Mẫu Gương Kính Yêu Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo
Anh chị em thân mến,
Trong tháng Mân Côi, xin cùng nhau ôn lại một số mẫu gương kính yêu Đức Maria của các thánh Tử đạo tại Việt Nam. Các ngài luôn tin tưởng khẩn cầu với Mẹ để thánh hóa cuộc đời, siêng năng lần chuỗi Mân Côi, chạy đến Mẹ lúc gặp thử thách gian nan, và xin Mẹ đồng hành trên đường về thiên quốc.
Kinh Mân Côi thắp sáng cuộc đời
Thánh giám mục Sampedro Xuyên từ nhỏ và suốt đời, sốt sắng suy niệm hàng ngày 15 mầu nhiệm Mân Côi. Ngài tôn kính đặc biệt Nữ Vương các Thánh Tử Đạo, và khởi đầu các lá thư hay các buổi gặp gỡ bằng lời chúc tụng Ave Maria.
Đức cha Hermosilla Liêm, từng là giám đốc Hội Mân Côi, cổ võ giáo dân giữa thời bách hại, siêng năng đọc kinh Mân Côi và luôn tin tưởng cậy trông vào Đức Mẹ,.
Thánh Néron Bắc giữ thói quen ăn chay các lễ vọng kính Đức Mẹ. Cha khấn xin Đức Mẹ Mân Côi cho mình được dâng hiến mạng sống vì sứ vụ tại xứ truyền giáo.
Cha thánh Almatô Bình từ niên thiếu đã quy tụ trẻ em trong xóm cùng đọc kinh Mân Côi. Và ngồi trong cũi trên đường ra pháp trường, cha vẫn bình thản cầu nguyện bằng kinh Mân Côi khiến mọi người hiện diện phải bỡ ngỡ.
Nếu trước thánh Lý Mỹ quen lắnh ra vườn vắng để cầu nguyện và đọc kinh Mân Côi, thì khi làm lý trưởng, ông mời các phu tuần đọc 50 kinh trước khi đi công tác.
Thánh Augustinô Mới tuy là tân tòng, nhưng luôn đọc kinh Mân Côi mỗi tối, không quên bao giờ, kể cả những ngày lao động vất vả đến tối khuya.
Thánh Năm Thuông trong truyền thống sùng kính Đức Mẹ của giáo xứ Gò Thị, ông lần chuỗi mỗi ngày, và kiến thiết một nhà nguyên dâng kính Trái tim Vẹn Sạch Đức Mẹ.
Niềm tin tưởng vào Đức Mẹ
Thánh giám mục Borie Cao ghi lại lời kinh tận hiến tại chủng viện trong nhật ký : “Lạy Mẹ của con, xin hãy tin nơi con, khi con trưởng thành, con sẽ hiến toàn thân cho việc cải hóa các người chưa tin. Xin Mẹ giúp con theo con đường và tinh thần ơn gọi đó. Xin cho con được đau khổ vì đức Kitô, được đón nhận ngành lá Tử Đạo và về đến bến vinh quang”.
Thánh Federich Tế tự nhận là con điên Đức Mẹ, đã cầu nguyện qua những vần thơ tại Macao, khi đợi tàu đến Việt Nam :
“Lạy Thánh Mẫu cao vời nhân ái,
Tấm lòng con điên dại đáng thương,
Ngày đêm nung nấu can trường,
Lòng bao la Mẹ đâu phương đáp đền.
Trong tâm tưởng con hằng mơ ước,
Khắp muôn phương loan báo Tin Mừng,
Giờ con gặp cảnh sầu thương,
Như thuyền neo bến trùng dương xa vời”.
Đức cha Valentino Vinh trong thư gửi thân mẫu đã nói lên suy nghĩ của mình, với lời văn hài hước nhưng tràn đầy tin tưởng : “Mẹ à, với tràng hạt Mân Côi trong tay, với lời Kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng Maria tươi nở trên môi, với tư tưởng thánh thiện trong tâm trí, hỏi thế giới còn chi đẹp đẽ hơn ? Mẹ hãy thưa với Đức Maria về con. Lời cầu nguyện tốt ấy sẽ bẻ gẫy răng quỉ dữ…”.
Kinh Mân Côi trong lao ngục
Nếu hai cha thánh Tôma Dụ và Đaminh Mậu không rời hành trang yêu quý nhất là tràng hạt Mân Côi, thì ông Đinh Đạt đã đọc kinh Mân Côi suốt hành trình ra trình diện.
Khi bị bắt, các chứng nhân đã thắp sáng ngục tối bằng lời kinh Mân Côi. Đó là kinh mỗi ngày trong tù của cha Phêrô Quý, ông Câu Phụng, ông Tống Viết Bường. Cũng là lời kinh tập thể vang lên trong ngục của cha Đaminh Trạch và các bạn tù, của ba thày giảng Mỹ, Đường, Truật và của năm vị thánh Ngọc Cục, là các ông Nguyên, Mạo, Tương, Tường, Nhi …
Đó cũng là lời kinh của thánh giám mục Borie Cao, hai cha Vinhsơn Điểm, Phêrô Khoa, cùng với bài thánh ca “Ave Maris Stella” (chúc tụng Mẹ là sao biển) và lời kinh : “Như xưa Mẹ đã dâng Con Yêu Quí trong đền thờ, nay xin cũng hiến dâng chúng con trong cuộc tử đạo hồng phúc”.
Nếu linh mục Đaminh Hạnh thay vì dày đạp, đã hôn kính ảnh Đức Mẹ dù bị đánh đúng 100 roi. Thì bà Lê Thị Thành tâm sự “Nhờ ơn Đức Mẹ giúp sức, tôi không thấy đau đớn”. Còn cha Hoan luôn đeo trên cổ áo Đức Bà cho đến giờ xử tử, ngài nói : “Ảnh này tôi không thể cho ai được. Đây là hình ảnh Đức Nữ Vương và là Bà Chúa của tôi”.
Linh mục Cornay Tân khi bị nhốt trong cũi, vẫn cất tiếng hát, đã kể lại rằng các quan bắt hát mới cho ăn, nên “Mỗi bữa ăn tôi lại có dịp hát thánh ca chúc tụng Đức Maria”.
Xin Mẹ đồng hành về thiên quốc
Cuối cùng, ngay giờ phút hành hình, các vị tử đạo vẫn cậy nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria. Nếu thánh Cornay Tân cầu nguyện “Xin Đức Maria chứng giám cho việc sám hối của con…”. Thì hai thánh Gia và Liêm từ trại tù ra pháp trường đã hát lời kinh Lạy Nữ Vương tuyên xưng : “Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống được vui được cậy… Xin cho chúng con được thấy Đức Giêsu con lòng Mẹ.”
Cha thánh Vénard Ven đã kết thúc giờ thánh ca ra pháp turờng bằng bài kinh Magnificat, và ghi lại trong thư lời kinh dâng Đức Mẹ : “Lạy Mẹ Vô Nhiễm, khi đầu con rơi xuống dưới lưỡi gươm của lý hình, xin nhận lấy tôi tớ nhỏ bé, như trái nho chín được hái, như bông hồng nở rộ được ngắt về dâng kính trên bàn thờ. Ave Maria “. Như chân phuớc Anrê Phú Yên, ông trùm Lựu cố gắng kêu tên cực trọng Chúa Giêsu và Đức Maria, trước khi ngã gục trong tủ, hoàn tất 64 năm dương thế.
Kỷ niệm đặc biệt của Đức Maria
Hội thánh Việt Nam sẽ muôn đời ghi nhớ dấu ấn tình yêu của Mẹ Maria qua các thánh địa Lavang, Trà Kiệu và Vương cung thánh đường Đức Mẹ Phú Nhai. Mẹ vẫn hiện diện để nâng đỡ khích lệ con cái mình trong những lúc khó khăn.
Quả thế, nếu La Vang – Quảng Trị ghi dấu việc Đức Mẹ đã hiện ra an ủi các tín hữu trong thời bách hại năm 1798. Thì thánh đường Phú Nhai được coi như dấu chứng Đức Mẹ nhận lời thánh giám mục Valentinô Vinh khấn xin bình an và hiến dâng giáo phận Bùi Chu cho Đức Mẹ Vô Nhiễm. Còn tại Trà Kiệu – Quảng Nam năm 1885, khi các tín hữu đang dọc kinh Mân Côi trong nhà thờ, chính các binh sĩ tấn công đã xác nhận : “Bà đẹp đứng trên nóc nhà thờ xua vạt áo đỡ đạn cho dân”.
Xin cho người tín hữu Việt Nam biết duy trì và phát huy truyền thống sùng kính Đức Mẹ của các vị tiền bối. Xin cho anh chị em, ngoài việc hành hương, sốt sáng tham dự các buổi lễ kính Đức Mẹ, đặc biệt là các ngày thứ bảy, và siêng năng lần chuỗi và suy niệm các mầu nhiệm Mân Côi hằng ngày.
Nguồn: http://daminhvn.net