Ngát hương Đức tin giữa núi rừng Tây Bắc
Đã gần hai tháng trôi qua kể từ khi kết thúc chuyến hành trình đến miền núi rừng Tây Bắc, những hình ảnh ngọt ngào của Lào Cai, Sapa, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Mộc Châu vẫn hiện ra như mới đây thôi. Hương thơm Đức tin ngào ngạt của núi rừng Tây Bắc dường như vẫn còn lắng đọng trong tâm hồn mỗi người chúng tôi . Một cảm giác “nợ nần” cứ cuốn lấy tôi từ đó cho đến giờ. Thật có lỗi nếu không đặt tay lên bàn phím viết đôi dòng ký ức để trả món nợ ân tình cho miền sơn cước kia.
1. Đến Lào Cai giữa những ngày nắng cháy
Sau hơn chín giờ đồng hồ ngồi trên xe ô tô, đoàn chúng tôi đã vượt qua hơn 400 km trải đầy nắng vàng mùa hạ để đặt chân đến Lào Cai – điểm hẹn đầu tiên trong chuyến hành trình Tây Bắc hùng vĩ. Buổi chiều ở thành phố biên giới này cũng chẳng khác Bắc Ninh là mấy khi không khí oi nồng, nóng bức đang lên đến đỉnh điểm. Con đường dẫn vào trung tâm thành phố chạy dọc biên giới, ngồi trên xe ghé mắt qua cửa kính ta thấy nhánh sông nhỏ là đường biên tự nhiên giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Sông Hồng đoạn chảy qua Lào Cai
Chiếc xe 29 chỗ chạy lách qua từng con phố nhỏ tấp nập bán mua và tiến vào khuôn viên nhà thờ Cốc Lếu. Từ nhà xứ bước ra với mái tóc xoăn điểm bạc, Cha xứ Giuse Nguyễn Văn Thành nở nụ cười đón tiếp rạng rỡ và bắt tay từng người trong đoàn. Cha xứ còn tận tình dẫn chúng tôi lên tận phòng nghỉ.
Ngôi nhà thờ Lào Cai cổ kính với kiến trúc phương Tây được xây dựng từ thế kỉ trước. Sau nhiều biến cố, hiện nay khuôn viên nhà thờ chỉ nằm vỏn vẹn trên một mảnh đất hết sức khiêm tốn. Vì thế vấn đề xây dựng để đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, số giáo dân đang sinh sống tại Lào Cai ước chừng có khoảng trên ba ngàn người, đa phần là bà con giáo dân từ vùng xuôi lên làm ăn, trong đó có một gia đình ở Giáo xứ Xuân Hòa – Bắc Ninh, nơi đoàn chúng tôi đến thăm và dùng bữa tối.
Cha xứ Giuse chia sẻ rằng, ở đây dù rất bận bịu chuyện buôn bán nhưng bà con giáo dân rất siêng năng đi tham dự Thánh Lễ cũng như rất nhiệt tâm trong các công việc nhà Chúa. Cha còn cho biết hiện tại ở đây có một Cha phó và một thầy phó tế giúp nên cũng phần nào đáp ứng các như cầu mục vụ của cộng đoàn. Ngài nói tiếp, từ nhà xứ đến nơi xa nhất là hơn 100 km, còn giáo họ gần nhất cũng chừng 40 km. Dù vất vả nhưng đến đâu bà con giáo dân cũng hết lòng yêu mến Thánh Thể, yêu mến Lời Chúa nên những con đường xa có Chúa trở nên rất gần.
Trải qua một đêm oi nồng ở xứ sở Lào Cai, đoàn chúng tôi thức dậy cùng dùng bữa sáng với Cha xứ. Sáng nay, các Cha trưởng ban truyền thông của các giáo phận xa xôi như Vinh, Thanh Hóa, Lạng Sơn cũng đã kịp bắt tàu hỏa từ Hà Nội lên Lào Cai để tham dự ngày họp măt truyền thông công giáo giáo tỉnh Hà Nội. Cha xứ Lào Cai cũng là Cha trưởng ban truyền thông của Giáo phận Hưng Hóa nên Ngài đã đứng ra đăng cai tổ chức ngày họp mặt ý nghĩa này.
Sau những giây phút gặp gỡ, Cha Thành đã sắp xếp cho chúng tôi một chuyến đi sang thăm thị trấn Hà Khẩu – Trung Quốc, một trong những cửa khẩu giao thương quan trọng giữa hai nước. Hướng dẫn viên cho đoàn là một giáo dân ở Giáo xứ Trù Mật (Tx Phú Thọ) – Giáo phận Hưng Hóa. Vừa đặt chân sang bên kia biên giới, mỗi người trong đoàn đều nhận thấy một cảm giác bang khuâng rất lạ đột ngột xuất hiện. Tuy là một thị trấn nhỏ nhưng Hà Khẩu mang dáng dấp khá hiện đại, các con phố vuông vắn, sạch sẽ, các cửa hiệu và siêu thị được xây dựng gọn gàng, ngăn nắp; nhất là các đường dây truyền tải điện năng và thông tin được dẫn ngầm dưới lòng đất nên tạo cho thị trấn một quang cảnh thông thoáng, dễ chịu.
Sau hơn hai giờ đồng hồ phiêu du bên “đất lạ, xứ người”, đoàn chúng tôi trở về ngôi thánh đường thân thương cùng nhau hiệp thông trong bữa cơm gặp mặt thân mật. Vào lúc 8 giờ tối, Thánh Lễ cầu nguyện cho ngày họp mặt những người đang làm công việc mục vụ truyền thông diễn ra long trọng và sốt sáng khi có đông đảo bà con giáo dân đến tham dự. Trước Thánh Lễ đoàn hoa giáo xứ đã dâng lên Mẹ những đóa hương Đức tin của đoàn con cái Lào Cai.
Thánh Lễ kết thúc cũng là lúc đoàn chúng tôi nói lời chào tạm biệt mảnh đất Lào Cai. Có đến đây mới thấy được sức sống mãnh liệt của Đức tin qua dòng thời gian và qua bao thế hệ. Tôi bấm bụng tự nhủ, ngọn đuốc sáng Tin Mừng rực cháy ở thành phố biên cương này khác hẳn với những hình dung ban đầu của tôi.
2. Lên Sapa hưởng tiết trời dịu ngọt
Ngay trong đêm tối chiếc xe đã âm thầm vượt qua hơn 30 km đường đèo hiểm trở, dẫn chúng tôi đến với một địa danh du lịch nổi tiếng mang tên Sapa. Lên được nửa chặng đường không khí dịu mát đã ru chúng tôi thiếp ngủ để khi tỉnh dậy thì trước mắt hiện ra một không gian thơ mộng đẹp đến mê hồn.
Nằm trên độ cao 1600m so với mực nước biển, Sapa sở hữu một không khí dễ chịu, thời tiết hiền hòa, quanh năm mây phủ, sương mờ. Mang trong mình một lợi thế cuốn hút, Sapa từ lâu đã nức tiếng và trở thành điểm hẹn lý tưởng cho du khách thập phương. Có người bảo ở ngoài Bắc mà chưa tới Sapa thì không phải người Bắc, ở trong Nam mà chưa tới Đà Lạt thì không phải người Nam.
Cũng chẳng biết từ bao giờ, ngôi nhà thờ đá cổ kính trên trăm tuổi đã trở thành biểu tượng của vùng đất quyến nhớ này. Hiện nay, Cha xứ Sapa đang nỗ lực tái quy hoạch nhằm hoàn trả lại cho nhà thờ Sapa khuân viên như xưa. Điều đó, chắc hẳn là mong ước không chỉ của Cha xứ mà còn của tất thảy những ai yêu mến Sapa.
Đón tiếp chúng tôi bằng món cá Hồi nổi tiếng, Cha xứ Phêrô Phạm Thanh Bình trầm ngâm giải thích nguồn gốc chuyện về giống cá Hồi. Ngài bảo, giống cá này thịt đỏ và lạ nhất là chúng biết đâu là quê hương để trở về. Cũng giống như con người ta, dù có đi đâu làm gì thì cuối cùng cũng trở về quê trời, đó là nơi bắt đầu cũng là nơi kết thúc vì lẽ đó mà mỗi người phải ý thức về cuộc sống trần thế là bàn đạp để ta tiến về quê trời.
Nghe Cha xứ chia sẻ, tôi chợt nhận ra rằng người ta đặt tên là “cá Hồi” cũng có cái lý của nó, chắc là họ dùng chữ “hồi” trong từ “hồi hương” hay “hồi cố tri tân”… Thế mới thấy hết kỳ công sáng tạo là quá tuyệt diệu, đến một loài cá còn biết trở về nơi mình sinh ra thì chẳng có lẽ gì mà con người không biết mình đến từ đâu và sẽ về đâu. Tôi tạm gọi cuộc trở về của con người bằng hai từ “hồi Thiên”.
Giống cá Hồi vốn chỉ sống ở Bắc Âu, đến năm 2006 mới được nuôi trồng thành công ở Sapa. Đó cũng chính là năm Cha Phêrô chịu chức Linh mục và đến coi sóc vùng rừng thiêng nước độc này. Kể từ đó Cha đã miệt mài vượt suối băng rừng để đến với đoàn Dân Chúa. Nhìn đôi mắt cuồng thâm vì lo lắng, mái tóc bạc nửa, dáng người nhỏ gầy, màu da sạm đen lại mà thấy cảm phục Ngài vô kể.
Dẫn chúng tôi đến bản Hầu Thào, nơi sinh sống của anh chị em Công giáo người dân tộc thiểu số, Cha Bình vừa đi vừa giải thích văn hóa tập quán của bà con giáo dân nơi đây. Ở đây cũng có nhiều sự lạ. Sự lạ thú nhất đó là Cha Bình có thể nói tiếng H’Mông một cách thuần thục, Ngài còn dâng Lễ bằng tiếng H’Mông nên bà con giáo dân quý lắm.
Sự lạ thứ hai khiến tôi không khỏi giật mình khi thấy những đứa trẻ có màu tóc vàng và khuân mặt rất Tây. Tôi tò mò hỏi Cha xứ liệu đây có phải do Du lịch phát triển không vì tôi chợt nhớ đến truyện ngắn “hai đứa trẻ tóc vàng” của một người bạn học cùng lớp. Cha xứ điềm tĩnh bảo, cũng không chắc lắm nhưng cũng có thể là do trước đây người Pháp đã ở đây rất lâu, biết đâu đó là những đứa con lai đời thứ 3 thứ 4 chăng.
Dẫn chúng tôi đến ngôi nhà thờ đang trong thời gian hoàn thiện, Cha Bình kể lại cho đoàn nghe về sự nỗ lực của bà con giáo dân đã vất vả ra sao để dựng xây nơi cầu nguyện cho xứng hợp. Ở một nơi núi rừng hiểm trở như vậy mà có một ngôi thánh đường khang trang với ngọn tháp cao vút như vậy quả là một kì tích mà Thiên Chúa đã quan phòng và đó cũng chính là sự lạ thứ ba.
3. Qua Lai Châu vẳng đêm xuống thì thầm
Chia tay Cha xứ Phêrô, đoàn chúng tôi tiếp tục đi dọc theo quốc lộ 4D. Con đường từ Sapa sang Lai Châu mới hoàn thiện nên chiếc xe bon bon chạy mà không gặp trở ngại gì. Khung cảnh hùng vĩ hoang sơ của dãy Hoàng Liên Sơn khiến mọi người trong đoàn ai nấy đều trầm trồ thán phục.
Theo lời giới thiệu của Cha Bình, đoàn chúng tôi đã ghé vào thăm bà con giáo dân ở Lai Châu. Ngôi nhà nguyện Duy Phong được xây dựng khang trang, rộng rãi khiến mọi người trong đoàn không khỏi ngỡ ngàng về sự phát triển của đời sống đạo nơi vùng trời Tây Bắc này.
Hiện nay, ở thị xã Lai Châu có chừng gần một ngàn nhân danh đa số là bà con giáo dân vùng Hà Nam, Nam Định di cư lên đây từ mấy thập niên trước. Diện tích để xây dựng nhà nguyện và nhà phòng là đất của một gia đình gốc Hà Nam cung hiến. Mới đây, Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất đã đề nghị với chính quyền về việc thành lập ở Lai Châu một xứ đạo nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Hay tin chúng tôi đến, bà con đã phải tất bật chuẩn bị những món độc chiêu để đón tiếp đoàn. Trên mâm cỗ có nhiều món lạ như thịt lợn hun khói, tiểu hổ xào lăn và món rượu quý vùng cao. Ngồi dung bữa với chúng tôi, bà con giáo dân chia sẻ rằng ước mong sao sớm được thành lập giáo xứ có Cha đến ở trực tiếp, chăm lo đời sống đạo để Cha xứ Phêrô bớt đi những vất vả.
Ông trùm còn khoe rằng, giáo họ mới mua được quả chuông, tuy chưa làm được tháp nhưng ngày nào tiếng chuông cũng ngân vang khắp vùng. Ông trùm còn bảo, đúng là giấc mơ vì từ trước cho đến giờ chẳng ai dám nghĩ đến một ngày tiếng chuông nhà thờ lại được cất lên giữa núi rừng Tây Bắc này.
Tiếng chuông ngân vang báo hiệu cho bà con giáo dân từ khắp nơi nô nức kéo nhau về nhà nguyện dự Lễ. Hôm nay, bà con vui mừng lắm vì có đông đảo các Cha từ Bắc Ninh đến thăm và dâng Lễ. Thánh Lễ diến ra long trọng và sốt sáng, nhà nguyện lớn vậy mà có người phải ngồi ngoài để dự lễ. Đến đây và tận mắt chứng kiến mới thấy hết được sự tốt lành của đoàn chiên Chúa luôn khát khao Mình và Máu thánh Chúa.
Đêm ở Lai Châu hình như dài hơn và yên ả hơn. Lắng tai thật kỹ có thể nghe thấy tiếng sương rơi từng giọt trên lá. Giữa thị xã mà đôi lúc văng vẳng tiếng côn trùng sột soạt trên những cành cổ thụ già nua. Thoảng trong gió, màn đêm như thì thầm “ngày mai ta lại lên đường”.
Hừng đông ở xứ sở Lai Châu vào giữa mùa hạ đẹp như tiên cảnh. Những ngôi nhà mới xây nằm lọt thỏm trong một thung lũng nhỏ. Những quả đồi xanh xanh màu xen lẫn như một mê cung huyền ảo của đất trời. Đoàn chúng tôi thức giấc và lên đường khi cái nắng cháy da cháythịt đang đua nhau đổ xuống ào ào.
4.Giữa Điện Biên nghe câu chuyện cổ tích
Từ Lai Châu sang Điện Biên ước chừng hơn một trăm cây số nhưng chắc chắn đây là cung đường hiểm trở nhất trong chuyến hành trình lần này. Con đường đang trong thời gian thi công nên đã ngốn của đoàn chừng 9 tiếng đồng hồ. Trên con đường gập ghềnh, gian khổ ấy, mọi người trong đoàn ai nấy đều cảm nhận được nỗi chuân chuyên vất vả của những vị mục tử nơi rừng thiêng nước độc này.
Ngồi trong xe, mọi người trong đoàn đã quyết định đặt biệt danh cho Cha Bình là “Linh mục thép”. Bởi chắc có lẽ ở trên đất nước Việt Nam này ít có Cha xứ nào phải quản một vùng rộng lớn với đường xá khó khăn như Cha Bình. Vì thế, có người bảo rằng, ở đây Cha phải đi dâng Lễ theo Tour (chuyến du lịch) tức là đi đến từng giáo họ, giáo điểm dâng Lễ rồi ở lại đó đến hôm sau mới tới nơi khác. Mỗi tua như vậy thường cũng phải kéo dài hàng tuần giống như thời xưa các cụ xưa thường gọi đó là dịp Cha đi làm phúc, chỉ khác một điều là gần như tháng nào Cha Bình cũng đi một lần phúc như vậy.
Trên con đường gian nan ấy, chúng tôi càng thêm hiểu hơn nữa về đời sống mục vụ của các Cha trên vùng núi non hiểm trở này. Từ trong sâu thẳm, mỗi người ai cũng cảm thấy khâm phục vị “Linh mục thép” – một nhân vật chính trong câu chuyện cổ tích mà tôi tạm đặt tên là “Đức tin trên núi rừng Tây Bắc”. Và sự hy sinh phục vụ của Cha Bình quả là một nguồn động lực để những ai gặp Cha sẽ thêm yêu đạo và sống đạo tốt hơn, nhất là những người đã chọn con đường hy sinh phục vụ Chúa và tha nhân.
Giữa núi rừng chênh chao với vẻ đẹp còn đầy hoang sơ, cả đoàn cùng mải miết ngắm cánh rừng xanh ngắt lá. Quốc lộ 12 nối liền Lai Châu và Điện Biên đang thi công khiến nhiều lúc xe phải dừng lại để chờ thông đường. Mỗi lần như vậy chúng tôi lại được lắng tai nghe dòng sông Đà gầm lên những tiếng thở dài. Con sông đang trong mùa nước nên hung bạo vô cùng khiến tôi chợt nghĩ đến tác phẩm “người lái đò sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân. Đứng bên này sông phóng tầm mắt qua bên kia nhìn ngắm rừng hoa chuối đỏ tươi mới thấy được những kỳ công mà Thiên Chúa đã tác thành.
Con đường ấy rồi cũng kết thúc khi chúng tôi đặt chân vào thị xã Mường Lay thuộc tỉnh Điện Biên. Mường Lay có địa giới hành chính giáp với tỉnh Lai Châu. Thị xã này trước đây vốn là tỉnh lỵ của tỉnh Lai Châu cũ, sau khi tách tỉnh được đổi tên thành Mường Lay. Năm 1990, trận lũ lịch sử đã gần như xóa sổ toàn bộ thị xã này nên chính quyền mới chuyển trụ sở tỉnh về Điện Biên Phủ. Đến nay, những dấu tích của trận lũ năm xưa vẫn còn hằn in trên lòng hồ khô cạn.
Sau bữa cơm trưa ở Mường Lay, đoàn chúng tôi tức tốc lên đường đến thành phố Điện Biên Phủ khi ông mặt trời đang chuẩn bị nghỉ ngơi sau một ngày bán rong ánh nắng. Vào thăm gia đình ông trùm gốc Bùi Chu đã lên đây làm ăn mấy chục năm. Ông kể rằng, trước đây khi còn đang làm Cha giáo ở Chủng viện Hà Nội, Đức Cha Đạt đã có vài lần lên đây và vào thăm trại phong gần đó.
Dẫn chúng tôi đi thăm một số di tích chiến tranh thời trước, ông trùm tiếp tục kể câu chuyện về Cha Bình. Ông bảo, mấy năm trước, khi Cha Bình đến dâng Lễ chính quyền họ cũng ngăn cản nên mọi người đã đứng vòng quanh và nắm lấy tay nhau để Cha có thể tiếp tục cử hành Thánh Lễ. Thế mới biết, Đưc tin của những giáo dân nơi đây tới mức nào.
Thánh Lễ tối diễn ra trang trọng, sốt sáng và chẳng thua kém bất cứ đâu. Nhà nguyện rộng rãi khang trang, cũng có ca đoàn hát, các bà các chị cũng mặc áo dài như ở xuôi. Đặc biệt, phía ngoài nhà nguyện một cây Thánh giá nhỏ được treo cao và được trang trí bằng các dây đèn nháy sáng rực trong đêm tối khiến ai nấy đều phải ngước nhìn. Có một giáo dân chia sẻ rằng, chẳng ai dám nghĩ sẽ có một ngày như hôm nay nếu không có Chúa.
5. Gặp Sơn La say hương tình núi rừng
Chiếc xe lại tiếp tục chuyển bánh để đưa chúng tôi đến những điểm hẹn mới. Hôm nay mọi người trong đoàn ai nấy đều cũng thấm mệt. Có Cha trong đoàn bảo, đi được một chuyến như thế này rồi về có chết cũng đáng.
Con đường từ Điện Biên Phủ đi Sơn La cũng bớt những thách đố hơn trước. Tuy mặt đường bằng phẳng hơn nhưng cũng có nhiều con đèo lắt léo, hiểm trở khiến lái xe phải tập trung hết mọi khả năng và kinh nghiệm của mình để điều khiển vô lăng. Chỉ một chút lơ là mất tập trung là kết cục xấu có thể xảy ra.
Vượt qua những thử thách, cuối cung chúng tôi cũng đặt chân đến thành phố Sơn La. Những con đường và nhà cửa ở Sơn La cũng tương đối thông thoáng tạo nên hình thù, dáng dâp của một Phố Núi. Đón tiếp chúng tôi là một gia đình quê ở Kẻ Mốt (Đức Trai) lên đây làm ăn sinh sống. Sự đón tiếp nồng hậu của gia đình và bà con giáo dân nơi đây khiến cho ai nấy trong đoàn đều xúc động.
Thật bất ngờ cho đoàn khi đặt chân đến ngôi nhà nguyện khang trang của bà con giáo dân Sơn La. Trước kia chẳng ai dám nghĩ giữa lòng một thành phố “ngăn sông cấm chợ” như vậy mà lại có một ngôi nhà nguyện đẹp đẽ mọc lên. Thật tiếc khi các Cha trong đoàn không thể ở lại dâng Thánh Lễ cho bà con giáo dân nơi đây.
Trong bữa cơm thân mật với măng rừng và rược táo mèo đặc sản, chúng tôi lại thêm hiểu hơn về đời sống Đức tin của bà con giáo dân Sơn La. Từ những con người nhỏ bé ở miền xuôi vì miếng cơm manh áo mà phải rời bỏ quê hương lên đây tìm kế sinh nhai bông đâu lại trở thành khí cụ của tình yêu Chúa. Để đến hôm nay một cộng đoàn bên chặt được sinh sôi và nảy nở giữa những phong ba bão táp của cuộc sống.
Để có được một nền tảng tốt đẹp như hôm nay, các đấng bậc và các tín hữu luôn luôn liên lỉ cầu nguyện và sẵn sàng làm theo thánh ý Chúa. Một người mà bà con giáo dân Sơn La vô cùng biết ơn đó là Cha Giuse Nguyễn Trung Thoại. Dù ở độ tuổi không còn trẻ và nhất là bận rộn nhiều công việc ở Tòa Giám Mục nhưng cứ hai tuần một lần, Cha đều vượt 250 cây số để lên đây dâng Lễ cho bà con giáo dân. Nhờ vậy mà niềm tin càng được củng cố và thắt chặt tình hiệp nhất trong cộng đoàn.
Chia tay bà con giáo dân Sơn La mà cả người ở và người đi đều cảm thấy xuyến xao. Chúng tôi cảm thấy tiếc vì không ở lại được lâu hơn để có thêm cảm nghiệm về một niềm tin sắt son và say sưa trong hương tình nồng thắm của núi rừng.
6. Về Mộc Châu xanh ngát một niềm tin
Con đường từ Sơn La về Mộc Châu dài chừng 100 cây số nhưng cung đường đẹp hơn vì đa phần là xuyên qua những dãy núi thấp. Chiếc xe bon bon băng qua những những cánh rừng thơ mộng, líu lo tiếng chim hót.
Một khung cảnh hùng vĩ và nên thơ dần dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Cao nguyên Mộc Châu mọt trong những địa danh nổi tiếng mà tôi luôn ao ước có dịp đặt chân đến. Nhưng tiếc thay khi vừa dừng chân nơi nhà nguyện, bất ngờ con mưa rào ập tới làm lỡ mất chuyến đi thăm trang trại bò sữa của một gia đình Công giáo.
Trong cơn mưa, ngồi nhấp những ngụm trà của vùng cao nguyên lắng nghe những câu chuyện về đời sống đạo của bà con giáo dân Mộc Châu. Đức tin của các tín hữu nơi đây cũng xanh ngắt như màu xanh của núi rừng nơi đây.
Trước kia, khi đi mục vụ trên đây Cha Thoại đã bị chính quyền ngăn cản, cấm cách. Có nhiều lần, Cha bị chính quyền “mời” lên trụ sở ngồi chơi xơi nước hàng giờ nhằm ngăn không cho Cha dâng Lễ. Chính những lúc ấy, bà con giáo dân đã nắm tay nhau đi lên trụ sở để đón Cha về. Trước sự đoàn kết và yêu thương của những giáo dân, dần dần chính quyền cũng được cảm hóa và từ đó họ cũng bớt làm phiền đời sống đạo của các tín hữu.
Hiện nay, một số sơ dòng Mế Thánh Giá Hưng Hóa đã đến ở trực tiếp tại đây vừa củng cố và giữ vững Đức tin cho mọi người, vừa làm công việc Loan báo Tin Mừng cho những người chưa biết Chúa qua những công việc như trông trẻ hay thăm người ốm đau, bệnh tật, neo đơn. Ngôi nhà nguyện hẹp và dài của giáo họ là một biểu chứng hùng hồn nhất cho Đức tin của giáo dân Mộc Châu.
Trước Thánh lễ, đoàn hoa của giáo họ đã dâng lên những đóa hoa tươi thắm để cảm tạ Hồng ân mà Chúa đã tặng ban cho người tín hữu Mộc Châu. Những tiếng hát, lời kinh quyện vào hương núi rừng tấu lên một bản thánh ca bất tận.
Cuối Thánh Lễ, một Cha trong đoàn đã cất lên làn điệu giã bạn da diết của các liền anh liền chị Quan họ. Làn điệu ấy vừa là lời chia tay vừa là lời cảm ơn những giáo dân đầy lòng Mến Chúa – Yêu Người. Sự xúc động hòa vào tiếng hát rộn rã tình yêu thương giữa những người tin vào cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Đức Kitô.
Ngồi trên ôtô vẫy tay chào bà con giáo dân đoàn chúng tôi trở về Tòa Giám Mục Bắc Ninh thân yêu để ngày mai các Cha trong đoàn tiếp tục công việc mục vụ của mình. Chắc hẳn những kỷ niệm, những câu chuyện Đức tin về các vị mục tử và đoàn chiên Chúa nơi núi rừng Tây Bắc sẽ theo suốt và trợ giúp mỗi người trên chuyến hành trình tìm kiếm nước Thiên Chúa.
Chuyến đi đã khép lại nhưng nỗi nhớ vẫn chưa hề nguôi ngoai. Hẹn một ngày tái ngộ với con người và xứ sở Tây Bắc ngào ngạt hương Đức tin trong một ngày gần nhất. “Người ơi! Người ở ta về – Ta về ta giữ lời thề hôm nay”.
Nguyên Đức