Huyền thoại một nữ tu

Trong cuộc đời, con người thường phải đưa ra những lựa chọn, những quyết định. Và đương nhiên theo lẽ thường con người ta sẽ chọn lựa những điều dễ dàng hơn, chẳng mấy ai dại dột nhảy vào nước sôi lửa bỏng, hy sinh cả đời mình cho những điều không tưởng. Thế nhưng trong Đạo Công Giáo suốt mấy ngàn năm qua có biết bao nữ tu đã hy sinh cả đời mình để dấn thân phục vụ những người nghèo khổ và Dì Anna Nguyễn Thị Xuân là một huyền thoại như vậy.

Chọn lựa đầy đớn đau

Sinh ra nơi làng đạo Xuân Hòa truyền thống, giống như bao thiếu nữ đương thời, trước ngưỡng cửa cuộc đời, Xuân cũng phải đứng trước những lựa chọn với đầy đủ cảm xúc và không ít lần lưỡng lự. Khi độ mười chín, đôi mươi Xuân tham gia vào công việc giữ trẻ, dạy mầm non ở làng. Nhưng chẳng biết từ khi nào có tiếng gọi cứ dấm dứt nơi thẳm sâu của Xuân. Tiếng gọi ấy Xuân chưa thể định dạng cho đến một ngày đầu đông, trong Thánh Lễ Chúa Nhật, Xuân đột ngột nhận ra đó là tiếng Chúa gọi. Dâng hiến.

Xuân hoảng hốt và run rẩy như thể đứng đối diện với Đấng cao siêu, vô biên đang đợi chờ câu trả lời dứt khoát. Xuân phân vân, Xuân lưỡng lự, biết trả lời sao đây, biết quyết định thế nào, biết chọn lựa làm sao. Để rồi vô tình Xuân bắt gặp cuốn sách “Lạc quan trên miền thượng” của cha Giuse Phùng Thanh Quang. Cuốn sách ấy như đòn đánh quyết định hạ gục Xuân trước tình yêu Chúa cao cả để Xuân cất lên lời thưa “Xin vâng” như thiếu nữ Maria thành Narazet năm xưa.

Xuân âm thầm tìm đến trại phong Quả Cảm, nơi vốn dĩ bị người đời xa lánh ghẻ lạnh. Hình ảnh đập vào mắt Xuân là những con người đau khổ, thịt da bị ăn mòn từng giây từng phút. Hôm ấy, lần đầu tiên trong đời Xuân chứng kiến một đám tang ít người đến vậy, tối giản đến vậy. Những số phận thiệt thòi, đớn đau ấy cứ ám ảnh Xuân bao ngày. Xuân quyết định tới gặp bề trên để xin được tới phục vụ những người bệnh phong.

Ước nguyện của Xuân đã trở thành hiện thực khi được bề trên chấp thuận, được ban giám đốc bệnh viện da liễu Bắc Ninh đồng ý tiếp nhận. Vậy là đủ cuộc đời của một nữ tu sống giữa đời chính thức bắt đầu. Những ngày tháng ban đầu thật cực nhọc vất vả khi mọi ánh mắt hồ nghi về lòng tốt của một thiếu nữ cứ đổ dồn về Xuân. Vượt qua mọi trở ngại, Xuân đã chứng minh cho mọi người thấy tinh thần phục vụ vô vị lợi của mình. Hai năm sau, cô Xuân được ban giám đốc bệnh viện tiếp nhận và cử đi học y tá. Sau khi trở thành y tá chính thức nơi bệnh viện, tới tháng 10 năm 1992, cô Xuân lại chủ động xin đi học cách thức làm chân giả ở Bình Dương để trở về phục vụ người phong tại Quả Cảm.

Niềm vui phục vụ

Cô Xuân kể rằng, có nhiều bệnh nhân phong chỉ ước một điều nhỏ như muốn  về quê thắp hương cho cha mẹ một lần trước khi chết cũng không được vì chân tay của họ bị tàn phế cụt rụt, thân hình biến dạng không giống ai. Điều đắng cay hơn là họ vẫn bị người đời và cả chính những người ruột thịt kỳ thị, xa lánh, ghẻ lạnh. Nhìn số phận đáng thương của những người phong, cô Xuân không thể nào chịu nổi.

Cô Xuân bảo, được cõng bế, được vệ sinh thay rửa chân tay cho người phong là cô cảm thấy hạnh phúc như là cô đang được phục vụ chính cha mẹ của cô vậy. Niềm vui phục vụ đã thúc bách cô tiến bước dưới ánh sáng Tin Mừng khiến cô chẳng còn cảm thấy vất vả hay kiệt sức. Hơn hai mươi năm phục vụ người phong chẳng làm cô nao núng tủi buồn nhưng lại tái sinh nơi cô tình yêu thương chan chứa. Thế nên, đến năm 2012 đáng lẽ như người bình thường cô đã được nghỉ hưu nhưng không cô đã tự nguyện xin ở lại nơi làng phong Quả Cảm để tiếp tục thực thi sứ mệnh mà Chúa đã trao phó.

Chính Chúa là người đồng hành với cô trên mọi nẻo đường phục vụ. Cô nhận ra rằng, Chúa cũng đang hiện diện trong chính những mảnh đời người phong bất hạnh. Chúa ban cho cô sức khỏe và sự minh mẫn là để phục vụ những người bệnh phong. Chối từ sứ mệnh phục vụ những người phong tật nguyền là khước từ ơn trên đã thương ban, chối từ chính Chúa, Đấng cô đã chọn lựa.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, hơn ba mươi năm sống đời tu trì giữa những người bệnh phong, cô Xuân luôn sẵn sàng với tinh thần phục vụ vô vị lợi. Đối với cô không có ngày giờ hành chính, không có ngày nghỉ lễ, chỉ cần người bệnh phong cần giúp đỡ thì dù là ngay hay đêm ngày làm việc hay ngày nghỉ cô đều cất lời thưa xin vâng, ân cần phục vụ. Và khi phục vụ người phong cô nhận được muôn vàn niềm vui

Huyền thoại về tình yêu

Chỉ cần gõ cụm từ cô Xuân Quả Cảm trên các công cụ tìm kiếm, hẳn sẽ thấy hàng ngàn, hàng vạn kết quả hiện ra. Các phương tiện truyền thông từ trung ương đến địa phương, từ trong đạo ra đến ngoài đời đều xem cô Xuân như một nhân vật đặc biệt không thể không tìm tới hỏi han viết bài. Dẫu vậy nếu chỉ nhìn bằng con mắt người đời thông thường sẽ chẳng thể nào lý giải nổi quyết định kỳ quặc của cô Xuân khi lựa chọn công việc phục vụ người phong. Nhưng con mắt Đức tin sẽ lý giải quyết định táo bạo và cả một đời xả thân lo cho người bệnh phong của cô Xuân.

Như lời chia sẻ của một người bệnh phong thì cô Xuân chính là món quà quý báu nhất mà Thiên Chúa ban tặng cho không chỉ những bệnh nhân nơi làng phong Quả Cảm. Hình ảnh nữ tu khoác áo blouse tới thăm hỏi động viên, giúp đỡ nhất là khi trái gió trở trời, ốm đau, lại còn chia sẻ miếng cơm, manh áo, chăm sóc người bệnh phong như thân nhân ruột thịt thật chẳng khác nào tiên nữ bước ra từ những huyền thoại. Sự tận tụy với công việc, sự tận tình với người bệnh phong và niềm vui phục vụ của cô Xuân là nguồn động lực, là thứ thuốc tinh thần thúc đẩy người phong vững tâm tiến về phía trước.

Không ít bệnh nhân phong nơi làng phong Quả Cảm phải thốt lên rằng, trước kia ngay cả trong giấc mơ họ cũng chẳng dám mơ có một thiếu nữ dám hy sinh cả một đời để đến sống và đồng hành cùng họ trong mọi khó khăn biến cố của cuộc đời. Sự xuất hiện của cô Xuân giữa làng phong Quả Cảm đã thay đổi cách nhìn của người đời về những người bệnh phong và trên hết là phá tan mặc cảm tự ti nơi những người có hoàn cảnh chẳng thể may mắn hơn.

Người phong bảo với nhau, chưa biết ai may mắn hơn ai. Nếu không mắc căn bệnh quái ác, đớn đau, khổ sở này thì làm sao có thể gặp được những người như cô Xuân, làm sao có thể cảm nghiệm được thứ tình yêu thương lớn lao và kinh điển như vậy. Hành trình của của cô Xuân là hành trình đi cùng những người phong đến vinh quang từ thập giá. Giờ đây cô Xuân không chỉ là một huyền thoại như trên các phương tiền truyền thông vẫn đưa nhưng cô còn là nhân chứng sống động cho những giá trị Tin Mừng là tôn trọng công bình và thực thi bác ái.

Nguyên Đức