“Sa mạc” – Hành trình của niềm Hy Vọng

Một góc nhìn về niềm hy vọng theo “Sắc chỉ Spes non confundit” của Đức giáo hoàng Phanxicô

Chiều sâu ơn gọi siêu nhiên của con người là được mời gọi hướng tới sự sống viên mãn vượt xa những chiều kích của cuộc sinh tồn trên trái đất này. Đó là một đời sống tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa.[i] Nhưng trong kiếp nhân sinh, giữa những lo toan bộn bề cuộc sống, nhiều khi con người quên mất hoặc xác định sai đích đến. Liệu những sai lầm đó có làm mất dấu vết hướng về Thiên Chúa? Đâu là niềm hy vọng cho con người giữa những biến động không ngừng của cuộc sống? Nhìn về con người giữa cuộc nhân sinh, nhìn về dân Israel trong hành trình sa mạc, người viết thấy được những nét tương đồng: Hành trình của niềm hy vọng.

  1. Sa mạc – Kinh nghiệm của sự bất trung

Sau khoảng 400 năm, từ một gia tộc được đất nước Ai Cập tri ân đến cả một dân tộc phải làm nô lệ cũng cho Ai Cập, Israel ý thức được sự bất hạnh của thân phận mình. Nhưng tự thân họ không thể tự giải thoát. Ẩn sâu trong những nỗi nhục nhằn là sức sống mãnh liệt của đức tin, điều họ được lãnh nhận và loan truyền từ cha ông về một Thiên Chúa quyền năng. Chính Thiên Chúa ấy đã cứu họ. Họ đã rời khỏi Ai Cập và vượt qua Biển Đỏ cách lạ lùng (x.Xh 13-15). Họ bắt đầu bước vào hành trình vượt qua sa mạc, tiến về đất Thiên Chúa hứa ban cho họ.

Tuy nhiên, niềm tự hào và hy vọng của ban đầu của dân Israel mạnh mẽ là thế, nhưng những khó khăn họ gặp suốt hành trình, những hoài niệm về “củ hành của tỏi, những nồi thịt” bên Ai Cập đã khiến họ trở nên thiếu kiên nhẫn, bất trung với Thiên Chúa (Xh 16,3). Họ hành xử theo những gì họ thích hơn là họ cần. Họ nhìn về thực tại mà họ thấy mình đang phải chịu đựng nhiều hơn là nhìn về tương lai mà họ được hứa hẹn.

Cũng nơi trần gian này, con người bắt đầu hành trình hướng về hạnh phúc thật. Không chỉ như dân Israel mang trong mình những hoài niệm, con người thời nay nhiều khi còn nhìn về tính bấp bênh của tương lai, gây ra những cảm xúc đôi khi trái ngược: từ tin tưởng đến lo sợ, từ thanh thản đến chán nản, từ xác tín đến đến nghi ngờ,[ii] có khi cả nơi những người mang trong mình đức tin vào một Thiên Chúa, Đấng mà xu hướng thời đại đang dần loại trừ. Rất nhiều người gạt bỏ vị thế làm chủ của Thiên Chúa trong lương tâm, trong nỗi khao khát tâm hồn và thay vào đó là những “tượng thần” do chính tay họ làm ra (x.Xh 32). Với ý thức về một “Thiên Chúa đã chết”, nhiều người dần cho mình quyền làm chủ trên chính mình và người khác. Họ chọn lựa sự hữu hạn để thế vào chỗ chỉ dành cho Đấng Vô Hạn. Thế nên, vì tự trong con người đã có sẵn một nỗi khát khao không thoả, thì nay họ lại càng khát khao mãnh liệt mà không tìm được sự khoả lấp. Đó là lí do chúng ta thường gặp những người chán nản, họ nhìn về tương lai với thái độ hoài nghi và bi quan, như thể chẳng điều gì có thể mang lại hạnh phúc cho họ[iii].

  1. Sa mạc – Kinh nghiệm cần được thương xót

Trong sa mạc, dân Israel kinh nghiệm được thế nào là sự yếu đuối và thất bại. Đằng sau những đòi hỏi cho các nhu cầu tưởng như thiết yếu cho cuộc sống: thức ăn, nước uống, hay nỗi sợ trước các kẻ thù… vẫn là sự yếu kém, dễ thay đổi của lòng tin của họ. Tuy nhiên, những sai lầm đó không làm mất dấu vết hướng về Thiên Chúa. Những gì Chúa làm cho dân không chỉ dừng lại nơi những nhu cầu của họ được đáp ứng, nhưng là giúp họ thay đổi nhận thức rằng họ không thể tự cứu lấy mình mà cần đến lòng thương xót, sự che chở của Thiên Chúa. Họ cần biết khiêm nhường và sống tín thác (x.Ds 21,7).

Đời sống với những kinh nghiệm thất bại, tội lỗi, con người càng dễ nhận ra sự bất nhất của mình: nhiều khi tính nóng vội làm mất kiên nhẫn, gây nguy hại nghiêm trọng cho con người. Đó là sự bất khoan dung, căng thẳng, đôi khi cả bạo lực vô cớ, dẫn đến bất mãn và khép kín.[iv] Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở sự khốn cùng thì con người đúng là kẻ khốn cùng. Một khi cảm nghiệm sự yếu đuối và bất lực của mình, con người bị thôi thúc phải quỳ gối trước mặt Thiên Chúa. Họ muốn tìm kiếm sự trợ lực và sức mạnh mà họ không thể tìm thấy nơi mình hay nơi con người nào khác.[v]

  1. Sa mạc – Hành trình của hy vọng

Mỗi lần đáp ứng những đòi hỏi của dân trong sa mạc là một lần Thiên Chúa kêu gọi họ tin tưởng vào Người. Thực tế, đám mây và ngọn lửa vẫn không rời bỏ họ dù chỉ một ngày suốt 40 năm trong sa mạc. Dân đã vào được đất hứa dù không phải tất cả những ai rời khỏi Ai Cập đều được vào (x.Gs 3-5), nhưng sự thanh luyện đó cho thấy sự cần thiết của lòng tín trung và niềm hy vọng của những người theo Chúa (x.Ds 14,33). Sau tất cả, những gì họ thấy còn lại vẫn là sự trung tín và lòng thương xót của Thiên Chúa. Họ hiểu được thế nào là trung tín trong niềm hy vọng. Vậy ra, sa mạc là hành trình của hy vọng không hẳn vì nhận thấy lữ khách có khả năng thay đổi, nhưng còn vì niềm hy vọng được đặt nơi Đấng là sự giải thoát và là ơn cứu độ.[vi]

Mọi người đều hy vọng. Niềm hy vọng nơi tâm hồn mỗi người như nỗi khao khát và chờ đợi những điều tốt đẹp sẽ đến, dù chúng ta không biết ngày mai sẽ ra sao – Đức thánh cha Phanxicô khẳng định như vậy.[vii] Mỗi người sinh ra trên đời cũng có riêng một hành trình trong hy vọng, nhưng tất cả cùng đi về một hướng. Trên hành trình ấy, chúng ta không chỉ đi một mình, nhưng còn đi cùng nhau. Đó là bầu khí Giáo Hội. Đức hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, người con của hy vọng đã nói: “Có gì hạnh phúc hơn bằng xác tín mình đang ở trong Giáo Hội, nơi đó những khắc khoải của tinh thần được giải quyết và quả tin trần đầy hy vọng”.[viii] Chính Chúa Thánh Thần luôn hiện diện cùng Giáo hội lữ hành để chiếu tỏa ánh sáng hy vọng trên các tín hữu.[ix]

Lời kết

Nếu lên đường là đặc điểm của người đi tìm ý nghĩa của cuộc sống[x] thì cũng thiết nghĩ người lên đường trong niềm hy vọng là người đã nắm chắc ý nghĩ cuộc sống và sống ý nghĩa ấy. Cũng vậy, nếu niềm hy vọng là động lực cho người lữ khách tiến bước trên hành trình “sa mạc”, thì việc biết đặt niềm hy vọng và Ai sẽ mang lại cho người lữ hành sức mạnh để đi trọn hành trình ấy.

Học viện Đức Maria – Mẹ Sự Sống

[i] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, Thông Diệp Tin Mừng Sự Sống, số 2

[ii] Sắc chỉ Spes non confundit, số 1

[iii] Sắc chỉ Spes non confundit, số 1

[iv] Sắc chỉ Spes non confundit, số 4

[v] Amedeo Cecini, Tâm Tình Chúa Con, 145

[vi] Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Thông điệp Spe Salvi, số 24

[vii] Sắc chỉ Spes non confundit, số 1, 4

[viii] Đức hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Đường Hy Vọng, số 279

[ix] Sắc chỉ Spes non confundit, số 3

[x] Sắc chỉ Spes non confundit, số 5