Chúa Hài Đồng bị đánh cắp
Trong một ngôi làng nhỏ nằm giữa các ngọn đồi, mọi người trong dân làng đang tấp nập chuẩn bị cho ngày lễ mừng Chúa ra đời. Nhà thờ được trang hoàng lộng lẫy, cây thông Giáng Sinh được thắp sáng rực rỡ, và mọi người vui vẻ thắp sáng các con đường bằng những ánh điện lấp lánh. Gia đình ông Năm ở cuối làng cũng đang chuẩn bị đón mừng lễ Giáng Sinh, ông tỉ mỉ chạm trên khúc gỗ để tạo hình Chúa Hài Nhi, đôi tay bé xíu của Chúa được ông đục đẽo cẩn thận. Thằng Tèo, Con Na và thằng Khom con ông Năm cũng đang loay hoay bên những cái bao bì cũ để giả làm những hòn đá xếp thành cái hang đá cho Chúa Hài Đồng.
Những công việc chuẩn bị cho hang đá dần khép lại, chiều hôm đó, thằng Tèo thích lắm, nó mặc quần áo đẹp để cùng ông Năm bế Chúa Hài Đồng vào cho cha xứ làm phép. Nó phấn khởi khoe với cha xứ là nhà nó làm một cái hang đá nhỏ ở ngoài ngõ, điện nháy đã mắc xong, giờ chỉ còn chờ cha làm phép Chúa Hài Đồng rồi đưa về đặt vào hang đá nữa là xong.
Ông Năm cẩn thận đặt bức tượng Chúa Hài Đồng trong máng cỏ bằng gỗ mà ông đã chạm trổ suốt thời gian qua, xung quanh là những ngọn đèn nến lung linh, những ánh điện lấp lánh. Cả xóm ai cũng khen ông khéo tay, năm nay mừng lễ to quá.
Tối đó, một điều bất ngờ xảy ra. Khi cả gia đình chuẩn bị đi lễ, thì không thấy Chúa Hài Đồng trong hang đá đâu. Bức tượng Chúa Hài Đồng đã biến mất. Không ai biết ai đã lấy đi, chỉ còn lại một khoảng trống nơi máng cỏ.
Cả gia đình hoảng loạn, không thể tin vào mắt mình. Nhưng trong giây phút ấy, ông Năm, mặc dù lo âu, đã lặng lẽ ngồi xuống và bắt đầu cầu nguyện. Ông nói với các con: “Chúa không chỉ có mặt trong bức tượng, mà Ngài đang ở trong trái tim của chúng ta. Ngài không thể bị đánh cắp. Tình yêu của Ngài sẽ luôn ở bên cạnh chúng ta.”
Với lòng tin vào sự hiện diện của Chúa, gia đình bắt đầu đi tìm bức tượng, nhưng không ai thấy đâu. Trong nỗi buồn và thất vọng khi không tìm thấy Chúa Hài Đồng đâu, họ nghe tiếng trẻ em cười đùa từ ngoài đường. Một đứa bé từ làng bên cạnh tiến lại gần, trên tay là bức tượng Chúa Hài Đồng. Em kể rằng, khi đi ngang qua nhà, em đã thấy bức tượng lẻ loi, không có ai quanh đó, và em nghĩ rằng nó đang cần được bảo vệ. Nên em đã đưa về nhà. Nhưng sau đó, bố mẹ em nói đây là tượng Chúa của người bên đạo, con hãy đưa lại chỗ cũ. Em bé nói với vẻ tiếc nuối.
Gia đình ông Năm vui mừng khi nhận lại được bức tượng, nhưng điều quan trọng nhất mà họ nhận ra là: dù có mất đi vật thể bên ngoài, nhưng tình yêu của Chúa không bao giờ bị đánh cắp. Đêm Giáng Sinh ấy, họ được tham dự Thánh lễ Giáng Sinh với trái tim đầy lòng biết ơn và niềm vui, vì Chúa đã đến, không chỉ trong bức tượng, mà còn trong từng tâm hồn yêu mến Ngài.
Minh Chuyên – Học viện Bắc Ninh