Ngày 29/4: Thánh Catarina thành Siêna – Trinh nữ, tiến sĩ hội thánh, Lễ nhớ

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Ngày lễ nhớ Catherine de Sienne cũng là ngày kỷ niệm thánh nữ qua đời tại Rô-ma 29.04.1380, ngay lúc bắt đầu cuộc đại ly khai tại Tây Phương (1378–1417). Bà được phong thánh năm 1461 và được tôn làm Đấng Bảo Trợ nước Ý năm 1939, cuối cùng được phong tiến sĩ Hội thánh năm 1970.

Catherine Benincasa là người con thứ hai mươi lăm và là con út của một gia đình thợ thủ công. Người sinh tại Sienne vùng Toscane, có lẽ vào ngày 25.03.1347. Thân phụ là thợ nhuộm và thân mẫu là con của một thi sĩ. Bà có một tâm hồn thấm nhuần tinh thần thần bí sâu sắc và là “thần đồng kỳ diệu”, được Chúa ban cho những cảm nghiệm siêu nhiên từ lúc lên sáu hoặc bảy tuổi. Thánh nữ nói đã “nhìn thấy” Đức Kitô và Mẹ Maria và tự hiến cho Thiên Chúa khi cử hành cuộc “hôn nhân thần bí” với Đức Giê-su lúc tám tuổi.

Năm hai mươi tuổi, Catherine say mê đời sống cô tịch, khổ chế cùng kinh nguyện và được thâu nhận vào Dòng Ba Đa-minh ở Sienne, thường được dân chúng gọi là “Mantellate”. Như thế, chị thực hiện được giấc mộng xưa của mình: “Tôi muốn trở thành Nữ tu Đa-minh để rao giảng đạo Chúa và hoán cải những người lạc giáo”.

– Với tâm hồn chiêm niệm đồng thời cũng thiên về hoạt động, Catherine qui tụ quanh mình một nhóm môn đệ. Sau này, họ trở thành các nhà truyền giáo lưu động, đi khắp nước Ý, đến tận vùng Provence và quận Venaissin. Họ đọc Kinh thánh, cùng nhau suy niệm, nghiên cứu các nhà thần bí và thần học của Tôma Aquinô cùng ngâm thơ trong tác phẩm “Hài kịch thần linh” của Dante … Ba môn đệ làm “thư ký” cho người – trong đó có Raymond de Capoue. Họ tuyển tập, sắp xếp và biên soạn tập nhật ký linh đạo của Catherine vì Bà không biết viết.

– Giai đoạn lịch sử trong đời Catherine được đánh dấu bởi việc các Giáo Hoàng sống lưu vong tại Avignon (1309 – 1376). Người ta gọi giai đoạn đáng buồn này là “Cuộc lưu đày Babylon lần thứ hai”. Thế nhưng, chính nhờ những lời nài nỉ của thánh Catherine de Sienne mà Đức Giáo Hoàng Grégoire XI chấm dứt cuộc “lưu đày” này. Bà đã viết cho Đức Giáo Hoàng vào năm 1371 như sau:

“Vậy xin Đức Thánh Cha hãy lắng nghe lời Đức Giêsu Kitô nói với ngài: Triều đại ngươi ở trần thế làm hại đến Thiên triều của Ta … Vì thế ngươi hãy trở lại Rôma, trở lại Giáo Tòa của ngươi càng sớm càng tốt”. Rồi đến ngày 18 tháng 6 năm 1376, thánh nữ đến Avignon với sự hộ tống của các tu sĩ thuộc “Gia đình” Dòng tu của mình. Ba tháng sau, khoảng cuối năm, Đức Giáo Hoàng trở về Rôma.

– Vào ngày Đức Giáo Hoàng Grégoire XI (1378) qua đời và dịp bầu cử Đức Urbain VI, cuộc đại ly giáo ở Tây Phương (1378 – 1417) bùng vỡ. Đối lập với Giáo Hoàng hợp pháp Urbain VI ở tại Rôma, người ta đặt một Phản Giáo Hoàng khác, Đức Clément VII (1378 – 1394). Vị này tổ chức giáo triều của mình tại Avignon và được nước Pháp cùng vài nước đồng minh ủng hộ. Catherine de Sienne công nhận Đức Giáo Hoàng hợp pháp Urbain VI, và tự hiến làm lễ hy sinh để đem lại an bình. Song các hoạt động của Bà đã không chấm dứt được các mối phân rẽ đang xâu xé Hội thánh và các dân tộc ở Châu Âu.

– Catherine de Sienne qua đời tại Rô-ma, lúc ba mươi ba tuổi, trong khi phục vụ vị Giáo Hoàng mà Bà gọi là “Đức Ki-tô hiền lành tại thế”. Với tư cách là người tư vấn cho các Giáo Hoàng, là “dolcissima mamma” (mẹ rất hiền) cho “Gia đình” Tu sĩ lẫn giáo dân hằng tận tụy với Bà để phục vụ Tin Mừng, Bà được đặc ân lãnh nhận 5 dấu thánh, thánh nữ đã dâng hiến đời mình để chấm dứt cuộc đại ly giáo ấy.

– Ngoài vai trò chính trị và tôn giáo, Catherine de Sienne còn ảnh hưởng rất lớn đến nền Linh đạo thần bí, đặc biệt nhờ các tác phẩm của Bà: các Thư từ và cuốn Đối thoại được kể như là các tác phẩm cổ điển trong nền văn học Ý.

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Lời nguyện nhắc đến tình yêu nồng nàn của thánh Catherine khiến Bà tha thiết chiêm ngưỡng Đức Giêsu chịu khổ nạn và hăng say phục vụ Hội thánh.

Catherine cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu rất nhân lành và dịu dàng, Chúa đang ở nơi nào, trong khi hồn con đang phải chịu đựng muôn vàn đau đớn như thế này ? – Đức Giêsu trả lời: Ta ở sâu thẳm trong lòng con. Quả thật, Ta không bao giờ rời xa tâm hồn của các bạn bè Ta … Ta ngự trong tâm hồn con cũng như Ta ở trên thập giá, trong một trạng thái đau đớn và hạnh phúc”. Trong cuộc đối thoại liên tục với “Đấng yêu dấu” đã có lần nói với thánh nữ: “Hãy nhớ đến Ta và Ta sẽ nhớ đến con”, thánh nữ chỉ biết lặp lại mỗi câu này: “Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Ngài ! Con chỉ yêu một mình Ngài”. Những lời sau cùng của Catherine cho thấy cả cuộc đời mình “tràn ngập tình yêu Thiên Chúa” nồng nàn: “Lạy Đấng con yêu mến, Ngài đã gọi con, giờ đây con xin đến ! Con đến mà không mang theo công trạng gì trong tay, nhưng chỉ trông chờ lòng nhân lành và quyền năng do Máu Thánh Chúa đổ ra”.

Tình yêu nhiệt nồng của Catherine là nguồn của mọi hoạt động khi Bà tiếp xúc với các Giáo Hoàng, các Hồng y, giám mục, vua Chúa, các nhà quí tộc, thương gia và với các tầng lớp dân chúng ... “Tôi là Catherine, đây là lời khai đề quen thuộc trong các thư của bà, là nữ tỳ và nô lệ cho các tôi tớ của Đức Giêsu, tôi viết thư này cho các người nhân danh Máu Thánh châu báu của Chúa chúng ta, với mong ước được thấy các người được đắm mình trong Máu Thánh của Người...”

Một giáo thuyết chắc chắn và thâm sâu xuất phát từ tâm hồn Catherine và được diễn tả bằng các hình ảnh và biểu tượng như sau: “Đức Giêsu phán: Làm sao các tôi tớ của Ta ở đời này có được các vật bảo chứng cho cuộc sống đời đời ? Quả thật, Ta nói với con: họ có được khi nhận ra trong tâm hồn họ lòng nhân lành và chân lý của Ta. Sự nhận biết ấy là do Ta soi sáng trí tuệ và do đức tin là đôi mắt của tâm hồn chiếu soi… Ánh sáng đức tin khiến họ phân biệt, hiểu biết cùng noi theo con đường và giáo thuyết về chân lý là Ngôi Lời nhập thể” (Đối thoại chương 45).

b. Qua một lá thư, Catherine cổ vũ Hồng y Lune như sau: “Chính trong Máu châu báu của Đấng Cứu Thế mà chúng ta biết được chân lý dưới ánh sáng của đức tin rất thánh thiện … Thưa Cha kính mến, xin Cha hãy say mê chân lý. Như thế, Cha sẽ trở nên rường cột trong nhiệm thể Hội thánh”. Catherine mong ước Hội thánh trở thành một vườn hoa xinh tươi, trong đó chỉ có “Các bông hoa thơm ngát; vì các mục tử và các giám chức phải là những tôi tớ chân chính của Đức Giêsu Kitô, hằng chuyên cần hoạt động để tôn vinh Thiên Chúa và cứu rỗi các tâm hồn”. Vì thế, Catherine ý thức rằng mình “đến trần thế để xóa mờ gương xấu to lớn gây nên bởi cuộc ly giáo” nên thánh nữ đã cổ vũ Đức Giáo Hoàng Grégoire XI nhổ đi “Các bông hoa thối rữa, đó là các mục tử và bề trên đang làm hoen ố Hội thánh”.

c. Vậy Catherine đã múc lấy biết bao nhiêu sự can đảm và khôn ngoan từ đâu ? “Đức Giêsu nói với Bà: Hỡi con, hãy biết rằng chỉ mình ta là Đấng hiện hữu, trong khi con, con chỉ là hư vô”. Do đó, mặc dù không ngừng hoạt động, Bà vẫn dành cuộc đời mình để tìm kiếm sự thân tình với Thiên Chúa. “Lạy Ba ngôi vĩnh cửu, Ngài ví tựa đại dương sâu thẳm, càng tìm con càng thấy; càng thấy con càng tìm … Vì khi chính bản thân con được mặc lấy Ngài, con đã thấy con là hình ảnh của Ngài … Chúa là tấm áo che cho con khỏi trần trụi. Chúa lấy sự dịu ngọt của Chúa mà nuôi dưỡng chúng con là những kẻ đang đói lả, vì Chúa ngọt ngào không chút đắng cay. Ôi lạy Ba Ngôi vĩnh cửu!” (Bài đọc – Kinh sách).

– Bí quyết của sự khôn ngoan và nên thánh của Catherine de Sienne, tiến sĩ Hội thánh, được bày tỏ trong lời kinh khi chấm dứt cuộc Đối thoại của Bà với Cha muôn thuở: “Lạy Chúa là chân lý vĩnh cửu, xin cho con được mặc lấy Ngài, để con được đi qua cuộc đời hay chết này bằng niềm vâng phục đích thực đối với Chúa và dưới ánh sáng đức tin rất thánh thiện chiếu soi. Đó là nguồn ánh sáng khiến lòng con say sưa chiêm ngắm Chúa. Tạ ơn Chúa. A-men”

Enzo Lodi