Ngày 14/11: Thánh Têphanô Têôđo Cuênot Thể – Giám mục, tử đạo (1802-1861)

Rửa tội trong một nhà lẫm

Đức cha Tê-pha-nô Tê-ô-đô Quy-ê-nô, Giám mục địa phận Nam Kỳ, sinh ngày 8-2-1802 ở Bê-li-ơ (Bélieu) tỉnh Bơ-dăng-xông (Besancon) nước Pháp

Ông bà A-lếch-xăng-đơ Quy-ê-nô (Alenxandre Cuénot) và Ê-lê-ô-no-rơ Rít-sơ (Éléonore Risse) là những giáo hữu đạo đức sốt sáng, sinh được 11 người con, cậu Tê-pha-nô Quy-ê-nô là con đầu lòng.

Nhà thờ Bê-li-ơ phải đóng cửa trong thời cách mạng nên cậu bé được rửa tội trong một nhà lẫm dùng làm nhà thờ ở ngần nhà cha mẹ. Cuộc đời cậu bé này rồi sau sẽ ra sao? Bấy giờ không ai để ý đến. Phải chăng Thiên Chúa đã báo trước cuộc đời mai sau của cậu bé tiền định này?

 

Ông bà A-lếch-xăng-đơ làm ruộng, cuộc sống vất vả nghèo nàn. Sau nhiều thất bại trong việc làm ăn, gia đình bỏ Bê-li-ơ đến Mông Bơ-noa (Mont Benoit) làm sở hải quan. Nhưng rồi gia đình ngày càng thêm đông, lương không đủ sống. Ông và về lại Bê-li-ơ. Bấy giờ cậu Tê-pha-nô Quy-ê-nô mới bắt đầu đi học. Cậu là một học sinh xuất sắc, hiếu học, kiên nhẫn, thông minh. Cha xứ Bê-li-ơ, cha Bô-la (Bolard) đã để ý đến cậu và Cha hy vọng cậu có thể trở nên một linh mục tốt. Nhiều lần Cha đặt vấn đề này với Tê-pha-nô và lần nào cậu cũng phấn khởi trả lời: “Vâng, con muốn làm linh mục, nhưng không ở trong nước, con muốn đi truyền giáo ở nơi xa”.

Tương lai đó xem ra quá xa vời với Quy-ê-nô, vì nhà em nghèo. Em phải bỏ học đi chăn chiên thuê. Giữa cánh đồng cỏ xanh bát ngát, nhiều lúc nhàn rỗi, cậu đem sách vở theo và nhẫn nại tiếp tục học.

Mãi đến năm 1816, khi cậu bé 14 tuổi, nhờ Cha Phan-xi-cô Quy-ê-nô là người trong họ can thiệp, và nhờ lòng bác ái của dân làng, cậu Quy-ê-nô bắt đầu học tiếng La-tinh.

Những bóng mây đen trên nền trời trong sáng

Năm 1821, Đại chủng viện mở rộng cửa đón nhận người thanh niên đầy nhiệt huyết. Thày Tê-pha-nô Quy-ê-nô đêm ngày mơ ước được đến những phương trời xa xăm đem ánh sáng Tin Mừng cho người ngoại giáo. Nhưng rồi những bóng mây đen đã đến trên nền trời trong sáng để luyện lọc vị tông đồ tương lai.

Kỳ hè năm 1822, Thày Quy-ê-nô quen thân một bác thợ chữa đồng hồ ở làng Su Ri-ô-mông (Sous-Riaumont) là người dũng cảm, là người Công giáo tốt, bác có tài phát minh, bác dự định chế tạo đồng hồ tự động nên muốn đến xem một số xưởng chế tạo đồng hồ ở Thụy Sĩ, bác mời Thày Quy-ê-nô giúp mình. Nể lời mời nồng nhiệt của người đồng hương, thày bỏ áo thâm chùng, mặc áo thường, lên đường đi Thụy Sĩ.

Sự việc này làm Bề trên không bằng lòng và tương lai của thày hầu như mất hết hy vọng. Nhà trường không đuổi, nhưng thày chịu đựng bầu không khí lãnh đạm, có khi khinh bỉ nữa. Bề trên và các bạn không còn tín nhiệm thày nữa. Thày bị đứng lại, chỉ còn mỗi một giải pháp là bỏ địa phận Bơ-săng-xông. Nhưng rồi đi đâu? Thày nghĩ đến Đại chủng viện Hội Thừa Sai Pa-ri. Thày viết thư cho Cha Giám đốc hội này và để tránh những khó khăn trong trường hợp Hội Truyền Giáo điều tra về mình, thày ký một tên giả. Nhưng rồi cầu chuyện này không qua mắt Cha Giám đốc chủng viện Bơ-săng-xông, thày bị cầm chức, trong khi ấy Hội Truyền Giáo đòi thày phải có chức năm. Trước tình cảnh rối ren này, thày Quy-ê-nô đã có ý định tự tử. Một bức thư đề ngày 9-7-1823 gửi cho Cha linh hồn, thày đã ghi lại cuộc chiến đấu gay go này, mà nhờ ơn Chúa, thày đã toàn thắng. Thày viết: “Cả một cuộc cách mạng sôi sục trong con”.

Sau cơn khủng hoảng trầm trọng này, thày xin vào Hội Cấm Phòng ở E (Aix) do Cha Rơ-xơ-vơ (Receveur) sáng lập. Cuối năm 1823, thày được nhận và lên đường đi E-ăng-Pơ-rô-văng (Aix-en-Provence). Sau 14 tháng thử thách, ngày 26-2-1925, thày chịu chức năm, ngày 19-3-1825 chịu chức sáu và 24-9 năm ấy, thày được thụ phong linh mục và làm lễ mở tay ngày lễ Tổng lãnh thiên thần Mi-ca-e

Mơ ước truyền giáo

Cha Tê-pha-nô Quy-ê-nô đem hết tâm hồn vào việc bổn phận hàng ngày. Trong một bức thư Cha viết: “Hiện nay con bù đầu với công việc: cứ 15 ngày con giải tội cho 100 người, mỗi ngày dọn bài và dạy bổn cho cả nhà dòng, dạy học mỗi ngày bốn tiếng không kể soạn bài và chấm bài. Lại còn thánh lễ, kinh nhật tụng, các việc đạo đức khác v.v… với tất cả các việc ấy, con không còn giờ để buồn chán”.

Tuy thế Cha vẫn không đau khổ vì hoàn cảnh như thế không cho Cha thực hiện được ước mơ truyền giáo ngày càng thôi thúc Cha mãnh liệt. Cha viết thư cho Cha Giám đốc chủng viện Bơ-săng-xông: “Con biết con không có đủ điều kiện xứng đáng với ơn gọi tốt đẹp ấy. Con không thể nói dài được vì con sẽ khóc hết nước mắt. Con rất buồn khi thấy lý tưởng con mơ ước cứ ngày một xa vời. Để tự an ủi, con chỉ còn mong rằng ít là sau này trên mồ con, người ta ghi lời sau này: Nơi đây an nghỉ một thừa sai truyền giáo bằng tâm hồn và ý chí”.

Nhưng những thử thách đó Chúa dùng để luyện lọc Cha nên mạnh mẽ và thánh thiện. Từ đây Cha trở thành dụng cụ mềm dẻo trong tay Thiên Chúa. Ngày 23-6-1827, Cha được nhận vào Hội Truyền Giáo Pa-ri. Biết tin này, ông bà thân sinh Cha buồn sầu. Cha viết thư an ủi, tỏ rõ lòng mình cương quyết theo ơn gọi thừa sai: “…cha mẹ muốn con nhận một xứ, việc đó không bao giờ xảy đến… cha mẹ báo cho con những khổ cực nơi truyền giáo, cha mẹ đừng lo, đối với con mọi sự đều khác. Hơn nữa con còn mơ ước mỗi ngày con như sắp phải chết đói, chết khát, bị chém đầu, bị giết hại vì đạo Chúa. Xin cha mẹ hãy đọc kinh lạy Cha: Xin vâng thánh ý Chúa. Phần con, con quả quyết rằng không ai có thể làm con sợ các khổ hình hay hối hận vì đã làm linh mục. Một khi đã biết thánh ý Chúa, không gì ngăn cản được con… Con lên đường đi Pa-ri”.

Ngày 27-1-1828, Cha rời Pa-ri đi Bóc-đô (Bordeau) chờ tàu, ngày 3-7 Cha cùng ba Cha thừa sai khác xuống tàu sang Đông Phương và tháng 10-1828, Cha đến Ma Cao. Từ năm 1580, Ma Cao là nơi tạm trú của các vị thừa sai chuẩn bị và Đông Dương và Trung Quốc. Cha ở đây học qua phong tục địa phương mà cha sắp tới, ngày 2-5-1829, Cha mặc quần áo Việt Nam cùng với mấy thày giảng xuống thuyền và ngày 7-5, hồi 2 giờ sáng, cha tới Bắc Việt. 83 ngày sau, Cha đã có mặt ở miền Nam. Mấy tháng trên đất truyền giáo, Cha đã viết thư rằng: “…tôi đã ở đây được ba tháng, chưa thạo tiếng, nhưng cũng biết tạm đủ để người ta hiểu tôi và tôi giải tội lúc cần. Tôi hy vọng chừng hai hay ba tháng nữa sẽ bắt đầu giảng được”.

Hồi này Giáo Hội Việt Nam còn được bình an, nhưng đã có những điềm báo trước một cuộc cấm cách sắp xảy đến.

Vị thừa sai trẻ tuổi đến chủng viện Lái Thiêu học tiếng và dạy La-tinh. Ngay từ đầu, Đức Cha Ta-be (Taberd) (Từ) đã hài lòng với Cha Quy-ê-nô, trong thư đề ngày 23-7-1830 viết về Hội Truyền Giáo, Đức Cha viết: “Cha Quy-ê-nô giúp việc truyền giáo ở các vùng lân cận chủng viện, tôi tin tưởng Cha sẽ làm vừa lòng bổn đạo”. Ngày 6-6-1831, Đức Cha viết thêm: “Cha Quy-ê-nô hăng hái giúp các người ngoại giáo và Cha đã thành công”.

Chức vụ Giám mục

Cha đang hăng say với việc tông đồ và dạy chủng viện thì vua Minh Mệnh ra sắc chỉ cấm đạo. Cha phải lên đường đi Sanh-ga-po (Singapore) cùng với các chủng sinh. Từ đây cuộc đời Cha chỉ còn là lẩn trốn. Cha hướng luôn hướng lòng về Việt Nam nơi Cha để lại đàn chiên yêu quý đang đau khổ. Nhưng chính trong lúc này, Chúa vạch chương trình cho Cha qua ý định của Đức Cha Ta-be. Ngày 15-7-1834, Đức Cha viết thư cho Hội Truyền Giáo Pa-ri rằng: “Không biết rồi đây tôi có thể được tin tức gì về Cha Giắc-ca (Phan) mà tôi muốn truyền chức Giám mục phó cho Người, nếu không tôi sẽ chọn cha Quy-ê-nô”. Cha Quy-ê-nô mới 32 tuổi và sang Việt Nam được 5 năm. Ngày 3-5-1835, Đức Cha Ta-be từ Pi-năng đến Sanh-ga-po truyền chức cho Cha Quy-ê-nô làm Giám mục hiệu tòa Mê-ten-lô-pô-li (Metellopolis). Sau ngày chịu chức, Đức Tân Giám mục viết thư cho các Bề trên chủng viện Hội Truyền Giáo rằng: “Chắc chắn là việc lựa chọn của Đức Cha Ta-be làm các Cha ngạc nhiên và việc đó cũng đã làm tôi là người đầu tiên ngạc nhiên hết sức. Nhưng việc đã rồi và Đấng đã có thể biến những viên đá trở thành con cái ông A-bơ-ra-ham sẽ tìm phương kế cứu chữa. Vậy xin tất cả các Cha cầu cùng Đấng ấy lấy lòng nhân từ làm phép lạ này”.

Trong bức thư gửi về cho Cha Bề trên Quy-ê-nô là họ hàng với Người, Người viết rằng: “Tôi được chọn làm Giám mục phó và mới được thụ phong. Chắc Cha sẽ nói: Sao! Điên dại thế! Một người vất vả mang gánh nặng mình còn chưa xong lại dám để gánh nặng người khác đè bẹp mình ư? Tôi xin Cha cầu cùng Chúa để việc rủi ro này đừng xảy đến, nhưng trái lại, tôi cứu được mình và hướng dẫn được người khác vào đường cứu độ”.

Chịu chức xong, Đức cha Quy-ê-nô chuẩn bị về Việt Nam ngay. Ngày 14-5-1835, Đức Cha xuống tàu Pháp để đến cửa biển Đà Nẵng. Ngày 21-6, sau bao nhiêu dè giữ không cho các quan biết, Đức Cha lên đất, ẩn ở một xứ nhỏ gần đấy. Thường khi các Cha đến giảng đạo ở miền đông có thói quen đổi tên. Năm 1829, Đức Cha nhận tên là Tri, lần này Đức Cha đổi tên là Thể.

Làm Giám mục ở nước Pháp thì lễ tấn phong trọng thể, mũ ngọc, gậy vàng, diễn văn, chúc mừng, tiệc tùng. Còn ở Việt Nam, Đức Cha Thể chỉ là người ngoài vòng pháp luật, chiếc đầu chỉ là giá tiền thưởng đắt hơn cái đầu khác một ít.

Qua những năm cấm cách thời Minh Mệnh và nhất là thời Tự Đức, Đức Cha phải trốn tránh luôn, nhưng hoạt động không ngừng. Đêm đến là lúc làm việc thuận tiện nhất, các ông Trùm đưa Đức Cha từ họ này đến họ khác, từ làng này đến làng kia. Đức Cha ở Quảng Ngãi rồi đi thăm các nơi như Kim Sơn, Bến Đa, Gò Xoài, Gia Hựu, đặt Tòa Giám mục ở Gò Thị. Nói là Tòa Giám mục nhưng thực ra chỉ là một túp lều nghèo hèn, giữa vườn tược um tùm để tránh những cặp mắt rình mò. Cơn bách hại ngày càng ngặt thêm, các Cha xin Đức Cha bỏ miền Trung vào Gia Định tránh cơn bắt bớ và bảo toàn tính mạng. Người ra lệnh cho các Cha và các chủng sinh về đấy và nói: “Phần Cha, Cha không đành lòng bỏ bổn đạo. Sống chết mặc thánh ý Chúa, may mà Chúa thương ban ơn tử đạo thì hạnh phúc biết bao”.

Quan quân ngày càng lục riết các đạo trưởng ngoại quốc. Phần thưởng đặt ra ngày càng tăng giá. Dù tin tưởng vào lòng trung thành của đoàn chiên, nhưng Đức Cha vẫn không quên con người yếu đuối, ham sống, sợ chết, nên cuộc đời vị Giám mục là ẩn núp trong bụi rậm, dưới hang hầm, ở những nơi người ngoài không ngờ tới, và cả giáo dân cũng không hay biết. Giả sử cuộc sống này chỉ qua trong một ngày, một tháng hay cùng lắm là trong một năm, nhưng đây kéo dài hàng chục năm thì phải có ý chí cương quyết và một nhân đức cao cả mới chịu đựng nổi cuộc tử đạo trắng này.

Đức Giám mục với tương lai của địa phận

Khốn cực chồng chất, nhưng Đức Cha Quy-ê-nô vẫn khôn ngoan sáng suốt chèo lái con thuyền địa phận lúc đó có 6 linh mục người Pháp, 1 linh mục Ý, 17 linh mục Việt Nam và khoảng 60.000 giáo hữu, nhưng bổn phận của đấng chủ chăn không chỉ là giữ gìn, cai trị mà còn phải gia tăng thêm con số.

Việc Đức Cha lo trước hết là hàng giáo phẩm Việt Nam, vì trong những ngày thử thách chỉ các Cha này có thể trực tiếp giúp đoàn chiên. Khi tất cả các Cha thừa sai phải ẩn trốn từ chỗ này đến chỗ khác, thì các linh mục Việt Nam, tuy không phải là dễ dàng, nhưng ít là có thể đi thăm viếng, rửa tội, giảng dạy, tóm lại là nhờ lòng can đảm và khéo léo, các ngài có thể duy trì được đời sống đạo đức của Giáo Hội.

Đức Cha mở hai chủng viện và ra lệnh cho mỗi linh mục phải có vài chú bé ở với mình để dạy dỗ và chuẩn bị cho họ vào chủng viện. Chính Đức Cha làm gương trước hết trong công việc cần thiết này. Hầu như năm nào, Đức Cha cũng gửi chủng sinh sang Pi-năng, năm 1840, 8 chủng sinh – 1841, 1842, 12 chủng sinh – 1844, 4 chủng sinh – 1846, 4 chủng sinh, và cứ như thế trong suốt đời Giám mục của Người.

Nên không gì lạ, năm 1835 khi mới nhận địa phận, Người có 17 linh mục Việt Nam mà đến năm 1936 Người đã có thêm 10 linh mục khác, và đến năm 1861, năm Người chết vì đạo, sau 26 năm làm Giám mục, Người đã truyền chức được 56 linh mục.

Đức Cha cũng lo lắng nâng cao chất lượng, Người chuẩn bị tóm tắt những điểm chính luật Giáo Hội để áp dụng vào tình hình miền Nam. Sau khi vua Minh Mệnh qua đời, giông tố bão táp dịu bớt, Người lợi dụng viết bộ luật này, và tháng 5-1841, Người mở công đồng Gò Thị để bàn các việc trong địa phận.

Ước ao phúc tử đạo

Giữa bao công việc bề bộn, Đức Cha Quy-ê-nô còn bị bệnh tật dày vò. Người đau thần kinh, cảm cúm, thổ ra máu, bị sốt nặng đến nỗi khoảng năm 1844 đến 1845 tưởng Người khó qua khỏi. Chịu trăm nghìn thử thách đau khổ, thế mà vị tông đồ của Chúa vẫn rút ra kết luận rằng: “Tôi thỏa mãn và tôi không bao giờ muốn đổi số phận của tôi lấy mọi sự sang trọng các nước trần gian. Tôi thích ở vị trí này là vì không bao giờ tôi thất vọng là tôi không được chết bởi lưỡi gươm của những người bách hại. Tôi không sợ kìm nung đỏ, giây chão, gươm giáo, hằng ngày xin hãy cầu cùng Chúa ban các thứ ấy cho tôi, để thân xác tôi được phân ra nhiều mảnh, được nghiền tán trong cối đá vì danh Chúa”.

Về sau Người lại viết: “Tôi ước ao được chết chém hay bị xử giảo hơn là chết vì bệnh”.

“Lưỡi gươm của vua miền Nam đã làm cho nhiều người chết vì đạo, luôn rút khỏi vỏ. Bạn đã chúc mừng tôi được vào số những người ấy. Tôi không dám chắc, không phải vì nơi tôi ở các người bách hại không tìm đến được, trái lại, tôi ở nơi nguy hiểm nhất trong ba địa phận. Nhưng vì tôi chưa xứng đáng được đặc ân này. Thật vậy, nếu tôi thấy lính đến cửa nhà tôi, tim tôi đập rất mạnh, không phải vì sợ mà vì vui mừng. Khi người ta trông thấy bạn đồng nghiệp và các bạn hữu của mình cứ lần lượt hết người này đến người khác ra đi, chỉ còn trơ lại một mình như một phần tử bất xứng thì thật nặng nề. Và một thừa sai, và nhất là một Giám mục lại sợ sệt khi các con cái của ông dũng cảm đón nhận gươm và lửa của kẻ bách hại thì thật không xứng đáng sao? …”

Đây vị Giám mục còn viết thư khác tỏ lòng ao ước thánh thiện:

“Tôi coi ngày có người đến nắm cổ áo tôi mà lôi đi là ngày đẹp nhất trong đời tôi…Tôi không sợ chết, trái lại, tôi ước ao thừng chão, gươm giáo, Thánh giá, kìm kẹp v.v… hơn là trong thấy một số bổn đạo hèn nhát…”

Ước mơ được thực hiện

Vào tháng 10-1861, tình hình ngày càng căng thẳng hơn, Cha chính của Đức Cha Quy-ê-nô, một Cha thừa sai, hai linh mục Việt Nam 70 tuổi và một số giáo hữu di cư vào Sài Gòn, vì ở đây tương đối bình an hơn, đợi thời thuận tiện sẽ trở về. Vị Giám mục bằng lòng cho họ đi nhưng nhất định không theo họ và kết thúc cuộc thảo luận bằng câu rất thông thường trong Phúc âm: “Người chăn chiên lành liều mạng sống mình vì đoàn chiên”. Như thế là Đức Cha đã ký vào bản án tử hình của mình.

Trong các bức thư gửi về gia đình còn cho chúng ta thấy rõ lòng mong ước phúc tử đạo của Đức Cha, nhưng người thấy mình chưa xứng đáng ơn cao trọng này, Người viết: “Cha mẹ tưởng con đã vào sổ những người được chết vì đạo ư? Nhưng con còn kém quá chưa đáng Chúa ưng nhận. Con cứ thoát khỏi luôn”.

Nhưng trong một bức thư, hình như Người linh cảm ngày diễm phúc ấy đã đến gần, Người viết thư từ giã mọi người rằng: “Vĩnh biệt cha thân yêu, vĩnh biệt bác kính mến và thăm hỏi các em, các cháu xa gần. Con gửi đến cho mọi người phép lành Giám mục của con. Xin cha cũng gửi phúc lành ấy đến cho con trước khi cha qua đời. Hy vọng chúng ta sẽ gặp nhau trên trời”.

Ngày 21-10-1861, tình thế nguy hiểm, Đức Cha bỏ Gò Thị sang Gò Bồi ở nhà bà Ma-đa-lê-na Huỳnh Thị Lưu. Thày Tuyên và chú Nghiêm đi cùng với Đức Cha. Gò Bồi cách Gò Thụ chừng vài cây số. Đức Cha ở đây làm các phép bí tích, dạy dỗ các giáo hữu bí mật tìm đến với Người.

Ngày 28-10, Đức Cha vừa làm lễ xong thì lính bổ vây nhà bà Lựu. Đức Cha, Thày Tuyên và chú Nghiêm xuống hầm đã dọn trước. Trong lúc rối loạn không ai nghĩ đến việc cất giấu đồ đạo. Lính trói mọi người trong nhà và lục soát khắp nô. Không ai chịu khai nơi ẩn náu của Đức Cha. Đã 48 tiếng rồi mà lnhf vẫn còn bao vây. Biết chắc không thoát nổi, 9 giờ tối ngày 29, Đức Cha Quy-ê-nô tự ra nộp mình. Thày Tuyên là người ra đầu tiên, vừa lên khỏi hang thày loạng choạng ngã xuống, bị lính bắt trói ngay; rồi đến chú Nghiêm cùng chung một số phận. Sau hết là Đức Cha Quy-ê-nô, vừa thấy Đức Cha, chúng quật ngã người xuống đất, reo hò, xông vào trói, nhưng Người ôn tồn nói: “Tôi có chạy trốn đâu mà trói chặt tôi đến thế”. Quan chỉ huy ra lệnh cởi trói và mặc dù rất mệt vì thiếu ăn thiếu ngủ, Người vẫn bắt đầu đọc kinh.

Mười giáo dân cũng bị bắt, đàn ông phải đeo gông. Sáng hôm sau quan hỏi giáo dân về các đồ lễ, Đức Cha trả lời thay cho họ: “Những cái ấy là của tôi, những người này không biết gì”. Quan mời dùng cơm, Người không thể ăn được vì mệt nhọc quá, chỉ uống một ít nước.

Lính đóng cũi xong, Đức Cha phải vào cũi. Trên tỉnh nghe tin bắt được Tây dương đạo trưởng thì sai ông đội Nam dẫn thêm 50 quân xuống giải về Bình Định. Đoàn quân này đến nơi, mọi việc đã thu xếp xong và đoàn áp giải khởi hành. Đang thời kỳ lụt lội, gặp nhiều quãng đường rất xấu, mỗi lần đến chỗ ấy là ông đội Nam leo lên trên nóc cũi Đức Cha, lính khiêng cũi có khi đi quan chỗ lội quá đầu gối, thỉnh thoảng Đức Cha bị ướt chút ít, nhưng rồi khi có cơn mưa to kéo dài lâu giờ, thì Người cũng bị ướt hết.

Đi qua mỗi làng, đoàn áp giải tù dừng lại, một người lính thổi kèn, bỡ ngỡ, dân làng kéo đến rất đông, khi thấy Tây Dương đạo trưởng trong cũi họ tò mò đến gần xem. Một số người không nói gì, còn số khác lăng mạ chửi rủa. Cảnh này diễn đi diễn lại nhiều lần; đến tỉnh Bình Định trời đã tối hẳn.

Được tin báo, quan tỉnh truyền đem các “tù nhân” đến xem mặt rồi đưa sang quan Tổng đốc. Quan này nổi giận sai đánh ông Hoa, Thày Tuyên và chú Nghiêm mỗi người 30 roi mây rồi truyền gian Đức Cha và ba người ở một nơi riêng với các tù khác. Quan cũng giao cho ông cai Phương phải lo việc ăn uống cho Đức Cha.

Mối lo sợ của các quan

Hôm sau phiên tòa khai mạc. Nhiều quan trong tỉnh tới dự. Đức Cha Quy-ê-nô ngồi trong cũi. Quan Tổng đốc bắt đầu thẩm vấn Đức Cha.

  • Ông đến xứ này làm gì?
  • Tôi đến để giảng đạo.
  • Ông ở đây bao lâu?
  • 33 năm.
  • Ông đã đi những đâu?
  • Tôi từ thủ đô đến các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, sau cùng lại về Bình Định.
  • Trong tỉnh Bình Định ông ở những đâu?
  • Tôi ở Xuân Trường.
  • Ông đến nhà bà Lựu lâu chưa?
  • Tôi ở được 10 ngày.

Hôm sau lại có cuộc thẩm vấn khác. Lần này quan hỏi Đức Cha về cuộc chiến tranh đang diễn ra ở miền Nam:

  • Ông nghĩ gì về chiến tranh ấy?
  • Tôi không biết gì, tôi đến đây giảng đạo đã 33 năm nay, lúc chỗ này, mai chỗ khác, quan muốn phạt thế nào tôi xin chịu, đừng hỏi tôi nhiều vô ích và rắc rối thêm vì tôi không biết chiến tranh.

Từ đấy các quan không tra khảo thêm nữa.

Ông cai Phương tận tình săn sóc Đức Cha. Mỗi ngày hai lần ông đưa thức ăn vào. Mấy ngày đầu Đức Cha còn ăn được chút ít, nhưng bốn năm ngày sau Đức Cha ngã bệnh nặng, không ăn không uống. Ông cai Phương xin phép quan Tổng đốc đưa Đức Cha ra khỏi cũi và đặt Đức Cha nằm trên tấm ván quen kê cho các tù nhân.

Bệnh tăng dần, ông lang đến cắt thuốc cho Người, Người từ chối. Quan truyền đánh đòn Thày Tuyên và chú Nghiêm thật đau chỉ vì Đức Cha không uống thuốc. Thương hai người, Đức Cha bằng lòng dù khi uống thuốc vào bệnh tình Đức Cha ngày càng trầm trọng hơn. Thái độ của các quan làm mọi người thắc mắc, ông đội canh gác Đức Cha làm chứng đã nghe linh nói với nhau rằng: “Các quan sợ nếu để Đức Cha sống, rất có thể vua truyền giải về kinh. Đức Cha sẽ khai mình đã ở đất này lâu năm như thế bất lợi cho các quan. Vì vậy, họ lo sợ, thông đồng với nhay bỏ chất độc vào thuốc”.

Lúc đó Cha Bưu cũng bị giam trong tù, Cha xin đến thăm Đức Cha nhưng không được mặc dù đã dùng đến tiền bạc là chìa khóa thường mở được mọi cánh cửa. Càng ngày Đức Cha càng kiệt sức, chiều ngày 14-11-1861, ông cai Phương dìu Đức Cha năm nghỉ và ra về. Đêm khuya một tù nhân nghe tiếng Đức Cha gọi tên Cha Bưu, rồi im lặng hoàn toàn.

Sáng hôm sau khi ông đội canh vào, Đức Cha đã qua đời. Đức Cha Quy-ê-nô, vị Giám mục thứ 10 của đại phận Đàng Trong đã chết cô đơn một mình trong ngục thất vì Danh Chúa Ki-tô, thọ 60 tuổi và làm Giám mục được 26 năm.

Cũng chính sáng ngày 15-11, án xử bá đao và chặt đầu Đức Cha tới Bình Định. Các người ngoại giáo nghe biết bảo nhau: “Tây dương đạo trưởng này phải thánh thiện lắm nên được trời đưa đi trước khi chịu xử”.

Quan Tổng đốc muốn thi hành như án, ông bảo lính: “Lôi xác ra ngoài, chặt đầu, trói vào giữa bốn đoạn tre rồi đem chôn”. Ông phó vương phản đối: “Người ta chết rồi, chặt đầu làm gì. Cứ để nghiên xác, trói vào bốn đoạn tre đem chôn”.

Lính lấy chiếu và khăn quan Tổng đốc cho, bó xác Đức Cha lại, buộc vào bốn đoạn tre đem chôn.

Chúa muốn hiển danh vị tông đồ tử đạo

Nhưng công việc vẫn chưa xong, 3 tháng sau vào tháng 2-1862, vua Tự Đức truyền lệnh phải quăng xác Đức Cha Quy-ê-nô xuống sông. Chúa dùng dịp này để làm hiển danh vị tông đồ tử đạo dũng cảm. Bổn đạo thu xếp với lính, cất giấu cho họ ít xương thánh. Nhưng lạ thay, xác Đức Cha còn nguyên vẹn, không xông mùi hôi thối, râu tóc quần áo vẫn y nguyên dù đã chôn dưới đất 3 tháng 18 ngày. Xác mềm mại đến nỗi người ta có thể để Đức Cha ngồi trong cái rổ. Ông cai Phương còn tả rõ thêm rằng: “Râu tóc Đức Cha còn nguyên, gió thổi làm rung động bộ râu vị tử đạo, quần áo không bị hư nát, xác còn tươi như vừa mới chết. Mọi người đều ca tụng nét mặt tươi đẹp của Đức Cha. Có người nói xác hơi có mùi, nhưng không đúng, đấy cho là mùi tre buộc xác ngâm nước lâu ngày vì người ta có thể bế xác Đức Cha trên tay mà không ngửi thấy gì”.

Xác Đức Cha phải bỏ xuống sông Bình Định, ở chỗ đối diện với xóm Phong, và bị mất tích.

Đức Cha Quy-ê-nô chết đi, theo lẽ tự nhiên có thể nói là mọi sự tan vỡ vì không có Đức Cha nào đến thay thế.

Vua Tự Đức vẫn tiếp tục cấm đạo nhưng từ đây xem ra đỡ căng thẳng. Rồi trong vụ âm mưu ám sát vua vị bại lộ thì thủ phạm lại chính là những quan xui vua giết người có đạo. Vua có vẻ ân hận nói: “Chúng đã lừa phỉnh ta, người có đạo là những thần dân trung tín của ta. Từ nay ta muốn bảo vệ đạo này. Hãy tìm cho ta các đạo trưởng để dạy đạo trong nước”.

Máu tử đạo của Đức Cha Quy-ê-nô đã đổ ra bảo vệ Đức Tin còn non yếu và đem ánh sáng đến cho bao người. Đức Cha đã chết vì đoàn chiên và đã cứu sống đoàn chiên.

Ngày 2-5-1909, Đức Thánh Cha Pi-ô X phong chân phúc cho Đức Cha Tê-pha-nô Quy-ê-nô, và ngày 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gioan Phao-lô II tôn Người lên bậc hiển thánh.

Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn