Khóa Họp Thứ Hai Của Thượng Hội Đồng, Đêm Canh Thức Xin Tha Thứ Tội Lỗi Của Giáo Hội
Thượng Hội đồng là thời gian cầu nguyện, “không phải một hội nghị”, nhưng là “một cộng đoàn Giáo hội cầu nguyện”, thời gian lắng nghe Lời Chúa và Chúa Thánh Thần, cũng như một cơ hội để cầu xin ơn tha thứ của Thiên Chúa vì tội lỗi của Giáo hội. Đức Hồng y Mario Grech, Tổng Thư ký Thượng Hội đồng, đã trình bày khóa họp thứ hai của Đại hội đồng thường kỳ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục, sẽ được tổ chức tại Rôma từ ngày 2 đến ngày 27 tháng 10, trong cuộc họp báo vào thứ Hai ngày 16/9/2024. Đức Hồng Y cũng nhắc lại rằng Đức Thánh Cha Phanxicô, trong buổi khai mạc Con đường hiệp hành vào ngày 9 tháng 10 năm 2021, đã nhấn mạnh rằng “nhân vật chính của Thượng hội đồng là Chúa Thánh Thần”, trong một cuộc họp trình bày khóa họp thứ hai này tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh.
Tĩnh tâm và canh thức sám hối
Đức Hồng Y Mario Grech giải thích rằng khóa họp thứ hai và cuối cùng của Thượng Hội đồng về hiệp hành, giống như khóa họp đầu tiên, “sẽ được bắt đầu bằng hai ngày tĩnh tâm”, ngày 30 tháng 9 và ngày 1 tháng 10, tại Vatican, dưới sự hướng dẫn suy niệm của Cha Timothy Radcliffe, O.P., và Mẹ Ignazia Angelini, dòng Biển Đức. Tiếp đến, hai tu sĩ này sẽ hướng dẫn cầu nguyện trong những ngày diễn ra Thượng Hội đồng, cùng với Cha Matteo Ferrari, Bề trên Tổng quyền của Dòng Camaldules.
Một điểm mới trong năm nay: vào cuối khóa tĩnh tâm, một buổi cầu nguyện sám hối sẽ được tổ chức vào tối Thứ Ba, ngày 1 tháng 10, tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự. Nó sẽ được tổ chức bởi Ban Tổng Thư ký Thượng Hội đồng và Giáo phận Rôma, phối hợp với Liên hiệp các Bề trên Thượng cấp (USG) và Liên hiệp các Bề trên Thượng cấp Quốc tế (UISG). Việc cử hành có thể được theo dõi trên các phương tiện truyền thông của Vatican và dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ, “vì chính họ mà thông điệp của Giáo hội được giao phó”, và vì “những người trẻ đau khổ vì tội lỗi của chúng ta và vì tội lỗi của chúng ta và vì những tội lỗi của Giáo hội,” Tổng tường trình của Đại hội, Đức Hồng Jean-Claude Hollerich, Tổng Giám mục Luxembourg, cho biết.
Việc cử hành sẽ bao gồm thời gian lắng nghe ba chứng từ của những người đã phải chịu đựng sự lạm dụng, chiến tranh và sự thờ ơ trước thảm kịch do di cư gây ra. Đức Hồng Y Mario Grech nói tiếp : sau đó sẽ là việc xưng thú tội lỗi để “nhận ra mình là một phần của những người, do thiếu sót hoặc do hành động, đã trở thành nguyên nhân gây ra đau khổ, chịu trách nhiệm về sự tổn hại mà những người vô tội và những người không có khả năng tự vệ phải gánh chịu”. Đặc biệt, tội chống lại hoà bình, tội chống lại Công trình tạo dựng, chống lại các dân tộc bản địa, chống lại những người di cư; tội lạm dụng; tội chống lại phụ nữ, gia đình, giới trẻ; tội sử dụng sai giáo lý; tội chống lại nghèo đói; tội chống lại tính hiệp hành / thiếu sự lắng nghe, hiệp thông và tham gia của tất cả mọi người. Cuối cùng, Đức Thánh Cha sẽ thay mặt tất cả các tín hữu gửi lời cầu xin sự tha thứ lên Thiên Chúa và đến anh chị em của toàn thể nhân loại.
Cầu nguyện đại kết
Sau đó, một lời cầu nguyện đại kết sẽ được đọc cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô, các đại biểu huynh đệ tham dự và các đại diện khác của các Giáo hội và Cộng đồng Giáo hội có mặt tại Rôma. Nó sẽ diễn ra vào tối thứ Sáu ngày 11 tháng 10, vẫn tại Vatican, tại quảng trường của các vị tử đạo tiên khởi của Rôma, nơi mà theo truyền thống, cuộc tử đạo của Thánh Phêrô đã diễn ra. Ngày này cũng sẽ kỷ niệm ngày khai mạc Công đồng Vatican II vào cùng ngày cách đây 62 năm.
Cuối cùng, vào ngày 21 tháng 10, một ngày tĩnh tâm mới sẽ được tổ chức nhằm phân định bản dự thảo tài liệu cuối cùng. Do đó, sẽ có “sự xen kẽ của những khoảnh khắc cầu nguyện cá nhân, đối thoại và hiệp thông giữa chúng ta, hiệp thông huynh đệ trong việc lắng nghe và yêu thương lẫn nhau, và hiệp thông trong cầu nguyện”, Đức Hồng y Mario Grech nhấn mạnh và đồng thời cũng mời gọi các cộng đồng tu trì, đặc biệt là đời sống chiêm niệm, và tất cả các tín hữu cầu nguyện “để các thành viên của Đại hội có thể ngoan ngoãn trước tiếng nói của Chúa Thánh Thần”.
Bốn diễn đàn mở cho tất cả mọi người
Một đặc điểm mới nữa là bốn diễn đàn thần học-mục vụ sẽ mở cửa cho tất cả mọi người. Hai diễn đàn sẽ được tổ chức cùng lúc, vào ngày 9 tháng 10 lúc 6 giờ chiều, với chủ đề “Dân Thiên Chúa, chủ thể của sứ mạng”, tại phòng của Giáo triều Dòng Tên, và về “Vai trò và thẩm quyền của giám mục trong một Giáo hội hiệp hành”, tại Augustinianum. Hai diễn đàn còn lại sẽ được tổ chức vào lúc 6 giờ chiều ngày 16 tháng 10, về “Mối quan hệ hỗ tương giữa Giáo hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ”, tại hội trường của trụ sở Dòng Tên, và về “Việc thực thi quyền tối thượng và Thượng hội đồng Giám mục” tại Augustinianum.
Mỗi diễn đàn sẽ đề cập đến chủ đề được chọn từ quan điểm giáo hội học, trong tương quan với nội dung của Tài liệu làm việc, Đức Cha Riccardo Battocchio, thư ký đặc biệt của Đại hội đồng thường kỳ lần thứ XVI của Thượng hội đồng Giám mục, cho biết, và sẽ bao gồm các nhà thần học, nhà giáo luật, giám mục, những người cũng tham gia vào các đại hội đồng giám mục, những người có thể đối thoại. Các diễn đàn cũng sẽ có sẵn trực tuyến theo yêu cầu. Đức cha Riccardo Battocchio tuyên bố: “Đại hội mở ra với thế giới bên ngoài khi biết rằng các chủ đề được đề cập cũng là mối quan tâm của những ai muốn được cung cấp thông tin, không chỉ về động lực và tiến triển của khóa họp, mà còn về nội dung của phiên họp”.
Các số liệu Thượng Hội đồng
Đức Hồng y Jean-Jacques Hollerich đã truyền đạt những số liệu của khóa họp thứ hai của Thượng Hội đồng. Ngài cho biết danh sách tham dự “không có thay đổi lớn” so với khóa đầu tiên. Tổng cộng, các thành viên, tức là những người có quyền bỏ phiếu, “có tổng số 368 người, trong đó 272 người được trao quyền nhờ trách vụ giám mục và 96 người không phải là giám mục”. Có 26 sự thay đổi, chủ yếu là thay thế.
Các vị khách đặc biệt gồm tám người và các đại biểu huynh đệ, một điều mới mẻ khác, đã tăng từ mười hai lên mười sáu: “Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép chúng tôi tăng số lượng của họ vì sự quan tâm lớn lao mà các Giáo hội chị em đã thể hiện trong hành trình hiệp hành này », Đức Hồng Y Mario Grech nói thêm . Sau đó, ngài xác nhận sự hiện diện của hai giám mục Trung Quốc, giống như năm ngoái: “Phủ Quốc vụ khanh đã thông báo tên cho chúng tôi, chúng tôi không có thông tin nào khác”. Trái lại, liên quan đến việc thay thế tên của một số tham dự viện, ngài giải thích rằng sự thay đổi được thực hiện theo yêu cầu của chính những người tham dự: “Một số vì lý do sức khỏe, những người khác quyết định không quay lại, không có trường hợp nào Đức Thánh Cha loại trừ bất cứ ai.”
Một phương pháp đặc thù
Trái lại, Cha Giacomo Costa, thư ký đặc biệt của Thượng Hội đồng Giám mục thường kỳ lần thứ XVI, đã đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề, khi chỉ rõ rằng khóa họp thứ hai cần “chỉ ra các bước phải thực hiện” về các chủ đề do Thượng hội đồng đề xuất. Tài liệu làm việc, tính đến “tính chất cụ thể” và “sự đa dạng của bối cảnh địa phương”, cũng như “sự phong phú của các kinh nghiệm hiệp hành đang được tiến hành”. Đại hội Thượng Hội đồng sẽ hoạt động trên cơ sở “năm phương thức, mỗi phương thức có các phiên họp xen kẽ trong Đại hội toàn thể (được gọi là các Tổng hội) và trong các nhóm làm việc (Circuli Minores)”. Bốn phương thức đầu tiên sẽ có “một trọng tâm chuyên đề cụ thể, bao gồm một phần của Tài liệu làm việc”. Ba mươi sáu nhóm làm việc sẽ được chia thành năm bảng ngôn ngữ; công việc của họ, như trong khóa họp năm 2023, “sẽ được cấu trúc theo phương pháp trò chuyện trong Thánh Thần”, với một người điều phối chuyên môn, người sẽ giúp “cuộc trò chuyện từ quan điểm phương pháp luận mà không đi sâu vào nội dung”. Mỗi bảng ngôn ngữ sẽ chuẩn bị một bản tóm tắt ngắn gọn để trình lên Tổng Hội tiếp theo.
Truyền thông
Kết nối qua video, Sheila Pires, Thư ký Ủy ban Thông tin, đã liệt kê một số sự kiện trên lịch. Bà nhấn mạnh: “Về vấn đề truyền thông, khóa họp thứ hai sẽ có nhịp điệu khác với khóa họp thứ nhất: ít họp toàn thể hơn, nhiều giờ nghỉ để suy tư, cầu nguyện và phân định hơn”. Về phần mình, Paolo Ruffini, Tổng trưởng Bộ Truyền thông, nhắc lại rằng, theo điều 24 của quy định của Thượng hội đồng, “mỗi tham dự viên đều bị ràng buộc bởi tính bảo mật”, nhằm “bảo vệ sự tự do phân định của tất cả mọi người” và để “tạm rời xa sự huyên náo mà tất cả chúng ta đều đắm chìm trong đó và tránh khuôn mẫu qua lại”. Đó là một phương pháp mà, theo Paolo Ruffini, khi nhắc lại những lời của Đức Thánh Cha vào năm ngoái, “có thể giúp đỡ thế giới, và không chỉ Giáo hội, trên rất nhiều mặt trận và rất nhiều vấn đề”, chẳng hạn như chiến tranh. Phương pháp hệ tại việc dừng lại, lắng nghe và hiểu biết nhau.
Những tội lỗi mang lại sự xấu hổ
Sau đó, các thuyết trình viên tại cuộc họp trình bày đã được hỏi về buổi canh thức sám hối trong đó “những tội lỗi gây ra đau đớn và xấu hổ” sẽ được nêu đích danh, cùng với những lạm dụng về những chỉ trích tính hiệp hành. “Làm sao hai thứ như thế có thể đi cùng nhau được?”, một phóng viên hỏi. Đức Hồng y Jean-Jacques Hollerich trả lời: “Khi tôi xưng tội, tôi có nhiều tội khác nhau: một số nghiêm trọng hơn, một số khác nhẹ hơn. Nhưng chính thực tại của tôi đang được đặt ra… Điều tương tự cũng xảy ra với hành vi sám hối của chúng ta: có những điều khác nhau, nhưng chính Giáo hội đó đã trải nghiệm những thiếu sót này và đang khiến mọi người đau khổ.”
Tương tác với các nhóm nghiên cứu
Một số câu hỏi cũng được đặt ra về sự tương tác giữa mười nhóm nghiên cứu, do Đức Thánh Cha thành lập vào tháng 3 năm ngoái để khám phá mười chủ đề sâu hơn và Đại hội thượng hội đồng. Liệu các chủ đề được phân tích bởi mười nhóm sau đó có bị loại khỏi các cuộc thảo luận trong hội trường không? “Chúng không bị gạt sang một bên,” Đức Hồng y Mario Grech trả lời. Các nhóm sẽ truyền đạt “những gì họ đang làm, kế hoạch hành động của họ, cách họ dự định khám phá những chủ đề này sâu hơn. Sau đó kết quả sẽ được trao cho Đức Giáo hoàng”. Nhưng lúc đó, chẳng hạn, một nhà báo khác hỏi, liệu việc phụ nữ tiếp cận thừa tác vụ chức thánh hay các vấn đề luân lý, những chủ đề không có trong Tài liệu làm việc, có được đưa vào Thượng Hội đồng này hay không? Đức Hồng y trả lời: “Đại hội đã được lắng nghe rồi, các yêu cầu cũng đã được đưa ra và Đức Giáo Hoàng nói: mười chủ đề này, tôi đảm nhận và giao phó chúng cho những người có thể giúp tôi đề xuất một điều gì đó với Giáo hội”. ĐHY nhắc lại, mục tiêu của Thượng Hội Đồng “là biết cách trở thành một Giáo hội hiệp hành truyền giáo. Mục tiêu không phải là đứng sang một bên mà là giúp Giáo hội tiến lên một bước”.
Thành quả của con đường hiệp hành
Cuối cùng, khi được hỏi “ngài muốn được nhớ đến như thế nào trong Thượng Hội đồng này,” Đức Hồng y Jean-Jacques Hollerich trả lời rằng ngài muốn được nhớ đến như một “người phục vụ của Thượng Hội Đồng” và ngài muốn gạt sang một bên những ý kiến và xác tín của mình để chỉ đáp ứng sứ mạng của Đức Giáo Hoàng. Trái lại, đối với Đức Hồng y Mario Grech, không cần phải đợi thêm nhiều năm nữa: thành quả đã có thể được hưởng ngay hôm nay. ĐHY nói : “Sáng nay chúng tôi đã có chuyến viếng thăm ad limina của các giám mục Hàn Quốc, và lắng nghe các giám mục nói về cách thức các cộng đoàn đang phấn đấu trở thành cộng đoàn hiệp hành là lý do để tạ ơn Chúa và ban cho tôi sức mạnh để tiến về phía trước”. Paolo Ruffini cho biết thêm, chuyến đi gần đây của Đức Thánh Cha đến Đông Nam Á và Châu Đại Dương cũng cho thấy “làm thế nào Giáo hội hiệp hành vẫn sống động ở những nơi xa xôi như vậy”.
Chuyển ngữ: Tý Linh
Chuyển ngữ từ: vaticannews.va
Nguồn: xuanbichvietnam.net