Lược sử hình thành giáo xứ Yên Tập
LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH GIÁO XỨ YÊN TẬP GIÁO PHẬN BẮC NINH
Giáo xứ Yên Tập thuộc vùng miền núi và trung du, cách Toà Giám Mục Bắc Ninh khoảng trên dưới 20 km, về phía Tây. Giáo xứ Yên Tập phía Tây và Tây Nam giáp bờ sông Cầu; phía Đông Bắc gần dãy núi Nham Biền hay còn gọi là dãy núi Phượng Hoàng (có 99 ngọn núi).
* THỜI KỲ PHÔI THAI
Ở thế kỷ 18 dọc theo bờ sông Cầu người dân được đón nhận Tin Mừng từ các nhà truyền giáo. Thời đầu phôi thai này được hình thành các giáo điểm: Họ Son, Họ Hạ Bì, Họ Xuân Thuỷ (có 2 vị chịu vì đạo năm 1962 tại thành Bắc Ninh)…hoàn toàn là những người dân ngu phủ.
* THỜI KỲ 1902- 1924
Theo lược sử giáo phận của Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt thì giáo xứ Yên Tập cùng với giáo xứ Phượng Mao, Thường Lệ, Hoà Loan, Hữu Bằng, Vĩnh Yên, Tam Đảo, Lai Tê và Nhã Lộng đều được thành lập vào thời Đức cha Velasco Khâm (1902-1924).
* THỜI KỲ 1912 – 1954
Theo cụ Anna Kiểm hiện nay trên 90 tuổi, cha giuse Nguyễn Văn Thư 70 tuổi thuật lại: Giáo xứ Yên Tập trước kia chỉ là một quả đồi toàn cây cối. Có Cha nhà tràng đó là cha già UY là người đầu tiên về khai hoang vùng đất này, mở xứ Yên Tập năm 1912 (cách họ Hạ Bì 500 m cùng làng ngày nay), diện tích giáo xứ Yên Tập khoảng trên 10.000 m2. Có nhà thờ, trường dạy học, có nhà Tá Điền, có nhà chung, ngôi nhà chung giống như nhà chung ở giáo xứ Xuân Hoà. Về giáo dân, một số là người thuộc Tiên Lãng, Kiên An thuộc thành phố Hải Phòng, Kẻ Sặt tỉnh Hải Hưng (Hương Yên), nói chung thuộc giáo phận Hải Phòng ngày nay, đến định cư ngay sau khi cha Uy lập trại. Sau đó tới cha già Lượng, cha Lượng mời cháu là ông Chuẩn (ông ngoại cha Thư) từ giáo xứ Lê Xá, Hưng Yên đến Yên Tập. Tiếp theo là cha Nhượng, cha Nhượng mời em là ông chánh Giang tới Yên Tập. Sau đó Toà Giám Mục cử cha Hiển coi xứ (cố cha Thư làm trùm với cha Hiển). Thời gian lập giáo xứ Yên Tập, giáo xứ Yên Tập gồm họ Hạ Bì, họ Đông Hương, họ Minh Đức, họ Am, họ Tràng An, họ Son, họ Xuân Thuỷ. Cuối cùng là cha Lộc, cha coi giáo xứ Yên Tập, có thầy già Ước, thầy giáo Tuệ, cha Lộc chỉ coi sóc trong thời gian ngắn. Sau đó là kháng chiến năm 1949, nhà thờ giáo xứ Yên Tập bị phá cũng là thời kỳ không còn cha nào coi sóc nữa.
Năm 1950 Đức Cha Đoàn lo liệu cho nhiều gia đình di cư lên Đạo Ngạn để có chỗ thờ phượng, chuông nhà thờ, kiệu rước cũng để Đạo Ngạn vì không còn nhà thờ… không có cha nào đi theo. Thời đó các cụ thường nói: Đói lên Bắc, chạy giặc vào nam.
Năm 1954, đa số người dân đã di cư vào Lạc Lâm, Đà Lạt. Chỉ còn 2 đến 3 gia đình ở lại cho đến ngày nay. Đất đai nhà chung không giữ được chỉ còn con số mét vuông thật khiêm tốn. (ngày xưa Yên Tập mọi người gọi là trại Yên Tập của người Thiên Chúa, ngày nay gọi là thôn Yên Tập Bắc thuộc xã Yên Lư huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang).
* THỜI KỲ 1954 ĐẾN NAY
Năm 1954 – 2004 gián đoạn không có cha nào trực tiếp coi xứ. Số giáo dân nhà thờ xứ một số ở huyện Đông Anh đến và từ họ lẻ không còn nhà thờ gia nhập: Họ Son, họ Hạ Bì, họ Tràng An đất đai, nhà thờ không còn, họ Am thuộc giáo xứ Bắc Giang, họ Xuân Thuỷ nay thuộc giáo xứ Xuân Hoà. Thời gian này có những vị tham gia Ban Hành Giáo: Giuse NGUYỄN VĂN KHIÊM, Giuse NGUYỄN VĂN THUỶ, Gioan NGUYỄN VĂN PHẬN (TIỆN), Giuse NGUYỄN VĂN TỈU, Maria NGUYỄN THỊ LY , Maria NGUYỄN THỊ ĐỊNH, Maria DƯƠNG THỊ MÙI, Maria NGUYỄN THỊ NINH, Giuse NGUYỄN VĂN THIỆN, Phanxico NGUYỄN VĂN HOÀ.
Tháng 3 năm 2004 Đức Cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến giao cho cha đang quản xứ, cha Đaminh Nguyễn Văn Kinh khởi công xây dựng, nguồn chủ yếu dựa vào cha quê hương Giuse Nguyễn Văn Thư sinh tại giáo xứ Đại Từ Yên Tập năm 1944, chịu chức tại Đà Lạt năm 1971. Rất tiếc khi phá dỡ nhà nguyện để xây dựng nhà thờ ngày nay xảy ra 2 tử nạn: Giuse Vũ văn Mạnh và Giuse Nguyễn Văn Lịch (ngày 12/1/2004 âm lịch).
Tháng 23/9/2006 Đức Cha Giuse Maria Nguyễn Quan Tuyến cử cha Đaminh Nguyễn Văn Tuyên sinh tại họ Yên Cư giáo xứ Đại Từ, Thái nguyên về coi sóc trực tiếp là Cha đầu tiên trong thời gian bị gián đoạn 56 năm (ông trùm Thiện tiếp nối thời cha Kinh làm trùm) . Tháng 7/2012 Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt cử cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Hoàn sinh tại họ Lưỡng Quán giáo xứ Trung Xuân, Vĩnh Phúc đang coi sứ Đại Điền và Văn Thạch về thay cha Tuyên (ông Giuse Nguyễn Văn Thành tiếp nối thời cha Tuyên làm trùm cùng các ông bà: ông Tuyên, ông Hợp, bà Thi, bà Nga). Hiện nay số giáo dân: giáo xứ Yên Tập có 56 gia đình gồm 199 nhân danh, họ Đông Hương có 22 nhân danh, họ Minh Đức 313 nhân danh. Có thể nói từ khi lập xứ Yên Tập, theo cụ Kiểm 90 tuổi nói chưa có Thánh lễ nào Đức Giám Mục chủ tế, mà chỉ có các Đức Cha về thăm nhưng không có Thánh lễ. Ngày 21/2/2013 tức ngày 12/1/ Quý Tỵ, được Đức Cha Cosma ưu ái quan tâm đặc biệt đã về dâng Thánh lễ đầu tiên. Giáo dân rất vui và cảm động trước tình thương, quan tâm từ Đức Cha giáo phận.
Giáo xứ Yên Tập
Giáo xứ yên tập tọa lạc tại vùng đất trung du, gần dãy núi Nham Biền, cách tòa giám mục Bắc Ninh khoảng 20 Km về hướng tây bắc. Theo lược sử do đức cha Cosma giáo phận ghi lại, giáo xứ Yên Tập được thành lập vào thời đức cha Velasco Khâm (1902-1924). Còn theo cụ Anna Kiểm (nghe lại từ cha Giuse Thư) cho hay: thuở ban sơ, vùng đất Yên Tập là một ngọn đồi toàn cây cối. Cha già Uy đã đến đây khai hoang để mở xứ Yên Tập vào khoảng năm 1912, trên vùng đất rộng 10.000 m2. Có nhà thờ, trường học, nhà chung và nhà tá điền. Những người sinh hoạt ở đây hầu hết là những người di cư từ Tiên Lãng, Kiên An thuộc giáo phận Hải Phòng ngày nay. Thời gian đầu lập giáo xứ Yên Tập gồm có họ Hạ Bì, Đông Hương, Minh Đức, Am, Tràng An, Son và Xuân Thủy. Từ sau cha già Uy cho tới năm 1949 có các cha đã phục vụ tại giáo xứ là cha già Lượng, cha Nhượng, cha Hiển, cha Lộc. Biến cố năm 1949, nhà thờ giáo xứ bị phá đổ bởi cuộc kháng chiến, đây cũng là giai đoạn giáo xứ gặp nhiều khó khăn và không có vị chủ chăn hiện diện trong giáo xứ. Cộng với biến cố năm 1945, đa số giáo dân đã di cư vào Lạc lâm thuộc tỉnh Lâm Đồng, số giáo dân trụ lại trong giáo xứ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay (3 gia đình). Đất của giáo xứ không giữ được và chỉ còn lại một diện tích đất khiêm tốn. Giai đoạn từ năm 1954 đến năm 2004, tiếp tục là giai đoạn không có linh mục coi xứ, công việc trong giáo xứ được chăm sóc bởi các vị ban hành giáo như: ông Giuse Nguyễn Văn Khiêm, Giuse Nguyễn Văn Thủy, Gioan Nguyễn Văn Phận, Giuse Nguyễn Văn Tỉu, Maria Nguyễn Thị Ly, Maria Nguyễn Thị Định, Maria Dương Thị Mùi, Maria Nguyễn Thị Ninh, Giuse Nguyễn Văn Thiện, Phanxico Nguyễn Văn Hòa. Cũng trong thời gian này, các họ Son, Hạ Bì, Tràng An, Am đất đai và nhà thờ không còn nữa. Riêng họ Xuân Thủy nay thuộc giáo xứ Xuân Hòa.
Thời kỳ khởi sắc của giáo xứ được đánh dấu bởi sự kiện khởi công xây dựng lại ngôi thánh đường vào tháng 3 năm 2004 thời cha Đaminh Nguyễn Văn Kinh làm quản xứ. Tiếp đến là cha Đaminh Nguyễn Văn Tuyên làm chánh xứ từ năm 2006 đến 2012, chấm dứt 56 năm gián đoạn không có cha chánh xứ. Hiện nay cha Phanxico Xavie Nguyễn Văn Hoàn là cha chánh xứ, với số giáo dân là 534 người được phân bố ở ba nơi: Yên Tập, Đông Hương, Minh Đức.
Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Hoàn
Linh mục chánh xứ