Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa: Bài 1 – Cử hành Thánh lễ

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
ỦY BAN PHỤNG TỰ
liturgy@cbc-vietnam.org

– Để áp dụng Tông thư Desiderio Desideravi (DD) của Đức Thánh Cha Phanxicô;

– Để tuân thủ quy luật phụng tự và kỷ luật các Bí tích, đồng thời thể hiện tính duy nhất trong cử hành phụng vụ;

Ủy ban Phụng tự phổ biến
đề tài hướng dẫn đầu tiên của chương trình

ĐÀO TẠO PHỤNG VỤ CHO DÂN CHÚA:

Bài 1: CỬ HÀNH THÁNH LỄ

Nghi thức Thực hành
 

TỔNG QUÁT

– Giữ luật chữ đỏ.

– Phải dùng bản văn Nghi thức Thánh Lễ năm 2005, đã được Tòa Thánh phê chuẩn.

– Không tự ý thêm bớt trong bản văn phụng tự; không tùy tiện và thay đổi trình tự nghi thức; không xâm phạm tính thánh thiêng của Cung Thánh với những trang trí tầm thường hoặc lòe loẹt, không bài trí như một sân khấu đời thường mang tính phô diễn.

Động tác Cử chỉ và điệu bộ của linh mục, phó tế, các thừa tác viên cũng như của dân chúng, phải được thể hiện sao cho toàn thể cuộc cử hành mang vẻ đẹp đơn sơ trang nhã, giúp thấy rõ ý nghĩa xác thực và đầy đủ của những phần khác nhau, đồng thời cũng cổ võ sự tham dự của mọi người (Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [QCSL], 42)

– Không đọc nhanh cũng không quá chậm

– Phân biệt các động tác: cúi đầu – cúi mình – cúi mình sâu (theo chữ đỏ)

– Dang tay không rộng quá, cũng không cao quá hoặc thấp quá

NGHI THỨC NHẬP LỄ
Cuộc rước nhập lễ

 

 

– Đang khi đoàn rước tiến vào thánh đường thì hát ca nhập lễ (QCSL 47). Việc đánh trống hay trình tấu bằng kèn phải được thực hiện trước khi Nhập lễ. Đoàn rước không di chuyển khi đang diễn tấu. (Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc, 47). Theo đó:

* Trống, trắc không chuyển tải được lời, nên chỉ sử dụng khi tập họp cộng đoàn, trước khi đi rước.

* Kèn thổi khi đường rước xa, nhưng phải ngưng khi đoàn rước tiến tới cửa nhà thờ và phải thổi theo bài thánh ca được chuẩn nhận.

Rước sách Tin Mừng – Sách Tin Mừng, chứ không phải sách Bài đọc.

– Thừa tác viên chính là phó tế

– Nếu không có phó tế, một linh mục trong đoàn đồng tế hoặc người đã lãnh tác vụ đọc sách cầm sách Tin Mừng

– Nếu không thì đặt sẵn sách Tin Mừng trên bàn thờ (x. QCSL, 120)

Xông hương Trong một Thánh Lễ, chỉ thực hiện theo một trong hai cách thức:

A. Theo cách Á Đông: xá nhang hoặc đốt hương trong lư trước khi hôn kính bàn thờ

B. Xông hương theo truyền thống Âu Tây

 

Có ba dạng xông hương: xông thẳng – xông ba hướng – xông liên tục.

– Động tác cho mỗi lần xông thẳng: nâng cao bình hương – dừng – lắc bình hương hai nhịp – hạ bình hương xuống một chút (không phải vừa đưa lên vừa lắc và không bao giờ lắc ba nhịp).

– Xông ba hướng: lắc bình hương hai nhịp ở giữa – bên trái – bên phải.

 

Trong Thánh Lễ:

– Chủ tế xông hương bàn thờ và Thánh Giá sau khi hôn kính bàn thờ (Nghi Thức Thánh Lễ – NTTL 1; QCSL 123)

– Bàn thờ: lắc bình hương liên tục quanh bàn thờ

– Lễ vật: xông ba lần (giữa 2 lắc – trái 2 lắc – phải 2 lắc), có thể xông theo hình thánh giá

– Thánh Thể, Thánh Giá, ảnh Chúa, nến Phục sinh, chủ tế: xông thẳng ba lần (QCSL 277)

– Sách Tin Mừng, lễ vật, các vị đồng tế, cộng đoàn: xông ba lần (giữa 2 lắc – trái 2 lắc – phải 2 lắc)

– Thánh tích, ảnh tượng: xông thẳng hai lần

– Lúc chuẩn bị lễ vật: sau khi chủ tế xông hương lễ vật, bàn thờ và Thánh Giá, thừa tác viên xông riêng chủ tế, sau đó xông chung các giám mục và linh mục đồng tế, cuối cùng xông chung cộng đoàn giáo dân.

– Thứ tự: xông riêng chủ tế, sau đó xông chung các giám mục và linh mục đồng tế, cuối cùng xông chung cộng đoàn giáo dân.

Nghi thức Nhập lễ – Linh mục đứng tại ghế chủ tọa, trừ trường hợp bất khả thi (x. Nghi thức Thánh lễ [NTTL] 1; QCSL 50).
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
Công bố Lời Chúa – Chỉ đặt một bục đọc Lời Chúa, đây cũng là giảng đài và nơi đọc Lời nguyện cộng đoàn (x. 71; 138).

– Trong Phụng vụ Lời Chúa, chính Chúa nói và cộng đoàn lắng nghe, cộng đoàn không đọc chung các bài Sách Thánh và Tin Mừng.

– Các thừa tác viên đọc sách: nam mặc áo Alba hoặc âu phục có mang cà-vạt, nữ mặc áo dài màu trắng (x. 335-336).

– Trong lễ có cử hành Bí tích Hôn nhân, cô dâu chú rể không đọc Sách Thánh; và trong thánh lễ An táng, thân nhân người quá cố cũng không đọc Sách Thánh, trừ phi không còn ai khác thi hành nhiệm vụ này (x. Hiến chế Phụng vụ thánh 32; NTTL 10; Hội đồng Giáo Hoàng về Gia đình, Chuẩn bị Bí tích Hôn nhân 68).

– Không được để cô dâu chú rể cùng đứng bên nhau khi đọc sách để chụp hình.

Thánh vịnh Đáp ca – Việc đọc/hát thánh vịnh là nhiệm vụ của người xướng/hát thánh vịnh (psalmista) hoặc của thừa tác viên đọc sách (lector) (QCSL số 61, 129). Họ sẽ đọc hoặc hát Thánh vịnh Đáp ca tại bục đọc sách – không đọc tại nơi ca đoàn.
Giảng lễ

 

– Thông thường, chính linh mục chủ tế, hoặc một vị đồng tế, hoặc phó tế sẽ giảng lễ.

– Không được để giáo dân giảng lễ.

– Phải giảng vào các ngày Chúa nhật và lễ buộc; nên giảng trong lễ các ngày thường mùa Vọng, mùa Chay và mùa Phục sinh, và trong các lễ khác cũng như các dịp có khá đông người tới nhà thờ (x. 65-66).

– Sau bài giảng, nên giữ thinh lặng một khoảng thời gian ngắn (x. QCSL 136, 56, 66).

– Người giảng lễ không được rời giảng đài; không ca hát, hỏi đáp, tặng quà… (những việc này dành cho lúc dạy giáo lý, giảng phòng, tĩnh tâm…).

Tuyên xưng đức tin – Khi phải đọc kinh Tin Kính, chỉ được đọc hoặc hát một trong hai lời tuyên xưng Nicêa và của các Tông đồ (x. NTTL 18-19).

– Không được thay thế bằng bất cứ bài hát nào khác, kể cả bằng những mẫu tuyên xưng trong nghi thức các bí tích khác.

Lời nguyện cộng đoàn

(Lời nguyện tín hữu/Lời nguyện chung)

– Phải đọc trong các Lễ Trọng, Lễ Chúa nhật, Lễ Thêm sức, Lễ Hôn phối, Lễ An táng.

– Các ý nguyện được đọc tại giảng đài hoặc một nơi thích hợp, do phó tế, một ca viên, một thừa tác viên đọc sách, hoặc một tín hữu giáo dân.

– Những ý nguyện phải giản dị, vắn tắt, tự nhiên và thận trọng, diễn tả ý nguyện của toàn thể cộng đoàn (x. QCSL 71).

PHỤNG VỤ THÁNH THỂ – Bàn thờ để trống suốt phần Nhập lễ và Phụng vụ Lời Chúa
Chuẩn bị lễ vật – Không được để sẵn trên bàn thờ từ đầu lễ: chén thánh, rượu nước, bình đựng bánh lễ, sách lễ, khăn thánh (trừ khi phải sử dụng khăn thánh có kích thước lớn).
Kinh nguyện Thánh Thể – Không được tự tiện thay đổi hoặc thêm bớt bất cứ lời nào trong Kinh nguyện Thánh Thể. (Hc. PV 22; QCSL 24)

– Cộng đoàn quỳ từ sau lời tung hô Thánh Thánh Thánh đến hết vinh tụng ca Chính nhờ Người.

Truyền phép – Các công thức truyền phép phải đọc rõ ràng và lớn tiếng (chữ đỏ)
Chúc bình an – Sau lời “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”, chủ tế thinh lặng chào chúc bình an các vị đồng tế, phó tế, hoặc thừa tác viên đứng gần; các vị đồng tế hay thừa tác viên khác đứng gần nhau cũng làm như thế. Giáo dân ở các hàng ghế hai bên cũng quay vào giữa chào chúc bình an cho nhau (x. QCSL 82).
KẾT LỄ – Chỉ đọc câu “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an” trong khi chờ bản dịch mới cho các công thức khác.

WHĐ (16.08.2023)

Nguồn: WHĐGMVN