Ký sự: Dọc dài Đông Bắc

DỌC DÀI ĐÔNG BẮC

Tháng 5, mùa hoa

Tháng 5, mùa hè thật nóng nực, tiếng ve kêu râm ran khắp mọi nơi. Tháng 5, với người Công Giáo cũng là mùa hoa, mùa hoa kính Đức Mẹ. Nghi thức dâng hoa diễn ra tại nhiều giáo xứ, cả giáo họ nữa, nơi đông người, nơi ít hơn, hầu như nơi nào cũng có những buổi dâng hoa đầy màu sắc và sốt sắng kính Đức Trinh Nữ, thân mẫu Chúa Cứu Thế.

Cha Đặc Trách Hội Mân Côi giáo phận Bắc Ninh tổ chức tuần lễ sinh hoạt cho các hội viên Mân Côi (các bà mẹ Công Giáo). Các buổi sinh hoạt diễn ra vào giữa tháng hoa, kéo dài trong một tuần lễ tại 5 giáo hạt của giáo phận. Chương trình mỗi buổi sinh hoạt gồm ba phần : Phần đầu là học hỏi, phần 2 dâng hoa kính Đức Mẹ, phần 3 thánh lễ tạ ơn.

Cách tổ chức là hội viên của mỗi giáo hạt quy tụ tại một giáo xứ, thường là xứ quản hạt, với một điều kiện cần thiết là có khoảng sân đủ rộng cho các đoàn hoa, dự kiến tối thiểu từ 500 đến 700 người. Có nơi có sân rộng, nhưng nhà thờ lại nhỏ, chỉ chứa được khoảng 300, phần lớn phải ngồi bên ngoài giữa buổi trưa nóng bức.

Buổi sinh hoạt diễn ra vào lúc 2 giờ chiều. Hôm nào cũng thế, Cha Đặc Trách cổ võ kinh Mân Côi của Dòng Đa Minh sẽ khai mạc bằng bài nói chuyện về Đức Mẹ, về kinh Mân Côi. Giọng nói mạnh mẽ, đầy xác tín và rõ ràng của Cha Đặc Trách giúp cho chị em dễ tiếp thu và thêm lòng yêu mến Đức Mẹ, yêu mến kinh Mân Côi. Tiếp đến, Cha Đặc Trách Hội Mân Côi giáo phận Bắc Ninh và cha giáo Giuse thay nhau trình bày về vai trò làm mẹ và việc học hỏi Lời Chúa. Tiếp đến là giờ cơm chiều. Có nơi thì nấu cơm cho mọi người, có nơi thì đặt người nấu, đơn giản là có gì ăn. Còn không thì mỗi đơn vị tự lo, có gì ăn tạm qua bữa. Khoảng chập tối, đến phần được chờ đợi nhất là dâng hoa. Giáo phận Bắc Ninh có mấy cung dâng hoa, và một cung được chọn để sử dụng chung cho buổi sinh hoạt, coi như phổ biến cho toàn giáo phận. Cung hát và cách dâng hoa đã được mọi giáo xứ, giáo hạt thuộc lòng. Mỗi buổi sinh hoạt có khoảng trên dưới 30 đơn vị dâng hoa, tổng số có khi xấp xỉ cả ngàn người. Các chị em, lớn có, trẻ có, thướt tha trong các bộ áo dài đủ màu sắc tạo nên một khung cảnh thật tuyệt vời. Vì đã quen, người điều hành chỉ cần chấm chỗ cho mỗi đơn vị và đoàn dâng hoa cứ thế mà chuyển đội hình theo bài hát.

Quả là cảm động và sốt sắng vì đó là tấm lòng đầy đơn sơ và yêu mến của những người nông dân, buôn bán, công nhân, sinh viên và đủ mọi tay nghề. Tất cả đều tập trung tinh thần, nhịp nhàng di chuyển tiến hoa dâng kính Đức Mẹ.

Phần dâng hoa kéo dài khoảng nửa giờ, tiếp đến là thánh lễ tạ ơn kết thúc, và buổi sinh hoạt chấm dứt vào quãng 9 đến 9 giờ 30 tối. Mỗi người lại theo đoàn trở về nhà mình. Nơi xa nhất khoảng 50 cây số.

Tam Đảo, thị trấn trên cao

Lâu lắm rồi đã nghe nói đến Tam Đảo. Đã có những lời mời và cũng mong ước một lần được đến đây.

Tam Đảo là một thị trấn thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, nằm trên dãy núi Tam Đảo, độ cao khoảng 900 m so với mực nước biển. Thị trấn này giống như Đàlạt, khí hậu luôn mát lạnh (chênh lệch khoảng 5-6o so với đồng bằng). Nơi đây quả là lý tưởng để nghỉ dưỡng. Con đường quanh co dẫn lên thị trấn dài 11 km, hiện đang được mở rộng và tu sửa để xe cộ tiện lên xuống. Theo dự kiến, chừng 1 năm nữa sẽ xong.

Người Pháp đã khám phá ra khu vực này từ đầu thế kỷ trước và đã xây dựng thành nơi nghỉ dưỡng. Họ đã quy hoạch và xây dựng tại đây chừng 150 biệt thự. Cũng có một nhà thờ theo phong cách miền quê Tây Ban Nha được các cha Dòng Đa Minh xây dựng cùng với một tụ viện bên cạnh.

Trong thời kỳ kháng chiến, riêng ở vùng này, còn có chuyện “tiêu thổ kháng chiến”, các cơ sở bị chính phe mình phá hết thay vì bị địch phá, nhất là các cơ sở tôn giáo. Toàn bộ các biệt thự tại Tam Đảo bị xoá sạch, không còn cái nào. Ngôi nhà thờ cũng bị chiếm, bị phá, nhưng không bị phá hết. Đã có lúc được sử dụng làm quán bar hay các mục đích tương tự.

Ngôi nhà thờ được trả lại cho giáo phận vào năm 2008 với bộ mặt khác hẳn. Chỉ còn lại xác nhà, chẳng có gì nguyên vẹn. Tháp chuông đã bị phá quá một nửa, ngay cả ngôi mộ của vị linh mục xây cất nhà – nghe nói đã qua đời và được an táng bên trong thánh đường. Hình ảnh về thị trấn và nhà thờ cũng thật hiếm. May có người còn giữ lại được hình nhà thờ chụp năm 1940 và tu viện Dòng Đa Minh ở bên cạnh.

Hiện giáo phận Bắc Ninh cử một cha phụ trách nhà thờ(từng theo học tại TT Học vấn Đa Minh) cùng với một nhà khách mới được xây dựng để tiếp đón khách tham quan và tĩnh tâm. Nghe đâu giáo xứ được 11 người có đạo.

Điều tiếc cho thị trấn này là thiếu quy hoạch. Ai có tiền thì chạy cách mua đất và xây dựng theo kiểu của mình. Tình trạng lộn xộn về quy cách, đường xá vẫn đang diễn ra và càng ngày càng thêm lộn xộn.Không có gì là bản sắc riêng, ngoại trừ yếu tố thiên nhiên là nơi cao và khí hậu.

Những cung đường

Nhìn chung, những con đường ở miền Bắc khá hơn nhiều so với nhiều nơi khác, kể cả miền Nam. Đường xá được mở thêm nhiều và khá thuận lợi. Do vậy, phương tiện giao thông hiện tại cũng phát triển theo. Việc di chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác khá dễ dàng.

Không rõ nơi khác thế nào, nhưng cảm nhận riêng thì con đường từ SamSung Bắc Ninh lên Sam Sung Thái Nguyên thật đẹp. Con đường cao tốc (tạm gọi như thế) do chính hãng Sam Sung xây dựng xuyên qua những vùng ít dân cư nên khung cảnh thật hữu tình. Đây là con đường chuyên chở hàng hoá, nhất là của Sam Sung, nên được đầu tư với chất lượng cao.

Nói đến Sam Sung, người ta nhớ đến lời ai đó là : Apple ở Trung Quốc, còn Sam Sung ở Việt Nam. Hai hãng công nghệ lớn nhất thế giới đều do công nhân Châu Á thực hiện. Mỗi ngày, tại hai cơ sở của Sam Sung, có hàng trăm chuyến xe bus loại 45 chỗ chở công nhân đi về. Các công nhân ở đây làm theo ca và có xe đưa đón. Có người nói rằng tổng số công nhân, riêng của SamSung, khoảng gần 150 ngàn người. Thử tưởng tượng mỗi ngày chừng đó người làm việc sẽ được bao nhiêu sản phẩm ! Cũng chừng ấy người có việc làm thì biết bao gia đình được nuôi sống, được có điều kiện tốt hơn về nơi ở, điều kiện sống. Thế nhưng đàng sau khía cạnh tốt đẹp ấy, người ta vẫn đề cập đến nguy cơ nhiễm bệnh từ các chất độc công nghệ.

Biết là có nguy hiểm đấy, nhưng trước mắt, không gì tiện hơn là đi làm công nhân. “Học làm gì, rồi cũng vào SamSung thôi !” Đó là công việc trước mắt, nhờ vậy điều kiện sống tốt hơn, chuyện bệnh tật và những nguy hiểm khác, cứ tạm quên đi.

Con số công nhân ở vùng này khá đông, từ nhiều miền khác nhau đến, cũng là vấn đề. Chỉ riêng chuyện tôn giáo thôi cũng rắc rối rồi. Cũng có những người, xuất thân từ những nơi có thói quen sống đạo, khi đến đây, vẫn cố gắng sống và tham gia các sinh hoạt, nhất là nhóm trẻ. Lại có những người, vốn thờ ơ với chuyện đạo nghĩa, nay lại thêm xao nhãng. Đã có lần Đức Giám Mục giáo phận mong mỏi có vị đặc trách di dân hay công nhân để tìm hiểu các nhu cầu của họ, tổ chức các sinh hoạt và giờ giấc theo nhịp sống của họ, nhưng vẫn chưa có ai.

Ở miền Bắc, thánh lễ thường được cử hành vào ban tối. Giờ này các công nhân khó tham dự vì hoặc thường là mới đi làm về, khá mệt, phải lo nghỉ ngơi để mai đi làm tiếp, hoặc là lại vào ca đêm, nên đành chịu.

Ôi, cung đường nào cho công nhân, cho những người xa quê. Chả lẽ mãi mãi vẫn chỉ là cuộc sống bấp bênh, không có ngày mai, chẳng có gì vững bền?

Kết

Một tuần lễ, dọc dài từ Bắc Ninh ngược lên phía trên, tỉnh Tuyên Quang qua Bắc Giang, Thái Nguyên, rồi vòng trở lại qua Phú Thọ Việt Trì. Chưa lần nào di chuyển nhiều như lần này. Hầu như mỗi ngày lại một nơi khác, gặp gỡ với người khác, và cả món ăn khác!

Tuy vậy, dọc dài  Đông Bắc (thực ra là Bắc Ninh) không phải là du lịch ! Hy vọng sau này có chuyến khác nữa.

Gs. Nguyễn cao Luật op