Xứ Bắc và công cuộc loan báo Tin Mừng

Bài viết sẽ cố gắng cung cấp một số những tư liệu về bối cảnh lịch sử của giai đoạn Tin Mừng lần đầu tiên được loan báo trên mảnh đất Kinh Bắc.

Chương I
BẮC NINH, VỚI GIAI ĐOẠN ĐẦU TIÊN CỦA CÔNG CUỘC LOAN BÁO TIN MỪNG

Công cuộc loan báo Tin Mừng ở Đàng Ngoài được dọn đường với cuộc thăm viếng Đàng Ngoài của linh mục Dòng Tên Giuliano Baldinotti và tu huynh Giulio Piani. Hai vị khởi hành từ Áo Môn ngày 2-2-1626, nhưng mãi ngày 7-3-1626 mới vào một cửa sông lớn ở Đàng Ngoài, tới Thăng Long. Những trao đổi dẫn đến việc hai vị thừa sai rời Đàng Ngoài ngày 23-8-1626, tới Áo Môn ngày 17-9 để chuẩn bị cho những thừa sai Dòng Tên trở lại Đàng Ngoài vào năm sau. Những sự chuẩn bị này đã mở ra một chân trời mới cho hạt giống đức tin bám rễ sâu vào mảnh đất Đàng Ngoài. Trong phần trình bày này, chúng con xin trình bày một số điểm sau đây :

– Tình hình chính trị, địa lí và hành chính của Đàng Ngoài vào thế kỉ 17

– Xem xét lại địa điểm hai cha Đắc Lộ và Marquez dừng lại ở Thanh Hoá để chờ ra Thăng Long

– Giai đoạn đầu tiên Tin Mừng được rao giảng ở Đàng Ngoài

– Xứ Bắc trong một số tài liệu thế kỉ 17

– Cuộc xung đột giữa Dòng Tên và Hội Thừa Sai Paris

1. Vài nét sơ lược về bối cảnh chính trị, địa lí và hành chính đương thời

Về mặt địa lí và hành chính, theo bộ Hồng Đức bản đồ, vào đầu thời nhà Lê, nước An Nam được chia thành Trung đô và 13 thừa tuyên.

Nước An-nam kể Trung đô và 13 thừa tuyên, có tất cả 53 phủ, 181 huyện, 49 châu.

Trung-đô : 1 phủ, 2 huyện; Thừa-tuyên Thanh-hoa : 6 phủ, 22 huyện, 4 châu; Thừa-tuyên Nghệ-an : 9 phủ, 25 huyện, 2 châu. Thừa-tuyên Sơn-nam : 9 phủ, 36 huyện. Thừa-tuyên Sơn-tây : 6 phủ, 24 huyện. Thừa-tuyên Kinh-bắc : 4 phủ, 20 huyện. Thừa-tuyên Hải-dương : 4 phủ, 18 huyện. Thừa-tuyên Thái-nguyên : 3 phủ, 9 huyện, 6 châu. Thừa-tuyên Tuyên-quang : 1 phủ, 1 huyện, 5 châu. Thừa-tuyên Hưng-hoá : 3 phủ, 4 huyện, 17 châu. Thừa-tuyên Lạng-sơn : 1 phủ, 7 châu. Thừa-tuyên An-quảng : 1 phủ, 3 huyện, 4 châu. Thừa-tuyên Thuận-hoá : 2 phủ, 8 huyện, 4 châu. Thừa-tuyên Quảng-nam : 3 phủ, 9 huyện.” 1

Thừa tuyên Kinh Bắc được phân chia như sau :

“I.- Phủ Thuận-an : 5 huyện

1 – Huyện Gia-lâm : 70 xã

2 – Huyện Lương-tài : 74 xã

3 – Huyện Siêu-loại : 60 xã

4 – Huyện Văn-giang : 54 xã

5 – Huyện Gia-định : 67 xã

II.- Phủ Từ-sơn : 5 huyện

1 – Huyện Tiên-du : 52 xã

2 – Huyện An-phong : 53 xã

3 – Huyện Quế-dương : 45 xã

4 – Huyện Đông-ngạn : 90 xã

III.- Phủ Bắc-hà : 4 huyện

1 – Huyện Tiên-phúc : 42 xã

2 – Huyện Hiệp-hoà : 54 xã

3 – Huyện Kim-hoa : 50 xã

4 – Huyện An-việt : 34 xã

IV.- Phủ Lạng-giang : 6 huyện

1 – Huyện Phượng-nhỡn : 67 xã

2 – Huyện Hữu-lũng : 25 xã

3 – Huyện Yên-dũng : 80 xã

4 – Huyện Yên-thế : 47 xã

5 – Huyện Lục-ngạn : 57 xã

6 – Huyện Bảo-lộc : 65 xã 2.

Về mặt chính trị, sau khi nhà Mạc cướp ngôi, năm 1529, Nguyễn Kim chạy sang Lào để khôi phục nhà Lê. Năm 1533, ông đưa Lê Duy Ninh lên ngôi, lấy niên hiệu Nguyên Hoà. Năm 1543, quân nhà Lê chiếm Tây đô, tức Tây Giai, Thanh Hoá. Năm 1545, Nguyễn Kim bị đầu độc, con rể là Trịnh Kiểm nắm binh quyền. Năm 1558, Nguyễn Hoàng xin vào trấn thủ vùng Thuận Hoá. Năm 1570, Trịnh Kiểm giao cho Nguyễn Hoàng cả vùng Quảng Nam. Cần nhớ rằng trước đó, vùng này vẫn do tướng nhà Mạc trấn giữ. Cũng vào năm 1570, Trịnh Kiểm chết, hai con là Trịnh Cối và Trịnh Tùng tranh quyền. Trịnh Cối thua, chạy sang đầu hàng nhà Mạc, ranh giới tranh chấp Trịnh-Mạc lúc đó là vùng Sơn Nam, Thanh Hoa ngoại, Sơn Tây. Năm 1591, Trịnh Tùng đem quan tiến sát Thăng Long. Đầu năm 1592, Mạc Mậu Hợp chạy sang Gia Lâm, trao quyền giữ Thăng Long cho các tướng dưới quyền. Đến tháng 11 và tháng 12 năm 1592, Mạc Mậu Hợp và con là Mạc Toàn bị bắt, hậu duệ nhà Mạc chạy lên phía bắc, nắm giữ quyền kiểm soát Thái Nguyên, Lạng Sơn và Cao Bằng. Trong khoảng những năm 1662 đến 1677, họ Trịnh mới hoàn toàn dẹp tan nhà Mạc ở Cao Bằng. Những người còn lại trong gia tộc nhà Mạc chạy vào Đàng Trong.

Sau khi Nguyễn Hoàng mất vào năm 1613, tương quan giữa Trịnh Tùng và Nguyễn Phúc Nguyên ngày càng căng thẳng. Năm 1623, Trịnh Tùng qua đời, con là Trịnh Tráng lên nối nghiệp, mối căng thẳng giữa hai nhà Trịnh-Nguyễn càng ngày càng trầm trọng. Để chuẩn bị cho cuộc đối đầu với lực lượng Đàng Ngoài, được coi là gấp mười lần Đàng Trong, năm 1626, Nguyễn Phúc Nguyên di chuyển thủ phủ Đàng Trong về phía nam, đến làng Phước Yên, cách vị trí kinh thành Huế hiện nay khoảng 7 km về phía bắc. Bộ Đại Nam thực lục tiền biên chép về việc khởi đầu phân tranh Trịnh-Nguyễn vào tháng 10 năm Bính Dần, 1626, như sau :

Mùa đông, tháng 10, Trịnh Tráng sai Binh khoa cấp sự trung Nguyễn Hữu Bản vâng sắc dụ vua Lê đến đòi số thuế từ năm Giáp Tý về sau và mời chúa đến Đông Đô. Chúa cười bảo sứ giả rằng : ‘Việc này là do ý riêng của họ Trịnh, chứ hoàng đế nhà Lê nhân từ, há lại quên dòng dõi công thần sao ? Vả lại quân dân của cải hai xứ này so sánh với bốn trấn có là bao nhiêu, mà tham cầu như thế ! Nếu nghĩ đến công tổ tiên ta, nên cắt cả Nghệ An cho ta nữa, huống chi là đất Thuận Quảng ?’. Các tướng phần nhiều xin đánh. Nhưng chúa nói rằng : ‘Họ Trịnh đã quên ơn gây oán, mà ta lại lấy thân thích làm thù, e chẳng bõ để cười cho thiên hạ’. Chúa quay bảo sứ giả rằng : ‘Các ông vì tôi nói với Trịnh Vương đừng để ý những điều hiềm nhỏ’. Rồi hậu đãi sứ giả mà bảo về. Đinh Mão, năm thứ 15 [1627], mùa xuân, tháng giêng, Trịnh Tráng muốn cử quân xâm lấn miền Nam, nhưng sợ không có cớ, bèn sai Lê Đại Nhậm phụng sắc vua Lê sang dụ cho con vào chầu và đòi nộp 30 thớt voi đực, 30 chiếc thuyền đi biển để dùng vào lệ cống triều Minh. Chúa cười nói rằng : ‘Lệ ta sang cống triều Minh chỉ có vàng và kỳ nam thôi. Nay họ Trịnh đòi thêm ngoại ngạch, ta không dám theo mệnh. Còn con ta thì đương sắm quân khí để sửa việc biên phòng, xin vài năm nữa ra chầu cũng chưa muộn’. Sứ giả tỏ ý của vợ chúa Trịnh muốn xin các con của Hiệp và Trạch. Chúa không cho. Họ Trịnh bèn phát quân. Tháng 3, Trịnh Tráng dẫn vua Lê đi, mượn tiếng xem xét địa phương, cho quân thủy bộ đều tiến. Tướng Trịnh là Nguyễn Khải bày dinh ở bắc sông Nhật Lệ. 3

Như vậy, có lẽ sau khi Trịnh Tùng qua đời vào năm 1623, từ năm Giáp Tí sau đó, 1624, Nguyễn Phúc Nguyên không còn nộp thuế như thông lệ. Đó chính là khởi đầu cho những cuộc xung đột Trịnh – Nguyễn kéo dài hàng trăm năm. Bộ Đại Việt sử ký toàn thư viết về cuộc xung đột đầu tiên này, sau một bài dụ dài của vua Lê, như sau :

Tháng 2, Thanh Đô Vương hộ vệ thánh giá thân chinh. Quân đến cửa biển Nhật Lệ, giặc dựa vào thế hiểm chống lại, đại quân mấy lần giao chiến không lợi, liền chỉnh đốn lại quân ngũ trở về. 4

Sách Đại Nam thực lục chép tiếp về biến cố này như sau :

Chúa sai Tôn Thất Vệ làm tiết chế, văn chức Nguyễn Hữu Dật làm giám chiến, lĩnh quân bộ ra chống cự. Lại sai hoàng tử thứ tư là Trung chỉ huy quân thủy để tiếp ứng. Quân hai bên đối lũy nhau. Tiên phong của Trịnh là Lê Khuê đem kỵ quân ra cướp trận. Quân ta bắn đại bác, quân Trịnh sợ lui. Đêm ấy quân thủy ta lại thừa cơ nước triều lên bắn vào dinh Nguyễn Khải, quân Trịnh sợ, rối loạn. Trịnh Tráng tiến đến, thế binh rất mạnh. Quân ta đánh không lợi. Quân Trịnh thừa thắng tranh cướp của cải. Quân ta đem tượng binh thúc đánh chặn ngang, làm cho quân Trịnh tan vỡ, chết rất nhiều. Hữu Dật lại bàn mưu với Trương Phước Da (bấy giờ gọi là Lương quận công) sai gián điệp phao đồn rằng anh em Trịnh Gia, Trịnh Nhạc mưu nổi loạn. Tráng nghe tin lấy làm ngờ, bèn rút quân về. 5

Những chi tiết về địa lí và hành chính và chính trị cho thấy rằng vào thời điểm Tin Mừng bắt đầu được rao giảng ở Đàng Ngoài, tình hình Đại Việt hết sức phức tạp. Về mặt chính trị, năm 1627, tại Đại Việt có tới ba thế lực cát cứ : nhà Mạc ở phía bắc với hai thừa tuyên rừng núi, nhà Nguyễn ở phía nam với hai thừa tuyêu xa xôi, phần trung tâm đông dân và trù phú nhất thuộc về họ Trịnh. Tin Mừng đã đến với Đàng Ngoài trong bối cảnh phức tạp và tế nhị ấy.

2. Xem xét lại vị trí Cha Đắc Lộ dừng lại để chờ Chúa Trịnh

Cha Đắc Lộ đã cập bến Cửa Bạng vào ngày 19-3-1627, đúng vào dịp Trịnh Tráng dẫn đoàn thuỷ quân vào đánh Đàng Trong. Trong khi cha Đắc Lộ và bằng hữu ở Cửa Bạng, cây thánh giá mà các ngài dựng lên trên núi đã thu hút sự chú ýmột sứ giả của chúa Trịnh 6 đến gặp và cho biết chúa Trịnh đã lên đường đi đánh Đàng Trong và chờ gặp các ngài trên đường đi. Họ theo thuyền vị sứ giả đi hai ngày và vào một con sông rộng khoảng hơn mười dặm 7. Về đoạn văn này, cha C. A. Poncet xác định rằng dòng sông mà cha Đắc Lộ nhắc đến ở đây hẳn phải là sông Đáy, đồng thời tác giả này cũng cho rằng nơi gặp mặt của nhóm cha Đắc Lộ với chúa Trịnh phải nằm về phía Hưng Yên, ở một địa điểm thuộc trấn Sơn Nam, vì bản văn của cha Đắc Lộ nói tới tỉnh Thin hoa gần bên 8. Nhóm cha Đắc Lộ tiếp tục theo đoàn thủy binh của chúa Trịnh khoảng tám ngày 9. Chúng con nhận thấy thông tin này phần nào giúp chúng ta tạm xác định được vị trí mà chúa Trịnh chỉ định cho nhóm dừng lại chờ đợi, trong khi nhà chúa tiếp tục đi đánh Đàng Trong. Trong phần có nhan đề Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (天南四至路圖書) 10 thuộc bộ Hồng Đức bản đồ (洪德版圖), chúng ta có thể đọc thấy hai lộ trình đường thủy từ Thăng Long đi Chiêm Thành :

Thứ tự kể theo ngày đi bằng đường thủy.

Đường thủy thì chọn ngày lành mà đi thuyền. Từ bến Vọng-lâu, khởi-hành sớm, đi 1 ngày đậu ở Phủ Linh ; đi 2 ngày, đậu ở Vân-sàng ; đi 3 ngày đậu ở Thần-phù ; đi 4 ngày đậu ở Gái-lo( ?) ; đi 5 ngày, đậu ở cầu Khương ; đi 6 ngày, đậu ở vũng Hinh ; đi 7 ngày, đậu ở chợ Bạng ; đi 8 ngày đậu ở Cửa Kiền […]

Đường thủy của binh thuyền.

Từ Kinh-đô mà đi 1 ngày đến bãi Bông ; đi 2 ngày, đến bãi Tức Mặc ; đi 3 ngày đến Thiên-phái ; đi 4 ngày đến Thần-phù ; đi 5 ngày ; đến vạn Xích-thẩm ; đi 6 ngày đến vạn Tốt ; đi 7 ngày, đến Bố vệ ; đi 8 ngày, đến vũng Hinh ; đi 9 ngày, đến chợ Bạng ; đi 10 ngày, đến cửa Kiền […] 11.

Thực ra, hai lộ trình chỉ khác nhau ở tốc độ. Chúng con cho rằng đoàn binh thuyền của chúa Trịnh, với hơn 200 chiến thuyền, và khoảng 500 thuyền chở lương thực 12, hẳn phải đi theo tốc độ của lộ trình thứ hai. Nơi nhóm cha Đắc Lộ gặp chúa Trịnh có thể là Bãi Bông hoặc Bãi Tức Mặc, vì Thiên Phái đã là ranh giới giữa trấn Sơn Nam và trấn Thanh Hoa ngoại 13. Như vậy, sau khoảng 8 ngày, đoàn chiến thuyền này có thể tới Chợ Bạng hoặc Cửa Cờn 14Tuy nhiên, Cửa Cờn đã thuộc trấn Nghệ An, nên nơi nhóm linh mục A. de Rhodes dừng lại không thể ở xa hơn Chợ Bạng, tức là thực ra, sau khi gặp và đi theo đoàn chiến thuyền của chúa Trịnh, nhóm cha Đắc Lộ dừng lại chờ đợi ở gần hoặc chính điểm trước đó họ đã xuất phát đi gặp chúa Trịnh. Có lẽ vì thế, trong cuốn Hành trình và truyền giáo tất cả những sự kiện chúng con vừa điểm lại đã được tóm lược vắn tắt và tạo ấn tượng rằng nhóm cha Đắc Lộ đã không di chuyển nhiều :

Chúng tôi ở bên này không lâu và mỗi ngày đều có người đến nghe giảng và tin theo sự thật Chúa cho hiểu biết. Người ta dẫn chúng tôi tới với chúa 15, lúc đó chỉ nghĩ tới chiến tranh. Chúa cầm đầu một đạo quân lớn gồm có một trăm hai mươi ngàn người và bốn trăm thuyền chiến. Người Bồ đến lạy chúa và dâng phẩm vật. Tôi cũng đi với họ. Ngoài những phẩm vật khác, tôi dâng chúa một đồng hồ có bánh xe và một đồng hồ cát, nhưng chúa không ngó tới vì còn mải sửa soạn cuộc hành quân chống chúa Đàng Trong. Chúa truyền cho chúng tôi đợi chúa trong tỉnh Thanh Hoa 16, nơi chúa để lại hết các hành trang và cung phi. Chúa cũng cho một toán binh hộ vệ chúng tôi 17.

Những so sánh và tính toán trên đây xem ra cũng phù hợp với vị trí của Anvuc  Vanno trong tấm bản đồ được in trong cuốn Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài. Trong tấm bản đồ này, Anvuc nằm ở phía bắc của con sông đổ ra Cuabang, còn Vanno nằm ở phía nam của con sông này. Hai địa danh này cùng nằm ở phía nam của Diempho, và phía bắc ranh giới giữa Thinhoa và Nghean. Những chi tiết này xem ra cũng phù hợp với khoảng cách giữa kinh thành với địa danh Che no 18 ở chương 28 của cuốn Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài 19Chúng con xin được trích ra dưới đây một phần của bản đồ vừa nêu ở trên.

 

Chúng con cũng tìm thấy một bản đồ khác được cho là của linh mục A. de Rhodes với những thông tin tương tự, nhưng được trình bày hơi khác. Chúng con cho rằng bản đồ thứ hai này chính xác hơn, vì cho thấy ranh giới giữa Kénam – tức là Kẻ Nam, cũng là trấn Sơn Nam – và trấn Thanh Hoa nằm ở phía bắc của dòng sông đổ ra Cua bic 20rất có thể là Chebich trong cuốn Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài 21Chúng con cũng xin được trích ra dưới đây một phần của tấm bản đồ này.

Những thông tin này khiến chúng con cho rằng Anvuc và Vanno phải nằm đâu đó không xa khu vực Cuabang, gần xứ đạo Ba Làng hiện nay.

3. Một số chi tiết về sự khởi đầu việc rao giảng Tin Mừng tại Đàng Ngoài

Sau hai tháng chờ đợi, nhóm cha Đắc Lộ đón gặp chúa Trịnh trên đường trở về. Chúa Trịnh tỏ ra vui vẻ và trong cuộc gặp vào ngày 23-6, chúa Trịnh mời nhóm cha Đắc Lộ ở lại vương quốc. Các cha theo đoàn thuyền của chúa Trịnh đi lên kinh đô. Ngày 2-7-1627, các cha tới kinh đô, trú ngụ tại nhà một lương dân có thế giá tên là Man tai 22. Công việc rao giảng gặp được rất nhiều thuận lợi, số người tin đạo gia tăng nhanh chóng. Cho tới lễ Phục Sinh năm 1628, tại kinh đô, 500 người đã được rửa tội :

Chúng tôi ước mong được những thành quả lớn lao và tốt đẹp trong giáo đoàn mới ở Đàng Ngoài. Vì thực ra từ lễ giáng sinh cho tới lễ phục sinh đã trở lại hơn năm trăm lương dân, trong đó có mấy người khác có nhiều vợ trước khi chịu phép rửa tội, theo phong tục bản xứ, nay đã can đảm bỏ chỉ giữ lại một vợ chính thức mà thôi. Đây là một thắng lợi làm đẹp lòng Thiên Chúa và để thưởng công, Người đã cho một số nhờ lời cầu nguyện được ơn trừ quỉ khỏi người chúng ám 23.

Tuy nhiên, các cha và những người cộng sự cũng gặp không ít khó khăn :

Nhưng cũng là điều làm cho ma quỉ điên rồ chống lại chúng tôi. Từ đó, chúng dùng hết thế lực của chúng để gây trong tâm trí nhà chúa sự ghen ghét chúng tôi và các công việc chúng tôi làm. Trước hết chúng lợi dụng chính các bà vợ bé mà các giáo hữu tân tòng lại li dị. Các bà này khinh dể không chịu lấy những người chồng ở giai cấp thấp hơn người trước, nên gây xôn xao trong kinh thành, đến nỗi các tiếng đồn và tiếng than vãn tới tai chúa, ngài cũng có nhiều cung phi và không muốn bỏ, nên phật ý vì thấy có thần dân tốt hơn và có lương tâm hơn mình. Do đó chúa giận chúng tôi vì chúng tôi bắt dân tân tòng phải li dị các vợ mọn. Chúa gửi một văn thư tai hại và khá chua xót, không phản chiếu mối thịnh tình tới nay chúa vẫn có đối với chúng tôi. Văn thư này được thảo tương tự như sau : “Đạo này (hở các ngươi) các ngươi giảng trong nước ta ? Các ngươi truyền cho thần dân ta chỉ được lấy một vợ mà ta thì muốn có nhiều để sinh nhiều con trung thành với ta. Từ nay các ngươi hãy gạt đi đừng giảng đạo nữa : nếu các ngươi không tuân lệnh thì ta sẽ chém đầu các ngươi và ngăn cấm các ngươi từ nay chớ tiếp tục làm điều ta cấm” 24.

Bên cạnh đó, vào năm 1628, các cha còn bị vu khống tội làm gián điệp cho nhà Mạc ở Cao Bằng và nhà Nguyễn ở Đàng Trong :

Thế nhưng ma quỉ không nghỉ yên, nó vẫn có mưu đồ từ đầu ngăn cản tiến triển tốt đẹp của Kitô giáo trong xứ Đàng Ngoài. Nó xúi một người bị án tử hình đã mất lương tâm, một người bản xứ thuộc chúa Canh. Ông này trong một thời gian đã làm thầy sãi không đủ sống vì ít người đi lại đền kể từ ngày rao giảng Phúc âm. Ông đành làm một nghề khác và đứng đầu một bọn thổ phỉ đánh du kích dưới chiêu đề chúa Canh và cướp phá trong khắp xứ Đàng Ngoài. Nhưng quân của chúa giải đi khắp xứ để bắt được hắn và giam ngục. Thấy mình không thể thoát chết, hắn tìm cách trì hoãn hứa (nếu được hưởng ân xá) thì sẽ phát giác một âm mưu bí mật chống chúa và quốc gia. Người ta bằng lòng nghe hắn và hắn tố giác đạo trưởng Tây dương giảng tự do giữa kinh thành và nơi phủ chúa Đàng ngoài làm mật vụ gián điệp cho chúa Canh cũng như cho chúa Đàng Trong ; họ đã thông đồng với nhau khi đến thời điểm, mỗi bên đều có một đạo binh tinh nhuệ kết hợp với giáo dân mà châm lửa đốt phủ chúa và trong trận chớp nhoáng này họ dễ dàng bắt chúa và toàn quốc qui phục quyền họ 25.

Sự việc này dẫn đến lệnh cấm theo đạo lần đầu tiên được ban hành ở Đàng Ngoài :

Chúa ra sắc lệnh long trọng tuyên bố như sau. “Ta, chúa Đàng Ngoài, được biết khá đầy đủ các tây dương đạo trưởng ở trong phủ ta, tới bây giờ không dạy dân đạo lý tà vạy và xấu xa. Thế nhưng không biết trong tương lai sẽ làm những gì hay hiện tại mưu đồ những gì. Vậy từ nay ta cấm hết thần dân ta, chúng sẽ bị xử nếu còn đi lại với họ hoặc theo đạo họ giảng”. Lời lẽ sắc lệnh tương tự như vậy, không phải chỉ niêm yết như thường lệ mà khắc trên ván gỗ và dựng ở trước nhà chúng tôi 26.

Trước những khó khăn, các cha vẫn kiên trì, uyển chuyển và khéo léo “rửa tội” cho các truyền thống văn hoá bản địa :

Tới ngày đầu năm, theo tục lệ lương dân, thường có những cúng bái mê tín dị đoan trong ba ngày Tết. Chúng tôi truyền cho giáo dân làm những việc đạo đức trong ba ngày này : để thay thế cái hộp treo ở đầu cây nêu cao dựng ngay ở cửa nhà, như chúng tôi đã nói ở quyển 1, thì chúng tôi khuyên họ đặt cây thánh giá : họ làm theo. Thế là trong khắp phố phường trong kinh thành người ta xem thấy biểu hiện đáng kính của việc cứu rỗi được dựng cao vót quá mái nhà làm cho ma quỉ sợ hãi và các thiên thần vui mừng 27.

Liên quan đến việc “rửa tội” cho các truyền thống bản địa, chúng ta không thể không nhắc tới việc cha Đắc Lộ giới thiệu Thiên Chúa qua việc biến đổi tam cương thành “tam phụ” 28 trong bài giảng đầu tiên, cuốn Phép giảng tám ngày :

Bây giờ ta phải hay có ba đấng bề trên, gọi là ba cha, ta phải thờ, ở đấng nào, cho nên đấng ấy. Đấng dưới là cha mẹ sinh thân xác cho ta ; đấng giữa là vua chúa trị nước ; đấng trên là Đức Chúa trời đất, làm Chúa thật trên hết mọi sự. Có ba đấng này ta mới được sống, được ở 29.

Gương sáng trong việc sống triệt để các giá trị Tin Mừng của các cha luôn là yếu tố có thể thực sự cảm hoá lòng người. Các cha không chấp nhận bẻ cong sự thật để làm hài lòng người khác, dù đó là người quyền quí :

Người em gái của chúa lúc đó cũng ở trong thôn này. Bà biết sự thể xảy ra và cho mời chúng tôi đến để chúng tôi cho bà biết về niềm tin của chúng tôi. Thế là trong thời gian tôi đàm đạo với bà trước mặt hai trăm quân binh thị vệ của bà. Ít lâu nay bà mất chồng là một vị quan trọng yếu trong phủ chúa, bà quá thương xót và bà mê mải muốn dùng quyền thế của mình để tìm cách giúp ông trong cõi đời sau ông vừa tới. Thế là bà đặt câu hỏi thứ nhất : các ông thấy người quân binh vừa mất có công trạng gì mà được an táng thân thương đến thế ? Chúng tôi đáp không phải vì công trạng nhưng vì lòng nhân hậu và thương xót của Thiên Chúa mà anh nhận được ơn tin theo Đức Kitô trước khi chết và nhờ ơn đó anh có bảo đảm một cuộc sống đời đời hạnh phúc ở đời sau. Bà bỡ ngỡ về câu trả lời và vì bà dồn hết tâm trí và thương yêu vào việc cứu giúp chồng bà hơn vào sự cứu rỗi, nên bà khóc lóc đặt câu hỏi thứ hai, xem chúng tôi có cách nào hiệu lực giúp người chồng quá cố ? Chúng tôi theo lời Sách thánh mà đáp lại rằng cây ngả bên nào, Nam hay Bắc, thì cứ nằm đó không chỗi dậy được. Còn chúng tôi, chúng tôi không được Chúa trời đất sai đi giảng Phúc âm cho người chết, nhưng cho người sống, vì thế chúng tôi bất lực không sao cứu được những người đã chết trong vô đạo. Nghe lời này bà hết sức buồn khổ khóc lóc vì tình trạng bất hạnh chúng tôi nói về chồng bà đã chết mà chúng tôi không làm gì được, cũng không sao cứu linh hồn ông được. Nhưng có mấy bà trong phủ nhận ngay lấy cơ hội tốt và quyết định ngay khi còn sống phải sắm cho mình việc tốt lành chúng tôi rao giảng. Một bà thầm nghĩ, vì sau đó bà kể cho tôi biết, nếu những người ngoại quốc này muốn bợ đỡ bà em của chúa trong khi bà âu sầu và cho bà tin rằng họ có cách giúp đỡ hồn chồng bà trong đời sau, thì chắc chắn họ sẽ được lòng bà và sự tin cậy của bà và sẽ được tất cả những gì họ muốn. Nhưng vì họ ít quí trọng sự che chở của bà và những ích lợi họ có thể nhận được từ nơi bà trong cơ hội này, thì phải tin đạo họ giảng là thật và phải tin theo để được sự tốt lành đã hứa 30.

Bên cạnh thái độ gắn bó với chân lí, các cha cũng hết sức trung thành với lối sống siêu thoát :

Mặc dầu lúc từ Macao trẩy đi, chúng tôi đã đem theo tiền của cần dùng cho một năm, thế nhưng chúng tôi đã cư trú ba năm ở Đàng Ngoài, dù chúng tôi rất tiết kiệm, chúng tôi cũng đã tiêu hết với tất cả số chúa đã ban. Chúng tôi không muốn để giáo dân chịu, cũng chẳng muốn xin của bố thí mà họ rất vui lòng cho, họ sẵn sàng khoét mắt đem dâng cho chúng tôi nếu chúng tôi xin, như vậy để cho họ xác tín rằng chúng tôi đến tìm các linh hồn chứ không tìm kiếm của cải. Điều này làm cho họ rất cảm phục và dùng làm minh chứng về tình yêu thương vô vị lợi chúng tôi đem tới để cứu vớt họ, để thuyết phục giáo dân nhận thấy nhân từ và thánh thiện của đạo ta và chân lý đức tin chúng tôi rao giảng 31.

Vài ghi nhận

Việc rao giảng của cha Đắc Lộ ở Đàng Ngoài chỉ kéo dài ba năm, 1627-1630, nhưng ảnh hưởng của giai đoạn này hết sức sâu đậm trong đời sống các tín hữu. Một số những sáng kiến của cha vẫn tiếp tục được lưu giữ đến tận hôm nay, ví dụ như truyền thống ngắm mười lăm sự thương khó 32. Sau khi đã điểm qua một số nét trong sứ vụ loan báo Tin Mừng của cha ở Đàng Ngoài, chúng con xin được đưa ra một số ghi nhận sau đây :

– Mọi biến cố được thuật lại trong thời gian ba năm rao giảng hầu như luôn được nhìn dưới cái nhìn siêu nhiên. Những thành công luôn được xem là ân huệ của Thiên Chúa, trái lại, những khó khăn thử thách luôn được coi là sự tấn công, sự nổi giận của ma quỉ.

– Cha Đắc Lộ luôn để tâm quan sát những tập tục, những nét văn hoá bản địa và tìm cách đọc ra những giá trị Tin Mừng tiềm ẩn để cố gắng hội nhập văn hoá một cách khéo léo, uyển chuyển.

– Cha Đắc Lộ và những người đồng sự luôn sống triệt để các giá trị Tin Mừng, không chấp nhận đánh đổi chân lí lấy những mối lợi trước mắt, dù là những mối lợi to lớn và hấp dẫn nhân danh việc rao giảng Tin Mừng.

Có thể nói công cuộc rao giảng Tin Mừng ở Đàng Ngoài trong giai đoạn đầu tiên như được kể lại trong một số tài liệu của cha Đắc Lộ cho thấy rằng những điều các ngài thực hiện vừa rất quyết liệt khi liên quan đến cốt lõi của Tin Mừng, vừa uyển chuyển trong cách thực hiện. Đó cũng chính là những nét chính yếu trong cuộc đời của thánh Phaolô.

4. Xứ Bắc trong giai đoạn đầu tiên của việc loan báo Tin Mừng

Theo chúng con được biết, cha Đắc Lộ hầu như không nếu đích danh Xứ Bắc, Kẻ Bắc, hay Kinh Bắc trong các tác phẩm của mình. Vùng này chỉ được ám chỉ trong những đoạn văn tóm lược về tình hình chung của Đàng Ngoài. Tuy nhiên, vùng Kinh Bắc lại được đề cập đến trong những báo cáo của các thừa sai Dòng Tên sau cha Đắc Lộ.

Trong những tài liệu của cha Đắc Lộ

Có thể nói lần đầu tiên cha Đắc Lộ ám chỉ tới vùng Kinh Bắc khi bàn về tiền tệ và buôn bán ở Đàng Ngoài. Chi tiết ám chỉ này là “bốn trấn” quanh kinh thành Kẻ Chợ :

Tiền đồng lưu thông giữa người Đàng Ngoài thuộc hai loại, loại lớn hay loại nhỏ. Loại lớn thường được tiêu dùng trong khắp Vương Quốc, và đa phần được mang đến từ nơi khác, do các nhà buôn Trung Hoa, và xưa kia cũng do các nhà buôn Nhật Bản nữa. Ngược lại, loại nhỏ chỉ được tiêu dùng trong kinh thành và trong bốn trấn ở chung quanh, chứ không được dùng nơi các trấn khác cũng thuộc Vương Quốc này, và cũng không được dùng ở Đàng Trong 33.

Có thể nói, trong các tác phẩm của mình, còn một lần khác nữa cha Đắc Lộ ám chỉ đến vùng Kinh Bắc khi tóm lược những tiến triển vượt bậc trong công cuộc loan báo Tin Mừng tại Đàng Ngoài, khi cho biết Tin Mừng đã được gieo rắt ở khắp các tỉnh trong nước :

Giáo hội Đàng Ngoài đang ở trong tình trạng chúng tôi đã tường thuật cho tới đây. Chúng tôi đã hoạt động trong thời gian ba năm, với những thành công và bất trắc rất khác nhau. Tính ra được năm ngàn giáo dân và những hạt giống đức tin đã được gieo trong đa số các tỉnh, hứa hẹn trong tương lai một mùa gặt lớn lao và rất phong phú 34.

Dĩ nhiên, còn phải kể tới lần Kẻ Bắc được nêu đích danh trong tài liệu của cha Đắc Lộ, đó là chi tiết trong tấm bản đồ được in trong cuốn Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài, ấn bản năm 1651 tại Lyon :

Những chi tiết này cho thấy rằng cha Đắc Lộ có biết tới Xứ Bắc. Rất có thể trong thời gian ba năm cha ở Đàng Ngoài, đã có những người hoặc những nhóm người theo đạo ở Xứ Bắc. Chúng ta cần đến những tài liệu khác để biết rõ hơn về điều này.

Thiết tưởng cũng cần ghi nhận một chi tiết nhỏ nhưng ít nhiều liên quan đến Xứ Bắc. Ở chương 26 cuốn Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài, tác giả có đề cập tới địa danh Che Dun. Một số nhà nghiên cứu cho rằng địa danh này chính là Kẻ Đông hay Xứ Đông thời Lê-Trịnh. Sự việc có lẽ diễn ra vào cuối năm 1628 và được thuật lại như sau :

Chúng tôi còn nhận được những dấu hiệu nhiệt thành và sốt sắng của một bà Anna khác đã là giáo dân, vợ viên quan tỉnh Kẻ Đông. Bà không khuyên được chồng trở lại đạo, chỉ vì ông ham mê sắc dục, nhưng bà chinh phục được tất cả gia quyến. Bà rất sung sướng và rất khéo léo làm cho một số đông người trong tỉnh có cảm tình tốt với đạo ta, đến nỗi không bao giờ bà vào phủ để lo các việc hành chính thay chồng mà bà không đem theo nhữngn người đã hoàn toàn được chuẩn bị để trở lại đạo. Được vậy là nhờ Inhaxu chúng tôi đã nói tới và sẽ còn nói ở chỗ khác, Inhaxu giúp rất nhiều bằng lời dạy dỗ nhiệt thành. 35

Chúng con cho rằng sự kiện này ít nhiều có liên quan đến Xứ Bắc, vì trong các tài liệu sau đó, Xứ Bắc và Xứ Đông thường gộp chung với nhau trong các bản tường trình hay trong việc phân chia các khu vực hoạt động mục vụ.

Trong một số tài liệu của các thừa sai Dòng Tên thế kỉ thứ 17

Những ghi chép trước đây cho chúng ta biết rằng từ năm 1626 đến năm 1694, Dòng Tên đã gửi tới Đàng Ngoài 61 thừa sai, trong đó có 4 linh mục và 3 tu huynh người Đàng Ngoài 36. Nhiều vị trong số này đã để lại cho chúng ta những tài liệu quí báu về sinh hoạt của các cộng đoàn Kitô hữu tại Đàng Ngoài trong giai đoại này.

Trước hết, trong bản tường trình về chuyến kinh lí Đàng Ngoài của mình, ngày 12-10-1647, cha Jean Cabral kể về Xứ Đông và Xứ Bắc như sau :

Tôi đem Thừa sai Fontes cùng đi thăm các tỉnh thuộc xứ Đông và xứ Bắc… Và lần này, tôi cũng được đón tiếp một cách nồng nhiệt và với những thể thức như các nơi khác. Chúng tôi đi ngựa và đi cáng (…) chúng tôi đi khắp nơi, giữa ban ngày, trước mắt mọi người, qua đường và qua chợ đông người, mà không ai thắc mắc cả. Nơi nào có những giáo hữu, thị họ liền tới, đem theo lễ vật nhiều lúc với cơm và thức ăn làm sẵn cho những người đi theo chúng tôi. Họ còn “lạy” chúng tôi trước mặt người ngoại mà không hề hổ ngươi. Điều này thực đáng khen vì nó chứng tọ là họ không sợ xưng mình là Công giáo hoặc sợ người ta biết mình là Công giáo. Người ngoại cũng rất dễ thương. Nhà thờ lớn nhât ở các tỉnh này là nhà thợ của một giáo hữu thủ chỉ của làng, có tên thánh là Phaolô. Ông đã dâng cúng cho chúng tôi tất cả tài sản của ông, trong đó có một nhà thờ và một nhà ở cho hai thừa sai, khá khang trang và lợp ngói, do ông xây cất. Bởi vì ông là một nhân vật quan trọng, nên điều này không làm ai thắc mắc… Từ đó tôi sang nhà thờ Quegnoc ( ?) với ý định sẽ cử hành lễ Phục Sinh ở đây. Giáo hữu đã tới rất đông, có nhiều người ở nơi khác tới nữa. Nhưng giáo hữu của một làng gần bờ biển, cách xa không đầy một ngày đàng, đã năn nỉ tôi đến với họ, nên tôi đã phải tới với họ và để Thừa sai Fontes ở lại nơi đây. Chiều thứ bảy Tuần Thánh (20-4), tôi tới nhà thờ Dolam. Thừa sai Cardoso ở đây với vô số giáo hữu. Suốt đêm đó, người ta trình diễn các màn kịch thánh và những trò chơi rất lành mạnh (…). Sáng sớm tôi đã dâng Thánh lễ trọng thể cho họ và có đông người rước lễ. Một số người khác đã ở lại dự lễ của Thừa sai Cardoso (…) 37.

Những miêu tả trên đây khó có thể giúp chúng ta xác định chính xác địa danh đã được đề cập tới. Tuy nhiên, nếu liên kết với thông tin nêu trên của cha Đắc Lộ, cùng với chi tiết cho biết bờ biển “cách xa không đầy một ngày đàng”, chúng ta có thể tạm định vị nơi này ở Kẻ Đông, có thể là khu vực Hải Dương ngày nay. Chúng ta có thêm một thông tin thú vị từ bản tường trình này, đó là con số tín hữu đã lên tới khoảng 170 ngàn 38, số nhà thờ trong khắp nước cũng đã khá nhiều :

Tôi đã gặp các thừa sai thuộc vương quốc : Thừa sai Felix Morelli và Thừa sai Antonio de Fontes ở trụ sở Hangbi (Hàng Bè) tại kinh đô ; Thừa sai Onufre Borges ở Homac 39 (?), phía Nam, ngay cửa vào ; Thừa sai Martin Coelho ở Thanh Hoá ; các thừa sai Manuel Cardoso và Paulo Carlopresi ở Nghệ An. Và tại tất cả các cư sở đó, trừ trụ sở Homac, đều có nhà cho các thầy giảng được nuôi dưỡng nhờ sự dâng cúng của giáo hữu : các thầy giảng đã giúp các thừa sai rất đắc lực và có nhiều thầy giảng ở mỗi cư sở.

Các nhà thờ cũng nhiều (…) Ở xứ Nam có 51 nhà thờ ; ở Thanh Hoá (kể cả trú sở Queno (Kể Nô ?) mà chúng tôi đã cho mở cửa như sẽ nói sau này) có 30 nhà thờ lớn và 29 nhà thờ nhỏ ; ở các tỉnh thuộc xứ Bắc và xứ Đông, có 37 nhà thờ ; ở Nghệ An có 53 nhà thờ. Đó là không kể các nhà nguyện trong các làng để người Công giáo hội họp đọc kinh và xưng tội, rước lễ khi có linh mục tới 40.

Theo Marini, trong những năm 1655 đến 1659, số tín hữu đã gia tăng tới 350.000 41. Số nhà thờ tồn tại tới trước cuộc bách hại là 416 42. Tuy nhiên, con số cụ thể được kể ra trong bản văn của Marini là 414 và được phân chia như sau : trấn Nghệ An 43 120, trấn Thanh Hoa 34, trấn Kẻ Vó 40, trấn Sơn Nam 114, trấn Đông 50, trấn Sơn Tây 15, trấn Bắc hơn 25, tại kinh đô có 4 nhà thờ và 12 ở vùng phụ cận. Sau cuộc bách hai, tức là những năm 1655 đến 1659, số nhà thờ ở Đàng Ngoài là 325, ngoài ra, còn có hàng trăm nhà nguyện 44. Tài liệu của Bento Thiện cho chúng ta biết cụ thể hơn rằng vào năm 1659, “Kinh bắc xứ được mười lăm nhà thánh” 45, trong cả nước lúc đó có 340 nhà thờ 46. Ghi chép của cha Tissanier cho biết đến năm 1663 ở Đàng Ngoài có 386 nhà thờ 47. Những con số này cho thấy trong giai đoạn những năm 1647 đến 1663, các tín hữu ở Đàng Ngoài đã trải qua khá nhiều biến động do những hạn chế và cấm cách, thế nhưng con số người theo đạo vẫn khôn ngững gia tăng nhanh chóng.

Sau những biến cố được kể tới ở đây, hoạt động của các linh mục Dòng Tên ở Đàng Ngoài ngày càng bị hạn chế. Trong những năm 1663 đến 1669, do lệnh cấm của chúa Trịnh, các linh mục Dòng Tên hoàn toàn vắng bóng tại Đàng Ngoài 48.

Trong một số tài liệu của Hội Thừa Sai Paris

Cũng cần biết thêm rằng sức tiến triển mạnh mẽ của các cộng đoàn tín hữu tại Đàng Ngoài, cùng với những cuộc vận động không biết mệt mỏi của cha Đắc Lộ đã đưa đến việc thiết lập hai Vùng Đại Diện Tông Toà Đàng Trong và Đàng Ngoài vào ngày 9-9-1659.

Hai vị Đại Diện Tông Tòa đầu tiên, François Pallu (1626-1684)
và Lambert de la Motte (1624-1679)

Chính trong thời khoảng thời gian này, hai vị Đại Diện Tông Toà đầu tiên, Đức cha François Pallu và Lambert de la Motte, đã đi đường bộ đến Thái Lan. Vào năm 1664, hai Đức cha đã nhóm họp công đồng địa phương tại Juthia, Thái Lan, quyết định thiết lập chủng viện tại chính nơi tổ chức công đồng 49. Cha François Deydier được cử đi Đàng Ngoài và đến nơi vào tháng 8-1666.

Cha François Deydier (1634-1693)

Ngay khi tới nơi, cha Deydier đã làm ngay công việc cấp bách là tìm cách tiếp xúc và tập hợp các thày giảng. Lúc đó, số thày giảng kỳ cựu chỉ còn 8 người, số thày giảng trẻ và người phục dịch khoảng 45 hay 50 lúc các thừa sai Dòng Tên rời Đàng Ngoài chỉ còn lại 15 người, trong số đó, một số không biết chữ 50, nhưng bù lại, có nhiều người trẻ gia nhập nhóm này. Thày Gioan Huệ là trụ cột của nhóm. Họ được ông Raphael Rhodes cho vay tiền mua một chiếc thuyền để làm kế sinh nhai và chia sẻ đời sống cộng đoàn 51. Tháng 3-1668, cha Deydier gửi sang chủng viện Juthia hai thày giảng Bentô Hiền và Gioan Huệ. Mấy tháng sau, ngày 15-6-1668, hai thày được Đức cha Lambert de la Motte truyền chức linh mục và trở lại Đàng Ngoài. Đó là hai linh mục bản xứ tiên khởi của Đàng Ngoài 52. Năm 1670, Đức cha Lambert de la Motte tới Đàng Ngoài triệu tập công đồng miền tại Dinh Hiến và đã truyền chức linh mục cho 7 thày giảng, đó là các vị Martin Mật 68 tuổi, Antôn Quế 56 tuổi, Philíp Nhân 52 tuổi, Simon Kiên 60 tuổi, Giacôbê Chiểu 46 tiểu, Lêôn Trí 46 tuổi và Vitô Tri 30 tuổi, trẻ hơn tất cả 53. Bản văn công đồng phân chia các vùng mục vụ ở Đàng Ngoài như sau :

Khoản 3 – Vì vương quốc này được chia thành năm trấn, việc điều hành trấn Nghệ An đã được giao cho Thầy Martin. Thầy sẽ đặt cư sở thường xuyên tại xứ Lang-cau, và sẽ coi soc tất cả các nhà thờ, kể từ giáo xứ kể trên cho đến ranh giới trấn Thanh Hoa. Thầy Lêôn van Tri sẽ ở tại giáo xứ Ke-lan, và sẽ coi sóc tất cả các nhà thờ kể từ giáo xứ này cho đến ranh giới Đàng Trong. Thầy Philíp Nhân sẽ coi sóc trấn Thanh Hoa ngoại và sẽ đặt trú sở thường xuyên ở xứ Ke-bo. Thầy Vitus van Tri sẽ coi sóc trấn Thanh Hoa nội và sẽ đặt trú sở thường xuyên tại xứ Van-no. Thầy Simon Kien sẽ coi sóc Sơn Nam hạ về hướng Sơn Tây và sẽ đặt trú sở thường xuyên tại xứ Trinh-xuyen. Thầy Jean van Hoe sẽ coi sóc trấn Sơn Nam về phía đông và sẽ đặt trú sở thường xuyên tại xứ Kien-lao. Các trấn Hải Dương và Kinh Bắc, ít hơn các trấn các, cả hai trấn đã được giao cho Thầy Antoine van Qué. Thầy sẽ đặt trú sở thường xuyên ở xứ Che-nam. Thầy Jacques Van Chieu sẽ coi sóc trấn Sơn Nam thượng và trấn Sơn Tây, vốn có ít nhà thờ hơn, và sẽ đặt trú sở thường xuyên tại xứ Ke-ruong. Thầy Benoit van Hien sẽ coi sóc hai xứ Phục Sinh và Giáng Sinh trong kinh thành 54.

Ở khoản 4, bản văn cũng cho biết thêm rằng thầy giảng Jacques Cau Gen giúp Thầy Antoine Qué 55. Việc phân chia các linh mục đầu tiên theo các vùng mục vụ trên đây dường như kéo dài không lâu, vì bản phân chia vào năm 1673 cho biết Thầy Antonius van Qué ở xứ Van-no, điều hành trấn Thanh Hoa, Thầy Jacobus van Chieu điều hành trấn Kinh Bắc và Hải Dương 56. Ghi chép vào năm 1686 cho biết rằng cộng đoàn Kitô hữu Đàng Ngoài lúc đó có 13 linh mục bản địa, một trong các vị đó được trao phó coi sóc Xứ Bắc 57.

Ngoài ra, đôi khi một số làng công giáo Xứ Bắc cũng được nhắc tới trong các tài liệu vào thời gian này. Bản tường trình của Vị Đại Diện Tông Toà vào năm 1675 có kể lại vụ án Ke-coue ở trấn Kinh Bắc :

Vào đầu năm, chúng tôi làm điều có thể làm nhằm buộc một bậc thầy kia phải tước bỏ một quĩ mà họ đã có, với ý định xây lại nhà thờ Ke-coue ; nhưng về phía họ, họ cũng đã làm tất cả những gì mà họ cho là phải làm để lấy lòng bậc thầy và những kì mục ở đó, bởi vì nơi này đã rất thuận tiện cho việc thực hành đạo thánh chúng ta một cách tự do, và chúng tôi đã có thể dễ dàng qui tụ các tín hữu ở cả trấn Kinh Bắc lẫn trấn Hải Dương. Lời xin của họ thật thích đáng, nên dù cho uy tín và những nỗ lực của các đối thủ của họ, chúng tôi đã để họ được sở hữu mảnh đất, và họ đã xây dựng lại nhà thờ. Ngôi nhà thờ lại được giao cho vị linh mục người Đàng Ngoài vốn vẫn coi sóc nhà thờ này trước đó 58.

Một địa chỉ quan trọng khác trong sinh hoạt của cộng đoàn Kitô hữu Đàng Ngoài vào thời điểm này là tiểu chủng viện Kẻ Cốc 59. Dưới đây là những ghi chép vào năm 1685, với nhan đề Tiểu chủng viện tại Kẻ Cốc :

Thấy rằng trường đã được lập ở Kiên Lao, trong trấn Sơn Nam đã bị thiêu cháy theo lệnh quan trấn thủ, đồng thời nhận thấy rằng ở trấn Kinh Bắc, người ta thực hành đạo công giáo được tự do hơn, do lòng tốt của quan trấn thủ ở đây và một số viên chức Kitô hữu trong trấn, vốn đã hứa với các ngài sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công việc này, các vị Đại Diện Tông Toà làm một ngôi trường khác trong một ngôi làng nhỏ có tên Kẻ Cốc, hầu như toàn tòng công giáo (trừ một hay hai gia đình). Ngôi làng này, dù bất tiện vì hổ ở rừng gần bên đôi khi vào làng lúc ban đêm để kiếm mồi và ăn thịt lợn gà của cư dân, nhưng vẫn còn thuận tiện hơn cho việc dựng trường, bởi vì chúng tôi có thể dễ dàng kiếm được trong rừng mọi thứ gỗ cần thiết để dựng nhà và đun nấu, và nhất là vì khi có bách hại, thật không khó tìm được những nơi trú ẩn chắc chắn ngoài tầm vây bắt của các quan án 60.

Tiểu chủng viện Kẻ Cốc được dựng năm 1684 và chỉ hoạt động được một năm do cha de La Vigne hướng dẫn. Số tiểu chủng sinh từ 12 lên tới 7 bàn ăn, tức khoảng 28. Cha de La Vigne bị dân ngoại ở làng bên phao là viết chữ vương trên trán và đang âm mưu nổi loạn. Cha lánh qua làng khác và trao việc điều hành tiểu chủng viện cho một thầy giảng kì cựu. Nhưng tháng 5-1685, dân ngoại tụ tập quấy phá làng Kẻ Cốc một cách dữ dội, nên tháng 7 năm đó, các tiểu chủng sinh buộc phải phân tán đi khắp các nơi, cứ vài thầy đến ở với một cha 61.

Như vậy, những ghi chép của các thừa sai Dòng Tên cho chúng ta biết rằng đến khoảng năm 1648, trấn Kinh Bắc đã có tới 25 nhà thờ, nhưng đến năm 1659, số nhà thờ chỉ còn 15. Công đồng miền tại Dinh Hiến vào năm 1670 đã trao cho một trong những linh mục đầu tiên của Đàng Ngoài, Antôn van Qué, coi sóc vùng Hải Dương và Kinh Bắc. Ghi chép vào năm 1673 cho biết vị linh mục coi sóc hai trấn này vào lúc đó là Thầy Jacobus van Chieu. Đến những năm 1684-1685, một tiểu chủng viện đã được lập ở Kẻ Cốc, trấn Kinh Bắc,

5. Những cuộc xung đột giữa Dòng Tên với Hội Thừa Sai Paris và những hệ quả

Việc thiết lập hai Vùng Đại Diện Tông Toà đánh dấu sự phát triển của cộng đoàn Kitô hữu tại Đại Việt, nhưng đồng thời cũng gây ra những chia rẽ và xung đột trầm trọng trong lòng cộng đoàn non trẻ này. Chúng con xin được đề cập về một vài điểm xung đột giữa một bên là các thừa sai Dòng Tên và bên kia là những thừa sai thuộc Hội Thừa Sai Paris, cùng những hệ quả trầm trọng của tình trạng này.

Xung đột thẩm quyền

Chúng ta cần trở lại với bối cảnh sớm hơn. Vào đầu thế kỉ 15 ngành hàng hải Bồ Đào Nha đã rất phát triển, nhờ vậy, họ được hưởng khá nhiều đặc quyền. Ngày 4-4-1418, Đức Máctinô V ban hành sắc lệnh Sane Charissimus cho hoàng đế Bồ Đào Nha quyền làm chủ các vùng đất đã chiếm cứ. Ngày 28-5-1455, Đức Nicôla V lại ban thêm sắc lệnh Romanus Pontifex, khẳng định rằng bất kì ai đến vùng đất chiếm đóng của hoàng đế Bồ Đào Nha để buôn bán hay truyền giáo đều phải được sự cho phép của vị hoàng đế này. Từ năm 1492, độc quyền trên đây của Bồ Đào Nha bị đặt lại vấn đề khi ngành hàng hải của người Tây Ban Nha cũng đang trên đà phát triển. Cuộc tranh chấp giữa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã khiến Đức Alêxanđê VI đã phải ấn định ranh giới đặc quyền của hai đế quốc, lấy đảo cuối cùng trong quần đảo Acores làm mốc, từ đó về phía tây thuộc ảnh hưởng Tây Ban Nha, từ đó về phía đông thuộc ảnh hưởng Bồ Đào Nha 62.

Ngày 23-1-1576, giáo phận Macao, còn gọi là Áo Môn, được thành lập, với lãnh thổ bao trùm toàn bộ vùng Viễn Đông, trong đó có Đại Việt. Khi bắt đầu việc truyền giáo tại Đàng Ngoài, trong số các vị thừa sai Dòng Tên đến giảng đạo, luôn có một vị được đặt làm Bề Trên. Sau này, khi công việc đã đạt những kết quả đáng khích lệ, trong số các thừa sai Dòng Tên, Đức Giám mục Macao đặt một vị Đại Diện chịu trách nhiệm về vùng này.

Sau thời gian vắng bóng tại Đàng Ngoài, từ 1663-1669, ngày 19-4-1669, ba linh mục Dòng Tên là Domenico Fuciti, Filippo Fieschi, Baltasar da Rocha, và tu huynh Ignatio Martins, rời Áo Môn đến Đàng Ngoài. Cha Fuciti được đặt làm bề trên. Cũng lúc này, cha François Deydier đã ở Đàng Ngoài được 3 năm và đang ở Kiên Lao. Những trao đổi thư từ giữa hai bên lúc ban đầu xem ra khá bình thường và thân ái. Với tư cách là Cha Chính Đàng Ngoài, cha Deydier cho phép các cha Dòng Tên được thi hành các việc mục vụ 63. Khi đến Kẻ Chợ, cha Fuciti tỏ ra không nhận quyền Đức Giám mục Lambert de la Motte, vì thế, cha Deydier đã buộc phải công bố đoản sắc của Đức Thánh Cha và văn kiện của Thánh Bộ, nhưng cha Fuciti vẫn tỏ thái độ tức giận và không nhận quyền các vị Đại Diện Tông Toà 64. Thấy thế, cha Deydier tỏ ý sẵn lòng nhường lại cho cha Fuciti việc điều hành một hai trấn cho đến khi có quyết định từ Rôma. Tuy nhiên, cha Fuciti cho biết rằng ngài là Đại Diện tại vương quốc này và không nhìn nhận quyền bính như cha Deydier. Hai bên lâm vào tình trạng tranh chấp thẩm quyền, với những thầy giảng, những nhóm tín hữu hậu thuẫn cho mỗi bên 65. Hội Thánh Đàng Ngoài bị chia rẽ hết sức trầm trọng. Ngày 13-9-1701, tại làng Ke-van, phủ Chương Đức, trước sự hiện diện của đông đảo linh mục, thầy giảng và giáo dân, cha Bélot đọc sắc chỉ “Speculatores domus Israël” được Đức Clêmento IX ban hành ngày 13-9-1669 và yêu cầu cha Fuciti nhận quyền để chấm dứt những chia rẽ. Thế nhưng cha Fuciti không nhìn nhận sắc chỉ, với lí do trên sắc chỉ này không có con dấu của vua Bồ Đào Nha, nên là sắc chỉ giả 66.

Xung đột lúc đó diễn ra cả ở Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong. Năm 1674, cha Giuseppe Candone, Đại diện phân nhiệm của giáo phận Malacca ở Đàng Trong và Chiêm Thành đã gửi một thư luân lưu rất căng thẳng, trong đó có đoạn như sau :

Đức Thánh Cha đã không ban quyền cho các Giám mục và các cha Pháp ở nước ngoài [thuộc Hội thừa sai Paris] được đi phương Đông hoạt động tại những nơi đã có các cha thuộc nước Bồ Đào Nha đến rao giảng đạo Đức Chúa Trời tại đó (in locis ubi sunt Patres ex regno Portugalliae annuntiantes legem Dei), như các cha chúng tôi [Dòng Tên] ở Xiêm đã tuyên bố cho bổn đạo cư ngụ tại đó 67.

Những tranh chấp tiếp tục kéo dài, nên ngày 22-10-1696, Đức Innôxentê đã công bố Hiến chế Ex commissae nobis, tuyên bố tách Đàng Ngoài ra khỏi giáo phận Macao, đồng thời, Đức Thánh Cha cũng công bố Hiến chế Cum sicut khẳng định rằng Tổng Giám mục Goa, các Giám mục Macao và Malacca không còn thẩm quyền gì tại Xiêm, Bam Bốt và các xứ lân cận 68.

Xung đột về quan điểm

Bên cạnh xung đột về thẩm quyền, hai nhóm thừa sai còn có xung đột về quan điểm liên quan đến việc truyền chức linh mục cho các thầy giảng người địa phương.

Khi lên đường sang Đại Việt, Đức cha Lambert de la Motte và Đức cha François Pallu đã nhận được một văn bản quan trọng có tiêu đề Instructio vicariorum apostolicorum ad regna Sinarum, Tonchini et Cocincinae proficiscentium 1659, quen gọi là Huấn dụ năm 1659, trong đó có đoạn như sau :

Đây, lý do chính thúc đẩy Thánh bộ đã cử chư huynh đến các xứ ấy với chức vụ Giám mục, là để chư huynh, bằng mọi phương thức có thể, lo đảm trách giáo dục thanh niên, giúp họ đủ khả năng lãnh nhận chức vụ Linh mục. Chư huynh sẽ [truyền chức] cho họ và cử họ đi khắp các miền bao la ấy, mỗi người công tác trong quốc gia mình ; ở đó họ sẽ hết lòng phụng sự đạo Chúa nhờ chư huynh ân cần săn sóc 69.

Tuân theo Huấn dụ này, từ năm 1668 đến 1670, Đức cha Lambert de la Motte đã truyền chức linh mục cho 9 thầy giảng Đàng Ngoài. Điều này làm cho xung đột giữa hai bên thêm trầm trọng, vì các thừa sai Dòng Tên theo đuổi một phương thức làm việc khác. Trong những cuộc tiếp xúc đầu tiên với các thầy giảng tại Đàng Ngoài, cha François Deydier được họ cho biết rằng các cha Dòng Tên cấm họ học tiếng Bồ Đào Nha cũng cấm họ học các chữ cái Latinh 70. Các cha Dòng Tên hẳn vì muốn giữ gìn “ơn gọi” của các thầy nên đã ra lệnh cấm này 71, vì các vị từng biết tới trường hợp thầy giảng Raphaen de Rhodes, dường như vì thông thạo tiếng Bồ Đào Nha mà đã hồi tục 72. Ngoài những định kiến người châu Âu thời đó thường có đối với các sắc dân bản địa, các thừa sai Dòng Tên còn phê phán các tân linh mục người bản địa về những vấn đề sau :

– Phản bội ;

– Dốt nát, không thể đọc công thức tha tội mà không cầm giấy ;

– Không chỉ không biết tiếng Latinh, mà còn không thể giải quyết được bất cứ nố lương tâm nào ;

– Cử hành bí tích bất thành, vì baptizo bị đọc thành batino hoặc batito ; absolvo bị đọc thành asono hay asolo.

Vì thế, cha Fuciti làm phép rửa tội lại cho những ai được các cha người bản xứ rửa tội 73.

Một số hệ quả

Những xung đột trên đây đã gây ra những hệ quả hết sức tai hại cho cộng đoàn tín hữu non trẻ tại Đàng Ngoài. Chúng con xin kể ra vài trường hợp cụ thể về những kẻ mà các thừa sai thuộc Hội Thừa Sai Paris gọi là “những kẻ phiến loạn” (factieux).

Vụ việc vào năm 1670 xảy đến với cha Gioan Huệ :

Một ngày kia khi Thầy đang dâng lễ tại nhà thờ Kiên Lao, một số kẻ phiến loạn đi vào nhà thờ. Họ vốn cố gắng chống lại việc đào tạo hàng giáo sĩ địa phương, tức giận vì đã không được Thầy Deydier giới thiệu cho chịu các chức thánh như các anh em đồng sự. Khi thánh lễ hầu như vừa kết thúc, họ bắt đầu đọc to tiếng một bài nhục mạ vu khống những linh mục người Đàng Ngoài. Thầy Gioan Huệ trước tiên đã muốn ngăn cản việc này, nhưng khi thấy họ rất ồn ào náo động trút những lời nguyền rủa lên mình, Thầy quyết định chỉ chống lại họ bằng lòng kiên nhẫn lớn lao.

Một lần khác, được mời đi ban các bí tích cho một bệnh nhân trong trấn Kinh Bắc, trong khi Thầy chuẩn bị ra đi, nhân vật chính yếu trong những kẻ phiến loạn đã lập tức gửi những bức thư đến những tín hữu xấu xa của phe mình, để báo cho họ cướp lấy sách vở và những đồ phụng vụ, nhất là chén lễ bằng bạc, và bảo họ làm gẫy hai tay hai chân Thầy Gioan Huệ. Vì vị linh mục không biết gì về kẻ ngấm ngầm chống lại mình, Thầy dừng lại dọc đường và đi đến nhà một tín hữu mà Thầy quen biết để qua đêm ; nhận ra Thầy, những kẻ khác kích động một cuộc náo loạn trong làng, và thúc giục những người ngoại bắt lấy Thầy. Thiên Chúa đã không cho phép Thầy rơi vào tay họ, bởi vì đã được cảnh báo về ý định của họ, Thầy có đủ thời giờ bỏ trốn nhờ vào bóng tối ban đêm 74.

Cách cư xử với nhau giống như đối với kẻ thù không chỉ dừng lại ở đó. Câu chuyện sau đây minh chứng cho điều này :

Thầy Philípphê Nhân, vốn được chỉ định ở hạt trong phần đất Thanh Hoa ngoại, là người đã bị những kẻ phiến loạn bách hại nhiều nhất. Những kẻ bất hạnh kia trước hết đã lấy lòng Ông Vite Thuy, quan phủ của hai hay ba huyện ở nơi có nhà thờ Kẻ Vó mà Thầy Philípphê làm cha xứ. Viên quan này đã dứt khoát cấm các tín hữu bước vào nhà thờ của vị linh mục này, và vì họ không nghe theo lệnh cấm đầu tiên này, ông đe doạ lột bỏ quần áo họ để cho quân lính của ông. Thậm chí ông còn đi đến mức doạ chém đầu họ. Thấy rằng điều ấy không làm họ khiếp sợ, ông đe doạ Thầy Nhân là sẽ phá đổ nhà thờ, và ông đến làm việc này vào ngày 1-10-1671. Thầy Nhân rút lui vào nhà bếp, viên quan cho phá đổ cả nhà bếp. Lúc ấy, vị cha xứ tốt lành, theo lệnh truyền của Chúa chúng ta, dũ bụi chân để chỉ ra rằng viên quan này không xứng đáng được có một linh mục ở gần nhà ông, rồi Thầy rút lui 75.

Coi nhau như kẻ thù và hoàn toàn không nhìn nhận quyền điều hành cũng như quyền thánh chức của cả Vị Đại Diện Tông Toà lẫn các linh mục dưới quyền ngài. Vụ việc ít nhiều mang dấu vết của một cuộc li giáo. Tình trạng sau đây được ghi nhận vào 23-10-1672 :

Một cuộc bách hại khác không kém phần tai hại đối với Hội Thánh ở đây. Một số tín hữu tự coi là có bằng cớ chắc chắn để không nhìn nhận Đức cha Bérythe như là mục tử hợp pháp ở Đàng Ngoài. Họ thậm chí tranh cãi về phẩm vị Giám mục vì Ngài không nhận lệnh của vua Bồ Đào Nha để đến vương quốc này. Tôi không xem xét nguồn gốc của loại li giáo này, nhưng ta có thể tin rằng đời sống quá phóng đãng của các tín hữu này đã có thể là một phần nguyên nhân. Vì một số người đã không được chấp nhận cho được thêm sức, bởi vì họ không chịu sửa chữa những thói tục xấu xa ; những kẻ khác được Đức cha Bérythe thúc giục rời bỏ những người vợ bất hợp pháp, những linh mục được Đức cha Bérythe truyền chức đã muốn cứu chữa nhiều chuyện lộn xộn, nhất là chu toàn việc ban hành bí tích thống hối như phải làm. Một phe nổi loạn được hình thành, lấy cớ là không phục quyền Đức cha Bérythe, cũng không nhìn nhận các linh mục người Đàng Ngoài. Điều này đi xa tới mức một số người đã thà chết không xưng tội, còn hơn là xưng tội với những linh mục này ; một số người khác không tham dự thánh lễ trọng cũng như lễ Chúa Nhật, lấy cớ rằng những linh mục này không thể dâng lễ ; một số khác nữa không bao giờ xưng tội, dù chúng tôi khích lệ họ và họ có điều kiện dễ dàng để xưng tội, vì 9 vị linh mục người Đàng Ngoài được phân bổ ở những trấn khác nhau, những nơi có đông đảo các tín hữu hơn 76.

Trong hoàn cảnh chia rẽ trầm trọng như thế, nhiều tín hữu từ chối xưng tội, hoặc không chịu lãnh các bí tích vào giờ hấp hối 77. Vụ việc của hai vị linh mục được kể ra trên đây còn bị đẩy xa tới mức chúng ta khó lòng tưởng tượng :

Người ta coi như hệ quả cuộc bách hại của những kẻ phiến loạn cái chết của Thầy Nhân và Thầy Huệ mà chúng tôi đã nói đến ở trên, vì cả hai vị đều rất tráng kiện và còn khá trẻ. Các vị lập tức cảm thấy đau yếu ngay sau khi cùng ăn tại nhà một tín hữu thuộc phe này. Thầy Gioan Huệ qua đời sáu ngày sau đó ; Thầy Nhân, vì đã uống thuốc giải độc, còn giữ được mạng sống èo uột trong 17 tháng, rồi qua đời vào ngày 25-10-1672 78.

Những vụ việc được kể ra trên đây cho thấy rằng dường như phía các thừa sai Dòng Tên và những người đi theo các ngài, những người bị gọi là “phiến loạn”, cho rằng quyền bính cũng như chính cuộc xâm nhập của một nhóm thừa sai khác là bất hợp pháp, vì mặc dù họ trưng ra cả sắc chỉ của Đức Thánh Cha và những văn bản khác, nhưng tất cả đều thiếu con dấu xác nhận của vua Bồ Đào Nha, như đáng lẽ phải có. Từ góc nhìn đó, các thừa sai Dòng Tên có lẽ nhận thấy rằng quyền bính hợp pháp và xa hơn, đức tin chính thống bị đe doạ. Với cách hiểu như thế, có thể những người dưới quyền đã có những hành động dường như quá khích như được miêu tả ở trên. Vì khi đức tin chân chính bị đe doạ, bận tâm của những người đi theo các thừa sai Dòng Tên hẳn là loại trừ nguyên nhân gây ra hiểm hoạ, kể cả những người liên quan đến nguyên nhân này ! Dù sao, những trang trên đây cho chúng ta thoáng thấy một Hội Thánh ở trong tình trạng hết sức tệ hại. Còn đâu hình ảnh thiên đường Đàng Ngoài :

Hội Thánh Đàng Ngoài lúc đó như thiên đường, nơi đó các tín hữu sống trong trắng tới mức thậm chí làm vui thích cả những kẻ thờ ngẫu tượng và khiến họ thú nhận rằng luật được các thừa sai rao giảng thật quá sức thánh thiện nên không thể bị khinh thường. Như thế, cuộc sống của các tín hữu là một căn cớ đủ sức đem những kẻ ngoại tới chỗ từ bỏ những ngẫu tượng và đón nhận Tin Mừng mà không cần phải dùng đến những diễn từ dài hay làm những phép lạ ; bởi vì người Đàng Ngoài thật cách xa thói kiêu căng của người Trung Hoa và có bẩm tính sẵn sàng đi theo lí trí và sẵn lòng tin tưởng vào cuộc sống đời sau một cách lạ lùng 79.

Hay một lời nhận xét khác :

Theo con nhận xét, trong cõi phương Đông, chẳng có dân tộc nào có những điều kiện thích hợp với Kitô giáo hơn dân tộc Đàng Ngoài. Đó là một dân tộc đơn sơ, ngoan hiền, không vướng mắc những thói tật xấu xa, thường làm cho người lương khó thực hành các nhân đức Kitô giáo. Một khi được rửa tội, người Đàng Ngoài kiên trì trong đức Tin, như đã sống đức Tin ấy từ nhiều thế kỷ. Họ gớm ghét cực độ những thói xấu thường xuất hiện ở các dân tộc khác và họ mau mắn giữ luật Chúa 80.

Kết luận

Tin Mừng đã được các thừa sai Dòng Tên đem đến gieo vào mảnh đất Đàng Ngoài vào những năm 1626-1663 và đã trổ sinh hoa trái hết sức dồi dào. Một phần do các thừa sai đã sống triệt để các giá trị Tin Mừng, đàng khác, vì người dân tại mảnh đất này mang sẵn trong lối sống những mầm mống Tin Mừng, sẵn lòng cởi mở đón nhận những giá trị Tin Mừng. Tuy nhiên, những cuộc bách hại khác nhau, từ giới quan quyền và nhất là từ trong lòng Hội Thánh, đã khiến cho công cuộc đang thu được kết quả tốt đẹp bị chững lại trong một thời gian dài. Đó là một sự thật lịch sử rất đáng tiếc, một trang đen tối trong công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam !

Chương II
MỘT ĐÔI NÉT VỀ NHỮNG CUỘC BÁCH HẠI ĐẠO
THỦA BAN ĐẦU VÀ DƯỚI THỜI NHÀ NGUYỄN

Hội Thánh Việt Nam đang chuẩn bị khai mạc năm thánh trong ít ngày nữa. Con nghĩ đây quả là một dịp thuận tiện để con cái Hội Thánh đào sâu hiểu biết của mình về một thời kì rất đặc biệt, thời kì những kẻ tin đã lấy máu mình làm chứng cho đức tin, thời kì mà Hội Thánh được sống kinh nghiệm gần gũi nhất với Đấng là Đầu và là Hôn Phu của mình. Vì thời gian có hạn, con chỉ xin được bàn tới một sô vấn đề cụ thể dưới đây.

– Một vài sắc chỉ cấm đạo vào lúc ban đầu ;

– Chính sách đối với công giáo thời nhà Nguyễn ;

– Thử đưa ra một vài ghi nhận về thái độ của vua chúa đối với đạo công giáo.

1. Một số văn bản cấm đạo lúc ban đầu

Chúng ta đã thấy ngay từ lúc ban đầu, Tin Mừng được đón nhận tại Đàng Ngoài với những thành quả đầy khích lệ. Trong một thời gian ngắn, số người tin vào Chúa Kitô và được rửa tội gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, cũng từ rất sớm, thái độ niềm nở của vua chúa thay đổi. Những bộ chính sử như Đại Việt sử kí toàn thư (từ đây ghi ĐVKTT) và Khâm định Việt sử thông giám cương mục (từ đây ghi KĐVTGCM) đều không hề đề cập tới các lệnh cấm đạo trước năm 1663. Tuy nhiên, chúng ta có nội dung những văn bản cấm đạo trước đó được cha Đắc Lộ ghi lại.

Hai văn bản cấm đạo năm 1628

Cha Đắc Lộ có ghi lại văn bản lệnh cấm đạo đầu tiên tại Đàng Ngoài, vào dịp trước Lễ Phục Sinh năm 1628, như sau :

Đạo này (hở các ngươi) các ngươi giảng trong nước ta ? Các ngươi truyền cho thần dân ta chỉ được lấy một vợ mà ta thì muốn có nhiều để sinh nhiều con trung thành với ta. Từ nay các ngươi hãy gạt đi đừng giảng đạo nữa : nếu các ngươi không tuân lệnh thì ta sẽ chém đầu các ngươi và ngăn cấm các ngươi từ nay chớ tiếp tục làm điều ta cấm 81.

Và bản văn thứ hai cũng vào năm 1628 :

Ta, chúa Đàng Ngoài, được biết khá đầy đủ các tây dương đạo trưởng ở trong phủ ta, tới bây giờ không dạy dân đạo lý tà vạy và xấu xa. Thế nhưng không biết trong tương lai sẽ làm những gì hay hiện tại mưu đồ những gì. Vậy từ nay ta cấm hết thần dân ta, chúng sẽ bị xử nếu còn đi lại với họ hoặc theo đạo họ giảng 82.

Cả hai văn bản cấm đạo đầu tiên này cho thấy thái độ nghi kị và phòng ngừa của chúa Trịnh, vì bản văn khẳng định rằng các vị thừa sai hiện không dạy điều gì xấu xa, có chăng là giáo lí một vợ một chồng 83, nhưng chưa biết tương lai các vị đó có mưu đồ gì hay không, nên chúa Trịnh cấm thần dân trong nước theo đạo.

Tác giả Trương Bá Cần ghi nhận rằng những năm sau đó, 1629, 1632, 1643, 1649, 1658, chúa Trịnh đều ra những lệnh cấm đạo với nội dung khá giống với những lệnh cấm kể trên 84. Đặc biệt, những năm 1663-1665, các thừa sai ngoại quốc hoàn toàn vắng bóng tại Đàng Ngoài 85.

Lệnh cấm đạo năm 1663

Lệnh cấm đạo đầu tiên được chính sử ghi lại là lệnh cấm vào năm Quí Mão, Cảnh Trị nguyên niên. Bộ ĐVKTT ghi lại sự kiện này như sau :

Mùa đông, tháng 10, cấm người trong nước học đạo Hoa Lang. Trước đây, có người nước Hoa Lang vào ở nước ta, lập ra đạo lạ để lừa phỉnh dân ngu. Bọn đàn ông, đàn bà ngu dốt nhiều kẻ tin mộ. Trường giảng đạo người ở hỗn tạp, trai gái không phân biệt. Trước đã đuổi người giảng đạo đi rồi mà sách đạo và nơi giảng hãy còn, thói tệ chưa đổi. Đến đây lại nghiêm cấm 86.

Cũng sự kiện này được bộ KĐVTGCM chép lại như sau :

Tháng 10, mùa đông. Nhắc rõ lại lệnh cấm người theo tả đạo Gia tô.

Trước đây, có người Tây Dương gọi là Hoa lang di, vào ở trong nước ta đem đạo dị đoan của Gia tô lừa dối dụ dỗ làm ngu muội dân chúng, những người quê mùa nông nổi phần nhiều tin mộ đạo ấy, họ lập tòa giảng nghe giảng đạo, sự mê hoặc đắm đuối mỗi ngày càng sâu rộng. Trước đã hạ lệnh đuổi người truyền đạo ấy đi, nhưng còn bọn tiểu nhân thấm sâu vào tập tục ấy chưa thay đổi được, nên đến nay lại hạ lệnh cấm.

Lời chua – Tây Dương : Nhất thống chí nhà Thanh chép : Năm Vạn Lịch thứ 9 (1581) triều nhà Minh, Tây Dương có Lỵ Mã Đậu mới vượt biển đến vụng Hương Sơn thuộc Quảng Châu ; đến năm thứ 29 (1601) Lỵ Mã Đậu bèn vào Yên Kinh, đồ đệ của ông ta theo đến rất đông, đều tôn sùng đạo Thiên chúa, họ rất có tài về việc chế tạo và sáng tác.

Hoa Lang : Theo “Truyện ngoại quốc” trong Minh sử, thì Hoa lang tức là Hòa lan, cũng ở Tây Dương, tập tục đọc sai là Hoa lang. Sách Kiên biểu bí lục của Chử học Giá nhà Thanh chép : cuối năm Gia Tĩnh (1522 – 1566) triều Minh, Mã Đậu họp tập người đồng bạn đi tàu vượt biển du lịch các nước gồm 6 năm, đến nước An Nam rồi vào địa giới Quảng Đông.

Gia-tô : Theo sách Dã Lục, thì ngày tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533) đời Lê Trang Tông, người Tây Dương tên là Y-nê-xu lén lút đến xã Ninh Cường, xã Quần Anh huyện Nam Chân và xã Trà Lũ huyện Giao Thủy, ngấm ngầm truyền giáo về tả đạo Gia-tô 87.

Chúng ta dễ dàng nhận thấy sử quan nhà Nguyễn chép lại sự kiện đã được sử quan nhà Lê biên soạn và bổ sung thêm một số thông tin. Đặc biệt, sử quan nhà Nguyễn ghi thêm chú thích về các tên gọi Tây Dương, Hoa Lang, và Gia-tô. Riêng với tên gọi Gia-tô, sử quan triều Nguyễn đã đưa ra thông tin về việc giáo sĩ người Tây dương tới truyền đạo vào năm Nguyên Hoà nguyên niên, 1533. Những chi tiết này khiến nhiều học giả lấy mốc này như khởi thuỷ việc rao giảng Tin Mừng tại Đàng Ngoài 88. Chúng con nghĩ rằng cần phải xem xét lại các thông tin của sử quan triều Nguyễn liên quan đến tên gọi này.

Trước hết, sử quan triều Nguyễn cho biết nguồn tham chiếu của họ là sách Dã Lục. Thực ra, Dã Lục không phải là tên sách, mà là cách gọi chung những ghi chép trong dân gian, tức không phải sử kí chính thức của triều đình. Xét về mặt thông tin, lời chú của bộ KĐVTGCM giống với quyển 9 cuốn Tây dương Gia-tô bí lục (từ đây ghi TDGTBL) đến kì lạ 89, dù hai sách này thuộc những thể loại văn chương rất khác nhauChúng con xin nêu ra ở đây những chi tiết giống nhau và khác nhau của hai bản văn này.

Những điểm giống nhau 90 :

– Mốc thời gian : Lê Trang Tông Nguyên Hoà nguyên niên ;

– Nhân vật : I-nê-xu (衣泥樞) ;

– Các động từ : tiềm – lai (潜 – 来) ;

– Các địa danh : Ninh Cường thuộc Nam Chân (南眞之寧彊) ; Ninh Cường, Quần Anh, Trà Lũ.

Những điểm khác nhau

– Về mốc thời gian, bản KĐVTGCM ghi cụ thể hơn : “ngày 3 tháng 3 thời Trang Tông, Nguyên Hoà năm thứ nhất” (莊宗元和元年三月日) ; bản TDGTBL thêm vào thuỵ hiệu “Dụ hoàng đế” của vua Lê Trang Tông, thêm chi tiết “ngã quốc hậu Lê” ở đầu, và thêm năm “Quí Tị” trước niên hiệu Nguyên Hoà (我國後黎莊宗裕皇帝癸巳元和元年).

– Về nhân vật, bản KĐVTGCM ghi trực tiếp : “Người Tây dương tên là I-nê-xu lẻn đến Ninh Cường thuộc Nam Chân …” ; bản TDGTBL ghi rằng I-nê-xu được sai đi : “Giặc Tây dương sai đốc chính I-nê-xu đến, lén lút ở Ninh Cường thuộc Nam Chân…” 91

– Về các động từ, bản KĐVTGCM ghép hai động từ tiềm lai, nghĩa là lẻn đến, động từ ẩn được đặt ở phía sau khi nói về hành động của I-nê-xu ; bản TDGTBL tách hai động từ lai, nghĩa là đến, rồi ghép động từ tiềm với hai động từ doanh và ẩn ở phía sau.

– Về các địa danh, bản KĐVTGCM ghi địa danh chính xác hơn : “lẻn đến Ninh Cường, Quần Anh thuộc Nam Chân, Trà Lũ thuộc Giao Thuỷ” (潜来南眞之寧彊羣英膠水之茶縷) ; bản TDGTBL, khi nói về I-nê-xu đến, chỉ ghi “lén lút ở Ninh Cường thuộc Nam Chân” (潜營隠于南眞之寧彊), sau mới ghi thêm “I-nê-xu đã lén đến ở các xã Quần Anh, Trà Lũ 92, Ninh Cường” (衣泥樞旣来潜居羣英茶屡寧彊). TDGTBL cũng còn nhắc đến Gia Định.

Một ghi nhận khác cũng cần lưu ý, hành động của I-nê-xu được miêu tả trong KĐVTGCM là “… ngấm ngầm đem Gia-tô tả đạo truyền giáo”, còn trong TDGTBL lại ghi “cho tiền, phát thuốc, khiến cho những kẻ ngu khờ phải mang ơn mà chịu theo đạo”. Dĩ nhiên, còn phải kể đến rất nhiều tình tiết thêm thắt khác nữa để cốt truyện trở nên gay cấn hấp dẫn, vì cuốn TDGTBL được viết theo lối tiểu thuyết chương – hồi.

Những so sánh này cho thấy rằng dường như sử quan triều Nguyễn đã tham khảo, điều chỉnh thông tin từ TDGTBL và viết lại theo lối văn sử kí chuẩn mực 93. Chi tiết địa danh Gia Định vốn không cần thiết và sai niên đại trong TGTBL được lược bỏ. Nếu sự việc đã diễn ra như vậy, nghĩa là sử quan nhà Nguyễn tham khảo TGTBL rồi ghi chú thêm vào lệnh cấm đạo năm 1663 thời Lê-Trịnh, những thông tin ở bộ KĐVTGCM quả thật không đáng tin cậy về mặt sử tính, vì như Nguyễn Ngọc Lan nhận xét, cuốn TDGTBL thuộc dạng “truyện Tầu, truyện chưởng” 94.

Ngoài ra, cũng cần phải nói thêm rằng bộ KĐVTGCM được biên soạn khoảng những năm 1856-1884, tức hơn 300 năm sau thời điểm 1533. Thông tin chúng ta đang bàn được ghi ở phần lời chú, với nguồn khá mập mờ là Dã Lục, nhằm bổ sung thông tin về lệnh cấm đạo năm 1663, mốc thời gian 130 năm sau thời điểm 1533. Đó là những lí do thêm vào khiến những thông tin càng thêm đáng ngờ về mặt sử tính.

Sau những bản văn liên quan đến những cuộc cấm đạo trên đây, chính sử còn ghi nhận một số lệnh cấm đạo khác nữa. Tuy nhiên, xét về mặt thông tin, những lệnh cấm sau này hầu như chỉ lặp lại những gì mà những bản văn trên đây nói tới, nên chúng con xin được chuyển sang những văn bản cấm đạo dưới thời nhà Nguyễn.

2. Chính sách đối với công giáo thời nhà Nguyễn

Về thái độ của các vua nhà Nguyễn đối với đạo công giáo, chúng ta thường có ý kiến chung chung rằng vua Minh Mạng, vì nhiều lí do khác nhau, đã khởi đầu những lệnh cấm đạo. Tuy nhiên, nếu dựa vào các tài liệu về đạo công giáo ngay từ thời Gia Long, chúng ta có thể nhận ra rằng những việc Minh Mạng làm sau này đã được chuẩn bị trước từ thời Gia Long.

Một số văn bản thời vua Gia Long và Minh Mạng

Năm Gia Long thứ 3, 1804, khi định điều lệ hương đảng các xã dân ở Bắc Hà, nhà vua ban hành năm điều, trong đó, điều thứ năm về việc thờ thần thờ Phật có đoạn như sau :

Lại như đạo Gia Tô là tôn giáo nước khác truyền vào nước ta, bịa đặt ra thuyết thiên đường địa ngục khiến kẻ ngu phu ngu phụ chạy vạy như điên, tiêm nhiễm thành quen, mê mà không biết. Từ nay về sau, dân các tổng xã nào có nhà thờ Gia Tô đổ nát thì phải đưa đơn trình quan trấn mới được tu bổ, dựng nhà thờ mới thì đều cấm 95.

Bản văn này cho thầy việc hạn chế đối với đạo công giáo đã có từ thời Gia Long, tuy còn nhẹ nhàng và kín đáo.

Năm 1825, vua Minh Mạng đẩy việc hạn chế đi xa hơn một bước. Sự kiện này không được chính sử ghi lại, nhưng được A. Launay cung cấp thông tin như sau :

Vào năm 1825, nhà vua Annam đã ban ra một sắc lệnh cấm các đạo trưởng vào vương quốc. Đó là phần đầu tiên trong chương trình của nhà vua. Sau đó, nhà vua triệu những vị cao niên về triều đình, đó là phần thứ hai. Một số thừa sai ở Đàng Trong, vì quá nổi tiếng nên không thể ẩn trốn, nên đã thuận theo mệnh lệnh này ; những vị ở Đàng Ngoài, hầu như không được biết tới, đã vẫn ở lại tại chỗ 96.

A. Launay cho biết kế hoạch của vua Minh Mạng đã bị tổng trấn Gia Định, tức Lê Văn Duyệt, phản đối 97. Dù sao, sách Đại Nam thực lục (từ đây ghi thành ĐNTL) ghi chép vào tháng 7 năm Minh Mạng thứ 8, 1827, vẫn kể về việc thực thi kế hoạch trên đây :

Bổ người Tây dương là Phú Hoài Nhân làm Chánh thất phẩm thông dịch ty Hành nhân, Tây Hoài Hoa và Tây Hoài Hoá làm Tòng thất phẩm thông dịch ty Hành nhân, mỗi tháng cấp cho mỗi người 20 quan tiền, 4 phương gạo lương, 1 phương gạo trắng, sai phủ Thừa Thiên trông coi, cấm không được ra ngoài dạy học trò để truyền giáo (Bọn Hoài Nhân đều là tên họ vua cho) 98.

Vào tháng 11 năm Minh Mạng thứ 13, 1832 99, một bản văn khác cho thấy thái độ thù ghét của vua Minh Mạng đối với đạo công giáo đã gia tăng rõ ràng :

Biền binh ở các ty, Cảnh tất, Loan nghi thuộc vệ Loan giá có người theo đạo Gia tô.

Vua nghe thấy, nói rằng : “Đạo Gia tô, ta cho là chỉ có lũ ngu mới bị mê hoặc, không ngờ ngay ở bên tả hữu ta cũng có kẻ tin theo, thật rất đáng lạ”. Vua bèn sai bộ Hình bắt để trị tội.

Dân ở phường Nam Dương Tây, tỉnh Quảng Trị, trước đây cũng theo đạo, đến bấy giờ biết hối, đem huỷ hết các ảnh, tượng và kinh thánh, còn nhà thờ, nhà giảng thì triệt hạ, sung công. Quan tỉnh đem việc tâu lên.

Vua đặc cách tha tội cho họ, nhân dụ bộ Hình rằng : “Đạo Gia tô nguyên từ người Tây dương đem vào truyền bá đã lâu, dân ngu phần nhiều bị mê hoặc mà không biết hối. Thử nghĩ : cái thuyết thiên đường, tóm lại chỉ đều là chuyện hoang đường, không có bằng chứng. Hơn nữa không kính thần minh, chẳng thờ tiên tổ, rất trái với chính đạo. Thậm chí lập riêng nhà giảng tụ tập nhiều người, cám dỗ dâm ô phụ nữ, lừa gạt lấy mắt người ốm. Những việc trái luân lý, hại phong hoá, điều ấy kể ra còn nhiều, thực đã phạm đến pháp luật. Đạo ấy lại quy là tà thuật hơn đạo nào hết. Trong luật đã có điều cấm rõ ràng rồi 100.

Văn bản kể trên kết thúc như sau :

Nhân nghĩ : các hạt còn có những kẻ cố chấp mê man, trôi giạt quên đường về. Song, tính giữ đạo thường, người người đều có nếu biết tỉnh ngộ liền có thể trở thành lương thiện. Phải nên một phen khuyên bảo khiến họ biết đường đổi mới, để tỏ cái ý trước hãy giáo dục, sau mới dùng đến hình phạt. Vậy truyền dụ Tổng đốc, Tuần phủ các tỉnh bá cáo khắp quan, quân, dân, thứ trong hạt. Có ai trước đã trót theo đạo Gia tô, nay nếu cảm phát lương tâm, biết sợ, biết hối, thì cho phép được đến bày tỏ với quan sở tại, tình nguyện bỏ đạo. Quan địa phương xét quả thành thực thì sai làm ngay tại chỗ : bước qua cây thập tự. Rồi làm tập tâu lên vua, sẽ được chuẩn cho miễn tội. Còn những nhà thờ, nhà giảng, thì ra lệnh cho huỷ triệt đi. Bao nhiêu việc mê tín sai lầm trước đó đều không xét nữa. Sau phen răn bảo thiết tha này, nếu kẻ nào không chừa thói cũ còn dám lẻn lút tụ tập nhau, cam tâm vi phạm lệnh cấm, một khi bị phát giác ra thì liền trị tội nặng. Lại nghiêm cấm lũ võ biền, lại dịch và các tổng lý không được tạ sự mà nộ nạt, hống hách, bắt càn nhiễu dân. Kẻ nào vi phạm sẽ phải tội” 101.

Những năm 1835 và 1837, hai vụ án nổi tiếng của cha Marchand Du và Cornay Tân đã phần nào cho thấy quyết tâm trừ khử đạo công giáo và sự nghi kị vua Minh Mạng dành cho các thừa sai châu Âu. Đối với cả hai vụ án này, triều đình nhà Nguyễn đã cố gắng gán cho các thừa sai tội cấu kết với quân phiến loạn 102. Đặc biệt, nhân vụ án cha Marchand Du, vào tháng 12 năm Minh Mạng thứ 16, 1835, triều đình đưa ra văn bản rất nặng nề kết tội đạo công giáo :

Định rõ điều lệ cấm chỉ tà giáo Tây dương. Tả phó đô ngự sử viện Đô sát Phan Bá Đạt tâu nói : “Tà giáo Tây dương làm say đắm lòng người, thực là một đạo kiệt hiệt hơn hết trong các đạo dị đoan. Bấy nay nhiều lần được răn dạy cặn kẽ huỷ bỏ nhà thờ, cấm họp giảng đạo. Có kẻ trót theo đạo ấy, nay đã thực lòng hối cải đều được cho đổi mới rồi. Đó là muốn cho mọi người lặng lẽ cảm hoá, thay đổi dần dần. Sau đó, năm Minh Mệnh thứ 14 [1833] thành Phiên An cũ nổi biến, có đạo trưởng người Tây tên là Mã Song, đồng loã với nghịch Khôi, ngầm thông với giặc Xiêm, tập hợp đồ đảng theo đạo Gia Tô, cố giữ cô thành, chống cự quan quân, lâu đến 3 năm ! Đến ngày hạ thành, bị đóng cũi giải về Kinh, Mã Song khai rằng thầy thuốc nước hắn, nhân người sắp chết, khoét lấy con mắt, phơi khô, hợp với hai vị a – nguỵ và nhũ hương, tán nhỏ chế thuốc, trị bệnh ho đờm. Lại, tục truyền rằng tà giáo Tây dương thường khoét mắt người, và cho 1 trai, 1 gái, ở chung một nhà có tường ngăn cách, lâu ngày động tình dục, nhân đấy rập cho chết bẹp, lấy nước [xác chết đó] hoà làm bánh [thánh], mỗi khi giảng đạo, cho mọi người ăn, khiến cho mê đạo không bỏ được. Cả đến người theo đạo, khi trai, gái lấy vợ lấy chồng, thì đạo trưởng đem người con gái vào nhà kín, với danh nghĩa là giảng đạo, thực là là để dâm ô. Như vậy thật không thể không mạnh bạo trừ tuyệt và nghiêm khắc trừng trị. Trước đây, đạo trưởng Tây dương đáp thuyền người nhà Thanh đến nước ta, ngầm trốn ở các địa phương như tên nghịch Song, tưởng còn có nhiều. Những địa phương mà bọn chúng ở đều bị truyền bá tả đạo để mê hoặc lòng người, có quan hệ đến phong hoá không nhỏ. Kính xét trong thiên “Vương chế”, Kinh Lễ có nói : “Theo tả đạo làm loạn chính sự thì phải giết”. Điều luật nước ta có nói : “Những thuật tả đạo, xúi giục mê hoặc nhân dân, kẻ đứng đầu thì bị giảo giam hậu” Thế thì tà giáo thực là theo đạo mà “Vương chế” không bao dung, mà xưa nay phải trừ bỏ hẳn. Nay xin tham bác châm chước theo Lễ và Luật, định rõ điều cấm, khiến cho người ta biết sự răn chừa, ngõ hầu mới dập tắt được dị đoan, giúp cho chính đạo lưu hành, mà thiên hạ cùng theo thói tốt”.

[…]

Phàm đạo trưởng Tây dương đã ở lẩn lút trong dân gian, xin cho tổng lý nã giải quan, chiếu theo luật tả đạo dị đoan cám dỗ mê hoặc nhân dân, khép vào tội chết, còn người chứa chấp giấu giếm cũng bị tội như tội của phạm nhân. Lý dịch ở xã thôn sở tại, vì sơ sót trong việc tra xét, đến nỗi nó ẩn náu trú ngụ được, khi phát giác ra, không kể là có hay không cố ý dung túng giấu giếm, cũng bị đồng tội như phạm nhân ; cai, phó tổng giảm 1 bậc. Nếu có trú ngụ trong làng cai, phó tổng, thì cai, phó tổng cũng bị đồng tội như phạm nhân, chứ không được giảm bậc nào 103.

Những lời tâu trên đây là của một vị quan đứng hàng thứ ba trong cơ quan tối cao giám sát việc thi hành luật pháp trong nước, lại được nhà vua chuẩn tấu, cho thấy phần nào thành kiến sâu xa của triều đình nhà Nguyễn đối với đạo công giáo.

Vụ việc quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh, năm 1838

Trung tâm lưu trữ quốc gia I còn giữ lại kho tư liệu hết sức đặc biệt là Châu bản triều Nguyễn. Trong số các bản tấu hiện còn được lưu giữ, ba bản tấu liên quan đến Trịnh Quang Khanh vào năm 1838 giúp chúng ta hiểu được phần nào mức độ khốc liệt của các cuộc bách hại đạo ở nhiều tỉnh miền Bắc trong giai đoạn này.

Trịnh Quang Khanh là một trong 16 người đỗ hương cống tại trường thi Gia Định, trong dịp ân khoa vào tháng 9 năm Minh Mạng thứ 2, 1821. Năm Minh Mạng thứ 11, 1830, ông giữ chức thự lang trung Lại bộ, được đổi làm thự Tham hiệp Quảng Trị, năm sau thăng án sát sứ. Con đường hoạn lộ của ông cứ thế thăng tiến không ngừng. Năm Minh Mạng thứ 14, 1833, ông được phong làm quyền thự ấn quan phòng Tuần phủ Hưng Yên, rồi thự Tuần phủ Hưng Yên, năm sau lại gia phong Binh bộ Thị lang. Tháng 9 năm Minh Mạng thứ 15, 1834, trong khoa thi hương ở Hà Nội và Nam Định, ông được cử làm chủ khảo. Những bài lỗi trường qui được chấm đỗ đã khiến ông bị giáng ba cấp, sau được xét lại, vẫn làm thự Tuần phủ Hưng Yên, rồi tiếp tục được gia phong làm Tuần phủ Hưng Yên. Năm Minh Mạng thứ 16, 1835, ông được đổi làm Tuần phủ Hà Nội. Tháng 6 năm Minh Mạng thứ 16, 1835, ông được gia phong làm thự Tổng đốc Định – Yên. Tháng 4 năm Minh Mạng thứ 18, 1837, ông được bổ nhiệm làm Tổng đốc Định – Yên, nhưng chỉ một năm sau, cũng vào tháng 4, ông bị giáng chức 104.

Bản tấu thứ nhất đề ngày 12 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 19 105, 1838, cho biết ngày 26 tháng 3 cùng năm các chức việc xã An Liêm, tổng Vị Sĩ, huyện Thư Trì, phủ Kiến Xương báo cáo rằng ngày 22 tháng 3 họ bắt được ba người theo đạo Giatô là Vũ Văn Lân, Phạm Văn Trung, và Nguyễn Thị Vĩnh. Khi khám xét những người này, họ phát hiện ra sáu phong thư, trong đó có bốn bức toàn chữ Tây dương. Những thư này gồm hai bức gửi tới ông Trùm Kì 106 và ông Trùm Hai 107 ở xã An Liêm, huyện Thư Trì ; một bức gửi ông Trùm Vọng 108 ở trang Thân Thượng, huyện Chân Định ; hai bức gửi ông Trùm Hiền 109 và ông Thiệu ở xã Đồng Quan, huyện Thanh Quan ; một bức gửi ông Giáo Pha, tức gửi Tổng Văn ở xã Sa Cát, huyện Thanh Quan. Bốn bức chữ Tây dương do đạo trưởng Lương ở xã Thọ Lão, huyện Phù Dung, tỉnh Hưng Yên. Tổng đốc Trịnh Quang Khanh sai tra bắt những người liên hệ. Tổng Văn đã bỏ trốn, còn những xã được kể tên trên đây đều cho biết rằng xã họ không có những người nêu tên ở trên 110.

Bản tấu trên đây đã bị vua Minh Mạng trách mắng nặng nề. ĐNTL chép lại lời dụ của vua :

Vua bảo rằng : “Gia Tô tả đạo làm hại rất nhiều, bọn người nước Tây thường thường lẻn đến nước ta, nhân đem thuật ấy cổ động dụ dỗ dân ngu, ngầm mưu gây việc, tức như năm ngoái ở Sơn Tây phát ra việc đạo trưởng nước Tây là Cao-lăng-xê thông với giặc mưu nổi loạn, gương sáng chẳng xa, tai mắt mọi người đều nghe thấy. Không ngờ còn có lũ này trà trộn ở chốn dân gian, đi lại gửi thư cho nhau, trong đó há không tình riêng liên kết bè lũ, thế mà không tra bắt ngay cho sạch gốc rễ, chỉ căn cứ vào lý dịch cung đại khái, hy vọng xong việc. Bọn đạo trưởng kia nguyên là dối trá chẳng lành, mà lý dịch sở tại, hoặc là đồ đệ yêu nhau, ẩn giấu, sao được nhẹ tin như thế, sự thể quan yếu, coi như không để ý đến, không biết bọn ngươi làm quan, thì làm việc gì ? Trịnh Quang Khanh cho giáng xuống hàm chánh tam phẩm, làm Tuần phủ Nam Định, Hà Thúc Lương giáng xuống làm chánh tứ phẩm, làm chức lương chừ đạo, hạn trong một tháng, nếu bắt được bọn chúng trị tội, thì khoan tha tội trước, khai phục nguyên hàm, không thế tất phải trói đem về Kinh trị tội, còn chức Tổng đốc Định Yên và Tuần phủ Hưng Yên, cho Lê Văn Đức và Doãn Uẩn làm thay. Bọn ngươi đều do trẫm đặc cách kén chọn, nên phải tự mình hết lòng tìm cách bắt giặc, đem chém giết ngay cho hết tả đạo, không được riêng đùn cho người, có phụ sự uỷ thác lớn, lại một mặt truyền bảo dân gian đại khái nói : đạo trưởng nước Tây cổ động mê hoặc lòng người, mưu toan làm phản, phép nước không thể dung tha, nay sai nã bắt, cốt chỉ trừ bỏ người nước Tây ấy để khỏi làm hại dân. Người dân các ngươi cùng với chúng khác loài, sẽ không liên can đến, ai hay tố cáo, chỉ bảo hay nã bắt giải lên quan, tất có hậu thưởng, chớ nên giấu giếm chứa chấp để phạm tội nặng, dù trước đã lầm theo đạo, nay biết tình nguyện hối đổi, bước qua giá chữ thập, đó là thực lòng bỏ đạo, đều cho tha về sinh nghiệp, khiến cho hiểu biết rõ ràng, đều biết theo điều hay tránh điều dở, sẽ không phải trị bằng hình pháp mà tự cảm hoá được” 111.

Bản tấu thứ hai của Trịnh Quang Khanh đề ngày 8 tháng 4 nhuận năm Minh Mạng thứ 19 112, 1838, lặp lại những thông tin trong bản tấu trước và lời dụ của vua như trên đây, sau đó cho biết thêm rằng Tổng Văn, tức Nguyễn Hữu Văn ra đầu thú tại tỉnh Hưng Yên và khai ra rằng đạo trưởng tên Lương còn có tên khác là Viên 113, quê ở xã Tiên Chu, tỉnh Hưng Yên, đến ở các xã Đông Bài, Thiết Nham, tỉnh Bắc đem gửi các bức thư có tự dạng Tây dương cho Trùm Kì, Trùm Hai, Trùm Vọng, Trùm Hiền. Cuối bản tấu cho biết ngày 6 tháng 4 nhuận 114, quan quân tới vây làng Kiên Lao, bắt được đạo trưởng Tây dương xưng tên Minh 115, làm Vít-vồ được 20 năm. Đối chất với những người đã bị bắt trước đó là Vũ Văn Lân và Phạm Văn Trung, hai tên này nhận người Tây dương bị bắt vốn tên Minh và hiện đã đổi tên thành Trùm Kì 116.

Bản tấu thứ ba do Doãn Uẩn 117 viết ngày 21 tháng 4 nhuận năm Minh Mạng thứ 19 118, 1838, rất dài và chi tiết, đặc biệt cho biết thêm rằng đạo trưởng tên Lương cũng có tên là Viên, quê tại xã Tiên Chu huyện Tiên Lữ, lúc đó ở tại nhà người câu đương họ đạo xã Thiết Nham tên Thuỷ, huyện Yên Dũng, và ở nhà người câu đương họ đạo xã Đông Bài tên Thanh, huyện Kim Hoa 119, tỉnh Bắc. Quan quân đến bao vây những xã kể trên, nhưng không bắt được đạo trưởng tên Lương, mà bắt được đạo trưởng Mai Văn Hiền 120, cũng gọi là Cụ Hiền. Theo lời khai của Mai Văn Hiền, các đạo trưởng Tây dương Thầy Minh đã đổi tên thành Trùm Kì, Thầy Tăng đổi thành Trùm Hai, Cụ Hiền đổi thành Trùm Hiền, Cụ Vọng đổi thành Trùm Vọng, ngày thường sống tại các xã Lục Thuỷ, Bùi Chu, Ninh Cường, Kiên Lao, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định 121.

Có lẽ những vụ việc nêu trên đã dẫn đến việc làm dưới đây được A. Launay thuật lại :

Vào đầu năm 1838, vua Minh Mạng gửi đi 40 cây thập giá mà chính nhà vua đã cho làm. Nhà vua gửi những thánh giá này tới cho tổng đốc Nam Định Trịnh Quang Khanh. Nhà vua gửi kèm mệnh lệnh đặt các cây thập giá ở các cổng thành nhằm buộc các Kitô hữu dẫm lên trên 122.

Khoảng tháng 5 đến tháng 6 năm Minh Mạng thứ 19, 1838, ĐNTL ghi chép thêm về đạo trưởng Đặng Đình Viên như sau :

Trả lại nguyên hàm Tuần phủ Hưng Yên cho Hà Thúc Lương. Triệu Thị lang Hình bộ quyền hộ tuần phủ quan phòng là Doãn Uẩn về kinh nhận chức. Trước đây tỉnh Nam Định phát ra cái việc đạo trưởng Gia Tô là Đặng Đình Viên người tỉnh Hưng Yên gửi thư riêng cho nhau. Thúc Lương phải giáng làm tứ phẩm đạo viên, cho hạn ngặt bắt phải bắt kẻ phạm tội, đến nay Thúc Lương thân đem biền binh đến huyện hạt Yên Dũng tỉnh Bắc Ninh bắt được Đình Viên đem về. Việc ấy tâu lên. Vua khen ngợi, nên có lệnh ấy, lại thưởng chung cho biền binh đi chuyến ấy và người do thám tiền 400 quan, Đặng Đình Viên phải giết. Lại nghĩ 2 tỉnh Định – Yên không có việc gì, rút biền binh Thanh Nghệ phái đi trấn áp trước trở về hàng ngũ 123.

Vụ án sáu bức thư liên quan đến Tổng đốc Định – Yên Trịnh Quang Khanh đã dẫn đến việc lùng bắt các thừa sai ngoại quốc ở khắp nơi trong nước và là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ án tử đạo.

Thử xem xét một vài bản văn thời vua Tự Đức

Những bản văn hay lệnh dụ cấm đạo từ thời Minh Mạng, qua thời Thiệu Trị và thời Tự Đức vẫn lặp đi lặp lại những luận điệu như người Tây dương mê hoặc ngu dân, thi hành tà đạo, bất kính tiên tổ, móc mắt người chết, gian dâm phụ nữ. Văn bản bách hại nổi tiếng nhất dưới thời vua Tự Đức thường được những tài liệu giáo sử gọi là chiếu chỉ phân tháp, nhưng bộ ĐNTL cung cấp cho chúng ta những đoạn văn không thực sự mang hình thức chiếu chỉ đúng nghĩa. Vào tháng 9 năm Tự Đức thứ 12 124, 1859, bộ ĐNTL ghi lại một bản dụ dưới đây :

Vua cho là người Tây dương đến lần này, vì có dân đạo 125 dắt đưa về. Gần đây dân đạo các địa phương nhiều kẻ giao thông ngầm với Tây dương, phải nên kiềm chế trước để dứt mối gian. Bèn dụ suốt cả các tỉnh thần ở Nam, Bắc Kỳ đều phải xét xem những kẻ hào mục dân đạo, tên nào làm đầu têu cho dân thì tìm cách giam giữ, không để tên nào lọt đi nơi khác. Những con đạo đàn ông khỏe mạnh yên phận thì thôi, nếu kẻ nào còn lừng chừng trông ngóng thì lập tức chia ghép ở vào xã thôn không có người đi đạo. Nếu kẻ nào có mưu toan khác, thì sức cho binh dân ra sức bắt nộp. Kẻ phạm tội thì tài sản đem quân phân. Ai bắt được tên đạo trưởng hay người đầu mục gian ác, người đạo thì chiếu theo sự trạng khen thưởng, hoặc bổ cho quan tước để khuyến khích. Dụ này đến nơi thì thi hành lập tức như tiếng sét nhanh không kịp bịt tai. Nếu tỉnh nào chậm trễ trái dụ, để lỡ việc, thì theo quân luật trị tội 126.

Bản văn trên đây được áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Trước đó ít lâu, khoảng tháng 8 năm Tự Đức thứ 12, 1859, những điều căn bản về dụ phân sáp này đã được thực hiện ở các tỉnh phía nam :

Cho án sát sứ Vĩnh Long là Lê Đình Đức coi việc đành áp dân theo đạo Gia tô ở Gia Định. Từ khi thành Gia Định không giữ được, dân theo đạo có nhiều người cậy thế, dọa nạt dân lương, hoặc có kẻ làm Gia tô ở Gia Định. Từ khi thành Gia Định không giữ được, dân theo đạo có nhiều người cậy thế, dọa nạt dân lương, hoặc có kẻ làm tay sai và mật thám cho Tây dương. Vua cho là bọn dân theo đạo hạt ấy cần phải khu xử cho nghiêm. Nhưng chỉ chuyên ủy cho các quan ở quân thứ, sợ khó trông coi cho xiết. Bèn sai Đình Đức lấy nguyên hàm án sát, chuyên coi việc đàn áp khu xử dân theo đạo, mà lấy những viên khoa đạo, phái đi quân thứ là bọn Vũ Phạm Châu, Phạm Hoằng Đạt, Nguyễn ích Khiêm (đều người Thổ trước) theo đi để giúp việc. Lại dụ bảo các điều khoản nên làm : (Người nào đã đi theo Tây dương thì bắt giam cha mẹ vợ con, bắt phải gọi về ; người nào chưa đi theo Tây dương thì tìm nhiều cách ngăn giữ không cho chúng được đi lại với Tây dương. Người nào là hào cường đầu mục đi theo đạo thì ngầm giam giữ lại không cho đi đâu. Người già, trẻ con cùng phụ nữ, nếu yên phận giữ phép thì thôi ; nếu còn vớ vẩn trông ngóng, thì lập tức đem sáp nhập vào xã thôn không có đạo Gia tô để tiện quản thúc). Giao cho viên khâm phái châm chước mà làm. Còn 5 tỉnh thì dân theo đạo còn biết giữ phép, chưa dám sinh lòng khác : Sai quan tỉnh đều chiểu theo địa hạt phòng bị, khiến cho Gia Định được tiện việc thi hành. (Rồi thì bọn dân theo đạo ra thú rất nhiều. Những người nào ở xa đồn Tây dương thì cho xã dân sở tại kết nhận về quản thúc ; người ở gần đồn Tây dương đều chia ghép vào xã thôn khác : Viên khâm phái đều phân biệt tâu lên mà thi hành) 127.

Cách làm trên đây đã được coi là chừng mực khi so sánh với ý kiến của một số quan lại triều đình lúc đó :

Lại khi trước vâng theo lời Chỉ 128 xử trí dân đạo, chia ra để coi giữ và đem đi sáp nhập vào xã khác, cũng là có ý sâu xa muốn cho dân đạo biết sợ. Thế mà bọn tỉnh thần Hưng Yên là Hoàng Tá Viêm, Quốc tử giám Tư nghiệp là Trần Nguyên Hy tâu nói muốn giết hết đi 129. Sao ý kiến lại thiên về một bên như thế. Bây giờ muốn tiêu tai dị, thành thịnh trị, chỉ mong các nha lớn nhỏ trong ngoài, những người giữ chức đều theo đạo rất công, không yêu ghét riêng ai, thi hành chính lệnh, cốt được công bằng 130.

Chúng ta có thể nhận thấy rằng ĐNTL chỉ ghi lại nội dung chính yếu và bỏ qua nhiều chi tiết của lệnh phân sáp. Những ghi chép của các thừa sai có thể bổ sung thêm nhiều chi tiết về lệnh cấm đạo này. Bộ sách La Cochinchine religieuse cho biết rằng sau rất nhiều lần trì hoãn, vì lo ngại gây ra những đảo lộn khắp nơi trong nước, cuối năm 1860, vua Tự Đức ban hành lệnh cấm đạo được tóm lược lại dưới đây :

Điều 1 – Tất cả những ai mang danh dửu dân 131, dù là đàn ông hay đàn bà, giầu hay nghèo, già hay trẻ, sẽ bị phân tán vào những làng lương dân.

Điều 2 – Mọi làng lương dân có trách nhiệm canh giữ dửu dân mà họ sẽ nhận, theo số cứ một dửu dân có năm lương dân.

Điều 3 – Mọi làng dửu dân sẽ bị phá huỷ san bằng ; đất đai, ruộng vườn, nhà cửa sẽ bị các làng lương dân xung quanh chia nhau, những làng lương dân này sẽ phần thuế của những làng ấy.

Điều 4 – Đàn ông sẽ bị cách li khỏi đàn bà ; ta sẽ đưa đàn ông tới một tỉnh, đàn bà sang tỉnh khác, để chúng không thể hợp lại ; trẻ nhỏ sẽ bị phân chia giữa những gia đình lương dân muốn nuôi chúng.

Điều 5 – Trước khi ra đi, mọi dửu dân, từ đàn ông, đàn bà, đến trẻ nhỏ, sẽ bị thích vào mặt : ta sẽ thích vào má bên trái hai chữ tà đạo (đạo gian ác tồi bại) và vào má bên phải tên tổng và huyện mà chúng bị đưa tới, để chúng không thể bỏ trốn 132.

Người dân bị thích hai chữ “tà đạo” vào má bên trái

Về căn bản, những tóm lược trong bản dịch từ bản văn tiếng Pháp trên đây khá gần với những ghi chép trong bộ ĐNTL vào năm Tự Đức thứ 14, 1861 :

Sức nhắc lại các địa phương phải nghiêm ngặt chia ghép bọn dân đạo. Trước đây, chia ghép các dân đạo, còn nhiều sót lậu. Đến bây giờ, nghiêm bắt phủ huyện các địa phương : phàm những dân đạo trai gái già trẻ, không cứ đã bỏ đạo hay chưa, đều thích chữ vào mặt, chia ghép đến ở vào xã thôn không có đạo, mà phải quản thúc cho nghiêm. Những tên đầu mục hung ác vẫn nghiêm giam như cũ. Nếu người Tây dương đến nơi, thì đem bọn dân đạo ấy giết cho hết. Phủ huyện nào lại còn nhu nhơ dong kẻ gian, để đến nỗi sinh ra việc gì lo ngại, tất phải chiểu quân luật trị tội 133.

So sánh những ghi chép trên đây, chúng ta có thể nhận thấy rằng thực ra lệnh phân sáp dưới triều vua Tự Đức được ban hành từ khoảng giữa năm 1859 đến năm 1861. Lệnh này ban đầu chỉ có dạng mật dụ và được áp dụng ở các tỉnh phía nam. Đến tháng 10-1860, lệnh truyền này mới được công bố công khai và được áp dụng trên phạm vi toàn quốc, với mức độ ngày càng quyết liệt.

3. Vài ghi nhận về thái độ của vua chúa đối với đạo công giáo

Thông qua những lệnh cấm đạo được ban hành vào những thời điểm khác nhau, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng vua chúa Việt Nam đã khởi đi từ thái độ thiện cảm, đến nghi kị hạn chế, sau đó cấm cách và bách hại ngày càng quyết liệt đối với đạo công giáo. Ở phần này, chúng ta thử tìm hiểu một số những lí do dẫn đến những thay đổi này.

Những hiểu lầm có thể do một số những chi tiết thực hành đạo

Bị tiếng gian dâm phụ nữ

Hầu như các lệnh cấm đạo luôn nhắc đến việc các thừa sai quyến dụ ngu dân, gian dâm phụ nữ. Điều này có thể xuất phát từ thói quen xưng tội khá thường xuyên của các tín hữu, nhất là giới phụ nữ. Xét từ những quan sát bên ngoài, từng phụ nữ đi tới những tủ khá kín đáo thì thầm với các thừa sai ngoại quốc hẳn phải là những chuyện liên quan đến những chuyện dâm dật kín đáo. Cha Đắc Lộ từng trải qua kinh nghiệm này :

Chúng tôi làm hết các việc thông thường như dạy giáo lý, rửa tội và giải tội cho giáo dân. Lương dân cũng gây một chút xôn xao nhất là về việc giải tội cho nữ giới. Họ không chịu để chúng tôi thừa hành trong thầm kín, mặc dầu là ở nơi công và trước mặt mọi người, và giữa họ với chúng tôi (theo tục lệ) vẫn có tấm phên ngăn cách. Có lần chúng tôi không thể ngăn cấm lính mà không làm xôn xao, chúng vào nhà thờ và tới gần tòa giải tội để nghe trong thầm kín của phép giải tội. Để tránh khó khăn, chúng tôi bàn nhau dùng hai nhà liền kề của giáo dân, trong một nhà để cho phái nữ tới xưng tội, còn chúng tôi thì ở trong một nhà thứ hai để nghe xưng tội 134.

Bị tiếng móc mắt người chết

Chúng ta cũng đọc thấy lời kết án việc các thừa sai móc mắt người chết. Thậm chí khi thuật lại vụ án cha Marchand Du, năm 1835, chúng ta đã thấy bản ĐNTL ghi lại một cách chi tiết “công thức” pha chế thuốc rất đặc biệt :

Sau đó, năm Minh Mệnh thứ 14 [1833] thành Phiên An cũ nổi biến, có đạo trưởng người Tây tên là Mã Song, đồng loã với nghịch Khôi, ngầm thông với giặc Xiêm, tập hợp đồ đảng theo đạo Gia Tô, cố giữ cô thành, chống cự quan quân, lâu đến 3 năm ! Đến ngày hạ thành, bị đóng cũi giải về Kinh, Mã Song khai rằng thầy thuốc nước hắn, nhân người sắp chết, khoét lấy con mắt, phơi khô, hợp với hai vị a – nguỵ và nhũ hương, tán nhỏ chế thuốc, trị bệnh ho đờm. Lại, tục truyền rằng tà giáo Tây dương thường khoét mắt người, và cho 1 trai, 1 gái, ở chung một nhà có tường ngăn cách, lâu ngày động tình dục, nhân đấy rập cho chết bẹp, lấy nước [xác chết đó] hoà làm bánh [thánh], mỗi khi giảng đạo, cho mọi người ăn, khiến cho mê đạo không bỏ được 135.

Những chi tiết này rõ ràng là lối tuyên truyền của triều đình về những điều xấu xa tệ hại của tà đạo mà họ đang ra sức tẩy trừ.

Bị tiếng ăn thịt trẻ con

Năm 1843, Hội Thánh Nhi (La Sainte Enfance) được thành lập ở Pháp. Hội này qui tụ những thành viên ở khắp nơi, tài trợ tài chính cho nỗ lực rửa tội cho các trẻ em ngoại giáo trong cơn nguy tử. Hằng năm, tài trợ của Hội này cho các địa phận ở Việt Nam là đáng kể. Từ đó, một trong những nhiệm vụ chính yếu của các nữ tu, thầy giảng, và các linh mục là tìm cách rửa tội cho các trẻ em lương dân sắp qua đời. Trong nhiều trường hợp, các vị này sẵn sàng bỏ tiền mua các em nhỏ sắp chết để có thể rửa tội cho các em. Điều này dẫn đến những thắc mắc nơi lương dân, dẫn đến tin đồn các thừa sai và người có đạo ăn thịt trẻ em.

Những trở ngại do giáo lí

Giáo lí hôn nhân một vợ một chồng

Giáo lí này luôn là một trở ngại lớn khiến giới quan lại và vua chúa dè dặt và e ngại đối với tôn giáo mới. Cha Đắc Lộ kể lại :

Nhưng cũng là điều làm cho ma quỉ điên rồ chống lại chúng tôi. Từ đó, chúng dùng hết thế lực của chúng để gây trong tâm trí nhà chúa sự ghen ghét chúng tôi và các công việc chúng tôi làm. Trước hết chúng lợi dụng chính các bà vợ bé mà các giáo hữu tân tòng lại li dị. Các bà này khinh dể không chịu lấy những người chồng ở giai cấp thấp hơn người trước, nên gây xôn xao trong kinh thành, đến nỗi các tiếng đồn và tiếng than vãn tới tai chúa, ngài cũng có nhiều cung phi và không muốn bỏ, nên phật ý vì thấy có thần dân tốt hơn và có lương tâm hơn mình 136.

Bị tiếng không tôn thờ thần linh và tổ tiên

Bên cạnh những tiếng xấu được kể ra trên đây, vua chúa và quan lại thời xưa thường kể ra một trong những điều họ cho là không chấp nhận được : người theo đạo bỏ không thờ bất cứ thần linh nào, cũng không thờ kính tổ tiên. Điều này bị coi là trái ngược với “chính đạo”, tức Nho giáo :

Đạo Gia tô nguyên từ người Tây dương đem vào truyền bá đã lâu, dân ngu phần nhiều bị mê hoặc mà không biết hối. Thử nghĩ : cái thuyết thiên đường, tóm lại chỉ đều là chuyện hoang đường, không có bằng chứng. Hơn nữa không kính thần minh, chẳng thờ tiên tổ, rất trái với chính đạo. Thậm chí lập riêng nhà giảng tụ tập nhiều người, cám dỗ dâm ô phụ nữ, lừa gạt lấy mắt người ốm. Những việc trái luân lý, hại phong hoá, điều ấy kể ra còn nhiều, thực đã phạm đến pháp luật 137.

Hay trong đoạn văn khác, vào năm Minh Mạng 20, 1840 :

Kể ra, lương tri lương năng, người ta ai cũng vẫn có, thế mà không coi cha mình là cha, lại coi người Tây dương là cha, không thờ tổ mình làm tổ, lại đi thờ đạo giáo Tây dương làm tổ, không biết kính thờ thần minh khi cúng tế tổ tiên nữa ; như thế đáng gọi là hiếu được ư ? 138

Còn dưới đây là ghi chép vào năm Thiệu Trị thứ 7, 1847 :

Gia tô là tả đạo, từ Tây dương đến. Cái đạo của chúng không thờ cha mẹ, không kính quỷ thần, thác ra cái thuyết Giê-su với thập tự giá để mê hoặc lòng người, đặt ra thuyết thiên đường và nước phép, để người ta nghe đến thì mê. Tả đạo ấy rất hại cho phong hoá ! 139

Từ góc độ của người trị dân theo quan điểm Nho giáo, những điều kể ra trên đây cho thấy tà giáo này cần phải bị diệt trừ tận gốc, tránh hiểm hoạ cho dân chúng nhằm tái lập thuần phong mĩ tục cho quốc gia.

Những thành kiến do nền tảng Nho giáo

Những chi tiết trên đây nhắc cho chúng ta nhớ rằng nền tảng qui chiếu của giới quan lại và vua chúa là Nho giáo. Điều này dẫn đến những thành kiến và những phê bình dựa trên thành kiến đó.

ĐNTL ghi lại lời phê bình của nhà vua vào năm Minh Mạng thứ 20, 1839, đối với sách Kinh Thánh từ quan điểm Nho giáo :

Vua thường xem quyển “Tây dương ký sự”, bảo các quan rằng : Sách Tây có nói : “Đời vua Nghiêu bị nạn nước lên to, vua nước ấy lấy một chiếc thuyền lớn đem hết thảy nhân dân chim muông trong nước lánh lên ở trên đỉnh ngọn núi cao”. Lại nói : “Trong khi nước to, trong nước chỉ còn bảy người, sau sinh sản ngày một nhiều, đều là con cháu bảy ông tổ ấy”. Cái thuyết ấy thực không có bằng chứng. Lại nói : “Trong nước có một vị vua, sai người trong nước xây một cái tháp lên trời cao không biết mấy nghìn muôn trượng, toan lên chơi cung phủ của trời để xem xét cảnh giới trên trời. Trời sợ sai Thiên quan xuống làm thay đổi tiếng nói đi, để không thể sai gọi được nhau, cho nên cái tháp ấy không thành. Nay các xứ trong nước ấy, tiếng nói phong tục khác nhau, là bởi cớ đó”. Thuyết này lại càng vô lý. Lại nói : “Người ta sinh ra trong khoảng trời đất, vốn xưa có một phái, vì ở riêng ra từng nước, cho nên phong tục khác nhau. Vì vậy người các nước đến buôn bán, người nước đó đều gọi là anh em”. Lại còn : “vua nước đó ra đứng ở đường phố cho người nước cầm tay và hôn trong bảy ngày mới thôi”. Đó cũng là cái tục hủ lậu quá lắm. Và quyển sách đó đều viết bằng chữ Hán, tất là người nước Thanh theo đạo Tây dương làm ra. Trong dó viện dẫn Kinh truyện, lời, nghĩa, lung tung lại không thành câu cú gì. Đọc quyển sách ấy cố nhiên không có gì đáng kể, chỉ sợ sau này có nhà văn Trung Quốc nào lưu lạc bất đắc chí đến ở nước đó rồi làm sách cho nước đó, thì đạo ấy sẽ thịnh hành, làm mê hoặc cho đời rất lớn vậy. Cũng như đạo Phật, kỳ thuỷ cũng chưa lan mạnh, đến sau các nhà văn sĩ phiên dịch rộng kinh Phật ra, lòng người bèn dần dần xu hướng, cũng giống như thế đó. Nay nên đặt điều cấm cho nghiêm để ngăn chặn đi 140.

Trước đó, năm Minh Mạng thứ 19, 1838, ĐNTL cũng ghi lại lời nhận xét của vua :

Lại từng bảo các quan hầu rằng : “Ngày nay các nước phương Tây, lớn nhỏ ở xen nhau, mà đều giữ được bờ cõi, không cắn nuốt lẫn nhau, các nước ấy phần nhiều theo đạo Gia Tô, nghe nói truyền lại, ngày xưa đạo chủ là Chi-thu (Giê-xu) có thề ước rằng : phàm các nước anh em ở phương Tây, nếu có người mưu tính, thì các nước cùng đánh, từ Chi-thu đến nay đã 1840 năm, các nước đều giữ lời ước ấy, cho nên không lấn đánh nhau. Nhưng trẫm thường nghe ngày xưa, vua nước Hồng Mao ở phương Tây không có con trai, chỉ sinh được người con gái, gả cho vua nước Pha-nha, nguyên tục ở phương ây, dù tôn quý làm vua một nước cũng chỉ lấy một vợ, không có vợ lẽ, người con gái ấy đã về nước Pha-nha, về sau vua nước Hồng Mao chết, người trong nước nói : “Vua ta chỉ có một con gái, tức là con trai, nên làm vua trong nước, bèn yêu cầu với nước Pha-nha đón về lập làm vua”. Lâu rồi vua nước Pha-nha ở một mình không thích, bèn bỏ nước ấy đi sang nước Hồng Mao, người vợ nhân trao cho làm chức quan to cùng ở với nhau. Vợ lại nói dỗi dỗ chồng đem hết đồ bản, quan lại, tài vật nước Pha-nha phụ thuộc về nước Hồng Mao, người chồng cũng nghe, người trong nước cũng đều thuận theo, đều làm tôi tớ nước Hồng Mao, cung dâng cống phú. Khi vua nước Pha-nha đã chết, người vợ vẫn còn, người nước Pha-nha cũng cam làm thần dân, không ai làm phản. Đến khi vợ vua nước Pha-nha chết, nước Hồng Mao không khống chế được nữa, lại làm nước láng giềng hoà hảo như xưa. Kể thì người ở phương Tây xem đến chế tạo đồ vật, phần nhiều có ý khéo, ngỡ là bậc đại trí, sao xử đoán việc lớn lại mờ mịt không biết phải trái, chẳng những ông vua nước ấy đắm mê về vợ, cả nước cũng không biết nên chăng chút nào, đem nhau làm con tin với nước láng giềng, sao mà ngu thế ? Nói là lời thề ước của đạo chủ cũng là nói dối. Xem ra lẽ phải ở đời, chia lâu tất phải hợp, giả sử trời sinh ra bậc vua anh hùng hào kiệt, mưu thần xét đoán, sáng suốt mở mang bờ cõi, biết đâu chẳng hỗn hợp các nước khác lại làm một, chỉ vì khí vận chưa đến, cho nên còn như thế mà thôi. Thử xem đời Xuân Thu, Chiến Quốc, các nước chư hầu thay nhau hùng trưởng, đều giữ đất đai, rồi sau rút lại vẫn là một há chẳng phải cũng là lẽ đấy ư ?” 141

Những đoạn văn này ít nhiều cho thấy hiểu biết rất sơ sài của nhà vua, đặc biệt, quan niệm Nho giáo chính là hệ qui chiếu của nhà vua. Các thừa sai lúc đó đã ít nhiều nhận xét về điều này.

Từ góc nhìn của người châu Âu

Từ góc nhìn của người châu Âu, nội dung của các bản văn cấm đạo là những lời vu khống trắng trợn, giống như những gì đã diễn ra trong mọi cuộc bách hại từ thời Hội Thánh sơ khai 142. Trước những lời vu khống thậm tệ qua các bản văn cấm đạo dưới thời Minh Mạng, như chúng ta đã đọc ở trên, thừa sai Pierre Dumoulin Borie Cao, lúc đó đang hoạt động ở vùng Bố Chính, muốn vào tận triều đình để tranh luận với nhà vua 143. Vậy vì đâu vua Minh Mạng và triều đình Huế lại công bố những bản văn vu khống như chúng ta đọc thấy trên đây ? Chúng ta đã thấy một phần lí do ít nhiều liên quan đến nghi lễ. Nhưng cũng còn có những lí do khác nữa.

Chủ ý bôi nhọ

Chúng ta có thể đọc thấy ý tưởng này trong bức thư đề ngày 21-1-1837 của cha Jaccard Phan, một người đã nhiều năm làm việc ở kinh thành Huế :

Vua Minh Mạng biết rất rõ về đạo, ít ra là những nét chính yếu. Chắc chắn nhà vua không tin vào những lời vu khống mà nhà vua công bố chống lại đạo này 144.

Về ý định vào Huế để biện hộ cho giáo lí công giáo của cha Borie Cao, bề trên trực tiếp của cha lúc đó là cha chính Masson đã ngăn cản với những lời lẽ như sau :

Trong khi vẫn khen ngợi nhiệt huyết của ngài, tôi phản đối kế hoạch này, vì tôi chắc chắn rằng vua Minh Mạng không phạm tội vì dốt nát, và rằng bằng cách thức liều lĩnh này, không chỉ cha Borie sẽ hứng chịu cái chết không cần thiết và vô ích, nhưng cha sẽ đưa đến những kết quả là những điều đáng tiếc cho mọi Kitô hữu thuộc quyền chúng tôi 145.

Khi nhận xét về bản Thập Điều này do vua Minh Mạng ban hành ngày 14-7-1834, cha Vermeil còn nói đến những lí do khác nữa :

Tài khéo của triết gia mang vương miện này chứng tỏ rằng nhà vua biết đến Kitô giáo. Quả thực ta biết rằng nhà vua có đọc những sách tôn giáo ; Chính cha Jaccard đã mang đến cho nhà vua một cuốn Tân Ước ; nhưng bị u mê vì những thói truỵ lạc tệ hại, hoặc bị mù quáng vì thù hận, nhà vua không hiểu được những sách này. Sau khi đã đọc rằng Giêsu Kitô, bị giết vì thù hận tôn giáo, đã phục sinh vào ngày thứ ba, rằng máu các vị tử đạo là hạt giống sinh ra các Kitô hữu, vả lại khi thấy người ngoại giáo bắt chương các tín hữu tỏ lòng tôn kính các vị tử đạo như các tín hữu, nhà vua bị nỗi sợ hãi tác động mạnh mẽ liên quan đến những hệ quả của cuộc bách hại. Sau khi đã chém đầu cha Gagelin, đem bêu ở mọi tỉnh mà vị thừa sai đã rao giảng, nhà vua sợ phải thấy cha sống lại vào ngày thứ ba. Nên nhà vua truyền cho xem xác cha, nhưng vị các Kitô hữu đã mai táng cha ở một nơi kín đáo, nên nhà vua đe doạ tiêu diệt tất cả, nghiền nát tất cả nếu người ta không trả lại xác cho nhà vua. Người ta đã tuân lệnh, và nỗi sợ của nhà vua tiêu tan khi ngày thứ ba trôi qua 146.

Chúng ta nhận thấy ở đây phần nào những lí do khiến vua Minh Mạng và triều đình đưa ra những lời vu khống nặng nề : óc kì thị, lòng hận thù, quan điểm Nho giáo mù quáng. A. Launay đưa ra những nhận xét giúp ta hiểu rõ hơn về vua Minh Mạng, sau khi đã nói về vua Gia Long :

Con trai ông, Minh Mạng, một ông vua nổi tiếng theo kiểu Nêrô, vốn sợ và ghét người châu Âu, đặc biệt là người Pháp, những người duy nhất đã làm những điều tốt đẹp cho gia đình ông ; nhà vua đã muốn tiêu diệt đạo công giáo trong Nước mình, xua đuổi hoặc giết chết các thừa sai. Lòng biết ơn rõ ràng không chỉ là đức hạnh của những kẻ làm ơn, điều đó còn đúng hơn nữa ở Viễn Đông so với Tây Phương.

Người ta nói rằng nhà vua thông minh, có thể, nhưng là thông minh theo lối những sĩ phu Trung Quốc và Việt Nam, chỉ nhìn về quá khứ, cay đắng gắn bó với quá khứ, không có khả năng tìm kiếm nơi hiện tại những dấu chỉ giúp dự liệu và chuẩn bị tương lai. Chính tinh thần hẹp hòi, tinh thần đã khiến tính cố chấp của nhà vua nổi bật lên và lòng bất nghĩa được phản chiếu một cách khéo léo 147.

Ngày 14-7-1834, vua Minh Mạng ban hành một bản huấn điều bao gồm 10 khoản, quen gọi là Thập Điều 148Đức cha Retord Liêu đã đưa ra những lời nhận xét về bản huấn điều này :

Chẳng phải kì cục sao khi nghe nhà vua rao giảng thực hành mọi nhân đức, còn nhà vua lại là kẻ gian ác nhất trong vương quốc, khi nghe nhà vua ra lệnh sống tiết độ nơi bàn ăn, còn nhà vua say sưa mọi lúc ; khi nghe nhà vua khích lệ dân chúng dẹp bỏ những dục vọng dâm ô, còn nhà vua chỉ có 700 phi tần, những người đó sinh cho nhà vua 125 người con hiện còn sống, không kể những người con đã chết ; khi nghe nhà vua nới rằng người giầu không được đàn áp người nghèo, kẻ mạnh không đè bẹp người yếu, còn nhà vua lại đè bẹp cả vương quốc mình bằng sự tàn bạo sắt máu, khiến gieo rắc đói nghèo và cái chết mọi nơi … 149

Như vậy, có lẽ phải hiểu rằng những bản văn nặng tính vu khống của vua Minh Mạng nói riêng và triều đình nhà Nguyễn nói chung, mang dấu ấn sâu đậm của óc kì thị, lòng thù ghét, cùng với thái độ tự tôn thái quá dựa trên nền tảng Nho giáo. Những yếu tố này đã khiến vua Minh Mạng dùng những bản văn công khai tuyên truyền theo kiểu bôi nhọ, nhằm có lí do chính đáng tiêu diệt thứ tôn giáo mà nhà vua và triều đình cho rằng không phù hợp, thậm chí có hại cho chính giáo, tức Nho giáo.

Vì quyền bính tối thượng

Bên cạnh những yếu tố kể trên, chúng ta còn phải kể đến một lí do chính yếu dẫn đến sự thù ghét thậm tệ của vua chúa và triều đình đối với đạo công giáo, với nhận xét rất đáng lưu tâm dưới đây :

Đâu là lí do những cuộc cướp phá, thiêu huỷ, tù đày, những cuộc tử đạo, đánh vào những người công giáo ? Đâu là những cảm xúc tham lam, báo thù, căm ghét đã là vũ khí cho những bàn tay đao phủ và gợi ý cho những sắc dụ mang tính huỷ diệt đẫm máu ?

Đối với câu hỏi này, chỉ có một lời đáp, nhưng lời đáp này đã làm xuyên thấu vào những chốn sâu xa nhất của ngoại giáo, lời đáp này chỉ ra nền tảng giáo thuyết ngoại giáo, tiết lộ ra tác giả của truyền thống này và vạch trần những hệ quả của nó. Nguyên nhân của biết bao điều ác này chính là lòng thù hận. Cảm xúc thúc đẩy và trợ lực cho vua Tự Đức và những người theo ông chính là lòng thù hận. Lòng thù hận tôn giáo vốn đã tồn tại từ nhiều thế kỉ, hiện diện ở mọi nơi và mọi lúc trong những xứ ngoại giáo và có thể được định nghĩa bằng một từ : đó là lòng thù hận của Xatan chống lại Thiên Chúa. Chính lòng thù hận này đã gợi hứng cho Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Vào giai đoạn này, lòng thù hận lại được nhân đôi do sự thù ghét người ngoại quốc.

Nơi các quốc gia ở Viễn Đông, không giống như ở Phương Tây, đất nước không phải là nơi hội tụ thành một thể thống nhất một số nhiều ít đáng kể các tỉnh, được liên kết lại nhờ những kí ức vinh quang hay buồn bã, có lẽ đất nước là điều gì đó giống như trong các xã hội cổ xưa, là một lãnh thổ mà tôn giáo quốc gia đã thánh hiến. Chắc chắn và thoạt tiên, ta có thể nói rằng đất nước trước hết là phần đất của tổ tiên, với toàn bộ luật lệ, những thiết chế, những tập tục. Các dân tộc Viễn Đông thù ghét người ngoại quốc không chỉ vì họ ra lệnh nhân danh một vị chủ tể khác, nhưng vì họ xâm nhập đất đai nơi tổ tiên cư ngụ, ấn định những luật lệ khác và chế nhạo những lề thói cổ xưa. Sự lẫn lộn quyền bính dân sự và tôn giáo gây ra một vấn đề trầm trọng. Hoàng đế là vị được Trời sai đến nên là trưởng tế đại diện của Trời nên Hoàng đế có quyền cả trên thân xác lẫn lương tâm và hiểu biết của thần dân, mọi điều ông dạy phải là chân lí, mọi điều ông ra lệnh đều đúng đắn. Thế mà các Kitô hữu lại đặt mình dưới một thứ quyền bính còn cao hơn hoàng đế 150.

Thay lời kết

Trong những phần trình bày này, con đã trích dẫn rất nhiều, nhưng đó thực ra lại chỉ là những đoạn văn ngắn ngủi trong kho tài liệu đồ sộ là các bản văn các thứ tiếng Latinh, Ý, Pháp, Anh, và kho tàng Hán – Nôm từ thế kỉ 17. Đây là một kho tàng khôn ngoan đồ sộ, là nền tảng lịch sử quan trọng mà chúng ta dễ dàng tiếp cận vào thời kĩ thuật số, nhưng đồng thời cũng là kho tàng mà con người thời kĩ thuật số thường bỏ qua !

Nhưng để kết thúc bài này, con muốn nhân cơ hội quí báu này để nói đến một kho tàng, hay đúng hơn những kho tàng lịch sử đang ở trong tay quí cha, đó là vấn đề liên quan đến việc lưu giữ kí ức lịch sử tại các giáo xứ.

Giá trị thời gian

Lịch sử dĩ nhiên gắn liền với thời gian và những chứng tích liên quan đến kí ức lịch sử mang những giá trị khác nhau tuỳ thuộc vào việc chúng gắn liền với những con người đặc biệt, hay liên quan đến những biến cố đặc biệt, hoặc liên quan đến những địa điểm đặc biệt. Người Việt chúng ta thường ít quan tâm đến việc lưu giữ những kí ức này. Đôi khi, chúng ta lại cố ý phá bỏ đi những chứng tích này. Ngày nay, với phương tiện kĩ thuật hiện đại, chúng ta có thể xây dựng những công trình thật lớn, nhưng có một thứ chúng ta không thể tạo ra được, đó là thời gian.

Giá trị vật chất

Lại có những chứng tích thuộc về kí ức lịch sử, nhưng đồng thời lại có giá trị vật chất tự thân, khi chúng được làm bằng các chất liệu quí hiếm : những kim loại quí, những loại gỗ quí, lưu giữ giá trị nghệ thuật của những nghệ nhân bậc thầy. Những vật này sau một thời gian thường mang giá trị vượt xa giá trị vật chất của chính nó, vì đã mang thêm giá trị thời gian vô giá. Rất nhiều khi, vì không ý thức được giá trị của những vật này mà chúng ta huỷ hoại, hoặc bán đi để đổi lại những thứ không có giá trị.

Xin đừng tàn nhẫn với lịch sử

Lịch sử trôi đi một lần và không bao giờ trở lại, vì thế, những chứng tích lịch sử có giá trị đặc biệt. Những giáo xứ của chúng ta không phải là những nhà bảo tàng, mà là nơi sinh hoạt của các cộng đoàn. Nhù cầu xây dựng là rất rõ ràng. Tuy nhiên, một điều rất cần cân nhắc là khi trùng tu hay xây lại, chúng ta cần giữ lại những gì để người sau còn thấy được những dấu ấn thời gian trên mảnh đất quê hương chúng ta. Điều này đòi hỏi một óc phân định thực sự. Xin quí cha lưu ý để đừng bao giờ tàn nhẫn với lịch sử !

Để kết thúc, con xin được trích một đoạn trong Tông huấn Gaudete et Exsultate :

Ta hãy để cho mình được thúc bách bởi các dấu hiệu của sự thánh thiện mà Chúa cho thấy qua những thành viên khiêm hạ nhất của đoàn dân “tham dự vào phận vụ ngôn sứ của Đức Kitô, bằng cách thể hiện khắp nơi chứng tá sống động cho Người, cách đặc biệt bằng đời sống đức tin và đức ái”. Chúng ta cần nhớ sự thật mà Thánh Têrêsa Benedicta Thánh Giá đã nêu ra, đó là lịch sử thật sự được làm ra bởi nhiều người trong họ. Vị thánh nữ viết : “Những gương mặt ngôn sứ và thánh thiện vĩ đại nhất trổi lên khỏi đêm tối thâm u. Nhưng phần lớn, dòng chảy của đời sống thần bí vẫn không được nhìn thấy. Chắc chắn rằng những bước ngoặt có tính quyết định nhất trong lịch sử thế giới thì thiết yếu được phối hợp ấn định bởi các linh hồn mà không một sử sách nào đề cập về họ. Và chỉ trong ngày mà tất cả những gì giấu ẩn hiện lộ ra thì chúng ta mới nhận ra những linh hồn mà mình mắc nợ về những bước ngoặt quyết định trong đời sống của mình”. 151

Lm. Vinh-sơn Trần Minh Thực, PSS

Chú thích

1) Bửu Cầm et al., Hồng Đức bản đồ, Saigon 1962, 3.

2) Bửu Cầm et al., sđd, 29.

3) Quốc sử quan triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (bản dịch của Viện sử học). Tập 1. Hà Nội 2002, 42-43.

4) Đại Việt sử ký toàn thư (bản dịch của Viện khoa học xã hội Việt Nam). Tập 3. Hà Nội 1998, 227.

5) Quốc sử quan triều Nguyễn, sđd, 43.

6) X. A. de Rhodes, Histoire du Royaumede Tunquin, Lyon 1651tr. 133-134. Chúng con cho rằng le Roy được nói đến ở đây hẳn là chúa Trịnh Tráng.

7) C. A. Poncet, “Le voyage du P. Alexandre de Rhodes de Cua-bang à Hanoi en 1627”, BAVH 1942, số 3, tr. 263 dẫn bản tiếng Latinh của cuốn sách (Tunquinensis Historiae) rằng nhóm linh mục A. de Rhodes đi ngược dòng sông vài ngày (dies aliquot) và gặp chúa Trịnh đang xuôi xuống. Bản tiếp Pháp không có chi tiết này và chỉ cho biết nhóm đã gặp chúa Trịnh ở dòng sông rộng hơn mười dặm. Dặm được dùng ở đây có lẽ là đơn vị đo lường Rôma, được dùng trong các nước Ý, Pháp, Đức, tương đương khoảng 1472m.

8) A. de Rhodes, sđd, tr. 135. X. C. A. Poncet, đd, tr. 267-269. Trong bản đồ của A. de Rhodes, Divers voyages et missions, mà chúng con đã nhắc đến ở trên có một cửa biển rất lớn, với tên gọi Cua dai. Có lẽ bản văn muốn nói tới cửa biển này.

9) A. de Rhodes, Histoire du Royaume, tr. 136.

10) Nhận xét về niên đại của phần này, bài giới thiệu của Bửu Cầm et al., sđd, tr. XII cho rằng : “các bản địa-đồ ấy được thực hiện vào cuối thế-kỷ XVII hơn là vào đầu thế-kỷ XVIII.” Xét như thế phần bản đồ và những chỉ dẫn các lộ trình thủy bộ từ Thăng Long đi Chiêm Thành ở phần này có thể được biên soạn rất gần với thời điểm linh mục A. de Rhodes đến Đàng Ngoài.

11) Bửu Cầm et al., sđd, tr. 75-76.

12) X. A. de Rhodes, sđd, tr. 134-135.

13) Bản đồ Sơn Nam thừa tuyên trong Bửu Cầm et al., sđd, tr. 18-19 cho thấy ngã ba Thiên Phái là khúc sông nằm ờ phía bắc núi Non Nước và đò Gián. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (bản dịch của viện sử học). Tập 3. Huế 2006, tr. 298-299 cho biết Thiên Phái chính là sông Thanh Quyết, còn có tên khác là Bô Cô, nơi có Đò Khuất. Như vậy, Thiên Phái là ranh giới giữa trấn Sơn Nam và trấn Thanh Hoa ngoại lúc đó.

14) Bản văn của Bửu Cầm et al., sđd, tr. 76 gọi tên cửa biển giữa Thanh Hoa và Nghệ An là Cửa Kiền. Chúng con dựa theo cách gọi tên của dân địa phương Cửa Cờn.

15) A. de Rhodes, Divers voyages, tr. 92 : “vers le Roy”.

16) A. de Rhodes, sđd, tr. 92 : “Il nous commanda de l’attendre dans la Prouince de Sinoa”.

17) Trích theo bản dịch của Hồng Nhuệ, Hành trình và truyền giáo, tp. Hồ Chí Minh 1994, tr. 69-70, với một đôi chỗ điều chỉnh theo bản tiếng Pháp. X. A. de Rhodes, sđd, tr. 92. Chúng con nhận thấy có sự khác biệt về số binh sĩ và chiến thuyền trong hai cuốn sách của linh mục A. de Rhodes được sử dụng trong bài viết này, nhưng chúng con xin được miễn bàn về khác biệt này.

18) Như đã nói ở ghi chú số 8, chúng con cho rằng phải đọc địa danh này là Kẻ No. Cũng phải ghi nhận thêm rằng trong cuốn Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài, trước khi nhắc tới Anvuc và Vanno ở chương 7, ở chương 6, A. de Rhodes đã nói tới thành (Ville), nơi các ngài ở lại chờ chúa Trịnh, có tên là No. Chúng con thấy cần phải đưa thêm thông tin từ Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (bản dịch của viện sử học). Tập 2. Huế 2006, tr. 305-306 : “Núi Thệ Nguyện : ở địa phận giáp Nỗ và Vân Trai huyện Ngọc Sơn. Tục truyền, chỗ này núi biển sát liền, trước kia Thủy Thần và Sơn Thần hội thề ở đât vạch vào đá để ghi dấu, ước hẹn rằng hằng năm nước biển vĩnh viễn không tràn đến địa phận cửa Bạng, đến nay dấu vết ở đá vẫn còn”. Trong phần Đồng Khánh bản đồ thuộc bộ Đồng Khánh địa dư chí, núi Thệ Nguyện nằm không xa Cửa Bạng. Phải chăng giáp Nỗ chính là No được nói tới trong tài liệu của linh mục A. de Rhodes ?

19) X. A. de Rhodes, Histoire du Royaume, 225-228 cho biết từ kinh đô, linh mục A. de Rhodes đi đến Che bo, cách kinh đô khoảng 100 dặm, tức khoảng gần 150 km, rồi từ đó đi thuyền thêm một ngày nữa tới Che no. Tốc độ của thuyền dĩ nhiên phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như thủy triều, hướng gió, độ lớn của thuyền.

20) C. A. Poncet, đd, tr. 281 cho biết trước khi đổ ra biển, sông Lèn chia làm hai nhánh, phía bắc là Cửa Sung, phía nam là Cửa Bích. Cửa Bích sau này dần biến mất.

21) X. A. de Rhodes, sđd, 258.

22) X. A. de Rhodes, sđd, 150-162. Đỗ Quang Chính, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, Hà Nội 2008, 318, ghi chú rằng : “có lẽ Man tai không phải là tên riêng của người này, nhưng là danh xưng chức vụ Mậu tài, chịu trách nhiệm do chính quyền trao phó, để mua bán, đổi chác hàng hoá, nhất là ngoại tệ.”

23) A. de Rhodes, sđd, 191.

24) A. de Rhodes, sđd, 191-192.

25) A. de Rhodes, sđd, 210-211.

26) A. de Rhodes, sđd, 211-212.

27) A. de Rhodes, sđd, 200-201.

28) X. Klaux Schatz, Hoa trái ở phương Đông (bản dịch của Phạm Hồng Lam), Tp. Hồ Chí Minh 2017, 200.

29) A. de Rhodes, Phép giảng tám ngày, Tp. Hồ Chí Minh 1993, 17.

30) A. de Rhodes, sđd, 140-141.

31) A. de Rhodes, sđd, 240.

32) X. A. de Rhodes, sđd, 203.

33) A. de Rhodes, Histoire du Royaume, 59.

34) A. de Rhodes, sđd, 254.

35) A. de Rhodes, sđd, 220.

36) X. Montezon, Mission de la Cochinchine et du Tonkin, Paris 1858, 390-393 ; x. Đỗ Quang Chính, sđd, 559-562.

37) Dẫn theo Trương Bá Cần, Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam. Tập 1. Hà Nội 2008, 156-157.

38) X. Trương Bá Cần, sđd, 148.

39) Theo miêu tả trong bản văn này, chúng con cho rằng Homac có thể là cửa ô Đống Mác. Trong thủ bản An Nam nhất thống chí, tờ 92, cửa ô này xuất hiện trong dạng chữ Hán Ông Mặc ổ môn (翁墨塢門).

40) Dẫn theo Trương Bá Cần, sđd, 153.

41) Đỗ Quang Chính, sđd, 186 cung cấp thông tin như sau : Cũng cha Tissanier cho rằng, năm 1658, số tín hữu lên tới 300.000, nếu tính theo sổ Rửa tội ở các nhà thờ từ năm 1627 đến 1663, tổng số người ĐN gia nhập Giáo hội lên tới 350.000, vì “trung bình mỗi năm rửa tội tới 7 hoặc 8.000 người”. Con số 350.000 Kitô hữu vào thời điểm này có lẽ hơi quá, vì tường trình của cha Deydier cho biết những năm 1668-1669, Đàng Ngoài có khoảng 100.000 Kitô hữu (x. Relation des missions des Evesques francois aux royaumes de Siam, de la Cochinchine, de Camboye, & du Tonkin, Paris 1674, 283.).

42) Cuộc bách hại được nói tới ở đây có lẽ là vào năm 1649 ; x. Trương Bá Cần, sđd, 162-163.

43) Chúng con tạm thời ghi tên các địa danh ở đây dựa trên nguyên bản tiếng Ý : Provincia di Guiám = trấn Nghệ An, Provincia di Thign Hoa = Thanh Hoa, Provincia di Ké Bó = trấn Kẻ Vó, Provincia detta dell’Austro = trấn Sơn Nam, Provincia d’Oriente = trấn Đông, Provincia d’Occidente = trấn Sơn Tây, Provincia d’Aquilone = trấn Bắc.

44) X. F. de Marini, Delle missioni de’ padri della compagnia di Giesù nella Provincia del Giappone, e particolarmente di quella di Tumkino, Roma 1663, 264-265.

45) Dẫn theo Đỗ Quang Chính, sđd, 197.

46) X. Đỗ Quang Chính, sđd, 198.

47) X. Montezon, sđd, 198 ; Đỗ Quang Chính, sđd, 198.

48) X. Đỗ Quang Chính, sđd, 194-195.

49) X. Nguyen Huu Trong, Les origines du clergé vietnamien, Saigon 1959, 197-199.

50) A. Launay, Histoire de la mission du Tonkin. Documents Historiques. I. 1658-1717. Paris 1927, 28 có ghi lại một đoạn nhật ký của cha Deydier như sau : “Một điều làm tôi ngạc nhiên là không thày nào biết nói tiếng Bồ Đào Nha, hay biết các chữ cái của chúng ta. Các thày nói với tôi rằng các Cha Dòng Tên cấm họ học những thứ đó”.

51) X. A. Launay, sđd, 20-26. Ông Raphaen là người Đàng Trong, lúc còn nhỏ đã dạy tiếng địa phương cho cha Đắc Lộ, năm 1624-1626 ở Hội An, Đà Nẵng, và lúc bấy giờ đã lập gia đình ở Kẻ Chợ, Thăng Long. Ông làm việc cho công ty Hà Lan ở Đàng Ngoài. Ông mất năm 1687 ở Kẻ Chợ.

52) X. Đỗ Quang Chính, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, Hà Nội 2008, 298 ; Nguyen Huu Trong, sđd, Saigon 1959, 164-165.

53) A. Launay, sđd, 89 ; x. Néez, Documents sur le clergé tonkinois aux XVIIe et XVIIIe siècles, Paris 1925, 16 ; xem thêm tác phẩm rất đặc biệt của Marillier, Nos pères dans la foi (Cha ông chúng ta trong đức tin), Paris, 1996. Bản văn tiếng Pháp không ghi dấu thanh vào các tên riêng, ở đây, chúng con tạm thời ghi thêm các dấu thanh vào tên gọi, dựa theo một số tài liệu.

54) A. Launay, sđd, 93-94.

55) X. A. Launay, sđd, 94.

56) X. A. Launay, sđd, 143-144. Cuốn Néez, sđd, 35 cho biết rằng năm 1672, cha Deydier triệu tập các tân linh mục. Trên đường, cha Antoine Qué bị bắt, nhưng liền sau đó cha được thả ra.

57) X. A. Launay, sđd, 271.

58) A. Launay, sđd, 151.

59) Trong các ghi chép vào thế kỉ 17, các thừa sai thường nhắc tới hai Kẻ Cốc (Ke-coc), một tại Xứ Đông và một tại Xứ Bắc. Kẻ Cốc mà chúng con nói tới ở đây thuộc Xứ Bắc. Ngoài Kẻ Cốc được nói tới ở đây, một số địa danh khác của Xứ Bắc là Dao-ray (x. Launay, sđd, 197) ; Kẻ Roi, Kẻ Mốt cùng với 32 nhà thờ, nhà nguyện cũng được nhắc tới trong ghi chép vào năm 1707 (x. Đỗ Quang Chính, sđd, 91.).

60) A. Launay, sđd, 342-343.

61) X. Launay, sđd, 343-344.

62) X. Trương Bá Cần, sđd, 199-200.

63) X. Đỗ Quang Chính, sđd, 304-305.

64) X. Launay, sđd, 86.

65) X. Launay, sđd, 88 ; Nguyen Huu Trong, sđd, 189.

66) X. Launay, sđd, 187.

67) Trích theo Đỗ Quang Chính, sđd, 216-217.

68) X. Launay, sđd, 403.

69) Trích theo bản dịch Đỗ Quang Chính, Hai Giám mục đầu tiên tại Việt Nam, Hà Nội 2008, 125 ; xem thêm Trương Bá Cần, sđd, 205.

70) X. Launay, sđd, 27.

71) X. Đỗ Quang Chính, Dòng Tên, 295.

72) X. Launay, sđd, 306-308.

73) X. Nguyen Huu Trong, sđd, 239-240.

74) Launay, sđd, 121.

75) Launay, sđd, 122.

76) Launay, sđd, 134.

77) X. Launay, sđd, 197-198.

78) Launay, sđd, 141.

79) Montezon, sđd, 146.

80) Lời cha Jean Cabral trong bản tường trình ngày 2-11-1647, dẫn theo Đỗ Quang Chính, sđd, 180-181.

81) A. de Rhodes, sđd, 192.

82) A. de Rhodes, sđd, 211.

83) Cần biết rằng trong sách Luận Ngữ, chương 13, Khổng Tử dạy học trò rằng nhiệm vụ của người cai trị là làm cho dân đông đúc, làm cho dân giàu có, và dạy dỗ dân.

84) X. Trương Bá Cần, sđd, 128-165.

85) X. Đỗ Quang Chính, sđd, 194-195.

86) Đại Việt sử ký toàn thư. Tập III (bản dịch của Viện sử học). Hà Nội 1998, 265.

87) Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thôn giám cương mục. Tập hai (bản dịch của Viện sử học). Đà Nẵng 2007, 300-301. Roland Jacques (http ://tunguyenhoc.blogspot.com/2012/08/nguon-goc-va-y-nghia-cac-ten-goi-hoa.html) và Đỗ Quang Chính, sđd, 48, đều cho rằng Hoa Lang có nghĩa là Bồ Đào Nha.

88) Xét về dấu vết Tin Mừng trên đất Đại Việt, Đỗ Quang Chính, sđd, 10, nhắc tới thánh giá được Duarte Coelho khắc tại Cù Lao Chàm vào năm 1523.

89) X. Nguyễn Khắc Thuần, Đại cương lịch sử văn hoá Việt Nam. Tập 4. Hà Nội 2012, 215-218.

90) Để so sánh, chúng con sử dụng bản chữ Hán bộ KĐVTGCM tại trang điện tử lib.nomfoundation.org, bản chữ Hán cuốn TDGTBL kí hiệu VHv.2137, hiện được lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm.

91) Bản dịch của Ngô Đức Thọ dịch đốc chính thành giám mục khâm mạng ; xin xem trang điện tử http ://www.talawas.org/talaDB/showFile.php ?res=10340&rb=08.

92) Chữ lũ bản KĐVTGCM ghi 縷, bản TDGTBL ghi là 屡.

93) Lời giới thiệu cuốn TDGTBL tại trang điện tử http ://www.talawas.org/talaDB/showFile.php ?res=10257&rb=08, truy cập ngày 13-5-2018, nhắc tới những tài liệu nói tới việc KĐVTGCM có thể lấy nguồn từ TDGTBL.

94) Dẫn theo trang điện tử http ://www.talawas.org/talaDB/showFile.php ?res=10317&rb=0303, truy cập ngày 13-5-2018.

95) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục. Tập một (bản dịch của Viện sử học). Hà Nội 2002, 587.

96) A. Launay, Mgr Retord et le Tonkin catholique, Lyon 1893, 76.

97) X. A. Launay, sđd, 76.

98) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục. Tập hai (bản dịch của Viện sử học). Hà Nội 2007, 649. Những vị này chính là các cha Gagelin (Tây Hoài Hoá), Odorico (Tây Hoài Hoa), và Taberd (Phú Hoài Nhân), trong J.-B., Vie de M. l’abbé Gagelin, missionnaire apostolique et martyr, Paris 1850, 236-241. Những trang này cũng cho biết rằng nhờ can thiệp của tổng trấn Gia Định mà ngày 29-6-1828, cha Gagelin và Odorico được trở về Gia Định.

99) Tức ngày 22-12-1832.

100) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục. Tập ba (bản dịch của Viện sử học). Hà Nội 2007, 415-416.

101) Quốc sử quán triều Nguyễn, sđd, 416.

102) X. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục. Tập năm (bản dịch của Viện sử học). Hà Nội 2007, 154.

103) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục. Tập bốn (bản dịch của Viện sử học). Hà Nội 2007, 837-839.

104) X. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục. Tập năm (bản dịch của Viện sử học). Hà Nội 2007, 312.

105) Tức ngày 5-5-1838.

106) Có lẽ là Đức cha Delgado Y, bị bắt ngày 28-5-1838, chết rũ tù tại Nam Định ngày 12-7-1838.

107) Tức Đức cha Henares Minh bị bắt ngày 9-6-1838, chịu tử đạo ngày 25-6-1838.

108) Tức Đức cha Hermosilla Liêm, bị bắt ngày 20-10-1861, chịu tử đạo ngày 1-11-1861.

109) Tức cha chính Fernandez Hiền, bị bắt ngày 18-6-1838, chịu tử đạo ngày 24-7-1838.

110) X. TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA I, Châu bản triều Nguyễn, tập 69, tờ 86.

111) Quốc sử quán triều Nguyễn, sđd, 313-314.

112) Tức ngày 31-5-1838.

113) Quốc sử quán triều Nguyễn, sđd, 313 cho biết tên vị này là Đặng Đình Viên, là người Tiên Chu, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên. Linh mục Giuse Đặng Đình Viên bị bắt ngày 1-8-1838, chịu tử đạo ngày 21-8-1838.

114) Tức ngày 28-5-1838.

115) Theo như miêu tả của bản tấu, người bị bắt dường như là Đức cha Delgado Y, bị bắt ngày 28-5-1838, chết rũ tù tại Nam Định ngày 12-7-1838.

116) X. TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA I, Châu bản triều Nguyễn, tập 70, tờ 68

117) Chức quan của Doãn Uẩn được ghi trong bản tấu là Quyền hộ Hưng Yên tuần phủ quan phòng, hình bộ hữu thị lang.

118) Tức ngày 13-6-1838.

119) Huyện Kim Hoa được đổi thành Kim Anh vào năm 1841, nay là Sóc Sơn, Hà Nội.

120) Quốc sử quán triều Nguyễn, sđd, 554 cho biết thông tin về Mai Văn Hiền chối đạo.

121) X. TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA I, Châu bản triều Nguyễn, tập 70, tờ 163.

122) A. Launay, Mgr Retord et le Tonkin catholique, Lyon 1893, 147.

123) Quốc sử quán triều Nguyễn, sđd, 347.

124) L.-E. Louvet, La Cochinchine religieuse. Tome II. Paris 1885, 250 cho biết rằng lệnh cấm đạo vào tháng 10-1859 được giữ rất kín, đến mức các thừa sai không sao lấy được một bản sao của lệnh này. Có lẽ lệnh này là một dạng mật dụ.

125) Nguyên văn bản chữ Hán dửu dân (莠民), trong đó chữ dửu có nghĩa là cỏ vực. Dửu dân là loại dân xấu xa ác hại, đối lập với lương dân (民) là dân hiền lành lương thiện. ĐNTL cho biết vào năm 1868, ba vị Giám mục có tên Giám mục Đông, Giám mục Hậu, Giám mục Bình xin Bộ Lễ sửa đổi cách gọi tả đạo dửu dân (左道莠民). Triều đình quyết định đổi cách gọi thành đạo dân (道民).

126) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục. Tập bảy (bản dịch của Viện sử học). Hà Nội 2007, 633.

127) Quốc sử quán triều Nguyễn, sđd, 608-609.

128) Từ “lời Chỉ” không có trong nguyên văn chữ Hán : “Hựu tiền phụng xử trí dửu dân …”

129) Đây có thể là ý kiến của nhiều người trong giới quan lại cao cấp triều Nguyễn. Sau này, vào lúc Pháp đánh Nam Kỳ, năm 1862, và những năm liền sau vụ biến kinh thành, ngày 4 và 5-7-1885, quan quân đã bao vây và thiêu sống hoặc chôn sống nhiều người công giáo ở Biên Hoà, Bà Rịa, Quảng Trị, Quảng Bình.

130) Quốc sử quán triều Nguyễn, sđd, 674.

131) Nguyên văn tiếng Pháp chrétiens, chúng con dịch thành dửu dân theo cách dùng từ thời vua Tự Đức.

132) L.-E. Louvet, sđd. Tome II. Paris 1885, 254.

133) Quốc sử quán triều Nguyễn, sđd, 725.

134) A. de Rhodes, sđd, 246-247.

135) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục. Tập bốn (bản dịch của Viện sử học). Hà Nội 2007, 837.

136) A. de Rhodes, sđd, 191-192.

137) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục. Tập ba (bản dịch của Viện sử học). Hà Nội 2007, 415-416.

138) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục. Tập năm (bản dịch của Viện sử học). Hà Nội 2007, 502.

139) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục. Tập sáu (bản dịch của Viện sử học). Hà Nội 2007, 997.

140) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục. Tập năm (bản dịch của Viện sử học). Hà Nội 2007, 503.

141) Quốc sử quán triều Nguyễn, sđd, 318-319.

142) X. Launay, sđd, 77.

143) X. Vermeil, Vie du vénérable serviteur de Dieu Pierr-Rose-Ursule-Dumoulin Borie, Paris 18462, 230-231.

144) Vermeil, sđd, 235.

145) Vermeil, sđd, 232.

146) Vermeil, sđd, 185.

147) A. Launay, sđd, 74.

148) X. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục. Tập bốn (bản dịch của Viện sử học). Hà Nội 2007, 232-236.

149) A. Launay, sđd, 92-93.

150) A. Launay, sđd, 383-384.

151) Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 8.