Lão Hoá trong Chúa
Sáng nay, tôi ghé thăm các cha nhà hưu, những người Mục tử đã từng miệt mài trên cánh đồng truyền giáo mênh mông, nay an dưỡng tuổi già. Trong số đó có cha già, cha xứ cũ của tôi. Khi tôi đến, ngài nhận ra ngay và nở một nụ cười hiền hậu, ánh mắt ấm áp như những ngày ngài còn coi xứ, đứng trên tòa giảng.
Cha nhẹ nhàng nắm tay tôi, dẫn vào phòng khách. Căn phòng nhỏ nhưng ấm cúng, với chiếc bàn gỗ cũ kỹ, vài cuốn sách Kinh Thánh đặt ngay ngắn trên kệ, và một bức ảnh Chúa Giêsu, vị Mục tử nhân lành cùng đàn chiên được treo trang trọng trên tường. Cạnh khung cửa sổ, một chậu hoa nhỏ khoe sắc, như làm dịu đi cái tĩnh lặng của tuổi già. Cha mời tôi ngồi xuống chiếc ghế gỗ, rồi chậm rãi rót trà, mùi thơm nhè nhẹ lan tỏa, hòa quyện với không gian trầm mặc.
Tôi liền hỏi thăm về sức khỏe của ngài. Ngài liền kể cho tôi nghe về niềm hạnh phúc của tuổi già. “Con biết không? Tuổi già là một ân ban của Chúa. Không phải ai cũng được đi trọn cuộc hành trình để chạm đến tuổi xế chiều,” ngài nhẹ nhàng nói. Tôi nhìn ngài, đôi tay gầy guộc cầm chén trà, đôi mắt đã hằn sâu những vết chân chim, nhưng vẫn lấp lánh niềm tin và bình an.
Cha kể rằng tuổi già mang đến cho ngài sự thanh thản, vì đã hoàn thành sứ mạng Chúa trao. Mỗi ngày, ngài có nhiều thời gian hơn để cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, sống chậm lại và tận hưởng những gì đơn sơ nhất. Ngài mỉm cười bảo rằng, giờ đây những bộn bề lo toan ngày trước không còn làm ngài trăn trở nữa. “Cha đã dâng hết cho Chúa rồi, giờ chỉ còn là những ngày sống trong sự phó thác mà thôi.”
Nhưng không phải lúc nào tuổi già cũng là niềm vui. Ngài thở dài, đôi mắt nhìn xa xăm: “Cũng có lúc cô đơn lắm con à! Không còn những bước chân hối hả đến nhà thờ, không còn những buổi họp giáo xứ hay những Thánh lễ đông đảo. Nhiều khi, cha nhớ lắm cái cảm giác đứng trước cộng đoàn, giảng dạy, lắng nghe giáo dân tâm sự… Giờ đây, mọi thứ chỉ còn là kỷ niệm.”
Ngài nhìn tôi, ánh mắt đượm buồn nhưng vẫn chứa đựng sự bình an: “Tuổi già cần có lòng đạo đức mới cảm nhận được đó là một ân ban của Chúa. Nếu không, người ta dễ rơi vào chán nản, tủi thân. Nhưng cha tin rằng, dù ở bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời, Chúa vẫn luôn đồng hành. Nếu biết đặt mọi sự trong tay Ngài, tuổi già cũng là một hành trình đẹp, một giai đoạn để chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu.”
Cha dừng lại một chút, giọng trầm xuống: “Cha có một đứa cháu vừa mới qua đời khi chưa đầy 30 tuổi. Nó chưa bao giờ có cơ hội biết tuổi già là như thế nào. Đó là lý do tại sao chúng ta phải trân quý tuổi già, vì không phải ai cũng may mắn được sống đến tuổi này. Tuổi già không phải là gánh nặng, mà là một món quà, một cơ hội để sống trọn vẹn hơn với Chúa và với chính mình.”
Ngài ngừng lại một lúc, rồi nói tiếp: “Nhưng con biết không, tuổi già cũng có những thử thách riêng của nó. Cám dỗ lớn nhất của tuổi già là cảm giác bị bỏ quên. Nhiều khi, người ta chỉ nhớ đến mình khi cần lời khuyên hay những câu chuyện quá khứ, còn cuộc sống hiện tại của mình, họ ít quan tâm. Có những người không chấp nhận mình già, cứ muốn làm mọi thứ như ngày còn trẻ, để rồi thấy hụt hẫng khi không còn đủ sức. Cũng có khi, tuổi già trở thành một cuộc chiến nội tâm, giữa việc chấp nhận sự yếu đuối của thể xác và sự khao khát tiếp tục phục vụ.”
Ngài nhìn tôi, nụ cười chợt nhẹ đi: “Nhưng cha nghĩ rằng, nếu biết ôm lấy Thánh giá này và dâng nó lên Chúa, tuổi già sẽ trở nên một hành trình đẹp, một hành trình của sự tín thác và hy vọng.”
Lời cha nói chạm vào lòng tôi. Tuổi già – một hành trình mà ai cũng phải đi qua nếu được Chúa ban cho. Tôi chợt hiểu rằng, dù ở bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời, điều quan trọng nhất vẫn là sống trong Chúa, với lòng tín thác và yêu thương.
Tôi rời nhà hưu với lòng trĩu nặng của những suy tư nhưng cũng tràn đầy cảm hứng. Hình ảnh cha già ngồi bên khung cửa sổ, nhẹ nhàng lần Chuỗi Mân Côi, sẽ mãi là một dấu ấn đẹp trong tâm trí tôi về một đời tận hiến, về sự lão hóa trong Chúa – nhẹ nhàng, thanh thản và đầy ân sủng.
Maria Minh Chuyên