Hành hương theo chân các bậc tiền nhân (phần 1)

Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo Tin Mừng” (Rm 10: 15) 

Bắc Ninh  là cái nôi xứ Kinh Bắc xưa. Nơi non xanh, nước biếc, thế đất linh thiêng, xứng được coi là vùng địa linh, nhân kiệt. Sông núi Bắc Ninh gắn liền với bao trang sử oai hùng dựng và giữ nước. Phía Tây có núi Tam Đảo, Sóc Sơn gắn với sự tích Thánh Gióng, phía đông có Lục Đầu Giang, bến Bình Than gắn với tên tuổi Hưng Đạo Vương, Trần Qốc Toản. Phía Bắc có sông Thương, thành Xương Giang. Phía Nam có sông Đuống; thành Luy Lâu và Chùa Dâu là trung tâm chính trị và tôn giáo của vùng đất Giao Chỉ xưa kia,  dòng sông Như Nguyệt còn vang mãi bản tuyên ngôn của Lý Thường Kiệt, “Nam quốc Sơn Hà, Nam đế cư”

Khi hạt giống Tin Mừng được gieo vào Kinh Bắc ngay thời kỳ đầu trong công cuộc truyền giáo ở Việt Nam. Tin Mừng ngay lập tức đã được tổ tiên, cha ông ta đón nhận trong hân hoan và quảng đại, đức tin vô giá được lưu truyền, giữ gìn bằng mồ hôi nước mắt lẫn máu đào cho ngày nay đến mai sau.

Từ khi về nhận giáo phận trên cương vị mục tử, Đức cha Cosma mong ước có những chuyến hành hương: Theo chân các bậc tiền nhân. Lễ các thánh tử đạo Việt nam năm nay đã thôi thúc chúng tôi thực  hiện hành trình  tâm linh theo bước chân các ngài.

1.  Theo bước chân các chứng  nhân tử đạo

Xe ô tô khởi hành từ Tòa giám mục  nhằm thẳng hướng Nam giáo phận, qua giáo xứ Tử Nê (Kẻ Nê),  một trong ba địa danh đầu tiên được nhắc đến trong lịch sử giáo phận Bắc Ninh. Theo  chương trình định trước,  đoàn hành hương đến thăm vết tích nhà thờ Kẻ Mốt (Đức Trai) xưa. Vì biến cố lụt lội năm 1971, nhà thờ Kẻ Mốt đã được di chuyển đến một địa điểm khác. Theo sử sách và các cụ kể lại, Kẻ Mốt xưa  từng có những lúc là trụ sở của  tòa giám mục và là nơi trú ngụ của các giám mục, linh mục, thầy giảng… được nhắc đến rất nhiều trong lịch sử giáo hội Việt nam. Một nửa trong số 12 thánh tử đạo Bắc Ninh là: thánh linh mục Phêrô Nguyễn Văn Tự, Phanxicô Xaviê Hà Trọng Mậu, Đaminh Bùi Văn Úy, Augustinô Nguyễn Văn Mới, Tôma Nguyễn Văn Đệ và Stêphanô Nguyễn Văn Vinh bị bắt ở đây. Ngôi nhà thờ Kẻ Mốt vang bóng một thời với biết báo chứng nhân vì đạo, ngày nay chỉ còn lại một đoạn móng.  Chúng tôi liên tưởng đến lời Chúa Giêsu: Hạt lúa gieo xuống lòng đất có mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt.

  Đến với  Kẻ mốt,  đoàn hành hương đứng xung quanh vết tích  nền cũ xưa. Lặng thinh trong giây lát nén lòng nhớ đến  liệt tổ liệt tông, chúng tôi cùng nhau tuyên xưng đức tin và cất vang lời ca: “Đây bài ca ngàn trùng…”, bài ca mà cha ông tổ tiên đã không  chỉ cất lên bằng lời, mà bằng chính mạng sống.

IMG_1096

Vết tích nhà thờ Kẻ Mốt (Đức Trai)

Tạm biệt Kẻ Mốt trời đang chuyển  thu sang đông, những cành khô trơ trụi hứng lấy những hạt sương thu, gió lạnh  đầu đông làm cho những tán lá vàng run rẩy như sắp rời khỏi cành, tiết trời và cảnh vật làm lòng lữ khách lâng lâng vui buồn lẫn lộn “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.” Chút lòng du khách còn vương vấn thời vàng son Kẻ Mốt.

Ô tô tiếp tục đưa đoàn đến điểm hẹn bên  bờ đê Văn Thai để chuyển phương tiện đi bằng đường thủy.  Thuyền là phương tiện di chuyển chính trong chuyến hành hương có một không hai này. Đoàn hành hương ngược sông Thái Bình thẳng tiến về phía Lục đầu giang (điểm gặp nhau giữa sáu con sông: sông Lục Nam, sông Thương, sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình và sông Kinh Thầy), sông Thái Bình là ranh giới  phân chia giữa giáo phận Bắc Ninh với Hải Phòng.  Ngồi trên thuyền   ngược theo dòng chảy làm ta cảm nghiệm về con thuyền đức tin giữa  dòng đời trôi nổi. Xưa kia các nhà truyền giáo cũng đã vất vả ngược xuôi trên dòng sông  mang tên Thái Bình với mong ước mang Tin mừng cứu nhân độ thế đến cho  những con người nơi đây.

IMG_1131

Ngược sông Thái Bình

Tâm hồn đang  bâng khuâng nghĩ về  mấy trăm năm truyền giáo của cha ông tiên tổ , biết bao giông tố nhưng hạt giống Tin mừng vẫn âm thầm  đâm trồi nảy lộc. Thuyền cập bến Bình Than làm cắt ngang dòng suy nghĩ,  Bình Than là  địa danh lịch sử  gắn liền với tên tuổi các vị anh hùng dân tộc, nơi đây cũng được vua quan nhà Trần chọn để tổ chức hội nghị Bình Than vào năm 1282 bàn kế sách đánh quân xâm lược Mông Nguyên trước khi diễn ra hội Nghị Diên Hồng.

IMG_1158 IMG_1179

Bến Bình Than

Thuyền tiếp tục hướng Lục đầu giang thằng tiến, ngồi trên thuyền phóng hết tầm mắt về phía thượng lưu nơi bắt nguồn với sông Thương,  sông Lục Nam là đền  Kiếp Bạc và Côn Sơn. Ngắm nhìn những dòng nước  từ các con sông qua năm suốt tháng  đổ về Lục đầu giang khiến tôi  nhớ đến lời Chúa trong sách Isaia: Dân dân lũ lượt  đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi (2,2-3). Nước trên  sông Cầu, sông Thương, sông Đuống, sông Lục nam…từ bao đời nay đổ về Lục đầu giang  tựa như muôn lời nguyện cầu  của tiền nhân ngày ngày dâng lên trước tòa Chúa. Con thuyền hướng về phía sông Cầu hay xưa kia gọi là sông Như Nguyệt, sông Cầu  bắt nguồn từ Bắc Kạn chảy xuyên qua giữa lòng giáo phận. Hàng năm sông cầu  bồi đắp bao nhiêu phù xa cho các cánh đồng chù phú dọc hai bên bờ.

Nằm ngay bên trái theo hướng ngược dòng là giáo xứ Phong Cốc, còn bên phải là giáo họ Cổ Pháp. Ông  lái thuyền còn cho biết, ngay cửa sông Cầu gần với họ Cổ Pháp trước kia còn có nhà thờ Trại Lác, nhưng bây giờ không còn nữa.

Con thuyền vẫn cứ tiếp tục tiến sâu vào dòng sông Cầu thơ mộng, lúc này  thời tiết đã bắt đầu hửng nắng, những tia nắng cuối Thu  dọi xuống chẳng khác gì ánh sáng Tin Mừng dọi chiếu vào những tâm hồn băng giá, cái lạnh lẽo ban mai đang dần được xua tan bởi hơi ấm của mặt trời. Những câu chuyện vui rôm rả của khách thập phương như chẩy hội xuân làm tôi  nghĩ đến mùa đông của giáo hội Việt nam đang được  đẩy lui dần bởi sức sống của mùa xuân.

Biết tin đoàn  hành hương đi qua nên một số anh chị em giáo dân Cổ Pháp, Yên Tập bên phía  Bắc Giang ra bờ sông vẫy chào phái đoàn. Bên bờ Bắc Ninh là giáo họ Xuân Thủy, Xuân Hòa (Kẻ Roi), Xuân Bình và Thị Đáp Cầu lúc ẩn lúc hiện. Năm gần sát họ nhà xứ Yên Tập là nhà thờ Hạ Bì, nhưng bây giờ nhà thờ  Hạ Bì chỉ còn là dấu ấn và trong trí nhớ của mọi người.

IMG_1199

Giáo dân vẫy chào đoàn hành hương

Dòng sông Cầu   êm đềm đón chào lữ khách, nước chảy hiền hòa khác hẳn những ngày mưa bão nước lũ cuốn cuộn như muốn nuốt chửng con người cảnh vật xung quanh. Tuy  dòng nước  không còn được trong xanh như đã đi vào thơ ca, mà đã bị vẩn đục bởi các phương tiện ngày đêm  khai thác khoáng sản.

Đến nhà thờ Đông Tiến nơi chôn vị đầu mục Phêrô Khanh, nhà thờ Núi Hiểu thuộc xứ Đạo Ngạn. Qua Thị Cầu, thuyền ghé vào pháp trường Cổ Mễ ở bên bờ Bắc Ninh, Cổ Mễ là nơi xử chảm thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh và Phêrô Nguyễn Văn Tự vào ngày 5 tháng 9 năm 1838. Cũng chính tại nơi đây, năm thánh cùng bị bắt với thánh Phêrô Tự ở Kẻ Mốt bị xử giảo vào ngày 19 tháng 12 năm 1839. Lời nguyện cầu “Lạy Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh và các Thánh tử đạo Bắc Ninh, cầu cho chúng con” một lần nữa lại được cất vang lên ngay tại nơi các ngài bị xử án.

Đối diện với pháp trường Cổ Mễ bên  bờ Bắc là giáo xứ Đạo Ngạn, trước năm 1954, Đạo Ngạn có trường tiểu chủng viện Antôn Ninh, ngày nay là trụ sở chính của tu hội Đức Mẹ Hiệp Nhất.

IMG_1288

Pháp trường Cổ Mễ

Sau khi thăm pháp trường Cổ Mễ và đọc kinh trưa,  đoàn hành hương “theo chân các vị tiền nhân”  đến bến đò Thổ Hà, nơi cụ trùm Cảnh bị bắt trên đường đi rửa tội cho một em nhỏ, thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh đã từng là ông trùm  họ giáo Thổ Hà, có lẽ do cuộc Phân sáp thơi vua Tự Đức, ngày nay làng Thổ Hà  hoàn toàn vắng bóng đạo Chúa. Điểm kế tiếp là nhà thờ Nguyệt Đức được xây dựng từ năm 1931 với ngọn tháp cao gần 30 m ngả mình soi bóng xuống dòng sông Như nguyệt.

IMG_1309

Đình Thổ Hà

IMG_1308

Bến đò Thổ Hà

Phái đoàn tiếp tục hành trình qua khu vực họ giáo Vọng Nguyệt và Vọng Giang, xưa kia cụ Hoàng Thế Giám, người theo đạo đầu tiên của làng Xuân Lai quê hương Đức cha Cosma, trên đường đi chữa bệnh đã học được đạo Chúa ở hai giao họ này. Con thuyền tiếp tục đưa phái đoàn đến bến đò Ngọt, nơi Lý Thường Kiệt đọc bài thơ thần nổi tiếng “Nam quốc sơn hà, nam đế cư…”. Lý Thường Kiệt đã lãnh đạo quân dân ta thắng quân xâm lược nhà Tống từ năm 1075-1077. Ngay giữa chiến tuyến sông Như Nguyệt xưa kia, giữa  khúc sông bến đò Ngọt và bến đò Xa, thuyền ghé vào gần bờ để phái đoàn  đọc kinh chiều và cùng nhau dâng Thánh lễ. Lúc này  mặt trời đã khuất bóng và màn đềm đã buông xuống. Một số anh chị em giáo dân ở Mai Thượng và Nguyệt Cầu nghe tin phái đoàn  đi qua cũng đến chào và cùng tham dự Thánh Lễ tạ ơn. Thánh lễ được cử hành ngay trên thuyền do Đức cha Cosma chủ sự, Thánh lễ tuy đơn sơ nhưng lại rất trang trọng và ấm cúng, đây là lần đầu tiên  mà hầu hết  chúng tôi được cử hành Thánh Lễ ngay trên dòng sông mang nhiều  dấu ấn lịch sử. Trong thời cấm đạo, nhiều giám mục và linh mục phải trốn trên những con thuyền mỏng manh nhưng không được dâng lễ.

Resize-of-IMG_9717

Resize-of-IMG_9724

 

Trong bài giảng,  Đức cha gợi lại tấm gương  các anh hùng đức tin, sau đó ngài mời gọi mọi người vững bước theo Chúa như các bậc tiền nhân.

Bản tuyên ngôn đầu tiên “Nam quốc sơn hà nam đế cư…” đã được cất lên giữa đêm khuya xưa đã làm quân xâm lược  phải khiếp vía run sợ, hôm nay những bài thánh ca được  cất vang lên xua tan đi bóng đêm tội lỗi. Lời ca “tiếng nhạc oai hùng…” hòa quyện với tiếng kêu côn trùng và hương vị phù xa nơi ngã ba bến Xà làm cho Tin mừng Chúa Phục Sinh chiến thắng mọi cơn cám dỗ. Cũng vậy, Tin mừng sẽ chiến thắng tử thần và mang lại bình an cho những tâm hồn thành tâm thiện chí nơi mảnh đất giáo phận mang tên “miền Kinh Bắc.”
IMG_1080 IMG_1094 IMG_1098 IMG_1110 IMG_1131 IMG_1154 IMG_1156 IMG_1157 IMG_1158 IMG_1168 IMG_1171 IMG_1179 IMG_1183 IMG_1277 IMG_1279 IMG_1281 IMG_1282 IMG_1283 IMG_1288 IMG_1310 IMG_1314 IMG_1378 IMG_1382

 

(còn tiếp)

Hà Như Nguyệt