Ngày 2/4: Thánh Đa-minh Vũ Đình Tước
Cha Đa-minh Tước sinh năm 1775 ở làng Trung Lao, tỉnh Nam Định, thuộc địa phận Bùi Chu. Cha dâng mình vào nhà Đức Chúa Trời từ khi còn nhỏ.
Chú Tước hiền lành nết na, thông minh, học hành tấn tới. Học xong tiểu chủng viện, chú được vào trường thần học. Ở đây Thày Tước chăm chỉ học tập, tu luyện các nhân đức để sau trở thành tông đồ thông thái nhiệt thành hăng hái giảng Tin Mừng cho đồng bào thân yêu.
Rồi thày Tước được Bề Trên gọi lên chức linh mục. Vị tân linh mục bước vào khúc ngoặt của cuộc đời. Cha hăng say phục vụ, hiến dâng tất cả cho Chúa và cho các linh hồn, Cha luôn tỏ lòng yêu thương trìu mến mọi người, tận tụy coi sóc con chiên.
Cha còn muốn hiến dâng trọn vẹn hơn, Cha xin vào dòng Thánh Đa-minh; ngày 17-4-1811 Cha được mặc áo dòng và một năm sau ngày 18-4-1812, Cha tuyên khấn trọng thể. Sự kiện này làm ngọn lửa yêu Chúa và yêu các linh hồn trong lòng Cha như càng cháy bùng lên.
Giông tố thời Minh Mệnh
Vua Gia Long qua đời, vua Minh Mệnh lên ngôi năm 1820, trên nền trời như bắt đầu xuất hiện một lớp mây mờ. Vua Minh Mệnh vốn ghét đạo, nhưng mấy năm đầu chưa ra mặt ngay. Năm 1827 vua ra sắc chỉ cấm các Tây dương đạo trưởng không được nhập cảnh và ra lệnh truy nã bắt các đạo trưởng trong nước. Năm 1833 lệnh cấm đạo được triệt để thi hành trong toàn quốc. Vua đã cất chức quan Tổng đốc Nam Định Trịnh Quang Khanh và Tuần phủ Hưng Yên vì không đốc thúc việc bắt bớ. Hai quan này sợ hãi ra sức truy lùng các bổn đạo để lập công. Vì thế Giáo Hội vùng Nam Định phải trải qua một cơn sóng gió phũ phàng. Khi sắc chỉ cấm đạo ban hành, Cha Tước đang coi xứ Xương Điền phải ẩn tránh để coi sóc con chiên; trong cơn gian nan Cha càng sốt sắng đọc kinh cầu nguyện, có khi Cha thức trắng đêm, rồi hôm sau lại dậy sớm làm lễ.
Chết tử đạo không gông cùm, không thẻ án
Sắc lệnh cấm đạo đã ban hành được 6 năm, đang vào thời kỳ gay gắt nhất, ai cũng có quyền bắt đạo trưởng. Vậy có người biết Cha Tước đang ở Xương Điền vội đi báo cho ông Bát Phương. Ngay đêm hôm ấy ông Bát Phương đem 30 người đến vây xóm Cha đang ẩn, chúng sục sạo mọi nơi, một người thấy Cha chạy ra vườn liền đón đầu quát: “Ai?” Cha trả lời: “Tôi là đạo trưởng”. Bổn đạo không dám làm gì vì tưởng là quan quân, đến sáng mới biết chúng là người nhà ông Bát Phương, thì bàn nhau cứu Cha, họ nộp tiền, nhưng ông Bát Phương không chịu vì mong được vua trọng thưởng. Thấy thế, họ bàn nhau đánh tháo Cha, mọi người kéo ra: đàn ông cầm gậy gộc, đàn bà trẻ em khiêng bì gio, thúng gạch. Quân của ông Bát Phương bỏ chạy, kéo theo cả Cha. Cha cố làm hiệu cho giáo dân đừng đuổi theo nữa, nhưng họ không nghe, một cuộc xô xát dữ dội, ông Bát Phương biết không thể bắt nổi Cha, phải bỏ Cha lại, tên Ngọc thấy thế rút gươm chém mạnh vào đầu Cha, máu chảy lênh láng, Cha ngã gục xuống. Giáo dân vừa kịp chạy đến, tìm cách cứu sống Cha, nhưng vết thương sâu quá, Cha biết mình sẽ chết, Cha sốt sắng đọc kinh, kêu ba tên cực trọng rồi tắt thở, hôm ấy là ngày 2-4-1839 sau một giờ bị tử thương. Xác Cha trước táng ở Văn Lý, rồi đưa về xứ Xương Điền.
Ngày 27-5-1900, Đức Thánh Cha Lê-ô XIII phong chân phúc cho Cha Đa-minh Tước.
Ngày 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn người lên bậc hiển thánh.
Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn