Cha Phêrô Vêrôna, người kể chuyện
Cha Phêrô Vêrôna Chu Quang Tòng là một linh mục cao niên của giáo phận Bắc Ninh, dày công đức phục vụ dân Chúa giáo phận Bắc Ninh. Ngài được truyền chức để phục vụ giáo phận trong thời kỳ rất khó khăn do bối cảnh xã hội, sau khi đã “bị tù đày 14 năm chỉ vì đi tu”.
Vì sau năm 1954, giáo phận chỉ còn hơn 30 ngàn giáo dân với số linh mục là 14, nhưng có đến 12 vị cao tuổi[1]. Các nhà thờ thì bị phá hủy nhiều do chiến tranh và “tiêu thổ kháng chiến”. Nên bầu khí sống đạo của người Công giáo tiêu điều và ngột ngạt khó thở: “nhiều nhà thờ im tiếng chuông, vắng bóng con chiên ra vào thờ phượng. Các làng Công Giáo vắng vẻ”[2], “không còn dòng tu, không còn chủng viện. Tất cả trở nên tiêu điều, cộng với bầu khí tôn giáo ngột ngạt khó thở!”[3] Các vị chủ chăn của giáo phận thì bị ngăn cấm, bị cản trở mục vụ mọi mặt…
Trong bối cảnh đó, Cha Phêrô Vêrôna đã được chịu chức Phó tế vào rạng sáng ngày 01 tháng 12 năm 1979. Ngài kể lại chi tiết biến cố chịu chức thánh như sau:
“Lúc bấy giờ, tôi được Đức cha Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng gọi lên Tòa Giám Mục Bắc Ninh để lãnh nhận chức Phó tế, nhưng vì hoàn cảnh xã hội gây khó khăn với đạo Công Giáo nhiều lắm, nên tô phải giữ kín, không được tiết lộ cho ai biết, nếu để lộ ra ngoài thì nhiều khả năng là bị tù đày… Vào rạng sáng ngày 1 tháng 12 năm 1979 tại phòng U8 trong Tòa Giám Mục cũ (hay còn gọi là nhà tròn), trong căn phòng hẹp chưa đầy 8m vuông, duy chỉ có Đức cha Tụng chủ tế Thánh lễ phong chức, và tôi là người nhậm chức, trong Thánh lễ ngài đặt tay phong chức Phó tế cho tôi.
Còn về việc lãnh nhận chức linh mục, cha Phêrô Vêrôna kể như sau:
“Một tuần sau khi chịu chức Phó tế, tôi được Đức cha Tụng gửi đến giáo xứ Giang Xá thuộc giáo phận Hà Nội, nơi Đức Tổng giám mục Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đang bị quản chế, để chịu chức linh mục. Chiều ngày mồng 7 tháng 12 năm 1979 tôi đến nhà thờ Giang Xá, và Đức Tổng Giám mục Phanxicô Thuận đã truyền chức linh mục cho tôi ngay trong căn phòng ngài đang bị quản chế. Thánh lễ truyền chức linh mục cho tôi được Đức Tổng Phanxicô Thuận cử hành từ lúc 23 giờ đêm mồng 7 tháng 12 kéo dài đến 01 giờ sáng ngày 8 tháng 12 thì kết thúc. Thánh lễ truyền chức linh mục tại căn phòng ngài bị quản chế, đêm hôm đó chỉ có tôi và ngài. Đức Tổng Phanxicô đã truyền chức linh mục cho tôi cách âm thàm kín đáo, không cho ai biết.”
Về giữ kín việc truyền chức, Cha kể:
“Dạo ấy cả hai đấng là Đức Hồng Y Tụng và Đức Hồng y Thuận dạy tôi phải giữ kín, không được phép nói với ai việc các đức cha đã truyền chức phó tế và linh mục cho tôi. Mãi đến sau này Đức cha Tụng mới cho tôi nói cho bố mẹ tôi biết là tôi đã là linh mục…”[4]
Ta có thể thấy rằng: Sau 1954, trong bối cảnh người tín hữu Công Giáo trong giáo phận bị cản trở sống Đức tin, bị gây khó khăn trong việc sinh hoạt tôn giáo khốc liệt như vậy; mà nơi giáo phận đã có nhiều cha, nhiều thầy, nhiều tu sĩ, hay giáo dân… dám chịu bắt bớ tù đày vì đức tin vào Chúa và để xây dựng giáo phận, trong đó có cha Phêrô Vêrôna như chúng ta đã biết, thì các ngài quả thật là những tấm gương đáng để cho người tín hữu giáo phận chúng ta tạ ơn Chúa và cám ơn tiền nhân. Và nên chăng chúng ta cũng suy nghĩ thêm cho sứ mạng chứng nhân của mình là phải làm gì? Loan báo Tin Mừng của Chúa đến mọi người anh chị em khác bằng cách nào?
Nay cha Phêrô Vêrôna đã kết thúc hành trình chứng nhân nơi trần thế để về với Chúa, xin Chúa ban thưởng hạnh phúc Nước Trời cho cha. Và trước toà Chúa, xin cha cũng cầu bầu cho chúng con nơi giáo phận thân yêu này. Amen.
Lâm Văn Trung
[1] X. Đức cha Cosma Hoàng văn Đạt, SJ, Lược Sử Giáo Phận Bắc Ninh, Tòa Giám Mục Bắc Ninh, 2009, tr 50.
[2] Đinh Đồng Phương, Giáo Phận Bắc Ninh, tr 110.
[3] Phạm Sĩ An, lm, Hồi Ký Về Vị Mục Tử Nhân Lành, nxb GPBN, 2014, tr 17
[4] Trích lời kể của cha Phêrô V. Chu Quang Tòng.