Ngày 14/7: Thánh Camilô Lellis – Linh mục, Lễ nhớ không buộc
Lễ nhớ không buộc
1. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Thánh Camilô sống thời kỳ Phục Hưng và Phản Cải Cách. Người qua đời ngày 14 tháng Bảy năm 1614 ở Roma gần Nhà thờ Thánh Nữ Madalêna, nơi đây, người ta tôn kính di hài của Ngài. Ngài được phong thánh năm 1746, và năm 1886 được tuyên bố là bổn mạng các bệnh nhân, bệnh viện và nhân viên bệnh viện.
Sinh ra trong tiểu quốc Naples năm 1550, trong một gia đình quí phái có nhiều thành viên thuộc quân ngũ (người cha từng tham gia vụ vây hãm khủng khiếp thành Roma năm 1527), Camilô cũng chọn nghiệp quân nhân. Nhưng dần dần Camilô lại sống buông thả, gia nhập những băng đảng nổi tiếng xấu và say mê trò đen đỏ, bài bạc, nô lệ thực sự vào tập quán xấu.
Năm 1575, sau cuộc nói chuyện với một tu huynh Capucin, Camilô cảm kích, nên đã trở lại và nhập tu dòng Phanxicô, nhưng vào tập viện chưa được bao lâu, Camilô bỏ ra. Lúc này nhân bị thương ở chân, Camilô đến chữa trị tại bệnh viện nan y Thánh Giacôbê ở Roma. Nhìn thấy những bệnh nhân bị bỏ rơi co ro trong cảnh nghèo khổ và theo lời khuyên của Thánh Philipphê Nêri, năm 1582, Camilô nghĩ tới việc thành lập một hội “gồm những người thiện chí, đạo đức, chuyên săn sóc người bệnh không phải vì lợi nhuận thu được nhưng vì tình yêu Thiên Chúa”. Vậy là một hội dòng ra đời, gọi tên là dòng các tu sĩ tôi tớ người tàn tật (hội dòng Camilô). Nhưng chính trong bệnh viện Chúa Thánh Thần rộng lớn ở Roma mà các linh mục giúp chết lành (tên khác gọi các tu sĩ dòng Camilô) bắt đầu thực thi nhiệm vụ của mình, giúp đỡ người bệnh phần xác cũng như tinh thần, theo lời khấn đặc biệt về bác ái của dòng qui định.
Thụ phong linh mục, Camilô quyết định lập trụ sở hội dòng gần Nhà thờ Thánh Nữ Madalêna, sống tại đây non hai mươi năm cho đến khi qua đời. Năm 1607, ngài từ chức tổng quyền để toàn tâm toàn ý phục vụ các bệnh nhân thân thương của mình.
2. Thông điệp và tính thời sự
Lời nguyện của ngày nhắc tới đức bác ái siêu vời của Thánh Camilô đối với các bệnh nhân. Cuốn Tiểu sử của Ngài, do một người bạn viết và Phụng vụ Bài đọc trích dẫn, nói rằng Ngài “nhìn thấy nơi các người bệnh chính Đức Kitô với một sự tưởng tượng sinh động đến nỗi thường khi trong lúc phục vụ bữa ăn cho họ, Ngài xem họ như những “kitô”, tới mức Ngài khẩn khoản cầu xin họ ban ơn và tha thứ cho tội lỗi mình”. Ngài xem người bệnh như chính Chúa mà Ngài là kẻ phục vụ. Ngài ao ước bệnh viện trở thành Nhà tiếp đón cho các bệnh nhân. Đích thân Ngài đứng tiếp nhận bệnh nhân. Ngày nọ, trả lời một vị hồng y đến tìm, Thánh Camilô đã trả lời rằng đang bận việc “với Đức Kitô”, nghĩa là với một bệnh nhân nghèo, rằng chỉ có thể tiếp Đức Hồng Y sau khi xong việc.
Thánh Camilô chịu nhiều thử thách do đủ thứ bệnh, cả những đau khổ tinh thần mà Người qui cho là tại ma quỷ. Ngài là tông đồ của người hấp hối, các bệnh nhân và tất cả những ai kém may mắn, bất kể họ là ai. Con người say mê đó là một trong ba khuôn mặt bác ái lớn cùng với Thánh Vinh Sơn Phaolô, Thánh Gioan Thiên Chúa, Ngài thường nói: “Tôi ao ước có một quả tim rộng lớn như thế giới”. Ngài dạy chúng ta biết chú tâm tới các bệnh nhân, trọng kính và yêu thương họ.
Enzo Lodi