Ngày 25/05: Thánh Phê-rô Đoàn Văn Vân – Thầy Giảng, tử đạo Việt Nam
Thày Phê-rô Đoàn Văn Vân sinh năm 1780 ở làng Kẻ Bói, xứ Kẻ Sông tỉnh Hà Nam. Thày vào nhà Đức Chúa Trời từ bé, ở với cha Thi, rồi vào chủng viện. Năm 25 tuổi lên chức thày giảng và sau làm thày cai ở xứ Bầu Nọ.
Thày cai gương mẫu
Thày chăm chỉ làm việc, cần thận coi sóc của cải nhà xứ, ở tiết kiệm, ăn mặc khó khăn, nhưng lại rộng rãi với người nghèo. Thày hoà nhã với mọi người, làm việc gì thày cũng vâng theo ý cha xứ.
Thày rất đạo đức, sốt sắng, siêng năng đọc kinh, xưng tội, rước lễ, hay thăm viếng an ủi khuyên bảo các người ốm đau và đọc sách cho họ nghe. Thày làm trung gian để dàn hoà các cuộc cãi cọ, tranh chấp và thường lấy gương Chúa Giêsu tha cho kẻ làm khổ mình để mọi người bắt chước.

Thày chi dụng, phân phát của cải nhà xứ cách công bằng, minh bạch. Thày thật là người đầy tớ trung thành mà Phúc âm đã khen rằng: “Đây là tôi tớ tốt lành và trung tín Chúa đã đặt lên trông coi gia đình Chúa”.
Cha già Lý, cha xứ Bầu Nọ rất tín nhiệm thày, giao phó mọi sự trong tay thày và yên tâm đi làm phúc lo việc thiêng liêng cho bổn đạo.
Thày nổi tiếng trong cả địa phận đến nỗi muốn khen thày cai nào thì người ta quen nói rằng: “Thày này nhân đức như thày cai Vân”.
Thày làm cai lâu năm, năm 70 tuổi mới được nghỉ việc và một thời gian sau, thày bị bắt vì đạo.
Đạo trưởng hay đạo đồ
Ở làng Nỗ Lực (Bầu Nọ) có ông lý Tưởng và ông Huống đánh bạc thua hết tiền thuế của dân. Họ phải bồi thưởng cho nhà nước, nhưng vì túng quá nên vào vay thóc nhà xứ.
Cha xứ đi vắng, thày Vân ở nhà không cho vay. Họ thù và để lập công chuộc tội, họ tố giác với quan phủ Lâm Thao rằng: làng Nỗ Lực có đạo trưởng, đạo đường, đạo quán. Quan đem lính về vây ngay nhưng không bắt được ai.
Mấy ngày sau hai ông Tưởng và Huống với năm đầy tớ gặp thày Vân ở làng Tiên Cát, chúng bắt thày đem về nhà Chánh Tổng rồi đóng gông giải lên phủ.
Hai ông khai man với quan rằng: “Chúng tôi bắt được đạo trưởng đem nộp”. Quan ra lệnh giam thày vào ngục. Mấy ngày sau, quan đòi thày lên công đường hỏi: “Quê lão ở đâu?” Thày thưa: “Tôi đi tu từ bé, không rõ quê quán ở đâu, hình như ở phủ Lý Nhân”.
- Ông đã đi những đâu?
- Tôi nay đây mai đó khắp cả tỉnh Sơn Tây. Khi cấm đạo, ai cho tôi trọ, tôi ở đấy, lúc nào họ không bằng lòng tôi lại đi nơi khác.
- Các đạo trưởng đi đâu cả?
- Tôi không biết.
- Ông là đạo trưởng hay đạo đồ?
- Tôi là thày giảng giúp các đạo trưởng.
Quan không tin bảo: “Ông bằng ấy tuổi rồi mà chưa được thăng chức ấy sao?” Thày thưa: “Tôi khai thật, không dám khai man, quan lớn muốn cho tôi là đạo trưởng thì tuỳ ý quan lớn tôi không dám nhận”. Quan lại bảo: “Thôi ông đã già rồi, quá khoá đi, ta sẽ cho về, đừng liều lĩnh mà khốn đến thân”. Thày can đảm thưa: “Tôi giữ đạo từ bé đến bây giờ, đã bấy nhiêu tuổi, lẽ gì mà tôi lại bỏ đạo; sống chết tôi không quá khoá”.
Quan cố dỗ dành thày nhận mình là đạo trưởng nhưng thày không chịu, cứ một mực nói rằng: “Tôi là thày giảng, là con cái các đạo trưởng, tôi chưa chịu chức thánh ấy, nếu tôi nhận là đạo trưởng thì tôi phạm tội nói dối”.
Thày phải giam ở phủ Lâm Thao bốn tháng, bổn đạo không dám đi lại thăm nom, sợ lính khuấy khuất và quan bắt vạ. Chỉ có cha Nghiêm vào trộm hai lần giải tội cho thày và nhờ ông Lê Văn Giáp đưa Mình Thánh cho thày.
Quan phủ không thể dụ dỗ thày quá khoá được thì khép án thày phải trảm quyết, gửi án và truyền giải thày lên tỉnh. Án đó nói sai sự thực vì thày Vân không bao giờ nhận mình là đạo trưởng.
Trời báo oán cho người lành
Quan tỉnh cứ theo án ấy đệ vào kinh, thày phải giam ở tỉnh hai tháng chịu bao nhiêu khốn khó sỉ nhục vì cha Lý nghèo không có tiền cấp dưỡng nên thày phải đói khát, túng thiếu, và vì không có gì cho lính canh nên bị chúng khinh dể. Cha Lý phải sai chị Ân dòng Mến Thánh Giá cùng với chị Hợp đi quyên nơi khác, hết tỉnh Sơn Tây đến tỉnh Hà Nam, được bao nhiêu tiền giao cho ông cai Vải lo liệu cơm nước cho thày. Tuy thế thày luôn vui vẻ, chịu bằng lòng, dâng mọi sự cho Chúa để dọn mình đón phúc trọng đại.
Hai tháng sau, vua châu phê án, tư cho quan tỉnh Sơn Tây như sau:
“Tên Đoàn Văn Vân là đạo trưởng Giatô, nó quyết thà chết hơn là bỏ đạo, phải xử nó không nên trì hoãn. Vậy phải trảm quyết nó ngay”.
Ngày 25-5-1857, quan Giám sát cưỡi voi và 50 lính điệu thày đi xử. Thày Vân nét mặt tươi vui, nhưng vì tuổi già, lại ở tù 6 tháng nên đi chậm. Phải có hai người lính đỡ đầu gông, một người quàng dây thừng vào cổ thày lôi đi.
Đến pháp trường, lính đứng vây xung quanh, bẻ xiềng, trói thày vào cọc. Ông trưởng phố ở đấy là ông Đa-minh Nhân đưa cho ông Phê-rô Thông chiếc chiếu để giải ra cho thày quỳ. Thày xin được cầu nguyện một lúc. Hồi chiêng chưa dứt, lính chém đầu thày, ba nhát mới đứt, lính tung đầu lên và quan quân kéo nhau về.
Một quang cảnh ồn ào hỗn độn xảy ra: Người lấy giấy, lấy vải, xé áo, xé khăn chen chúc nhau xông vào thấm máu vị tuyên xưng Đức Tin. Giáo hữu xứ Bách Lộc chôn xác thày ở đây, sau cải táng đưa về nhà thờ Bách Lộc.
Những kẻ tố cáo làm khổ thày về sau gặp nhiều sự khốn khó. Ông lý Huống bị giặc chém chết ở bến đò Trình Xá, xác vất xuống sông không tìm thấy. Quan phủ Lâm Thao được thăng chức tổng đốc Hưng Yên, nhưng ít lâu sau phải giáng cấp. Ông hối hận và thường nói: “Tại tôi làm khổ người vô tội nên trời báo oán”.
Thày Đoàn Văn Vân kết thúc cuộc đời trần thế năm 77 tuổi, thân xác già yếu, nhưng lòng tin mạnh mẽ không suy giảm, cái chết anh hùng của thày là tấm gương kiên trung cho hậu thế.
Ngày 2-5-1909, Đức Thánh Cha Pi-ô X đã phong chân phúc cho thày Phêrô Đoàn Văn Vân.
Ngày 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã tôn phong thày lên bậc hiển thánh.
Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn