, và trở nên gương mẫu cho người chồng yêu vợ như chính bản thân (x. Ep 5,25-28); Giáo Hội vẫn luôn phục tùng Đầu của mình (Ep 5, 23-24). “Thật vậy, nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể” (Cl 2,9), nên Người đổ tràn ân huệ thần linh trên Giáo Hội là thân thể và là sự viên mãn của Người (x. Ep 1,22-23) để Giáo Hội tăng trưởng và đạt tới sự viên mãn của Thiên Chúa (x. Ep 3,19).

  1. Đức Kitô, Đấng Trung Gian duy nhất, đã thiết lập và không ngừng nâng đỡ Giáo Hội thánh thiện của Người nơi trần gian, một cộng đoàn đầy niềm tin, cậy, mến, như một cơ cấu hữu hình[9], nhờ đó Người thông truyền chân lý và ân sủng cho mọi người. Nhưng Giáo Hội vừa là cộng đồng được tổ chức theo cơ chế phẩm trật, vừa là Nhiệm Thể Đức Kitô, là đoàn thể hữu hình và cũng là cộng đoàn thiêng liêng, là Giáo Hội tại thế đồng thời cũng là Giáo Hội dư tràn của cải trên trời, dù vậy, không được nhìn Giáo Hội như hai thực thể, nhưng đúng hơn, tất cả chỉ làm nên một thực tại đa phức, được kết thành từ yếu tố nhân loại và thần linh[10]. Vì thế, theo cách thức loại suy vẫn được công nhận, Giáo Hội được sánh ví với mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Thật vậy, như nhân tính được Ngôi Lời Thiên Chúa tiếp nhận trong sự kết hợp bất khả chia lìa đã trở nên một cơ năng sống động của ơn cứu độ, thì cũng thế, cơ cấu xã hội hữu hình của Giáo Hội phục vụ Thần Khí Đức Kitô, Đấng tác sinh Giáo Hội, trong việc làm cho thân mình được tăng trưởng (x. Ep 4,16)[11].

Chỉ có một Giáo Hội của Đức Kitô mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền[12], Giáo Hội mà Đấng Cứu Độ chúng ta, sau khi sống lại, đã ủy thác cho Phêrô chăn dắt (Ga 21,17), đồng thời cũng trao cho Phêrô và các Tông đồ khác nhiệm vụ truyền bá và cai quản Giáo Hội (x. Mt 28,18tt.), và Người cũng thiết lập Giáo Hội nên như “cột trụ và điểm tựa của chân lý” đến muôn đời (x. 1 Tm 3,15). Giáo Hội ấy được tổ chức như một cộng đồng xã hội trên trần gian, được bảo toàn trong Giáo Hội Công Giáo, được cai quản bởi Đấng kế vị thánh Phêrô và các Giám mục hiệp thông với ngài[13], mặc dù nhiều nhân tố của ơn thánh hoá và chân lý có thể tìm thấy bên ngoài Giáo Hội tại thế, nhưng những nhân tố ấy, như là ân huệ dành riêng cho Giáo Hội Đức Kitô, đang thúc bách tiến tới sự hợp nhất công giáo.

Như Đức Kitô đã thực hiện công trình cứu chuộc trong khó nghèo và bách hại, Giáo Hội cũng được mời gọi đi theo cùng một lối đường để thông ban cho nhân loại hoa trái của ơn cứu độ. Đức Giêsu Kitô “vốn là Thiên Chúa nhưng đã tự huỷ chính mình, nhận lấy thân nô lệ” (Pl 2,6-7), và “vốn giàu sang phú quý, nhưng đã trở nên nghèo khó” vì chúng ta (1 Cr 8,9): cũng thế, tuy cần đến những nguồn tài lực nhân loại để thực thi sứ mệnh, Giáo Hội được thiết lập không phải để tìm kiếm vinh quang trần thế, nhưng để trở nên gương mẫu biểu dương sự khiêm nhường và từ bỏ. Đức Kitô được Chúa Cha sai đến “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn,… cứu chữa các tâm hồn đau khổ” (Lc 4,18), “tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10): tương tự như thế, Giáo Hội yêu thương ôm ấp tất cả những ai đang sầu khổ trong thân phận khốn cùng của kiếp nhân sinh; hơn nữa, Giáo Hội nhận ra nơi những kẻ nghèo khó và đau khổ hình ảnh Đấng Sáng Lập nghèo khó và khổ đau của mình, cố gắng làm giảm bớt nỗi khổ của họ và nỗ lực phục vụ Đức Kitô trong họ. Nhưng nếu Đức Kitô là Đấng “thánh thiện, vẹn toàn, không tì ố” (Dt 7,26), không hề phạm tội (x. 2 Cr 5,21), chỉ đến để đền tội cho dân (x. Dt 2,17), thì Giáo Hội lại luôn có những tội nhân, vừa thánh thiện vừa luôn cần được thanh tẩy, nên không ngừng bước theo con đường sám hối và canh tân.

“Tiến bước trên đường lữ hành giữa những bách hại của thế gian và những an ủi của Thiên Chúa”[14], Giáo Hội loan báo Thập Giá và cái chết của Chúa cho đến khi Người đến (x. 1 Cr 11,26). Nhưng được củng cố nhờ quyền lực của Chúa Phục sinh, với sự kiên nhẫn và tình yêu thương, Giáo Hội vượt thắng các khổ nhọc và khó khăn bên trong cũng như bên ngoài, để trung thành tỏ lộ cho thế giới mầu nhiệm của Đức Kitô, hiện vẫn đang còn bị che khuất, cho đến lúc được biểu lộ dưới ánh sáng vẹn toàn.

CHƯƠNG II
DÂN THIÊN CHÚA

  1. Vào mọi thời và trong mọi dân tộc, bất kỳ ai kính sợ Thiên Chúa và thực thi đức chính trực đều được Người tiếp nhận (x. Cv 10,35). Tuy nhiên, Thiên Chúa muốn thánh hoá và cứu độ con người không như những cá nhân riêng rẽ không chút liên đới với nhau, nhưng Ngài muốn làm cho họ thành một dân tộc để họ nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện. Vì thế, Ngài đã chọn dân Israel làm dân riêng, đã thiết lập giao ước, dạy bảo họ dần dần bằng cách bày tỏ chính mình và ý định của mình qua lịch sử và thánh hoá họ để dành riêng cho mình. Tuy nhiên, tất cả những điều ấy chỉ là chuẩn bị và là hình bóng của giao ước mới và hoàn hảo sẽ được ký kết trong Đức Kitô, và của mạc khải trọn vẹn do chính Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể mang đến. “Đây lời Chúa phán, này sẽ đến những ngày Ta lập với nhà Israel và nhà Giuđa một giao ước mới… Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng còn chúng sẽ là dân Ta… Vì tất cả chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ nhận biết Ta” (Gr 31,31-34). Đức Kitô đã thiết lập giao ước mới trong máu Người (x. 1 Cr 11,25), Người kêu gọi đoàn người gồm cả Do thái và dân ngoại để họ nên một, không phải theo huyết nhục nhưng là trong Thần Khí, và đây chính là Dân mới của Thiên Chúa. Thật vậy, những ai tin kính Đức Kitô, những người được tái sinh không phải bởi mầm mống hư nát, nhưng bất diệt nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống (x. 1 Pr 1,23), không phải bởi xác thịt nhưng bởi nước và Thánh Thần (x. Ga 3,5-6), nay được thiết lập nên “giống nòi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, dân tộc thánh, những người xưa chưa phải là một dân, nay đã là dân của Thiên Chúa (1 Pr 2,9-10).

Dân thiên sai này có vị thủ lãnh là Đức Kitô, “Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại để chúng ta được nên công chính” (Rm 4,25), và giờ đây Người nhận một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, và đang hiển trị trên trời. Phận vị của dân này là phẩm giá và tự do của con cái Thiên Chúa, và Thánh Thần ngự trong tâm hồn họ như trong đền thờ. Luật của họ là giới răn mới: yêu thương như chính Đức Kitô đã yêu thương chúng ta (x. Ga 13,34). Cùng đích của họ là Nước Thiên Chúa đã được chính Thiên Chúa khởi sự trên trần thế, và phải được trải rộng hơn nữa cho tới khi được nên hoàn tất vào lúc tận cùng thời gian, khi Đức Kitô, sự sống của chúng ta xuất hiện (x. Cl 3,4), và “cả mọi tạo vật cũng sẽ được giải thoát khỏi tình trạng hư nát, được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,21). Vì thế, chính dân tộc thiên sai ấy, tuy chưa thực sự bao gồm toàn thể nhân loại và thậm chí chỉ là một đoàn chiên nhỏ, lại chính là hạt mầm đầy năng lực của sự hợp nhất, của niềm hy vọng và ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Được Đức Kitô thiết lập để đi vào hiệp thông sự sống, bác ái và chân lý, dân tộc này cũng được Người sử dụng như khí cụ để cứu chuộc mọi người, và được sai đi vào thế giới như ánh sáng trần gian và muối đất (x. Mt 5,13-16).

Như đoàn dân Israel theo huyết nhục, vào những ngày còn đi trong sa mạc, đã được gọi là Giáo Hội của Thiên Chúa (x. Esd 13,1; Ds 20,4; Đnl 23,1tt), cũng vậy, dân Israel mới, đang tiến bước trong thời đại này tìm về thành đô tương lai bất diệt (x. Dt 13,14) cũng được gọi là Giáo Hội Đức Kitô (x. Mt 16,18), vì chính Đức Kitô đã chuộc lấy Giáo Hội bằng máu mình (x. Cv 20,28), đã đổ tràn Thần Khí của Người trên Giáo Hội, đã trao ban cho Giáo Hội các phương thế thích hợp cho sự hợp nhất của một cộng đoàn hữu hình. Thiên Chúa qui tụ tất cả những ai trọn niềm tin kính tìm đến Đức Kitô là tác giả của ơn cứu rỗi và là nguồn mạch sự hợp nhất và bình an, và thiết lập họ thành Giáo Hội để trở nên bí tích hữu hình của sự hợp nhất mang lại ơn cứu rỗi cho mọi người và từng người[15]. Bởi được đặt định trải rộng khắp trái đất, nên Giáo Hội hoà mình vào lịch sử nhân loại, trong khi vẫn siêu việt trên tất cả giới hạn thời gian và ranh giới chủng tộc. Tiến bước qua các thử thách và bách hại, Giáo Hội được kiện cường nhờ sức mạnh của ơn Chúa đã được hứa ban để, cho dù với xác thịt yếu hèn, Giáo Hội vẫn không đánh mất sự trung tín hoàn toàn, nhưng vẫn luôn là Hiền Thê xứng đáng của Chúa, và không ngừng canh tân chính mình dưới tác động của Thánh Thần cho đến khi qua Thập Giá đạt đến ánh sáng không hề tắt.

  1. Chúa Kitô, vị Thượng tế được chọn giữa loài người (x. Dt 5,1-5), đã làm cho đoàn dân mới thành một “vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người” (Kh 1,6; x. 5,9-10). Thật vậy, nhờ sự tái sinh và việc xức dầu Thánh Thần, những người đã nhận ơn Thánh tẩy được thánh hiến trở nên ngôi nhà thiêng liêng và hàng tư tế thánh, để qua mọi hoạt động của đời Kitô hữu, họ dâng những hy tế thiêng liêng và loan báo quyền năng của Đấng đã kêu gọi họ ra khỏi tối tăm vào ánh sáng kỳ diệu của Người (x. 1 Pr 2,4-10). Vì thế, tất cả những môn đệ Đức Kitô, trong khi kiên tâm cầu nguyện và cùng nhau ca tụng Thiên Chúa (x. Cv 2,42-47), phải chứng tỏ mình là hy tế sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12,1). Khắp nơi trên trần thế, họ phải làm chứng về Đức Kitô và trả lời cho những người chất vấn họ về niềm hy vọng cuộc sống vĩnh cửu (x. 1 Pr 3,15).

Chức tư tế cộng đồng của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật, dù khác nhau về yếu tính chứ không phải chỉ về cấp bậc, nhưng cả hai đều được đặt định tương quan với nhau; thật vậy, theo cách thức riêng của mình, mỗi bên đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô[16]. Linh mục thừa tác, nhờ năng lực thánh thiêng nhận được, xây dựng, dạy dỗ và cai quản đoàn dân tư tế, thực hiện hy tế Thánh Thể với tư cách là hiện thân của Đức Kitô và dâng hiến lễ lên cho Thiên Chúa nhân danh toàn dân; phần các tín hữu, nhờ chức tư tế vương giả, tham dự vào việc dâng Thánh Thể[17] và thi hành chức tư tế đó bằng việc lãnh nhận các bí tích, cầu nguyện và tạ ơn, bằng chứng tá đời sống thánh thiện, từ bỏ mình và bác ái tích cực.

  1. Tính cách thánh thiêng và cơ cấu của cộng đoàn tư tế được thực hiện qua các bí tích và các nhân đức. Được tháp nhập vào Giáo Hội nhờ bí tích Thánh tẩy, các tín hữu lãnh nhận ấn tín để chuyên trách việc phụng tự Kitô giáo, và vì đã được tái sinh làm con cái Thiên Chúa, họ phải mạnh mẽ tuyên xưng trước mặt mọi người đức tin họ nhận được từ Thiên Chúa qua Giáo Hội[18]. Nhờ bí tích Thêm Sức, họ được liên kết với Giáo Hội cách hoàn hảo hơn, được ban cho sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần, vì thế, họ có bổn phận nghiêm túc hơn trong việc dùng lời nói và việc làm loan truyền và đồng thời bảo vệ đức tin như những chứng nhân đích thật của Đức Kitô[19]. Khi tham dự hy tế Thánh Thể, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu, họ dâng lên Thiên Chúa Tế vật thần linh và hiến dâng chính mình cùng với Tế vật ấy[20]. Chính vì thế, khi dâng lễ cũng như khi hiệp lễ, tất cả mọi người đều dự phần vào việc cử hành phụng vụ, tuy không cùng cách thức như nhau. Từ đó, được bồi dưỡng bởi Mình Thánh Chúa Kitô trong phụng vụ thánh, họ biểu lộ cách cụ thể sự hợp nhất của Dân Thiên Chúa, được biểu thị cách hoàn hảo và thực hiện cách kỳ diệu trong bí tích cực trọng này.

Những ai đến với bí tích Sám Hối đều được Thiên Chúa nhân từ tha thứ mọi lỗi lầm xúc phạm đến Ngài, đồng thời cũng được giao hòa với Giáo Hội mà họ đã làm tổn thương khi phạm tội, và Giáo Hội cùng hợp lực giúp họ hoán cải bằng đức ái, gương lành và kinh nguyện. Qua bí tích Xức dầu bệnh nhân và lời cầu nguyện của các linh mục, toàn thể Giáo Hội phó thác những người yếu đau cho Chúa, Đấng đã trải qua khổ nạn và đã hiển vinh, để Người nâng đỡ và cứu chữa họ (x. Gc 5,14-16), hơn nữa, Giáo Hội cũng khích lệ họ sẵn sàng kết hợp với cuộc thương khó và cái chết của Đức Kitô để mang lại thiện ích cho đoàn dân Chúa (x. Rm 8,17; Cl 1,24; 2 Tm 2,11-12; 1 Pr 4,13). Những tín hữu được lãnh nhận chức thánh được thiết định nhân danh Đức Kitô để nên mục tử chăn dắt Giáo Hội bằng lời và ân sủng của Thiên Chúa. Sau cùng, nhờ sức mạnh của bí tích Hôn Phối, các đôi vợ chồng Kitô hữu biểu thị và chia sẻ mầu nhiệm tình yêu hiệp nhất và chung thủy giữa Đức Kitô và Giáo Hội (x. Ep 5,32), họ giúp nhau đạt tới sự thánh thiện trong đời sống hôn nhân cũng như trong việc đón nhận và giáo dục con cái, và họ cũng nhận được những ơn riêng trong bậc sống và vai trò của họ giữa đoàn Dân Thiên Chúa[21]. Sự kết hợp của các đôi vợ chồng đã làm nên gia đình, trong đó những công dân mới của xã hội loài người được sinh ra và được trở nên con cái Thiên Chúa nhờ ơn Thánh Thần nhận được trong bí tích Thánh tẩy, để Dân Thiên Chúa tồn tại mãi qua các thế hệ. Trong gia đình như là Giáo Hội tại gia, nhờ lời dạy dỗ và gương lành, cha mẹ hãy là những người rao giảng đức tin đầu tiên cho con cái, và phải giúp phát huy ơn gọi riêng của từng đứa con, đặc biệt chăm sóc cho ơn gọi hướng tới thánh chức.

Được trao ban nhiều phương tiện cứu độ dồi dào và cao quí như thế, tất cả các Kitô hữu, dù trong hoàn cảnh hay bậc sống nào, cũng đều được Chúa kêu gọi, để mỗi người mỗi cách, vươn tới sự thánh thiện trọn hảo như chính Chúa Cha là Đấng trọn lành.

  1. 12. Dân thánh của Thiên Chúa cũng tham dự vào chức vụ ngôn sứ của Đức Kitô, bằng cách thể hiện khắp nơi chứng từ sống động về Ngài cách đặc biệt bằng đời sống đức tin và đức ái, và bằng cách dâng lên Thiên Chúa lễ tế ca tụng, dùng miệng lưỡi ngợi khen thánh danh Người, (x. Dt 13,15). Toàn thể tín hữu được Đấng Thánh xức dầu (x. 1 Ga 2,20.27) nên không thể sai lầm trong đức tin, họ biểu lộ thuộc tính đặc biệt này qua cảm thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể dân Chúa, khi “từ các Giám mục đến những người bé mọn nhất trong các tín hữu”[22] đều đồng thuận về những điều liên quan đến đức tin và phong hoá. Thật vậy, nhờ cảm thức đức tin do chính Thánh Thần Chân lý khơi dậy và nâng đỡ, khi tuân phục theo sự hướng dẫn của Huấn Quyền Giáo Hội, Dân Thiên Chúa đón nhận không phải lời của người phàm, nhưng thực sự là Lời của Thiên Chúa (x. 1 Ts 2,13), trung thành gắn bó với đức tin đã được truyền lại cho các thánh chỉ một lần là đủ (x. Gđ 1,3), thấu hiểu cách sâu xa hơn với một nhận thức chính xác và thực thi đức tin cách hoàn hảo hơn trong đời sống hằng ngày.

Chúa Thánh Thần không chỉ thánh hóa, dẫn dắt Dân Chúa nhờ các bí tích và những tác vụ của Giáo Hội và trang điểm Dân Chúa bằng những nhân đức, nhưng còn phân phát những ân sủng đặc biệt cho các tín hữu thuộc mọi cấp bậc, khi trao ban ân huệ “cho mỗi người theo ý Ngài muốn” (1 Cr 12,11), nhờ đó, Ngài làm cho họ nên thích hợp và sẵn sàng đảm nhận các công việc và chức vụ khác nhau để canh tân và xây dựng Giáo Hội như lời của thánh Tông Đồ: “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1 Cr 12,7). Dù là ơn thật đặc biệt hay ơn thật đơn sơ hoặc được ban rộng rãi cho nhiều người, những đặc sủng này phải được lãnh nhận với lòng tri ân và niềm an ủi, vì đó là những ơn thích hợp và hữu ích cho những nhu cầu của Giáo Hội. Nhưng đừng khăng khăng cầu mong những ân huệ ngoại thường, và cũng đừng tự mãn kỳ vọng rằng việc tông đồ sẽ nhờ đó mà sinh kết quả; những vị lãnh đạo trong Giáo Hội có trách nhiệm đặc biệt phải phân định về tính cách xác thực và phương thức sử dụng thích đáng những ân huệ này, đó không có nghĩa là là dập tắt Thần Khí, nhưng cân nhắc mọi sự để giữ lại những gì là tốt lành (x. 1 Ts 5,12.19-21).

  1. 13. Mọi người đều được mời gọi vào đoàn Dân mới của Thiên Chúa. Vì thế, chỉ một đoàn Dân duy nhất của Thiên Chúa phải được lan rộng khắp thế giới và trải dài qua mọi thời, để hoàn thành ý định của Thiên Chúa, Đấng từ khởi nguyên đã thiết lập bản tính duy nhất của con người, và quyết định cuối cùng sẽ qui tụ về một mối tất cả con cái của Ngài đang tản mác khắp nơi (x. Ga 11,52). Để thực hiện điều đó, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài đến, Đấng Ngài đặt làm người thừa kế tất cả vạn vật (x. Dt 1,2), để Người sẽ là Thầy, là Vua và là Tư Tế của mọi người, là Thủ lãnh của đoàn dân mới gồm những người con cái Thiên Chúa trên khắp hoàn cầu. Cũng vì thế mà sau cùng, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con Ngài đến, là Chúa và là Đấng ban sự sống, là khởi điểm qui tụ và là nguyên lý hợp nhất toàn thể Giáo Hội cũng như tất cả và từng người tín hữu trong giáo lý của các Tông đồ, trong tình hiệp thông, trong việc bẻ bánh và cầu nguyện (x. Cv 2,42: bản Hy Lạp).

Như thế, nơi mọi quốc gia trên địa cầu, chỉ có một đoàn dân duy nhất của Thiên Chúa, gồm những người được kết nạp từ muôn dân nước để trở thành công dân của một vương quốc không thuộc về thế gian nhưng thuộc thiên quốc. Quả thật, tất cả các tín hữu rải rác trên khắp hoàn cầu đều hiệp thông với nhau trong Chúa Thánh Thần, và như thế “kẻ ở Rôma biết rằng người Ấn Độ chính là chi thể của mình”[23]. Vì vương quốc Đức Kitô không thuộc về thế gian này (x. Ga 18,36), nên Giáo Hội, hay Dân Thiên Chúa, trong khi kiến tạo vương quốc, không hề lấy mất đi gia sản trần thế của bất cứ dân tộc nào, trái lại, Giáo Hội cổ vũ và đảm nhận để tinh luyện, củng cố và thăng hoa tất cả những gì là thiện hảo nơi các nguồn năng lực, những di sản phong phú và nơi nếp sống của các dân tộc. Thật vậy, Giáo Hội luôn nhớ đến bổn phận phải thu họp cùng với Vua Kitô, Đấng đã nhận các dân tộc làm sản nghiệp (x. Tv 2,8), và là Đấng mà muôn dân phải mang tiến vật và lễ phẩm đến thành đô của Người (x. Tv 71 (72),10; Is 60,4-7; Kh 21,24). Đặc tính phổ quát này như một trang sức tăng thêm nét đẹp cho Dân Thiên Chúa, là tặng phẩm Chúa ban, nhờ đó Giáo Hội Công giáo luôn nỗ lực cách hữu hiệu để cho toàn thể nhân loại cùng với gia sản phong phú của con người được thu phục dưới quyền Đức Kitô Thủ lãnh, trong sự hợp nhất với Thần Khí của Người[24].

Nhờ đặc tính công giáo ấy, mỗi phần tử thực thi những đóng góp của riêng mình cho các phần tử khác và cho toàn thể Giáo Hội, để tất cả và từng người được tăng triển nhờ cùng chia sẻ mọi sự và cùng hiệp lực đạt đến tình trạng viên mãn trong tình hợp nhất. Như thế, Dân Thiên Chúa không chỉ được qui tụ từ các dân tộc khác nhau, nhưng nơi chính mình cũng bao gồm nhiều chức vụ khác nhau. Thật vậy, sự khác biệt giữa các thành viên có thể hoặc do nhiệm vụ, như trong trường hợp những người thi hành thừa tác vụ thánh để mưu ích cho anh chị em mình, hoặc do trạng huống và bậc sống, như trong trường hợp những người gia nhập bậc tu trì, cố gắng nên thánh bằng con đường khổ chế và khích lệ anh chị em bằng gương sáng của mình. Hơn nữa, các Giáo Hội địa phương vẫn hiện diện cách chính thức trong tình hiệp thông Giáo Hội, vẫn có thể nắm giữ những truyền thống của riêng mình trong khi vẫn bảo toàn quyền tối thượng của ngai tòa Phêrô đứng đầu toàn thể cộng đoàn đức ái[25], bảo toàn các dị biệt hợp pháp, đồng thời lưu tâm giữ gìn sao cho các dị biệt ấy không làm phương hại, trái lại còn phục vụ cho sự hợp nhất. Sau cùng, giữa các thành phần khác nhau của Giáo Hội còn có mối dây hiệp thông mật thiết, nhờ đó họ chia sẻ những ơn phúc thiêng liêng, những người làm việc tông đồ và những nguồn tài lực vật chất. Quả thật, mọi phần tử Dân Thiên Chúa được kêu gọi chia sẻ cho nhau những điều thiện ích, và lời nói sau đây của vị Tông Đồ cũng có giá trị cho từng Giáo Hội: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1 Pr 4,10).

Như vậy, mọi người đều được mời gọi vào sự hợp nhất mang tính công giáo này của Dân Thiên Chúa, sự hợp nhất tiên báo và làm tăng tiến nền hòa bình trên khắp thế giới, và các tín hữu công giáo, những ai tin vào Đức Kitô, và kể cả toàn thể nhân loại đều đang thuộc về hay đang hướng tới sự hợp nhất đó theo những cách thức khác nhau, vì tất cả mọi người đều được mời gọi lãnh nhận ơn cứu độ nhờ vào ân sủng của Thiên Chúa.

  1. 14. Trước tiên, thánh Công Đồng hướng lòng về các tín hữu công giáo. Dựa trên Thánh Kinh và Thánh Truyền, Công Đồng dạy rằng Giáo Hội lữ hành trên trần thế này rất cần thiết cho việc lãnh nhận ơn cứu độ. Thật vậy, chỉ có một Đức Kitô duy nhất là trung gian và là đường cứu độ, Đấng đang hiện diện giữa chúng ta trong Thân Mình Người là Giáo Hội; chính khi minh nhiên công bố đức tin và ơn Thánh tẩy là cần thiết (x. Mc 16,16; Ga 3,5), Người đã cùng lúc xác nhận sự cần thiết của Giáo Hội mà mọi người phải bước vào qua cửa ngõ là bí tích Thánh tẩy. Vì thế, những ai biết rằng Giáo Hội Công giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Đức Giêsu Kitô như một điều kiện thiết yếu, mà vẫn từ chối không gia nhập hoặc không trung thành sống trong Giáo Hội, thì không thể được cứu độ.

Được kể là nhập hiệp hoàn toàn vào cộng đoàn Giáo Hội, những người có Thần Khí Đức Kitô, đồng thời chấp nhận trọn vẹn tổ chức và các phương thế cứu độ được thiết lập nơi Giáo Hội, và trong cơ chế hữu hình của Giáo Hội, nhờ mối dây liên kết qua việc tuyên xưng đức tin, các bí tích, và sự cai quản của hàng giáo sĩ và sự hiệp thông, họ sống kết hiệp với Đức Kitô, Đấng đang lãnh đạo Giáo Hội qua Đức Giáo Hoàng và các Giám mục.

Tuy nhiên, người nào, dù đã gia nhập Giáo Hội, nhưng vì không kiên trì sống trong đức ái, nên chỉ ở trong Giáo Hội theo “thể xác” chứ không phải với “tâm hồn”[26], thì vẫn không được cứu độ. Tất cả những người con của Giáo Hội phải nhớ rằng địa vị cao trọng họ có được không phải do công trạng riêng mình, nhưng do ân sủng đặc biệt của Đức Kitô; nếu không đáp lại ân sủng ấy bằng tư tưởng, lời nói và việc làm, thì thay vì được cứu độ, họ sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn[27].

Phần những người dự tòng, nhờ Thánh Thần thúc đẩy, có ý định rõ ràng xin gia nhập Giáo Hội, thì do chính ước muốn ấy, họ đã được kết hiệp cùng Giáo Hội rồi; và Giáo Hội là Mẹ hiền yêu thương sẽ săn sóc họ như những người con của mình.

  1. 15. Giáo Hội có nhiều lý do để biết rằng mình vẫn luôn liên kết với những người đã lãnh nhận phép Thánh tẩy và mang danh hiệu Kitô hữu, nhưng không tuyên xưng đức tin trọn vẹn, hoặc không hợp nhất trong sự hiệp thông với Đấng Kế vị thánh Phêrô[28]. Thật vậy, có nhiều người cung kính đón nhận Thánh Kinh như là qui luật của đức tin và đời sống, thể hiện lòng sốt sắng đạo đức chân thành, yêu mến kính tin Thiên Chúa là Cha toàn năng và Đức Kitô, Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ[29], đã nhận lãnh bí tích Thánh tẩy nên đã được kết hiệp với Đức Kitô, hơn nữa còn nhận biết và thụ lãnh một số bí tích khác trong các Giáo Hội hoặc các giáo đoàn riêng của họ. Nhiều người trong số họ cũng lãnh chức Giám mục, cử hành bí tích Thánh Thể và tôn kính Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa[30]. Ngoài ra cũng có thể kể đến sự hiệp thông trong lời cầu nguyện và những ơn ích thiêng liêng khác; và cả sự liên kết trong Thánh Thần, Đấng cũng đang hoạt động nơi họ với quyền lực thánh hóa qua những ân huệ và ơn thánh của Ngài, và ban sức mạnh cho một số người đến mức đổ máu tử đạo. Vì thế, Thánh Thần khơi dậy trong tất cả các môn đệ Đức Kitô ước muốn và hành động để mọi người được hợp nhất an bình trong một đoàn chiên dưới quyền một Chủ Chăn duy nhất[31] theo cách thức Đức Kitô đã quy định. Để được như thế, Mẹ thánh Giáo Hội không ngừng cầu nguyện, hy vọng và hành động, đồng thời khích lệ con cái mình thanh luyện và canh tân, để hình ảnh của Đức Kitô chiếu sáng rạng ngời hơn trên khuôn mặt Giáo Hội.
  2. Sau cùng, những ai chưa lãnh nhận Tin Mừng cũng quy hướng về Dân Thiên Chúa bằng nhiều cách[32]. Trước tiên là dân tộc đã nhận lãnh giao ước và lời hứa, và từ dân tộc ấy, Đức Kitô đã sinh ra theo thể xác (x. Rm 9,4-5). Họ là dân rất được yêu quý bởi đã được tuyển chọn vì cha ông họ: Thiên Chúa không hối tiếc vì đã ban ơn và kêu gọi họ (x. Rm 11,28-29). Nhưng ý định cứu độ cũng bao gồm những ai nhận biết Đấng Tạo Hoá, trong số đó phải kể đến người Hồi giáo, những người xưng rằng họ giữ đức tin của Abraham, và cùng với chúng ta, họ thờ phượng Thiên Chúa duy nhất, nhân từ, và là Đấng sẽ phán xét loài người trong ngày sau hết. Thiên Chúa cũng không ở xa cả những ai đang tìm kiếm trong bóng tối và nơi những hình tượng, một Thiên Chúa mà họ không biết, bởi vì chính Người ban cho mọi người sự sống, hơi thở và tất cả mọi sự (x. Cv 17,25-28), và vì Đấng Cứu Thế muốn mọi người đều được cứu độ (x. 1 Tm 2,4). Thật vậy, những ai không vì lỗi của mình mà chưa biết đến Tin Mừng của Đức Kitô và Giáo Hội Người, nhưng lại thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng hành động để chu toàn thánh ý Thiên Chúa được biểu lộ qua mệnh lệnh của lương tâm, thì vẫn có thể đạt được ơn cứu độ vĩnh cửu[33]. Cả những người không vì lỗi của mình mà chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng cố gắng sống đời chính trực, dĩ nhiên là với ơn Chúa, thì Chúa Quan Phòng cũng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu độ. Quả vậy, Giáo Hội xem tất cả những gì là chân thật và thiện hảo nơi họ như một sự chuẩn bị cho Tin Mừng[34], và như một ân huệ mà Đấng soi sáng mọi người ban cho để cuối cùng họ nhận được sự sống. Nhưng thường con người bị ma quỷ gạt gẫm làm sai lạc phán đoán khiến họ đánh đổi chân lý của Thiên Chúa lấy sự giả dối, phụng sự tạo vật hơn là Đấng Tạo Hoá (x. Rm 1,21 và 25), hoặc vì sống và chết đi trên đời này mà không có Thiên Chúa, nên họ dễ rơi vào thất vọng tột độ. Chính vì thế, Giáo Hội hằng quan tâm làm vinh danh Thiên Chúa và cứu độ tất cả những người ấy, cũng như vì nhớ lời Chúa truyền: “Anh em hãy loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15), nên Giáo Hội tận tâm cổ võ việc truyền giáo.
  3. Như Chúa Cha sai Chúa Con, Chúa Con cũng sai các Tông đồ (x. Ga 20,21) khi phán: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,19-20). Từ các Tông đồ, Giáo Hội đã tiếp nhận mệnh lệnh long trọng của Đức Kitô truyền phải rao giảng chân lý cứu độ cho đến khi hoàn tất ở tận cùng trái đất (x. Cv 1,8). Do đó, Giáo Hội xem lời sau đây của Thánh Tông đồ như lời của mình: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16), vì thế Giáo Hội không ngừng sai phái các sứ giả Tin Mừng, cho đến khi các Giáo Hội trẻ được thiết lập hoàn chỉnh, để rồi chính họ sẽ tiếp tục công cuộc rao giảng Tin Mừng. Chúa Thánh Thần thúc đẩy Giáo Hội cộng tác thực hiện trọn vẹn ý định của Thiên Chúa là Đấng đã đặt Đức Kitô làm nguyên lý cứu độ cho toàn thế giới. Bằng việc rao giảng Tin Mừng, Giáo Hội chuẩn bị tâm hồn những người nghe để họ đón nhận và tuyên xưng đức tin, giúp họ sẵn sàng lãnh bí tích Thánh tẩy, đưa họ ra khỏi cảnh nô lệ của sự lầm lạc, nhập hiệp họ vào Đức Kitô, để nhờ đức ái, họ tăng trưởng trong Người cho đến khi đạt tới tầm vóc viên mãn. Hoạt động của Giáo Hội không những không hủy mất mầm mống thiện hảo trong tâm hồn và tư tưởng của con người, hoặc trong nghi lễ và văn hoá riêng của các dân tộc, nhưng lại chữa trị, nâng cao và hoàn thiện hoá những điều ấy để làm vinh danh Thiên Chúa, đánh bại ma quỷ và mưu cầu hạnh phúc cho con người. Mỗi người môn đệ Đức Kitô đều có bổn phận góp phần vào việc truyền bá đức tin[35]. Nhưng nếu tất cả mọi tín hữu đều có thể cử hành bí tích Thánh tẩy, thì chỉ có linh mục mới hoàn tất việc xây dựng Thân thể nhờ hy tế Thánh Thể, để làm trọn lời Thiên Chúa đã phán qua miệng tiên tri: “Quả thật, từ đông sang tây, Danh Ta thật cao cả giữa chư dân; và ở khắp nơi, người ta dâng lễ hy sinh và lễ vật tinh tuyền kính Danh Ta” (Ml 1,11)[36]. Như vậy, Giáo Hội vừa cầu nguyện vừa hoạt động để toàn thế giới trở thành Dân Thiên Chúa, Thân Mình Đức Kitô và Đền Thờ Chúa Thánh Thần, và trong Đức Kitô là thủ lãnh muôn loài, mọi danh dự và vinh quang được dâng lên Đấng Tạo Hóa cũng là Cha của toàn thể vũ trụ.

 

 

CHƯƠNG III
VỀ CƠ CẤU PHẨM TRẬT GIÁO HỘI
VÀ ĐẶC BIỆT VỀ CHỨC GIÁM MỤC

  1. Để chăn dắt và phát triển Dân Thiên Chúa luôn mãi, Đức Kitô đã thiết lập các thừa tác vụ khác nhau trong Giáo Hội để mưu ích cho toàn Thân Mình. Thật vậy, khi đã được trao ban quyền bính thánh thiêng, các thừa tác viên phục vụ anh chị em mình để mọi người trong đoàn Dân Thiên Chúa đang thực sự hưởng nhận phẩm giá Kitô hữu, có thể đạt đến ơn cứu độ, nhờ cùng nỗ lực trong tự do và trật tự hướng về cùng một cứu cánh.

Bước theo Công Đồng Vatican I, Thánh Công Đồng này cùng chung lời giảng dạy và tuyên bố rằng Chúa Giêsu Kitô, vị Mục tử vĩnh hằng, đã thiết lập Giáo Hội thánh thiện khi sai các Tông đồ như chính Người đã được Chúa Cha sai đến (x. Ga 20,21); Người đã muốn những người kế vị các Tông đồ, tức là các Giám mục, sẽ nên những chủ chăn trong Giáo Hội cho đến tận thế. Nhưng để chính chức Giám mục được duy nhất và không bị phân chia, Chúa đã đặt thánh Phêrô đứng đầu các Tông đồ khác và đã thiết lập thánh nhân nên nguyên lý và nền tảng trường tồn và hữu hình của sự hợp nhất trong đức tin và của sự hiệp thông[37]. Một lần nữa Thánh Công Đồng nêu lên cho tất cả các tín hữu giáo lý đức tin vững vàng về sự thiết lập và sự trường tồn, về giá trị và ý nghĩa của quyền tối thượng nơi Giám mục Rôma cũng như về quyền giáo huấn bất khả ngộ của ngài, và tiếp nối theo đó, Thánh Công Đồng cũng muốn tuyên xưng và công bố cho mọi người giáo lý về các Giám mục, những người kế vị các Tông đồ, cũng là những người cai quản ngôi nhà của Thiên Chúa hằng sống, cùng với Đấng kế vị thánh Phêrô, là Đại diện Đức Kitô[38] và là Thủ lãnh hữu hình của toàn thể Giáo Hội.

  1. Sau khi cầu nguyện lâu giờ cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu đã gọi đến với mình những kẻ Người muốn và thiết lập Nhóm Mười hai để họ ở với Người và để Người sai họ đi rao giảng vương quốc Thiên Chúa (x. Mc 3,13-19; Mt 10,1-42); Người tổ chức các Tông đồ (x. Lc 6,13) theo hình thức một hiệp đoàn, nghĩa là một nhóm bền vững, trong số đó Phêrô được chọn làm người đứng đầu (x. Ga 21,15-17). Người sai các Tông đồ đến với con cái Israel trước tiên, rồi đến với tất cả các dân nước (x. Rm 1,16), cho các ngài thông phần vào quyền năng của Người để làm cho mọi dân tộc nên môn đệ Người, để thánh hoá và hướng dẫn họ (x. Mt 28,16-20; Mc 16,15; Lc 24,45-48; Ga 20,21-23); và như thế, các ngài mở mang Giáo Hội, và dưới sự hướng dẫn của Chúa, các ngài chăn dắt Giáo Hội bằng tác vụ mục vụ mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20). Ngày lễ Ngũ Tuần, các ngài được làm cho nên kiên định hoàn toàn trong sứ mệnh này (x. Cv 2,1-36) như lời Chúa hứa: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em, và khi ấy, anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđêa, Samaria và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Khi Tin Mừng được rao giảng khắp nơi (x. Mc 16,20) và được những người nghe đón nhận nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, các Tông đồ qui tụ Giáo Hội phổ quát mà Chúa đã thiết lập trên các Tông đồ và xây dựng trên nền đá Phêrô, thủ lãnh của các ngài, với viên đá góc là chính Đức Giêsu Kitô (x. Kh 21,14; Mt 16,18; Ep 2,30)[39].
  2. 20. Sứ mệnh thần linh đã được Đức Kitô trao phó cho các Tông đồ phải được thực thi mãi cho đến tận thế (x. Mt 28,20), vì đối với Giáo Hội, Tin Mừng được các ngài chuyển giao chính là nguyên lý của toàn bộ đời sống Giáo Hội qua mọi thời đại. Vì thế, các Tông đồ đã cẩn thận chỉ định những người kế vị trong Giáo Hội, một cộng đồng được tổ chức theo phẩm trật.

Thật vậy, không chỉ để có thêm những người phụ tá trong các tác vụ[40], nhưng còn để cho sứ mệnh đã được trao phó có thể được tiếp tục sau khi các ngài qua đời, các Tông đồ đã ký thác, như một lời di chúc, cho các cộng sự viên trực tiếp của mình nhiệm vụ hoàn tất và củng cố công trình các ngài đã khởi sự[41], đồng thời căn dặn họ coi sóc toàn thể đoàn chiên trong đó Chúa Thánh Thần đã đặt họ làm người chăn dắt Giáo Hội của Thiên Chúa (x. Cv 20,28). Bởi vậy, các ngài chỉ định những người theo tiêu chí đó, và trao ban chức vị để khi các ngài qua đời, những người đã được thử luyện sẽ lãnh lấy tác vụ của các ngài[42]. Trong số các thừa tác vụ khác nhau được thi hành trong Giáo Hội từ buổi sơ khai, theo chứng từ của Truyền Thống, thì vị trí chính yếu thuộc về chức vụ của những người đã được chỉ định vào chức Giám mục và do sự kế vị liên tục ngay từ đầu[43], các ngài được coi là những người lưu chuyển dòng dõi tông truyền[44]. Như thế, theo chứng từ của thánh Irênê, Truyền thống Tông đồ được tỏ hiện và được bảo tồn trên khắp hoàn cầu[45] nhờ những vị được các Tông đồ đặt làm Giám mục và nhờ những người kế vị các ngài cho đến chúng ta ngày nay[46].

Như vậy, các Giám mục nhận lãnh tác vụ coi sóc cộng đoàn cùng với các linh mục và phó tế làm phụ tá[47], khi thay mặt Thiên Chúa lãnh đạo đoàn chiên[48] mà các ngài là những chủ chăn, với tư cách là thầy dạy giáo thuyết, tư tế lo phụng tự thánh và thừa tác viên lo việc cai quản[49]. Tương tự như chức vụ Chúa đã trao phó cho riêng thánh Phêrô, vị Tông đồ trưởng, là một chức vụ trường tồn và phải được trao lại cho những người kế vị ngài, cũng thế, chức vụ chăn dắt Giáo Hội mà các Tông đồ nhận lãnh cũng trường tồn và được thi hành không gián đoạn nhờ thánh chức Giám mục[50]. Vì thế, Thánh Công Đồng dạy rằng chính Chúa đã lập các Giám mục kế vị các Tông đồ[51] với tư cách là những chủ chăn Giáo Hội, ai nghe các ngài là nghe Đức Kitô, còn ai khước từ các ngài là khước từ Đức Kitô và Đấng đã sai Đức Kitô (x. Lc 10,16)[52].

  1. 21. Như thế, chính Chúa Giêsu Kitô, Linh mục Thượng phẩm, hiện diện giữa các tín hữu qua các Giám mục được các linh mục trợ giúp. Dù đang ngự bên hữu Chúa Cha, Đức Kitô vẫn luôn hiện diện giữa cộng đoàn qua các vị giáo trưởng của Người[53], nhưng trên hết, chính qua sự phục vụ cao cả của các ngài mà Đức Kitô công bố lời Thiên Chúa cho các dân nước và không ngừng cử hành các bí tích đức tin cho các tín hữu, qua sự chăm sóc đầy tình hiền phụ của các ngài (x. 1 Cr 4,15), Đức Kitô dùng ơn tái sinh siêu nhiên để nhập hiệp những chi thể mới vào Thân Mình Người, sau cùng, qua sự khôn ngoan thận trọng của các ngài, Đức Kitô dẫn dắt và hướng dẫn Dân của Tân Ước trong cuộc lữ hành tiến về hạnh phúc muôn đời. Được chọn để chăn dắt đoàn chiên của Chúa, các vị chủ chăn ấy là người phục vụ Đức Kitô và là người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa (x. 1 Cr 4,1), những người được uỷ thác sứ vụ làm chứng cho Tin Mừng của ân sủng Thiên Chúa (x. Rm 15,16; Cv 20,24) cũng như việc phục vụ Thần Khí và đức công chính trong vinh quang (x. 2 Cr 3,8-9).

Để chu toàn những trách vụ vô cùng cao quí ấy, các Tông đồ đã được Đức Kitô đổ tràn Thánh Thần cách đặc biệt (x. Cv 1,8; 2,4; Ga 20,22-23), và chính các ngài lại đặt tay ban truyền ân huệ thánh linh này cho các cộng sự viên (x. 1 Tm 4,14; 2 Tm 1,6-7), và ân huệ ấy cứ mãi được chuyển thông cho đến chúng tôi trong sự thánh hiến Giám mục[54]. Và Thánh Công Đồng dạy rằng việc thánh hiến Giám mục trao ban sự sung mãn của bí tích Truyền Chức mà cả phụng vụ của Giáo Hội lẫn các thánh Giáo phụ đều gọi là chức linh mục tối cao, là tột đỉnh của thừa tác vụ thánh[55]. Việc thánh hiến Giám mục trao ban chức vụ thánh hoá cũng như chức vụ giảng dạy và cai quản, những chức vụ mà tự bản tính chỉ có thể thực thi trong sự hiệp thông phẩm trật với vị Thủ lãnh và các thành viên của Giám mục đoàn. Thật vậy, theo truyền thống được biểu hiện cách đặc biệt qua các nghi thức phụng vụ và qua thực hành của Giáo Hội Đông phương cũng như Tây phương, rõ ràng là qua việc đặt tay và qua các lời thánh hiến, ân sủng Thánh Thần được thông ban[56] và ấn tích thánh được ghi dấu[57], đến độ các Giám mục đảm nhận với một cách thế trổi vượt và hữu hình vai trò của chính Đức Kitô là Thầy, là Chủ chăn và là Tư tế, đồng thời hành động trong tư cách là hiện thân của Người[58]. Các Giám mục có thẩm quyền ban bí tích Truyền Chức Thánh để nhận vào Giám mục đoàn những người mới được tuyển chọn.

  1. 22. Do Chúa thiết định, thánh Phêrô và các Tông đồ khác đã tạo thành một Tông đồ đoàn duy nhất, cũng với cách thức tương tự, Giám mục Rôma là người kế vị thánh Phêrô, cùng với các Giám mục là những người kế vị các Tông đồ luôn liên kết với nhau. Thật vậy, bản chất và đặc tính cộng đoàn của chức Giám mục được thể hiện qua một định chế có từ xa xưa, theo đó các Giám mục trên khắp hoàn cầu thông hiệp với nhau và với Giám mục Rôma bằng mối dây hiệp nhất, bác ái và bình an[59], cũng như qua việc triệu tập các Công đồng[60] để cùng nhau quyết nghị về những vấn đề quan trọng hơn[61], bằng những định chế đã được cân nhắc với ý kiến của nhiều người[62]; các Công Đồng chung được nhóm họp trong các thế kỷ xác nhận rõ ràng điều này. Và bản chất cộng đoàn ấy cũng đã được đưa vào một tập tục xa xưa, qua việc mời nhiều Giám mục đến cùng cử hành nghi lễ tấn phong cho người vừa được chọn để nhận lãnh tác vụ tư tế tối cao. Một người được thiết định là thành viên của cộng đoàn Giám mục nhờ sự thánh hiến bí tích và nhờ sự hiệp thông phẩm trật với vị Thủ lãnh và những phần tử của Giám mục đoàn.

Tuy nhiên, Giám mục đoàn hoặc cộng đoàn Giám mục chỉ có quyền bính khi hợp nhất với Giám mục Rôma, Đấng kế vị thánh Phêrô, như là với Thủ lãnh của Giám mục đoàn, trong khi quyền tối thượng của ngài trên tất cả các Chủ chăn và tín hữu vẫn được bảo toàn trọn vẹn. Thật vậy, do chức vụ của mình là đại diện Đức Kitô và là Chủ chăn của toàn thể Giáo Hội, Giám mục Rôma có thẩm quyền trọn vẹn, tối cao và phổ quát trong Giáo Hội và luôn có thể tự do thực thi quyền bính này. Hàng Giám mục, những người kế vị Tông đồ đoàn trong việc huấn giáo và điều hành mục vụ, hơn nữa còn làm cho cộng đoàn Tông đồ ấy được trường tồn, khi hợp nhất với vị Thủ lãnh là Giám mục Rôma, và không bao giờ tách rời khỏi ngài, Giám mục đoàn mới là chủ thể có quyền hành trọn vẹn và tối cao trên Giáo Hội phổ quát[63], nhưng quyền bính này chỉ có thể được thực thi khi có sự ưng thuận của Giám mục Rôma. Chúa đã đặt một mình Phêrô làm nền đá và là người giữ chìa khoá của Giáo Hội (x. Mt 16,18-19), và đã đặt ngài làm Chủ chăn của toàn thể đoàn chiên Chúa (x. Ga 21,15tt.); nhưng riêng nhiệm vụ tháo gỡ và cầm buộc Người đã ban cho Phêrô (Mt 16,19), thì rõ ràng Người cũng đã ban cho cả cộng đoàn Tông đồ liên kết với vị thủ lãnh của mình (x. Mt 18,18; 28,16-20)[64]. Xét như được tạo thành với nhiều thành viên, Giám mục đoàn diễn tả đặc tính đa dạng và phổ quát của Dân Thiên Chúa; còn xét như được quy tụ dưới một vị thủ lãnh duy nhất, cộng đoàn Giám mục diễn tả tính duy nhất của đoàn chiên Đức Kitô. Trong cộng đoàn này, trong khi vẫn trung thành tôn trọng quyền tối thượng và tính cách chủ yếu của vị thủ lãnh, các Giám mục thực thi thẩm quyền riêng của mình vì phần ích cho các tín hữu của mình và hơn nữa cho toàn thể Giáo Hội, trong khi Chúa Thánh Thần vẫn không ngừng củng cố cơ cấu tổ chức và sự hòa hợp của Giáo Hội. Quyền tối cao của Giám mục đoàn trên toàn thể Giáo Hội được thi hành cách trọng thể trong Công Đồng chung. Nhưng không bao giờ có một Công Đồng chung nếu không được người kế vị thánh Phêrô phê chuẩn hay ít ra chấp nhận; và vị Giám mục Rôma có đặc quyền triệu tập, chủ tọa và phê chuẩn các Công Đồng này[65]. Hợp nhất với Giáo hoàng, các Giám mục cư ngụ trên khắp thế giới có thể thi hành quyền cộng đoàn ấy khi vị thủ lãnh mời gọi các ngài thực hiện một hành động tập thể, hay ít ra phê chuẩn hoặc sẵn lòng chấp nhận hành động mang tính liên kết của những Giám mục đang ở nhiều nơi khác nhau, xem đó thực sự là một hành động tập thể.

  1. 23. Sự hợp nhất của Giám mục đoàn cũng hiển hiện qua những mối liên hệ hỗ tương giữa mỗi Giám mục với Giáo Hội địa phương và Giáo Hội phổ quát. Vị Giám mục Rôma, Đấng kế vị Phêrô, là nguyên lý và nền tảng vĩnh viễn, hữu hình[66] của sự hợp nhất giữa các Giám mục cũng như giữa các tín hữu. Còn mỗi Giám mục là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hợp nhất trong Giáo Hội địa phương của mình[67] vốn được hình thành theo hình ảnh Giáo Hội phổ quát, chính nhờ và trong các Giáo Hội này mà có một Giáo Hội công giáo duy nhất[68]. Chính vì lẽ này, mỗi Giám mục tiêu biểu cho Giáo Hội mình, và tất cả các Giám mục, cùng với Giáo Hoàng, tiêu biểu cho toàn thể Giáo Hội trong mối dây bình an, yêu thương và hợp nhất.

Mỗi Giám mục, người được đặt đứng đầu một Giáo Hội địa phương, thi hành việc điều hành mục vụ trên một phần của đoàn dân Thiên Chúa được trao phó cho mình, chứ không phải trên các Giáo Hội khác hoặc trên Giáo Hội phổ quát. Nhưng với tư cách là thành viên của Giám mục đoàn và là người kế vị hợp pháp của các Tông đồ, mỗi Giám mục, do sự thiết định và mệnh lệnh của Đức Kitô, có bổn phận[69] ân cần chăm lo cho toàn thể Giáo Hội, một sự chăm lo, cho dù không được thực thi bằng một hành động thuộc quyền tài thẩm, vẫn mang lại rất nhiều lợi ích cho Giáo Hội phổ quát. Thật vậy, tất cả các Giám mục có nhiệm vụ phát huy và bảo vệ tính duy nhất của đức tin và kỷ luật chung của toàn Giáo Hội, dạy cho tín hữu biết yêu mến toàn Nhiệm Thể Đức Kitô, nhất là các chi thể nghèo khó, đau khổ và đang chịu bách hại vì sự công chính (x. Mt 5,10), sau cùng các ngài còn có nhiệm vụ phát huy mọi hoạt động sinh ích lợi cho toàn thể Giáo Hội, nhất là để giúp tăng triển đức tin và làm cho ánh sáng chân lý toàn vẹn chiếu soi trên mọi người. Ngoài ra, điều quan trọng là khi khôn ngoan cai quản Giáo Hội địa phương là một phần của Giáo Hội phổ quát, các Giám mục đã góp phần hữu hiệu vào thiện ích của toàn Nhiệm Thể cũng chính là thân mình của các Giáo Hội[70].

Chăm lo việc rao giảng Tin Mừng cho khắp thế giới là bổn phận của cộng đoàn các mục tử, đây là bổn phận chung mà Đức Kitô đã truyền lệnh buộc tất cả các ngài đều phải thực thi, như Đức Giáo hoàng Cêlestinô đã nhắc nhở các Nghị phụ Công Đồng Êphêsô[71]. Vì thế mỗi Giám mục, theo mức độ thực thi phận vụ riêng của mình, phải cộng tác với nhau và với Đấng kế vị thánh Phêrô là người được ủy thác cách cá biệt nhiệm vụ cao cả là truyền bá danh Chúa Kitô[72]. Do đó, các Giám mục phải dốc toàn lực đóng góp vào việc truyền giáo bằng cách cung cấp cả những thợ gặt lẫn những trợ giúp thiêng liêng và vật chất, hoặc do chính mình trực tiếp hoặc khơi dậy sự cộng tác nhiệt thành của các tín hữu. Sau cùng, trong sự hiệp thông phổ quát của đức ái, theo gương lành đáng quí của thời xưa, các Giám mục phải sẵn lòng mang đến sự trợ giúp huynh đệ cho các Giáo Hội khác, nhất là cho những Giáo Hội lân cận và túng thiếu hơn.

Chúa Quan phòng đã muốn các Giáo Hội đã được các Tông đồ và những người kế vị thành lập tại nhiều nơi khác nhau theo dòng thời gian, tụ họp lại thành nhiều nhóm liên kết với nhau một cách có tổ chức, các nhóm này được có kỷ luật riêng, phụng vụ riêng, di sản thần học và thiêng liêng riêng, trong khi vẫn luôn gìn giữ sự hợp nhất trong đức tin cũng như cơ cấu duy nhất và thần linh của Giáo Hội phổ quát. Một số trong các Giáo Hội ấy, nhất là những Giáo Hội cổ xưa có tòa Thượng phụ, tựa như những người mẹ trong đức tin, có thể nói đã sinh ra nhiều người con là các Giáo Hội khác, và cho đến nay vẫn còn liên kết với nhau bằng mối dây bác ái khá mật thiết trong đời sống bí tích và trong sự tôn trọng quyền lợi và nghĩa vụ lẫn nhau[73]. Sự dị biệt nơi các Giáo Hội địa phương đang hướng về sự hợp nhất càng minh chứng rõ ràng đặc tính công giáo của một Giáo Hội không phân chia. Cũng thế, ngày nay các Hội đồng Giám mục có thể góp phần phong phú và hiệu quả để thể hiện cụ thể tinh thần cộng đoàn.

  1. Vì là những người kế vị các Tông đồ, các Giám mục lãnh nhận từ Chúa, Đấng được ban mọi quyền năng trên trời dưới đất, sứ mệnh dạy dỗ muôn dân và rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật, để mọi người được cứu độ nhờ lãnh nhận đức tin, phép Thánh tẩy và chu toàn các giới răn Chúa (x. Mt 28,18-20; Mc 16,15-16; Cv 26,17tt.). Để hoàn thành sứ mệnh đó, Đức Kitô đã hứa ban Thánh Thần cho các Tông đồ, và trong ngày lễ Ngũ tuần, Người đã cử Thánh Thần từ trời xuống, nhờ sức mạnh của Ngài, các Tông đồ trở nên chứng nhân cho Đức Kitô đến tận cùng trái đất, trước mọi dân, mọi nước và vua chúa (Cv 1,8; 2,1tt; 9,15). Nhiệm vụ Chúa đã trao phó cho các Chủ chăn của dân Người đích thực là một việc phục vụ mà Thánh Kinh gọi rõ ràng là “diakonia” hay thừa tác vụ (x. Cv 1,17 và 25; 21,19; Rm 11,13; 1 Tm 1,12).

Sứ vụ theo Giáo luật của các Giám mục có thể được thực thi, hoặc theo tập tục hợp pháp mà quyền tối thượng và phổ quát của Giáo Hội vẫn còn chấp nhận, hoặc theo các luật lệ được thẩm quyền ấy ban hành hay thừa nhận, hoặc trực tiếp do chính Đấng kế vị Thánh Phêrô; nhưng nếu Đức Giáo Hoàng phản đối hoặc không thừa nhận sự hiệp thông tông truyền nơi Giám mục nào, thì vị đó không được đảm nhận trách vụ[74].

  1. Rao giảng Tin Mừng là nhiệm vụ hàng đầu trong các nhiệm vụ chính yếu của các Giám mục[75]. Thật vậy, các Giám mục là những người loan truyền đức tin để đem nhiều môn đệ mới về với Đức Kitô, là những thầy dạy đích thực, nghĩa là được ban quyền bính của Đức Kitô, để rao giảng cho đoàn dân đã được trao phó cho các ngài đức tin họ phải lãnh nhận và đem áp dụng vào cách sống, và để soi tỏ đức tin ấy dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, khi rút ra những cái mới cái cũ từ kho tàng mạc khải (x. Mt 13,52), các ngài làm cho đức tin trổ sinh hoa trái, và luôn tỉnh thức loại bỏ mọi lầm lạc đang đe dọa đoàn chiên mình (x. 2 Tm 4,1-14). Các Giám mục khi dạy dỗ trong sự thông hiệp với Giám mục Rôma, phải được mọi người kính trọng như những chứng nhân của chân lý thần linh và công giáo; phần các tín hữu phải tùng phục phán quyết của Giám mục về đức tin và phong hoá được công bố nhân danh Đức Kitô, cũng như phải gắn bó với ngài bằng thái độ tuân phục trong tinh thần đạo đức. Thái độ tuân phục trong tinh thần đạo đức này về mặt ý chí cũng như lý trí phải được đặc biệt dành cho huấn quyền đích thực của vị Giám mục Rôma, ngay cả khi ngài không tuyên bố từ thượng toà, ex cathedra; như vậy có nghĩa là ta phải kính cẩn nhìn nhận quyền giáo huấn tối thượng của ngài, chân thành chấp nhận những phán quyết của ngài theo đúng tư tưởng và ý muốn mà ngài trình bày, đặc biệt biểu lộ qua bản chất các tài liệu, hoặc qua việc ngài nhiều lần lập lại cùng một giáo huấn hay qua cách diễn tả của ngài.

Tuy từng Giám mục riêng rẽ không được hưởng đặc ân bất khả ngộ, tuy nhiên, khi các ngài đồng thuận trong một phán quyết phải được tuân giữ cách tuyệt đối, thì dù đang phân tán khắp nơi trên thế giới, nhưng vẫn duy trì sự hiệp thông với nhau và với Đấng kế vị thánh Phêrô trong lúc chính thức dạy dỗ về đức tin và phong hoá, các ngài công bố cách bất khả ngộ giáo lý của Đức Kitô[76]. Điều này còn rõ ràng hơn khi cùng nhau nhóm họp trong một Công Đồng chung, các ngài là những tiến sĩ và thẩm phán về đức tin và phong hoá đối với Giáo Hội phổ quát, nên phải tuân theo các định tín của các ngài với sự vâng phục của đức tin[77].

Ơn bất khả ngộ mà Chúa Cứu Thế đã muốn ban cho Giáo Hội của Người khi xác định giáo thuyết về đức tin và phong hóa, trải rộng đến tất cả những gì có trong kho tàng mạc khải thần linh mà Giáo Hội phải bảo toàn cách cẩn trọng và phải trình bày cách trung thành. Vị Giám mục Rôma, Thủ lãnh của Giám mục đoàn, hưởng ơn bất khả ngộ đó do chức vụ của mình khi, với tư cách là chủ chăn và thày dạy tối cao của mọi tín hữu, là người củng cố đức tin anh em mình (x. Lc 22,32), ngài công bố giáo thuyết về đức tin và phong hoá bằng một phán quyết tuyệt đối[78]. Vì lẽ này, thật hợp lý khi nói rằng những xác quyết của ngài là không thể sửa đổi do tự bản chất chứ không phải do sự đồng ý của Giáo Hội, vì những điều đó được công bố dưới sự bảo trợ của Chúa Thánh Thần mà Chúa đã hứa ban cho ngài trong thánh Phêrô, như vậy, không cần ai khác chuẩn nhận và không phải nại tới một phán quyết nào khác. Thật vậy, vị Giám mục Rôma không đưa ra xác quyết với tư cách cá nhân, nhưng trình bày và bảo vệ giáo thuyết đức tin công giáo với tư cách là thầy dạy tối cao của toàn thể Giáo Hội, nơi ngài, đặc sủng bất khả ngộ của chính Giáo Hội hiện diện một cách đặc biệt[79]. Ơn bất khả ngộ được hứa cho Giáo Hội cũng hiện diện nơi Giám mục đoàn khi các ngài thực thi quyền giáo huấn tối thượng cùng với Đấng kế vị thánh Phêrô. Giáo Hội không thể không chấp nhận những phán quyết đó, vì được tác động bởi cùng một Thánh Thần, nhờ đó toàn thể đoàn chiên Đức Kitô được bảo vệ và phát triển trong sự hợp nhất của đức tin[80].

Khi vị Giám mục Rôma hoặc Giám mục đoàn cùng với ngài định tín một giáo lý, các ngài tuyên bố điều ấy hợp với chính mạc khải mà mọi người buộc phải tuân giữ và qui phục, được truyền lại trọn vẹn hoặc dưới hình thức văn bản hoặc theo truyền khẩu nhờ sự kế vị hợp pháp của các Giám mục và nhất là nhờ sự quan tâm cảnh giác của chính vị Giám mục Rôma, nhờ Thần Khí sự thật soi sáng, mạc khải ấy được giữ gìn cách cẩn trọng và trình bày cách trung thành[81]. Tuỳ theo trách vụ của mình cũng như tầm quan trọng của sự việc, và bằng những phương tiện thích hợp, vị Giám mục Rôma và các Giám mục tận tâm nỗ lực để tìm hiểu thấu đáo và trình bày cách thích hợp mạc khải này[82]; nhưng sẽ không có một mạc khải công khai mới nào nữa được thêm vào kho tàng thần linh của đức tin[83].

  1. 26. Giám mục, bởi nhận lãnh bí tích Truyền chức thánh cách viên mãn, là “người quản lý ân sủng của chức linh mục tối cao”[84], nhất là trong phép Thánh Thể do chính ngài dâng hoặc lo liệu để có người dâng[85], nhờ đó Giáo Hội luôn sống động và tăng triển. Giáo Hội Đức Kitô thật sự hiện diện trong mọi cộng đoàn tín hữu địa phương hợp pháp, là những cộng đoàn luôn gắn bó với các vị Chủ chăn của mình, và Tân Ước cũng gọi đó là các Giáo Hội[86]. Thật vậy, trong địa phương của mình, các cộng đoàn này là đoàn dân mới, được Thiên Chúa kêu gọi trong Thánh Thần và trong sự sung mãn dồi dào (x. 1 Ts 1,5). Nơi các cộng đoàn đó, các tín hữu được tụ họp lại nhờ việc rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô, và mầu nhiệm bữa Tiệc của Chúa được cử hành “để nhờ Thịt và Máu Chúa, tình huynh đệ trọn vẹn được kết thành trong một thân thể”[87]. Nơi mỗi cộng đoàn tụ họp quanh bàn thờ, qua tác vụ thánh của vị Giám mục, bày tỏ rõ ràng biểu tượng của đức ái và của “sự hợp nhất nơi nhiệm thể, điều kiện thiết yếu để có ơn cứu độ”[88]. Đức Kitô vẫn hiện diện trong các cộng đoàn ấy, thường là nhỏ bé nghèo hèn hay tản mác khắp nơi, và chính nhờ thần lực của Người mà Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền được qui tụ[89]. Bởi vì “việc tham dự vào Mình và Máu Đức Kitô không có công hiệu nào khác hơn là biến đổi chúng ta thành điều mà chúng ta nhận lãnh”[90].

Tuy nhiên, mọi việc cử hành Thánh Thể cách hợp pháp đều phải được qui định bởi chính vị Giám mục, người được ủy thác nhiệm vụ dâng lên Thiên Chúa uy linh phụng tự Kitô giáo và điều hành phụng tự đó theo đúng huấn lệnh của Chúa và luật Giáo Hội, với những qui định sau đó được chính ngài xét thấy phải xác lập riêng cho giáo phận mình.

Như thế, khi cầu nguyện và hoạt động cho dân Chúa, các Giám mục làm tuôn tràn cách phong phú dồi dào sự thánh thiện sung mãn của Đức Kitô. Bằng thừa tác vụ Lời Chúa, các ngài thông truyền cho tín hữu sức mạnh của Thiên Chúa để ban ơn cứu độ (x. Rm 1,16), các ngài thánh hoá tín hữu bằng các bí tích mà với quyền bính của mình, các ngài sắp xếp để ban phát cách đều đặn và phong phú[91]. Các ngài qui định việc ban bí tích Thánh tẩy để các tín hữu được tham dự vào chức vụ tư tế vương giả của Đức Kitô. Các ngài là thừa tác viên đầu tiên của bí tích Thêm Sức, trao ban các chức thánh, ấn định kỷ luật về việc giải tội, và tận tình khuyên bảo, giáo huấn dân Chúa để họ chu toàn các phận vụ trong phụng vụ và nhất là trong hy tế Thánh lễ với lòng tin và thái độ kính cẩn. Sau cùng, các ngài phải nêu gương sáng cho những kẻ thuộc quyền trong cách xử sự, bằng cách xa tránh tất cả những gì không tốt đẹp trong cách sống, và với ơn Chúa giúp, cố gắng hết sức biến đổi tất cả trở nên tốt lành, để cùng với đoàn chiên Chúa đã trao phó đạt tới sự sống vĩnh cửu[92].

  1. 27. Là đại diện và sứ giả của Đức Kitô, các Giám mục cai quản Giáo Hội địa phương được ủy nhiệm cho các ngài[93] bằng những lời khuyên bảo, khích lệ, bằng gương lành, và ngay cả bằng thẩm quyền và quyền lực thánh thiêng, tất cả chỉ nhằm xây dựng đoàn chiên trong chân lý và thánh thiện, trong khi vẫn luôn tâm niệm rằng ai cao trọng hơn phải nên như người bé nhỏ và người làm đầu phải nên như tôi tớ (x. Lc 22,26-27). Thẩm quyền mà các ngài đích thân thực thi nhân danh Đức Kitô, là năng quyền riêng, thông thường và trực tiếp, nhưng việc thi hành vẫn tuỳ thuộc vào quyết định tối hậu của quyền bính tối cao trong Giáo Hội, và có thể bị giới hạn phần nào vì lợi ích của Giáo Hội hay của các tín hữu. Với năng quyền này, trước mặt Chúa các Giám mục có quyền và có bổn phận thánh thiêng ấn định các luật lệ cho những người thuộc quyền, phân xử và quy định tất cả những gì liên quan đến phụng tự và việc Tông đồ.

Trách nhiệm mục vụ, nghĩa là sự chăm sóc thường xuyên và hằng ngày cho đoàn chiên, được ủy thác hoàn toàn cho các Giám mục, và không được coi các Giám mục là những phụ tá của Giám mục Rôma, vì các ngài thực thi quyền riêng của mình và thực sự được gọi là Thủ lãnh của dân mà các ngài cai quản[94]. Vì thế, quyền bính của Giám mục không bị quyền tối cao và phổ quát đoạn tiêu, nhưng trái lại, còn được quyền đó xác nhận, củng cố và bảo đảm[95], vì Chúa Thánh Thần luôn mãi duy trì thể thức cai quản do Chúa Kitô thiết lập trong Giáo Hội.

Được Chúa Cha cử đến để cai quản gia đình Ngài, Giám mục phải chiêm ngắm gương mẫu vị Mục tử nhân lành, Đấng đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ (x. Mt 20,28; Mc 10,45) và hiến mạng sống mình vì con chiên (x. Ga 10,11). Được chọn giữa loài người và mang đầy yếu đuối, ngài có thể cảm thông những ai ngu muội và lầm lạc (x. Dt 5,1-2). Giám mục đừng từ chối lắng nghe những kẻ thuộc quyền, nhưng hãy săn sóc họ như những người con đích thực và khuyên nhủ họ nhiệt thành cộng tác với mình. Vì phải trả lẽ với Thiên Chúa về linh hồn con cái mình (x. Dt 13,17), nên bằng cầu nguyện, giảng dạy, và các việc lành bác ái, Giám mục quan tâm chăm sóc họ và cả những người chưa thuộc về cùng một đoàn chiên, những người mà trong Chúa ngài phải xem như đã được trao phó cho mình. Vì như Tông đồ Phaolô, ngài mắc nợ đối với tất cả mọi người, ngài phải hăng say rao giảng Tin Mừng cho mọi người (x. Rm 1,14-15), và khuyến khích các tín hữu hoạt động tông đồ và truyền giáo. Còn các tín hữu phải liên kết với Giám mục như Giáo Hội gắn bó với Đức Giêsu Kitô, và như Đức Giêsu Kitô với Chúa Cha, để tất cả luôn đồng tâm trong tình hợp nhất[96] và mang lại hoa trái phong phú cho vinh quang Thiên Chúa (x. 2 Cr 4,15).

  1. 28. Đức Kitô, Đấng Chúa Cha thánh hiến và sai đến thế gian (x. Ga 10,36), nhờ các Tông đồ, đã làm cho những người kế vị các ngài, tức là Giám mục, được tham dự vào việc thánh hiến và sứ mạng của mình[97], sau đó các Giám mục lại trao ban cách hợp pháp thừa tác vụ của mình cho những phần tử khác nhau trong Giáo Hội theo những cấp bậc khác nhau. Như thế, thừa tác vụ giáo sĩ do Thiên Chúa thiết lập được thi hành theo những cấp bậc khác nhau mà từ xưa được gọi là Giám mục, Linh mục và Phó tế[98]. Dù không ở cấp độ tối cao của quyền giáo trưởng và tùy thuộc Giám mục khi thi hành quyền bính, các linh mục liên kết với Giám mục trong chức vị tư tế[99] và nhờ bí tích Truyền Chức Thánh[100], linh mục được thánh hiến theo hình ảnh Đức Kitô, Linh mục tối cao và đời đời (x. Dt 5,1-10; 7,24; 9,11-28) để rao giảng Tin Mừng, chăn dắt các tín hữu và cử hành việc phụng tự linh thánh như những tư tế đích thực của Tân Ước[101]. Được tham dự theo cấp bậc thừa tác vụ của mình vào các chức năng của Đức Kitô, Đấng Trung gian duy nhất (x. 1 Tm 2,5), các linh mục loan báo lời Thiên Chúa cho mọi người. Nhưng chính trong phượng tự Thánh Thể hay trong cộng đoàn cử hành Thánh Thể mà các ngài thực thi chức năng thánh thiêng của mình cách tuyệt hảo, nơi đó, khi hành động với tư cách là hiện thân của Đức Kitô[102] và công bố mầu nhiệm của Người, các ngài kết hợp những ý nguyện của tín hữu với hy tế của Đức Kitô, thủ lãnh của họ, và các ngài hiện tại hóa và hiện thực hoá trong hy tế thánh lễ cho tới khi Chúa lại đến, hy tế duy nhất của Tân Ước[103], nghĩa là hy tế của Đức Kitô, Đấng dâng mình làm hiến vật tinh tuyền dâng lên Chúa Cha một lần là đủ (x. Dt 9,11-28) (x. 1 Cr 11,26). Các ngài toàn quyền thực thi thừa tác vụ giao hòa và an ủi dành cho các hối nhân và người đau bệnh, và dâng lên Chúa Cha những nhu cầu và lời khẩn nguyện của các tín hữu (x. Dt 5,1-4). Trong quyền hạn mình, khi thi hành chức năng của Đức Kitô Mục tử và Thủ lãnh[104], các ngài tụ họp gia đình Thiên Chúa như một cộng đoàn huynh đệ sống trong tình hợp nhất[105], và nhờ Đức Kitô, trong Thánh Thần, các ngài dẫn đưa cộng đoàn ấy về với Chúa Cha. Ở giữa đoàn chiên, các ngài tôn thờ Thiên Chúa trong Thần Khí và chân lý (x. Ga 4,24). Sau hết, các ngài nỗ lực rao giảng và dạy dỗ (x. 1 Tm 5,17), luôn tin điều các ngài đọc và suy niệm trong lề luật Chúa, dạy điều các ngài tin và thực hành trong chính đời sống điều các ngài dạy[106].

Là cộng sự viên khôn ngoan để giúp đỡ và làm việc với hàng Giám mục[107], được kêu gọi để phục vụ Dân Thiên Chúa, các linh mục cùng với Giám mục của mình tạo thành linh mục đoàn duy nhất với nhiều nhiệm vụ khác nhau[108]. Trong mỗi cộng đoàn tín hữu địa phương, linh mục một cách nào đó đại diện của vị Giám mục mà các ngài hằng liên kết với lòng tin tưởng và quảng đại đồng thời đảm nhận theo khả năng những bổn phận và nỗi ưu tư của Giám mục và ân cần thực thi hằng ngày. Dưới quyền Giám mục, các linh mục thánh hoá và coi sóc một phần đoàn chiên Chúa đã trao phó cho mình, các ngài làm cho Giáo Hội phổ quát nên hữu hình ngay tại địa phương mình, và góp phần hữu hiệu vào việc xây dựng toàn thân mình Đức Kitô (x. Ep 4,12). Luôn lưu tâm đến lợi ích của những người con cái Thiên Chúa, các ngài phải nhiệt thành tham gia vào việc mục vụ của cả giáo phận, và hơn nữa, của toàn thể Giáo Hội. Vì tham dự vào chức tư tế và sứ mệnh của Giám mục, linh mục phải thật sự xem ngài như người cha và kính cẩn vâng phục ngài. Phần Giám mục phải xem các linh mục, những cộng sự viên của mình, như thể con cái và bạn hữu, như Đức Kitô không còn gọi môn đệ là tôi tớ nhưng là bạn hữu (x. Ga 15,15). Do đó, tất cả các linh mục, triều cũng như dòng, bởi chức thánh và thừa tác vụ, luôn gắn kết với Giám mục đoàn và tuỳ theo ơn gọi và ân sủng mà phục vụ cho lợi ích của toàn thể Giáo Hội.

Vì cùng lãnh nhận thánh chức và có chung một sứ mệnh, tất cả các linh mục được nối kết với nhau bằng một tình huynh đệ thắm thiết, được thể hiện cách tự phát và tự nguyện qua sự tương trợ cả về tinh thần lẫn vật chất, trong mục vụ cũng như trong lãnh vực cá nhân, qua các cuộc hội họp cũng như qua sự hiệp thông trong đời sống, trong công việc và trong tình bác ái huynh đệ.

Như những người cha trong Chúa Kitô, các linh mục hãy chăm sóc các tín hữu mà các ngài đã sinh ra cách thiêng liêng qua bí tích Thánh tẩy và những lời giáo huấn (x. 1 Cr 4,15 và 1 Pr 1,23). Là gương mẫu cho đoàn chiên (1 Pr 5,3), các ngài hãy điều hành và phục vụ cộng đoàn địa phương của mình, sao cho xứng đáng với danh hiệu dành cho toàn thể đoàn dân duy nhất của Thiên Chúa, đó là Giáo Hội của Thiên Chúa (x.1 Cr 1,2; 2 Cr 1,1). Các ngài hãy nhớ rằng, qua cách xử sự hằng ngày và qua sự ân cần săn sóc, các ngài phải tỏ cho tín hữu và những người không tin, cho người công giáo và người ngoài công giáo thấy khuôn mặt của một thừa tác vụ tư tế và mục vụ chân thật, cũng như phải làm chứng cho chân lý và sự sống trước mặt mọi người, và như những mục tử tốt lành, các ngài phải đi tìm kiếm (x. Lc 15,4-7) những người đã lãnh nhận phép Thánh tẩy trong Giáo Hội Công giáo nhưng đã bỏ lãnh nhận các bí tích hoặc thậm chí đã xa rời đức tin.

Vì nhân loại ngày nay càng ngày càng liên kết với nhau trong sự hợp nhất về dân sự, kinh tế và xã hội, nên khi phối kết việc điều hành cũng như phương tiện hoạt động dưới sự hướng dẫn của các Giám mục và vị Giám mục tối cao, các linh mục càng cần phải loại trừ mọi hình thức chia rẽ để đưa toàn thể nhân loại đi tới sự hợp nhất của gia đình Thiên Chúa.

  1. 29. Ở bậc thấp hơn của phẩm trật là các phó tế, những người được đặt tay “không phải để lãnh chức linh mục, nhưng để nhận một thừa tác vụ”[109]. Thật vậy, được củng cố nhờ ân sủng bí tích, hiệp thông với Giám mục và linh mục đoàn, các phó tế phục vụ Dân Thiên Chúa bằng các công tác trong phụng vụ, giảng dạy, và bác ái. Theo sự chỉ định của những người có có thẩm quyền, các phó tế được cử hành trọng thể bí tích Thánh tẩy, giữ và trao Mình Thánh Chúa, nhân danh Giáo Hội chứng hôn và chúc lành hôn phối, mang của ăn đàng cho kẻ hấp hối, đọc Thánh Kinh cho tín hữu, giáo huấn và khuyên nhủ dân chúng, chủ sự việc phụng tự và giờ cầu nguyện của tín hữu, cử hành các á bí tích, chủ sự lễ nghi an táng và chôn cất. Được dành riêng để lo việc bác ái và việc quản trị, các phó tế phải nhớ lời nhắn nhủ của thánh Pôlycarpô: “Hãy tỏ lòng nhân hậu, nhiệt thành và hãy bước theo chân lý của Chúa, Đấng đã trở nên tôi tớ của mọi người”[110].

Vì ở nhiều nơi, kỷ luật hiện hành của Giáo Hội Latinh có thể gây khó khăn để chu toàn những nhiệm vụ đó, những nhiệm vụ vốn rất cần thiết cho đời sống Giáo Hội, nên trong tương lai, chức phó tế có thể được tái lập như một cấp bậc phẩm trật riêng biệt và vĩnh viễn. Các nhóm Giám mục theo từng địa phương, dưới những hình thức khác nhau, với sự chấp thuận của chính vị Giám mục tối cao, có đủ thẩm quyền để quyết định có nên thiết lập các phó tế như thế không và thiết lập ở đâu, để giúp việc chăm sóc các linh hồn. Với sự đồng ý của Giám mục Rôma, trong tương lai, chức phó tế có thể được ban cho những người nam đứng tuổi, ngay cả cho những người sống trong bậc hôn nhân, cũng như cho những người trẻ thích hợp, nhưng những người này phải giữ trọn luật độc thân.

CHƯƠNG IV
GIÁO DÂN

  1. 30. Sau khi xác định những chức vụ của phẩm trật, Thánh Công Đồng muốn đề cập đến bậc sống của những Kitô hữu được gọi là giáo dân. Mặc dù tất cả những gì nói về Dân Thiên Chúa đều liên quan đến giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ, nhưng có một số điều đặc biệt liên quan đến giáo dân nam nữ, vì địa vị và sứ mệnh của họ, và do hoàn cảnh đặc biệt của thời đại chúng ta, những nền tảng của giáo thuyết này phải được khảo sát thấu đáo hơn. Thật vậy, các chủ chăn biết rõ giáo dân đóng góp rất nhiều vào thiện ích của toàn thể Giáo Hội. Các ngài biết rằng mình được Đức Kitô thiết lập không phải để chỉ riêng các ngài lãnh lấy tất cả sứ mệnh cứu độ của Giáo Hội đối với thế giới, nhưng để nhận lãnh trách vụ cao cả là chăn dắt các tín hữu và nhìn nhận các phận vụ và đặc sủng của họ để mọi người theo cách thức riêng của mình đồng lòng cộng tác vào trọng trách chung này. Thật vậy, khi “sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện trong Đức Kitô là Đầu, nhờ Người toàn thân được kết cấu chặt chẽ và các bộ phận ăn khớp với nhau nhờ mọi thứ gân mạch, hoạt động tuỳ theo chức năng của mỗi chi thể, và như thế, Người làm cho toàn thân thể lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái” (Ep 4,15-16).
  2. 31. Hạn từ giáo dân ở đây được hiểu là tất cả những Kitô hữu, không kể những người có chức thánh và những người thuộc bậc tu trì được Giáo Hội công nhận, nghĩa là những tín hữu nhờ bí tích Thánh tẩy, được nhập hiệp vào thân thể Đức Kitô, làm thành Dân Thiên Chúa, và được tham dự vào những chức năng tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức Kitô theo cách thức của mình, đồng thời góp phần thực hiện sứ mệnh của toàn dân Kitô hữu trong Giáo Hội và trên trần gian.

Tính trần thế là nét riêng biệt và đặc thù của giáo dân. Thật vậy, mặc dù những người có chức thánh đôi khi có thể dấn thân vào những công việc trần thế, thậm chí làm một nghề nghiệp trần thế, nhưng do ơn gọi đặc thù, họ được tấn phong để đặc biệt chuyên trách về thừa tác vụ thánh, trong khi đó, do bậc sống của mình, các tu sĩ nên như một chứng từ nổi bật và ngoại thường cho thấy người ta không thể biến đổi và dâng hiến thế giới cho Thiên Chúa mà không có tinh thần của các mối phúc thật. Còn giáo dân, do chính ơn gọi đặc biệt của mình, có bổn phận tìm kiếm vương quốc Thiên Chúa bằng cách dấn thân vào các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần thế, nghĩa là giữa tất cả và từng nghề nghiệp cũng như công việc trần thế, trong môi trường thông thường của cuộc sống gia đình và xã hội, tất cả những điều đó như thể dệt thành cuộc sống của họ. Trong khung cảnh đó, họ đã được Thiên Chúa mời gọi để nhờ việc chu toàn những bổn phận riêng của mình và được tinh thần Tin Mừng hướng dẫn, họ trở nên như nắm men góp phần vào việc thánh hóa thế giới từ bên trong, và như thế, họ làm cho người khác nhận biết Đức Kitô, đặc biệt bằng chứng từ đời sống tỏa sáng đức tin, cậy, mến. Như vậy, họ có một phương thức đặc biệt để soi chiếu và đặt định các thực tại trần thế luôn gắn liền với cuộc sống, sao cho các thực tại ấy không ngừng trở nên như Đức Kitô muốn và luôn phát triển để nên lời ca ngợi Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Chuộc.

  1. 32. Hội thánh do Chúa thiết lập được tổ chức và điều khiển theo một sự đa dạng lạ lùng. “Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể” (Rm 12,4-5).

Như vậy, chỉ có một đoàn dân ưu tuyển của Thiên Chúa: “Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa” (Ep 4,5); cùng chung một phẩm giá giữa các chi thể do được tái sinh trong Đức Kitô, cùng chung một ơn là con cái Thiên Chúa và cùng chung một ơn gọi hướng tới sự hoàn thiện; chỉ có một ơn cứu độ, một niềm hy vọng và một đức ái không phân chia. Như thế, trong Đức Kitô và trong Giáo Hội, không có sự bất bình đẳng do chủng tộc hay quốc gia, do địa vị xã hội hoặc phái tính, bởi lẽ “không còn phân biệt Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô.” (Gl 3,28: bản Hy Lạp; x. Cl 3,11).

Trong Giáo Hội không phải mọi người đều cùng đi một con đường, nhưng tất cả đều được mời gọi nên thánh và nhận được một đức tin như nhau trong sự công chính của Thiên Chúa (x. 2 Pr 1,1). Mặc dù theo ý Đức Kitô, một số người được đặt làm thầy dạy, làm người phân phát các mầu nhiệm và làm chủ chăn vì những người khác, nhưng tất cả mọi người đều thực sự bình đẳng về phẩm giá và về hoạt động chung của mọi tín hữu trong việc xây dựng thân mình Đức Kitô. Sự khác biệt mà Chúa đặt để giữa thừa tác viên có chức thánh với các thành phần khác của Dân Thiên Chúa cũng đã hàm chứa sự liên kết, vì các chủ chăn và các tín hữu được nối kết với nhau nhờ một mối liên hệ mật thiết; các chủ chăn trong Giáo Hội noi gương Chúa phải phục vụ lẫn nhau và phục vụ các tín hữu, phần các tín hữu cũng phải sẵn lòng hợp tác với các chủ chăn và thầy dạy của mình. Như thế, ngay trong sự đa dạng, tất cả đều làm chứng cho tính duy nhất kỳ diệu trong thân mình Đức Kitô: chính sự đa dạng về ân sủng, về thừa tác vụ và hoạt động hay chính những ân sủng, tác vụ và hoạt động khác nhau ấy lại góp phần liên kết con cái Thiên Chúa nên một, vì “tất cả những điều đó đều do một Thần Khí duy nhất thực hiện” (1 Cr 12,11).

Như vậy, khi được Thiên Chúa ưu ái ban cho Đức Kitô như một người Anh cả, Đấng dù là Chúa tể muôn loài nhưng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ (x. Mt 20,28), giáo dân cũng là anh chị em với những người đã lãnh nhận thừa tác vụ thánh, những kẻ nhận quyền từ Đức Kitô để coi sóc gia đình Thiên Chúa qua việc giảng dạy, thánh hoá, cai quản, giúp mọi người chu toàn giới luật mới của đức ái. Thánh Augustinô đã nói rất hay rằng: “Khi nhiệm vụ của tôi đối với anh chị em làm tôi lo sợ, thì những gì tôi được cùng với anh chị em lại làm cho tôi được an ủi. Thật vậy, vì anh chị em tôi là Giám mục, cùng với anh chị em tôi là Kitô hữu. Giám mục, đó là chức vụ, còn Kitô hữu lại là một ân sủng; Giám mục là tước vị kèm theo sự khốn khó, còn Kitô hữu là tước vị mang lại ơn cứu độ”[111].

  1. 33. Tất cả những người giáo dân, được quy tụ trong đoàn Dân Thiên Chúa và làm nên Thân mình duy nhất có cùng một đầu là Đức Kitô, đều được kêu gọi nên như những chi thể sống động, để góp phần vào tiến trình tăng trưởng và thánh hóa liên lỷ của Giáo Hội với nguồn sức mạnh nhận được từ ơn phúc của Đấng Tạo hóa và ân sủng của Đấng Cứu chuộc.

Hoạt động tông đồ giáo dân là thông phần vào chính sứ mệnh cứu độ của Giáo Hội. Qua bí tích Thánh tẩy và Thêm Sức, chính Chúa ủy thác việc tông đồ đó cho tất cả các tín hữu. Các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, thông ban và nuôi dưỡng đức ái đối với Thiên Chúa và con người, vốn là linh hồn của toàn thể hoạt động tông đồ. Tuy nhiên, giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo Hội hiện diện và tác động trong những nơi chốn và môi trường mà chỉ nhờ họ, Giáo Hội mới có thể trở thành muối của trần gian[112]. Do đó, với những ân huệ đã lãnh nhận, mỗi người giáo dân là chứng nhân đồng thời cũng là dụng cụ sống động cho sứ mệnh của Giáo Hội “tùy theo mức độ ân sủng đã được Đức Kitô ban cho” (Ep 4,7).

Ngoài việc tông đồ vốn liên quan đến tất cả các Kitô hữu, người giáo dân cũng có thể được mời gọi góp phần trực tiếp hơn vào hoạt động tông đồ của hàng giáo phẩm bằng nhiều cách[113], giống như những giáo dân nam nữ đã từng lao nhọc trong Chúa Kitô để giúp đỡ tông đồ Phaolô rao giảng Tin Mừng (x. Pl 4,3; Rm 16,3tt.). Ngoài ra, họ cũng có thể được hàng giáo phẩm bổ nhiệm vào một số công tác trong đời sống thiêng liêng của Giáo Hội.

Bởi vậy, tất cả giáo dân đều có nhiệm vụ cao cả là làm cho kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa ngày càng được triển khai đến tất cả mọi người ở mọi thời đại và mọi nơi. Vì thế, phải mở rộng đường cho họ tích cực tham gia vào công cuộc cứu độ của Giáo Hội, tuỳ năng lực của họ và tuỳ nhu cầu của thời đại.

  1. 34. Đức Giêsu Kitô, vị Tư Tế tối cao và vĩnh cửu, vì muốn cho việc làm chứng và phục vụ của chính Người luôn được tiếp nối, nên đã thông ban cho người giáo dân sức sống nhờ Chúa Thánh Thần và không ngừng thôi thúc họ thực thi mọi điều thiện hảo.

Thật vậy, những kẻ đã được kết hiệp mật thiết vào sự sống và sứ mệnh của Người, Người cũng cho họ chia sẻ chức vụ tư tế khi thực hành việc phượng tự thiêng liêng để làm vinh danh Chúa Cha và cứu rỗi nhân loại. Vì vậy, khi đã được thánh hiến cho Đức Kitô và được Chúa Thánh Thần xức dầu, người giáo dân được kêu gọi và chuẩn bị cách kỳ diệu để trổ sinh ngày càng phong phú hơn những hoa trái của Thánh Thần. Thật vậy, nếu mọi công việc, kinh nguyện và hoạt động tông đồ, cũng như cách cư xử trong hôn nhân và gia đình, cả đến công ăn việc làm thường ngày, việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần được chu toàn trong Chúa Thánh Thần, và nhất là nếu những thử thách trong cuộc sống cũng được kiên trì đón nhận, thì tất cả sẽ trở nên hiến lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô (x. 1 Pr 2,5), được sốt sắng dâng lên Chúa Cha cùng với Mình Thánh Chúa khi cử hành mầu nhiệm Thánh Thể. Như thế, người giáo dân cung hiến thế giới cho Thiên Chúa khi phụng thờ Ngài khắp nơi bằng một đời sống thánh thiện.

  1. 35. Đức Kitô, vị Ngôn sứ cao cả đã dùng chứng từ đời sống và lời nói đầy quyền năng để công bố vương quốc của Chúa Cha, vẫn đang thực thi tác vụ ngôn sứ ấy cho đến lúc vinh quang Người được biểu lộ trọn vẹn, không những nhờ hàng giáo phẩm đang giảng dạy nhân danh Người và bằng quyền năng của Người, mà còn nhờ giáo dân, những kẻ Người đã đặt làm chứng nhân và đã trao ban cảm thức đức tin và cả ơn ngôn ngữ (x. Cv 2,17-18; Kh 19,10) để sức mạnh của Tin Mừng được tỏa sáng trong đời sống thường ngày, nơi gia đình và ngoài xã hội. Họ sẽ chứng tỏ mình là con cái của lời hứa, nếu vững lòng tin cậy để tận dụng thời buổi hiện tại (x. Ep 5,16; Cl 4,5) và kiên trì trông đợi vinh quang một ngày kia sẽ đến (x. Rm 8,25). Họ không được giấu kín niềm hy vọng đó trong lòng, nhưng phải thể hiện qua chính những cơ cấu của cuộc sống trần thế, bằng cách hoán cải không ngừng và chiến đấu “chống lại những chúa tể thống trị thế giới tối tăm, đối nghịch với những ác thần” (Ep 6,12).

Tương tự những bí tích của luật mới, là lương thực nuôi dưỡng đời sống và việc tông đồ của các tín hữu, và là dấu chỉ tiên báo trời mới đất mới (x. Kh 21,1), thì cũng thế, giáo dân trở nên những người kiên cường loan báo niềm tin vào điều mình hy vọng (x. Dt 11,1), nếu họ không ngần ngại làm cho cuộc sống phù hợp với chính đức tin mà họ tuyên xưng. Việc loan báo Tin Mừng, nghĩa là công bố Đức Kitô bằng chứng từ đời sống và bằng lời rao giảng, mang một sắc thái đặc thù và có hiệu năng đặc biệt vì được thể hiện trong những hoàn cảnh thông thường của thế giới.

Trong phận vụ ngôn sứ này, bậc sống hôn nhân và gia đình được thánh hoá nhờ một bí tích riêng biệt, có một tầm quan trọng đặc biệt. Gia đình nào biết để cho niềm tin Kitô giáo thấm nhập và dần dần biến đổi toàn bộ cuộc sống sẽ trở thành môi trường hoạt động và trường học tuyệt vời cho việc Tông đồ giáo dân. Trong một gia đình như thế, vợ chồng nhận ra ơn gọi riêng của mình là làm chứng về đức tin và tình yêu Đức Kitô cho nhau và cho con cái. Các gia đình Kitô hữu lớn tiếng công bố sức mạnh hiện tại của vương quốc Thiên Chúa cũng như niềm hy vọng đời sống hạnh phúc mai sau. Như thế bằng gương lành và chứng tá, gia đình Kitô hữu tố cáo thế gian tội lỗi và sáng soi những ai tìm kiếm chân lý.

Vì thế, dù phải bận rộn với những công việc trần thế, người giáo dân vẫn có thể và phải thực thi một công trình cao cả là phúc âm hóa thế giới. Cho dù, khi thiếu thừa tác viên có chức thánh hoặc khi các vị ấy bị ngăn trở vì xảy ra bách hại, đã có một số giáo dân tùy theo khả năng của mình thay thế các ngài thi hành một vài phận vụ thánh; và cho dù cũng đã có nhiều giáo dân dốc toàn lực vào việc tông đồ, nhưng tất cả giáo dân đều phải cộng tác vào việc mở mang và phát triển vương quốc Đức Kitô trên trần thế. Vì vậy, giáo dân phải chuyên cần tìm hiểu sâu xa hơn về chân lý mạc khải, và tha thiết nài xin Thiên Chúa ban cho được ơn khôn ngoan.

  1. 36. Đức Kitô, Đấng đã vâng lời cho đến chết và vì thế Người được Chúa Cha tôn vinh (x. Pl 2,8-9), đã vào trong vinh quang nơi vương quốc của Người. Mọi vật phải suy phục Người cho đến khi chính Người cùng với mọi tạo vật suy phục Chúa Cha để Thiên Chúa nên tất cả trong mọi sự (x. 1 Cr 15,27-28). Người thông ban cho các môn đệ quyền năng này để họ được hưởng sự tự do vương giả, và chiến thắng sự thống trị của tội lỗi nơi họ bằng một đời sống từ bỏ và thánh thiện (x. Rm 6,12), nhất là để khi phục vụ Đức Kitô nơi tha nhân, họ khiêm nhường và kiên nhẫn dẫn đưa anh chị em mình đến cùng Đức Vua, Đấng mà khi phục vụ Người tức là thống trị. Thật vậy, Chúa cũng muốn giáo dân phải mở rộng vương quốc của Người, vương quốc của sự thật và sự sống, vương quốc đầy ân sủng và thánh thiện, vương quốc của công bằng, tình yêu và bình an[114]; trong vương quốc này, tạo vật sẽ được giải thoát khỏi phải lệ thuộc sự hư nát, để được hưởng tự do của vinh quang con cái Thiên Chúa (x. Rm 8,21). Lời hứa thật là trọng đại và mệnh lệnh được ban cho các môn đệ thật là quan trọng: “Tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa.” (1 Cr 3,23).

Vì thế, tín hữu phải nhận biết rằng bản tính sâu xa cũng như giá trị và định hướng của toàn thể tạo vật là phải ca tụng Thiên Chúa, đồng thời ngay cả trong những công việc trần thế, họ phải giúp nhau sống thánh thiện hơn, sao cho thế giới được thấm nhuần Thần Khí của Đức Kitô và có khả năng đạt đến cứu cánh của mình trong công bình, bác ái và bình an. Giáo dân giữ vai trò chính yếu trong việc chu toàn trọn vẹn trách vụ này. Nhờ khả năng chuyên môn trong những môn học trần thế và nhờ những hoạt động được thăng hoa tận trong bản chất nhờ ân sủng Đức Kitô, giáo dân hãy hăng hái làm việc, để theo kế hoạch của Đấng Tạo Hóa và ánh sáng của Ngôi Lời, nhờ lao công của con người cùng với kỹ thuật và văn hóa xã hội, những của cải trần thế đem lại thiện ích cho mọi người, được phân phối cách thích đáng hơn và nhờ đó đưa đến sự phát triển toàn cầu trong tự do nhân linh và mang phẩm chất Kitô hữu. Như thế, qua các phần tử của Giáo Hội, ánh sáng cứu độ của Đức Kitô sẽ ngày càng tỏa sáng trên toàn thể nhân loại.

Ngoài ra, nếu những thể chế và lối sống của thế giới gây nên dịp tội, giáo dân hãy cùng góp sức để lành mạnh hoá những tác nhân đó, sao cho tất cả được nên phù hợp với các chuẩn mực của sự công chính và giúp phát huy chứ không ngăn cản việc thực thi các nhân đức. Làm như thế, giáo dân sẽ giúp cho giá trị luân lý thấm nhập vào văn hóa và các hoạt động của con người. Nhờ đó, cánh đồng thế giới sẽ được chuẩn bị kỹ càng hơn để đón nhận hạt giống Lời Chúa, đồng thời các cánh cửa được mở rộng hơn cho Giáo Hội để sứ điệp hòa bình thấm nhập vào thế gian.

Vì chính nhiệm cục cứu độ, các tín hữu phải cẩn thận phân biệt quyền lợi và nghĩa vụ của họ với tư cách là một phần tử của Giáo Hội, với quyền lợi và nghĩa vụ của một phần tử trong xã hội loài người. Họ phải cố gắng kết hợp hài hòa cả hai loại nghĩa vụ và bổn phận đó, và nhớ rằng trong bất cứ lãnh vực trần thế nào, họ luôn phải để cho lương tâm Kitô hữu hướng dẫn, vì không một hoạt động nào của con người, dù thuộc phạm vi trần thế, có thể tách khỏi quyền thống trị của Thiên Chúa. Nhất là vào thời đại chúng ta, trong các phương thức hành động của các tín hữu, cần phải làm sáng tỏ tối đa cả sự phân biệt lẫn sự hoà hợp giữa các nghĩa vụ và bổn phận ấy, để sứ vụ của Giáo Hội có thể đáp ứng những hoàn cảnh đặc biệt của thế giới ngày nay cách trọn vẹn hơn. Tuy nhiên, nếu như phải công nhận rằng thành đô trần thế, vì liên hệ đến các việc trần thế, nên được điều hành theo những nguyên tắc riêng của mình, thì cũng phải loại bỏ chủ thuyết sai lầm muốn xây dựng xã hội mà không hề lưu tâm đến tôn giáo, để rồi chống lại và tiêu diệt tự do tôn giáo của người công dân[115].

  1. 37. Như tất cả các Kitô hữu, giáo dân có quyền nhận lãnh dồi dào từ các chủ chăn có chức thánh những ơn phúc chứa đựng trong kho tàng thiêng liêng của Giáo Hội, đặc biệt là Lời Thiên Chúa và các bí tích[116], đồng thời họ nên trình bày cho các chủ chăn những nhu cầu và khát vọng của mình với thái độ tự do và tín nhiệm thích hợp, với tư cách là con cái Thiên Chúa và anh chị em trong Đức Kitô. Tuỳ theo kiến thức, khả năng chuyên môn và địa vị của mình, giáo dân có thể và đôi khi còn có bổn phận phải bày tỏ ý kiến của mình về những việc liên quan đến lợi ích của Giáo Hội[117]. Nếu cần, họ nên thực hiện điều đó nhờ các cơ quan đã được Giáo Hội thiết lập nhằm mục đích ấy, và lúc nào cũng phải chân thành, can đảm, khôn ngoan, cũng như kính trọng và bác ái đối với những người thay mặt Đức Kitô do chức vụ thánh của các ngài.

Như tất cả các Kitô hữu, giáo dân nên mau mắn chấp nhận những điều các chủ chăn là đại diện Đức Kitô đã quyết định với tư cách là thầy dạy và người lãnh đạo trong Giáo Hội, với tinh thần vâng phục Kitô hữu, noi gương Đức Kitô, Đấng đã vâng lời cho đến chết để mở ra con đường đầy phúc lành trong tự do của con cái Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Giáo dân đừng quên dùng lời cầu nguyện phó dâng cho Thiên Chúa các vị lãnh đạo của mình, để các ngài hân hoan chứ không phiền muộn khi thi hành nhiệm vụ chăm sóc linh hồn chúng ta như những người sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa (x. Dt 13,17).

Phần các chủ chăn có chức thánh phải nhìn nhận và phát huy phẩm giá và trách nhiệm của giáo dân trong Giáo Hội; các ngài nên sẵn sàng chấp nhận những ý kiến khôn ngoan của họ, tín cẩn giao nhiệm vụ để họ phục vụ Giáo Hội, cho họ tự do và quyền hạn để hành động, hơn nữa, cũng nên khuyến khích họ đảm nhận các công việc do chính họ khởi xướng. Với tình hiền phụ, và trong Đức Kitô, các ngài hãy quan tâm nghiệm xét những đề nghị, thỉnh cầu và khát vọng của họ[118]. Các chủ chăn cũng phải tôn trọng và nhìn nhận quyền tự do chính đáng của mọi người trong lãnh vực trần thế.

Giáo Hội kỳ vọng sẽ được hưởng nhiều phúc lợi từ mối tương quan mật thiết giữa giáo dân và chủ chăn: thật vậy, khi ý thức trách nhiệm của người giáo dân được củng cố, thì lòng hăng say của họ được phát huy và những năng lực của họ cũng được nối kết dễ dàng hơn với công việc của các chủ chăn. Phần các chủ chăn, được trợ giúp bằng kinh nghiệm của giáo dân, có thể phân định minh bạch và thích hợp hơn về những vấn đề thiêng liêng cũng như trần thế, như thế, toàn thể Giáo Hội được vững mạnh nhờ tất cả mọi chi thể, sẽ chu toàn cách hữu hiệu hơn sứ mệnh đối với sự sống của thế gian.

  1. 38. Trước mặt thế giới, từng người giáo dân phải là chứng nhân về sự phục sinh và sự sống của Chúa Giêsu, đồng thời là dấu chỉ về Thiên Chúa hằng sống. Tất cả và từng người, phải góp phần tuỳ theo khả năng của mình để nuôi dưỡng thế giới bằng những hoa trái thiêng liêng (x. Gl 5,22), phải truyền bá trong thế giới nguồn sức mạnh tinh thần có năng lực tác động nơi những người nghèo khó, hiền lành và hiếu hòa mà trong Tin Mừng, Chúa đã công bố là những người được chúc phúc (x. Mt 5,3-9). Tắt một lời, “như linh hồn ở trong thân xác, người Kitô hữu cũng ở giữa thế giới như vậy”[119].

CHƯƠNG V
LỜI KÊU GỌI MỌI NGƯỜI NÊN THÁNH
TRONG GIÁO HỘI

  1. 39. Thánh Công Đồng đang trình bày về mầu nhiệm Giáo Hội, một Giáo Hội được tuyên tín cách không thể sai lầm rằng đây là Giáo Hội thánh thiện. Thật vậy, Đức Kitô Con Thiên Chúa, Đấng cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần được ca tụng là “Đấng thánh duy nhất”[120], đã yêu dấu Giáo Hội như hiền thê của mình và đã hiến thân để thánh hoá Giáo Hội (Ep 5,25-26), và đã kết hiệp với Giáo Hội như với thân mình Người và đổ tràn ơn Thánh Thần cho Giáo Hội để làm vinh danh Thiên Chúa. Vì thế, tất cả mọi người trong Giáo Hội, hoặc thuộc hàng giáo phẩm hoặc được hàng giáo phẩm coi sóc, đều được kêu gọi nên thánh, như lời Thánh Tông đồ dạy: “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh” (1 Ts 4,3; x. Ep 1,4). Tuy nhiên, sự thánh thiện của Giáo Hội luôn được và phải được tỏ bày qua những hoa trái của ân sủng mà Thánh Thần làm phát sinh nơi các tín hữu; sự thánh thiện ấy được diễn tả dưới nhiều hình thức nơi những cá nhân, trong khi xây dựng kẻ khác, đang cố đạt tới đức ái trọn hảo trong bậc sống của mình; sự thánh thiện đó được thể hiện cách đặc biệt trong việc thực hành các lời khuyên vẫn quen gọi là các lời khuyên Phúc Âm. Được nhiều Kitô hữu thực thi nhờ Chúa Thánh Thần thúc đẩy, theo cách riêng tư hoặc theo những lối sống hay bậc sống đã được Giáo Hội công nhận, việc thực hành các lời khuyên ấy đang mang lại và phải mang lại cho thế giới một chứng tá và một mẫu gương rạng ngời về sự thánh thiện của Giáo Hội.
  2. 40. Chúa Giêsu, thầy dạy và mẫu mực thần linh của mọi sự trọn lành, đã dạy cho tất cả và cho từng môn đệ, bất luận thuộc địa vị nào, về đời sống thánh thiện mà chính Người vừa là Đấng khởi xướng vừa là Đấng hoàn tất: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48)[121]. Thật vậy, Người đã sai Thánh Thần đến với mọi người, để từ bên trong, Thánh Thần thôi thúc họ yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn cùng hết sức họ (x. Mc 12, 30), và yêu thương nhau như Đức Kitô yêu thương họ (x. Ga 13,34; 15,12). Được Thiên Chúa kêu gọi không phải vì công lao riêng, nhưng do ý định và ân sủng của Thiên Chúa, và được công chính hoá trong Chúa Giêsu, trong ơn Thánh tẩy nhờ đức tin, các môn đệ Đức Kitô đã thật sự trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào thần tính, và do đó, thật sự đã trở nên thánh. Vì thế, với ơn Chúa, họ phải tiếp tục giữ gìn và hoàn thành trong đời mình sự thánh hóa mà họ đã lãnh nhận. Thánh Tông đồ khuyên họ hãy sống “xứng đáng là những người trong dân thánh” (Ep 5,3), hãy mặc lấy “lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại, như những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương” (Cl 3,12), và hãy trổ sinh hoa trái của Thánh Thần trong tiến trình nên thánh (x. Gl 5,22; Rm 6,22). Nhưng vì có nhiều lỗi phạm đối với mọi người (x. Gc 3,2), nên chúng ta luôn cần đến lòng nhân từ của Thiên Chúa và hằng ngày phải cầu nguyện: “Xin Cha tha nợ cho chúng con” (Mt 6,12)[122].

Vì thế, rõ ràng là tất cả các Kitô hữu, bất cứ trong bậc sống hay địa vị nào, đều được mời gọi vươn đến đời sống Kitô hữu viên mãn và đức ái trọn hảo[123]; sự thánh thiện này cũng giúp phát huy một lối sống nhân bản hơn trong xã hội trần thế. Để đạt được sự trọn lành đó, các tín hữu phải phải tận dụng sức mạnh đã nhận được từ Đức Kitô, để khi bước theo chân Người và được nên giống hình ảnh Người cũng như khi biết thi hành ý Chúa trong mọi sự, họ tận hiến chính mình để tận tâm làm vinh danh Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Như thế, sự thánh thiện của Dân Thiên Chúa sẽ trổ sinh hoa trái dồi dào, như lịch sử Giáo Hội đã từng minh chứng rõ ràng qua đời sống của bao vị thánh.

  1. Trong những hình thức và trách vụ đa dạng của cuộc sống, sự thánh thiện duy nhất được vun trồng bởi tất cả những ai biết hành động nhờ Thần Khí Thiên Chúa, và khi biết vâng phục tiếng nói của Chúa Cha và thờ phượng Ngài trong tinh thần và chân lý, họ bước theo Đức Kitô nghèo khó, khiêm nhường và vác Thập Giá, để xứng đáng dự phần vào vinh quang của Người. Vì thế, tuỳ theo ân huệ và phận vụ riêng của mình, mỗi người phải nhất quyết tiến tới trên đường đức tin sống động, một đức tin khơi dậy đức cậy và hoạt động nhờ đức ái.

Các chủ chăn của đoàn chiên Đức Kitô phải là những người đầu tiên chu toàn thừa tác vụ mình cách thánh thiện và hăng say, khiêm tốn và can đảm, noi gương vị Thượng Tế vĩnh cửu, là Mục tử và là Đấng canh giữ linh hồn chúng ta, khi làm như thế, các ngài sẽ tìm thấy nơi thừa tác vụ của mình một phương thế tuyệt diệu để thánh hoá bản thân. Được chọn để lãnh nhận chức tư tế viên mãn, các ngài lãnh nhận ơn bí tích để thực thi đầy đủ bổn phận của đức ái mục tử[124], khi cầu nguyện, hy sinh và giảng dạy, bằng mọi hình thức chăm sóc và phục vụ thuộc tác vụ Giám mục, để không ngại hy sinh mạng sống vì con chiên, và để khi đã trở nên mẫu mực cho đoàn chiên (x. 1 Pr 5,3), các ngài dùng gương sáng làm cho sự thánh thiện ngày càng tăng triển trong Giáo Hội.

Các linh mục kết thành vương miện thiêng liêng của hàng Giám mục[125] và giống như các Giám mục, khi thông phần vào ân sủng của chức vụ Giám mục nhờ Đức Kitô, Đấng Trung gian vĩnh cửu duy nhất, các ngài phải tăng trưởng trong tình yêu Thiên Chúa và tha nhân bằng việc thi hành bổn phận hằng ngày, phải giữ gìn mối dây hiệp thông giữa hàng linh mục, phải được dư đầy mọi ơn phúc thiêng liêng, phải trình bày chứng từ sống động về Thiên Chúa cho mọi người[126], các ngài phải noi gương những vị linh mục mà qua các thế hệ đã để lại mẫu mực thánh thiện sáng ngời qua việc phục vụ thường khi rất khiêm tốn và âm thầm. Giáo Hội Thiên Chúa vẫn luôn ca tụng các vị ấy. Khi cầu nguyện và dâng hy lễ cho cộng đoàn của mình và cho toàn thể Dân Chúa, bằng cách ý thức điều mình làm và noi theo những mầu nhiệm mình cử hành[127], các linh mục không để mình bị cản trở bởi những công việc tông đồ, bởi những nguy cơ và thử thách, nhưng trái lại, nhờ đó mà tiến cao hơn trên đường thánh thiện, bởi biết nuôi dưỡng và củng cố hoạt động của mình bằng việc chiêm niệm liên lỉ, để mang lại niềm khích lệ cho toàn thể Giáo Hội Thiên Chúa. Tất cả các linh mục, nhất là những ai đã được thụ phong với chức danh đặc biệt là linh mục giáo phận, phải nhớ rằng việc liên kết trung thành cũng như quảng đại cộng tác với Giám mục của mình sẽ giúp ích rất nhiều cho việc thánh hoá bản thân.

Những thừa tác viên ở cấp bậc thấp hơn cũng dự phần cách đặc biệt vào sứ mệnh và ân sủng của vị Thượng Tế, trước hết là các phó tế, khi phục vụ các mầu nhiệm của Đức Kitô và Giáo Hội[128], phải giữ mình tinh sạch khỏi mọi nết xấu, phải làm đẹp lòng Thiên Chúa và nêu gương sống tốt lành trong mọi sự trước mặt mọi người (x.1 Tm 3,8-10 và 12-13). Các giáo sĩ, những người được Chúa kêu gọi và được dành riêng cho Chúa, đang chuẩn bị để lãnh nhận thừa tác vụ dưới sự coi sóc của vị chủ chăn, phải làm cho lòng trí phù hợp với ơn gọi vô cùng cao cả của mình, bằng cách kiên trì cầu nguyện, nhiệt thành yêu thương, nghĩ tưởng những điều chân thật, ngay chính và tốt lành, và chu toàn mọi sự vì vinh quang và danh dự cho Thiên Chúa. Gần gũi với họ, còn có những giáo dân được Thiên Chúa chọn và được Giám mục kêu gọi để dấn thân trọn vẹn vào việc Tông đồ, và đang làm việc cách rất hiệu quả trong cánh đồng của Chúa[129].

Về phần các đôi vợ chồng và cha mẹ Kitô hữu, khi theo con đường riêng của mình, nhờ ơn Chúa, phải suốt đời nâng đỡ nhau trong một tình yêu chung thủy, và giúp cho những người con mà họ đã yêu thương đón nhận từ Thiên Chúa, được thấm nhuần giáo lý Kitô giáo và các nhân đức của Tin Mừng. Nhờ đó họ nêu gương cho mọi người về một tình yêu bền vững và quảng đại, xây dựng tình bác ái huynh đệ, làm chứng và cộng tác vào sự phong nhiêu của Mẹ Giáo Hội, nên như dấu chỉ đồng thời thông phần vào tình yêu của Đức Kitô, Đấng yêu thương và hiến mình vì Hiền Thê của Người[130]. Theo một cách thức khác, những quả phụ và người độc thân cũng nêu một tấm gương tương tự và có thể góp phần lớn lao vào sự thánh thiện và hoạt động của Giáo Hội. Còn những người đang phải làm việc vất vả, phải biết dùng lao động để hoàn thiện chính mình, trợ giúp đồng bào, và làm cho toàn thể xã hội và muôn vật được thăng tiến hơn, họ cũng phải lấy đức ái sống động mà noi gương Đức Kitô, Đấng đã muốn lao động với đôi tay của mình và không ngừng cùng với Chúa Cha làm việc để cứu rỗi mọi người, khi vui mừng trong hy vọng và vác đỡ gánh nặng cho nhau, họ dùng chính công việc hằng ngày để tiến bước lên cao hơn nữa hướng đến sự thánh thiện thật sự mang tính tông đồ.

Những người đang phải mang gánh nặng nghèo đói, tật nguyền, đau yếu và những thử thách khác hoặc đang chịu bách hại vì sự công chính, nên ý thức rằng họ được kết hiệp cách đặc biệt với Đức Kitô, Đấng đã chịu đau khổ để cứu độ thế giới, vì họ chính là những người mà trong Tin Mừng, Chúa đã tuyên bố là người có phúc, và vì “Thiên Chúa là nguồn mọi ân sủng, Đấng đã kêu gọi chúng ta, sau khi phải chịu đau khổ ít lâu, được vào vinh quang đời đời của Người trong Đức Giêsu Kitô, chính Thiên Chúa sẽ cho chúng ta được nên hoàn thiện, mạnh mẽ và kiên cường” (1 Pr 5,10).

Vì thế, chính trong những trạng huống, bổn phận và hoàn cảnh của cuộc sống, và nhờ tất cả những điều đó, mọi Kitô hữu sẽ được thánh hoá mỗi ngày một hơn, nếu họ biết lãnh nhận với đức tin tất cả mọi sự từ tay Cha trên trời và cộng tác với thánh ý Thiên Chúa, bằng cách dùng chính sự phục vụ trần thế của mình để tỏ lộ trước mặt mọi người tình yêu mà Thiên Chúa đã yêu thương thế gian.

  1. 42. “Thiên Chúa là tình yêu; ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16). Thiên Chúa đã tuôn đổ tình yêu của Ngài vào tâm hồn chúng ta, nhờ Thánh Thần được ban cho chúng ta (x. Rm 5,5); vì thế, tặng phẩm thứ nhất và cần thiết nhất chính là đức ái, nhờ đó chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân vì Ngài. Nhưng để đức ái tựa như hạt giống tốt, lớn lên trong tâm hồn và sinh hoa kết quả, mỗi tín hữu phải sẵn sàng lắng nghe lời Chúa, và nhờ ơn Chúa giúp, biết thi hành thánh ý Ngài bằng những hành động cụ thể, phải siêng năng lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, và tham dự phụng vụ, phải kiên trì cầu nguyện, từ bỏ mình, nhiệt thành phục vụ anh chị em và luyện tập các nhân đức. Thật vậy, vì là mối dây liên kết của sự trọn lành và là sự viên mãn của lề luật (x. Cl 3,14; Rm 13,10), nên đức ái điều động, tạo năng lực và làm cho mọi phương thế thánh hóa đạt đến mục tiêu[131]. Do đó, thái độ mến Chúa yêu người là dấu xác nhận người môn đệ đích thực của Đức Kitô.

Vì Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đã biểu lộ tình yêu của Người bằng cách hy sinh mạng sống vì chúng ta, nên không ai có tình yêu cao cả hơn người hy sinh mạng sống vì Chúa và vì anh chị em (x. 1 Ga 3,16; Ga 15,13). Một số Kitô hữu đã được gọi trong thời sơ khai và sẽ còn được gọi mãi để làm chứng cho tình yêu ấy cách cao cả nhất trước mặt mọi người, nhất là trước mặt những kẻ đang bách hại mình. Vì tử đạo là hành vi làm cho người môn đệ nên giống Thầy mình, Đấng đã tình nguyện chấp nhận cái chết để cứu độ thế giới, và được nên đồng hình đồng dạng với Người trong việc đổ máu, nên Giáo Hội coi đó là ơn trổi vượt và là sự xác nhận cao quí nhất về đức ái. Mặc dù chỉ một ít người được ơn tử đạo, nhưng tất cả đều phải sẵn sàng tuyên xưng Đức Kitô trước mặt mọi người và bước theo Người trên đường Thập Giá giữa những cuộc bách hại không bao giờ thiếu vắng trong Giáo Hội.

Sự thánh thiện của Giáo Hội cũng được đặc biệt khích lệ bởi nhiều lời khuyên Chúa đã đề ra trong Tin Mừng để các môn đệ tuân giữ[132]. Trong những lời khuyên ấy, trước hết phải kể đến tặng phẩm cao quý của ân sủng được Chúa Cha ban cho một số người (x. Mt 19,11; 1 Cr 7,7) để họ dễ dàng tận hiến cho một mình Thiên Chúa với một con tim không phân chia, trong đời sống trinh khiết hay độc thân (x. 1 Cr 7,32-34)[133]. Sự khiết tịnh trọn vẹn vì Nước Trời luôn được Giáo Hội đặc biệt quý trọng và coi như một dấu chỉ và sự kích hoạt cho đức ái, và như nguồn mạch đặc biệt của sự phong nhiêu thiêng liêng trong thế giới.

Giáo Hội cũng suy niệm về lời khuyên nhủ của Thánh Tông đồ khi ngài thúc giục các tín hữu sống bác ái và khuyên họ phải có tâm tư như Đức Giêsu Kitô, Đấng “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ và vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết” (Pl 2,7-8), và vì chúng ta, “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó” (2 Cr 8,9). Các môn đệ phải luôn noi gương cũng như làm chứng cho tình yêu và sự khiêm nhường này của Đức Kitô, vì thế Mẹ Giáo Hội vui mừng khi thấy trong lòng mình có nhiều người nam cũng như nữ muốn theo sát và biểu lộ rõ ràng hơn sự tự hủy của Đấng Cứu thế, khi họ chấp nhận nghèo khó trong tự do của con cái Thiên Chúa và từ bỏ ý riêng: nghĩa là vì Thiên Chúa, họ tùng phục một con người hơn cả mức đòi buộc của giới răn, trong những gì liên hệ tới sự trọn lành, để làm cho mình ngày một đồng hình đồng dạng hơn với Đức Kitô vâng phục[134].

Vì thế, tất cả các tín hữu đều được kêu mời và có bổn phận nên thánh và theo đuổi sự trọn lành của bậc sống mình. Bởi vậy, tất cả hãy lưu ý điều khiển tình cảm cho đúng đắn, đừng để cho việc sử dụng của cải trần gian và sự dính bén với tiền tài nghịch lại tinh thần nghèo khó của Tin Mừng, cản trở họ trong việc tìm kiếm tình yêu hoàn hảo, nhờ vào lời khuyên của Thánh Tông đồ: những ai đang hưởng dụng thế gian này, đừng dừng lại ở đó, vì bộ mặt thế gian đang qua đi. (x. 1 Cr 7,31: bản Hy Lạp)[135].

CHƯƠNG VI
TU SĨ

  1. 43. Những lời khuyên Phúc Âm về đức khiết tịnh để tận hiến cho Thiên Chúa, về đức nghèo khó và vâng phục, đặt nền trên lời dạy và gương lành của Chúa, được các Tông đồ, các Giáo phụ và các Tiến sĩ cũng như các Chủ chăn của Giáo Hội khuyên bảo, chính là một tặng phẩm của Thiên Chúa mà Giáo Hội đã nhận lãnh từ Chúa Giêsu và luôn gìn giữ nhờ ơn Người. Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chính thẩm quyền Giáo Hội đã nỗ lực chú giải, quy định việc thực hành, cũng như thiết lập những lối sống cố định dựa trên những lời khuyên ấy. Từ hạt mầm do Chúa gieo trồng, một thân cây đã tỏa ra nhiều cành nhánh cách diệu kỳ trong cánh đồng của Chúa, nhiều hình thức khác nhau của đời tu sĩ sống trong cô tịch hay trong cộng đoàn, nhiều gia đình dòng tu khác nhau đã xuất hiện, trong đó những nguồn ơn phúc dồi dào được nhân bội vì sự trọn lành của các thành viên cũng như vì lợi ích của toàn Thân Mình Đức Kitô[136]. Thật vậy, những gia đình tu sĩ này đem đến cho các thành viên những hỗ trợ để có được sự an định vững vàng trong nếp sống, nhận được giáo huấn thích đáng giúp đạt đến sự trọn lành, hưởng nhận tình huynh đệ trong đạo quân của Đức Kitô, có sự tự do được củng cố bởi đức vâng phục, nhờ đó, họ có thể an tâm chu toàn và trung thành giữ trọn lời tuyên khấn, và hân hoan tiến bước trên đường thiêng thiêng tràn đầy đức ái[137].

Bậc sống tu trì, xét về tương quan với cơ chế mà Chúa đã thiết định và phẩm trật của Giáo Hội, không phải là một cấp ở giữa bậc giáo sĩ và giáo dân, nhưng các Kitô hữu, giáo sĩ cũng như giáo dân, đều được kêu gọi gia nhập để hưởng nhận ân huệ đặc biệt trong đời sống Giáo Hội, và để mỗi người tuỳ theo cách thế của mình góp phần vào sứ mệnh cứu độ của Giáo Hội[138].

  1. 44. Qua việc tuyên khấn hay qua những ràng buộc linh thánh khác tương tự như lời tuyên khấn, các Kitô hữu tự buộc mình thực thi ba lời khuyên Phúc Âm, hiến thân hoàn toàn cho Thiên Chúa, Đấng được yêu mến trên hết mọi sự, phụng sự và làm vinh danh Thiên Chúa với một danh nghĩa mới và đặc biệt. Nhờ bí tích Thánh tẩy, họ đã chết cho tội lỗi và được thánh hiến cho Thiên Chúa; nhưng để hoa trái của ân sủng bí tích được dồi dào hơn, họ muốn tuyên khấn sống các lời khuyên Phúc Âm trong Giáo Hội để giải thoát khỏi những gì có thể ngăn trở họ không nhiệt tâm yêu mến và tôn thờ Thiên Chúa cách hoàn hảo, và để họ được thánh hiến cho việc phụng sự Thiên Chúa cách mật thiết hơn[139]. Việc thánh hiến thật sự trở nên trọn hảo khi những mối dây ràng buộc chắc chắn và vững bền đó diễn tả rõ rệt hơn nữa mầu nhiệm Đức Kitô kết hiệp với Giáo Hội, Hiền thê của Người, bằng mối dây liên kết bất khả phân ly.

Vì những lời khuyên phúc âm đưa đến đức ái[140], và nhờ đức ái, những lời khuyên ấy liên kết các tu sĩ cách đặc biệt với Giáo Hội và với mầu nhiệm Giáo Hội, nên đời sống thiêng liêng của họ cũng phải mưu cầu lợi ích cho toàn thể Giáo Hội. Do đó, tùy khả năng và tùy theo hình thức ơn gọi của mình, bằng kinh nguyện hay bằng hành động tích cực, mỗi người có bổn phận làm cho vương quốc Đức Kitô bén rễ sâu và nên vững mạnh trong các tâm hồn, đồng thời lan rộng trên khắp vũ trụ. Vì thế, Giáo Hội duy trì và phát huy đặc tính riêng biệt của các hội dòng.

Do đó, việc tuyên khấn sống các lời khuyên Phúc Âm là một dấu chỉ có thể và phải lôi cuốn cách hữu hiệu tất cả mọi chi thể của Giáo Hội đến việc can đảm chu toàn các bổn phận của ơn gọi Kitô hữu. Thật vậy, Dân Thiên Chúa không có thành trì vĩnh viễn ở đời này nhưng đi tìm một thành trì mai sau, vì thế, khi giải gỡ người tu sĩ khỏi những lo lắng trần gian, bậc tu trì đã tỏ lộ cách rõ ràng hơn cho mọi tín hữu thấy gia sản trên trời đã hiện diện ngay dưới trần gian này, vừa làm chứng rằng ơn cứu chuộc của Đức Kitô đã đem lại một đời sống mới và vĩnh cửu, lại vừa tiên báo sự phục sinh tương lai và vinh quang của Nước Trời. Hơn nữa, bậc tu trì noi theo cách chính xác và thực hiện liên tục trong Giáo Hội nếp sống mà Con Thiên Chúa đã đón nhận khi Người xuống thế để thi hành thánh ý Chúa Cha, và cũng là nếp sống Người đã đề ra cho các môn đệ đi theo Người. Sau cùng, bậc sống ấy đặc biệt cho ta thấy những đòi hỏi cao cả của Nước Trời và sự trổi vượt của Nước Thiên Chúa trên mọi sự trần thế; bậc sống ấy cũng cho mọi người thấy quyền lực cao cả siêu phàm của Đức Kitô đang thống trị và quyền năng vô cùng của Chúa Thánh Thần đang hoạt động cách kỳ diệu trong Giáo Hội.

Vì thế, tuy không liên quan đến cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội, bậc sống được thiết lập do việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm lại gắn chặt với đời sống và sự thánh thiện của Giáo Hội.

  1. 45. Vì có nhiệm vụ chăn dắt và dẫn đưa Dân Chúa đến những đồng cỏ phì nhiêu (x. Ez 34,14), nên hàng Giáo phẩm phải dùng những luật lệ để hướng dẫn cách khôn ngoan việc thực hành những lời khuyên phúc âm, nhờ đó đức ái trọn hảo đối với Thiên Chúa và tha nhân được nuôi dưỡng cách đặc biệt[141]. Ngoan ngoãn vâng theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, hàng Giáo phẩm đón nhận những luật dòng đã được các vị cao minh lỗi lạc, nam cũng như nữ đệ trình, sau đó tu chỉnh và chính thức phê chuẩn, đồng thời, với quyền hành của mình, hàng Giáo phẩm luôn có mặt để săn sóc và bảo vệ những dòng tu đã được thiết lập khắp nơi nhằm xây dựng Thân Mình Đức Kitô, để nhờ trung thành với tinh thần của các đấng sáng lập, các dòng tu ấy phát triển và sinh hoa kết quả.

Tuy nhiên, để đáp ứng cách hữu hiệu hơn nhu cầu của toàn thể đoàn chiên Chúa, do quyền tối thượng trên toàn Giáo Hội và để phục vụ ích chung, Đức Giáo Hoàng có thể miễn chuẩn bất kỳ dòng tu hay cá nhân hội viên tu sĩ khỏi quyền tài thẩm của các Đấng bản quyền và chỉ đặt dưới quyền của ngài mà thôi[142]. Cũng thế, có thể có những dòng tu và những tu sĩ được để lại hoặc giao phó cho thẩm quyền riêng của các Thượng phụ. Khi chu toàn nhiệm vụ đối với Giáo Hội qua cách sống đặc biệt của mình, các tu sĩ phải kính trọng và vâng phục các Giám mục theo giáo luật, xét vì thẩm quyền mục vụ của các ngài trong Giáo Hội địa phương và vì cần phải có sự hợp nhất và hài hòa trong việc tông đồ[143].

Giáo Hội không chỉ phê chuẩn việc khấn dòng để xác lập một bậc sống theo giáo luật, nhưng qua việc cử hành phụng vụ, Giáo Hội còn trình bày việc khấn dòng ấy như một bậc sống được thánh hiến cho Thiên Chúa. Với quyền hành Chúa ban, chính Giáo Hội nhận lời tuyên khấn của các tu sĩ, dâng lời cầu nguyện chung xin Chúa trợ giúp và ban ân sủng cho họ, phó thác họ cho Thiên Chúa, và ban phúc lành thiêng liêng cho họ bằng cách kết hợp sự dâng hiến của họ vào hy lễ tạ ơn.

  1. 46. Các tu sĩ phải đem hết tâm lực làm cho Giáo Hội, qua chính con người của họ, ngày càng thực sự giới thiệu Đức Kitô cách hoàn hảo hơn cho các tín hữu cũng như cho lương dân, hoặc là Đức Kitô đang chiêm niệm trên núi, hoặc đang loan báo Nước Thiên Chúa cho dân chúng, đang chữa lành những kẻ đau yếu tàn tật, hay hoán cải các tội nhân trở lại với cuộc sống thiện hảo, hoặc đang chúc phúc cho trẻ em, thi ân cho mọi người, và trong mọi sự luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha, Đấng đã sai Người đến[144].

Sau cùng, tất cả các tu sĩ nên biết rằng việc khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm, tuy bao gồm sự từ bỏ những của cải mà rõ ràng vẫn có giá trị, nhưng không hề cản trở việc phát triển đích thực của nhân vị, trái lại tự bản chất càng giúp nhân vị phát triển tốt đẹp hơn. Thật vậy, khi được tự nguyện chấp nhận theo ơn gọi riêng của mỗi người, các lời khuyên phúc âm sẽ góp phần không ít vào việc thanh luyện tâm hồn và phát huy tự do thiêng liêng, không ngừng thôi thúc sống bác ái nhiệt thành, nhất là có sức làm cho người Kitô hữu ngày càng thích hợp hơn với đời sống trinh khiết và khó nghèo mà Chúa Kitô đã chọn cho mình, và Đức Trinh Nữ Thánh Mẫu của Người đã sống, cũng như gương lành của bao vị thánh sáng lập đã chứng tỏ. Đừng ai nghĩ rằng việc tận hiến làm cho các tu sĩ trở nên xa lạ với mọi người hoặc trở thành vô dụng đối với xã hội trần thế. Dù đôi khi không trực tiếp hiện diện bên cạnh những người đồng thời, nhưng các tu sĩ lại hiện diện cùng họ cách sâu xa hơn trong lòng Đức Kitô và cộng tác một cách thiêng liêng với họ, để việc xây dựng xã hội trần thế luôn đặt nền móng nơi Chúa và luôn hướng về Người, để những người xây dựng xã hội trần thế sẽ không làm việc luống công[145].

Vì thế, Thánh Công Đồng công nhận và khen ngợi các tu sĩ nam nữ, vì dù sống trong tu viện, trường học, bệnh viện hoặc trong các vùng truyền giáo, họ đang trang điểm Hiền Thê Đức Kitô bằng sự kiên trì và khiêm tốn trung thành với hồng ân thánh hiến và bằng thái độ quảng đại phục vụ mọi người dưới nhiều hình thức.

  1. 47. Vì thế, mỗi tu sĩ được gọi để tuyên khấn sống các lời khuyên phúc âm hãy chăm lo để luôn bền đỗ trong ơn thiên triệu Chúa đã trao ban, và thăng tiến luôn mãi để làm cho sự thánh thiện của Giáo Hội nên phong phú hơn, để luôn làm vinh danh Thiên Chúa Ba Ngôi duy nhất và hợp nhất, Đấng chính là nguồn mạch và căn nguyên mọi sự thánh thiện trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô.

CHƯƠNG VII
ĐẶC TÍNH CÁNH CHUNG
CỦA GIÁO HỘI LỮ HÀNH
VÀ SỰ HIỆP NHẤT

VỚI GIÁO HỘI TRÊN TRỜI

  1. 48. Giáo Hội là nơi mà trong Đức Kitô, tất cả chúng ta được mời gọi đến và ở đó chúng ta được nên thánh nhờ ân sủng Chúa, Giáo Hội ấy chỉ thành toàn trong vinh quang trên trời, khi đến thời canh tân mọi sự (Cv 3,21), và cũng là lúc cùng với nhân loại, toàn thể vũ trụ, vì được liên kết mật thiết với con người và nhờ con người mà đạt được cùng đích của mình, sẽ được tái tạo toàn vẹn trong Đức Kitô (x. Ep 1,10; Cl 1,20; 2 Pr 3,10-13).

Khi được giương lên cao khỏi đất, Đức Kitô đã kéo mọi người lên với Người (x. Ga 12,32: bản Hy Lạp); khi từ cõi chết sống lại (x. Rm 6,9), Người đã sai Thánh Thần ban sự sống đến với các môn đệ, và nhờ Chúa Thánh Thần, Người thiết lập Thân Mình Người là Giáo Hội như bí tích phổ quát của ơn cứu độ; nay ngự bên hữu Chúa Cha, Người không ngừng tác động trong thế giới để dẫn đưa mọi người đến với Giáo Hội, và qua Giáo Hội, kết hợp họ mật thiết hơn với Người, và khi nuôi dưỡng họ bằng chính Mình Máu của Người, Người cho họ tham dự vào cuộc sống vinh hiển của Người. Vì thế, sự tái tạo mà Chúa đã hứa và chúng ta đang mong đợi đã khởi sự nơi Đức Kitô và đang tiến triển trong sứ mệnh của Chúa Thánh Thần, và nhờ Chúa Thánh Thần, công trình ấy vẫn đang tiếp diễn trong Giáo Hội, nơi đây, nhờ đức tin, chúng ta hiểu được ý nghĩa của cuộc sống trần thế, trong khi vẫn luôn nỗ lực hoàn tất công việc Chúa Cha trao phó ở đời này, với niềm hy vọng hạnh phúc mai sau và làm cho mình được cứu độ (x. Pl 2,12).

Như vậy, thời đại cuối cùng đã đến với chúng ta rồi (x. 1 Cr 10,11), công cuộc canh tân thế giới đã được tiến hành cách bất khả vãn hồi, và thật ra một cách nào đó đã sớm được thực hiện khi Giáo Hội, ngay từ lúc còn ở trần gian, đã được trang điểm bằng sự thánh thiện đích thực, tuy chưa đến mức vẹn toàn. Dù vậy, cho tới khi có trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị (x. 2 Pr 3,13), Giáo Hội lữ hành vẫn mang khuôn mặt chóng qua của đời này, thể hiện nơi các dấu chỉ và các định chế vốn gắn liền với cuộc sống trần thế, đồng thời Giáo Hội vẫn sống giữa các thụ tạo tới nay còn rên siết và đau đớn như lúc sinh nở đang khi mong đợi sự mạc khải của con cái Thiên Chúa (x. Rm 8,19-22).

Như vậy, được liên kết với Đức Kitô trong Giáo Hội và được ghi dấu Thánh Thần “là bảo chứng của cơ nghiệp chúng ta” (Ep 1,14), chúng ta được gọi là con Thiên Chúa và thật sự chúng ta là thế (x. 1 Ga 3,1), dù chưa được xuất hiện với Đức Kitô trong vinh quang (x. Cl 3,4), lúc đó chúng ta sẽ nên giống Thiên Chúa, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy (x. 1 Ga 3,2). Vì thế, “đang khi còn ở trong thân xác này, chúng ta phải lưu đày xa Chúa” (2 Cr 5,6), và khi lãnh nhận Thánh Thần như ân huệ mở đầu, chúng ta rên siết trong lòng (x. Rm 8,23) và khao khát được ở với Đức Kitô (x. Pl 1,23). Chính đức ái thúc bách chúng ta sống cho Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta (x. 2 Cr 5,15). Do đó, chúng ta tìm cách làm đẹp lòng Chúa trong mọi sự (x. 2 Cr 5,9) và mặc lấy binh giáp của Thiên Chúa để có thể đối phó và đứng vững trước những cạm bẫy của ma quỷ trong ngày đen tối (x. Ep 6,11-13). Vì không biết ngày nào giờ nào, nên chúng ta phải luôn tỉnh thức như lời Chúa nhắc nhở, để khi mạng sống duy nhất của mỗi người ở trần gian này chấm dứt (x. Dt 9,27), chúng ta xứng đáng vào dự tiệc cưới với Người và được kể vào số những người được chúc phúc (x. Mt 25,31-46), chứ không như những đầy tớ hư hỏng và lười biếng (x. Mt 25,26) bị vất vào lửa đời đời (x. Mt 25,41), vào chốn tối tăm bên ngoài, nơi “khóc lóc và nghiến răng” (Mt 22,13 và 25,30). Thật vậy, trước khi hiển trị với Đức Kitô vinh quang, tất cả chúng ta đều phải trình diện “trước toà Đức Kitô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với những việc lành hoặc dữ đã làm khi còn trong thân xác” (2 Cr 5,10), và ngày tận thế, “ai đã làm lành sẽ sống lại để được sống, còn ai làm ác sẽ sống lại để chịu án phạt” (Ga 5,29; x. Mt 25,46). Bởi đó, tin rằng “những đau khổ hiện thời chẳng thấm vào đâu so với vinh quang sắp tới sẽ được mạc khải trong chúng ta” (Rm 8,18; x. 2 Tm 2,11-12), chúng ta vững lòng tin tưởng đợi trông “niềm hy vọng hồng phúc và ngày trở lại vinh quang của Thiên Chúa cao cả và của Đấng Cứu độ chúng ta, là Đức Giêsu Kitô” (Tt 2,13). “Đấng sẽ biến đổi thân xác thấp hèn của ta nên giống thân xác sáng láng của Người” (Pl 3,21), và sẽ ngự đến “để được tôn vinh giữa các thánh của Người và được ngưỡng mộ giữa mọi kẻ đã tin” (2 Ts 1,10).

  1. 49. Trong khi mong đợi Chúa ngự đến trong vinh quang cùng với các thiên thần (x. Mt 25,31), và chờ ngày muôn loài quy phục Người sau khi sự chết đã bị tiêu diệt (x. 1 Cr 15,26-27), trong số các môn đệ Chúa, có những người đang còn lữ hành nơi trần thế, có những kẻ đang được thanh luyện sau khi đã hoàn tất cuộc sống này, và có những người được hiển vinh, đang chiêm ngưỡng “rõ ràng chính Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi như Người hằng có”[146]. Nhưng tất cả mọi người, tùy cấp độ và cách thức khác nhau, đều chia sẻ cùng một lòng mến Chúa yêu người, cùng hát lên một bài ca chúc tụng vinh quang Thiên Chúa chúng ta. Quả vậy, tất cả những ai thuộc về Đức Kitô và lãnh nhận Thần Khí của Người, đều hợp thành một Giáo Hội duy nhất và liên kết với nhau trong Người (x. Ep 4,16). Như vậy, sự hợp nhất giữa những người còn lữ hành với các anh em đã yên nghỉ trong bình an của Đức Kitô không hề bị gián đoạn, trái lại, Giáo Hội xưa nay luôn tin rằng sự hợp nhất đó còn được củng cố nhờ việc thông truyền cho nhau những ơn phúc thiêng liêng[147]. Quả thật, nhờ kết hợp mật thiết với Đức Kitô hơn, những người đang ở trên trời càng giúp cho toàn thể Giáo Hội được vững bền hơn trong sự thánh thiện, làm cho việc thờ phượng mà Giáo Hội tại thế dâng lên Thiên Chúa được cao cả hơn, và bằng nhiều cách góp phần xây dựng Giáo Hội rộng lớn hơn (x. 1 Cr 12,12-27)[148]. Được nhận vào quê trời và hiện diện trước nhan Chúa (x. 2 Cr 5,8), nhờ Người, với Người và trong Người, các thánh không ngừng chuyển cầu với Chúa Cha cho chúng ta[149], bằng cách dâng lên các công trạng các ngài đã lập được khi còn ở dưới thế, nhờ Đấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người là Đức Giêsu Kitô (x. 1 Tm 2,5), khi phục vụ Chúa trong mọi sự và hoàn tất nơi thân xác các ngài những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Đức Kitô vì Thân thể Người là Giáo Hội (x. Cl 1,24)[150]. Như thế, sự yếu đuối của chúng ta được nâng đỡ rất nhiều nhờ mối quan tâm đầy tình huynh đệ của các ngài.
  2. 50. Nhận biết rõ ràng sự hiệp thông trong toàn Nhiệm Thể Đức Giêsu Kitô, ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, Giáo Hội lữ hành luôn tưởng nhớ[151], và dâng lời cầu cho những người đã chết, “vì cầu nguyện cho người chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi, là một ý nghĩ lành thánh” (2 Mcb 12,46). Đối với các Tông đồ và những vị Tử đạo của Đức Kitô là những chứng nhân cao cả đã đổ máu vì đức tin và đức ái, Giáo Hội luôn tin rằng các ngài liên kết với chúng ta mật thiết hơn trong Đức Kitô, đồng thời, Giáo Hội đặc biệt yêu mến tôn kính các ngài cùng với Đức Trinh Nữ Maria và các thánh Thiên thần[152], và sốt sắng nài xin sự trợ giúp qua lời chuyển cầu của các ngài. Sau đó, những người đặc biệt sống theo gương khiết trinh và khó nghèo của Đức Kitô cũng được kể vào số các thánh[153], và sau cùng, những người đã thực hành cách nổi bật các nhân đức Kitô giáo[154] và được Chúa ban nhiều ơn kỳ diệu, cũng được các tín hữu sốt sắng tôn kính và noi gương[155].

Quả thật, khi ngắm nhìn đời sống những người đã trung thành bước theo Đức Kitô, chúng ta được thúc đẩy với niềm hứng khởi mới để tìm kiếm thành đô tương lai (x. Dt 13,14 và 10,11), đồng thời được dạy cho biết con đường chắc chắn nhất để có thể đạt tới sự kết hiệp hoàn toàn với Đức Kitô, nghĩa là đạt tới sự thánh thiện, giữa bao đổi thay của trần thế, trong bậc sống và hoàn cảnh riêng của mỗi người[156]. Qua cuộc sống của những người cùng chung thân phận nhân loại như chúng ta, nhưng đã được biến đổi nên giống hình ảnh Đức Kitô cách trọn hảo hơn (x. 2 Cr 3,18), Thiên Chúa tỏ lộ cách sống động cho con người thấy sự hiện diện và dung nhan của Ngài. Chính Ngài nói với chúng ta qua các thánh và ban cho chúng ta dấu chỉ về vương quốc của Ngài[157], phần chúng ta, khi có những chứng nhân đông đảo như đám mây bao quanh (x. Dt 12,1) như một lời chứng thực của chân lý Tin Mừng, chúng ta cũng được lôi cuốn mạnh mẽ tiến về vương quốc ấy.

Tuy nhiên, chúng ta không chỉ kính nhớ các thánh trên trời vì gương lành các ngài mà thôi, nhưng đúng hơn để sự hợp nhất của toàn thể Giáo Hội trong Thần Khí được luôn bền vững nhờ thực hành đức bác ái huynh đệ (x. Ep 4,1-6). Thật vậy, cũng như mối hiệp thông giữa các Kitô hữu lữ hành trên dương thế đưa chúng ta tới gần Đức Kitô hơn, việc gắn bó với các thánh cũng liên kết chúng ta với Đức Kitô, Đấng như là mạch suối và là đầu phát sinh mọi ân sủng và sự sống của đoàn Dân Thiên Chúa[158]. Do đó, chúng ta phải thành tâm yêu mến các bạn hữu và những người đồng thừa tự ấy của Đức Kitô, đồng thời cũng là anh chị em và ân nhân đặc biệt của chúng ta, chúng ta phải dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì các ngài[159], cũng như “khiêm tốn kêu cầu, chạy đến xin các ngài chuyển cầu và trợ lực nâng đỡ, để Thiên Chúa ban cho chúng ta muôn ơn lành, nhờ Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng Cứu Chuộc và Cứu Độ duy nhất của chúng ta”[160]. Thật vậy, mọi chứng từ đích thực biểu hiện lòng yêu mến đối với các thánh trên trời, tự bản chất luôn hướng về cùng đích là Đức Kitô, “triều thiên của toàn thể các thánh”[161], và nhờ Người, quy hướng về Thiên Chúa, Đấng được ngưỡng mộ và tôn vinh trong các thánh của Ngài[162].

Sự hợp nhất của chúng ta với Giáo Hội trên trời được thực hiện cách tuyệt hảo, khi chúng ta cùng hợp đoàn hân hoan cử hành lời ngợi khen Thiên Chúa uy linh, đặc biệt trong phụng vụ thánh, ở đó, quyền năng Thánh Thần hoạt động trên chúng ta qua các dấu chỉ bí tích[163], và khi tất cả mọi người thuộc mọi chi tộc, ngôn ngữ, dân tộc và quốc gia đã được cứu chuộc trong máu Đức Kitô (x. Kh 5,9), họp nhau trong một Giáo Hội duy nhất, đồng thanh ca hát ngợi khen một Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì thế, khi cử hành hy lễ tạ ơn, chúng ta liên kết mật thiết với việc thờ phượng của Giáo Hội thiên quốc, khi hiệp thông và kính nhớ trước hết Đức Maria vinh hiển, trọn đời đồng trinh, sau là thánh Giuse, các thánh Tông đồ và Tử đạo cùng toàn thể các thánh[164].

  1. 51. Thánh Công Đồng thành tâm đón nhận niềm tin cao quý của cha ông chúng ta vào sự hiệp thông sống động giữa chúng ta với các anh chị em được hiển vinh trên trời hay còn phải thanh luyện sau khi chết, và Thánh Công Đồng một lần nữa lấy lại các sắc lệnh của các thánh Công Đồng Nicêa II[165], Firenzê[166] và Trentô[167]. Đồng thời, với mối quan tâm đến mục vụ, Công Đồng khích lệ tất cả những vị hữu trách phải bỏ đi hay sửa sai bất kỳ những lạm dụng, thái quá hay bất cập mà có lẽ đã len lỏi vào nơi này nơi kia, và hãy tái lập mọi sự để Thiên Chúa và Đức Kitô được ngợi khen cách trọn hảo hơn. Bởi vậy, các ngài hãy dạy cho tín hữu biết rằng việc tôn kính các thánh cách đích thực không hệ tại ở chỗ thực hành nhiều việc bề ngoài cho bằng gia tăng cường độ tình yêu tích cực của chúng ta, nhờ đó, chúng ta tìm “một gương mẫu nhờ cách sống của các ngài, sự đồng phận nhờ hiệp thông với các ngài và sự trợ giúp nhờ lời chuyển cầu của các ngài”[168], vì thiện ích lớn lao hơn của chính chúng ta và của Giáo Hội. Đàng khác, các mục tử cũng hãy giúp các tín hữu hiểu rằng mối hiệp thông giữa chúng ta và các thánh trên trời, nếu được hiểu theo ánh sáng đầy đủ của đức tin, không hề làm suy giảm sự tôn thờ Thiên Chúa là Cha nhờ Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần, trái lại, còn làm cho sự tôn thờ ấy phong phú hơn[169].

Vì nếu luôn liên kết với nhau trong tình yêu thương và nhất tâm ca ngợi Thiên Chúa Ba ngôi chí thánh, thì tất cả chúng ta, những người con của Thiên Chúa và thành viên của cùng một gia đình trong Đức Kitô (x. Dt 3,6), chúng ta sẽ sống đúng với ơn gọi sâu xa nhất của Giáo Hội và sẽ thông phần vào sự cảm nếm trước phụng vụ vinh hiển toàn hảo[170]. Khi Đức Kitô xuất hiện và khi kẻ chết sống lại trong vinh quang, ánh sáng Thiên Chúa sẽ chiếu soi Thành Đô Thiên Quốc và Con Chiên sẽ là đuốc sáng của thành (x. Kh 21,24). Bấy giờ toàn thể Giáo Hội gồm các thánh, trong hạnh phúc sung mãn của đức ái, sẽ thờ lạy Thiên Chúa và “Con Chiên đã bị giết” (Kh 5,12) và đồng thanh ca tụng: “Ngợi khen, danh dự, vinh hiển, quyền năng muôn đời, xin dâng lên Đấng ngự trên ngai và Con Chiên” (Kh 5,13-14).

 

CHƯƠNG VIII
ĐỨC TRINH NỮ MARIA MẸ THIÊN CHÚA
TRONG MẦU NHIỆM ĐỨC KITÔ
VÀ MẦU NHIỆM GIÁO HỘI

  1. LỜI MỞ ĐẦU
  2. 52. Thiên Chúa vô cùng nhân hậu và khôn ngoan, vì muốn cứu chuộc thế giới, nên “khi đến thời viên mãn, đã sai Con của Ngài đến, sinh bởi một người phụ nữ để chúng ta được làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5). “Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế, bởi phép Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria”[171]. Mầu nhiệm cứu độ linh thiêng này được mạc khải cho chúng ta và được tiếp diễn trong Giáo Hội mà Chúa đã thiết lập như Thân mình Người, và trong đó, khi liên kết với Đức Kitô Thủ lãnh và được hợp nhất trong sự hiệp thông với toàn thể các thánh của Người, các tín hữu cũng phải tôn kính “trước hết Đức Maria vinh hiển, trọn đời đồng trinh, Mẹ của Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa và là Chúa chúng ta”[172].
  3. 53. Thật vậy, khi sứ thần truyền tin, Đức Trinh Nữ Maria đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn và trong thân xác, và đã trao ban Đấng là sự sống cho thế gian, nên được công nhận và tôn kính là Mẹ thật của Thiên Chúa và của Đấng Cứu Thế. Được cứu chuộc cách kỳ diệu nhờ công nghiệp Con của Mẹ, và được kết hiệp mật thiết cách bất khả phân ly với Người, Mẹ được ban cho chức vụ và phẩm giá cao cả là Mẹ của Con Thiên Chúa, và vì thế, Mẹ là ái nữ của Chúa Cha và là cung điện của Chúa Thánh Thần, Đấng đã dùng ân sủng tuyệt vời này làm cho Mẹ trổi vượt trên mọi tạo vật khác, trên trời cũng như dưới đất. Nhưng vì thuộc dòng dõi Ađam, nên Mẹ cũng liên kết với tất cả mọi người cần được cứu độ, hơn nữa, Mẹ “là Mẹ các chi thể (của Đức Kitô) vì đã cộng tác trong đức ái để sinh ra các tín hữu trong Giáo Hội là những chi thể của Đầu”[173]. Vì thế, Mẹ cũng được chào kính như chi thể trổi vượt và độc đáo nhất của Giáo Hội, như mẫu mực và gương sáng nổi bật cho Giáo Hội về đức tin và đức ái, và Giáo Hội Công giáo, được Chúa Thánh Thần chỉ dạy, tôn kính Ngài với tình con thảo như người Mẹ rất dấu yêu.
  4. 54. Vì vậy, khi trình bày giáo lý về Giáo Hội, nơi mà Chúa Cứu Thế đang thực hiện ơn cứu độ, Thánh Công Đồng chủ tâm làm sáng tỏ vai trò của Đức Trinh Nữ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể và Nhiệm Thể, cũng như nêu rõ bổn phận của những người được cứu chuộc đối với Mẹ Thiên Chúa, là Mẹ Đức Kitô và Mẹ nhân loại, nhất là Mẹ các tín hữu, tuy nhiên, Công Đồng không có ý đưa ra một học thuyết đầy đủ về Đức Maria, cũng không có ý giải quyết các vấn đề chưa được sáng tỏ trọn vẹn trong việc nghiên cứu của các nhà thần học. Vì thế, được phép giữ những ý kiến đang được tự do trình bày trong các trường phái Công giáo về Đấng có địa vị cao cả nhất trong Hội thánh sau Đức Kitô và cũng là Đấng rất gần gũi với chúng ta[174].
  5. II. VAI TRÒ CỦA ĐỨC TRINH NỮ
    TRONG NHIỆM CỤC CỨU ĐỘ
  6. 55. Thánh Kinh Cựu Ước cũng như Tân Ước và Thánh Truyền đáng kính trình bày càng lúc càng sáng tỏ hơn vai trò của Mẹ Đấng Cứu Thế trong nhiệm cục cứu độ, và như muốn mời gọi chúng ta chiêm ngắm vai trò ấy. Thật vậy, các sách Cựu Ước trình bày lịch sử cứu độ, trong đó việc Đức Kitô đến trong thế gian được chuẩn bị cách tiệm tiến. Các tài liệu tiên khởi này, như được đọc trong Giáo Hội và được hiểu theo ánh sáng mạc khải trọn vẹn sau này, dần dần cho thấy rõ ràng hơn hình ảnh của một người nữ, Mẹ Đấng Cứu Thế. Theo ánh sáng ấy, người nữ này đã được tiên báo trong lời hứa chiến thắng con rắn, lời hứa mà nguyên tổ đã nhận được sau khi phạm tội (x. St 3,15). Cũng thế, ngài là Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh người con trai được đặt tên là Emmanuel (x. Is 7,14; Ml 5,2-3; Mt 1,22-23). Ngài trổi vượt trong số các kẻ khiêm nhu và người nghèo của Chúa là những người tin tưởng hy vọng và lãnh nhận ơn cứu độ từ nơi Chúa. Cuối cùng, với người Thiếu Nữ Sion tuyệt vời, sau thời gian lâu dài mong đợi lời hứa được thực hiện, thời giờ đã mãn và nhiệm cục mới đã được thiết lập, khi Con Thiên Chúa mặc lấy bản tính nhân loại từ người nữ ấy để giải thoát con người khỏi tội lỗi nhờ các mầu nhiệm nơi thân xác Chúa.
  7. 56. Chúa Cha giàu lòng thương xót đã muốn sự ưng thuận của người Mẹ được tiền định này phải đi trước việc nhập thể, để nếu như trước kia một người nữ đã góp phần vào sự chết, thì nay một người nữ cũng phải cộng tác vào sự sống. Điều này thật đúng với Mẹ của Đức Giêsu, người đã đem đến cho thế giới chính sự sống đổi mới mọi sự, và là người được Thiên Chúa ban cho những ân huệ tương xứng với một vai trò cao cả như thế. Do đó, không lạ gì khi các thánh Giáo phụ thường gọi Mẹ Thiên Chúa là Đấng thánh thiện vẹn toàn, không vương nhiễm vết nhơ tội lỗi, như được chính Chúa Thánh Thần nhào nắn, và được tác thành như một tạo vật mới[175]. Là người duy nhất được chan hoà sự thánh thiện chói ngời ngay từ giây phút thụ thai, Đức Trinh Nữ làng Nazareth được vị thiên sứ đến truyền tin theo lệnh của Thiên Chúa kính chào là “Đấng đầy ơn phúc” (x. Lc 1,28), và Trinh Nữ đã đáp lại sứ điệp từ trời cao: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Như thế, Đức Maria, nữ tử của Ađam, đã trở nên Mẹ của Đức Giêsu khi ưng thuận theo lời Chúa phán, và khi đón nhận ý muốn cứu độ của Thiên Chúa với trọn cả tấm lòng và không bị tội lỗi nào ngăn trở, ngài đã muốn nên như người nữ tỳ của Chúa để hoàn toàn hiến mình cho ngôi vị và công trình của Con ngài, đồng thời nhờ ân sủng của Thiên Chúa toàn năng, ngài phục vụ mầu nhiệm cứu chuộc tuỳ thuộc Con và cùng với Con. Bởi vậy, các thánh Giáo phụ có lý để nhận ra nơi Đức Maria không phải chỉ là một dụng cụ hoàn toàn thụ động trong tay Thiên Chúa, nhưng đã cộng tác tích cực vào việc cứu độ nhân loại, nhờ tin và vâng phục trong tự do. Thật vậy, như lời thánh Irênê: “Nhờ vâng phục, ngài đã trở nên nguyên nhân cứu độ cho mình và cho toàn thể nhân loại”[176]. Và cùng với thánh Irênê còn có nhiều thánh Giáo phụ thời xưa cũng không ngần ngại giảng dạy rằng: “Nút dây đã bị thắt lại vì Evà bất tuân, nay được gỡ ra nhờ Đức Maria vâng phục; điều mà trinh nữ Evà đã buộc lại bởi cứng lòng tin, thì Đức Trinh Nữ Maria đã tháo ra nhờ lòng tin”[177]; và khi so sánh với Evà, các ngài gọi Đức Maria là “Mẹ của những kẻ sống”[178], và vẫn thường quả quyết: “Qua Evà, sự chết xuất hiện, nhờ Đức Maria, sự sống ngự trị”[179].
  8. 57. Sự liên kết giữa người Mẹ và người Con trong công trình cứu độ được tỏ rõ từ khi Đức Kitô được thụ thai cách trinh khiết cho đến lúc chết; trước hết, khi Đức Maria vội vã đến thăm bà Elizabeth và được chào mừng là người có phúc vì đã tin vào ơn cứu độ Chúa đã hứa, và vị tiền hô đã nhảy mừng trong lòng mẹ (x. Lc 1,41-45); tiếp đó vào ngày Chúa giáng sinh, khi Mẹ Thiên Chúa vui mừng giới thiệu với các mục đồng và những đạo sĩ người Con đầu lòng của mình, Đấng đã không làm mất đi nhưng còn thánh hiến sự trinh khiết vẹn toàn của Mẹ[180]. Sau nữa, khi Mẹ dâng Con cho Chúa trong đền thánh, với lễ vật ấn định cho người nghèo, cũng như khi nghe Simêon báo trước Con mình sẽ là dấu chỉ sự chống đối và một lưỡi gươm sẽ đâm thấu lòng Mẹ, nhờ đó tư tưởng trong lòng nhiều người sẽ tỏ lộ ra (x. Lc 2,34-35). Khi cha và mẹ lo âu tìm kiếm trẻ Giêsu đi lạc và tìm thấy Con trong đền thánh đang lo việc của Cha Người; và các ngài không hiểu được lời Con nói. Tuy nhiên, mẹ Người giữ lấy tất cả các điều ấy và suy gẫm trong lòng (x. Lc 2,41-51).
  9. 58. Trong cuộc đời công khai của Đức Giêsu, Mẹ Người cũng đã xuất hiện trong những trường hợp đặc biệt, khi trong những ngày đầu, nơi tiệc cưới làng Cana xứ Galilê, vì động lòng thương xót, Mẹ đã can thiệp vào việc thực hiện phép lạ đầu tiên của Đức Giêsu, Đấng Thiên Sai (x. Ga 2,1-11). Trong thời gian Chúa đi rao giảng, Mẹ đã đón nhận lời của Người, những lời cho thấy Con của Mẹ, khi đặt Nước Trời lên trên cách suy nghĩ và mối liên hệ theo huyết nhục, đã tuyên bố những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa (x. Mc 3,35 và song song; Lc 11,27-28), như chính Mẹ đã trung tín thực hành (x. Lc 2,19 và 51), mới thật là người có phúc. Như thế, Đức Trinh Nữ đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hợp nhất với Con cho đến tận bên chân Thập Giá, Mẹ đã đứng đó theo như ý định của Thiên Chúa (x. Ga 19,25), sẵn sàng cùng chịu đau khổ với người Con một và dự phần vào hy lễ của Con với cả tấm lòng hiền mẫu, dùng trọn tình yêu chấp nhận hiến tế lễ vật do chính lòng mình sinh ra; và cuối cùng, Mẹ đã nhận làm Mẹ của người môn đệ qua lời trăng trối của Đức Giêsu Kitô đang hấp hối trên Thập Giá: “Thưa Bà, này là con Bà” (x. Ga 19,26-27)[181].
  10. 59. Vì Thiên Chúa chỉ muốn long trọng tỏ bày mầu nhiệm cứu độ nhân loại khi tuôn đổ Thánh Thần mà Đức Kitô đã hứa, nên chúng ta thấy các Tông đồ trước ngày lễ Ngũ Tuần “đã kiên tâm hiệp ý cầu nguyện, cùng với các phụ nữ, và với Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu và các anh em Người” (Cv 1,14), chúng ta cũng thấy Đức Maria tha thiết cầu xin hồng ân Thánh Thần, Đấng đã bao phủ ngài trong ngày truyền tin. Sau cùng, bởi đã được gìn giữ tinh sạch khỏi mọi vết nhơ nguyên tội[182], nên sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác[183], và được Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ để hoàn toàn nên giống Con của Người, là Chúa các Chúa (x. Kh 19,16), cũng là Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết[184].

III. ĐỨC TRINH NỮ VÀ GIÁO HỘI

  1. 60. Theo lời thánh Tông đồ, chúng ta chỉ có một Đấng Trung gian duy nhất: “Vì, chỉ có một Thiên Chúa, và chỉ có một Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa với nhân loại, đó là một con người, Đức Giêsu Kitô, Đấng đã hiến mình làm giá chuộc mọi người” (1 Tm 2,5-6). Tuy nhiên, vai trò làm mẹ nhân loại của Đức Maria không hề xoá mờ hay giảm thiểu vai trò trung gian duy nhất của Đức Kitô, nhưng càng tỏ rõ sức mạnh của Người. Thật vậy, ảnh hưởng có sức cứu độ của Đức Trinh Nữ trên nhân loại không phát sinh từ một sự cần thiết khách quan nào, nhưng từ ý định nhân lành của Thiên Chúa, và bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Đức Kitô, ảnh hưởng ấy khởi xuất từ vai trò trung gian của Đức Kitô, hoàn toàn tuỳ thuộc vào đó, và kín múc tất cả sức mạnh cũng từ đó. Ảnh hưởng này không hề cản trở, trái lại, còn giúp đỡ các tín hữu kết hợp trực tiếp với Đức Kitô.
  2. 61. Được tiền định từ muôn đời để làm Mẹ Thiên Chúa qua sự liên kết với việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa, theo ý định của Chúa Quan phòng, Đức Trinh Nữ đã nên người Mẹ cao trọng của Đấng Cứu Chuộc thần linh trên trần gian, là cộng sự viên quảng đại đặc biệt hơn mọi người và là nữ tỳ khiêm hạ của Chúa. Khi cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Đức Kitô, khi dâng Người lên Chúa Cha trong đền thánh, và cùng đau khổ với Con mình chết trên Thập Giá, Mẹ đã cộng tác vào công trình của Đấng Cứu Thế một cách hoàn toàn riêng biệt, nhờ sự vâng phục, với đức tin, đức cậy và đức ái nồng nàn, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Chính vì thế, trên bình diện ân sủng, Ngài thật là Mẹ của chúng ta.
  3. 62. Trong nhiệm cục ân sủng, thiên chức làm mẹ của Đức Maria luôn được duy trì, từ khi ngài tin tưởng nói lời ưng thuận trong ngày truyền tin và vẫn tiếp tục giữ vững lời ưng thuận ấy dưới chân Thập Giá, cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu độ cho tất cả những ai được tuyển chọn. Sau khi được đưa về trời, Đức Maria không rời bỏ vai trò của Mẹ trong việc cứu độ, nhưng vẫn tiếp tục liên lỉ chuyển cầu để đem lại cho chúng ta hồng ân cứu độ đời đời[185]. Với tình hiền mẫu, ngài chăm sóc những người em của Con ngài còn đang lữ hành giữa bao nguy hiểm và thử thách, cho đến khi họ đạt tới hạnh phúc quê trời. Vì thế, trong Giáo Hội, Đức Trinh Nữ được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng sư, Đấng Phù hộ, Đấng Cứu giúp và Đấng Trung gian[186]. Tuy nhiên phải hiểu cho đúng điều này để không giảm cũng như không thêm gì vào địa vị và hiệu năng của Đức Kitô, Đấng Trung gian duy nhất[187].

Thật vậy, không một tạo vật nào có thể được kể ngang hàng với Ngôi Lời nhập thể và cứu chuộc; nhưng cũng như chức tư tế của Đức Kitô được thông ban dưới nhiều hình thức cho các thừa tác viên và giáo dân, và cũng như sự tốt lành duy nhất của Thiên Chúa được ban phát cho các tạo vật theo nhiều cách khác nhau, thì sự trung gian duy nhất của Đấng Cứu chuộc không loại bỏ nhưng đúng hơn khơi dậy nơi các thụ tạo sự cộng tác đa dạng được chia sẻ từ một nguồn mạch duy nhất.

Giáo Hội không ngần ngại tuyên xưng vai trò tùy thuộc ấy của Đức Maria, Giáo Hội vẫn luôn cảm nghiệm được điều đó và nhắn nhủ các tín hữu ghi nhớ trong lòng, để nhờ Mẹ nâng đỡ và phù hộ, họ gắn bó mật thiết hơn với Đấng Trung gian và Đấng Cứu chuộc.

  1. 63. Nhờ ân huệ và vai trò làm Mẹ Thiên Chúa, điều đã làm cho Đức Trinh Nữ được kết hiệp với Con là Đấng Cứu Chuộc, đồng thời nhờ các ân sủng và nhiệm vụ riêng biệt khác, ngài cũng liên kết mật thiết với Giáo Hội, như thánh Ambrôsiô đã dạy: Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Giáo Hội trên bình diện đức tin, đức ái và sự kết hiệp hoàn hảo với Đức Kitô[188]. Thật vậy, trong mầu nhiệm Giáo Hội, một chủ thể cũng được gọi rất chí lý là mẹ và trinh nữ, Đức Trinh Nữ Maria nổi bật cách cao cả và riêng biệt như một mẫu mực của phẩm cách là mẹ và trinh nữ[189]. Quả vậy, trong thái độ tin kính và vâng phục, ngài đã sinh chính Con Chúa Cha nơi trần gian, ngài không hề biết đến người nam, nhưng được Chúa Thánh Thần bao phủ, như một Evà mới, không tin lời con rắn xưa, nhưng đặt trọn niềm tin vào sứ giả của Thiên Chúa, một niềm tin không bị một nghi ngờ nào làm phai nhạt. Mẹ đã sinh hạ Người Con, Đấng được Thiên Chúa đặt làm trưởng tử giữa đàn em đông đảo (x. Rm 8,29) chính là các tín hữu, người Mẹ đã cộng tác vào việc sinh hạ và giáo dục họ với tình hiền mẫu.
  2. 64. Khi chiêm ngưỡng sự thánh thiện nhiệm mầu và noi gương bác ái của Đức Maria, khi trung thành chu toàn thánh ý Chúa Cha, Giáo Hội là mẹ vì đã lãnh nhận Lời Chúa trong đức tin: thật vậy, nhờ việc rao giảng và nhờ bí tích Thánh tẩy, Giáo Hội sinh hạ con cái, những người được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và được Thiên Chúa sinh ra cho đời sống mới và bất diệt. Giáo Hội cũng là trinh nữ vì đã giữ gìn toàn vẹn và tinh tuyền lòng tin dành cho Đấng Phu Quân, và noi gương người mẹ của Chúa mình, nhờ thần lực của Thánh Thần, Giáo Hội cũng gìn giữ thật tinh tuyền đức tin toàn vẹn, đức cậy bền vững và đức mến chân thành[190].
  3. 65. Tuy nhiên, nếu như Giáo Hội đã đạt tới sự toàn thiện trong Đức Trinh Nữ diễm phúc, nhờ đó không còn vết nhơ hay nét nhăn (x. Ep 5,27), thì các Kitô hữu vẫn còn phải cố gắng chiến thắng tội lỗi để lớn lên trong sự thánh thiện; vì thế, họ ngước mắt lên Đức Maria là mẫu gương nhân đức sáng ngời cho toàn thể cộng đoàn những người được chọn. Nhờ sốt sắng suy niệm và chiêm ngắm Đức Maria trong ánh sáng của Ngôi Lời nhập thể, Giáo Hội cung kính hòa nhập cách sâu xa hơn vào mầu nhiệm nhập thể cao cả, và ngày càng nên giống Phu quân mình hơn. Thật vậy, Đức Maria đã tham dự mật thiết vào lịch sử cứu độ và một cách nào đó, ngài đã nối kết và làm vọng vang nơi mình những giáo lý đức tin cao cả nhất, khi các tín hữu nghe rao giảng về ngài và sùng kính ngài, ngài mời gọi họ đến với Con ngài, đến với hy lễ của Người, và đến với tình yêu của Chúa Cha. Khi tìm kiếm vinh quang Đức Kitô, Giáo Hội ngày càng nên giống khuôn mẫu cao cả của mình hơn, liên lỉ tiến tới trong niềm tin, cậy, mến, tìm kiếm và vâng theo thánh ý Thiên Chúa trong mọi sự. Do đó, trong công cuộc Tông đồ, thật chí lý khi Giáo Hội nhìn lên người đã sinh ra Đức Kitô, Đấng đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và được Đức Trinh nữ sinh ra, để nhờ Giáo Hội, Đức Kitô cũng được sinh ra và lớn lên trong lòng các tín hữu. Trong cuộc sống, Đức Trinh Nữ đã là tấm gương của tình yêu thương mang đậm tính cách hiền mẫu, một tình yêu cần được thể hiện cách sống động nơi tất cả những ai đang cộng tác vào sứ mệnh Tông đồ của Giáo Hội để tái sinh nhân loại.
  4. VIỆC TÔN KÍNH ĐỨC TRINH NỮ
    TRONG GIÁO HỘI
  5. 66. Sau Chúa Con nhưng vượt trên toàn thể các thiên thần và loài người, nhờ ân sủng Thiên Chúa, Đức Maria, người đã tham dự vào các mầu nhiệm của Đức Kitô, được tôn vinh là Thánh Mẫu Thiên Chúa, vì thế Mẹ đáng được Giáo Hội tôn kính và sùng mộ cách đặc biệt. Thật vậy, từ những thời rất xa xưa, Đức Trinh Nữ đã được tôn kính dưới tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”, và các tín hữu đã ẩn náu dưới sự che chở của Mẹ, khẩn cầu Mẹ trong mọi cơn gian nan khốn khó[191]. Nhất là từ Công Đồng Êphêsô, Dân Thiên Chúa đã gia tăng lòng tôn kính Đức Maria cách lạ lùng, với thái độ tôn kính, mến yêu, cầu khẩn và noi gương, đúng như lời Mẹ đã tiên báo: “Muôn đời sẽ khen tôi có phúc, vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những việc trọng đại” (Lc 1,48-49). Sự tôn kính ấy như vẫn luôn có trong Giáo Hội, tuy hoàn toàn đặc thù, nhưng tự bản chất vẫn khác biệt với sự tôn thờ dâng lên Ngôi Lời nhập thể và Chúa Cha cùng Chúa Thánh Thần, và việc tôn kính này hỗ trợ cho việc tôn thờ Thiên Chúa. Giáo Hội đã chấp nhận nhiều hình thức tôn sùng Mẹ Thiên Chúa trong khuôn khổ giáo lý lành mạnh và chính thống, tùy theo hoàn cảnh thời gian và nơi chốn, hợp với tính cách và trình độ của các tín hữu, những hình thức ấy, khi tôn vinh Mẹ, cũng làm cho tín hữu nhận biết, yêu mến và làm vinh danh Chúa Con đồng thời tuân giữ trọn vẹn các giới răn của Người, bởi lẽ vì Người mà muôn tạo vật được tạo thành (x. Cl 1,15-16), và Chúa Cha hằng hữu “đã muốn tất cả sự viên mãn hiện diện” ở nơi Người (Cl 1,19).
  6. 67. Thánh Công Đồng minh nhiên dạy điểm giáo lý công giáo này, đồng thời cũng khuyến khích tất cả con cái của Giáo Hội hãy nhiệt tâm phát huy lòng sùng kính Đức Trinh Nữ, nhất là trong phụng vụ, hãy coi trọng những việc thực hành và việc đạo đức tôn kính ngài đã được Huấn quyền cổ vũ qua các thế kỷ, cũng như hãy thành tâm tuân giữ những quyết định trước đây liên quan đến việc tôn kính ảnh tượng Đức Kitô, Đức Trinh Nữ và các thánh[192]. Công Đồng cũng ân cần khuyến khích các nhà thần học và những người rao giảng Lời Chúa, khi luận bàn về những phẩm hạnh vô song của Mẹ Thiên Chúa, hãy cẩn thận tránh những tư tưởng phóng đại sai lầm cũng như các suy nghĩ hẹp hòi quá đáng[193]. Nhờ học hỏi Thánh Kinh, các thánh Giáo phụ, các tiến sĩ và những nhà nghiên cứu các truyền thống phụng vụ trong Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn của Huấn quyền, họ cần trình bày cách chính xác về vai trò và đặc ân của Đức Trinh Nữ, vốn luôn quy hướng về Đức Kitô là nguồn mạch của toàn thể chân lý, của sự thánh thiện và lòng đạo đức. Họ phải cẩn thận tránh xa những lối diễn tả hay hành động có thể làm cho các anh em ly khai hay bất cứ ai khác hiểu sai giáo lý đích thực của Giáo Hội. Phần các tín hữu, hãy nhớ rằng lòng tôn sùng chân chính không hệ tại ở tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại ở sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật, đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của ngài.
  7. ĐỨC MARIA,
    DẤU CHỈ LÒNG CẬY TRÔNG VỮNG VÀNG
    VÀ NIỀM AN ỦI CHO DÂN CHÚA ĐANG LỮ HÀNH
  8. 68. Nếu như Mẹ của Đức Giêsu được vinh hiển hồn xác trên trời là hình ảnh và khởi đầu của Giáo Hội phải được hoàn thành ở đời sau, thì ngay trên trần gian này, ngài cũng toả sáng như dấu chỉ của lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho Dân Chúa đang lữ hành cho tới ngày Chúa đến (x. 2 Pr 3,10).
  9. 69. Thánh Công Đồng rất vui mừng và được an ủi khi thấy trong số các anh em ly khai, không thiếu những người dâng lên Mẹ Chúa Cứu Thế vinh dự ngài đáng được, nhất là nơi các Giáo Hội Đông Phương, những người sốt sắng và thành tâm sùng kính Mẹ Thiên Chúa trọn đời đồng trinh[194]. Tất cả các Kitô hữu hãy tha thiết khẩn nguyện Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ nhân loại, để như ngài đã trợ giúp Giáo Hội sơ khai bằng lời cầu nguyện, thì ngày nay, được tôn vinh trên trời, vượt trên các thánh và các thiên thần, ngài cũng chuyển cầu cùng Con ngài trong sự hiệp thông của toàn thể các thánh, cho tới khi mọi gia đình dân tộc, hoặc đã được vinh dự mang danh hiệu Kitô hữu, hoặc chưa nhận biết Đấng Cứu Chuộc mình, đều hân hoan đoàn tụ trong an bình và hoà thuận, họp thành đoàn Dân Thiên Chúa duy nhất, để làm vinh danh một Chúa Ba Ngôi chí thánh.

Tất cả và từng điều được ban bố trong Hiến Chế tín lý này đều đã được các Nghị phụ Thánh Công Đồng chấp thuận. Và, với thẩm quyền tông truyền nhận được từ Chúa Kitô, hợp nhất với các Nghị phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, quyết nghị và xác lập, và những gì đã được xác lập theo thể thức Công Đồng, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.

Rôma, tại Đền Thánh Phêrô, ngày 21 tháng 11 năm 1964
Tôi, PHAOLÔ, Giám mục Giáo Hội Công giáo
(Tiếp theo là chữ ký của các Nghị phụ)

TRÍCH VĂN KIỆN CÔNG ĐỒNG

THONG TRI
Do Tổng Thư Ký của Thánh Công Đồng trình bày
Trong phiên họp khoáng đại thứ 123
ngày 16 tháng 11 năm 1964.

Có những thắc mắc về giá trị thần học của phần giáo thuyết trong Lược đồ về Giáo Hội sẽ được đưa ra để các Nghị phụ bỏ phiếu.

Uỷ ban Giáo thuyết, sau khi xem xét những Đề nghị tu chỉnh cho chương III trong Lược đồ về Giáo Hội, đã đưa ra câu trả lời:

“Đương nhiên phải luôn giải thích văn kiện Công Đồng theo những qui tắc chung mà mọi người đều đã biết”

Nhân dịp này, Uỷ ban Giáo thuyết đã nhắc lại bản Tuyên ngôn ngày 6.3.1964, và đây là một trích đoạn:

“Dựa trên phương thức làm việc và chủ đích mục vụ đã đưa ra, Thánh Công Đồng xác định rằng Giáo Hội chỉ phải tuân giữ những điều liên quan đến đức tin và phong hoá, theo đúng như những gì sẽ được chính Thánh Công Đồng công bố.

Còn những điểm khác được Thánh Công Đồng trình bày, vì là giáo thuyết của Huấn quyền Tối thượng của Giáo Hội, nên tất cả và từng Kitô hữu phải đón nhận và dựa trên những tiêu chuẩn của phương pháp giải thích thần học để hiểu đúng ý của Công Đồng, được biểu lộ qua nội dung được trình bày hoặc qua cách diễn tả trong bản văn”.

Thẩm quyền thượng cấp đã gửi đến các Nghị phụ một chú thích sơ khởi, liên quan đến những Đề nghị tu chỉnh cho chương III trong Lược đồ về Giáo Hội. Giáo thuyết được trình bày trong chương III phải được giải thích và hiểu theo tinh thần và cách thức của chú thích này.

CHÚ THÍCH SƠ KHỞI

Uỷ ban đưa ra những nhận định sau đây trước khi nghiệm xét những Đề nghị tu chỉnh:

  1. 1. Từ “Collegium” (cộng thể) không được hiểu theo nghĩa thuần tuý pháp lý, nghĩa là một nhóm người bình đẳng chấp nhận trao quyền lãnh đạo cho một vị chủ tịch, nhưng phải hiểu là một tập thể có tính cố định, với cơ cấu tổ chức và thẩm quyền được xác định bởi chính Mạc khải. Vì thế, câu trả lời cho Đề nghị tu chỉnh số 12 muốn nêu rõ là chính Chúa đã thiết lập Nhóm Mười hai theo thể thức một Cộng thể hay một Nhóm cố định. Xin cũng xem Đề nghị số 53c. – Cũng thế, từ “Ordo” hay “Corpus” được dùng để nói về hàng Giám mục hay Giám Mục Đoàn. Khi nói đến tính cách tương đương, trong mối liên hệ giữa Phêrô với các Tông đồ và mối liên hệ giữa Giáo Hoàng với các Giám mục, không được hiểu đó là sự chuyển giao quyền bính đặc biệt của các Tông đồ cho các người kế vị, và đương nhiên cũng không thể hiểu là các thành viên của Giám Mục Đoàn cũng bình quyền với vị Thủ lãnh, nhưng phải hiểu là có một sự tương ứng giữa mối liên hệ thứ nhất (Phêrô – Tông đồ) và mối liên hệ thứ hai (Giáo Hoàng – Giám mục). Vì thế, trong số 22, Uỷ ban đã quyết định không dùng cách nói “cùng một cách thức”, nhưng là “với cách thức tương tự”. Xem Đề nghị tu chỉnh số 57.
  2. 2. Một người trở nên thành viên của cộng đoàn Giám mục nhờ sự thánh hiến bí tích và nhờ sự hiệp thông phẩm trật với vị Thủ lãnh và những phần tử của Giám Mục Đoàn. Xem số 22, cuối đoạn 1.

Thánh Truyền và cả tập truyền phụng vụ đã xác quyết rõ ràng việc tấn phong làm cho vị Giám mục được tham dự với cả hữu thể của mình vào các chức năng thánh thiêng. Sau khi thảo luận, Uỷ ban dùng danh từ “munus” (chức năng) chứ không dùng chữ “potestas” (quyền hành), vì hạn từ này có thể được hiểu là quyền thực hiện một hành động nào đó. Nhưng quyền thực hiện một hành động chỉ có thể nhận được từ một chỉ định của thẩm quyền phẩm trật theo Giáo Luật hoặc theo pháp lý. Chỉ định này có thể là việc uỷ thác một nhiệm vụ đặc biệt hoặc trao phó một số người thuộc quyền, theo những qui định đã được thẩm quyền tối cao phê duyệt. Việc phê duyệt này là một qui định buộc phải có do chính bản chất của việc trao quyền, vì liên quan đến những chức năng phải được thực thi bởi những người thuộc quyền ở nhiều cấp bậc, cùng cộng tác theo phẩm trật do ý muốn của Chúa Kitô. Điều hiển nhiên là sự “hiệp thông” này đã được áp dụng tuỳ theo hoàn cảnh trong đời sống (in vita) của Giáo Hội qua các thời đại, trước khi được biên soạn thành văn trong luật lệ (in iure).

Chính vì thế, phải nêu rõ là cần phải có sự hiệp thông phẩm trật với vị Thủ lãnh của Giáo Hội và với các thành viên. “Communio” (hiệp thông) là một ý niệm rất được đề cao trong Giáo Hội thời xưa (và cả thời nay, nhất là tại Đông phương). Đây không phải là một tình cảm mơ hồ nào đó, nhưng là một thực tại mang tính liên kết, đòi hỏi phải có một hình thức pháp lý, đồng thời được sinh động nhờ đức ái. Vì thế, với sự đồng thuận gần như tuyệt đối, Uỷ ban quyết định viết như sau: “trong sự hiệp thông phẩm trật”. Xem Đề nghị tu chỉnh số 40 và những chỗ đề cập đến sứ vụ theo Giáo Luật, số 24.

Những văn kiện gần đây của các Đức Giáo Hoàng về quyền tài thẩm của các Giám mục phải được giải thích theo ý nghĩa chính yếu vừa nêu liên quan đến quyền hành.

  1. 3. Giám Mục Đoàn, một cộng đoàn luôn phải có Thủ lãnh, “là chủ thể có quyền hành trọn vẹn và tối cao trên toàn thể Giáo Hội”. Đây là điều cần được chấp nhận để tránh những thắc mắc đối với tính cách trọn vẹn của quyền bính dành cho Giáo Hoàng Rôma. Giám Mục Đoàn luôn luôn buộc phải liên kết với vị Thủ lãnh, người trong Đoàn đảm nhận chức năng trọn vẹn của Đấng Đại diện Chúa Kitô và Chủ chăn của Giáo Hội phổ quát. Nói cách khác, đây không phải là phân biệt giữa Giáo Hoàng Rôma và tập thể các Giám mục, nhưng là giữa cá nhân Đức Giáo Hoàng và cộng đoàn gồm cả Giáo Hoàng và các Giám mục. Vì Đức Giáo Hoàng là Thủ lãnh của Giám Mục Đoàn, nên riêng ngài có quyền đơn phương hành động trong một số trường hợp mà các Giám mục không thể làm được, ví dụ triệu tập và điều hành Giám Mục Đoàn, phê chuẩn các qui chế hoạt động, v.v. . . Xem Đề nghị tu chỉnh số 81. Vì đã được trao phó nhiệm vụ chăm sóc toàn thể đoàn chiên của Chúa Kitô, nên Đức Giáo Hoàng có quyền phán quyết về cách thức thích hợp, hoặc riêng cá nhân ngài, hoặc cùng với Giám Mục Đoàn, để thực thi nhiệm vụ ấy, tuỳ theo những nhu cầu của Giáo Hội vẫn luôn biến chuyển qua các thời đại. Vì lợi ích của Giáo Hội, Giáo Hoàng Rôma hành động theo sự khôn ngoan của ngài để hướng dẫn, phát huy và phê chuẩn việc thực thi quyền cộng thể của Giám Mục Đoàn.
  2. 4. Là Chủ chăn tối cao của Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng có thể tuỳ ý thực thi quyền bính bất cứ lúc nào, theo như nhiệm vụ đòi hỏi. Phần Giám Mục Đoàn, tuy vẫn luôn tồn tại, nhưng như Truyền thống Giáo Hội đã cho thấy, không phải lúc nào cũng hành động với tư cách thuần tuý tập thể. Nói cách khác, Giám Mục Đoàn không phải lúc nào cũng hoạt động trong cách thế “hành động trọn vẹn”, nhưng chỉ thỉnh thoảng mới hành động theo thể thức thuần tuý tập thể, và không thể làm nếu không được vị Thủ lãnh đồng tình (consentiente Capite). Nói “Thủ lãnh đồng tình”, để đừng nghĩ đến sự lệ thuộc theo kiểu lệ thuộc một người nào đó xa lạ; trái lại, từ “đồng tình” gợi lên sự hiệp thông giữa Đầu và các chi thể, đồng thời cũng nói lên tính cách thiết yếu của một hành động dành riêng cho người Thủ lãnh. Điều này được xác định cách minh nhiên trong số 22,2 và được giải thích ở cuối số. Ngữ thức ở thể phủ định “nonnisi” (không thể nếu không) bao gồm tất cả mọi trường hợp: vì thế đương nhiên phải luôn luôn tuân theo những qui định đã được thẩm quyền tối thượng phê duyệt. Xem Đề nghị tu chỉnh số 84.

Điều nổi bật nhất trong tất cả chính là sự gắn kết giữa các Giám mục với vị Thủ lãnh và không bao giờ hành động độc lập với Giáo Hoàng. Trong trường hợp không có hành động của Thủ lãnh, các Giám mục không thể hành động với tư cách một Giám Mục Đoàn được, chính ý niệm về “Cộng thể” đã cho thấy rõ điều đó. Truyền thống đã xác nhận sự hiệp thông phẩm trật giữa tất cả các Giám mục với Đức Giáo Hoàng.

Ghi chú. Nếu không có hiệp thông phẩm trật, chức năng liên quan đến thực thể do bí tích, cần phân biệt với khía cạnh pháp lý do luật, sẽ không thể thực hiện được. Tuy nhiên, Uỷ ban không bàn đến ở đây vấn đề hợp pháp và thành sự, vấn đề này xin dành cho các nhà thần học thảo luận, đặc biệt về những gì liên quan đến quyền bính đang được các anh em Đông phương ly khai thực thi hiện nay, và về những ý kiến khác biệt trong việc giải thích quyền bính ấy.

PERICLES FELICI
Tổng Giám mục Hiệu toà Samosate
Tổng Thư ký Công Đồng Chung Vatican II

 

 

 

[1] x. T. CYPRIANÔ, Epist. 64,4: PL 3,1017; CSEL (Hartel), III B, tr. 720; T. HILARIÔ POITIERS, In Mt 23,6: PL 9,1047; T. AUGUSTINÔ, nhiều chỗ khác; T. CYRILLÔ ALEXANDRIA, Glaph. In Gen. 2, 10: PG 69, 110A.

[2] T. GRÊGÔRIÔ CẢ, Hom. in Evang. 19,1: PL 76, 1154B. x. T. AUGUSTINÔ, Serm. 341, 9,11: PL 39, 1499S. T. GIOAN ĐAMASCÊNÔ, Adv. Iconoc. 11: PG 96, 1357.

[3] x. T. IRÊNÊÔ, Adv. Haer. III, 24, 1: PG 7, 966B; HARVEY 2, 131; xb. Sagnard, Sources Chr., tr. 398.

[4] T. CYPRIANÔ, De Ora. Dom. 23: PL 4, 553; CSEL (Hartel) III A, tr. 285; T. AUGUSTINÔ, Serm. 71, 20, 33: PL 38, 463; T. GIOAN ĐAMASCÊNÔ, Adv. Iconocl. 12: PG 96, 1358D.

[5] x. ÔRIGÊNÊ, In Mt 16,21: PG 13, 1443 C.; TERTULLIANÔ, Adv. Marc. 3,7: PL 2, 357 C; CSEL 47,3 tr. 386. Về tài liệu phụng vụ, xem Sacramentarium Gregorianum: PL 78, 160 B.; hoặc C. MOHLBERG, Liber Sacramentorum Romanae Ecclesiae, Rôma, 1960, tr. 111, XC: “Thiên Chúa đã ban cho ngươi nơi cư ngụ vĩnh viễn khi qui tụ các thánh…”. Thánh thi Urbs Jerusalem beata trong sách Kinh Nhật Tụng Đan viện, và Coelestis urbs Jerusalem trong sách Kinh Nhật Tụng Rôma.

[6] x. T. TÔMA, Summa Theol. III, q. 62, a. 5, ad 1.

[7] x. PIÔ XII: Thông điệp Mystici Corporis, 29.6.1943: AAS 35 (1943), tr. 208.

[8] x. LÊÔ XIII, Thông điệp Divinum illud, 9.5.1897: ASS 29 (1896-97), tr. 650; PIÔ XII, Thông điệp Mystici Corporis, nt., tr. 219-220; DS. 2288 (3808); T. AUGUSTINÔ, Serm. 268, 2: PL 38, 1232, và nơi khác; T. GIOAN KIM KHẨU, In Eph. bài giảng 9, 3: PG 62,72; ĐIĐYMÔ ALEXANDRIA, Trin. 2,1: PG 39, 449tt.; T. TÔMA, In Col. 1,18, lect. 5: xb. Marietti, II, số 46: “Như một thân thể được tạo thành khi hợp nhất với linh hồn, cũng thế, Giáo Hội được tạo thành khi hợp nhất với Thánh Thần…”.

[9] LÊÔ XIII, Thông điệp Sapientiae christianae, 10.1.1890: ASS 22 (1889-1890), tr. 392; LÊÔ XIII, Thông điệp Satis cognitum 29.6.1896: ASS 28 (1895-1896), tr. 710 và 724tt.; PIÔ XII, Thông điệp Mystici Corporis, nt., tr. 199-200.

[10] x. PIÔ XII, Thông điệp Mystici Corporis, nt., tr. 221tt.; PIÔ XII, Thông điệp Humani generis, 12.8.1950: AAS 42 (1950), tr. 571.

[11] LÊÔ XIII, Thông điệp Satis Cognitum, nt., tr. 713.

[12] x. Symbolum Apostolicum: DS. 6-9 (10-13); Symb. Nic. – Const.: DS. 86 (150). So sánh với Prof. fidei Trid.: DS 994 và 999 (1862 và 1868).

[13] Đọc “Giáo Hội Rôma thánh thiện (công giáo và tông truyền)”: trong Prof. fidei Trid., nt., và CĐ VATICAN I, Hiến chế tín lý về Đức tin Công giáo, Dei Filius: DS. 1782 (3001).

[14] T. AUGUSTINÔ, De Civ. Dei, XVIII, 51, 2: PL 41, 614.

[15] x. T. CYPRIANÔ, Epist. 69,6: PL 3,142B; HARTEL 3B, tr. 754: “bí tích hiệp nhất bất khả phân ly”.

[16] x. PIÔ XII, Huấn từ Magnificate Dominum, 2.11.1954: AAS 46 (1954), tr. 669; Thông điệp Mediator Dei, 20.11.1947: AAS 39 (1947), tr. 555.

[17] x. PIÔ XI, Thông điệp Miserentissimus Redemptor, 8.5.1928: AAS 20 (1928), tr. 171t.; PIÔ XII, Huấn từ “Vous nous avez”, 22.9.1956: AAS 48 (1956) tr. 714.

[18] x. T. TÔMA, Summa Theol. III, q. 63, a.2.

[19] x. T. CYRILLÔ GIÊRUSALEM, Catech. 17, về Chúa Thánh Thần, II, 35-37: PG 33, 1009-1012; NICÔLA CABASILAS, De Vita in Christo, lib. III, về lợi ích của Dầu Thánh: PG 150, 569-580; T. TÔMA, Summa Theol. III, P9.65, a.3 và q.72, a.1 và 5.

[20] x. PIÔ XII, Thông điệp Mediator Dei, 20.11.1947: AAS 39 (1947), nhất là tr. 552t.

[21] 1 Cr 7,7: “Mỗi người được Chúa ban cho đặc sủng riêng (idion charisma), người được ơn này, người được ơn kia”; x. T. AUGUSTINÔ, De Dono Persev, 14,37: PL 45, 1015t: “không những tiết dục, nhưng cả khiết tịnh của đôi bạn cũng là ơn Chúa ban”.

[22] x. T. AUGUSTINÔ, De Praed Sanct. 14, 27: PL 44, 980.

[23] x. T. GIOAN KIM KHẨU, In Io., Bài giảng 65,1: PG 59, 361.

[24] x. T. IRÊNÊÔ, Adv. Haer. III, 16, 6; 22, 1-3. PG 7, 925 C-926A và 955C-958A; HARVEY 2, 87t. và 120-123; SAGNARD, Sources Chrétiennes tr. 290-292 và 372t.

[25] x. T. IGNATIÔ TỬ ĐẠO, Ad Rom, Lời mở đầu: xb. Funk, I, tr. 252.

[26] x. T. AUGUSTINÔ, Bapt. c. Donat. V, 28, 39: PL 43, 197: “Hiển nhiên, khi nói trong và ngoài Giáo Hội, phải hiểu về tâm hồn chứ không phải về thân xác”; x. T. AUGUSTINÔ, III, 19, 26: cột 152; V, 18, 24: cột 189; In Io., tr. 61, 2: PL 35, 1800, và nơi khác.

[27] x. Lc 12,48: “Ai đã được giao phó nhiều, sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn”; x. Mt 5,19-20; 7,21-22; 25,41-46; Gc 2,14.

[28] x. LÊÔ XIII, Tông thư Praeclara gratulationis, 20.6.1894: ASS 26 (1893-94), tr. 707.

[29] x. LÊÔ XIII, Thông điệp Satis Cognitum, 29.6.1896: ASS 28 (1895-96), tr. 738; Thông điệp Caritatis studium, 25.7.1898: ASS 31 (1898-99), tr. 11; PIÔ XII, Diễn văn truyền thanh Nell’alba, 24.12.1941: ASS 34 (1942), tr. 21.

[30] x. PIÔ XI, Thông điệp Rerum Orientalium, 8.9.1928: AAS 20 (1928), tr. 287; PIÔ XII, Thông điệp Orientalis Ecclesiae, 9.4.1944: AAS 36 (1944), tr. 137.

[31] x. Giáo huấn của Bộ Thánh Vụ, 20.12.1949: AAS 42 (1950), tr. 142.

[32] x. T. TÔMA, Summa Theol. III, q. 8; a. 3, ad I.

[33] x. Thư của Bộ Thánh Vụ gởi cho Tổng giám mục Boston: DS 3869-72.

[34] x. EUSÊBIÔ CÊSARÊA, Praeparatio Evangelica, 1, 1: PG 21, 28 AB.

[35] x. BÊNÊĐICTÔ XV, Tông thư Maximum illud: AAS 11 (1919), tr. 440, nhất là tr. 451tt.; PIÔ XI, Thông điệp Rerum Ecclesiae: AAS 18 (1926), tr. 68-69; PIÔ XII, Thông điệp Fidei Donum, 21.4.1957: AAS 49 (1957), tr. 236-237.

[36] x. Didachè, 14: xb. Funk I, tr. 32; T. GIUSTINÔ, Dial, 41: PG 6, 564; T. IRÊNÊÔ, Adv. Haer. IV 17, 5: PG 7, 1023; HARVEY 2, tr. 199t; CĐ TRENTÔ khoá 22, ch I: DS 939 (1742).

[37] x. CĐ VATICAN I, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Chúa Kitô Pastor aeternus: DS 1821 (3050t).

[38] x. CĐ FIRENZE, Decretum Pro Graecis: DS 694 (1307) và CĐ VATICAN I, DS 1826 (3059).

[39] x. Liber Sacramentorum của Thánh Grêgôriô, Kinh Tiền Tụng ngày sinh nhật thánh Matthia và Tôma: PL 78, 51 và 152; x. Cod. VATICAN Lat. 3548, f. 18; T. HILARIÔ, In Ps. 67, 10: PL 9, 450; CSEL 22, tr. 286; T. HIÊRÔNIMÔ, Adv. Iovin, 1, 26: PL 23, 247A; T. AUGUSTINÔ, In Ps. 86, 4: PL 37, 1103; T. GRÊGÔRIÔ CẢ, Mor., In Iob, XXVIII, V: PL 76, 455-456; PRIMASIÔ, Comm. in Apoc. V: PL 68, 924BC; PASCHASIÔ RADBERTÔ, In Mt, c. VIII, ch. 16: PL 120, 561C; x. LÊÔ XIII, Thư Et Sane, 17.12.1888: ASS 21 (1888), tr. 321.

[40] x. Cv 6,2-6; 11,30; 13,1; 14,23; 20,17; 1 Ts 5,12-13; Pl 1,1; Cl 4,11 và nhiều chỗ khác.

[41] x. Cv 20,25-27, 2 Tm 4,6t, so sánh với 1 Tm 5,22; 2 Tm 2,2; Tt 1,5; T. CLÊMENTÊ RÔMA, Ad Cor. 44, 3: xb. Funk, I, tr. 156.

[42] T. CLÊMENTÊ RÔMA, Ad Cor, 44, 2: xb. Funk, I, tr. 154tt.

[43] x. TERTULLIANÔ, Praescr. Haer. 32: PL 2, 52t; T. IGNATIÔ TỬ ĐẠO, nhiều chỗ khác.

[44] x. TERTULLIANÔ, Praescr. Haer. 32: PL 2, 53.

[45] x. IRÊNÊÔ, Adv. Haer. III, 3, 1: PG 7, 848A; HARVEY 2, 8; SAGNARD, tr. 100: “manifestatam”.

[46] x. T. IRÊNÊÔ, Adv. Haer. III, 2, 2: PG 7, 847; HARVEY 2, 7; SAGNARD, tr. 100: “custoditur”, x. T. IRÊNÊÔ, IV, 26, 2: cột 1053; HARVEY 2, 236, cả IV, 33, 8: cột 1077; HARVEY 2, 262.

[47] T. IGNATIÔ Tử đạo, Philad, lời mở đầu: xb. Funk, I, tr. 264.

[48] T. IGNATIÔ Tử đạo, Philad, 1, 1; Magn., 6, 1: xb. Funk I, tr. 264 và 234.

[49] T. CLÊMENTÊ RÔMA, nt., 42, 3-4; 44, 3-4, 57, 1-2: xb. Funk, I, tr. 152, 156, 171tt.; T. IGNATIÔ TỬ ĐẠO, Philad. 2; Smyrn. 8; Magn., 3; Trall. 7: xb. Funk I, tr. 265t; 282; 232; 246tt. vv; T. GIUSTINÔ, Apol, 1, 65: PG 6, 428; T. CYPRIANÔ, Epist, nhiều chỗ khác.

[50] x. LÊÔ XIII, Thông điệp Satis cognitum, 29.6.1896: ASS 28 (1895-96), tr. 732.

[51] x. CĐ TRENTÔ, Sắc lệnh De Sacr. Ordinis, ch. 4: DS 960 (1768); CĐ VATICAN I, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Chúa Kitô Pastor aeternus, ch. 3: DS 1828 (3061); PIÔ XII, Thông điệp Mystici Corporis, 29.6.1943: AAS 35 (1943), tr. 209 và 212; Giáo luật, khoản 329,1.

[52] x. LÊÔ XIII, Thư Et Sane, 17.12.1888: ASS 21 (1888), tr. 321t.

[53] x. T. LÊÔ Cả, Serm. 5, 3: PL 54, 154.

[54] CĐ TRENTÔ, khoá 23, ch. 3, trích 2 Tm 1,6-7 để chứng minh phép truyền chức Thánh thật sự là một bí tích: DS 959 (1766).

[55] Trong Trad. Apost. 3, xb. Botte, Sources Chrétiennes, tr. 27-30, Giám mục có chức tư tế nhất phẩm (primatus sacerdotii); x. Sacramentarium Leonianum, xb. C. Mohlberg, Sacramentarium Veronense, Rôma, 1955, tr. 119: “đưa đến tác vụ linh mục tối cao… xin hoàn tất đỉnh cao của mầu nhiệm nơi các linh mục của Chúa ”; Trad. Apost., Liber Sacramentorum Rômanae Ecclesiae, Rôma, 1960, tr. 121-122: “Lạy Chúa, xin ban cho họ ngai toà Giám mục để họ điều khiển Giáo Hội Chúa và toàn dân”: x. PL 78, 224.

[56] x. Trad. Apost. 2: xb. Botte, tr. 27.

[57] x. CĐ TRENTÔ, khoá 23, ch. 4, dạy rằng bí tích Truyền chức khắc ghi ấn tích bất khả tiêu huỷ: DS 960 (1767); x. GIOAN XXIII, Huấn từ Iubilate Deo, 8.5.1960: AAS 52 (1960), tr. 466; PHAOLÔ VI, Bài giảng tại Vương cung Thánh đường Vatican, 20.10.1963: AAS 55 (1963), tr. 1014.

[58] T. CYPRIANÔ, Epist. 63, 14: PL 4, 386; HARTEL, III B, tr. 713: “Linh mục thật sự hành động thay Chúa Kitô”; T. GIOAN KIM KHẨU, In 2 Tim, Bài giảng 2, 4; PG 62, 612: Linh mục là “biểu tượng” (symbolon) của Chúa Kitô; T. AMBRÔSIÔ, In Ps. 38, 25-26: PL 14; 1051-52: CSEL 64, 203-204; AMBROSIASTER, In 1 Tim 5, 19: PL 17, 479 C và In Ep 4, 11-12; cột 387 C; THEODORUS MOPSUESTIA, Hom Catech, XV, 21 và 24: xb. Tonneau, tr. 497 và 503; HESYCHIUS HIEROS., In Lev., L. 2, 9, 23: PG 93, 894B.

[59] x. EUSÊBIÔ, Hist. Eccl. V, 24,10: GCS II, 1, tr. 495; xb. Bardy, Sources Chr. II, tr. 69; ĐIÔNYSIUS, trong Eusêbiô, VII, 5, 2: GCS II, 2, tr. 638tt.; xb. Bardy, II, tr. 168tt.

[60] x. Về các Công Đồng thời trước, EUSÊBIÔ, Hist, Eccl. V, 23-24: GCS II, 1, tr. 488tt.; Bardy, II, tr. 66tt. và nhiều chỗ khác; CĐ NICÊA, điều 5: Conc. Oec. Decr, tr. 7.

[61] TERTULLIANÔ. De Ieiunio, 13: PL 2, 972; CSEL 20, tr. 292, hàng 13-16.

[62] T.CYPRIANÔ, Epist. 56,3: CSEL (Hartel), IIIB, tr. 650; BAYARD, tr. 154.

[63] x. Phúc trình chính thức của Zinelli, trong CĐ VATICAN I: Mansi 52, 1109C.

[64] x. CĐ VATICAN I, Lược đồ Hiến chế Tín lý II, De Eccl. Christi, ch. 4: Mansi 53, 310; x. Phúc trình của Kleutgen về lược đồ sửa lại: Mansi 53, 321B-322B và Tuyên bố của Zinelli: Mansi 52, 1110A; cũng xem, T. LÊÔ CẢ, Serm, 4, 3: PL 54, 151A.

[65] x. Giáo Luật, 222 và 227.

[66] x. CĐ VATICAN I, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Chúa Kitô Pastor aeternus: DS 1821 (3050t).

[67] x. T. CYPRIANÔ, Epist. 66, 8: CSEL (Hartel) III, 2, tr. 733: “Giám mục trong Giáo Hội và Giáo Hội trong Giám mục”.

[68] x. T. CYPRIANÔ, Epist. 55, 24: Hartel, tr. 642, hàng 13: “Một Giáo Hội tản mác khắp thế giới với nhiều phần tử”; Epist. 36, 4: Hartel, tr. 575, hàng 20-21.

[69] x. PIÔ XII, Thông điệp Fidei Donum, 21.4.1957: AAS 49 (1957), tr. 237.

[70] x. T. HILARIÔ PICT., In Ps. 14, 3: PL 9, 206; CSEL 22, tr. 86; T. GRÊGÔRIÔ CẢ, Moral. IV, 7, 12: PL 75, 643C; PSEUĐÔ-BASILIÔ, In Is. 15, 296: PG 30, 637C.

[71] T. CÊLESTINÔ, Epist. 18, 1-2, gửi đến Công Đồng Eph.: PL 50, 505AB; Schwartz, Acta Conc. Oec. I, 1, 1, tr. 22; x. BÊNÊĐICTÔ XV, Tông thư Maximum Illud: AAS 11 (1919), tr. 440; PIÔ XI, Thông điệp Rerum Eccl., 28.2.1926: AAS 18 (1926), tr. 69; PIÔ XII, Thông điệp Fidei Donum, 1.c.

[72] LÊÔ XIII, Thông điệp Grande Munus, 30.9.1880: AAS 13 (1880), tr. 145; x. Giáo Luật, 1327, 1350 § 2.

[73] Về năng quyền của các Toà Thượng phụ, xem CĐ NICÊA điều 6 về Alexandria và Antiôchia, và điều 7 về Giêrusalem: Conc. Oec. Decr, tr. 8; CĐ LATÊRANÔ IV, năm 1215, Hiến chế V: De Dignitate Patriarcharum: nt., tr. 212; CĐ FERR.- FIRENZÊ: nt., tr. 504.

[74] x. Giáo Luật cho Giáo Hội Đông phương, các khoản 216-314 về các Thượng phụ; các khoản 324-339 về các Tổng Giám mục niên trưởng; các khoản 362-391 về các vị chức sắc khác; đặc biệt các khoản 238, §3; 216; 240; 251; 255 về các Giám mục do các Thượng phụ bổ nhiệm.

[75] x. CĐ TRENTÔ sắc lệnh De Reform., khoá V, ch. 2, số 9, và khoá XXIV, điều 4: Conc. Oec. Dear. tr. 645 và 739.

[76] x. CĐ VATICAN I, Hiến chế tín lý về Đức tin Công giáo Dei Filius, 3: DS 1712 (3011); x. Ghi chú kèm theo Lược đồ I De Eccl. (trích từ Thánh Robertô Bellarminô): Mansi 51, 579C, và Lược đồ đã được sửa đổi của Hiến chế II De Ecclesia Christi, với phần chú giải của Kleutgen; Mansi 53, 313AB; PIÔ IX, thư Tuas Libenter: DS 1683 (2879).

[77] x. Giáo Luật, 1322-1323.

[78] x. CĐ VATICAN I, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Chúa Kitô Pastor Aeternus: DS 1839 (3074).

[79] x. Giải nghĩa của Gasser trong CĐ Vatican I: Mansi 52, 1213AC.

[80] x. GASSER trong CĐ VATICAN I: Mansi 1214A.

[81] x. nt.: Mansi 1215CD, 1216-1217A.

[82] x. nt.: Mansi 1213.

[83] x. CĐ VATICAN I, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Chúa Kitô Pastor Aeternus, 4: DS 1836 (3070).

[84] Lời nguyện lễ tấn phong Giám mục theo nghi lễ Byzantinô: Euchologion to mega, Rôma, 1873, tr. 139.

[85] x. T. IGNATIÔ TỬ ĐẠO, Smyrn. 8,1: xb. Funk, I, tr. 282.

[86] x. Cv 8,1; 14,22-23; 20,17 và nhiều chỗ khác.

[87] Oratio mozarabica: PL 96, 759B.

[88] T. TÔMA, Summa Theol., III, q. 73, a. 3.

[89] x. T. AUGUSTINÔ, C. Faustum, 12,20: PL 42,265; Serm. 57,7: PL 38, 389, v.v…

[90] T. LÊÔ CẢ, Serm. 63,7: PL 54, 357C.

[91] x. Traditio Apostolica của Hippolytô, 2-3: xb. Botte, tr. 26-30.

[92] x. Nghi thức thẩm vấn đầu lễ và kinh nguyện sau Te Deum cuối lễ tấn phong Giám mục.

[93] x. BÊNÊĐICTÔ XIV, Br. Rômana Ecclesia, 5.10.1752, đoạn I: Bullarium Benedicti XIV, bộ IV, Rôma 1758, 21: “Giám mục thay mặt Chúa Kitô và chu toàn trách vụ của Người”; PIÔ XII, Thông điệp Mystici Corporis, nt., tr. 211: “Mỗi Giám mục nhân danh Chúa Kitô chăn dắt và điều khiển đoàn chiên được giao phó”.

[94] x. LÊÔ XIII, Thông điệp Satis Cognitum, 29.6.1896: ASS 28 (1895-96), tr. 732; LÊÔ XIII, Thư Officio Sanctissimo, 22.12.1887: ASS 20 (1887), tr. 264; PIÔ IX, Tông thư gửi các Giám mục Đức, 12.3.1875 và Huấn từ 15.3.1875: DS 3112-3117 ấn bản mới.

[95] x. CĐ VATICAN I, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Chúa Kitô Pastor Aeternus, 3: DS 1828 (3061); x. Phúc trình của Zinelli: Mansi 52, 1114D.

[96] x. T. IGNATIÔ Tử đạo, Ad Ephes, 5,1: xb. Funk, I, tr. 216.

[97] x. T. IGNATIÔ Tử đạo, Ad Ephes, 6,1: xb. Funk I, tr. 218.

[98] x. CĐ TRENTÔ khoá 23, De Sacr. Ord, ch. 2: DS 958 (1765) và điều 6: DS 966 (1776).

[99] x. INNÔCENTIÔ I, Epist. ad Decentium: PL 20, 554 A; Mansi 3, 1029; DS 98 (215): “Linh mục thuộc hàng tư tế nhị phẩm, không có chức vị tư tế tối cao”; T. CYPRIANÔ, Epist. 61,3: CSEL (Hartel), tr. 696.

[100] x. CĐ TRENTÔ, nt.: DS 956a-968 (1763-1778), và đặc biệt điều 7: DS 967 (1777); PIÔ XII, Tông hiến Sacramentum Ordinis: DS 2301 (3857-61).

[101] x. INNÔCENTIÔ I, nt.; T. GRÊGÔRIÔ NAZ., Apol. II, 22: PG 35, 432B; ĐIÔNYSIÔ, Eccl Hier., 1,2: PG 3, 372D.

[102] x. CĐ TRENTÔ, Khoá 22: DS 940 (1743); PIÔ XII, Thông điệp Mediator Dei, 20.11.1947: AAS 39 (1947), tr. 553; DS 2300 (3850).

[103] x. CĐ TRENTÔ, Khoá 22: DS 938 (1739-40); CĐ VATICAN II, Hiến chế về Phụng vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 7 và 47: AAS 56 (1964), tr. 100-113.

[104] x. PIÔ XII, Thông điệp Mediator Dei, nt., 67.

[105] x. T. CYPRIANÔ, Epist. 11,3: PL 4, 242B; CSEL (Hartel) II, 2, tr. 497.

[106] x. Pontificale romanum, lễ truyền chức linh mục: lúc trao phẩm phục.

[107] x. Pontificale romanum, lễ truyền chức linh mục: Kinh Tiền Tụng.

[108] x. T. IGNATIÔ Tử đạo, Philad 4,: xb. Funk I, tr. 266; T. CORNÊLIÔ I, trong T. CYPRIANÔ, Epist. 48, 2: CSEL (Hartel) III, 2, tr. 610.

[109] Constitutiones Ecclesiae aegyptiacae, III, 2: xb. Funk, Didascalia, II, tr. 103; Statuta Eccl. Ant. 37-41: Mansi 3, 954.

[110] T. POLYCARPÔ, Ad Phil. 5, 2: xb. Funk I, tr. 300: “Chúa Kitô tự hạ được gọi là Đấng Phó tế – Đấng phục vụ mọi người”; x. Didachè 15,1: nt., tr. 32; T. IGNATIÔ TỬ ĐẠO, Trall. 2, 3: nt., tr. 242. Constitutiones Apostolorum, 8, 28, 4: xb. Funk, Didascalia, I, tr. 530.

[111] T. AUGUSTINÔ, Serm. 340, 1: PL 38, 1483.

[112] x. PIÔ XI, Thông điệp Quadragesimo anno, 15.5.1931: AAS 23 (1931), tr. 212tt.; PIÔ XII, Diễn từ De quelle consolation, 14.10.1951: AAS 43 (1951), tr. 790tt.

[113] x. PIÔ XII, Diễn từ Six ans se sont écoulés, 5.10.1957: AAS 49 (1957), tr. 927.

[114] Sách lễ Rôma, Kinh Tiền Tụng lễ Chúa Kitô Vua.

[115] x. LÊÔ XIII, Thông điệp Immortale Dei, 1.11.1885: ASS 18 (1885), tr. 166tt; nt., Thông điệp Sapientiae Christianae, 10.1.1890: ASS 22 (1889-90), tr. 397tt.; PIÔ XII, Diễn từ Alla vostra filiale, 23.3.1958 AAS 50 (1958), tr. 220: “tính cách thế tục hợp pháp và lành mạnh của quốc gia”.

[116] x. Giáo Luật, 682.

[117] x. PIÔ XII, Diễn từ De quelle consolation, nt., tr. 789: “Trong những trận chiến có tính quyết định, đôi khi những kẻ ở tuyến đầu lại có những sáng kiến hay nhất…”; nt. Diễn từ L’importance de la presse catholique, 17.2.1950: AAS 42 (1950), tr. 256.

[118] x. 1 Ts 5,19 và 1 Ga 4,1.

[119] Epist. ad Diognetum, 6: xb. Funk I, tr. 400; x. T. GIOAN KIM KHẨU, In Mt., Bài giảng 46 (47), 2: PG 58, 478, về men trong bột.

[120] Sách lễ Rôma, Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, x. Lc 1,35; Mc 1,24; Lc 4,34; Ga 6,69 (ho hagios tou Theou); Cv 3,14; 4,27 và 30; Dt 7,26; 1 Ga 2,20; Kh 3,7.

[121] x. ÔRIGÊNÊ, Comm. Rom. 7,7: PG 14, 1122 B; PS. – ACARIÔ, De oratione, 11: PG 34, 861 AB; T. TÔMA, Summa Theol. II-II, q. 184, a.3.

[122] x. T. AUGUSTINÔ, Retract. II, 18: PL 32, 637tt.; PIÔ XII, Thông điệp Mystici Corporis, 29.6.1943: AAS 35 (1943), tr. 225.

[123] x. PIÔ XI, Thông điệp Rerum Omnium, 26.1.1923: AAS 15 (1923), tr. 50 và 59-60; nt., Thông điệp Casti Connubii, 31.12.1930: AAS 22 (1930), tr. 548; PIÔ XII, Tông hiến Provida Mater, 2.2.1947: AAS 39 (1947), tr. 117; Diễn từ Annus sacer, 8.12.1950: AAS 43 (1951), tr. 27-28; Diễn từ Nel darvi, 1.7.1956: AAS 48 (1956), tr. 574tt.

[124] x. T. TÔMA, Summa Theol. II-II, q. 184, a. 5 và 6; De Perfect. vitae spir.,ch. 18; ÔRIGÊNÊ. In Is., Hom. 6,1: PG 13,239.

[125] x. T. IGNATIÔ Tử đạo, Magn. 13,1: xb. Funk I, tr. 241.

[126] x. T. PIÔ X, Tông huấn Haerent animo, 4.8.1908: AAS 41 (1908), tr. 560tt. Giáo luật, 124; PIÔ XI, Thông điệp Ad Catholici Sacerdotii, 20.12.1935: AAS 28 (1936), tr. 22.

[127] x. Pontificale romanum, Lễ truyền chức linh mục, lời huấn từ ở phần đầu nghi thức.

[128] x. T. IGNATIÔ Tử đạo, Trall. 2,3: xb. Funk I, tr. 244.

[129] x. PIÔ XII, Diễn từ Sous la maternelle protection, 9.12.1957: AAS 50 (1958), tr. 26.

[130] x. PIÔ XI, Thông điệp Casti Connubii, 31.12.1930: AAS 22 (1930), tr. 548; T. GIOAN KIM KHẨU, In Ephes. Hom. 20,2: PG 62, 136tt.

[131] x. T. AUGUSTINÔ, Enchir. 121, 32: PL 40, 288; T. TÔMA, Summa Theol. II-II, q. 184, a. 1; PIÔ XII, Tông huấn Menti Nostrae, 23.9.1950: AAS 42 (1950), tr. 660.

[132] Về các lời khuyên nói chung, xem Ôrigênê, Comm. Rom. X, 14: PG 14, 1275B; T. AUGUSTINÔ, De S. Virginitate, 15, 15: PL 40, 403; T. TÔMA, Summa Theol. I-II, q. 100, a. 2c, đoạn cuối; II-II, q. 44, a. 4, ad 3.

[133] Về sự cao vời của đức khiết tịnh thánh hiến, x. TERTULLIANÔ, Exhort. Cast. 10: PL 2, 925C; T. CYPRIANÔ, Hab. Virg. 3 và 22: PL 4, 443B và 461A; T. ATHANASIÔ (?), De Virg.: PG 28, 252; T. GIOAN KIM KHẨU, De Virg.:PG 48, 533tt.

[134] Về tinh thần khó nghèo, xem Mt 5,3 và 19,21; Mc 10,21; Lc 18,22; về mẫu gương vâng lời của Chúa Kitô, xem Ga 4,34 và 6,38; Pl 2,8-10; Dt 10,5-7. Các Giáo phụ và các Đấng sáng lập dòng thường đề cập rất nhiều đến các nhân đức này.

[135] Về việc thực hành những lời khuyên không có tính cách bó buộc đối với mọi người, x. T. GIOAN KIM KHẨU, In Mt., Hom. 7,7: PG 57, 81; T. AMBRÔSIÔ, De Viduis, 4,23: PL 16, 241tt.

[136] x. ROSWEYDUS, Vitae Patrum, Antwerpiae, 1628; Apophtegmata Patrum: PG 65; PALLADIUS, Historia Lausiaca: PG 34, 995tt.: xb. C. Butler, Cambridge (1904); PIÔ XI, Tông hiến Umbratilem, 8.7.1924: AAS 16 (1924), tr. 386-387; PIÔ XII, Diễn từ Nous sommes heureux, 11.4.1958: AAS 50 (1958), tr. 283.

[137] x. PHAOLÔ VI, Diễn từ Magno gaudio, 23.5.1964: AAS 56 (1964), tr. 566.

[138] x. Giáo Luật, 487 và 488 §4; PIÔ XII, Diễn từ Annus sacer, 8.12.1950: AAS 43 (1951), tr. 27tt.; PIÔ XII, Tông hiến Provida Mater, 2.2.1947: AAS 39 (1947), tr. 120tt.

[139] x. PHAOLÔ VI, Diễn từ Magno gaudio, 23.5.1964: AAS 56 (1964), 567.

[140] x. T. TÔMA, Summa Theol. II-II, q. 184, a. 3 và q. 188, a. 2; T. BÔNAVENTURA, Opusc. XI, Apologia Pauperum, ch. 3, 3: xb. Opera, Quaracchi, bộ 8, 1898, tr. 245a.

[141] x. CĐ VATICAN I, Lược đồ De Ecclesia Christi, ch. XV, và chú giải 48: Mansi 51, 549tt. và 619tt; LÊÔ XIII, Thư Au milieu des consolations, 23.12.1900: ASS 33 (1900-01), tr. 361; PIÔ XII, Tông hiến Provida Mater, 2.2.1947: AAS 39 (1947), tr. 114tt.

[142] x. LÊÔ XIII, Hiến chế Romanos Pontifices, 8.5.1881: ASS 13 (1880-81), tr. 483; PIÔ XII, Diễn từ Annus sacer, 8.12.1950: AAS 43 (1951), tr. 28tt.

[143] x. PIÔ XII, Tông hiến Provida Mater, 2.2.1947: AAS 39 (1947), tr. 28; PIÔ XII, Tông hiến Sedes Sapientiae, 31.5.1956: AAS 48 (1956), tr. 355; PHAOLÔ VI, Diễn từ Magno gaudio, 3.5.1964: AAS 56 (1964), tr. 570-571.

[144] x. PIÔ XII, Thông điệp Mystici Corporis, 29.6.1943: AAS 35 (1943), tr. 241tt.

[145] x. PIÔ XII, Diễn từ Annus sacer, nt.,tr. 30. Diễn từ Sous la maternelle protection, 9.12.1957: AAS 50 (1958), tr. 39tt.

[146] CĐ FIRENZÊ, Decretum pro Graecis: DS 693 (1305).

[147] Ngoài những tài liệu xưa hơn, có từ thời Đức Alexandrô IV ngăn cấm mọi hình thức chiêu hồn (27.9.1258), xem Thông điệp của Bộ Thánh Vụ De magnetismi abusu, 4.8.1856: ASS (1865) tr. 177-178; DS 1653-1654 (2823-2825); Trả lời của Bộ Thánh Vụ, 24.4.1917: AAS 9 (1917), tr. 268, DS 2182 (3642).

[148] x. Bài đúc kết về học thuyết này của Thánh Phaolô, trong PIÔ XII, Thông điệp, Mystici Corporis: AAS 35 (1943), tr. 200 và nhiều nơi khác.

[149] x. T. AUGUSTINÔ, Enarr. In Ps. 85, 24: PL 37, 1099; T. GIÊRÔNIMÔ, Liber contra Vigilantium, 6: PL 23, 344; T. TÔMA, In 4m Sent., d. 45, q. 3, a. 2; T. BÔNAVENTURA, In 4m Sent., d. 45, a. 3, q. 2; v.v…

[150] x. PIÔ XII, Thông điệp Mystici Corporis: AAS 35 (1943), tr. 245.

[151] x. Rất nhiều bia ký trong các hầm mộ cổ ở Rôma.

[152] x. GÊLASIÔ I, Giáo lệnh De libris recipiendis, 3: PL 59, 160; DS 165 (353).

[153] x. METHÔĐIÔ, Symposion VII, 3: GCS (Bonwetsch), tr. 74.

[154] x. BÊNÊĐICTÔ XV, Decretum approbationis virtutum in Causa beatificationis et canonizationis Servi Dei Joannis Nepomuceni Neumann: AAS 14 (1922), tr. 23; Nhiều diễn văn của Đức PIÔ XI về các Thánh: Inviti all’eroismo, trong Discorsi e Radiomessaggi bộ I-III, Rôma 1941-1942, và nhiều nơi khác; Đức PIÔ XII, Discorsi e Radiomessaggi, bộ 10, 1949, tr. 37- 43.

[155] x. PIÔ XII, Thông điệp Mediator Dei: AAS 39 (1947), tr. 581.

[156] x. Dt 13,7; Hc 44-50; Dt 11,3-40; xem thêm PIÔ XII, Thông điệp Mediator Dei: AAS 39 (1947), tr. 582-583.

[157] x. CĐ VATICAN I, Hiến chế về Đức tin Công giáo Dei Filius, ch. 3: DS 1794 (3013).

[158] x. PIÔ XII, Thông điệp Mystici Corporis: AAS 35 (1943), tr. 216.

[159] Về sự biết ơn đối với các thánh, x. E. DIEHL, Inscriptiones latinae christianae veteres, I, Berlin, 1925, các số 2008, 2382 và nhiều nơi khác.

[160] CĐ TRENTÔ, Sắc lệnh De Invocatione…… sanctorum: DS 984 (1821).

[161] Sách nguyện Rôma, Tiền xướng lễ Các Thánh.

[162] x. Ví dụ: 2 Ts 1,10.

[163] CĐ VATICAN II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 104.

[164] x. Sách lễ Rôma, Lễ quy.

[165] x. CĐ NICÊA II, Văn kiện VII: DS 302 (600).

[166] x. CĐ FIRENZÊ, Sắc lệnh Pro Graecis: DS 693 (1304).

[167] x. CĐ TRENTÔ, Sắc lệnh De invocatione, veneratione et reliquiis Sanctorum et sacris imaginibus: DS 984-988 (1821-1824); Sắc lệnh De Purgatorio: DS 983 (1820); Sắc lệnh De Iustificatione, khoản 30: DS 840 (1580).

[168] Sách lễ Rôma, Kinh Tiền Tụng lễ Các Thánh, dùng trong một số giáo phận tại Pháp.

[169] x. T. PHÊRÔ CANISIÔ, Catechismus Maior seu Summa Doctrinae christianae, ch. III, xb. F. Streicher, phần I, tr. 15-16, số 44, và tr. 100-101, số 49.

[170] x. CĐ VATICAN II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 8: AAS 56 (1964), tr. 401.

[171] Kinh Tin kính của CĐ Constantinôpôli: Mansi 3, 566; x. CĐ ÊPHÊSÔ, nt., 4, 1130 (cũng xem: nt. 2, 665 và 4, 1071); CĐ CALCÊĐÔNIA, nt., 7, 111-116; CĐ CONSTANTINÔPÔLI II, nt., 9, 375-396; Sách Lễ Rôma, Kinh Tin kính.

[172] Sách Lễ Rôma, Lễ Quy.

[173] T. AUGUSTINÔ, De S. Virginitate, 6: PL 40, 399.

[174] x. PHAOLÔ VI, Diễn văn trong Công Đồng, 4.12.1963: AAS 56 (1964), tr. 37.

[175] x. T. GERMANÔ CONSTANTINÔPÔLI, Hom. in Annunt. Deiparae: PG 98, 328A; In Dorm. 2: 357; ANATASIÔ ANTIÔKIA, Serm. 2 de Annunt. 2: PG 89, 1377AB ; Serm. 3, 2: 1388C; T. ANRÊ CRÊTA, Can. in. B.V. Nat. 4: PG 97, 1321B; In B.V. Nat. 1; 821A; Hom. in dorm. 1: 1068C; T. SOPHRÔNIÔ, Or. 2 in Annunt. 18: PG 87 (3), 3237BD.

[176] T. IRÊNÊÔ, Adv. Haer. III, 22, 4: PG 7, 959A; HARVEY, 2, 123.

[177] Nt.: HARVEY, 2, 124.

[178] T. ÊPIPHANIÔ, Haer. 78, 18: PG 42, 728CD-729AB.

[179] T. GIÊRÔNIMÔ, Epist. 22, 21: PL 22, 408; x. T. AUGUSTINÔ, Serm. 51, 2, 3: PL 38, 335; Serm. 232, 2: 1108; T. CYRILLÔ GIÊRUSALEM. Catech., 12, 15: PG 33, 741AB; T. GIOAN KIM KHẨU, In Ps. 44, 7: PG 55, 193; T. GIOAN ĐAMASCÊNÔ, Hom. 2 in dorm. B.M. V., 3: PG 96, 728.

[180] x. CĐ LATRAN, năm 649, điều 3: Mansi 10, 1151; T. LÊÔ CẢ, Epist. ad Flav.: PL 54, 759; CĐ CALCÊĐÔNIA: Mansi 7, 462; T. AMBRÔSIÔ, De inst. Virg: PL 16, 320.

[181] x. PIÔ XII, Thông điệp Mystici Corporis, 29.6.1943: AAS 35 (1943), tr. 247-248.

[182] x. PIÔ IX, Sắc chỉ Ineffabilis, 8.12.1854: Acta Pii IX, 1, I, tr. 616; DS 1641 (2803).

[183] x. PIÔ XII, Tông hiến Munificentissimus, 1.11.1950: AAS 42 (1950); DS 2333 (3903); x. T. GIOAN ĐAMASCÊNÔ, Enc. in dorm. Dei Genitricis, Hom. 2 và 3: PG 96, 721-761, nhất là cột 728B; T. GERMANÔ CONSTANTINÔPÔLI, In S. Dei Gen. dorm, Hom. 1: PG 98 (6), 340-348; Hom. 3: cột 361; T. MÔĐESTÔ GIÊRUSALEM, In dorm. SS. Deiparae: PG 86 (2), 3277-3312.

[184] x. PIÔ XII, Thông điệp Ad Caeli Reginam, 11.10.1954: AAS 46 (1954), tr. 633-636; DS 3913tt.; x. T. ANRÊ CRÊTA., Hom. 3 in dorm. SS. Deiparae: PG 97, 1089-1109; T. GIOAN ĐAMASCÊNÔ, De fide orth., IV, 14: PG 94, 1153-1161.

[185] x. KLEUTGEN, ch. IV, bản đã sửa: De Mysterio Verbi incarnati: Mansi 53, 290; x. T. ANRÊ CRÊTA, In nat. Mariae, Hom. 4: PG 97, 865A; T. GERMANÔ CONSTANTINÔPÔLI., In annunt. Deiparae: PG 98, 321 BC; In dorm. Deiparae III, 361D; T. GIOAN ĐAMASCÊNÔ, In dorm. B.V. Mariae, Hom. 1, 8: PG 90, 712BC-713A.

[186] x. LÊÔ XIII, Thông điệp Adjutricem Populi, 5.9.1895: ASS 15 (1895-96) tr. 303; T. PIÔ X, Thông điệp Ad Diem Illum, 2.2.1904, Acta I, tr. 154; DS 1978a (3370); PIÔ XI, Thông điệp Miserentissimus, 8.5.1928: AAS 20 (1928), tr. 178; PIÔ XII, Sứ điệp truyền thanh, 13.5.1946: AAS 38 (1946), tr. 266.

[187] x. T. AMBRÔSIÔ, Epist. 63: PL 16, 1218.

[188] x. T. AMBRÔSIÔ, Expos. Lc. II.7; PL 15, 1555.

[189] x. PHÊRÔ ĐAMIANÔ, Serm. 63: PL 144, 861AB; GODEFRIDUS A S. VICTORE, In nat. B. M., Ms. Paris, Mazarine, 1002, tờ 109r.; GERHOHUS REICH., De gloria et honore Filii hominis, 10: PL 194, 1105AB.

[190] x. AMBRÔSIÔ, Expos. Lc. II,7 và X, 24-25: PL 15, 1555 và 1810; T. AUGUSTINÔ, In Io, tr. 13, 12: PL 35, 1499; x. Serm. 191, 2, 3: PL 38, 1010; v.v…; Cũng xem, T. BÊĐA, In Lc. Expos. I, ch.2: PL 92, 330; ISAAC DE STELLA, Serm. 51: PL 194, 1863A.

[191] Kinh Nhật tụng, Tiền xướng “Sub tuum presidium”, Giờ Kinh Chiều I, Lễ kính Đức Trinh Nữ Maria.

[192] CĐ NICÊA II, năm 787: Mansi 13, 378-379; DS 302 (600-601); CĐ TRENTÔ, khoá 25: Mansi 33, 171-172.

[193] x. PIÔ XII, Sứ điệp truyền thanh, 24.10.1954: AAS 46 (1954), tr. 679; Thông điệp Ad Caeli Reginam, 11.10.1954: AAS 46 (1954), tr. 637.

[194] x. PIÔ XI, Thông điệp Ecclesiam Dei, 12.11.1923: AAS 15 (1923), tr. 581; PIÔ XII, Thông điệp Fulgens Corona, 8.9.1953: AAS 45 (1953), tr. 590-591.