Tài liệu Hoa Mân Côi và Hội trưởng gia đình Giáo phận tháng 5.2025

Trong tháng này, hãy cầu nguyện cho mọi người có công ăn việc làm, để nuôi sống bản thân và gia đình, đồng thời nhờ lao động chân chính, giúp họ được thăng tiến về những giá trị nhân bản và giúp họ biết tiết kiệm và quý trọng thành quả của lao động.  

HOA MÂN CÔI Tháng 5.2025

File PDF A4 File PDF A5 File Word A4 File Word A5

HỘI TRƯỞNG GIA ĐÌNH – Tháng 5.2025

File PDF File Word

HOA MÂN CÔI Tháng 5.2025

Ý cầu nguyện: Trong tháng này, chị em hãy cầu nguyện cho mọi người có công ăn việc làm, để nuôi sống bản thân và gia đình, đồng thời nhờ lao động chân chính, giúp họ được thăng tiến về những giá trị nhân bản và giúp họ biết tiết kiệm và quý trọng thành quả của lao động.  

I . ĐỌC TIN MỪNG: Lc 24, 46-53 (Tin mừng Lu-ca chương 24 từ câu 46 đến câu 53. Mọi người đọc chung, đọc chậm rãi ít nhất là 3 lần và tinh lặng ít phút sau mỗi lần đọc).

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Lu-ca  Lc 24, 46-53

46 Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với các môn đệ và nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.

49 “Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống.”

50 Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. 51 Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. 52 Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ, 53 và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.

  1. GỢI Ý CHIA SẺ
  • Nội dung đoạn Tin mừng trên, nói về điều gì ?
  • Đoạn Tin mừng trên đây, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: Đấng Kitô phải chịu chết, rồi ngày thứ ba sẽ sống lại và Ngài nhắc nhở các môn đệ phải nhân danh Ngài mà rao giảng cho muôn dân, đồng thời Ngài nói: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này”.
  • Sau khi căn dặn xong, Ngài rời các ông mà lên trời.  
  • Qua đoạn Tin mừng trên đây, Chúa nói gì với tôi ?
  • Điều Chúa căn dặn các tông đồ xưa kia, trước khi Ngài về trời, chính là lời Chúa mời gọi tôi ngày hôm nay.
  • Xưa kia Chúa bảo các tông đồ làm chứng nhân cho Chúa thì ngày hôm nay Chúa cũng mời gọi tôi làm chứng nhân cho Ngài bằng chính gương sáng đời sống đạo đức của tôi nơi môi trường sống của tôi.
  • Chúa mời gọi tôi như vậy, tôi đã làm được gì ?
  • Hôm nay, khi suy nghĩ về việc Chúa Giêsu lên Trời khiến tôi phải sửa sai quan niệm về thiên đàng hay về Trời của tôi. Bởi vì, từ trước tới nay, tôi vẫn cứ tưởng Trời hay thiên đàng là một khoảng không vũ trụ bao la xa vời trên đầu tôi, còn nơi tôi đang sống là trần gian và sâu thẳm trong lòng đất là âm ty ngục thất hay hoả ngục, nơi giam giữ hung thần ác quỷ.
  • Vì suy nghĩ như thế, nên tôi hoàn toàn hiểu việc Chúa lên Trời là việc Ngài bay lên cao theo chiều không gian vật lý chứ không phải lên theo cấp độ sự sống và tôi cũng chưa hiểu rằng: Ngài lên Trời là chuyển từ thế giới tự nhiên sang thế giới siêu nhiên, từ thế giới hữu hình sang thế giới vô hình, từ thế giới hữu hạn sang thế giới vô hạn.
  • Chính vì hiểu biết hời hợt nông cạn như vậy, nên nhiều khi có những người không cùng tín ngưỡng với tôi, họ thực sự muốn tìm hiểu về đạo Chúa hoặc cũng có thể họ tò mò để thử niềm tin của tôi về Chúa, về thiên đàng, hoả ngục… Nhưng với vốn kiến thức nông cạn của tôi, tôi không thể nào giải thích cho họ để họ tin Chúa, tin đạo và đôi khi vì hiểu biết nông cạn, tôi còn giải thích sai lạc về Chúa và về giáo lý của Ngài.
  • Tôi nhớ lại đã có lần Chúa nói trong Tin mừng rằng: “lòng đầy miệng mới nói ra”. Quả thực là khi xét mình lại qua câu nói ấy của Chúa thì tôi thấy rằng; trong lòng tôi chất chứa đầy những chuyện thế gian, lo toan cuộc sống và cả những chuyện phù phiếm, phàm tục nhưng trong lòng tôi lại rỗng tuếch về Chúa và giáo lý của Ngài.
  • Do đó, khi nói những chuyện thế gian, những chuyện tán gẫu, nhưng chuyển viển vông hay những chuyện trong cuộc sống đời thường thì nói cả ngày không hết chuyện. Trái lại, nói về Chúa, về giáo lý của đạo Chúa cho con cái tôi, cho anh chị em tôi hay cho những người chưa biết Chúa thì tôi lại không nói được.
  • Có lẽ vì thế mà vai trò làm chứng nhân cho Chúa mà Chúa và Giáo hội đòi hỏi tôi vẫn còn bỏ ngỏ chưa thực hiện được. Không những tôi chưa thực hiện được mà đôi khi vì nết xấu của tôi, tôi lại trở nên gương mù và trở thành vật cản người khác đến với Chúa.
  • Tôi có quyết tâm thực hành những điều kiện Chúa đòi hỏi tôi không ?
  • Qua đoạn Lời Chúa trên đây, tôi nhận thấy rằng; Từ nay tôi phải ý thức lại vai trò làm chứng nhân cho Chúa của tôi. Tôi không thể cứ mãi tìm kiếm những sự thế gian mà quên đi việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa. Tôi không thể cứ mãi làm theo ý riêng mà quên đi việc làm theo ý Chúa. Tôi không thế cứ mãi gắn bó với những của cải trần gian mà quên đi những thực tại bền vững trên trời. Tôi không thể để mình cứ mãi bám víu vào thế gian mà quên đi quê hương đích thực của tôi là hạnh phúc Nước Trời. Tôi không thể để mình bị mù tịt hoặc hiểu biết hời hợt nông cạn về giáo lý của Chúa mãi như thế nữa.
  • Tôi hứa; từ nay sẽ cố gắng chịu khó học hỏi đào sâu về Chúa và về giáo lý của Chúa, để từ đây có Chúa ở trong tôi và tôi ở trong Chúa, có Chúa luôn đồng hành với tôi. Như thế, tôi sẽ không bị lầm đường lạc lối trong việc thực hành đức tin của tôi, đồng thời hy vọng từ nay tôi sẽ biết cách nói về Chúa cho con cái tôi, cho những người thân của tôi và đặc biệt cho người chưa biết Chúa, để tôi có thể thực thi vai trò làm chứng nhân Tin mừng cho Chúa mà Chúa và Giáo hội đã uỷ thác cho tôi.

* Cầu nguyện cho chị em đã được Chúa gọi về trong tháng.

1- Maria Đỗ Thị Hồng, Họ nhà xứ, Giáo xứ Lai Tê.

2- Maria Vũ Thị Bốn, Họ nhà xứ, Giáo xứ Vĩnh Yên.

*Lưu ý: Vì Thứ Bẩy đầu tháng 6, cha Đặc Trách đi vắng, nên chị em Hội Mân Côi Giáo hạt Vĩnh Phúc sẽ lùi lại 1 tuần. Chị em sẽ tập trung về TTTM Từ Phong lúc 16h30, thứ Bảy ngày 14 tháng 06 để học hỏi, chia sẻ => 18h30 dâng hoa kính Đức Mẹ => 19h00 Thánh lễ. 

Lm. Phêrô Mai Viết Thắng

Đặc trách Hội Mân Côi Giáo Phận Bắc Ninh

 

TÀI LIỆU CHIA SẺ

HỘI TRƯỞNG GIA ĐÌNH GIÁO PHẬN BẮC NINH

Tháng 5.2025

  1. LỜI CHÚA: Thứ Tư CN III Phục Sinh – Ga 6,35-40
  2. SUY NIỆM: “Tất cả những người Cha đã ban cho tôi, thì tôi không để mất một ai, nhưng tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”

NGƯỜI GIỮ LỬA ĐỨC TIN

“Tôi không để mất một ai” – đó là sứ mạng của Chúa Giêsu, và cũng là lời mời gọi cho các người cha trong gia đình. Người cha được mời gọi trở thành người gìn giữ những gì Thiên Chúa trao ban: vợ, con, gia đình, và cả đức tin. Gia đình không phải là “sản phẩm do công sức mình làm ra,” mà là hồng ân từ Thiên Chúa. Mỗi thành viên trong gia đình: vợ, con là “người Chúa Cha đã trao” cho người cha. Người cha không “sở hữu” vợ con, nhưng được ủy thác để gìn giữ, để dẫn dắt, và để chăm sóc họ trong ánh sáng của Chúa. Như Chúa Giêsu gìn giữ các môn đệ, người cha Công giáo được mời gọi gìn giữ đức tin của gia đình mình  bằng chính đời sống cầu nguyện, bằng sự kiên nhẫn và trung tín, bằng tấm gương âm thầm và hy sinh mỗi ngày.

Trong một thế giới nhiều chia rẽ và mất phương hướng, người cha là người canh giữ niềm hy vọng cho gia đình mình. Bên cạnh đó, nhiều người có xu hướng đánh giá người cha qua thu nhập, địa vị hay uy quyền, qua vẻ bề ngoài: nhà mặt phố, bố làm to… nhưng Chúa Giêsu thì đo lường một người cha qua lòng trung tín và tình yêu âm thầm gìn giữ gia đình. Một người cha trong gia đình không nhất thiết là người hoàn hảo để giữ lửa cho gia đình mình. Điều người cha Công giáo cần thực hiện là trung thành, yêu thương và không bỏ cuộc. Đừng để đức tin nguội lạnh trong chính mình và gia đình mình. Hãy để Thánh Thể là nơi người cha trong gia đình kín múc sức mạnh để hoàn thành sứ mạng được uỷ thác cho mình. Phần còn lại, hãy để Chúa hành động.

Là người cha trong gia đình có thể, có những lúc chưa tốt, chưa làm tròn vai trò của mình. Làm ăn thất bát, có lúc mệt mỏi, yếu đuối, hoặc mất phương hướng. Điều Chúa cần ở người cha không phải là sự toàn năng, mà là một trái tim tín thác và can đảm, một người luôn trở về với Chúa để bắt đầu lại và nâng đỡ gia đình. Chúa Giêsu khẳng định với một tình yêu mạnh mẽ: “Tôi sẽ không để mất một ai”. Đó là tình yêu trung thành, kiên trì, không bỏ cuộc với con người, cả khi họ yếu đuối, phản bội hay mệt mỏi. Tình yêu ấy chính là mẫu mực cho tình phụ tử: người cha được mời gọi yêu thương và nâng đỡ gia đình không phải bằng quyền lực, mà bằng sự hiện diện trung thành và lòng bao dung.

Trách nhiệm của một người trưởng gia đình, người cha Công giáo không chỉ lo cho bữa ăn, học phí, tương lai trần thế, nhưng còn có một bổn phận sâu xa hơn: truyền đức tin và dẫn đưa gia đình đến sự sống đời đời. Vì thế, người cha cần cầu nguyện cho gia đình mình, lắng nghe Lời Chúa cùng với các thành viên trong gia đình, làm gương sống đạo cho con cháu. Nỗ lực giữ lửa của người cha Công giáo cho gia đình mình chính là sự cộng tác với ơn Thiên Chúa trong cuộc lữ hành về quê thiên quốc.

* Gợi ý suy niệm và chia sẻ:

– Tôi có thực sự coi gia đình là món quà Chúa Cha đã trao phó cho tôi gìn giữ, hay tôi đang xem gia đình chỉ như bổn phận hoặc gánh nặng?

– Là người cha, tôi đã có khi nào muốn buông xuôi hay bỏ cuộc?

– Lửa đức tin trong gia đình tôi đang ở mức nào? tôi đã từng làm điều gì cụ thể để gìn giữ đức tin cho gia đình mình chưa?

III- CẦU NGUYỆN CHO CÁC THÀNH VIÊN MỚI QUA ĐỜI:

1- Phaolô Nguyễn Quang Vinh – Nhà xứ Tiên lục

2- Giuse Nguyễn Văn Thường họ Bảo Đức xứ An Bài

3- Giuse Nguyễn Văn Chung – Họ Cẩm Vân, xứ Trung Xuân

4- Giuse Trần Ngọc Thư – Nhà xứ Ngô Khê

5- Phêrô Nguyên Đăng Doanh – Nhà xứ Bạch Xa

6- Giuse Nguyễn Văn Thật – Họ Thanh Giã, xứ Đại Lãm

7- Phaolô Nguyễn Văn Mạch – Họ Cửa Sông, xứ Hòa Loan

8- Giuse Nguyễn Văn Tính – Họ Tân Ngọc, xứ Thống Nhất

9- Giuse Nguyễn Văn Toàn – Nhà xứ Hữu Bằng

10- Vicentê Đặng Văn Nguyên – Họ Tràng Lan, xứ Dân Trù

11- Đaminh Nguyễn Văn Đạo – Họ La Đao, xứ La Tú

12- Đaminh Nguyễn Văn Hoà – Họ La Đao, xứ La Tú

13- Inhaxiô Nguyễn Văn Cần – Nhà xứ Mỹ Lộc

IV- HỌC TẬP: GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

THIÊN CHÚA LÀ CHÂN LÝ VÀ TÌNH YÊU

Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân Ít-ra-en là Thiên Chúa “giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6). Đây là hai đặc tính căn bản nói lên tất cả những nét phong phú của danh Thiên Chúa. Trước hết Thiên Chúa là chân lý. Người không thể lừa dối, luôn trung thành thực hiện các lời đã hứa. Con người có thể hoàn toàn tin cậy vào tính chân thực và lòng trung thành của Chúa trong lời nói cũng như việc làm của Người. Tội lỗi của ông bà nguyên tổ chính là nghi ngờ về tính chân thật và lòng trung thành của Thiên Chúa. “Căn nguyên lời Ngài là chân lý Mọi quyết định công minh của Ngài tồn tại muôn năm” (Tv 118,160) “Lạy Chúa Thượng là Đức Chúa, chính Ngài là Thiên Chúa, những lời Ngài phán là chân lý” (2 Sm 7,28) “Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán Đầy yêu thương trong mọi việc Người làm” (Tv 145,13) Con Thiên Chúa xuống thế gian làm người “là để làm chứng cho sự thật” (Ga 18,37). “Chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến và cho chúng ta trí khôn để biết Thiên Chúa thật” (1 Ga 5,20). Thiên Chúa không chỉ là chân lý mà còn là tình yêu. Trải qua dòng lịch sử. Ít-ra-en đã khám phá ra rằng: họ được Thiên Chúa mặc khải và tuyển chọn, hoàn toàn là vì tình yêu nhưng không của Người. Cũng chính tình yêu đó đã không ngừng giải thoát và tha thứ những bất trung của dân được chọn. Đó là tình yêu của cha đối với con (x. Hs 11,1), tình yêu của chồng đối với vợ (x. Is 62, 4-5) bất chấp phản bội (x. Ed 16; Hs 11). Tình yêu đó đi tới tột đỉnh khi Thiên Chúa trao ban Con Một cho chúng ta (x. Ga 3,16). “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình thương của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi” (Is 54,10). “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương” (Gr 31,3). Nhưng mặc khải Tân Ước đã đi xa hơn, đi tới ngọn nguồn khi xác quyết: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8: 16). Bản thân Thiên Chúa là tình yêu trao đổi giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; Người muốn và ban khả năng cho ta thông phần vào tình yêu này, nên đã sai Con Một và Thánh Thần tình yêu đến với ta. (Còn tiếp).

Lm. Đặc trách HTGĐ GPBN

Fx. Nguyễn Văn Huân