Sự phát triển của truyền thông Vatican sau khi đổi mới

Sự phát triển của truyền thông Vatican sau khi đổi mới

WHĐ (10.1.2018) – Theo thông cáo của Quốc vụ viện Truyền thông ra ngày 9 tháng Giêng, sau khi cải tổ ngành truyền thông, các trang mạng xã hội của Vatican –  gồm Facebook, Twitter, YouTube và Instagram – đã đạt được tổng cộng hơn 4 triệu người theo dõi (follower).

Những đổi mới về truyền thông của Vatican nằm trong bối cảnh cuộc cải tổ Giáo triều, do Đức Thánh Cha Phanxicô khởi xướng từ năm 2014 với việc thành lập Hội đồng Hồng y Tư vấn gồm 9 vị thuộc các châu lục.

Trong lĩnh vực truyền thông, đầu tiên, Đức Thánh Cha thành lập một Uỷ ban quốc tế do Lord Chris Patten đứng đầu để nghiên cứu hiện trạng và đưa ra các đề nghị.

Sau đó vào tháng Sáu 2015, Đức Thánh Cha thành lập Quốc vụ viện Truyền thông, bổ nhiệm Đức ông Dario Vigano làm Chủ tịch, với nhiệm vụ cải tổ ngành truyền thông của Vatican, đặt trọng tâm vào việc củng cố và gia tăng sự hiện diện của Giáo hội trong thế giới kỹ thuật số.

Quốc vụ viện Truyền thông giám sát tất cả các cơ quan truyền thông của Toà thánh, bao gồm Đài phát thanh Vatican,nhật báo LOsservatore Romano, Trung tâm Truyền hình Vatican, Phòng Báo chí Toà thánh, Hội đồng Toà thánh về Truyền thông Xã hội, Phòng Internet Toà thánh, Nhà in, Phòng Nhiếp ảnh và Nhà xuất bản Vatican.

Trong khoá họp gần đây nhất của Hội đồng Hồng y Tư vấn vào tháng Mười Hai 2017, Đức ông Vigano đã giới thiệu logo và thiết kế mới của trang web Vatican News, nhằm hợp nhất các trang tin tức và phát thanh trước đây của Toà thánh vào một trung tâm đa phương tiện mới, bao gồm văn bản, âm thanh, video và đồ họa, với 6 ngôn ngữ (Ý, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha).

Với việc hợp nhất các trang truyền thông xã hội, Toà thánh Vatican đã có thêm rất nhiều người theo dõi trong những tháng gần đây. Cụ thể, trang Facebook “Vatican News” có hơn 3 triệu người theo dõi; trang này được nhận diện với hình avatar là huy hiệu Vatican màu trắng với nền màu đỏ.

Trang Twitter với sáu phiên bản ngôn ngữ khác nhau được hợp nhất trong một trang Twitter mới: “@vaticannews”.Ngoài ra còn có thêm một tài khoản mới, “@radiovaticanaitalia”, để quảng bá và cung cấp thông tin về các hoạt động của Đài phát thanh Vatican và kênh Vatican News đa ngôn ngữ trên Instagram.

Kênh YouTube của Vatican, phát trực tuyến những hoạt động của Đức Thánh Cha, cũng được đặt lại tên mới “Vatican News” và mang logo mới.

Các trang mạng xã hội của Vatican News do Ban Biên tập của Quốc vụ viện Truyền thông và Ban Thần học-Mục vụ điều hành. Quốc vụ viện Truyền thông cũng phối hợp với Phủ Quốc vụ khanh Toà Thánh quản lý các tài khoản mạngxã hội của Đức giáo hoàng. Các tài khoản này có rất đông người theo dõi: trang Twitter @Pontifex có hơn 44 triệu người theo dõi trong 9 ngôn ngữ và trang Instagram @Franciscus có hơn 5 triệu người theo dõi.

Theo Đức ông Vigano, việc Toà thánh gia tăng sự hiện diện trên các mạng xã hội “là một trong những hệ quả của tiến trình cải tổ sâu rộng ngành truyền thông của Vatican hiện đang được hoàn tất”.

Đức ông cho biết, có được kết quả khả quan này phần lớn là nhờ “sự tham gia tích cực” của các phóng viên và đội ngũ nhân viên kỹ thuật.

Đức ông Vigano nói: “Là những người làm truyền thông chuyên nghiệp, theo lôgic của một Giáo hội hướng ra bên ngoài, tất cả chúng ta đều được kêu gọi hiện diện ở giữa mọi người”, và ngài giải thích rằng trong bối cảnh ngày nay, “điều đó có nghĩa là phải hiện diện trên các mạng xã hội và internet với niềm xác tín và tinh thần trách nhiệm”.

Đức ông Vigano nhận định: Đối với Vatican, viễn cảnh hẳn là rất sáng sủa, và đó phải là một viễn cảnh “đòi hỏi chúng ta tập chú vào con người, các mối tương quan, nền văn hoá gặp gỡ và, cuối cùng mới là công nghệ”.

 Minh Đức

Theo: WHĐ