Ngày 26/7: Thánh Gio-an Kim và Thánh An-na – Song thân Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Lễ nhớ
Lễ nhớ
1. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Ngày lễ song thân Đức Trinh Nữ Maria trùng với ngày cung hiến Đại Thánh Đường Thánh Anna ở Constantinople vào khoảng năm 550. Từ thế kỷ XIII, lễ này đã phổ biến sang phương Tây qua các đoàn thập tự chinh, nhưng mãi đến 1584 mới thấy xuất hiện trong sách lễ Roma. Còn lễ Thánh Gioakim thì mãi 1522 mới thấy nhập vào phương Tây. Việc kết hợp hai lễ riêng lẻ này thành một lễ kính “ông bà” của Đức Giêsu, tức là hai vị “công chính” Gioakim và Anna, đã thấy xuất hiện trong phụng vụ dòng Phan Sinh vào ngày 20 tháng Ba, rồi vào nhiều ngày khác. Tại phương Đông, lịch Byzance mừng kính các Thánh Gioakim và Anna vào ngày 9 tháng Chín, ngày tiếp sau lễ sinh nhật Đức Maria, theo tập quán muốn mừng cha mẹ vì đã sinh con. Từ năm 1968, song thân của Đức Maria được mừng chung. Tất cả những gì chúng ta biết về các ngài là nhờ cuốn Ngụy Phúc Âm của Giacôbê, một bản ngụy kinh thuộc thế kỷ II, trong đó kể rằng, Đức Maria đã được sinh ra cách kỳ diệu do hai cha mẹ son sẻ: sứ thần báo tin cho ông Gioakim sau khi ăn chay bốn mươi ngày, rằng lời nguyện của ông được chấp nhận, trong khi Bà Anna đứng đợi ông nơi Cửa Vàng ở Jérusalem.
Thánh Anna được đặc biệt tôn kính ở làng Sainte Anne d’Auray (Bretagne) và làng Sainte Anne de Beaupré (Canada).
2. Thông điệp và tính thời sự
Cac lời nguyện trong Thánh Lễ lấy từ sách lễ Paris 1738, nhấn mạnh hai điểm cùng có trong những bản văn phụng vụ khác.
Lời nguyện trong ngày và lời nguyện trên lễ vật mừng song thân Đức Maria, Đấng mang ơn cứu rỗi đến cho chúng ta cũng như mang “lời chúc phúc đã hứa cho Abraham và miêu duệ Người”. Đây chính là sự tiếp nối nhiệm cục cứu rỗi của Thiên Chúa, ý định này đã được thực hiện từ Abraham, qua các tổ phụ trong niềm tin, đến với hai thánh Gioakim và Anna, đến Đức Maria con của các ngài và Đức Giêsu Con Mẹ. Thiên Chúa vẫn trung thành suốt chuỗi dài các thế hệ đó, nhờ thế chúng ta cũng được hưởng những ân huệ trong sự cứu rỗi muôn đời và trong lời chúc phúc đã hứa với Abraham và miêu duệ Ông.
Lời nguyện hiệp lễ nhấn mạnh mầu nhiệm này: Thiên Chúa đã muốn Con Một mình “sinh bởi một gia đình nhân loại”. Quả thế, qua việc chọn dân riêng, Chúa đã tặng cho toàn nhân loại ơn cứu rỗi, nhân loại mà Người là thành viên không thể chia lìa. Vì thế đích thân Thiên Chúa trở thành liên đới với loài người.
Trong Phụng vụ Bài đọc, bài giảng của Thánh Gioan Đamascênô lấy lại tư tưởng đó: “Thánh Gioakim và Thánh Anna là cặp vợ chồng thanh khiết ! Khi các ngài tuân giữ sự khiết tịnh trong luật lệ tự nhiên, các ngài đã được thưởng điều vượt quá những gì thiên nhiên ban tặng, đó là đã sinh ra cho thế gian Đấng không ăn ở với chồng nhưng sẽ là Mẹ Thiên Chúa”.
Enzo Lodi