Mầu nhiệm Mân Côi tháng 01 năm 2021

SUY NIỆM

MẦU NHIỆM MÂN CÔI

01/2021

**************

Hoa Mân Côi tháng 01.2021 (pdf)

        Thứ hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lên trời, ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.

         Tập nhân đức: Trong tháng này, chị em hãy tập yêu mến những gì thuộc về trời cao. Đừng quá đề cao hay bám víu vào vật chất.

I – LỜI CHÚA    Xin đọc Tin Mừng Mc 16,15-20

  1. GỢI Ý SUY NIỆM

            Theo cái nhìn tự nhiên, người ta thường chia không gian vũ trụ ra làm ba tầng. Tầng trên đầu chúng ta là trời. Nơi chúng ta đang sống là trái đất. Âm ty ngục thất hay hỏa ngục thì ở trong lòng đất. Nhưng đó là chỉ là quan niệm bình dân và là cái nhìn của trẻ con.

Còn đối với chúng ta là người Kitô hữu, cần phải đào sâu, hiểu biết về Kinh thánh, về giáo lý của Chúa để giúp chúng ta hiểu đúng về thiên đàng, hỏa ngục, để chúng ta không bị người khác vặn vẹo.

Theo cái nhìn đúng nghĩa, thì trời hay thiên đàng không phải là một địa danh, một nơi chốn trên đầu chúng ta, mà là tình trạng Chúa tỏ vinh quang cho các thiên thần và những người lành thánh được chiêm ngưỡng.

Thế nhưng, nếu trời hay thiên đàng không phải là một nơi chốn, một địa danh ở nơi cao trên đầu chúng ta thì tại sao lại nói Chúa lên trời ? Thưa, động từ lên ở đây, chúng ta đừng giản lược vào việc lên xuống theo chiều không gian vật lý như; đi lên đi xuống hay bay lên bay xuống mà là lên theo cấp bậc hoặc thay đổi sự sống. Trong cuộc sống thường ngày, cũng có rất nhiều việc lên xuống mà không hề phải di chuyển qua chiều không gian vật lý. Thí dụ: Việc thăng quan tiến chức hay học sinh được lên lớp…. Tất cả những việc “lên” như thế, đâu có cần phải đi lên, leo lên hay bay lên theo chiều không gian vật lý mà là lên theo cấp bậc.

Việc Chúa Giêsu lên trời cũng vậy, không phải Ngài bay lên theo chiều không gian vật lý để đi vào không gian vũ trụ mà là lên theo cấp độ sự sống, thay đổi sự sống. Nghĩa là chuyển từ sự sống tự nhiên sang sự sống siêu nhiên. Chuyển từ thế giới hữu hình sang thế giới vô hình. Từ thế giới hữu hạn sang thế giới vô hạn.

Nếu ta quan niệm trời là một nơi chốn hay một địa danh cố định ở trên đầu chúng ta thì có lẽ những nhà khoa học hay những người giàu có, họ sẽ tìm mọi cách rời khỏi trái đất để bay vào thiên đàng mà sống cho an toàn, nhàn hạ, sung sướng, khỏi phải ở trần gian, bất an và toàn là những vấn đề phúc tạp, tranh chấp, ô nhiễm, bẩn thỉu, tội lỗi, xấu xa …

Ngược lại, nếu ta quan niệm theo kiểu bình dân như đã nói ở trên, thì những kẻ không ưa Giáo hội, những kẻ đối nghịch với Thiên Chúa, họ sẽ tìm cách để phá hủy thiên đàng bằng những loại vũ khí tối tân, hiện đại.

Hơn nữa, nếu ta quan niệm theo kiểu bình dân hay của trẻ thơ, thì chúng ta phải hiểu và giải thích thế nào về câu nói của Chúa với các môn đệ trước khi Chúa về trời: “Này đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”, hay khi Chúa nói: “ở đâu có hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”. Chúa về trời mà Chúa vẫn ngự nơi nhà chầu, hay trong Thánh lễ, trong Bí tích Thánh Thể. Chúa về trời mà chúng ta vẫn đọc trong Kinh Sấp mình: “Lạy Chúa, con tin thật Chúa ở khắp mọi nơi”….

Do đó, việc Chúa Giêsu lên trời là việc Ngài thay đổi từ sự sống tự nhiên sang sự sống siêu nhiên, chứ không phải bay lên không gian vũ trụ như một số người vẫn nghĩ. Chính vì thế mà Ngài mới có thể hiện diện một cách mãnh liệt ở khắp mọi nơi và ở mọi thời đại như chính Ngài đã nói với các môn đệ.

Thế nên, từ nay chúng ta đừng hiểu việc Chúa lên trời theo kiểu bình dân hay kiểu của trẻ nhỏ. Chúng ta cần có một cái nhìn sâu xa và cần đào sâu hiểu biết về phương diện siêu nhiên để nhận ra mối dây liên hệ giữa thế giới hiện tại với thế giới tâm linh. Giữa thế giới hữu hình với thế giới vô hình.

Chính vì có mối liên hệ ấy mà chúng ta thấy cần phải đặt ra những tiêu chí cho chúng ta ngay trong cuộc sống hiện tại này để ngay từ hôm nay, chúng ta thay đổi cái nhìn về đời sống con người.

Bởi vì, ngoài thế giới hiện tại này còn có một thế giới tương lai. Ngoài thế giới tự nhiên này, còn có một thế giới siêu nhiên. Ngoài thế giới hữu hình này, còn có một thế giới vô hình. Qua đó, giúp ta khẳng định được niềm tin của chúng ta. Chết không phải là hết mà là bước sang một sự sống khác, một sự sống vĩnh cửu, một sự sống bất diệt. Đừng ai dại dột cho rằng: Chỉ có thế giới hiện tại này mà thôi.

Tuy nhiên, muốn đạt được sự sống vĩnh cửu đời sau, ta cần phải phấn đấu từng ngày, từng giờ qua việc tuân giữ và thực hành các giới răn mà Thiên Chúa và Giáo hội truyền dạy chúng ta. Đừng quá bám víu vào trần gian hay vào của cải vật chất mà quên mất quê hương đích thực của chúng ta là hạnh phúc Nước Trời, nơi mà ta phải tìm mọi cách để đạt tới. Bởi vì, chính Chúa đã cảnh báo: “được lợi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì”.

Chính vì thế mà ta phải cố gắng phấn đấu mỗi ngày cách chu toàn bổn phận của người Kitô hữu, hoàn thành sứ mệnh Chúa trao phó ở trần gian. Như thế, mai ngày ta mới mong đạt được hạnh phúc Nước Trời, nơi các bậc tiền nhân đã đến trước và đang chờ đợi chúng ta. Amen.

III – GỢI Ý SỐNG VÀ CHIA SẺ 

  1. Tôi có xác tín rằng có thiên đàng, hỏa ngục không ?
  2. Khi đã xác tín là có thiên đàng, hỏa ngục, tôi có quá bám víu vào vật chất, vào trần gian không ?
  3. Tôi có nỗ lực phấn đấu vào Nước Trời qua việc chu toàn bổn phận đối với Chúa và với tha nhân không ?

* Cầu nguyện cho các chị em đã được Chúa gọi về trong tháng.

1- Anna Phạm Thị Diệp, giáo xứ Vân Cương – giáo hạt Tuyên Quang

2- Maria Nguyễn Thị Thơm, giáo xứ Lực Tiến – giáo hạt Tuyên Quang

3- Anna Nguyễn Thị Tuyết, giáo xứ Vinh Tiến – giáo hạt Vĩnh Phúc

4- Anna Chu Thị Thập, giáo xứ Thái – giáo hạt Thái Nguyên.

5- Maria Nguyễn Thị Huyền, giáo xứ Mỹ Lộc – giáo hạt Bắc Giang

6- Maria Nguyễn Thị Bắc, giáo xứ Bắc Giang – giáo hạt Bắc Giang

7- Maria Nguyễn Thị Xuân, giáo xứ Lai Tê – giáo hạt Bắc Ninh

8- Maria Nguyễn Thị Thoa, giáo xứ Vân Cương – giáo hạt Tuyên Quang

*Thông báo: Thứ Bảy ngày 06/02/2021, BPV hạt Bắc Giang sắp xếp các xứ đi đợt 1( nửa giáo hạt) theo lịch về TTTM Từ Phong, để học hỏi về đời sống Hôn Nhân gia đình, dâng hoa kính Đức Mẹ và hiệp dâng thánh lễ với Đức Cha giáo phận.

* Thời gian:          – 10h00 gặp gỡ, chia sẻ, học hỏi

– 11h30 ăn trưa – 13h00 dâng hoa -13h30 Thánh lễ   

Linh mục đặc trách

Hội Mân Côi giáo phận Bắc Ninh

                                                                                                      Phêrô Mai Viết Thắng