Mùa Chay, mùa gặp gỡ tha nhân
Sau khi kể cho người thông luật dụ ngôn Người Samari tốt lành, Chúa Giêsu đã bảo ông ấy: “Ông hãy đi, và thực thi lòng thương xót với người khác” (Lc 10,37). Chúa Giêsu đã chỉ cho biết ai mới thực sự là người thân cận của mình. Câu nói của Chúa Giêsu phần nào đã và đang thúc đẩy tôi đến với những người nghèo khó, yếu đau, bệnh tật, đến với những gia đình gặp khó khăn. Hành trình ra đi ấy đã để lại cho tôi nhiều cảm xúc, suy nghĩ và thao thức trong tâm hồn.
Trong những buổi sáng Chúa Nhật và dịp đặc biệt, chúng tôi được đến thăm những gia đình gặp khó khăn, những người cao tuổi, đau yếu, bệnh tật. Điều đầu tiên làm cho chúng tôi vui mừng là sự đón tiếp nhiệt tình từ nơi họ. Họ gạt bỏ đi những gì là mặc cảm về hoàn cảnh, bệnh tật, xa lạ hay tôn giáo (mặc dù họ không cùng niềm tin Kitô giáo) để tiếp đón chúng tôi. Chúng tôi bắt đầu tiếp xúc với họ bằng những lời chào và hỏi thăm sức khỏe. Chúng tôi hỏi thăm gia đình, công việc, những khó khăn mà họ đang vướng mắc trong cuộc sống hàng ngày. Có người chia sẻ đời mình trong những câu chuyện, những kỷ niệm vui vẻ. Cũng có những người chia sẻ hòa cùng những giọt nước mắt bởi những đau khổ mà cuộc đời họ gặp phải như: suy nghĩ chậm phát triển từ nhỏ, vôi hóa xương khớp, bại liệt nửa người hoặc đau đớn một phần nào của cơ thể, khiến họ không thể làm việc hay hoạt động như một người bình thường…
Những lời chia sẻ thân tình ấy đã gợi cho tôi những suy nghĩ, những câu hỏi hoặc về những lời than trách Ông Trời (Tạo Hóa) của họ. Tại sao Tạo Hóa lại để cho họ phải chịu những cơn đau ấy? Phải chăng Tạo Hóa lại bất công với họ? Có lẽ đôi khi họ cũng cảm thấy buồn bã và mặc cảm về những cơn đau đớn mà bản thân phải gánh chịu hay những gánh nặng của mình cho gia đình, người thân, xã hội. Họ hướng ra bên ngoài để thấy được sự nhộn nhịp của cuộc sống, sự tươi đẹp của đất trời. Họ ao ước mình cũng được lành lặn để được hòa mình vào thế giới ấy. Thế nhưng, bệnh tật vẫn cứ đeo bám họ. Bệnh tật đe dọa sự sống của họ từng giây phút. Nó làm cho họ có khi mất hết hy vọng, niềm vui và niềm tin vào cuộc sống.
Đối với một số người, bệnh tật còn kinh khủng hơn cả cái chết, vì có cứ đằng đẵng kéo dài như thể muốn trêu ghẹo, giỡn đùa với họ, khiến họ phải mệt mỏi, chịu đựng. Bệnh tật còn làm vơi đi bao tiền của mà chẳng chịu xa rời. Có lẽ chẳng mấy người bệnh còn tâm trí và tỉnh táo để suy tư về bệnh tật trên thân xác mình. Nhưng kỳ thực, tôi nghĩ bệnh tật có thể nói với chúng ta nhiều điều. Nó nhắc nhở chúng ta về thân phận thụ tạo mỏng giòn của mình, rằng con người là loài được dựng nên từ cát bụi, và phải chịu cảnh hư nát. Bệnh tật sẽ đập tan hết tất cả những ngạo nghễ, những kiêu căng mà mình ấp ủ trong lòng. Nó như muốn nói với chúng ta rằng công danh, quyền lực, tiền của, dù có khi là rất cần thiết cho cuộc sống, vẫn sẽ chẳng là gì khi thân xác mình đang chịu sự đọa đày của thời gian. Thân phận con người là thế đó, “sinh, lão, bệnh, tử”.
Con người không phải là Tạo Hóa. Con người không là chủ nhân của sự sống mà mình đang thụ hưởng. Con người cũng không là tác giả của thân xác mà mình đang có đây. Nên thay vì tự phong cho mình quyền bá chủ, con người hãy khiêm tốn nhìn nhận thân phận thấp bé của mình, để mở lòng và ngửa tay xin ơn cứu độ từ Thiên Chúa – Đấng làm chủ vạn vật. Bệnh tật khiến con người khiêm nhường hơn, vì nó tỏ cho thấy mình thật nhỏ bé, và có khi nó khiến chúng ta phải suy nghĩ lại về điểm tựa mà mình đang bám víu trên cõi đời này. Thân xác mà Thiên Chúa ban cho chúng ta hiển nhiên không phải là một hình nộm chẳng có giá trị gì, bởi chính Thiên Chúa cũng muốn mình có một thân xác như thế khi xuống thế làm người. Ngôi Hai vốn vô hình, nhưng đã trở nên hữu hình chính nhờ thân xác. Thân xác của Ngài cũng biết đau khi bị người ta đánh; khi làn da bị xé toạt thì dòng máu bên trong cũng chảy ra; khi mũi đinh đâm vào thì toàn thân như mất đi sức sống; và khi các bộ phận quan trọng bị tổn thương và không thể hoạt động được nữa thì Ngài cũng gục đầu xuống trút hơi. Chúa Giêsu cũng chịu đau đớn không chút kêu la, nhưng Ngài phó thác mọi cơn đau cho Thiên Chúa với sự vâng phục tuyệt đối.
Thân xác của Chúa Giêsu cũng giống như những thân xác của bao con người khác trên trần gian này. Thế nhưng, vì là thân phận Thiên Chúa, nên Ngài đã thánh hóa tất cả mọi nỗi đau đớn trên trái đất này. Chỉ cần chúng ta kết hợp với Ngài, những thiệt thòi mà con người chịu trong cơn tật bệnh cũng trở nên một của lễ thật tinh tuyền và đáng giá biết bao.Cứ mỗi khi có cơn đau như muốn giết chết mình kéo đến, chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta nghĩ đến những cơn đau mà Chúa đã chịu trong cuộc thương khó vì tội lỗi của chúng ta. Nghĩ về Chúa, cơn bệnh chẳng những không làm chúng ta sợ hãi, mà có khi còn là dịp để chúng ta lập công phúc, cầu nguyện cho chính chúng ta, cho người thân, và có khi là đền bù lại những lầm lỗi mà chúng ta đã gây ra như lời của Thánh Phao lô đã nói : “Một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người”(Rm 8,17). Bởi thế, cơn đau của bệnh tật có thể làm chúng ta khó chịu, những nhức nhối có thể làm mỏi mệt, nhưng chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta có cái nhìn thiêng liêng về những điều bất trắc ấy.
Trước khi chia tay ra về, chúng tôi cũng gửi lời chúc đến gia đình, nhất là những người bệnh ốm đau. Mặc dù họ không tin Chúa, nhưng chúng tôi chỉ nguyện ước thầm xin cho họ cũng biết kết hợp những đau đớn của mình với cuộc khổ hình với Chúa Giêsu. Nhờ đó họ có thể vui mừng và vững tin hơn trên hành trình cuộc sống với con cháu và gia đình. Từ những điều giản dị, lời hỏi thăm, câu khích lệ của chúng tôi, mặc dù không lớn lao nhưng cũng là một phần nào đấy thể hiện lòng “yêu mến và thương xót” để chúng tôi có thể đến với những người nghèo khó, là “thân nhân”, là “anh chị em tôi”. Bởi vì, con đường Thập Giá mà Chúa Giêsu muốn chúng ta “vác đi hàng ngày” là con đường đòi hỏi bản thân phải dũng cảm dấn thân, tiến tới, đương đầu, đón nhận, chứ không phải con đường của thoái lui trốn tránh, sợ hãi và mặc cảm. Những ai không dám “gánh” lấy cuộc đời mình thì thật không xứng đáng với Đức Giêsu và cũng chẳng đáng hưởng hạnh phúc đời đời.
Giuse Tan Vào Nắng