Khi Con là Cha
“Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ” (Lc 15,32).
Sau khi nghe câu nói của cha, anh tức tối, quăng cái cuốc đang vác trên vai xuống đất, hùng hục trở về phòng. Bao nhiêu sự tức giận, anh trút lên cánh cửa: “RẦM!” một tiếng động chát chúa vang lên, khiến tất cả mọi người trong nhà từ gia nhân đang chuẩn bị bữa tiệc, đến thằng em trai đang đứng chờ anh và đến cả người cha già đều phải giật mình, đưa mắt nhìn theo. Thả mình xuống chiếc ghế gỗ trong góc phòng, anh nắm chặt hai bàn tay lại với đầy sự tức giận, từng dòng gân xanh thi nhau nổi lên trên cánh tay ngăm đen, chai sạn. Vừa mới đi làm về, cơ thể anh mệt mỏi rã rời, mồ hôi đầm đìa ướt nhẹp hết cả quần áo, lại nghe được câu nói của cha: “Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ vì em con…”. Anh không thể hiểu được người cha già của anh, tại sao cha lại bất công như vậy? Trong khi anh ngay từ nhỏ đã phải vất vả phơi nắng tắm sương để phụ cha làm việc, còn thằng em thì sao, nó chẳng phải làm một công việc nào hết. Việc duy nhất nó biết làm đó là ăn chơi và đàng điếm. Vậy mà: “Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ …”. Anh không thể vui vẻ được, anh không muốn chịu sự bất công này nữa. Anh sẽ ra đi, sẽ làm tất cả những gì anh muốn, và hưởng tất cả những gì anh làm ra. Nghĩ là làm ngay, anh ngồi bật dậy, thu dọn quần áo và một ít tiền dành dụm được cho vào ba lô. Mặc kệ sự nài nỉ của cha, anh cũng chẳng để tâm đến ánh mắt buồn bã của ông. Với lòng quyết tâm, anh ngẩng cao đầu, hướng mắt nhìn thẳng tự tin sải bước ra đi.
Không giống như thằng em sống hoang phí, anh rất chăm chỉ làm việc. Với kinh nghiệm lâu năm làm việc cho cha, cùng với sự tích góp của bản thân, anh nhanh chóng có được một ngôi nhà nhỏ, một mảnh vườn riêng cùng với người vợ và một mầm sống đang dần lớn lên trong bụng vợ. Anh chẳng có tài sản kếch xù như cha mình, nhưng cuộc sống của gia đình nhỏ cũng khá đầy đủ, ấm êm và hạnh phúc.
Nhiều năm trôi qua, anh mải mê với công việc, chăm lo cho cuộc sống của gia đình nhỏ và cậu con trai. Hình ảnh người cha già cùng thằng em ngỗ ngược dần phai mờ trong tâm trí anh. Nhưng rồi, cho đến một ngày, khi trời đã xế chiều, mặt trời đã lăn dần xuống chân núi, anh mệt mỏi vác cuốc trên vai bước về nhà. Vừa đến đầu ngõ, đã thấy vợ hớt hải chạy ra:
– Anh ơi … anh ơi… Vợ anh ấp úng mãi chẳng nói lên lời.
Anh nhẹ nhàng đặt chiếc cuốc trên vai xuống, đưa hai tay giữ lấy vai vợ trấn an:
– Có chuyện gì vậy? Em cứ bình tĩnh, nói từ từ thôi.
Vợ anh lấy tay lau đi dòng nước trên gò má, nhắm chặt mắt lại, hít thở thật sâu, rồi nghẹn ngào nói trong nước mắt:
– Con bỏ đi rồi anh ơi.
Vừa hết câu, vợ anh lại òa lên nức nở. Anh thì vẫn chưa hiểu chuyện gì.
– Là sao? Em nói gì, anh chẳng hiểu.
Vợ anh một lần nữa mím môi chặt đôi môi lại, nuốt nước miếng nghẹn ở cổ rồi nói:
– Anh về nhà đi rồi sẽ hiểu.
Không biết nhà đã xảy ra chuyện gì, tim anh đập thình thịch, trong lòng không khỏi bồn chồn lo lắng. Bước chân anh bỗng trở nên nặng nề, anh muốn về nhà thật nhanh để xem có chuyện gì, nhưng không hiểu sao có chút gì đó khiến anh lo sợ không muốn về. Vừa vào đến nhà, anh đứng chôn chân khi chứng kiến cảnh tượng tan hoang nơi căn phòng ngủ của hai vợ chồng: chăn gối bị lật tung, đồ đạc trong phòng lộn xộn như vừa trải qua một cơn lốc xoáy. Anh vội chạy sang phòng của con trai. Trời đất như tối sầm lại, anh choáng váng, hơi thở anh dồn dập đứt quãng, lồng ngực anh đau nhói như bị ai đó bóp nghẹt. Căn phòng ngược lại hoàn toàn với phòng của anh, trống trơn, không còn một thứ gì, tất cả đồ đạc đều đã được thu dọn hết. Bỗng nhiên đầu gối anh không còn đủ sức chống đỡ cơ thể, anh khụy xuống.
Thằng con duy nhất của anh biến mất cùng tất cả tài sản anh tích góp. Anh chẳng tiếc số tiền cả đời dành dụm, nhưng điều anh lo hơn cả là cậu con trai chưa tròn 20 của mình. Đối với anh, nó còn quá nhỏ, chưa hiểu sự đời. Thương con còn bé, anh luôn cố gắng làm tất cả, chẳng để con phải làm việc gì. Với anh, chỉ cần cậu con trai luôn vui cười, sống hạnh phúc là được. Còn phần mình, có vất vả thế nào anh cũng chịu được. Bởi thế, anh không biết ai sẽ nấu cơm cho nó ăn? Ai sẽ dọn giường cho nó ngủ? Ai sẽ nhắc nó mặc áo ấm khi trời lạnh? Khi gặp sự khó, ai sẽ chỉ bảo cho nó? … Rồi nó sẽ sống ra sao khi không có anh bên cạnh? Hàng loạt câu hỏi hiện đến cùng một lúc khiến anh suy sụp, đau đớn.
Anh cùng vợ chạy đi khắp mọi nơi mà con anh có thể đến. Anh đến trường học, thầy cô chẳng thấy nó. Anh tìm đến bạn bè, chẳng ai biết nó đi đâu. Anh đến những nơi vui chơi, quán sá cũng không tìm được. Anh nhờ tất cả những ai thân quen tìm kiếm giúp. Suốt mấy ngày liền anh đi hết đường lớn này đến ngõ nhỏ khác, anh làm đủ mọi cách chỉ với hy vọng thấy được bóng dáng con ở đâu đó. Nhưng đáp lại, chỉ là sự thất vọng.
Anh tự trách bản thân là một người cha tệ bạc, không lo được cho con tốt hơn, khiến con phải bỏ đi. Anh chẳng còn tâm trí làm ăn. Cỏ thì mọc tốt um ngoài vườn, bò dê thì đói khát. Anh trở nên như người mất hồn.
Từ ngày cậu con trai bỏ đi, cổng nhà anh chẳng bao giờ khóa, cánh cửa nhà luôn mở toang và thắp đèn sáng trưng. Ai đi qua cũng đều nhìn thấy anh buồn rầu, đờ đẫn trên cái chõng tre bên hiên nhà, nhìn xa xăm hướng ra đường lớn, như chờ đợi một điều gì đó. Nhiều ngày tháng trôi qua, cơ thể anh ngày càng ốm yếu, mái tóc xanh ngày nào giờ đã điểm những sợi bạc. Những nếp nhăn trên trán ngày càng hằn lên rõ hơn, mắt anh thì mờ dần vì mòn mỏi trông ngóng.
Nhưng một ngày kia, mắt anh chợt mở to, bừng sáng. Khi anh thấy ở phía xa xa có một dáng hình thân thương, quen thuộc. Con anh đang về! Anh bật phắt dậy để nhìn rõ hơn. Đúng rồi, con anh kia rồi! Nó đang lê từng bước chân thật mệt mỏi và e dè. Chẳng hiểu sao bỗng nhiên cơ thể anh như tràn đầy sức sống, đầu gối anh trở nên linh hoạt, đôi chân như có thêm nguồn lực vô hình nào đó, chẳng còn thấy mệt nhọc đau đớn nữa, anh chạy thật nhanh tới ôm nó. Đôi tay chai sạn của anh gồng lên, ghì chặt con vào lòng mình như để thỏa nỗi nhớ . Cổ họng anh nghèn nghẹn như có gì đó chắn ngang, mặc kệ sự khó chịu ấy, đôi môi anh giãn ra mỉm cười hạnh phúc. Mãi một lúc sau, anh buông con ra, tay anh sờ nắn khắp người nó, sung sướng ngước đôi mắt đang dần nhòe đi hướng lên trời.
– Con xin cha …
Con anh mới mở miệng ra, chưa kịp nói hết câu, anh đã vội hướng vào nhà, gọi vọng thật to:
– Mình ơi, con về rồi. Chúng ta phải ăn mừng.
Chợt anh thấy giây phút này sao quen quá. Bao nhiêu hình ảnh nhập nhòe, đứt quãng hiện lên trong tâm trí anh. Anh nhớ tới người cha già nhiều năm về trước đã nói với anh: “Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ vì em con đã mất mà nay tìm thấy, đã chết mà nay sống lại” (Lc15, 32).
Và cũng đã lâu lắm rồi anh chưa về thăm cha …
Cóc Hoa