Ngày 2/4: Thánh Phanxicô Phaolô, Lễ nhớ tùy chọn
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Francois (Francesco Martolilla) sinh tại Paola (Paule), xứ Calabre, khoảng năm 1416. Lên mười ba tuổi, ngài sống một năm tại cộng đoàn Anh Em Hèn Mọn, nhưng không lưu lại đó vì thích đời ẩn tu hơn. Sau cuộc hành hương tại Mont–Cassin, Lorette và Rôma, Francois trở về Calabre, gần Paola để sống đời ẩn dật. Nhưng chẳng bao lâu, các môn đệ muốn noi gương cùng hâm mộ sự thánh thiện và các phép lạ của người, nên đến sống với ngài. Vì thế ngài sáng lập các Đan viện và một Dòng tu mới được xuất hiện: Dòng tu sĩ rất hèn mọn, với tu luật rất nghiêm nhặt và sau nhiều lần chỉnh sửa, đã được Đức Giáo Hoàng Síxte IV phê chuẩn lần đầu tiên vào năm 1474.
Năm 1482, Francois de Paule vâng lệnh Đức Giáo Hoàng sang Pháp, sau khi đã được vua Louis XI triệu tập tại Plessis-lez-Tours. Ngài nâng đỡ tinh thần đức vua lúc ấy đang bệnh trầm trọng và an ủi người cho đến lúc tắt thở (30 tháng 8 năm 1483). Sau khi nhà vua qua đời, thánh nhân được mời ở lại, làm cố vấn tinh thần cho các vị vua kế tiếp như Charles VIII và Louis XII. Trong thời kỳ ấy, Dòng tu sĩ rất hèn mọn được thiết lập và phát triển tại Pháp: ở Plessis-lez-Tours, Amboise, Paris… Trong các thành viên của Dòng có cha Marin Mersenne là người rất nổi tiếng, thường liên lạc thư từ với triết gia Descartes. Hiện nay Dòng còn hiện diện tại Ý, Tây Ban Nha.
Thánh nhân qua đời lúc chín mươi tuổi, tại Plessis-lez-Tours, ngày 2 tháng 4 năm 1507 nhằm thứ sáu tuần thánh. Ngài được phong hiển thánh năm 1519 và được tôn sùng như Đấng bảo trợ cho những nhà hàng hải.
2. Thông điệp và tính thời sự
a. Lời nguyện riêng của lễ thánh Francois nêu rõ nhân đức khiêm nhường cùng với lòng bác ái đã làm nên nét đặc trưng cho cuộc đời thánh ẩn tu. Như Phan-xi-cô Assise, người đã thích làm giáo dân thật giản dị.
Khi lập một Dòng mới, Francois de Paule cổ vũ môn đệ trước tiên nên thực thi đức khiêm nhường bằng cách gọi họ là kẻ “Hèn Mọn”, nghĩa là các anh em nhỏ bé nhất hay rốt hèn nhất. Lúc hành hương tới Rôma và ngạc nhiên trước vẻ xa hoa của các Hồng y, người phê phán gay gắt một trong các vị ấy đã sống nghịch với Tin Mừng.
b. Một nhân đức khác mà thánh ẩn tu không ngừng rao giảng, đó là đức bác ái. Phương châm của ngài và các môn đệ thật đơn giản: “Caritas”, nghĩa là bác ái, yêu thương. Mặc dù luật Dòng rất nghiêm nhặt, (qui định sống tinh thần “mùa chay trường kỳ” suốt trong năm), thánh Francois vẫn nhấn mạnh việc thực thi đức bác ái: “Vì thế, anh em hãy chú tâm suy gẫm cuộc thương khó của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô. Do lòng yêu thương nồng nàn, Người đã từ trời xuống để cứu chuộc chúng ta… Người đã nêu gương sáng chói về Đức nhẫn nhục và lòng yêu thương để ta noi theo… anh em hãy từ bỏ mọi thái độ giận ghét và thù địch. Hãy để ý tránh những lời cứng cỏi… anh em hãy yêu mến sự bình an. Đó là kho tàng quí giá nhất, đáng ước ao hơn cả”. Người cổ vũ môn sinh của mình như thế qua một lá thư viết tại Tours năm 1486.
Francois de Paule thích gọi mình là “người Hèn Mọn nhất trong mọi con cái Chúa” nên hằng quan tâm lo lắng cho mọi người. Vì thế trên giường chết, ngài đã cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu rất đáng yêu mến, xin gìn giữ những người công chính, xin ban ơn công chính cho kẻ tội lỗi, xin thương xót mọi tín hữu còn sống và đã ly trần, xin dủ lòng thương con dẫu con chỉ là một kẻ tội lỗi rất bất xứng”.
Enzo Lodi