Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ khai mạc Năm Thánh

Anh chị em thân mến,

Chỉ ít phút nữa thôi chúng ta sẽ vui mừng mở Cửa Thánh Lòng Thương xót. Chúng ta thực hiện cử chỉ rất đỗi đơn sơ nhưng mang tính biểu trưng mạnh mẽ này dưới ánh sáng Lời Chúa mà chúng ta vừa lắng nghe. Lời ấy nhấn mạnh vị trí ưu việt của ân sủng. Đã biết bao nhiêu lần, bài đọc này giúp chúng ta nghĩ về những lời Thiên Thần Gariel đã nói với người thiếu nữ trẻ tuổi, đầy ngạc nhiên và lo sợ, lời ấy chỉ ra mầu nhiệm bao trùm lấy mẹ. “Hãy vui lên, Đấng đầy ân sủng” (Lc 1,28).

Trên hết, Đức Trinh Nữ Maria được mời gọi để vui mừng vì biết bao nhiêu điều Ngài đã thực hiện nơi Mẹ. Ân sủng của Thiên Chúa bao bọc Mẹ, làm cho mẹ trở nên xứng đáng là Mẹ của Đức Ki-tô. Khi Thiên Thần Gariel vào nhà Mẹ, mầu nhiệm ấy trở nên sâu sắc hơn, vượt lên mọi khả năng của lý trí, trở nên động cơ của niềm vui, đức tin và buông bỏ mình vào lời được mạc khải. Sự tròn đầy của ân sủng có thể biến đổi con tim, và khiến con tim ấy có khả năng làm những điều vĩ đại để biến đổi lịch sử nhân loại.

Thánh Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội diễn tả sự vĩ đại của tình yêu Thiên Chúa. Ngài không chỉ là đấng tha thứ tội lỗi, mà nơi Mẹ, Ngài còn thay đổi hướng đi của tội nguyên tổ mà mỗi người mang nơi mình khi bước vào thế giới. Tình yêu Thiên Chúa luôn đi bước trước, có tính dự phóng và cứu độ. Khởi đầu lịch sử của tội nơi vườn Eđen đã thay đổi kế hoạch tình yêu cứu độ. Chúng ta kinh nghiệm thấy lời của Sách Sáng Thế ngang qua những kinh nghiệm sống mỗi ngày. Luôn luôn có cám dỗ bất tuân phục, một cám dỗ diễn tả ước muốn dự phóng đời sống chúng ta độc lập với ý muốn của Thiên Chúa. Và sự thù nghịch này tiếp tục lôi kéo con người đi ngược lại với kế hoạch của Thiên Chúa. Thế nhưng, lịch sử cứu độ chỉ có thể được hiểu dưới ánh sáng tình yêu và sự tha thứ. Nếu chúng ta giam hãm mình trong tội, chúng ta trở nên một tạo vật tồi tệ nhất, trong khi lời hứa về sự vinh thắng của Đức Ki-tô ôm trọn mọi sự nơi lòng thương xót của Cha. Lời Chúa mà chúng ta lắng nghe hôm nay cho thấy rõ điều này. Đức Mẹ Vô Nhiêm Nguyên Tội ngự trước chúng ta là một bằng chứng tuyệt hảo về lời hứa và sự trọn hảo của lời hứa ấy.

Năm Thánh Thương xót ngoại thường này cũng là món quà của ân sủng. Bước vào cánh cửa này nghĩa là khám phá sự sâu sắc của lòng thương xót của Chúa Cha vốn đón nhận hết thảy mọi người và đi ra để gặp gỡ từng người. Trong năm này chúng ta sẽ không ngừng lớn lên về sự xác tín vào lòng thương xót. Quả là một sự hiểu lầm tai hại về Thiên Chúa và ân sủng của Ngài khi chúng ta nói sự phát xét của Thiên Chúa về tội lỗi của chúng ta thay vì nói về sự tha thứ nhờ vào lòng thương xót của Ngài (xem thánh Agustino, Trong Bàn Về Tiền Định của Các Thánh, De praedestinatione sanctorum 12, 24). Vâng, quả đúng như vậy. Chúng ta phải đặt lòng thương xót trước sự phán xét, và sự phán xét của Thiên Chúa luôn dưới ánh sáng của lòng thương xót. Ngang qua cửa Thánh chúng ta cảm thấy mình được dự phần vào mầu nhiệm của tình yêu. Chúng ta phải từ bỏ mọi hình thức của sợ hãi và run sợ bởi vì điều này không mang lại lại ích cho những người mà chúng ta yêu mến. Đúng hơn, chúng ta hãy sống niềm vui của cuộc gặp gỡ với ân sủng vốn có khả năng biến đổi mọi sự.

Hôm nay, chúng ta bước qua Cửa Thánh, chúng ta cũng muốn nhớ đến một cửa thánh khác mà cách đây 50 năm các Nghị phụ của Công đồng Vaticano II đã mở ra với thế giới. Việc kỷ niệm này không chỉ nhớ lại di sản tài liệu quý giá vốn làm chứng cho một sự lớn mạnh về đức tin. Trên hết, Công Đồng là một cuộc gặp gỡ. Một cuộc gặp gỡ đích thực giữa Giáo hội và con người trong thời đại chúng ta. Một cuộc gặp gỡ được đánh dấu bởi sức mạnh của Chúa Thánh Thần vốn thúc đẩy Giáo hội đi ra khỏi sự khô cứng mà đã nhiều năm Giáo hội khép mình lại nơi chính bản thân mình để tiếp tục lên đường với sự nhiệt tình trên bước đường sứ mạng.  Nó là một sự khởi đầu lại trên hành trình ra đi gặp gỡ mọi người nơi họ sống, nơi thành phố, nơi mái nhà và nơi họ đang làm việc… bất cứ nơi nào con người hiện diện nơi đó Giáo hội được mời gọi đến và để mang niềm vui Tin Mừng đến với họ. Vì thế, sau những thập niên này, chúng ta đón nhận sự thúc đẩy của sứ mạng với cùng một sức mạnh và sự nhiệt thành ấy. Năm Thánh thách đố chúng ta về sự mở ra này, năm thánh đòi buộc chúng ta không được phép bỏ qua tinh thần của Vaticano II, đó là tinh thần của người Samatino, như chân Phước Phaolô VI diễn tả nó trong buổi kết thúc Công đồng. Ước gì việc bước qua cửa thánh hôm nay giúp chúng ta dấn thân vào hành trình biến đổi lòng thương xót của chúng ta thành lòng thương xót của người Samaratino.

Nguồn: dongten.net