Tái Sinh

Năm đó tôi 15 tuổi. Con Lam, con nhà chú Tư cũng bằng tuổi tôi, nó đột ngột ra đi sau một vụ tai nạn. Quá bất ngờ, cả dòng họ tôi vừa đang trong niềm vui, niềm hãnh diện vì có hai đứa cháu là tôi và nó thi đậu vào trường chuyên cấp ba, mà giờ đây phải đau buồn trước sự ra đi không một lời từ biệt của nó. Đau đớn, xót xa, ai cũng khóc nghẹn vì tiếc thương một đứa trẻ ngoan ngoãn, hiếu thảo.

Đám tang con Lam diễn ra trong không khí tang thương. Tiếng kèn trống não nề, tiếng khóc nấc nghẹn của thím Tư khiến ai nghe cũng không khỏi chạnh lòng. Chú Tư, vốn cứng rắn, mà giờ quỳ bên quan tài con gái với đôi mắt thâm quầng vì những đêm mất ngủ, bàn tay run run chạm vào nắp quan tài, như muốn níu kéo con bé ở lại. Thím Tư ngã quỵ, người nhà phải đỡ dậy, nước mắt rơi lã chã trên nền đất lạnh. Những tiếng gọi “Con ơi!” vang lên xé lòng, ai chứng kiến cũng không thể cầm được nước mắt. Một đứa con ngoan, một cô bé hiếu thảo, vừa thi đậu trường chuyên, là niềm tự hào của chú thím và cả dòng họ, vậy mà giờ đây chỉ còn lại một tấm ảnh trên bàn thờ.

Nhà tôi và nhà chú Tư cạnh nhau. Bố tôi và bố nó là hai anh em ruột, nhưng kể từ sau cái chết của con Lam, tình thân của nhà tôi với nhà chú đã rạn nứt. Thằng Hải, con trai Chú Ba, làm nghề thợ ảnh. Nó làm cho con Lam một tấm ảnh thờ, cẩn thận chỉnh sửa để nó trông đẹp đẽ, trong sáng như chính con người nó. Hôm sau, thằng Hải đến đám tang, không thấy cái ảnh con Lam mà nó phải thức đêm để làm đâu. Hỏi ra mới biết, chú Tư không thích ảnh đó, đã nhờ người khác làm lại một tấm khác. Lời qua tiếng lại, bao nhiêu bực tức, đau buồn chồng chất biến thành cơn giận dữ. Cãi vã nổ ra ngay trong đám tang. Những lời trách móc, tổn thương cứ thế mà tuôn ra, biến ngày đưa tiễn con bé Lam thành một ngày đau lòng hơn cả.

Từ đó, hai gia đình gần như đoạn tuyệt. Đường vào nhà nhau không ai bước tới, giỗ chạp không ai chung mâm. Gia đình tôi kẹt ở giữa, chỉ biết im lặng mà buồn. Nhưng người đau khổ nhất chính là bố tôi. Là anh cả trong nhà, ông không muốn nhìn thấy anh em ruột thịt lại lìa mặt nhau chỉ vì một chuyện nhỏ nhặt. Chú Ba vì bênh con trai mình mà giận chú Tư, còn chú Tư vì tự ái mà không muốn làm hòa. Bố tôi đứng giữa, chẳng biết nghiêng bên nào.

Bao nhiêu lần, bố tôi kiên nhẫn tìm cách hóa giải hận thù. Ông đến nhà chú Tư, ngồi thật lâu để khuyên em gạt bỏ tự ái, nhưng chú chỉ im lặng, mắt đỏ hoe, rồi đứng dậy đi vào nhà, bỏ mặc ông ngồi đó. Ông tìm đến nhà thằng Hải, mong cháu bớt giận, nhưng nó chỉ cười nhạt, lắc đầu: “Bây giờ mà nói chuyện làm hòa thì cháu thấy nhục lắm.” Bố tôi thở dài, thất vọng tràn trề. Chẳng lẽ tình nghĩa anh em, chú cháu lại không bằng một tấm ảnh hay một lời tự ái hay sao?

Mỗi năm, đến ngày giỗ con Lam, ký ức đau buồn ấy lại ùa về. Nhìn bàn thờ nghi ngút khói, ai nấy đều thấy lòng nặng trĩu. Thế nhưng, thay vì xoa dịu vết thương lòng, ngày giỗ ấy chỉ càng khơi sâu thêm những nỗi đau cũ. Những câu chuyện chưa được giải quyết, những hiểu lầm chưa được hóa giải, những lời trách móc chưa được rút lại… tất cả cứ lặng lẽ dày vò hai gia đình. Năm này qua năm khác, sự xa cách chẳng những không vơi đi, mà còn hằn sâu thêm mãi. Mỗi lần giỗ, thay vì là dịp tưởng nhớ con bé Lam, nó lại trở thành cái cớ để hai bên càng thêm xa cách.

Mùa Chay này nối tiếp mùa Chay khác qua đi, lời Chúa vẫn vang vọng: “Hãy làm hòa…” nhưng chẳng ai nghe, ai cũng bỏ ngoài tai. Tự ái lớn hơn cả Lời Chúa. Bao nhiêu lần tôi thấy bố tôi đi năn nỉ chú Tư, rồi lại quay sang thằng Hải, chú Ba. Ông khuyên nhủ, nhắc lại tình nghĩa anh em, nhưng tất cả chỉ nhận về những cái lắc đầu, những câu nói lạnh lùng. Tôi thấy ông trở nên trầm lặng hơn, nhiều lần ngồi trước bàn thờ mà thở dài. Dường như ông đang bất lực. Ông chỉ biết phó thác tất cả cho Chúa.

Thời gian trôi thật nhanh, mới đó mà đã 7 năm kể từ ngày con Lam mất. Bố tôi ngày càng đau bệnh liên miên, khuôn mặt ông già đi thấy rõ. Ông không còn hay kể chuyện vui như trước, không còn mời gọi con cháu quây quần. Nhiều đêm, tôi thấy ông ngồi thẫn thờ trước bàn thờ, đôi mắt xa xăm, như đang tự hỏi bản thân rằng ông đã làm gì sai mà anh em lại không nghe lời ông khuyên nhủ, không chịu làm hòa, cứ mãi lìa xa nhau như vậy.

Cuối cùng, bố tôi mất vào một buổi chiều của mùa Chay. Chú Ba, chú Tư khi vừa nghe được tin đó, đã có mặt ở nhà tôi. Chớp nhoáng đã thấy họ hàng đông đủ. Chú Tư đến bên cạnh bố tôi, gục đầu vào cánh tay bố tôi rồi khóc như một đứa trẻ, miệng không ngừng gọi “Anh Hai ơi!”. Rồi chú Ba, thằng Hải nữa. Mọi người đều khóc. Không ai nói gì. Rồi chú Tư quay sang nhìn thằng Hải, vỗ vai nó một cái. Chỉ vậy thôi mà như trút được bao nhiêu oán giận. Cả nhà không ai kiềm được nước mắt.

Đám tang kết thúc, đại gia đình lại cùng ngồi chung mâm cơm, dù chẳng ai nói nhiều. Nhưng đôi lúc, đâu cần lời để hòa giải. Chỉ cần một cái vỗ vai, một cái gật đầu, cũng đủ để yêu thương quay về. Có lẽ, bố tôi sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Không chỉ vì ông được về bên Chúa, mà còn vì cái chết của ông đã mang lại sự hòa thuận, gắn kết cho gia đình. Anh em ruột thịt lại trở về bên nhau, không còn những oán giận, không còn những cái nhìn lạnh lùng. Và đó cũng chính là điều mà suốt cuộc đời bố tôi luôn mong mỏi.

Nghĩ đến đây, tôi lại nhớ đến cái chết của Chúa Giêsu. Ngài cũng đã chết để con người được giao hòa với Thiên Chúa. Nhờ máu Ngài đổ ra, chúng tôi nhận được ơn tha thứ và tình yêu cứu độ. Tôi thầm cảm tạ Chúa vì đã ban cho gia đình tôi một cơ hội để hàn gắn, để yêu thương. Nhờ cái chết của bố tôi, mà giờ đây hai gia đình lại có thể nhìn nhau bằng ánh mắt thân thương. Mặc dù đó là một sự mất mát lớn đối với tôi và gia đình. Nhưng trong cái nhìn đức tin, tôi nhận thấy đó là một ân ban của Chúa cho chúng tôi cũng là một sự tái sinh mới trong tâm hồn những thân của tôi.

Maria Minh Chuyên