Cổng Tả thành cổ Bắc Ninh xưa và nay
Nhân dịp kỷ niệm 162 năm một trăm vị đầu mục Bắc Ninh tử đạo tại cổng Tả thành cổ Bắc Ninh, Ban biên tập xin đăng lại bài viết này để mọi người cùng tìm hiểu:
Người viết bài này xin trình bày mấy vấn đề liên quan đến Cổng Tả thành cổ Bắc Ninh là nơi liền kề vị trí hai cái hố lớn từng chôn những chứng nhân đức tin của giáo phận là 100 vị Đầu Mục: Cổng Tả thành cổ Bắc Ninh ngày 04-4-1862 xưa. Đặc điểm vị trí Cổng Tả ngày nay và những câu chuyện li kỳ. Đôi nét về bối cảnh nơi quan Tổng đốc Nguyễn Văn Phong hành quyết 100 Đầu Mục dưới thời vua Tự Đức. Cảnh “ăn mừng” – “tiêu dao hưởng phúc Nước Trời, đêm đêm hiển hiện như người phục sinh” của 100 vị anh hùng tử đạo nơi Cổng Tả. Và cuối cùng kết thúc bằng mấy dòng suy tư về cái chết vì đức tin của các vị tử đạo của giáo phận.
- Cổng Tả thành cổ Bắc Ninh ngày 04-4-1862:
Nói đến sử liệu về Cổng Tả thành cổ Bắc Ninh là nơi đã từng liên quan đến cuộc tử đạo của 100 vị Đầu mục trong giáo phận Bắc Ninh, ta thấy sử sách cho biết rằng:
“Hình như lịch sử Hội Thánh đông-tây kim-cổ chưa hề có 100 giáo dân lãnh đạo các xứ họ chịu chết vì đức tin cùng một ngày như tại Bắc Ninh. Năm 1859 vua Tự Đức[1] ra lệnh tập trung những người đứng đầu các xứ họ để kiểm soát chặt chẽ các thành phần tích cực trong hàng ngũ người Công Giáo, đồng thời các xứ họ sẽ như rắn mất đầu. Lần lượt trong 3 đợt, hơn 100 vị đầu mục trong tỉnh Bắc Ninh lúc ấy bị giam tại thành Bắc Ninh. Trong đợt thứ 3 có cả một số quân nhân là người Công Giáo. Theo lời dụ dỗ và đe dọa, hoặc sau các lần tra tấn, một số đã bước qua Thánh Giá để được tha. Còn lại đúng 100 người đã bị Tổng đốc Nguyễn Văn Phong ra lệnh hành quyết khẩn cấp ngày 4/4/1862”[2].
Sơ đồ nền móng thành cổ Bắc Ninh
- Đặc điểm vị trí Cổng Tả ngày nay và những câu chuyện li kỳ:
Khi nói đến Cổng Tả của thành Bắc Ninh, thiết nghĩ ta cũng nên biết sơ lược về ngôi thành cổ đã từng liên quan đến các chứng nhân đức tin của giáo phận Bắc Ninh là 12 thánh tử đạo, đầu mục các xứ họ ở Bắc Ninh, đặc biệt là 100 Đầu Mục tử đạo. Các ngài từng bị giam cầm tra tấn một thời tại ngôi thành này. Thành có niên đại hình thành, vị trí địa lí, kiến trúc và dấu tích còn lại như sau:
– Niên đại hình thành: thành Bắc Ninh được xây dựng từ thời Vua Gia Long 1805. Thành Bắc Ninh là một ngôi thành cổ của Việt Nam và cũng là một trong 5 tòa thành[3] đẹp của vùng Bắc Kỳ. Thành từng là lỵ sở của trấn Kinh Bắc, thời nhà Nguyễn.
– Về vị trí: thành cổ Bắc Ninh thuộc phường Vệ An[4] ngày nay. Hiện nay Cửa Tiền của thành nằm cách cổng Tòa giám mục Bắc Ninh 300m về hướng tây bắc.
– Về kiến trúc: thành cổ Bắc Ninh mang kiểu kiến trúc Vô-băng (Vauban) – một kiểu kiến trúc quân sự cổ ở Pháp thời xưa. Thành được xây 6 cạnh đều nhau, sáu góc thành nhô ra ngoài, trên mỗi góc thành có một pháo đài. Lúc đầu, thành Bắc Ninh chỉ được đắp bằng đất, tới năm Minh Mạng thứ 6 (1824) thành đổi sang xây bằn đá ong[5] và cuối cùng xây bằng gạch[6] vào thời Thiệu Trị (1841). Thành có diện tích 545.000 m², có tường gạch bao quanh cao hơn 4m và dài hơn 2.000m[7]. Thành có hào nước rộng và sâu bao bọc xung quanh. Trong thành xây một cột cờ cao khoảng 20m. Thành Bắc Ninh lúc mới làm có 3 cửa: cửa trước, cửa sau và cửa bên phải. Khoảng 9 năm sau đó mới làm thêm cửa thứ tư vào bên trái. Sau này thành giữ nguyên 4 cửa[8]. Trên 4 cửa đều có 4 ngôi lầu. 4 cửa gồm: cửa Tiền phía Nam, cửa Hậu phía Bắc, cửa Tả phía Đông và cửa Hữu phía Tây. Mỗi cửa thành đều có xây cầu đi qua hào nước ra ngoài. Trong thành Bắc Ninh xưa có sắp xếp các bộ phận gồm Doanh trấn thủ, Đài gác vọng, Kho thuốc súng, nhà Công đồng, nhà giam…
– Dấu tích còn lại của thành cổ Bắc Ninh: là cổng Tiền, cổng Hậu, cổng Tả, ụ chân cột cờ xây bằng gạch cao khoảng 5 mét (trong thành, phía sau cửa Tiền), một phần bờ thành hai bên cửa Tiền (phía nam), xung quanh phần móng còn lại của thành là hào nước với chiều rộng khác nhau: 7m, 16m… Hai khẩu súng thần công đã được chuyển về Bảo tàng Bắc Ninh. Cổng Tả nằm ở phía Đông cách cổng nhà thờ Chính tòa Bắc Ninh hiện nay 700m.
Cổng Tả cũ kỹ luôn đóng.
Từ Cửa Tả trở ra đường Thiên Đức ngày nay ước tính chiều rộng khoảng trên 80m, bao gồm: phía trước Cửa Tả là hào nước, đến lối đi ra, đến tường gạch cao trên 2m, và đến một khu đất bằng nằm cạnh đường. Lối đi vào cửa thành cổ nay không đi được, vì có cây cỏ mọc um tùm và rào thép gai chặn ngang lối. Nay con đường Thiên Đức nằm dọc theo hai cạnh lục giác của thành cổ. Chiều dài một cạnh lục giác của thành cổ khoảng 400m. Khu đất xung quanh Cửa Tả nay phường Vệ An đang dùng làm Ủy ban phường, sân bóng đá, trường tiểu học và phần còn lại là nhà ở của dân cư.
Lối vào cổng Tả ngày nay
Ngày nay Cổng Tả luôn đóng. Người dân ở khu xung quanh cổng Tả kể lại những câu chuyện li kỳ đại ý rằng: “từ lâu đến giờ không ai dám mở cổng này, vì cứ mở cổng này ra là có nạn cháy. Tại sao cháy thì không ai giải thích được…, cổng này thiêng lắm…” Chẳng hạn, một ông cụ 70 tuổi đang sinh sống nơi đây kể rằng: “cửa Tả này thiêng lắm! Những người hữu trách ở đây không dám mở cửa Tả này, vì cứ mở cửa ra là có cháy, không cháy ở trong thì cháy ở ngoài, đời tôi ở đây đã chứng kiến 3 vụ cháy… Tôi không biết vì sao, nhiều người sống ở xung quanh đây thấy lạ mà cũng không giải thích được! Vv…” Đặc biệt, một cụ già khác là người ngoại giáo ở kề bên nhà thờ Chính tòa Bắc Ninh còn kể rằng: “có lần trong đêm, tôi dậy đi ra ngoài và thấy những đoàn người quần áo trắng toát. Họ đi theo hàng, tay cầm đèn sáng, họ đi từ Nhà thờ Bắc Ninh ra phía cổng thành cổ Bắc Ninh, họ vừa đi vừa đọc gì đó tôi nghe không rõ…” Tuy nhiên, người viết cũng chỉ nghe người dân đang sinh sống nơi đây kể những câu chuyện li kỳ trên như là dấu lạ vậy thôi, người viết không được chứng kiến, cũng không kiểm chứng được những câu chuyện này thực hư hay huyền bí thế nào!
Nay tìm tòi nơi sử sách của giáo phận mới biết rằng ngoài việc các vị thánh của giáo phận bị giam tù ở thành cổ vào những năm 1838 đến 1839 trước đó, thì giai đoạn tiếp theo vào tháng 12 năm 1859 các đầu mục của các xứ họ Công Giáo tại tỉnh Bắc Ninh bị quan Tổng đốc Ninh Thái là Nguyễn Văn Phong bắt về giam và tra tấn tại thành cổ Bắc Ninh liên tục trên 2 năm liền. Ở thành Bắc Ninh quan bắt các vị đầu mục phải bỏ đạo, bỏ đức tin bằng những hình thức như bước qua Thánh Giá, bước qua ảnh tượng Chúa, ảnh tượng Đức Mẹ hay các thánh vv… Trong suốt thời gian dài từ tháng 12 – 1859 đến 04-4-1862. Quan Tổng đốc Nguyễn Văn Phong đã ra lệnh tra tấn các Đầu Mục bằng nhiều cực hình dã man để bắt các ngài phải bỏ đạo, bỏ đức tin. Nhưng các Đầu Mục nhất quyết không “quá khóa”[9] để chối bỏ đạo, không chối bỏ đức tin. Đến chiều ngày mồng 4 tháng 4 năm 1862, quan quân lọc lấy 100 vị Đầu Mục và đem giết tại Cổng Tả này. Tròn 100 vị Đầu Mục đã đổ máu mình ra và chết trong sự tín thác vào Thiên Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, xin mở của Thiên Đàng cho chúng con lên với Chúa.”[10]
- Đôi nét về bối cảnh nơi quan Tổng đốc Ninh Thái là Nguyễn Văn Phong hành quyết 100 Đầu Mục ngày 4-4-1862:
Án chém đầu 100 vị Đầu Mục vì các ngài không chịu bỏ đạo: khi ấy 100 vị Đầu Mục Bắc Ninh bị quan Tổng đốc Ninh Thái[11] Nguyễn Văn Phong coi là “những kẻ cố chấp, không chịu bỏ tà đạo”[12]. Quan quân cho rằng các Đầu mục theo Đạo Công Giáo là theo “tà đạo” nên các quan họp nhau lại rồi ra lệnh chém đầu các ngài. Trong bản báo cáo về triều đình Tổng đốc Nguyễn văn Phong viết: “bản chức thừa lệnh Hội Đồng Đề Hình[13] quyết định chém đầu chúng.”[14]
Mốc thời gian và cách xử tử các Đầu Mục: bản tường trình của cha Salvador Masso khi ấy viết rằng: “ngày 4 hay 5 của tháng 4 năm ấy, khi mặt trời lặn, các quan ra lệnh dẫn họ đi chôn trong hai cái hố lớn đã đào sẵn cho việc này.”[15] Trong sử sách là cuốn Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh cũng cho biết: “chúng ta có thể chắc chắn các vị Đầu Mục thụ hình ngày mồng 6 tháng Ba năm Nhâm Tuất, tức 4-4-1862”[16]. Lúc đó “Quan Tổng trấn Nguyễn Văn Phong cho đào hai cái hố ở bên ngoài Cổng Tả thành Bắc Ninh, cho lính xô các vị tử đạo xuống, lấy phên tre phủ lên, rồi lấp đất. Hôm sau cho voi giày trên hố.”[17] Trong bài diễn ca Đội ơn Chúa Cả viết về 100 vị Đầu Mục từ số 45 đến số 50 cũng cho biết rằng:
“Đến năm Tự Đức mười lăm
Trạch ngày kéo bảng tới tuần đăng khoa
Giữa năm Nhâm Tuất tháng Ba
Chiều hôm Mồng Sáu điệu ra biên thành
Một dây Đầu Mục rành rành
Đều du xuống hố cực hình tự nhiên.”[18]vv…
Như vậy, căn cứ vào các nguồn sử liệu trên ta thấy rằng vào buổi chiều ngày 04-4-1862 quan Tổng đốc Nguyễn Văn Phong cho dẫn giải tất cả 100 Đầu Mục đến bên hai cái hố lớn để chém một thể, nhưng quân lý hình mới “đâm chém chừng 30 người”, ”chỉ có 5 hay 6 người bị chém đứt đầu”[19]. Lý hình khiếp đảm không dám chém tiếp nữa. Trước thảm cảnh đẫm máu đó, đám lý hình bị ghê tay và run sợ vì hành động dã man họ đang làm. Số Đầu mục khác nữa như vị tử đạo Hoàng Thế Nhẫn không bị đâm chém chi hết.[20] Khi ấy viên chánh án lệnh cho đám lý hình rằng: “đẩy chúng xuống hố.”[21] Đám lý hình liền “du” (đẩy) các Đầu Mục xuống hố chôn sống bằng cách lấy phên tre đậy lại và lấp đất lên trên. Sáng hôm sau cho voi giày tiếp. Tất cả các vị đã bị chém và chưa bị chém đều bị du (đẩy) xuống hai cái hố lớn và bị chôn sống. Đại đội trưởng Mẫu là người ngoại giáo làm chứng rằng: “Tôi biết rõ việc họ tới nơi thụ hình. Hôm sau, các hố chôn bị voi dùng chân giày cho bằng, để nếu ai còn sống sẽ chết mau hơn.”[22]
Có mấy lý do để suy biết vị trí của hai cái hố chôn 100 Đầu Mục ở rất gần với tường thành hai bên Cửa Tả:
Một: lúc ấy, vì tình hình an ninh bên ngoài thành Bắc Ninh không còn yên ổn: “ngày 24 tháng 3 năm 1862, dưới thời vua Tự Đức, giặc giã nổi lên trong nước, kéo đến bao vây thành này rất đông.”[23] Khi ấy “ông Nguyễn Văn Thịnh, thường được gọi là Cai Tổng Vàng nổi dậy chiếm Bắc Giang (cách Bắc Ninh 20 km về phía bắc), kéo quân đến uy hiếp thành Bắc Ninh.”[24] Tại trong thành, vì nghi ngờ các đầu mục trốn theo giặc nên các quan quân đề phòng canh giữ cẩn thận. Họ bắt “các tù nhân phải mang xiềng xích, gông cùm, hoặc bị trói vào những cây tre”. “Các quan đuổi những người đến giúp các tín hữu bị tù ra ngoài”[25] vì sợ những người đến giúp tín hữu đang bị giam làm nội ứng cho giặc từ phía trong thành.
Hai: có một chi tiết nữa là từ lời chứng của Tiểu đội trưởng Ất người ngoại giáo cho biết: “lúc ấy viên chánh án ngồi trên cao nói lớn: đây là phép nước. Phải truy lùng. Phải trừng trị, tiêu diệt chúng. Đẩy chúng xuống hố.”[26] Việc tai của tiểu đội trưởng Ất nghe được lời của viên chánh án gợi cho ta thấy vị trí viên chánh án ngồi ở nơi “trên cao” rất gần với hai cái lỗ chôn 100 Đầu Mục. Nơi “trên cao” này có thể là vọng gác trên cửa Tả? Hoặc trên mặt thành bên cạnh cửa Tả? Hay trên pháo đài ở góc thành chăng? Vả lại thời đó không có máy móc khuếch đại âm thanh, nên người ta chỉ có thể nói to hay hô to với âm thanh miệng của mình. Vì thế nếu vị trí viên chánh án ngồi là ở vọng gác, hoặc trên mặt thành, hay trên pháo đài ở góc thành mà nói lớn cho Tiểu đội trưởng Ất ở miệng “hai cái hố lớn” nghe được, thì khoảng cách hai cái hố lớn này cũng rất gần với hào nước bên tường thành.
Như vậy, xét về khu vực hai cái hố lớn nơi 100 Đầu Mục bị chôn sống ta biết rõ là “ở bên ngoài Cổng Tả thành Bắc Ninh.”[27] Còn chính xác vị trí của hai cái hố lớn đó thì chưa biết rõ ở chỗ nào, chưa tìm thấy sử sách nào đã ghi chép lại. Nhưng ta cầu nguyện và có quyền hy vọng sẽ tìm ra. Xin xem sơ đồ khu vực Cổng Tả dưới đây để có thể hiểu biết thêm về vị trí này.
- Cảnh “ăn mừng” “tiêu dao hưởng phúc Nước Trời, đêm đêm hiển hiện như người phục sinh” của 100 vị anh hùng tử đạo nơi Cổng Tả:
Trong Bài Diễn ca Đội ơn Chúa Cả viết về 100 Đầu Mục, từ câu 47 đến câu 59 có đoạn viết:
“Quý thay hồn đã thăng thiên
Trăm năm giấc mộng được an nghỉ rồi
Tiêu dao hưởng phúc Nước Trời
Đêm đêm hiển hiện như người phục sinh
Tay lần hạt, miệng đọc kinh
Đi đi lại lại trên dinh mặt thành
Quan quân hồn phách thất kinh
Lệnh truyền cho được khai hình xác lên
Một năm rưỡi xác vẫn nguyên.”[28]
Đúng như lời Kinh Thánh: “bọn ngu si coi họ như đã chết rồi; khi họ ra đi chúng cho là họ gặp phải điều vô phúc… chúng tưởng là họ bị tiêu diệt…” (Kn 3, 2-3). Nhưng khi “nhìn thấy người công chính, (thì) quân vô đạo khiếp đảm rụng rời. Chúng sững sờ kinh ngạc vì không ngờ họ lại được cứu thoát…” (Kn 5, 2). Trong đoạn thơ của Bài Diễn ca có nói đến mấy điểm của thành Bắc Ninh là trên “dinh” và trên “mặt thành”. Có thể hiểu “dinh” ở đây là khu nhà Hội Đồng Đề Hình[29] ở và làm việc, hay nói cách khác là khu nhà ở của quan chức cấp cao (dinh trấn thủ). “Mặt thành” là mặt trên của bức tường thành Bắc Ninh, hay cũng có nghĩa rộng hơn là trên nóc các nhà trong thành này. Sau khi bị chôn sống, các Đầu Mục đã chết dưới hai hố lớn đó, nhưng đêm đêm hình bóng các ngài lại hiển hiện như người sống lại và đi đi lại lại trên dinh trên mặt thành Bắc Ninh. Về điều này, trong niềm tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh, với cách nói bình dân ta có thể nói đây là sự “ăn mừng” của 100 Đầu Mục vì được chết vì Chúa. Các ngài đã được “hưởng phúc Nước Trời” nên các ngài “ăn mừng” như vậy. Có lẽ sự đêm đêm hiển hiện của các ngài cũng là một niềm an ủi cho các tín hữu trong cơn bách hại thời đó nhiều. Sự hiển hiện này cũng còn như là một cách lên án tội ác vua quan đã gây ra cho tín hữu thời đó chăng? Nếu các Đầu Mục suốt “một năm rưỡi” cứ “đêm đêm hiển hiện như người phục sinh” trong màu quần áo trắng toát, và “đi đi lại lại trên dinh mặt thành…” mãi như vậy thì các quan sợ hãi đến “hồn phách thất kinh” là điều khó tránh khỏi.
Sau đó, cũng trong năm 1862 vua Tự Đức tuyên bố ngưng việc bách hại đạo Công Giáo[30]. Một năm rưỡi sau thì thi hài 100 Đầu Mục được trả lại cho người Công Giáo Bắc Ninh. Giáo dân đến cải táng và đem thi hài các Đầu Mục về nhà thờ Xuân Hòa để cộng đoàn dâng lễ tạ ơn. Sau đó thi hài các ngài được đem về an táng trong các nhà thờ xứ, họ, nơi quê quán các ngài[31].
- Tạm kết bằng đôi dòng suy tư:
Ta không biết rõ các vị Đầu mục đã được học hỏi về Đạo Chúa thế nào. Nhưng có thể hình dung rằng: việc học hỏi về Giáo lý, về Đạo Chúa dưới thời các ngài đang sống còn bị nhiều hạn chế, bị nhiều khó khăn vì thời cuộc cấm cách bách hại. Vậy mà các ngài đã sẵn sàng đổ máu đào chết vì Chúa vì đức tin một cách can trường “có một không hai” tại Cổng Tả thành cổ Bắc Ninh này. Việc lựa chon chết vì Chúa vì đức tin của các ngài quả là điều tuyệt vời ngoài sức tưởng tượng của con người hôm nay. Đáp lại tình yêu Chúa lúc đó các ngài đã xem cái chết chẳng đáng gì. Sử sách từng ca ngợi cái chết anh dũng của 100 Đầu Mục: “Tấm kình lặn, cánh hồng bay.[32] Sóng cồn chẳng sợ, gió lay chẳng sờn.”[33] Bàn tay Chúa dẫn đưa giáo phận Bắc Ninh cách lạ lùng: vua Tự Đức hay quan Tổng đốc Nguyễn văn Phong cũng như nhà Nguyễn không còn nữa, mà giáo phận vẫn mạnh mẽ và vươn lên. Từ những hạt giống đức tin ban đầu là 12 vị thánh, tiếp đến tại Cổng Tả ngày 04/4/1862 lại có thêm 100 vị Đầu Mục tử đạo cách anh hùng nữa. Đây thật là một đại hồng ân Thiên Chúa ban cho giáo phận Bắc Ninh. Các ngài là những bậc tổ tiên của chúng ta đã sống đức tin và hy sinh tính mạng vì Chúa. Các ngài đã nêu những tấm gương đức tin sáng ngời cho con cháu noi theo. Chính các ngài đã góp phần xây dựng giáo phận Bắc Ninh bằng lòng trung tín mà các ngài đã dành cho Chúa Kitô cách triệt để, không chút tì ố. Dòng lịch sử giáo phận Bắc Ninh được 12 vị thánh và 100 Đầu Mục viết bằng những dòng mực đẫm máu của các ngài chắc chắn sẽ sinh hoa kết quả gấp trăm trên mảnh đất thân yêu này. “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống. Mùa gặt mai sau khấp khởi mừng” (Tv 125)./.
Xin các vị tử đạo của giáo phận Bắc Ninh cầu cho chúng con. Amen.
[1] Trong Nhà Nguyễn, Tự Đức (1847-1883) là ông vua ra nhiều lệnh cấm Đạo Công Giáo nhất. Nếu tính số Sắc lệnh bắt đạo Công Giáo và những chỉ thị liên quan đến việc bách hại đạo, thì ông đã ký tới 13 Sắc lệnh vào những năm: 1848, 1851, 1855, riêng trong 1857: 4 Sắc lệnh; 1859: 3 Sắc lệnh; 1860: 4 Sắc lệnh; và kế hoạch phân sáp 1861. Nhiều lệnh như thế minh chứng ý chí nhà vua muốn tận diệt đạo Thiên Chúa bằng mọi giá, và ông tận diệt suốt trong 30 năm chấp chính của mình. Chúng ta sẽ thấy nội dung những Sắc lệnh đó khủng khiếp tới mức nào: Ðạo Công Giáo được định nghĩa không những như một “Tả Ðạo”, tệ hơn nữa, còn như một tôn giáo xấu xa “một dịch tễ” (Sắc lệnh 7/06/1857).
+ Tóm tắt nội dung của các sắc lệnh cho các giới:
– Lệnh cho các xã ủy, cai tổng: Ai không tuân theo sẽ bị cách chức (Sắc lệnh 7/06/1857). Lệnh cho Triều đình và các quan địa phương (Sắc lệnh 24/08/1857): Phải bắt tất cả các tầng lớp Công Giáo. Hết mọi thanh niên trên 15 tuổi phải trình diện thường xuyên theo thời gian nhất định (Lệnh 17/01/1860). Người Công Giáo, dù học giỏi, có khả năng, cũng không được bổ nhiệm giữ chức vụ nào (Sắc lệnh 18/09/1855). Ðặc biệt giới ngư phủ: vì họ luôn luôn di chuyển và thường là chỗ ẩn náu cho các đạo trưởng (Sắc lệnh 18/09/1855). Những người chứa chấp đạo trưởng sẽ bị phân thây và buông sông (Sắc lệnh 30/03/1851). Giáo dân không chịu đạp lên Thánh Giá sẽ bị khắc hai chữ “Tả Ðạo” trên mặt và đi đầy biệt xứ (Sắc lệnh 18/09/1855). Ai cố chấp xưng đạo: đàn ông sẽ bị cưỡng bách tòng quân, đàn bà bị tuyển làm nội trợ cho các quan (Sắc lệnh 7/06/1857). Bắt các thành phần trong Hội đồng giáo xứ (Sắc lệnh tháng 10/1859).
– Giới Binh sĩ Công Giáo: không đạp ảnh Thánh Giá sẽ bị giải ngũ, bị khắc hai chữ Tả Ðạo và bị đầy chung thân (Sắc lệnh Tháng 12/1859).
– Giới Quan lại Công Giáo: cả những ai đã chối đạo cũng bị cất chức. Những ai trung kiên sẽ bị trảm quyết (Sắc lệnh 15/12/1859).
– Các Nữ tu: không được cấp giấy thông hành để di chuyển ngoài địa phương mình đang ở, vì họ là những liên lạc viên đắc lực. Ai không tuân lệnh sẽ bị: tù chung thân, hay làm nội trợ cho các quan (Sắc lệnh 17/01/1860 và Sắc lệnh tháng 7/1860).
– Các Linh mục: linh mục Việt Nam đạp Thánh Giá hay không đều bị phân thây để nêu gương. Linh mục ngoại quốc bị trảm quyết, đầu phải treo luôn trong 3 ngày, rồi buông sông hay ném xuống biển (Sắc lệnh 15/09/1855).
– Các cơ sở Công Giáo (nhà thờ, nhà xứ, tu viện, nhà trường) bị đốt phá và tiêu hủy (Sắc lệnh 18/09/1855 và Sắc lệnh 8/12/1857). Nhất là cơ sở tại Vĩnh Trị: phải bình địa hóa triệt để (Sắc lệnh 1/12/1857).
+ Những khổ hình dã man trong kế hoạch phân sáp (1861) gồm 5 khoản: Khoản 1 – Hết mọi người theo đạo Thiên Chúa, bất cứ nam nữ, giầu nghèo, già trẻ đều bị phân tán vào các làng bên lương. Khoản 2 – Tất cả các làng bên lương có trách nhiệm canh gác những tín hữu Công Giáo: cứ năm người lương canh gác một người Công Giáo. Khoản 3 – Tất cả các làng Công Giáo sẽ bị phá bình địa và tiêu hủy. Ruộng đất, vườn cây, nhà cửa sẽ bị chia cho các làng bên lương lân cận, và các làng bên lương này có nhiệm vụ phải nộp thuế hằng năm cho Nhà Nước. Khoản 4 – Phân tán nam giới đi một tỉnh, nữ giới đi một tỉnh khác, để không còn cơ hội gặp nhau, con cái thì chia cho những gia đình bên lương nào muốn nhận nuôi. Khoản 5 – Trước khi phân tán, tất cả giáo dân nam nữ và trẻ con đều bị khắc trên má trái hai chữ “Tả Ðạo” và trên má bên phải tên tổng, huyện, nơi bị giam giữ, như thế không còn cách nào trốn thoát.
+ Người ta ước tính chỉ dưới thời các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức, chừng trên 40,000 tín hữu bị xử tử, chết trong lao tù hay chết thảm trong các cuộc phân sáp. Các lệnh cấm và các kế hoạch bách hại đạo Công Giáo rất độc ác thâm hiểm, nhằm tiêu diệt Giáo hội Việt Nam tận gốc rễ.
[2] Tòa Giám Mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, tr 61.
[3] 5 tòa thành: Hoàng thành Thăng Long tại Hà Nội (kéo dài từ tk VII-XIX). Thành nhà Hồ tại tỉnh Thanh Hóa (1397). Thành cổ Bắc Ninh (1805). Thành cổ Quảng Trị tại trung tâm thị xã Quảng Trị (1837). Thành cổ Sơn Tây tại thị xã Sơn Tây (1822).
[4] Khi xưa vua Gia Long cho xây dựng thành Bắc Ninh tại chỗ giáp giới của 3 xã thuộc 3 huyện thời bấy giờ là: Đỗ Xá (nay thuộc huyện Võ Giàng) làng Lỗi Đình (nay thuộc Hòa Đinh, huyện Tiên Du) và làng Khúc Toại (nay thuộc Yên Xá huyện Yên Phong.
[5] đá ong lấy ở Hiệp Hòa, Bắc Giang.
[6] gạch nung ở Quả Cảm.
[7] Hiện nay, nếu đi vòng quanh thành cổ Bắc Ninh trên những con đường Thiên Đức, đường Thành cổ và đường Nguyễn Du thì đo được chu vi là 2,5 km.
[8] Tại sao thành có 6 cạnh mà chỉ mở 4 cửa? Có những giải thích rằng do ảnh hưởng thuyết phong thủy nên vua chúa thời đó chỉ mở 4 cửa.
[9] Tức là bước qua Thánh giá.
[10] Hoàng Văn Đạt, SJ, Tư liệu liên quan đến vị tử đạo Hoàng Thế Nhẫn, tr 15.
[11] Ninh Thái xưa là tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Thái Nguyên ngày nay
[12] Hoàng Văn Đạt, SJ, Tư liệu liên quan đến vị tử đạo Hoàng Thế Nhẫn, tr 5.
[13] Hội Đồng Đề Hình gồm: quan Tổng Đốc, quan Bố Chính (quan phụ trách quân sự), quan Án Sát (quan phụ trách xử án) và các phụ tá.
[14] Hoàng Văn Đạt, SJ, Tư liệu liên quan đến vị tử đạo Hoàng Thế Nhẫn, tr 5.
[15] Tòa giám mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, tr 72.
[16] Tòa giám mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, tr 72
[17] Hoàng Văn Đạt, SJ, Tư liệu liên quan đến vị tử đạo Hoàng Thế Nhẫn, tr 33.
[18] Hoàng Văn Đạt, SJ, Tư liệu liên quan đến vị tử đạo Hoàng Thế Nhẫn, tr 33.
[19] Hoàng Văn Đạt, SJ, Tư liệu liên quan đến vị tử đạo Hoàng Thế Nhẫn, tr 14.
[20] X. Hoàng Văn Đạt, SJ, Tư liệu liên quan đến vị tử đạo Hoàng Thế Nhẫn, tr 24…
[21] Hoàng Văn Đạt, SJ, Tư liệu liên quan đến vị tử đạo Hoàng Thế Nhẫn, tr 14. Hoặc có thể xem thêm trong cuốn Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, tr 72.
[22] Hoàng Văn Đạt, SJ, Tư liệu liên quan đến vị tử đạo Hoàng Thế Nhẫn, tr 9.
[23] Hoàng Văn Đạt, SJ, Tư liệu liên quan đến vị tử đạo Hoàng Thế Nhẫn, tr 14.
[24] Tòa Giám Mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, tr 71.
[25] Tòa Giám Mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, tr 71
[26] Tòa Giám Mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, tr 72.
[27] Hoàng Văn Đạt, SJ, Tư liệu liên quan đến vị tử đạo Hoàng Thế Nhẫn, tr 33.
[28] Hoàng Văn Đạt, SJ, Tư liệu liên quan đến vị tử đạo Hoàng Thế Nhẫn, tr 33 – 34.
[29] Hội Đồng Đề Hình: quan Tổng Đốc, quan Bố Chính (quan phụ trách quân sự), quan Án Sát (quan phụ trách xử án) và các phụ tá. Có thể hiểu rộng ra là cả khu thành trì Bắc Ninh thời ấy.
[30] X. ĐÀO TRUNG HIỆU, OP, Hành Trình Ân Phúc, Chân Lý 2013, tr,126.
[31] X. Hoàng Văn Đạt, SJ, Tư liệu liên quan đến vị tử đạo Hoàng Thế Nhẫn, tr 34.
[32] Giải thích điển ngữ và ý nghĩa trong câu thơ: “Tấm kình lặn, cánh hồng bay. Sóng cồn chẳng sợ, gió lay chẳng sờn.”:
-“Tấm kình lặn-sóng cồn chẳng sợ”: “Kình” là tên gọi cổ xưa của loài cá voi. Tấm kình lặn chẳng sợ sóng cồn ở đây ý nói đến con cá voi là loài cá có sức mạnh phi thường trên biển cả, chẳng sợ gì sóng to gió lớn. Cũng có thể hiểu thông điệp mà tác giả gửi đến qua câu thơ rằng: mặc dù các Đầu mục biết mình theo đạo Chúa sẽ bị vua quan giết chết, nhưng các ngài tin tưởng vào Chúa chẳng sợ hãi gì, coi cái chết chẳng thấm vào đâu, ví như sóng cồn của biển cả chắng xá chi với sức mạnh của cá voi.
-“Cánh hồng bay-gió lay chẳng sờn”: Trước hết về “cánh hồng”: chim Hồng hay chim Lạc Hồng là loài chim lớn và có sức bay rất mạnh mẽ trong gió bão. (Hoặc chim Hồng Bàng được văn hóa dân gian coi như linh vật). Ở đây theo cách nói ví von, tác giả bài diễn ca Đội Ơn Chúa Cả đã mượn cách bay nhẹ nhàng chẳng chút lo sợ từ đôi cánh của con chim hồng bay trong bão tố để diễn tả các Đầu mục đã thể hiện ý chí mạnh mẽ kiêu hùng hiên ngang và thanh thản trước cái chết vì đức tin vào Chúa của các ngài khi xưa. Cách diễn tả này giống như cách nói ta thường gặp: “coi cái chết nhẹ tựa cánh hồng” vậy.
[33] Hoàng Văn Đạt, SJ, Tư liệu liên quan đến vị tử đạo Hoàng Thế Nhẫn, tr 32.
Lâm Văn Trung