Đức hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh và Hội Thánh Công giáo tại Trung Quốc
Đức hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh và Hội Thánh Công giáo tại Trung Quốc
WHĐ (02.02.2018) – Trong thời gian gần đây, mối quan hệ giữa Toà Thánh Vatican và Trung Quốc – hàm trong đó là nhiều vấn đề phức tạp của Hội Thánh Công giáo tại Trung Quốc, đang trở thành đề tài nóng trong thời sự Công giáo với nhiều thông tin và nhận định khác nhau. Để thấy rõ hướng đi của Toà Thánh, chúng tôi trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn Đức hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, do Trang tin điện tử Vatican Insider thực hiện.
***
– Kính thưa Đức hồng y, ngài có thể cho chúng tôi biết về cuộc đối thoại giữa Toà Thánh và Cộng hoà nhân dân Trung Quốc không?
– Như mọi người biết, cùng với sự xuất hiện của “Trung Quốc mới” là những thời điểm xung khắc nghiêm trọng và đau khổ nặng nề đối với đời sống của Hội Thánh trong đất nước vĩ đại này. Tuy nhiên, từ thập niên 1980, giữa các đại diện của Toà Thánh và Trung Quốc đã thiết lập những mối liên lạc, với những cung bậc khác nhau và những sự kiện thay đổi. Toà Thánh luôn duy trì cách tiếp cận mục vụ, cố gắng vượt qua những xung khắc và hướng đến cuộc đối thoại mang tính xây dựng và tôn trọng đối với chính quyền dân sự. Đức Bênêđictô XVI đã trình bày rõ tinh thần đối thoại này trong Thư gửi người Công giáo Trung Quốc năm 2007: “Việc giải quyết những vấn đề hiện nay không thể tiến hành bằng sự xung đột liên tục với chính quyền dân sự hợp pháp” (số 4). Dưới triều Đức Giáo hoàng Phanxicô, những cuộc thương thảo đang diễn ra hoàn toàn đi theo hướng này, đó là sự cởi mở trong đối thoại xây dựng và trung thành với Truyền thống nguyên tuyền của Hội Thánh.
– Đâu là những mong muốn cụ thể của Toà Thánh từ cuộc đối thoại này?
– Trước hết, tôi muốn nói điều này: tại Trung Quốc, có lẽ hơn nơi nào khác, cho dù có nhiều khó khăn và đau khổ, người Công giáo đã giữ được kho tàng đích thực của đức tin, kiên vững duy trì mối dây hiệp thông phẩm trật giữa các Giám mục và Đấng kế vị Thánh Phêrô, như sự bảo đảm hữu hình của đức tin. Thật vậy, sự hiệp thông giữa Giám mục Rôma và tất cả các Giám mục Công giáo là tâm điểm của sự hiệp nhất trong Hội Thánh, đây không phải là chuyện riêng tư giữa Đức Giáo hoàng và các Giám mục Trung Quốc, hay giữa Tông toà và các chính quyền dân sự. Hiểu như thế, mục đích chính của Toà Thánh trong cuộc đối thoại hiện nay rõ ràng là để bảo vệ sự hiệp thông trong Hội Thánh, trong sự trung thành với Truyền thống nguyên tuyền và kỷ luật Hội Thánh. Tại Trung Quốc, không có hai Hội Thánh nhưng là hai cộng đoàn tín hữu được kêu gọi bước đi trên đường hoà giải hướng tới sự hiệp nhất. Do đó, vấn đề không phải là duy trì sự xung đột kéo dài giữa những nguyên tắc và cơ cấu đối nghịch nhau, nhưng là tìm ra những giải pháp mục vụ thực tiễn, để người Công giáo có thể sống đức tin và cùng nhau tiếp tục công cuộc Phúc-Âm-hóa trong bối cảnh đặc thù của Trung Quốc.
– Sự hiệp thông mà Đức hồng y nói tới liên quan đến vấn đề tế nhị là việc bổ nhiệm các Giám mục, một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Liệu có thể có một thỏa thuận về vấn đề này không, để giải quyết cách tốt đẹp những vấn đề của Hội Thánh tại Trung Quốc?
– Toà Thánh biết và chia sẻ những đau khổ nặng nề mà nhiều người Công giáo tại Trung Quốc phải chịu đựng, cũng như chứng tá quảng đại của họ cho Tin Mừng. Toà Thánh biết có nhiều vấn đề trong đời sống Hội Thánh và không thể giải quyết cùng một lúc. Nhưng trong bối cảnh này, vấn đề bổ nhiệm các Giám mục là vấn đề then chốt. Đàng khác, chúng ta không được quên rằng sự tự do của Hội Thánh và việc bổ nhiệm các Giám mục luôn là những vấn đề chủ yếu trong quan hệ của Toà Thánh và các quốc gia. Dĩ nhiên con đường đã mở ra với Trung Quốc qua những tiếp xúc hiện nay là con đường tiệm tiến và còn nhiều biến cố không thể thấy trước, cũng như những khả thể mới. Không ai có thể nói theo lương tâm rằng họ có giải pháp tuyệt hảo cho mọi vấn đề. Cần có thời gian và sự kiên nhẫn để chữa lành nhiều thương tích cá nhân mà người ta gây ra cho nhau trong các cộng đoàn. Không may là chắc chắn sẽ vẫn còn đó những hiểu lầm, mệt mỏi và đau khổ. Thế nhưng tất cả chúng ta tin tưởng rằng, một khi vấn đề bổ nhiệm Giám mục được xem xét cách thích đáng, thì những khó khăn còn lại sẽ không còn nghiêm trọng đến độ ngăn cản người Công giáo Trung Quốc sống hiệp thông với nhau và với Đức Thánh Cha. Đây là điều quan trọng, đã được Thánh Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI mong chờ, ao ước từ lâu, và ngày nay được Đức Giáo hoàng Phanxicô tiếp nối với tầm nhìn xa.
– Vậy đâu là thái độ đúng đắn của Toà Thánh đối với chính quyền Trung Quốc?
– Cần khẳng định điều này, trong cuộc đối thoại với Trung Quốc, Toà Thánh theo đuổi mục đích thiêng liêng: hoàn toàn là người Công giáo, đồng thời là người Trung Quốc đích thực. Cách chân thành và thực tiễn, Hội Thánh không đòi hỏi điều gì khác hơn là được tuyên xưng đức tin cách thanh thản hơn, dứt khoát chấm dứt thời kỳ xung khắc kéo dài, tin tưởng nhau hơn và người Công giáo có thể đóng góp tích cực vào thiện ích của xã hội Trung Quốc.
Dĩ nhiên ngày nay nhiều vết thương vẫn còn đó. Để chữa trị, cần đến phương dược của lòng thương xót. Và nếu ai đó được yêu cầu chấp nhận một sự hi sinh, lớn hay nhỏ, thì rõ ràng đó không phải là cái giá phải trả trong một cuộc trao đổi chính trị, nhưng là trong viễn tượng của Phúc Âm, hướng đến thiện ích lớn hơn cho Hội Thánh Đức Kitô. Hi vọng là nếu Chúa muốn, trong Hội Thánh tại Trung Quốc, chúng ta sẽ không còn nói đến các Giám mục “hợp pháp” và “bất hợp pháp”, các Giám mục “chui” hoặc “chính thức”, nhưng là sự gặp gỡ của những người anh chị em, đang học lại ngôn ngữ của hiệp thông và cộng tác. Không sống trải nghiệm này thì làm sao Hội Thánh tại Trung Quốc có thể phát động lại hành trình Phúc-Âm-hóa và mang niềm an ủi của Chúa đến cho người khác? Nếu bạn không sẵn lòng tha thứ, điều đó có nghĩa là bạn còn có những lợi ích khác phải bảo vệ, và liệu điều đó có nằm trong viễn tượng Phúc Âm không?
– Nếu Toà Thánh có thái độ như thế, liệu có nguy cơ xóa bỏ những đau khổ phải chịu trong quá khứ cũng như hiện tại, bằng cách rũ bỏ trách nhiệm không?
– Ngược lại. Khi tưởng nhớ các vị tử đạo của mình, nhiều Kitô hữu Trung Quốc nhận ra rằng các vị tử đạo đã tựa nương vào Chúa, ngay trong bản tính mỏng dòn của con người. Ngày nay, cách thế tốt nhất để tôn vinh chứng tá này và làm cho chứng tá đó sinh hoa kết quả, là phó thác sự sống hiện tại của các cộng đoàn Công giáo tại Trung Quốc cho Chúa Giêsu. Nhưng điều đó không thể thực hiện cách thuần túy thiêng liêng và thiếu cụ thể. Điều đó được thực hiện bằng sự trung thành với Đấng kế vị Thánh Phêrô trong sự vâng phục hiếu thảo, kể cả khi mọi sự xem ra không rõ ràng và dễ hiểu ngay lập tức. Về câu hỏi của bạn, đây không phải là chuyện rũ bỏ trách nhiệm, không biết đến hoặc xóa bỏ con đường đau khổ của biết bao tín hữu và các vị chủ chăn, nhưng là đầu tư vốn nhân văn và thiêng liêng của biết bao thử thách đã trải qua để với sự trợ giúp của Thiên Chúa, xây dựng một tương lai huynh đệ và sáng sủa hơn. Thần Khí cho đến nay đã giữ gìn đức tin của người Công giáo Trung Quốc, cũng là Đấng ngày nay nâng đỡ họ trên con đường mới mà họ bắt đầu lại.
– Có lời khuyên hoặc yêu cầu cụ thể nào mà Tông Toà muốn gửi đến tín hữu Trung Quốc vào thời điểm này? Với những người cảm thấy hạnh phúc trước những phát triển mới, và với những người cảm thấy hoang mang hoặc chống đối?
– Tôi muốn nói cách đơn sơ và rõ ràng rằng Hội Thánh không bao giờ quên những thử thách và đau khổ trong quá khứ cũng như hiện tại của người Công giáo Trung Quốc. Tất cả những điều đó là kho tàng quý báu cho Hội Thánh phổ quát. Vì thế trong tình huynh đệ, tôi muốn nói với người Công giáo Trung Quốc rằng: chúng tôi ở gần với anh chị em, không những trong lời cầu nguyện nhưng cả trong những nỗ lực hằng ngày để đồng hành và nâng đỡ anh chị em trên con đường tiến tới sự hiệp thông trọn vẹn. Do đó chúng tôi xin anh chị em, đừng ai gắn chặt vào thái độ chống đối để lên án anh em mình, hoặc dùng quá khứ để biện minh cho việc khơi lên sự phẫn nộ và khép kín. Ngược lại, chúng tôi hi vọng mỗi người trong anh chị em sẽ tin tưởng nhìn vào tương lai của Hội Thánh, vượt trên bất cứ giới hạn nào của con người.
– Kính thưa Đức hồng y, ngài có thật sự tin tưởng rằng điều đó có thể xảy ra? Ngài dựa vào đâu để tin tưởng như thế?
– Tôi xác tín một điều. Sự tin tưởng không phải là kết quả của sức mạnh ngoại giao hay thường thảo, nhưng dựa vào Chúa là Đấng hướng dẫn lịch sử. Chúng tôi tin rằng các tín hữu Trung Quốc, nhờ cảm thức đức tin, sẽ nhận ra những hoạt động của Toà Thánh được linh hoạt nhờ niềm tín thác vào Chúa, chứ không theo những lập luận thế gian. Điều này đặc biệt cần thiết đối với các mục tử trong việc giúp các tín hữu đón nhận sự hướng dẫn của Đức Thánh Cha như điểm quy chiếu chắc chắn để thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa trong hoàn cảnh hiện tại.
– Đức Giáo hoàng có biết đến những việc mà các cộng sự viên của ngài làm trong những cuộc tiếp xúc với chính phủ Trung Quốc không?
– Có chứ, Đức Thánh Cha theo dõi những cuộc tiếp xúc với chính quyền Cộng hoà nhân dân Trung Quốc. Tất cả các cộng sự viên đều làm việc hài hoà với ngài. Không ai theo sáng kiến riêng cả. Nói thẳng thắn thì bất cứ lý luận nào khác, đối với tôi, đều là không thích hợp.
– Trong thời gian gần đây, ngay trong lòng Hội Thánh, đã có những phê phán về cách tiếp cận của Toà Thánh trong cuộc đối thoại với chính quyền Trung Quốc, một số người cho rằng Toà Thánh phải “đầu hàng” vì những lý do chính trị. Đức hồng y nghĩ sao?
– Trước hết, tôi nghĩ rằng trong Hội Thánh, hoàn toàn có quyền bất đồng và đưa ra những phê phán của mình, và Toà Thánh có bổn phận phải lắng nghe, lượng giá cách cẩn trọng. Tôi cũng xác tín rằng, giữa các Kitô hữu, việc phê bình nên hướng đến chỗ xây dựng sự hiệp thông chứ không phải để gây chia rẽ. Cũng xin nói thẳng với bạn thế này: tôi cũng xác tín rằng một phần những đau khổ mà Hội Thánh tại Trung Quốc đã trải nghiệm, không phát xuất từ ý muốn của những cá nhân nhưng do sự phức tạp khách quan của hoàn cảnh. Vì thế, sẽ là điều hợp pháp nếu có những cách nhìn khác nhau về cách giải quyết những vấn đề của quá khứ và hiện tại. Điều đó hoàn toàn hợp lý. Hiểu như thế, tôi nghĩ rằng không có quan điểm cá nhân nào có thể được xem như là độc quyền giải thích về điều gì là tốt cho người Công giáo Trung Quốc. Do đó Toà Thánh làm việc để tìm ra một tổng hợp giữa chân lý và cách thế thực hành, nhằm đáp lại những mong đợi hợp pháp nhất của người tín hữu, ở trong cũng như ở ngoài Trung Quốc. Cần có sự khiêm tốn và tinh thần đức tin để cùng nhau khám phá chương trình của Thiên Chúa dành cho Hội Thánh tại Trung Quốc. Mọi người cũng cần cẩn trọng và điềm tĩnh để không rơi vào những cuộc bút chiến vô bổ, làm tổn thương sự hiệp thông và tước mất niềm hi vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.
– Đức hồng y nói thế, nghĩa là sao?
– Tôi muốn nói rằng tất cả chúng ta đều được kêu gọi phải phân biệt cách thích đáng chiều kích thiêng liêng và mục vụ với chuyện chính trị. Chẳng hạn, hãy bắt đầu với những từ ngữ chúng ta sử dụng hằng ngày. Những cách diễn tả như quyền lực, sự phản bội, sự chống đối, đầu hàng, đối đầu, thất bại, thỏa hiệp, nên nhường chỗ cho những cách diễn tả khác như phục vụ, đối thoại, thương xót, tha thứ, hoà giải, hợp tác, hiệp thông. Nếu bạn không sẵn sàng thay đổi cách tiếp cận này thì sẽ có vấn đề nghiêm trọng là suy nghĩ và hành động thuần túy trên bình diện chính trị. Theo đó, Toà Thánh hi vọng mọi người sẽ có sự sám hối mục vụ chân thành, được truyền cảm hứng từ Phúc Âm của lòng thương xót, để biết đón nhận nhau như những người anh chị em như Đức Giáo hoàng Phanxicô thường xuyên kêu gọi.
– Đức hồng y muốn nói gì với các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày nay?
– Về điều này, tôi muốn nhắc lại lời của Đức Bênêđictô XVI trong Thư gửi người Công giáo Trung Quốc. Ngài dạy rằng sứ vụ đặc thù của Hội Thánh không phải là thay đổi cơ cấu hay sự điều hành của Nhà nước, nhưng là công bố cho nhân loại biết Đức Kitô, Đấng Cứu độ loài người, dựa trên quyền năng của Thiên Chúa. Hội Thánh tại Trung Quốc không muốn thay thế Nhà nước nhưng muốn góp phần tích cực và trong sáng vào thiện ích của mọi người. Vì thế, sứ điệp của Toà Thánh là sứ điệp của thiện chí, với niềm hi vọng tiếp tục cuộc đối thoại để góp phần vào đời sống của Hội Thánh Công giáo tại Trung Quốc, vào thiện ích của nhân dân Trung Quốc và hoà bình thế giới. ■
Chuyển ngữ: Văn phòng HĐGMVN
Nguồn: WHĐ