Ngắm Đứng: Sự gặp gỡ giữa đức tin và truyền thống dân tộc

Câu thành ngữ mà các tín hữu Việt Nam tại nhiều vùng miền vẫn lưu truyền trong dân gian: “Tháng Giêng ăn tết ở nhà/ Tháng Hai ngắm đứng/ Tháng Ba ra mùa”. Điều này phần nào cho thấy Ngắm mười lăm sự thương khó đã đi sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của cộng đồng tín hữu Việt.

 

Quả vậy, trong các Bản tường trình của các thừa sai Dòng Tên giai đoạn 1645-1653 viết rằng: “Thật phải ngợi khen Thiên Chúa, khi thấy giáo dân kiên trì thức khuya để dự lễ… Họ ngâm những bài ca rất sầu thảm bằng ngôn ngữ của họ, như muốn đổ dòng nước mắt để rửa cho họ và dâng cho các Thiên Thần ngự ẩm…” Đặc biệt, bằng cung bậc ca vãn tế tự rất riêng của những cộng đoàn Việt Nam Công giáo ở ngay buổi hừng đông mới đón nhận Tin Mừng, các tín hữu vừa ca vãn ngoài miệng, trong lòng vừa tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu trên suốt chặng đường lên Núi Sọ. Có thể nói, sống đạo bằng chính tâm hồn, tính cách và truyền thống văn hóa của người Việt là con đường trường tồn với thời gian mà Ngắm mười lăm sự thương khó là một trong nhiều minh chứng cho ý tưởng hội nhập đức tin và văn hóa của các vị thừa sai.

Bên cạnh hoạt động ngắm đứng, còn giờ Suy ngắm mười bốn chặng đàng thánh giá trong các buổi sáng Thứ Sáu Mùa Chay, như một giờ cầu nguyện. Đây như một hoạt động cổ võ các thực hành truyền thống đạo đức của các bậc Tiền nhân, vốn là vẻ đẹp không chỉ làm cho đời sống đạo thêm sinh động, mà lôi cuốn biết bao người tín hữu trở về với Chúa, nuôi đức tin bao người trong những hoàn cảnh khó khăn, và làm gia tăng lòng sốt mến và đức tin nơi bao người môn đệ Chúa Kitô, đúng như cha Đắc Lộ nhận xét: “Kinh nghiệm cho chúng tôi nhận thấy rằng, họ càng mộ mến và tôn thờ sự thương khó Chúa Cứu Thế thì họ càng là những giáo dân vững chãi và kiên trì thực hành nhân đức.” (Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài, chương 16).

Về Ngắm 15 sự thương khó

Về mặt nội dung, Ngắm mười lăm sự thương khó dùng loại hình nghệ thuật dân gian để chuyển tải Kinh Thánh mà ở đây Sự Thương khó Đức Giê-su Ki-tô. Chính các cha Dòng Tên đã sáng tạo dựa theo hình thức kịch phụng vụ. Hình thức này có trong truyền thống Giáo hội, gọi là liturgical drama (tiếng Anh), hay drama liturgique (tiếng Pháp). Sử dụng ngôn từ thuộc phạm trù của “lòng đạo đức bình dân”, Ngắm 15 sự thương khó đến nay vẫn được tuân thủ trước sau như một giúp các tín hữu dễ dàng tiếp cận và thông dự vào đời sống thiêng liêng.

Cha Alexandre de Rhodes viết trong Lịch Sử Đàng Ngoài (1651) như sau: “Năm 1644, ở Hội An, giáo hữu hát những lời than thở bằng tiếng bản quốc rất thảm thiết về sự thương khó của Ðức Chúa Giêsu… Để cho họ khỏi bị thiệt thòi, thì chúng tôi đã chia các mầu nhiệm thương khó làm 15 đề tài chính. Cứ sau khi đọc chung mười kinh chuỗi hạt thì ngắm một đoạn và suy niệm một trong 15 sự thương khó, sau mỗi lần như thế thì lại tắt một trong 15 ngọn nến sáng theo tục lệ trong giáo hội Roma. Trong nghi lễ, họ khóc lóc, kêu gào và rên rỉ tỏ lòng thương mến những thống khổ và cái chết của Chúa Cứu Thế, người lân cận cũng đến nghe.” Thói quen lành thánh ấy – như một truyền thống – đã được các thế hệ về sau, dù ở xứ Ðàng Trong hay Ðàng Ngoài – kế thừa, chấp hành rất nghiêm túc.

Tham khảo

Đỗ Quang Chính, S.J., Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, AnTôn & Đuốc Sáng, 2006.

—————————–Hòa mình vào xã hội Việt Nam, AnTôn & Đuốc Sáng, 2007.

Klaus Schatz, S.J., Hoa trái ở Phương Đông, Phạm Hồng Lam dịch, NXB Phương Đông, 2015.

Nguyễn Hiền Đức, Ngắm 15 sự thương khó: Đức tin kết tụ trong văn hóa Việt, Đồng Hành, 07/04/2020.

Phan Đình Cho, P., Mission and Catechesis. Alexandre de Rhodes and Inculturation in Seventeenth-Century Vietnam (New York 1998)

Trích lược: dongten.net