Suy nghĩ về việc giáo dục nhân bản và đức tin trong gia đình Kitô giáo
Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1980 trong khóa họp thứ hai đã đề cập rằng:Gia đình Ki-tô hữu là một cộng đoàn đầu tiên được mời gọi rao giảng Tin Mừng cho nhân vị đang phát triển, nhờ sự giáo dục và dạy giáo lý tiệm tiến để hướng dẫn nhân vị ấy đến mức trưởng thành đầy đủ trên phương diện nhân bản và Ki-tô…
Và Tuyên ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo của Công Đồng Vaticanô II cũng đã viết:Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng và vì thế họ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót thì khó lòng bổ khuyết được.
Trong năm Tân phúc âm hóa đời sống gia đình này, một lần nữa Giáo hội nhắc lại chủ đề “gia đình với việc giáo dục nhân bản và đức tin”. Đây là một chủ đề rất quan trọng trong tiến trình tân Phúc âm hóa. Nhưng việc giáo dục nhân bản và đức tin lại là một vấn đề quá rộng lớn, và bị ảnh hưởng quá nhiều bởi những yếu tố ngoại cảnh; chưa kể đến việc giáo dục cần phải có thời gian để thực hiện và liên quan trực tiếp đến nhiều lãnh vực khác nữa. Vì thế, để đào sâu và thực hiện một cách nghiêm túc vấn đề này, ta cần một quá trình, cần sự nhiệt tình quan tâm, kiên nhẫn của Giáo hội địa phương và của mỗi gia đình.
Đứng trước việc giáo dục nhân bản và đức tin, các gia đình thường phải đối diện với những sự bối rối, vì có quá nhiều thứ phải thực hiện… Điều nào cũng cần, cũng quan trọng chẳng biết bắt đầu từ đâu…
Trong lãnh vực giáo dục, kinh nghiệm chuyên muôn cho chúng ta thấy, mỗi cá nhân, mỗi gia đình có những sự khác biệt nhau, nên không thể cứng nhắc áp dụng một khuôn mẫu chung nào. Vì thế, để đạt được kết quả trong tiến trình giáo dục, mỗi gia đình cần có những cách thức thích hợp, hay cần nhấn mạnh những khía cạnh khác nhau cho từng đối tượng, từng gia đình của mình. Như vậy, một mặt ta có thể tự do lựa chọn cho gia đình mình những cách giáo dục phù hợp, và những điểm nhấn khác nhau, nhưng mặt khác cũng cần chú ý hơn đến những khía cạnh giáo dục mà không nên bỏ qua:
– Về giáo dục nhân bản
Giáo dục tình yêu: để con tim con người biết yêu thương, quan tâm, rung cảm trước những đau khổ của người khác. Vì xã hội ngày nay, khiến người ta có nguy cơ sống dửng dưng, vô tâm với người khác.
Giáo dục lương tâm: Lương tâm là nơi sâu thẳm nhất, là cung thánh của con người, nơi đó Thiên Chúa gặp gỡ con người. Bản chất của lương tâm là ngay lành, trong sạch, thiện hảo, không có lương tâm nào xấu, đen tối, sai lạc. Tiếng Chúa nói với con người qua Lương tâm (“tiếng Lương tâm”), nhắc ta làm lành lánh dữ. Tuy nhiên, lương tâm cần được giáo dục thường xuyên, để những điều xấu xa không che mờ, lấn át sự tốt lành thiện hảo của Lương tâm, để nó có đủ sức mạnh lướt thắng những cám dỗ. Trong xã hội có quá nhiều cạm bẫy, cần giáo dục Lương tâm trưởng thành và mạnh mẽ, để trong bất cứ hoàn cảnh nào, con người có khả năng chọn lựa đúng và hành động đúng. Không bố mẹ nào có thể đi theo con cái của mình suốt đời để nhắc nhở hay bảo vệ chúng một cách chặt chẽ sít sao. Ta chỉ có thể giáo dục Lương tâm của chúng cho thật tốt, để chúng đứng vững trước những sóng gió và những cạm bẫy của cuộc sống.
Giáo dục nhân phẩm: làm cho con người sống xứng với phẩm giá là hình ảnh của Thiên Chúa. Phẩm giá định hình nơi nhân cách, làm con người trổi vượt trên muôn loài. Đây là điều quý nhất của con người. Cần trau dồi các đức tính cơ bản: chân thật, công bằng, ý thức cộng đồng, can đảm, tiết độ.
– Về giáo dục đức tin
Cầu nguyện và đọc Lời Chúa: cầu nguyện từ tấm bé sẽ thành thói quen và thành phản xạ cầu nguyện. Những lời kinh quen thuộc sẽ ăn sâu vào ý thức của con người.Hơn nữa, việc cầu nguyện, đọc Lời Chúa sẽ dẫn con người vào cái cốt yếu để hiểu biết về Chúa Kitô. Nơi đó ta sẽ kín múc được sự sống dồi dào phong phú của ơn cứu độ.
Thánh lễ & bữa ăn gia đình: đây là hai bàn tiệc không thể thiếu trong đời sống gia đình hằng ngày, là nơi phát sinh sự sống và tình thương. Nhắc nhở mọi thành viên tham dự đầy đủ.
Học Giáo lý: học Giáo lý là việc phải trau dồi cả đời người Kitô hữu. Nắm vững kiến thức Giáo lý sẽ làm cho đức tin của ta có nền tảng vững chắc. Ta sẽ không bị nao núng trước những thử thách.
Giáo dục bằng gương sáng trong đời sống luân lý: thế hệ sau lúc nào cũng cần những điểm tựa của thế hệ đi trước. Vì thế, trong mọi chiều kích của cuộc sống, những gương lành, gương sáng sẽ đóng vai trò rất quan trọng để cuốn hút người khác, nhất là những trẻ nhỏ đi vào quỹ đạo và mọi dự phóng của mình. Cha mẹ có trách nhiệm quan trọng là phải nên gương tốt cho con cái.
Tóm lại, gia đình là cái nôi của sự sống. Tất cả sự tốt lành hay tiêu cực đều được nảy mầm từ đây. Gia đình đã nhận được ân sủng từ Chúa thì có trách nhiệm chu toàn bổn phận đó, làm cho gia đình được sống. Tất cả mọi hình thức giáo dục đều nhắm tới một mục đích làm cho con người nhận được ơn cứu độ của Thiên Chúa và làm cho hạt giống ấy nẩy mầm để sinh hoa trái.
Trong tiến trình giáo dục, chúng ta cũng cần nghi nhận rằng, con người vẫn có sự bất toàn, không ai hoàn hảo cả. Vì thế, sẽ không có một kết quả hoàn mỹ như lập trình, như ý của chúng ta. Nhưng Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta nỗ lực, cố gắng vươn lên không ngừng. Chúa ban cho chúng ta đầy đủ ân sủng và phương tiện để giúp ta chu toàn bổn phận trách nhiệm này, nếu chúng ta biết khiêm nhường chạy đến cùng Chúa và dùng các phương tiện Ngài ban.
Giáo dục nhân bản và đức tin là trách nhiệm quan trọng và nặng nề, và nặng nề hơn trong hoàn cảnh xã hội hôm nay, nhưng thường thì nó bị xếp sau những lo toan kiếm tiền, lo sự nghiệp tương lai. Và đôi khi chúng ta cố gắng rất nhiều mà dường như không thấy kết quả cụ thể nào. Chúng ta cần kiên nhẫn, vì những hạt giống được gieo thì cũng cần thời gian để nẩy mầm trong tâm hồn. Chúa sẽ làm cho chúng mọc lên vào đúng thời đúng buổi của Ngài. Phần chúng ta hãy làm hết sức, và khả năng của chúng ta.
Hàn vịnh