Nam Viên: 100 năm hình thành và phát triển
- GIỚI THIỆU
Một xứ thanh bình giữa núi sông
Vui sống quanh năm với ruộng đồng
Nam Viên miền đất thấm tình Chúa
Nhân chứng ngàn đời vẫn tín trung.
(Video)
Nam Viên, một ngôi làng nhỏ cách thành phố Bắc Ninh chừng 7 cây số, được thành lập từ những năm 1916. Mặc dù dân số chỉ khoảng hơn 800 người nhưng Nam Viên vẫn duy trì được nhiều sinh hoạt truyền thống văn hóa của dân tộc.
Được biết, vào năm 1916, ông bà Đỗ Đình Tiến (con thứ hai của ông Đỗ Đình Thuật, một nhà giàu có lúc bấy giờ), quê ở Hà Đông đã chiêu mộ những người tín hữu ở Cổ Ra, huyện Nam Trực, Nam Định lên vùng đất Nội Viên (tức là Nam Viên ngày nay) để mưu sinh. Trong quá trình lập nghiệp, các sinh hoạt tôn giáo vẫn được duy trì. Qua nhiều biến cố thăng trầm của đời sống, với đức tin lớn mạnh của người dân nơi đây, giáo xứ Nam Viên được dần hình thành và phát triển.
- LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN
- Lịch sử hình thành Giáo xứ
Sau gần 100 năm tồn tại và phát triển, xứ họ Nam Viên đã để lại một lịch sử hào hùng, một truyền thống đức tin vững chắc.
Vào những năm 1916-1917, cụ Đỗ Đình Thuật, tự là cụ Đỗ Thống, cho con trai mình là ông Vũ Đình Tiến quản lý vùng đất Nội Viên để lập ấp. Ông Tiến thấy mình cần tìm thêm nhân lực lao động, liền phái ông Vũ Đình Tuần về quê tìm người đến canh tác. Ông Tuần là người ở họ Cầu Chanh, giáo xứ Cổ Ra, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, làm quản ấp cho cụ Đỗ Thống ở đồn điền Tam Lộng (nay thuộc xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Theo ý của chủ, ông Tuần kêu gọi những người Công giáo ở quê. Nhiều người đã lên đường để tìm kiếm cơ hội phát triển kinh tế. Trên thực tế, những người này không đến đây cùng một lúc nhưng theo nhiều đợt khác nhau. Mỗi gia đình lúc ấy được chủ giao cho bảy mẫu ruộng và một con trâu cày để canh tác đất đai. Theo cụ trùm Antôn Vũ Đình Thảo, một người già lão trong làng, còn nhớ được rằng cho đến năm 1920, có tất cả 30 gia đình từ Nam Định đến vùng đất này để lập ấp. Trong thời gian đầu, bà con nơi đây gặp nhiều khó khăn, một phần vì thiếu nhân lực canh tác, một phần lại do thời tiết không ưu đãi.
Mặc dù giai đoạn đầu lập nghiệp gặp phải nhiều khó khăn về đời sống cũng như thời tiết khí hậu, bổn đạo nơi đây vẫn ý thức việc gìn giữ truyền thống đạo đức và đức tin. Trong thời gian chưa có nhà thờ, bà con duy trì việc đọc kinh cầu nguyện tại các gia đình.
Đến năm 1934, với sự giúp đỡ của ông bà chủ Đỗ Đình Tiến, ngôi nhà thờ đầu tiên đã được xây dựng và tọa lạc ngay vị trí của ngôi nhà thờ hiện nay. Nhà thờ đầu tiên này có bề dài 16 mét, bề rộng 6 mét 60, và bề cao cũng là 6 mét. Nhà thờ khi ấy chỉ có 4 gian với 4 cột vuông, có 2 cột tròn bằng gỗ, và được lợp bằng ngói Satic. Với diện tích 105 mét vuông, quay về phía Nam, nhà thờ đón được khí hậu mát mẻ vào mùa hè; đồng thời giữ được sự ấm áp khi mùa đông về. Sau khi xây dựng ngôi nhà thờ đầu tiên, ông bà chủ cho đặt các tượng ảnh trang trí để giáo hữu cùng cầu nguyện.
Với con số giáo dân ít ỏi, Ban Hành Giáo họ Nội Viên lúc ấy chỉ vỏn vẹn có một ông trùm và một ông quản giáo. Tuy nhiên, đời sống đạo đức của bà con được duy trì với những sinh hoạt đáng lưu ý. Ngoài việc đọc kinh hằng ngày, giáo dân nơi đây còn lập được đoàn dâng hoa kính Đức Mẹ, hội trống, thanh la, não bạt, tiêu cổ và cả đội bát âm. Tất cả các đội này đều phục vụ rất nhiệt tình trong các ngày lễ. Nhờ đó, các ngày lễ ở đây được thêm phần sốt sáng.
Dù chỉ là một nhóm người nhỏ lẻ, chưa thuộc một xứ nào, nhưng bổn đạo lúc ấy vẫn lo liệu để có thể tham dự thánh lễ. Hàng năm, bà con vẫn thỉnh thoảng mời cha về dâng lễ, nhất là vào những dịp lễ trọng. Những lúc không mời được cha, giáo dân họ đạo này lại nắm cơm làm hành trang lên đường lội bộ nhiều cây số đến những giáo xứ gần đó để có thể dự lễ. Mặc cho việc đi lại gặp biết bao khó khăn, nhưng lòng sùng đạo và yêu mến Chúa đã giúp bà con giáo dân nơi đây vượt qua.
(Video: Một thoáng Nam Viên)
Đến đây, thiết tưởng, chúng ta cũng cần nhìn lại đôi chút về tên gọi Nam Viên ngày nay. Trước năm 1945, nơi đây vẫn được gọi là ấp Nội Viên. Vì ông bà Đốc Tiến là người Công giáo nên người ta quen gọi là họ Nội Viên. Thời thế thay đổi, khi Việt Minh tiếp quản miền Bắc năm 1945, cơ quan xã đổi từ “ấp” thành từ “thôn.” Một điều cũng đáng chú ý là vì bà con trong thôn đều là người từ Nam Định đến nên cái tên Nội Viên được đổi thành Nam Viên (chữ Nam ở đây ám chỉ những bổn đạo Nam Định ở Nội Viên). Từ đó, tên gọi “thôn Nam Viên” chính thức được biết đến. Với bà con giáo dân nơi đây, họ Nội Viên cũng đã mang cho mình một cái tên mới, họ Nam Viên. Bên cạn đó, Nam Viên còn có thể được phân tích rằng từ “Nam” nhằm để chỉ vùng đất nằm ở phía Nam Toà giám mục Bắc Ninh, còn từ Viên có nghĩa là khu vườn. Vì vậy, hai từ Nam Viên ghép vào nhau nhắc mọi người liên tưởng tới khu vườn phía Nam của Toà giám mục Bắc Ninh.
Nhà thờ đầu tiên tồn tại cho đến những năm 1948-1949. Trong thời kỳ “tiêu thổ kháng chiến” ấy, với chính sách của Việt Minh, các nhà thờ bị buộc phải tháo rỡ. Khi ấy, vì không còn nhà thờ làm nơi nuôi dưỡng đức tin, bà con giáo dân họ Nam Viên đã dùng kho thóc của ông bà chủ cũ để làm nơi tập trung cầu nguyện. Đến năm 1960, cha Đa-minh Đinh Huy Quảng đã cho xây dựng lại ngôi thánh đường. Ngôi nhà thờ này được giáo dân chung tay xây dựng một cách nhanh chóng, hoàn thành chỉ trong 4 tháng 16 ngày.
Ngôi nhà thờ thứ hai này tồn tại được 34 năm. Năm 1994, vì tình trạng xuống cấp trầm trọng, lại thêm diện tích nhỏ hẹp, nhà thờ được tháo rỡ. Trong khi ấy, bà con giáo dân vẫn duy trì nếp sống đạo đức, hàng ngày sớm tối trải chiếu ngoài sân, cùng nhau chuyên chăm nguyện cầu. Khi ấy, cha Giuse Trần Đăng Can đã cho xây dựng lại thánh đường với diện tích 360 mét vuông (bề dài 30 mét, bề rộng 12 mét, có tháp chuông nhưng chưa có gian cung thánh). Nhà thờ quay mặt về phía Đông.
Năm 2006, số giáo dân đã lên đến gần 800 người, cha quản nhiệm cho nâng cao mái và xây thêm gian cung thánh. Sau khi hoàn tất công trình nhà thờ Nam Viên, ngày 08.12.2008, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám Mục Giáo Phận Bắc Ninh đã cung hiến thánh đường này với tước hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm.
Năm 2014, giáo dân trong xứ đã trùng tu lại ngôi thánh đường nhưng vẫn giữ những nét kiến trúc của ngôi nhà thờ trước. Đây có thể coi như một sự đáp trả cho lời mời gọi thực hành năm canh tân đời sống giáo xứ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
Hiện tại, giáo xứ Nam Viên có bốn giáo họ: Hộ Vệ: 115 giáo dân, Văn Trung: 25 giáo dân, Quảng Lãm: 17 giáo dân và họ nhà xứ Nam Viên với số giáo dân là 750 người.
Nhà nguyện Văn Trung
Nhà nguyện Hộ Vệ
Có thể nói, dù cho Nam Viên chỉ là một xứ đạo nhỏ, nhưng những con tim yêu mến Chúa, yêu mến Giáo hội vẫn luôn bùng cháy một ngọn lửa to lớn, có thể đốt cháy những khó khăn, thử thách. Đó hẳn là một Viên tuy bé nhỏ về địa lý nhưng lòng mến vô cùng mạnh mẽ.
2. Các linh mục coi sóc
Qua 100 năm hình thành và phát triển, bà con giáo dân Nam Viên đã được đón tiếp nhiều linh mục quản nhiệm. Trong số đó, xin được kể đến một số vị sau:
1. Năm 1934, cha Bảo, cha Cương, cha Thái
2. Năm 1938, cha Tân (quê ở xứ Báo Đáp – Nam Định)
3. Năm 1945, cha Thiệu, cha Tấn, cha Lộc
4. Năm 1956, cha Đaminh Đinh Huy Quảng
5. Năm 1975, cha Giuse Trần Đăng Can
6. Năm 1994, cha Đaminh Nguyễn Văn Kinh
7. Từ năm 1996, các cha Giuse Trần Quang Vinh, Giuse Lê Quốc Chinh, Giuse Nguyễn Đức Hiểu, Phanxicô Xaviê Bùi Quang Thuận và cha Giuse Nguyễn Văn Phong.
8. Năm 2011, bổn đạo Nam Viên đã chính thức có cha xứ. Cha Bùi Văn Sáu cũng là cha xứ tiên khởi của Nam Viên. Năm 2013, giáo xứ có thêm cha quản nhiệm Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thắng.
3. Các vị thánh bổn mạng
Theo truyền thống của các giáo xứ khu vực miền Bắc, người tín hữu trong xứ đạo thường nhận chung một thánh quan thầy. Tuy nhiên, vì khi tới Nội Viên lập nghiệp, có nhiều người đến từ các giáo xứ khác nhau, nên giáo dân xứ Nam Viên ngày nay có nhiều thánh bổn mạng khác nhau. Mặc dù vậy, bà con cũng đã chọn Đức Mẹ Vô Nhiễm, là Đấng Bảo Trợ chung cho toàn giáo xứ.
Theo đó, mỗi năm, giáo xứ Nam Viên mừng bảy đấng thánh quan thầy:
1. Thánh Giuse (19/3)
2. Thánh Vinh-cen-tê (5/4)
3. Thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta (24/6)
4. Thánh Phêrô (29/6)
5. Thánh Đa-minh (8/8)
6. Thánh Antôn (15/8)
7. Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (8/12)
- KIẾN TRÚC
Nhà thờ xứ Nam Viên có khuôn viên rộng. Mặt tiền nhà thờ quay về phía đông, đón tia nắng ấm áp vào những sớm mai; đồng thời cũng che chắn sức nóng của những trưa oi ả. Nhà thờ quay về phía mặt trời mọc nhắc nhớ ta đến Mặt Trời Công Chính là Đức Kitô đang tiến vào ngôi thánh đường của Người. Như vậy, nhà thờ Nam Viên phía đông giáp với làng Hương Vân. Phía Nam giáp làng Văn Trung. Phía tây giáp với Đồng Cỏ và làng Đông Sơn.
Ngay trước nhà thờ là cổng làng cổ kính gần 100 năm tuổi như cửa ngõ dẫn vào xứ đạo Nam Viên. Cổng làng là một trong những phần của nhà thờ được xây dựng vào năm 1934 mà tới nay còn được lưu giữ.
“Chiều hôm đón mát cổng làng
Gió hiu hiu đẩy mây vàng êm trôi…”
(Bàng Bá Lân)
Cổng làng Nam Viên như thổi hồn văn hóa Việt vào trong đời sống giáo xứ. Dù qua bao nắng gió cùng năm tháng, hứng chịu nhiều làn “mưa đạn bom,” cổng làng vẫn sừng sững như muốn bao bọc cho người dân nơi đây. Chiều chiều, mọi người quy tụ về đây để vui chơi và trò chuyện. Tiếng cười tiếng nói hòa quyện làm cho tình làng nghĩa xóm thêm thân ái hơn.
Bên kia cổng là tượng đài Đức Mẹ Mân Côi đặt phía trên ao cá rộng 5,400 mét vuông. Đây là nơi cầu nguyện sớm tối của bà con giáo dân, nuôi dưỡng lòng sùng kính mẹ Maria nơi tín hữu.
Nếu nhìn từ phía trước nhà thờ xuống, ta có thể thấy tượng thánh Giuse, bổn mạng các gia trưởng trong xứ, được đặt bên tay trái; và tượng đài Đức Mẹ Mân Côi được đặt phía bên phải, tuân theo trật tự “nam tả nữ hữu” của văn hóa Việt. Nó tạo nên sự hài hòa trong triết lý âm dương, cũng như sự đồng hành gần gũi của các thánh trong đời sống đức tin của giáo hữu.
Phía trước nhà thờ là khu vực nhà chung, khuôn viên sinh hoạt, phòng khách, và phòng học giáo lý. Đặc biệt hơn, nơi đây có đặt một tượng “Lòng Chúa Thương Xót” để bà con giáo dân có thể đọc kinh các ngày trong tuần cầu cho gia đình và giáo xứ.
Phía sau nhà thờ là ngôi nhà 2 tầng dành làm nhà phòng cho các cha về đây coi sóc. Đây cũng là phòng hội họp của Ban Hành Giáo, nơi chia sẻ những ưu tư trăn trở để cùng nhau phát triển giáo xứ.
Qua những năm tu tạo, nhà thờ đã cho xây một tháp chuông cao 33 mét. Hai quả chuông nặng hơn ba tạ, với thanh âm Son, La, hằng ngày vẫn ngân vang để mời gọi bà con đến đọc kinh cầu nguyện. Hơn thế, triết lý âm dương luôn ẩn mình sâu sắc trong sự kết hợp giữa chuông (tính dương) và trống (tính âm). Chiếc trống của Nam Viên đã có gần 100 năm tuổi, được để lại từ thời các cụ đầu tiên đến đây lập ấp. Từ bao đời nay, trống vẫn dùng để kêu gọi bổn đạo trong làng đến nhà thờ để cầu nguyện và sinh hoạt cùng nhau. Ngay giữa cây tháp có đặt một bức tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm bằng đá nguyên khối, hai bên là các thiên thần. Trên cửa gỗ chính nhà thờ có khắc hình miêu tả biến cố Mẹ Maria hiện ra với ba em nhỏ tại Fatima, như để nhắc nhở mỗi người giáo dân trong xứ về sứ điệp của Mẹ: “Hãy sám hối và siêng năng lần chuỗi Mân Côi.”
Mái vòm bên trong nhà thờ được thiết kế cao ráo bằng chất liệu tôn hợp kim và lớp ngói bên trên. Thiết kế này giúp người ta có cảm giác thoải mái cảm nhận cái thông thoáng vào mùa hè và hơi ấm vào mùa đông.
Gian cung thánh được đôn lên cao, với bậc tam cấp, tạo nên vẻ uy nghi thánh thiện giúp người tham dự các cử hành phụng vụ hướng lòng lên Chúa một cách sốt sắng và linh thánh hơn. Nội vi nhà thờ tuy không rộng, nhưng kết cấu tường dầy, lại thêm mái cao, làm cho không khí lưu hòa thoáng mát.
Có thể nói, kiến trúc nhà thờ Nam Viên tuy không cầu kỳ nhưng lại đem đến cho người ta một sự thoải mái, giúp người tín hữu dễ dàng nâng tâm hồn lên cùng Đấng Tối Cao.
- HOẠT ĐỘNG
Với sự nhiệt tình của bà con giáo dân, Giáo xứ Nam Viên đã có nhiều hoạt động được tổ chức quy mô.
Trên thực tế, giáo xứ đang phải đối mặt với khó khăn do cha xứ Đaminh phải đi dưỡng bệnh trong thời gian dài. Mặc dù vậy, bà con đã liên hệ và được Đức Cha giáo phận cho phép cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thắng làm quản nhiệm xứ tạm thời. Cha về xứ để dâng lễ cho bà con hằng tuần vào chiều các ngày thứ Tư, thứ Bảy và sáng ngày Chúa Nhật; lo liệu cho bà con lãnh nhận các bí tích.
Ngoài ra, với lòng đạo đức sốt sáng, bà con tự tổ chức đọc kinh cầu nguyện hàng ngày. Tiếng chuông nhà thờ vẫn đều đặn vang lên vào mỗi 4 giờ sáng, 12 giờ trưa và 7 giờ tối, nhắc nhở bà con đến nhà thờ. Đặc biệt, vào thứ tư đầu tháng, giáo dân nơi đây dành giờ để cầu nguyện trước Thánh Thể Chúa.
Các hội đoàn vẫn sinh hoạt đều đặn để chia sẻ và nâng đỡ nhau trong đời sống đạo. Hiện nay, giáo xứ vẫn duy trì được hội Mân Côi, Huynh đoàn giáo dân Đa-minh, hội gia trưởng, nhóm kính Lòng Chúa Thương Xót, nhóm cầu nguyện… Các thành viên trong hội đoàn đều tích cực tham dự những buổi học hỏi, chia sẻ.
Một điểm nữa, thiết nghĩ, chúng ta không thể không nhắc đến chính là phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể. Các em có thánh lễ dành riêng vào sáng Chúa Nhật. Con số các em thiếu nhi ngày một gia tăng với ba khối lớp: Ấu-Thiếu-Nghĩa. Để đáp ứng với nhu cầu thực tế, đội ngũ giáo lý viên trên dưới 20 anh chị đang được huấn luyện để đáp ứng nhu cầu giảng dạy giáo lý trong giáo xứ.
Một nét son trong sinh hoạt của giáo xứ mà không dễ tìm thấy ở những nơi khác chính là việc xin khấn. Bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa, hễ nghe “hồi trống xin khấn” là bà con cùng nhau tiến về nhà thờ đọc kinh, hiệp thông cầu nguyện cho người muốn xin cầu nguyện.
Có lẽ chính vì lòng nhiệt tâm và tinh thần bác ái mà Nam Viên thường được chọn làm nơi tổ chức các dịp lễ lớn của giáo hạt. Nam Viên quả là một mảnh đất màu mỡ cho hạt mầm đức tin phát triển. Người giáo dân Nam Viên hoàn toàn có quyền tự hào và đặt niềm tin tưởng nơi giáo xứ mình.
- KẾT LUẬN
Năm 2016 tới đây đánh dấu 100 năm những con người đầu tiên đặt chân đến vùng đất Nam Viên này để lập ấp. Những con người ấy đã xây dựng nên một họ đạo Nội Viên lớn mạnh về đức tin, vượt qua những sóng gió thăng trầm của cuộc đời. Điều đó vẫn được giáo dân nơi đây gìn giữ và phát triển; tô điểm cho một Nam Viên đậm tình Chúa, thắm tình người hôm nay.
Nam Viên là một xứ giàu tiềm năng. Trước hết là tiềm năng phát triển về đức tin. Với truyền thống đạo đức lâu đời, Nam Viên trở thành nơi thuận tiện cho việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt giáo xứ và mở các khóa cầu nguyện, chia sẻ Tin Mừng nhằm đào luyện chiều sâu đức tin. Bên cạnh đó, đội ngũ người trẻ trong giáo xứ đông cũng là một thế mạnh, đóng góp nhân lực và sáng kiến cho các hoạt động của giáo phận cũng như dấn thân trong đời sống dâng hiến và tông đồ.
Nội Viên xưa và Nam Viên ngày nay vẫn được xem là khu vườn phía Nam của Toà Giám Mục, một nơi linh thiêng và giàu tiềm năng phát triển đời sống thiêng liêng, một mảnh đất màu mỡ cho hạt giống đức tin được gieo vãi và lớn mạnh. Có thể nói, giáo xứ Nam Viên là tinh hoa hội tụ từ truyền thống đậm sắc đức tin của hai giáo phận Bùi Chu và Bắc Ninh. Thêm vào đó là nét duyên dáng của nơi mang dấu ấn văn hóa dân tộc qua làn điệu quan họ mượt mà thắm tình người. Vẫn vẳng bên tai những người đã từng đặt chân đến Nam Viên câu quan họ “í a, người ơi, người ở đừng về…”
Biên tập: (Sử liệu dựa theo lời kể của các cụ già trong xứ Nam Viên)
(Nam Viên – 04.2015)
Giuse Tuân – Vũ Chí Thành, S.J.
Giuse – Đinh Văn Trọng, S.J.