Lược sử họ nhà xứ Đồng Nhân

 

1. Thông tin cơ bản

Địa chỉ: Đồng Nhân, Hòa Tiến, Yên Phong, Bắc Ninh.

Năm thành lập: Theo truyền thống để lại, lịch sử hình thành giáo xứ Đồng Nhân tới nay là khoảng 200 năm.

Bổn mạng: Thánh Giuse thợ (01/5).

Giáo dân: Đồng Nhân có chừng hơn 350 nhân danh, chiếm khoảng 5% trong tổng số gần 7.500 nhân khẩu trên địa bàn xã Hòa Tiến. Giáo dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, lao động tại nhà máy, buôn bán nhỏ lẻ và lao động tự do khác.

Dòng tu, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Mân Côi, hội Trưởng gia đình, phong trào Thiếu nhi Thánh Thể.

Nhà thờ: Nhà thờ được xây dựng vào năm Bính Dần – 1926, chiều dài 23m, rộng 10m và có 7 gian. Đây là công trình có kiến trúc cổ, toàn bộ khung làm bằng gỗ, mái lợp ngói nung, không có tháp chuông, tường phía đầu và cuối nhà thờ xây cao vượt mái, trang trí bằng bút tháp và đắp hoa văn. Đến năm 2012, giáo xứ tiến hành đại tu ngôi thánh đường. Có thể nói, nhà thờ Đồng Nhân là một trong những công trình cổ kính của Giáo phận miền quan họ.

Các giáo họ trực thuộc: giáo họ Nguyệt Cầu

2. Lịch sử hình thành và phát triển

Theo như lời kể của các vị cao niên trong giáo xứ họ: Cách đây gần 200 năm, một số người dân sống bằng nghề chài lưới trên sông Cầu theo đuôi cá vào nhánh sông Cà Lồ, rồi “đất lành chim đậu”, tụ tập lên bờ và hình thành xóm chài Đồng Mái (tức Đồng Nhân ngày nay). Đây là những hạt nhân Tin Mừng đầu tiên làm nảy mầm đức tin nơi mảnh đất Trung Nghĩa – Đồng Nhân.

Nhiều người vẫn quen gọi Đồng Nhân là Trung Nghĩa, hay gọi cả tên xứ này là Đồng Nhân – Trung Nghĩa. Tên gọi giáo xứ Đồng Nhân hiện nay trở nên phổ biến hơn trong giáo phận. Còn tên Trung Nghĩa thường được “ôn cố” để nhớ về cái thời xứ này còn hưng thịnh và nhộn  nhịp. Bởi sau biến cố 1954, đa phần giáo dân di cư vào nam, xứ Trung Nghĩa gần như bị xóa sổ, đời sống đức tin bị sụt giảm, chỉ còn lại dấu tích của nhà thờ.  

Ngược dòng lịch sử, những năm 1932 – 1933, chính Đức Cha Chỉnh đã đưa họ Đồng Nhân vào xứ Trung Nghĩa. Giai đoạn 1933 – 1945, khi ấy, Trung Nghĩa còn là một giáo xứ lớn và sầm uất. Địa bàn giáo xứ chạy dọc theo hữu ngạn của sông Cầu và nhánh sông Cà Lồ. Năm 1952, Đức Cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn chính thức thiết lập xứ Đồng Nhân (giáo xứ Đồng Nhân là chuyển tiếp từ giáo xứ Trung Nghĩa cũ). Từ đây, Đồng Nhân có cha Vicentê Đỗ Bạt Thái, quê ở Sen Hồ làm cha chính xứ. Sau biến cố lịch sử năm 1954, theo sự dẫn dắt của cha Vicentê Thái, hầu hết giáo dân của xứ Đồng Nhân di cư vào miền Nam, định cư ở Thủ Đức cho đến ngày nay. Số giáo dân ở lại của xứ Trung Nghĩa cũ và Đồng Nhân chỉ còn sáu gia đình, tập trung về Đồng Nhân. Thế nhưng, sáu gia đình này vẫn tiếp tục kiên trì xây dựng cuộc sống và giữ vững Đức Tin, dù bối cảnh xã hội lúc bấy giờ hết sức ngặt nghèo.

 Từ năm 1955 đến 1960, một số hộ có đạo ở các nơi khác đến sinh sống tại Đồng Nhân, lập nên họ đạo Đồng Nhân như ngày nay (bởi thế Đồng Nhân đa họ). Ngôi nhà thờ của giáo xứ lại có tiếng cầu kinh hằng ngày. Vào các dịp lễ lớn, giáo dân đi bộ về tòa giám mục Bắc Ninh dự lễ. Hay khi nghe tin có cha già Tất, cha già Cầm về làm lễ ở xứ Nội Bài, bà con giáo dân lại nô nức đi dự lễ và lĩnh nhận các nhiệm tích (hôn phối, xưng tội, rước lễ). Sau này, giáo xứ được cha chính Đaminh Đinh Huy Quảng lo liệu, coi sóc. để cùng tiếp tục trổ sinh hoa trái trong cánh đồng truyền giáo của Giáo phận. Hiện Đồng Nhân có khoảng 475 nhân danh, sinh hoạt tại 2 giáo họ là họ nhà xứ Đồng Nhân (350 nhân danh) và  họ Nguyệt Cầu (hơn 100 nhân danh).

3. Đời sống đức tin

Giáo xứ Đồng Nhân hiện nay có cha xứ phụ trách lo liệu các công việc mục vụ và tổ chức; đặc biệt, mỗi tuần có hai Thánh Lễ. Các hội đoàn được duy trì và sinh hoạt đều đặn như huynh đoàn Đaminh giáo dân, hội Mân Côi, hội Trưởng Gia đình, Thiếu Nhi Thánh Thể, ca đoàn và đoàn hoa. Cha xứ thường mở các lớp giáo lý cho thiếu nhi vào các dịp hè, lớp giáo lý hôn nhân cho các thanh niên nam nữ đến tuổi trưởng thành, và duy trì ngày ba buổi cầu nguyện tại nhà thờ. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, ngày nay, đời sống đức tin giáo xứ Đồng Nhân ngày càng thăng tiến hơn, để vun trồng hạt giống Tin Mừng trên cánh đồng truyền giáo của Giáo phận.

BTT giáo phận