Đôi nét về vị mục tử đã sống: Tất cả để vinh danh Thiên Chúa và mưu ích cho đoàn chiên

Mười lăm năm Đức cha Cosma thực thi sứ vụ giám mục tại giáo phận Bắc Ninh cũng là một hành trình tôi được sai đi giúp ngài. Đôi nét về những điều tốt lành nơi Đức cha qua lối sống và cung cách thực thi sứ vụ của ngài mà tôi thấy, tôi chứng kiến, và tôi cảm nhận, nay xin ghi lại cách vắn tắt để ghi nhớ với lòng biết ơn, nhưng trên hết là để tạ ơn Thiên Chúa với giáo phận. Vì Chúa đã ban cho giáo phận Bắc Ninh một Đức Giám Mục đã sống và thi hành sứ vụ tất cả để vinh danh Thiên Chúa và mưu ích cho toàn thể cộng đoàn.

Là con cháu của dòng máu tử đạo

Vừa qua, cây gạo trong sân Tòa Giám Mục nở những bông hoa đỏ, tuy hoa không bền lâu, nhưng hoa có màu sắc đỏ tươi và đẹp. Màu hoa gạo đỏ tươi như nhắc nhớ tôi dấu ấn hào hùng nơi trang sử của giáo phận vào ngày 04 tháng 04 năm 1862: đó là 100 vị đầu mục đã chịu chết vì đạo Chúa tại Cổng Tả thành cổ Bắc Ninh. Một vị trong số 100 đầu mục là cụ Giuse Hoàng Thế Nhẫn, quê giáo họ Xuân Lai ngày nay. Và “cụ Giuse Nhẫn là cụ tổ” của dòng tộc nhà Đức cha Cosma. Xưa cụ Nhẫn đã một lòng tin theo Chúa, quyết không theo lệnh vua bước lên Thánh giá chối đạo để được sống: “Các ngươi hãy quá khoá, ta sẽ cho các ngươi về với vợ con.”[1] Một đoạn trong bài diễm ca nói về cụ Nhẫn:

Bao phen tra khảo cực hình

Mà lòng băng tuyết đinh ninh hãy còn

Khi giam trại, lúc đánh đòn

Gan ai nằm ngủ ăn ngon được nào!

Thương ơi quốc bộ gian lao

Thề đem một giọt máu đào từ đây

Tấm kình lặn, cánh hồng bay

Sóng cồn chẳng sợ, gió lay chẳng sờn.[2]

Đối với cụ Giuse Nhẫn xưa, mặc dù bị quan quân gông cùm đánh đòn rất dã man, nhưng chẳng những cụ Nhẫn nhất quyết không “quá khoá” chối đạo để cầu sống, để được tha về với gia đình, mà “cụ còn khích lệ và khuyên bảo anh em cũng như con cái siêng năng lần hạt, sớm tối đọc kinh, nhắn nhủ vợ lo việc nhà siêng năng, sớm tối thờ phượng Chúa.”[3] Và cụ đã bị chôn sống cùng với 99 đầu mục khác: “Các quan ra lệnh dẫn họ đi chôn trong hai cái hố lớn đã đào sẵn cho việc này.”[4]

Thực thi sứ vụ trong vâng phục và nên thánh

Có lần Đức cha Cosma chia sẻ với tôi rằng: “có lẽ nhờ họ hàng nhà cha có cụ Giuse Nhẫn tử vì đạo khi xưa, mà nay cha được ơn làm giám mục chăng?” Nhưng với Đức cha, việc được làm giám mục hay được lãnh nhận chức thánh giám mục không chỉ là ơn trọng đại mà thôi, đối với ngài việc thi hành sứ vụ giám mục tại giáo phận Bắc Ninh còn là một đòi hỏi phải toàn tâm toàn trí toàn ý toàn lực để giữ lời khấn thứ tư: “vâng lời Đức Giáo hoàng khi ngài trao sứ vụ.” Ngài giải thích rằng: “vâng lời như Chúa Giêsu vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá.” Có một nhà báo phỏng vấn Đức cha rằng: “Khi được bổ nhiệm làm Giám mục Bắc Ninh, Đức cha có thấy vinh dự không?”  Ngài trả lời: “Tôi không thấy vinh dự, mà chỉ thấy sứ vụ“. Với ngài, việc thực thi sứ vụ Đức Giáo hoàng trao phó nơi giáo phận Bắc Ninh kể cả phải đổi bằng mạng sống thì ngài cũng luôn sẵn sàng. Nên tôi chứng kiến ngài luôn “cháy hết mình” cho sứ vụ. Trong nhật ký mục vụ ngài viết:

Tôi được mời gọi nên thánh để có thể giúp giáo dân nên thánh và làm chứng về sự thánh thiện trong thế giới hôm nay. Mà cách nên thánh của giám mục là nên một với Chúa Giêsu chịu đóng đinh, để sống đến cùng đức ái mục vụ.”[5]

Khi giúp Đức cha Cosma làm việc, tôi thấy ngài làm việc không ngừng nghỉ. Có những ngày ngài làm việc 14 giờ liên tục. Chẳng hạn lần đi lễ làm phép viên đá đầu tiên và tháo gỡ khó khăn cho nhà thờ Tham Kha ở tỉnh Tuyên Quang, hôm đó, khi đêm về đến cổng Toà Giám Mục ngài nói với tôi: “nay cha con mình đi-về-dâng lễ và công việc hết 14 tiếng đồng hồ liên tục, tạ ơn Chúa!”… Nhớ lại có lần Đức cha chia sẻ với một cha rằng: “Từ khi tôi về giáo phận đến nay chưa hề được nghỉ ngày nào!” Ngay cả khi Đức cha đau yếu đến nỗi phải ngồi xe lăn, thì ngài vẫn làm việc và vẫn đi dâng lễ (ví dụ lễ ở họ Bến Nầm, ở xứ Đạo Ngạn hay nhà thờ Chính toà…). Vào giai đoạn cuối tháng 1 năm 2023, Đức cha trong tình trạng bị đau thần kinh tọa[6] và bị thoái hoá khớp gối chân trái, nên khi trời rét chân này rất đau, dâng lễ nhiều khi ngài phải đứng một chân. Trong khi ấy có những cha mời Đức cha vào cơ sở của giáo phận Bắc Ninh tại Sài Gòn để tránh rét và để chữa bệnh cho mau khỏi, nhưng ngài nói với tôi, đại ý rằng: ‘các cha muốn cha đi Sài Gòn chữa bệnh và tránh rét cho đỡ đau, nhưng cha còn trách nhiệm với giáo phận, nên đau cũng gắng chịu vậy, ở Toà Giám mục để lo công việc’. Có lần khác Đức cha nói:

Đức cha phó nói đưa cha đi Singapore để chữa bệnh, nhưng bây giờ cha đang còn gánh trọng trách giáo phận nên cha chưa thể đi, để khi nào được Đức Giáo hoàng cho nghỉ hưu thì tính sau. Vì cha có lời khấn vâng lời Đức Giáo hoàng, nên cha phải giữ. Vâng lời kể cả phải chết, nên đang khi này ví như bệnh của cha có đau đến chết cũng không sao.”

Nay Đức cha ở tuổi cao (75), mắc bệnh ung thư tiền liệt tuyến và thoát vị đĩa đệm cột sống lưng rất đau, vậy mà tôi thấy ngài vẫn cố gắng soạn bài để giảng dạy lớp và linh thao cho các thầy chuẩn bị tiến chức, cũng như xem xét và ký duyệt các công việc cho giáo phận. Ngài chịu đau đớn do bệnh tật mà không kêu ca gì, cũng không bị rơi vào bi quan hay tuyệt vọng, nhưng luôn xác tín cách vui vẻ: “chết là được về với Chúa”, hay “chết là được về Thiên Đàng hưởng hạnh phúc an nhàn trong Chúa, nơi đó có ông bà cha mẹ và mọi người rất vui.” Có lần hai cha con tôi làm việc đến lúc người mệt nhoài, mà Đức cha còn hài hước nhắc lại lời của một vị thánh giáo hoàng cách vui vẻ: “để sau này về Thiên Đàng nghỉ một thể!” Vui vui ngài vẫn hát: “Trần thế lòng con chê chán rồi. Con chỉ gặp buồn đau cay đắng thôi. Chúa ơi ở lại với con cùng! Chúa là nguồn yêu thương con cậy trông.”[7] Nay Đức cha Cosma đang chữa bệnh, nhưng “hằng ngày tại nhà nguyện Toà Giám mục cha vẫn luôn dâng cầu nguyện cho cho các linh mục của giáo phận, cầu nguyện cho mọi thành phần trong giáo phận không kể lương hay giáo, cầu nguyện cho cả người vô thần trên giáo phận, cầu nguyện cho người nghèo khổ nữa.” (ngài kể).

Tránh ba cám dỗ về: quyền hành – sự nổi nang – lợi lộc trần gian

Nhớ lại có lần Đức cha chia sẻ với tôi: “Cha luôn giữ mình tránh xa ba cám dỗ mà Phúc âm hay nói tới: cám dỗ về quyền hành, cám dỗ về thích nổi nang và cám dỗ về ham lợi lộc”:

– Tránh cám dỗ về quyền: Đức cha không coi dạng quyền lực theo kiểu thế gian là chiến lược làm chứng cho Chúa và để truyền giáo, hay kiểu quyền hành đòi buộc người khác phục vụ mình thì ngài đều không chấp nhận. Hằng ngày, mọi việc về cá nhân là ngài tự làm, đồ đạc cá nhân đi đâu ngài tự cầm tự xách, quần áo tự giặt tự phơi… Ngài thường nói: “Là người của Chúa thì phải phục vụ người khác, chứ không phải để bắt người khác phục vụ mình.” Kiểu như Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ.”[8] Còn những quyền bính Chúa và Giáo hội ban cho Đức cha theo nghĩa là giám mục Bắc Ninh thì không phải để đó cho oai, nhưng ngài sử dụng (hoặc cho phép các cha) để phục vụ dân Chúa. Ngài từng nói:

Những quyền hành Chúa và Giáo hội ban cho cha  liên quan đến chức Giám mục là để cho giáo phận, cho dân Chúa, chứ không phải cho cá nhân cha. Thế nên cha phải sử dụng các quyền đó để phục vụ dân Chúa, phục vụ giáo phận.

– Tránh sự nổi nang: Ngay từ khi về giáo phận, trong buổi họp mặt đại diện các giáo hạt ngày 19 tháng 1 năm 2009 Đức cha đã nói: “Tập trung vào thánh lễ là điều quan trọng nhất. Đón tiếp long trọng: mệt mỏi, chia trí, thậm chí cãi cọ… sau đó thiệt hại đến thánh lễ.”[9] Trong suốt năm tháng làm mục vụ, chủ trương của Đức cha là “mình cứ thực thi sứ vụ cách nhẹ nhàng, không gây ồn ào, cứ lặng lẽ và âm thầm tiến cách chắc chắn.” Vì vậy, mỗi khi Đức cha đi đâu mà thấy người ta đón rước[10] hoặc tung hô để vinh danh ngài thì ngài đều tránh, nếu việc đó xảy ra trong giáo phận thì ngài gặp ngay người hữu trách để dẹp bỏ liền. Ngài minh định rõ ràng: “Mình là người của Chúa, mình đến để làm vinh danh Chúa, chứ không phải để vinh danh mình.”

-Tránh lợi lộc thấp hèn: Về tiền bạc Chúa ban thì Đức cha luôn quý, luôn tiết kiệm, không chi tiêu lãng phí bao giờ. Đối với ngài: “tiền không phải là mục đích, tiền chỉ là phương tiện để phục vụ” cho công việc chung, để xây dựng giáo phận. Ngài rất “kị” dạng tiền bạc bất minh. Có lần trên xe Đức cha nói với tôi “Cha cám ơn Chúa vì mình không bị dính bén đến tình và tiền.” Từ khi về làm giám mục Bắc Ninh Đức cha quan điểm rõ ràng: “mọi sự của cha là của giáo phận, thuộc về giáo phận. Nên khi cha làm Giám mục Bắc Ninh, ai cho cha cái gì là người ta cho giáo phận, chứ không phải cho cá nhân cha”. Còn ai đó mà chỉ cho riêng cá nhân ngài tiền bạc… thì ngài từ chối luôn, quyết không nhận: “cám ơn, tôi không cần!”. Không chỉ thế, ngay cả những bộ quần áo ngài đang có, ngài cũng muốn để sau này khi ngài chết rồi thì Toà Giám Mục đem cho người nghèo: “những quần áo hẳn hoi người này người khác cho cha để trong tủ, khi nào cha chết thì đem cho người nghèo. Giờ cha mặc những bộ quần áo này (cũ) cũng được rồi.

Trong Nhật ký mục tử Đức cha Cosma viết: “Thế giới hôm nay vẫn đầy dẫy người phải làm nô lệ cho các bạo chúa. Có khi đó là đồng tiền, đó là danh vọng, đó là quyền lực, và có khi là một chính quyền bằng xương bằng thịt.”[11]

Quan tâm đến “chất” và “lượng” cho nhân sự của giáo phận

Mười lăm năm trôi qua (2008-2023), Đức cha Cosma đã truyền chức gia tăng số linh mục cho giáo phận, từ 43[12] cha lên 148 cha. Từ khi về coi sóc giáo phận, Đức cha luôn chú trọng việc đào tạo linh mục và huấn luyện tu sĩ sao cho “có tâm có tầm”. Đào tạo ra những linh mục giỏi giang tốt lành thánh thiện “như lòng Chúa mong ước, chứ không như lòng người ta mong ước.” Ngài rất trân trọng quý mến và chăm sóc các cha. Khi đào tạo các thầy ứng viên chức linh mục, Đức cha không đặt nặng về số lượng cho bằng nhắm đến chất lượng tốt, ngài từng nói: “quý hồ tinh bất quý hồ đa” – ý muốn nói: “cái đáng quý ở chất lượng cao nơi mỗi linh mục, chứ không phải ở lấy số lượng cho nhiều.”[13] Và Đức cha chủ trương theo kinh nghiệm của thánh Phêrô Kanis SJ: “chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề của Giáo hội chính là các linh mục[14].” Vì vậy Đức cha coi việc đào tạo linh mục và huấn luyện tu sĩ cho giáo phận luôn là ưu tiên hàng đầu. Nói như cha Micae T.T.T, SJ:

Đức cha Cosma coi việc huấn luyện linh mục để làm trụ cột cho toà nhà giáo phận là việc quan trọng hàng đầu. Vì ví như mọi thứ đồ quý để cả trên bàn, mà chân bàn không tốt không vững thì có nguy cơ đổ sập hoàn toàn. Giáo phận tồn tại và tốt lành thế nào là nhờ vào các linh mục.”

Đức cha luôn mời gọi các cha sống hy sinh phục vụ Chúa, phục vụ giáo hội, từ bỏ những gì thuộc về thế gian để sống cho Thiên Chúa cách hết mình. Có lần trong bài giảng lễ dịp tĩnh tâm linh mục Đức cha nhắc đi nhắc lại lời của thánh Cosca SJ: “Chúng ta được sinh ra để sống cho những gì cao quý hơn.

Nhờ sự đào tạo và hướng dẫn có đường lối cụ thể của Đức cha Cosma, nên nhìn chung các cha đều có tinh thần hiệp nhất tốt và dấn thân cho sứ vụ hết mình. Các cha đã giúp cho nhiều xứ đạo trở nên tốt lành và ổn định. Các nơi có các cha đến coi sóc không chỉ phát triển về cơ sở thờ phượng Chúa, mà giáo dân còn luôn được nhận lãnh các bí tích, giúp cho đời sống đạo của họ tốt lên nhiều, mọi người an tâm và tin cậy Chúa hơn. Nhờ thế mọi người không chỉ sống vui sống tốt, mà còn góp phần xây dựng được môi trường xã hội lành mạnh, các tệ nạn và hủ tục trong “luỹ tre làng” cũng giảm đi nhiều. Người nghèo và người đau khổ được quan tâm chăm sóc hơn… Nơi nào có cha coi sóc, nơi đó đời sống đạo của giáo dân phát triển và niềm vui gia tăng, “nơi nào có tu sĩ là nơi đó có niềm vui.” 

Trong tương lai, gần 150 cha sẽ có mặt trên khắp giáo phận. Có lần Đức cha nói với các cha được sai đi:

“Chúng ta nên nhớ lời thánh Phanxicô Xavier khuyên các linh mục: ‘là khách hành hương trên đời, chúng ta tìm được hạnh phúc nơi nào chúng ta phục vụ được Chúa hơn.’ Thánh Phanxicô de Sales cũng khuyên: ‘ Được gieo vào đâu, trổ hoa ở đó’. Chúa Giêsu thì kêu gọi: “Hãy đi” và trở thành một nguồn vui do Thiên Chúa khơi lên nơi chúng ta và qua chúng ta đến được với nhiều người.”[15]

Các cha đã và đang như những “chú lính chì dũng cảm ngụp lặn phưu lưu” để giúp cho bao người được hạnh phúc về phần hồn và phần xác. Nay giáo phận Bắc Ninh có số các cha được cho là mạnh nhất từ xưa đến nay, giáo phận sẽ hằng ngày dâng thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa, đồng thời cầu nguyện để xin Chúa tiếp tục xuống ơn cho con cái mình, và cũng góp phần giải quyết được biết bao vấn nạn cho con người nói chung, cho người tín hữu nói riêng.

Sống giản dị, thương yêu và giúp đỡ người nghèo khổ

Đối với bản thân mình, Đức cha Cosma luôn sống cách chuẩn mực của một tu sĩ Dòng Tên giống như gương thánh Inhã xưa: “Inhã thực sự trở nên vô danh, không tiền bạc, không vũ khí, không quyền lực. Ngài được tôi luyện bằng nghèo khó, nguy hiểm và sỉ nhục.”[16]  Và “Inhã ước ao chỉ cậy dựa vào Thiên Chúa, và muốn sống các nhân đức: mến, tin, cậy.[17] Nên khi nhìn vào đời sống thường ngày của Đức cha, tôi thấy ngài sống nghèo khó và giản dị từ lối sống cho đến ăn mặc, “đồ dùng càng đơn giản càng tốt” (ngài nói). Nhiều khi thấy đồ dùng của ngài cũ kỹ, tôi muốn “nâng cấp” cũng không được. Có lần ngài nói với tôi: “các cha triều muốn mua sắm cho cha thứ này đồ kia để dùng; nhưng cha là tu sĩ dòng, cha có lời khấn khó nghèo nên phải giữ đức khó nghèo.” Lối sống thanh bần giản dị của Đức cha cũng là tấm gương sáng giúp cho các cha và nhiều người tu trì được “đánh động” và noi theo, phần nào giảm bớt được xu hướng “sống vương giả” ở đâu đó đang diễn ra nơi người tu trì. Còn đối với mọi người thì ngài rộng rãi yêu thương chăm sóc và giúp đỡ… Tôi nhớ đến lời thánh Phaolô: “Đức Kitô vốn giàu sang phú quý, nhưng đã trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.”[18]  

Về đời sống vật chất cần thiết như ăn uống chẳng hạn, Đức cha sống hy sinh khắc khổ, ưu tiên cho sứ vụ là quan trọng nhất. Ngài thường nói: “Mình là người của Chúa, ăn để sống để làm việc cho Chúa, chứ không phải sống để ăn!” Khi Đức cha đến các xứ họ cũng như khi ở Toà Giám mục thì “có gì ăn nấy – có sao ăn vậy”, ngài không kêu ca hay đòi hỏi gì bao giờ. Đôi khi ngài còn nói đùa vui vui “bà cố nói có ăn là tốt rồi“, và cười. Nhiều khi đi làm việc Đức cha còn dặn các cha liên quan: “nếu cần phải ăn để làm việc thì cho ăn cơm bình thường, cỗ to lãng phí, vả lại xung quanh ta còn nhiều người nghèo đói.” Trong kỳ thuyên chuyển linh mục giáo phận năm 2009 ngài dặn các cha:

Việc ăn uống tốn kém làm cho giáo dân phải đóng góp, trong khi thường ngày phải tiết kiệm từng đồng, cũng nên tránh. Thánh Phao lô dạy “dù ăn, dù uống, hay bất cứ làm việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa… không tìm lợi ích riêng cho mình, nhưng cho nhiều người, để họ được cứu độ.”[19]

Từ khi về làm Giám mục Bắc Ninh (2008), Đức cha Cosma không chỉ lo việc điều hành giáo phận, hay lo việc mục vụ bí tích và giảng dạy, nhưng ngài còn để ý giúp đỡ chăm sóc người nghèo, người bệnh phong và đặc biệt là những người có hoàn cảnh đau khổ. Có người hỏi Đức cha rằng:

Trước kia, khi Đức cha còn là linh mục thì thường giúp đỡ người bệnh phong và người nghèo khổ. Nay làm giám mục rồi, Đức cha có còn tiếp tục giúp đỡ người nghèo khổ và người bệnh phong nữa không?” Ngài trả lời: “Tôi nguyện sẽ mãi là cánh tay nối dài của những tấm lòng nhân ái, để giúp đỡ các anh chị em đau khổ và thiếu thốn.

Nhìn cách Đức cha Cosma ứng xử trong công việc với những người làm việc với ngài, tôi thấy như hiện lên một nguyên tắc sống của thánh Augustinô: “Hiệp nhất trong những gì chính yếu, tự do trong những gì tùy phụ, bác ái trong hết mọi sự”. Đức cha luôn hiệp nhất với Giáo hội cũng như với các cha để phục vụ dân Chúa theo đường hướng chính yếu của Giáo hội. Và thường xuyên kêu gọi và củng cố sự hiệp nhất, trong thư gửi toàn thể dân Chúa giáo phận năm 2009 ngài viết: “Chúng ta hãy coi sự hiệp nhất trong Giáo Hội nói chung, trong hàng linh mục giáo phận nói riêng, là một giá trị cao quý hàng đầu.”[20]vv… Còn những gì tuỳ phụ thì ngài cho “trăm hoa đua nở” cho Giáo hội thêm phong phú,[21]và coi trọng sự hiệp nhất hơn là hợp lý. Bác ái trong hết mọi sự: Đức cha không chỉ sống bác ái với những người yêu mến ngài, bác ái với những người khiếm khuyết với ngài điều này điều khác, hay bái ái với người làm hỏng công việc chung. Nhưng ngài còn bác ái yêu thương đối với cả hạng “người xấu xa bền vững”. Trong thời gian Đức cha Cosma làm Giám mục giáo phận, tôi chứng kiến có những người xấu đối xử với ngài chẳng ra gì. Họ vu vạ và bịa đặt đủ mọi chuyện xấu cho ngài. Mặc dù những người xấu đó “đứng lì trên nẻo đường bất hảo” như vậy, nhưng vì tình thương tình bác ái ngài vẫn khuyên răn họ với lòng đầy kiên nhẫn. Nhiều khi ngài khuyên răn họ mãi không được thì nhờ các cha khuyên giúp, hoặc đành im lặng, có khi phải hy sinh “chịu trận” với họ nữa. Nhớ lại thánh Phaolô xưa: “Khi phục vụ Chúa, tôi đã hết lòng khiêm tốn, đã nhiều lần phải rơi lệ, đã gặp bao thử thách do những âm mưu…[22] Nay không biết những lần Đức cha bị người xấu “tấn công” thì ngài có phải rơi lệ nhiều không? Nhưng tôi chứng kiến những lời cầu nguyện rất thống thiết của ngài: “Lạy Cha chúng con ở trên Trời, hôm nay người ta lại chửi con!.. … …” Ngài không chỉ tha thứ cho người xấu đã hại mình, mà còn cầu nguyện cho họ và chờ đợi họ biến đổi, với hy vọng họ trở nên tốt. Chứng kiến cảnh đó, tôi nhớ đến câu của Đức Giáo hoàng Phanxicô: “Thiên Chúa không chọn làm sạch môi trường ngay, nhưng vì lòng thương xót mà Người chọn thời gian để cỏ lùng có thể được biến đổi”[23].

Mười lăm năm: một chặng đường “cháy hết mình” cho sứ vụ

Nói vui theo kiểu thơ của Nguyễn Du:

Những là rày ước mai ao,

Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình.

Nhưng những điều “rày ước mai ao” và “biết bao nhiêu tình” của Nguyễn Du trong câu thơ trên là đàng khác; Ở đây, Trước một sứ vụ quan trọng được ví như là một thập giá nặng tưởng chừng quá sức của mình, Đức cha Cosma đã phải tĩnh tâm cầu nguyện và dự liệu những kế hoạch cho giáo phận. Trong nhật ký mục tử vào lễ Suy Tôn Thánh Giá ngày 14 tháng 09 năm 2009, ngài viết:

Tôi sẽ xin các cha cùng suy nghĩ, cầu nguyện, thảo luận về bản dự phóng, để đi đến đồng tâm nhất trí về kế hoạch mục vụ… Lạy Chúa, xin cho con ‘làm mọi nỗ lực để phát triển cơ cấu của sự hiệp thông và tham dự, giúp lắng nghe Thánh Thần, Đấng đang sống và nói trong người tín hữu, để sau đó hướng dẫn họ thực hiện những điều mà Thánh Thần đã gợi lên vì lợi ích đích thực của Hội Thánh’ (PG 44).”[24]

Nên có thể nói rằng những rày ước mai ao của ngài là làm thế nào cho Tin mừng của Chúa được loan báo đến những nơi vùng sâu vùng xa của Giáo phận, để thêm nhiều người được biết Chúa, được Chúa cứu độ! Làm thế nào cho người nghèo được giúp đỡ, người đau khổ được ủi an, người tàn tật được chăm sóc! Làm thế nào để giáo dân hiệp nhất với Chúa với Giáo hội và sống hạnh phúc ngay từ gia đình của họ! Làm thế nào để các nơi có giáo dân được có thánh lễ mỗi ngày! Vv… Tôi đọc những dòng nhật ký mục tử của ngài và nhớ lại suốt 15 năm sứ vụ của Đức cha thì thấy biết bao nhiêu điều “rày ước mai ao” của ngài được thực hiện bằng những lời cầu nguyện, bằng những lời giảng dạy, bằng việc ban phát bí tích, bằng những việc làm cụ thể cho giáo phận mà không thể kể hết.

Trong khi đó trên đường mục vụ, nhiều khi Đức cha phải cố bước đi trong đau yếu của bệnh tật để làm việc, nhưng không bao giờ ngài kêu ca hay phàn nàn. Nhiều khi ngài phải đối mặt với nguy hiểm trong mỗi chuyến đi ở những vùng có địa bàn khó khăn hiểm trở, có khi phải cận kề với cái chết[25]. Mặc dầu hành trình sứ vụ có đầy gian nan vất vả, nhưng trên xe nhiều khi ngài vẫn hát rất khí thế:

Mang trong tim lửa yêu mến Giêsu, bước bước đi chân trời dẫu mịt mù… bao gian nguy chờ đón bước xông pha, niềm tin thắp sáng đất với trời mây bao la” (…) “Vượt dặm đường xa dẫu bao la bốn biển một nhà, vượt dặm đường xa đến với Cha muôn đời hoan ca.”[26]

Mười lăm năm Đức cha Cosma quản trị và điều hành giáo phận Chúa đã thương ban luôn được ổn định, nhìn chung mọi thành phần dân Chúa hiệp nhất và bình an. Đức cha luôn ban phát các bí tích và giảng dạy giúp cho giáo dân được thăng tiến về đời sống đạo đức, đồng thời nhiều cơ sở thờ phượng Chúa mở mang phát triển. Giáo phận Bắc Ninh nằm trên miền đất có số dân nghèo lớn, kinh tế của giáo dân còn nhiều o hẹp. Nên việc xây dựng cơ sở thờ phượng Chúa còn nhiều vất vả vì thiếu thốn, tại những điểm có thể phát triển thành giáo xứ sau này cần xây dựng cho đủ cho phù hợp, còn lại thì như các cụ thường nói  “giàu làm kép, hẹp làm đơn”, nơi ít giáo dân thì làm nhà nguyện nhỏ, nơi có nhiều giáo dân thì tuỳ kinh tế hiện có mà làm nhà thờ vừa hay lớn. Nhưng đối với Đức cha:“điều quan trọng hơn cả là có nơi có chốn để các cha dâng lễ cho giáo dân, để nuôi dưỡng đức tin của họ”, chứ không phải xây cho to cho hoành tráng mới là quan trọng. Hay mỗi khi giáo phận có thêm linh mục là Đức cha thuyên chuyển ngay các cha đến những họ đạo chưa có cha ở để phục vụ giáo dân; chứ không phải vì nơi đó là giáo xứ rồi mới đặt cha đến ở cùng, hay được “lên xứ” hay không “lên xứ” mới được có cha đến ở…

Suốt 15 năm giúp Đức cha Cosma đi làm mục vụ, tôi chứng kiến cách ngài xử lý công việc cách mềm dẻo mà thành công, không làm “mất mặt” những kẻ chống đối. Có những việc (viêc tốt lành khó nói) khi thực hiện thì gặp khó khăn từ nhiều phía, nhưng đối với Đức cha dù gặp khó khăn hay bị cấm cách thế nào đi chăng nữa, thì ngài cũng không bao giờ bỏ cuộc. Vả lại, ngài luôn suy tính và bàn hỏi với các cha có kinh nghiệm về việc đó, để tìm cách làm cho được công việc đã dự liệu cho giáo phận. Ngài thường nói: “Có những việc khó… đối đầu với họ chẳng có lợi gì cho giáo phận, vậy thì mình chẳng đối đầu làm gì, giống như khi đi đường gặp tảng đá to chắn lối mà ta không di dời được nó, thì ta vòng qua nó mà đi.[27] Nhiều lần và nhiều cách ngài xử lý mềm dẻo mà không gây ồn ào, được việc mà không gây căng thẳng, nhưng sinh lợi ích tốt cho giáo phận. Với Đức cha là cứ “cháy hết mình” cho sứ vụ, và luôn xác tín như câu Thánh vịnh ngài thường đọc: “Vâng, chính Chúa sẽ tặng ban phúc lộc và đất chúng ta trổ sinh hoa trái.”[28] Còn những lúc thi hành sứ vụ trong khó khăn nguy hiểm thì ngài hay nhắc đến lời thánh Gioan Bosco: “nếu đang khi thi hành sứ vụ mà anh em bị chết thì thật là phúc cho anh em”. Nhờ thế suốt hành trình giúp ngài trong sứ vụ, tôi luôn cảm nhận bình an và niềm vui, làm việc mà không sợ chết, vì “chết là một mối lợi[29] rồi.

Nét viên mãn trong tin yêu hy vọng và lời trăng trối

Trong một lần dâng lễ ở nhà hưu dưỡng linh mục của giáo phận tại Từ Phong (18/3/2023), Đức cha Cosma kể với các cha già:

Năm 20 tuổi con đi tu Dòng Tên, 28 tuổi con làm linh mục, 60 tuổi con được bổ nhiệm làm Giám mục Bắc Ninh. Và con chẳng bao giờ mơ làm được điều lớn lao to tát gì, mà chỉ lo làm việc bổn phận sao cho chu toàn và luôn tạ ơn Chúa, dẫu nhiều khó khăn. Con cứ tâm niệm Chúa ban cho con ‘tình thương và sự sống’ là tuyệt vời rồi.” Ngài còn nói phó thác kiểu vui vui: “còn ý định của Chúa thế nào thì kệ Chúa!…” “Chúa đối xử với con chẳng phải vì con tài giỏi gì, mà là Chúa thương con.”

Trong lễ truyền dầu ngày 04 tháng 04 năm 2023 tại nhà thờ giáo xứ Thái Nguyên, Đức cha nói:

Tôi cám ơn Chúa từ ba tháng nay, nay tôi mới được tham dự Thánh lễ như thế này. Trong suốt ba tháng bị đau yếu, tôi dâng lễ một mình, chứ không dám dâng lễ cho giáo dân, có lúc muốn dâng lễ cho giáo dân ở nhà thờ Chính toà nhưng đến phút chót thì không dâng lễ được, vì chân đau quá! Thưa với ông bà anh chị em là tôi bị đau chân, cho nên đứng khó khăn lắm. Tôi cũng cám ơn Chúa là tôi gần đến ngày tròn 75 tuổi. Tháng 6 này tôi được 75 tuổi, đến tuổi về hưu. Tôi đã viết đơn xin Đức Giáo hoàng: ‘đây là lần thứ ba con xin với Đức Giáo hoàng cho con về hưu’. Lần thứ nhất cách đây 10 năm rồi, lần thứ hai Đức Giáo hoàng cho Đức cha Giuse, đến lần này ‘xin Đức Giáo hoàng cho con được về nghỉ hưu’. Tôi không biết còn dịp nào gặp được cộng đoàn dân Chúa đông đảo thế này nữa hay không, để mà cảm tạ Chúa với toàn thể giáo phận?! Một lần nữa, tôi xin Đức cha Giuse và tất cả giáo phận cầu nguyện cho tôi, tạ ơn Chúa về thời gian tôi ở giáo phận, và xin lỗi Chúa về những điều thiếu sót. Xin Chúa cho tôi dù được sống hay chết thế nào thì tuỳ ý Chúa, tôi hoàn toàn phó dâng cho Chúa, vâng ý Cha dưới đất cũng như trên trời. Tôi thưa với quý ông bà anh chị em, như Đức cha Giuse biết rồi. Tôi dù là khó khăn về sức khoẻ nhưng tôi rất bình an. Tôi nhìn vào ngày được về hưu hay là ngày chết, có thể chết trước khi về hưu không chừng. Nhưng tôi nhìn vào với một tấm lòng: trước nhất là tạ ơn Chúa, thứ hai là xin Chúa tha thứ mọi tội lỗi, thứ ba cám ơn giáo phận cùng tất cả mọi người khắp nơi. Cách đặc biệt tôi cám ơn toàn thể giáo phận. Xin tất cả giáo phận tiếp tục cầu nguyện cho tôi khi còn sống cũng như khi đã qua đời. Và chúng ta hẹn gặp nhau trong cõi hằng sống, ở đó chúng ta sẽ ca ngợi Chúa muôn đời.”

Nghe những lời trăng trối của Đức cha Cosma, tôi nhớ tới lời thánh Phaolô: “Quê hương chúng ta ở trên Trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta.”[30]

Lời kết

Nhìn vào cuộc đời phục vụ giáo phận Bắc Ninh của Đức cha Cosma, tôi nhớ đến hình ảnh người đầy tớ tài giỏi và trung thành trong dụ ngôn những yến bạc được ông chủ trọng thưởng: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành… Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh![31] Một hình ảnh tuyệt vời!

Qua dấu ấn hành trình sứ vụ Đức cha Cosma đã thực hiện nơi giáo phận Bắc Ninh để vinh danh Thiên Chúa, để ơn cứu độ đến với mọi người. Tôi xác tín có bàn tay và trái tim đầy tình yêu thương của Thiên Chúa đang hoạt động đến từng ngõ ngách của giáo phận. Thiên Chúa đến yêu thương con người bằng trái tim của một giám mục, nhìn con người bằng đôi mắt của một giám mục, đến với con người bằng đôi chân của một giám mục, và phục vụ con người bằng đôi tay của một giám mục…

Ngợi ca chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời./.

Ghi dấu ngày Đức cha Cosma kết thúc sứ vụ:

17 tháng 6 năm 2023

Lâm Văn Trung

[1] Hoàng Văn Đạt, SJ, Tư liệu liên quan đến vị tử đạo Hoàng Thế Nhẫn, tr 9.

[2] Hoàng Văn Đạt, SJ, Tư liệu liên quan đến vị tử đạo Hoàng Thế Nhẫn, tr22.

[3] x. Bài Diễm Ca Đội Ơn Chúa Cả, Tư liệu liên quan đến vị tử đạo Hoàng Thế Nhẫn, tr31.

[4] x. Hoàng Văn Đạt, SJ, Tư liệu liên quan đến vị tử đạo Hoàng Thế Nhẫn, tr 9-15.

[5] Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ, Nhật Ký Mục Tử, q1, tr 9.

[6] Đau thần kinh tọa là một bệnh y khoa đặc thù bởi triệu chứng đau dọc xuống chân từ lưng dưới.

[7] Bài thánh ca GIÊSU Ở CÙNG CON tác giả Đại Hồng & Ngọc Thanh

[8] x.Lc 22, 24-27

[9] Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ, Nhật Ký Mục Tử, q1, tr 36.

[10] Về chuyện đón rước, cũng phải nói thêm về bối cảnh giáo phận Bắc Ninh ở giai đoạn nửa sau của kỷ 20: Giai đoạn này giáo dân nơi nhiều xứ đạo trong giáo phận bị xã hội ngăn cản cấm cách trong việc giữ đạo, bị gây khó đủ chuyện nên nhiều giáo dân ở nhiều nơi sợ hãi đến “mất tinh thần”. Giáo dân “co cụm” lại trong việc giữ đạo, thậm chí có nhiều người không dám nói mình là người có đạo. Vì thế việc đón rước xưa có thể nói: một mặt do lòng kính trọng các đấng bậc; mặt khác như để củng cố tinh thần cho giáo dân bớt sợ. Nên nhiều xứ đạo cũng đã có những tiền lệ đón rước linh đình “rùm beng” mỗi khi có Đức Giám mục hay một linh mục đến với họ. Thế nhưng việc đón rước này cũng gây ra bao phức tạp và tranh cãi từ nhiều phía. Khi Đức cha Cosma về coi sóc giáo phận thì ngài dẹp bỏ không đón rước rườm rà vô bổ mang tính ồn ào bề ngoài; nhưng để giáo dân dành thời giờ và sức khoẻ tập trung vào tham dự thánh lễ và các sinh hoạt phụng vụ cho sốt sắng. Cũng có nhiều thắc mắc nuối tiếc việc đón rước kiểu xưa này; nhưng Đức cha cương quyết dẹp, và ngài chỉ ra tình trạng cần thiết trong xã hội mỗi thời mỗi khác, đại ý rằng: “Thời Đức cha Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng (1963 – 1994) làm Giám mục Bắc Ninh thì chính quyền đòi Đức cha khi làm gì hay đi đâu đều phải xin phép, và khi được phép mới được đi…, nên thời Đức cha Tụng 31 năm làm giám mục Bắc Ninh mà chỉ 5 hay 7 lần đến được với mấy xứ họ. Thời Đức cha cố Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến (1994 – 2006) thì ngài phá cái lệ phép tắc ra để đến với giáo dân nơi các xứ họ, nhưng không ít lần bị ngăn cản cách này cách khác: hoặc là bị xét hỏi, hoặc bị cản đường, có khi bị phá cầu phao không cho qua sông, hay sách nhiễu giáo dân nơi có Đức Giám mục đến… Vì thế khi xưa giáo dân có tổ chức đón rước thì các đấng để cho đón rước, phần thì để họ lấy lại tinh thần cho khỏi sợ hãi, phần thì để cho vui…. Còn bây giờ đến thời Đức cha về làm Giám mục giáo phận thì không bị ngăn cản gì nhiều, nên chỉ lo chẳng có sức mà đi. Đức cha dẹp hết việc đón rước cồng kềnh hay kiểu tung hô để vinh danh cá nhân ngài, để tập trung sức lực và tinh thần cho giáo dân tham dự thánh lễ sao cho sốt sắng.”

[11] Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ, Nhật Ký Mục Tử, q1, tr 9.

[12] Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ, Nhật Ký Mục Tử, q1, tr 32, 35.

[13] Cũng xin nói thêm: khi đào tạo linh mục tu sĩ Đức cha rất kỹ, rất để ý đến vấn nạn xã hội thường gặp phải, hoặc yếu tố xấu của xã hội đang lây lan. Ngoài các chiều kích được đào tạo ra thì những người tu trì này còn phải tập nói năng sao cho rõ ràng / khúc chiết / dễ hiểu… để giúp cho người nghe hiểu được điều họ truyền đạt cách tốt nhất. Chẳng hạn khi Đức cha nghe thấy cha/thầy hoặc tu sĩ nào đó nói năng hay trình bày vấn đề gì mà câu cú-ngữ nghĩa không rõ ràng là ngài hỏi lại để sửa dạy ngay lập tức. Hay việc người tu trì cần phải tránh vấn đề – trào lưu liên quan dạng “văn hoá bẩn” và tránh “không để bị những thói quen thiếu lành mạnh lôi kéo.” (Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ, Nhật Ký Mục Tử, q1, tr 36.)  Hay như ở đâu đó khi ăn cỗ người ta hô “dô” (vô) ầm ĩ rồi uống rượu, vì ăn uống mà hô “dô” (vô)[13] ầm ĩ là kiểu ăn mừng của đám cướp xưa (Đây là điều ông N.Q.K nguyên trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Bắc Ninh – một nhà nghiên cứu văn hoá Việt trên nhiều lĩnh vực tìm ra và cho Đức cha biết. Ông tìm ra nguồn gốc từ “vô” mà người ta hay hô khi ăn uống (từ vô nhưng khi nói người ta thường nói thành “dô” theo kiểu phát âm người miền nam – ví dụ như: 2,3 dô (vô), 2, 3 uống!, hoặc hô dô (vô)…). Ông phát hiện ra nguồn gốc chuyện “dô” này là  kiểu ăn mừng của bọn ăn cướp xưa. Ông đến nói với Đức cha: “thưa cụ, em tìm ra kiểu “dô” (vô) này là kiểu hô của bọn ăn cướp xưa. Em thấy sợ quá, giờ cả nước mình người ta hay hô theo cách bọn ăn cướp rồi, ăn uống cứ dô (vô). Hay những chuyện dạng như con cái thì cầm chén rượu đến trước mặt bố nói huyên thiên sáo ngữ rồi ép bố phải uống rượu mới tha…).

[14] Năm 1549 linh mục Phêrô Kanis SJ (sinh 8.5.1521 tại Hà Lan và mất 21.12.1597 tại Thuỵ Sĩ) nhận sứ vụ đến Augsburg – miền nam nước Đức thì số tín hũu Công Giáo tại đây chỉ còn lại khoảng 10%, trên 90% đã bỏ Công Giáo theo Tin Lành. Nhưng sau 30 năm với nỗ lực của ngài: đi giảng dạy, đào tạo linh mục và mở trường dạy học… đã làm cho nhiều người trở lại Công Giáo, sau này số tín hữu Công Giáo ở đây đã tăng lên trên 90%/dân số.

[15] Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ, Nhật Ký Mục Tử, q1, tr 45.

[16] Hoàng Sóc Sơn, SJ, TỰ DO ĐỂ YÊU MẾN VÀ PHỤC VỤ, 2007, tr 230.

[17] Hoàng Sóc Sơn, SJ, TỰ DO ĐỂ YÊU MẾN VÀ PHỤC VỤ, 2007, tr 215.

[18] 2 Cr8, 9

[19] Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ, Nhật Ký Mục Tử, q1, tr 45.

[20] Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ, Nhật Ký Mục Tử, q1, tr 113.

[21] Ví dụ như việc dâng hoa xứ này không giống xứ kia, hay nhà thờ này xây kiểu này; nhà thờ kia xây kiểu khác… không cứ nhất thiết phải Gothic hay Baroque. Nhưng tuỳ vào khả năng và chọn lựa của mỗi nơi.

[22]  x. Cv 20, 19

[23] x.Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng của Đức Giáo hoàng Phanxicô, tr?

[24] Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ, Nhật Ký Mục Tử, q1, tr 9.

[25] Chẳng hạn một lần trên đường vùng núi ở Thái Nguyên, hôm đó trời mưa trơn trượt nên xe ôtô của Đức cha mất kiểm soát và đã đang trên đà lăn xuống vực sâu, may thay có một mỏm đá giữ xe lại. Sau đó ngài kể lại: “lúc đó thấy xe trôi đi như vậy cha nghĩ là mình hôm nay sẽ chết, và cha đã sẵn sàng chết”; nhưng ngài vẫn chẳng sợ gì: “đối với cha đang lúc thi hành sứ vụ chết cũng chẳng sao.”

[26] Bài Nghìn Trùng Biển Khơi, lời Đức cha Cosma, nhạc cha Thu SJ.

[27] Chẳng hạn như: giải quyết việc chính quyền đến khiếu nại việc kí quyết định lên xứ, việc phong chức linh mục cha Ngôn cha Thành cha Thắng tại nhà nguyện Toà Giám mục ngày 17 tháng 6 năm 2010, việc xây dựng nhà thờ nhiều nơi có khó khăn, hay điểm dâng lễ cho giáo dân xa nhà thờ tại các tư gia, hay nhiều trường hợp khác không tiện kể.

[28]  x.Tv 84,13.

[29] x. Pl 1, 21.

[30] Pl 3,20

[31] x.Mt 25, 20-2, hay Lc 19, 16-17.