Tài liệu Hoa Mân Côi và Hội trưởng gia Giáo phận tháng 10.2024
Trong tháng này, anh chị em hãy cầu nguyện cho chính mình và cho mọi người trong Giáo hội Công giáo biết cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi, để nhờ Mẹ và qua Mẹ, chúng ta sống gắn bó mật thiết với Chúa mỗi ngày một hơn.
File PDF A4 | File PDF A5 | File Word A4 | File Word A5 |
HỘI TRƯỞNG GIA ĐÌNH – Tháng 10.2024
File PDF | File Word |
00
Ý nguyện: Trong tháng này, chị em hãy cầu nguyện cho chính mình và cho mọi người trong Giáo hội Công giáo biết cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi, để nhờ Mẹ và qua Mẹ, chúng ta sống gắn bó mật thiết với Chúa mỗi ngày một hơn.
I . ĐỌC TIN MỪNG LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI Lc 1, 26-38 (Tin mừng Luca chương 1 từ câu 26 đến câu 38. Mọi người đọc chung, đọc chậm rãi ít nhất là 3 lần và tinh lặng ít phút sau mỗi lần đọc).
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”
Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
- GỢI Ý CHIA SẺ
- Nội dung đoạn Tin mừng trên, nói về điều gì ?
- Đoạn Tin mừng trên đây, thánh Luca thuật lại việc thiên thần Gáp-ri-en truyền tin cho Đức Maria và việc Đức Mẹ đáp lại thánh ý Thiên Chúa bằng hai tiếng “Xin vâng”.
- Qua đoạn Tin mừng trên đây, Chúa nói gì với tôi ?
- Qua đoạn Tin mừng trên, Chúa muốn tôi chiêm ngắm cuộc đời của Mẹ Maria và noi đòi bắt chước các gương nhân đức của Đức Mẹ.
- Nhân đức đầu tiên Chúa muốn tôi noi gương bắt chước Đức Mẹ đó là đức khiêm nhường. Nhân đức này đã được Giáo hội mời gọi tôi thực hiện trước tiên trong 20 mầu nhiệm Mân Côi, rồi mới đến các nhân đức khác như: Yêu người, thanh bần, vâng lời, giữ ơn nghĩa với Chúa.
- Hơn nữa, qua các mầu nhiệm 5 sự sáng; 5 sự thương, 5 sự mừng, Giáo hội cũng mời gọi tôi tiếp tục noi gương các nhân đức khác của Chúa Giêsu và Đức Mẹ để mỗi ngày tôi được trở nên giống Chúa Giêsu và giống Mẹ chí thánh của chúng ta.
- Qua biến cố thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ, Chúa cũng muốn tôi noi gương Mẹ Maria bằng cách đáp lời xin vâng trước lời mời gọi của Thiên Chúa, để tôi luôn thực hiện ý Chúa muốn trong suốt cuộc đời của tôi.
- Chúa mời gọi tôi như vậy, tôi đã làm được gì ?
- Chúa mời gọi tôi noi gương Đức Mẹ, mau mắn đáp lời thưa xin vâng trước lời mời gọi của Chúa. Thế nhưng, tôi vẫn chần chừ, chưa mau mắn hoặc không đáp lại bằng thái độ vâng phục mà vẫn hay làm theo ý riêng của mình.
- Thánh ý Thiên Chúa nhắc bảo tôi qua việc tuân giữ lề luật của Thiên Chúa, luật của Giáo hội, qua các mối phúc. Lời Chúa nhắc bảo tôi qua Kinh Thánh, qua tiếng lương tâm: “làm lành, tránh dữ”. Nhưng tôi vẫn cứ bỏ ngoài tai, vẫn bất tuân, vẫn làm theo ý riêng mà không làm theo thánh ý Thiên Chúa.
- Qua mỗi mầu nhiệm Mân Côi, Giáo hội đều mời gọi tôi phải tập luyện các nhân đức theo gương Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Thế nhưng, tôi vẫn đọc theo thói quen hoặc đọc cho xong bổn phận mà không vận dụng để tập luyện nhân đức nhằm triệt tiêu các thói xấu trong con người của tôi.
- Đức Mẹ là người triệt để lắng nghe và thực hành lời Thiên Chúa. Còn tôi, tôi vẫn bất tuân phục thánh ý của Ngài. Nếu tôi cứ tiếp tục sống bất tuân như vậy, sau này tôi sẽ đi về đâu ? Câu hỏi đó không khó để trả lời.
- Tôi có quyết tâm thực hành những điều Chúa đòi hỏi tôi không ?
- Đứng trước những lời mời gọi của Chúa và của Giáo hội, tôi không thể cứ mãi giả điếc làm ngơ, cũng không thể chần chừ mãi như vậy được. Điều đó, đòi buộc tôi phải đưa ra quyết tâm sửa đổi đời sống của tôi. Bởi vì, đó chính là bước quyết định cho số phận đời đời của tôi.
- Do đó, từ nay đứng trước lời mời gọi của Chúa, tôi phải mau mắn đáp lời vâng phục Thánh ý Thiên Chúa để triệt tiêu ý riêng của tôi.
- Đối với Đức Mẹ, dù không hiểu thánh ý Thiên Chúa, nhưng Mẹ vẫn hoàn toàn vâng phục để thánh ý Thiên Chúa được thực hiện nơi Mẹ. Bởi vì, Mẹ xác tín rằng: Thiên Chúa luôn mong muốn và làm những gì tốt đẹp nhất cho Mẹ và cho con cái của Chúa. Chính vì vậy mà Mẹ luôn sẵn sàng phụng lệnh Thiên Chúa.
- Noi gương Mẹ, từ nay qua mỗi mầu nhiệm Mân Côi, tôi phải cố gắng tập luyện và quyết tâm thực hiện các nhân đức của Chúa Giêsu và Đức Mẹ đã nêu gương cho tôi, để đời sống của tôi được thực sự biến đổi và để đem lại cho phần rỗi đời đời của tôi. Amen.
* Cầu nguyện cho chị em đã được Chúa gọi về trong tháng.
1- Anna Nguyễn Thị Bang, Họ Nhà xứ, Giáo xứ Vinh Tiến.
2- Maria Nguyễn Thị Thái, Giáo điểm Hích, Giáo hạt Thái Nguyên.
3- Maria Nguyễn Thị Thuý, Họ Nhà xứ, Giáo xứ Bắc Giang.
4- Maria Chu Thị Nhất, Họ Nhà xứ, Giáo xứ Phượng Giáo.
*Lưu ý: Theo lịch phân công, tháng 11 tới, Giáo hạt Vĩnh Phúc sẽ tập trung về TTTM Từ Phong để dâng hoa kính Đức Mẹ. Nhưng, vì Thứ Bảy đầu tháng này trùng với LỄ CẦU HỒN, nên chị em sẽ tập trung vào lúc 16h00 thứ Bảy, ngày 09/11/2024. để học hỏi, chia sẻ Lời Chúa => 18h00 dâng hoa kính Đức Mẹ => 18h30 Thánh lễ.
Lm. Phêrô Mai Viết Thắng
Đặc trách Hội Mân Côi Giáo Phận Bắc Ninh
HỘI TRƯỞNG GIA ĐÌNH
GIÁO PHẬN BẮC NINH – Tháng 10/2024
- LỜI CHÚA: Thứ Tư sau CN XXVI TN – Mt 18,1-5.10
- SUY NIỆM: THIÊN THẦN BẢN MỆNH
Đoạn Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Thần Bản Mệnh trong cuộc sống mỗi người. Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng thiên thần của những trẻ nhỏ luôn chiêm ngưỡng nhan thánh Thiên Chúa, và đồng thời, các ngài cũng luôn bảo vệ và hướng dẫn chúng ta trên con đường trần gian đầy những nguy hiểm và thử thách.
Trong hành trình đời sống trên trần thế này, chúng ta không chỉ gặp phải những thử thách bên ngoài như những khó khăn về vật chất, công việc hay sức khỏe, mà còn phải đối diện với những nguy cơ nội tại. Có những lúc ta dễ dàng bị cám dỗ dừng lại, không dám bước tiếp vì sợ hãi rủi ro hoặc lo lắng về tương lai. Đoạn Tin Mừng nhắc nhở chúng ta đừng coi thường sự hiện diện của Thiên Thần Bản Mệnh, vì các ngài chính là những người bạn đồng hành trung thành được Chúa sai đến để gìn giữ và bảo vệ chúng ta.
Thiên Thần Bản Mệnh không chỉ bảo vệ ta khỏi những nguy hiểm, mà còn giúp chúng ta không đi lạc đường. Trên hành trình đức tin, đôi khi chúng ta bị cuốn vào vòng xoáy của đời sống thế tục, bị những lợi ích trước mắt lôi kéo, dễ dàng quên đi mục tiêu cuối cùng là cuộc sống vĩnh cửu với Chúa. Giống như những chiếc la bàn tinh thần, các thiên thần giúp chúng ta điều chỉnh hướng đi của mình khi ta bắt đầu lạc lối.
Chúa Giêsu cũng khẳng định rằng các thiên thần không chỉ là người bảo vệ chúng ta mà còn là những chiếc cầu nối giữa chúng ta và Thiên Chúa. Các ngài không chỉ ở bên cạnh chúng ta mà còn luôn nhìn thấy Thiên Chúa Cha, mang lại cho chúng ta sự an ủi và bảo đảm rằng chúng ta luôn được quan tâm và yêu thương từ trời cao.
Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa vì đã ban cho chúng con những Thiên Thần Bản Mệnh để gìn giữ, bảo vệ và hướng dẫn chúng con trên đường đời. Xin cho mỗi trưởng gia đình chúng con luôn biết lắng nghe và trân trọng sự hiện diện của các ngài, để chúng con không lạc đường và luôn tiến bước trên hành trình đức tin. Chúng con xin dâng lên Chúa lời cầu nguyện này, nhờ lời chuyển cầu của các Thiên Thần Bản Mệnh. Amen.
* Gợi ý suy gẫm và chia sẻ:
1- Tôi có thực sự tin tưởng và cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Thần Bản Mệnh trong cuộc sống của mình chưa?
2- Làm thế nào tôi có thể lắng nghe và để cho Thiên Thần Bản Mệnh hướng dẫn tôi vượt qua những khó khăn trong đời sống đức tin?
III- CẦU NGUYỆN CHO CÁC THÀNH VIÊN MỚI QUA ĐỜI:
1- Giuse Lê Văn Chung – Nhà xứ Tiên Lục
2- Đa Minh Nguyễn Đức Sang – Nhà xứ Tiên Lục
3- Giuse Nguyễn Đức Dinh – Nhà xứ Tiên Lục
4- Inhaxiô Nguyễn Văn Lực – Nhà xứ Mỹ Lộc
5- Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Tạo – Nhà xứ Núi Ô
6- Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Ái – Nhà xứ Núi Ô
7- Phêrô Vũ Quang Long – Nhà xứ Nam Viên
8- Giuse nguyên văn Tải – Nhà xứ Xuân Hòa
9- Phanxicô Xaviê Đỗ Văn Đệ – Nhà xứ Thường Lệ
10- Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Lan – Họ Lưỡng Quán 1, xứ Trung Xuân.
11- Giuse Trịnh Văn Tiến – Nhà xứ Đồng Chương
12- Giuse Trần Văn Chỉnh – Nhà xứ Thống Nhất
13- Giuse Đàm Văn Quế – Nhà xứ Hoà Loan
IV- HỌC TẬP: GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
ĐỨC TIN CÁ NHÂN VÀ CỘNG ĐOÀN
Không ai có thể tự ban tặng sự sống cho mình và cũng không ai có thể sống một mình, nhưng người ta đón nhận sự sống từ người khác và sống luôn luôn là sống với. Đức tin cũng thế. Một đàng, đức tin là hành vi cá nhân hiểu như lời đáp trả tự do của mỗi người trước tiếng gọi của Thiên Chúa. Nhưng đàng khác, đức tin là một quà tặng được đón nhận và đến lượt mình phải trao ban cho người khác. Hội Thánh chính là người mẹ trao ban đức tin cho ta. Vì thế, khi lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy, thừa tác viên hỏi “Con xin gì cùng Hội Thánh Chúa?”, người lãnh nhận trả lời “Con xin đức tin… Đức tin mang lại cho con sự sống đời đời” (Sách Nghi Thức Rôma). Và cũng như người mẹ sinh ra con, phải dạy con nói, nhờ đó có thể hiểu biết và tiếp cận thế giới chung quanh. Cũng vậy, Hội Thánh sinh ta ra trong đức tin, đồng thời dạy ta ngôn ngữ đức tin để giúp ta hiểu và đón nhận sự sống đời đời. Những chân lý đức tin mà người mẹ Hội Thánh trao ban và dạy dỗ không phải là những công thức vô hồn, nhưng là phương thế giúp ta đạt đến chính Thiên Chúa và ơn cứu độ muôn đời. Và bởi vì “Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người. Đấng ngự trên mọi người và trong mọi người” (Ep 4,5-6), nên xuyên qua mọi không gian và thời gian, trong nhiều nền văn hóa khác nhau và bằng nhiều ngôn ngữ của các dân tộc. Hội Thánh chỉ tuyên xưng một đức tin duy nhất.
Lm. Đặc trách HTGĐ GPBN
Fx. Nguyễn Văn Huân