Những người mẹ yêu con hơn… biển Thái Bình (P2)
BBT: Trong bài viết trước, tác giả Nguyên Đức đã khắc hoạ chân dung một người mẹ ở Lục Nam – Bắc Giang nuôi 2 người con khuyết tật. Đó cũng là bóng dáng của rất nhiều người Mẹ nới xứ sở hình chữ “S”: chịu thương, chịu khó, âm thầm hy sinh cho chồng con. Nhân “NGÀY CỦA MẸ”, Ban biên tập xin gửi tới quý vị độc giả phần II bài viết “Những người Mẹ nữa cũng yêu con hơn… biển Thái Bình”.
…Tạm chia tay gia đình ông Hiển, bà Tiền cùng em Gái, em Hậu chúng tôi cùng Nhóm Loan báo Tin Mừng hạt Bắc Giang “tiến quân” vào vùng rừng núi của “Hùm thiêng Yên Thế”. Những con đường bê tông dường như đang bốc hơi dưới ánh nắng chảnh chọe trưa hè. Con đường nhỏ phẳng phiu cuối cùng cũng đưa chúng tôi tới nhà bà Trần Thị Hừu thuộc Thôn Hương Vĩ – Xã Hồ Tiến (Yên Thế – Bắc Giang).
Tuy là xóm núi nhưng giống như các tên của nó Hương Vĩ đem lại cho người ta sự yên bình đến lạ kỳ. Từ cửa nhà ra đường làng sạch sẽ tinh tươm, nhiều thùng rác được bố trí quanh làng văn minh hơn nhiều phố phường.
Bà Hừu thấy khách tới chơi ra tận cổng đón tiếp niềm nở như anh em lâu ngày gặp nhau. Đặt chân vào căn nhà nho nhỏ nhìn ra cánh đồng, chúng tôi cảm thấy nhẹ nhàng lắm, nhà toàn người khuyết tật nhưng sạch sẽ, thơm tho hơn cả căn phòng tôi đang ở. Tôi tự thấy xấu hổ.
Vừa ngồi trên chiếc ghế vừa lê đôi chân khuyết tật trên nên nhà, chị Vũ Thị Huệ (sinh năm 1977) vất vả, nhọc nhằn lắm mới tới gần được bàn trà để trò chuyện với chúng tôi. Trên chiếc giường cũ kĩ bạc màu, được kê cao bất thường, anh Vũ Văn Hào (sinh năm 1984) cố gắng ngoái lại nhìn rõ từng khuân mặt của mỗi người trong đoàn.
Bà Hừu đứng trước giường con trai, mắt rươm rướm lệ, kể về gia cảnh nghe xúc động vô cùng. Bà bảo sinh được năm người con thì có tới 4 đứa cứ đến chừng mươi tuổi là sốt cao, đưa đi viện khám bác sĩ chỉ bảo bị teo cơ toàn thân, không có cách chữa trị. Nhà lại nghèo chẳng biết trông cậy vào đâu nên cứ nhìn con đau đớn như vậy mà không biết làm cách nào. Thôi thì chỉ biết chăm sóc và yêu thương con hết mực để bù đắp cho chúng những thiệt thòi nhưng thực tâm trong lòng bà xót xa lắm.
Chúng tôi hỏi thêm về gia cảnh, bà Hừu nghẹn ngào không nói lên lời, đấy các bác xem nhà đã khổ lại càng khổ hơn, bốn đứa con tàn tật đã đành lại thêm người chồng yếu đau nhiều lúc nghĩ thấy cuộc sống bế tắc không lối thoát nhưng rồi cũng cố gắng từng phút từng giây mà vượt qua, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Năm 2005, ông Vũ Văn Kỳ – chồng bà Hừu vĩnh viễn ra đi để lại cho bà 4 đứa con khuyết tật.
Bà Hừu chỉ tay lên bàn thờ nói, đấy hai đứa trong ảnh cũng là 2 đứa khuyết tật nhưng sớm về thế giới bên kia, con trai là Vũ Văn Việt (sinh năm 1982) mất trước bố 4 năm từ hồi tháng 7 năm 2001, còn con gái tên Vũ Thị Hồng (sinh năm 1979) thì mới mất cách đây một năm (tháng 3 năm 2014). Bà Hừu dừng nỗi xúc động lại khi nói về người con gái út tên Vũ Thị Hạnh (sinh năm 1988) học sư phạm Mầm non, giờ đang đi thực tập. Bà bảo, trời thương để cho nó mạnh khỏe phát triển bình thường làm chỗ dựa và động lực để bà vượt lên khó khăn nhưng nó sắp ra trường rồi, chưa biết xin việc ở đâu bây giờ.
Ngồi trên chiếc ghế chăm chú lắng nghe mẹ tâm sự cùng khác mà đôi mắt chị Hồng ửng đỏ trực trào dòng lệ u buồn như con đập vào mùa lũ. Chị Hồng cũng cố gắng giúp mẹ vài việc lặt vặt trong nhà, chị còn cố gắng nấu cơm nhưng nhiều khi cúi vào đun củi, thổi bếp không may lật ngã ra lànằm đó chịu chết, không có người thì hậu quả quá đỗi nặng nề.
Thấy mọi người đứng quanh giường nói chuyện, anh Hào cảm thấy “ngứa ngáy, khó chịu” nên cố gắng vục dậy tiếp chuyện mọi người. Khổ nỗi, các bắp cơ đã teo và gần như chẳng có giá chị gì khiến anh khó khăn lắm mới ngồi dậy được. Chiếc giường được kê cao vừa đúng tầm cho đôi chân anh choãi ra lấy đà đứng dậy.
Anh xoay sang trái, xoay sang phải, cúi về trước ngửa ra sau đủ các tư thế… rồi cố gắng vòng tay ra giữ đầu cho thẳng mới có thể đứng dậy được. Đứng dậy vậy cho vui thôi chứ khổ lắm, đi được vài bước anh lại phải tìm chỗ dựa để khỏi bị đổ. Nhìn anh phải mất cả gần chục phút đồng hồ khởi động như rô-bốt mới đứng dậy được làm cho mọi người trong đoàn ai nấy đều nghẹn ngào xúc động.
Anh Hào chia sẻ, bị thế này khổ lắm, đầu óc thì tỉnh táo mà chẳng làm thế nào đều khiển nổi chân tay nên cứ phải nằm hoài. Anh thương mẹ lắm, mình mẹ vất vả, tần tảo sớm hôm nuôi sống cả gia đình. Nhiều khi nhìn thấy mẹ nhọc nhằn lo cho con từng ly từng tý mà nước mắt rơi lúc nào chẳng biết.
Anh Hào mắt đỏ hoe đôi môi mấp máy tâm sự, con nhà người ta lớn bằng anh là lúc báo đáp công ơn cha mẹ rồi. Đằng này, anh đã không gúp gì mẹ lại còn làm phiền mẹ. Anh chỉ ước mình có chiếc xe lăn gắn động cơ điện để hằng ngày anh cố gắng đi bán dưa bán cà thêm chút ít vừa phụ giúp mẹ vừa giúp mình có thêm động lực để tiếp tục sống.
Cũng giống như vợ chồng ông Hiển, bà Tiền ở Lục Nam, người mẹ ở mảnh đất “hùm thiên Yên Thế” cũng yêu con trên hết mọi sự. Vừa phải lo kiếm miếng cơm manh áo nuôi sống cả gia đình vừa phải chăm sóc con cái chu đáo nào là tắm rửa, giặt giũ, cơm nước… đủ việc. Một ngày có 24 tiếng đối với bà Hừu là quá ít ỏi, bà bảo ngày nào cũng thiếu ngủ nên quen rồi, bao giờ về với tổ tiên sẽ tha hồ được ngủ. Mệt mỏi vậy nhưng chẳng bao giờ bà Hừu kêu trời, kêu đất, bà vẫn âm thầm hy sinh dành tất cả cho con. Đối với bà, những đứa con dù có bị tàn tật cả đời bà vẫn yêu chúng như cái lúc vừa sinh ra.
Lặng nghe câu chuyện của gia đình, tôi miên man suy nghĩ về xã hội hôm nay. Nhiều bạn trẻ vì lỡ làng mà giết chết đứa con của mình để đảm bảo cuộc sống ích kỉ của mình và giữ thể diện cho gia đình, dòng tộc. Bên cạnh đó, nhiều cặp vợ chồng sẵn sàng loại bỏ con cái mình không thương tiếc vì được khuyến cáo khi sinh có thể những đứa trẻ đó sẽ bị khuyết tật hay chết yểu… Bây giờ người ta bày ra đủ lý do để giết người và người bị giết lại chính là con ruột của mình. Tôi tự hỏi những người đã từng phá thai sau này có con rồi sẽ dạy con cái mình như thế nào đây?
Và còn nữa, trước kia có nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn khi biết tôi có nuôi trẻ con bị bỏ rơi thì ngỏ ý xin hoặc nhờ tôi xin giúp. Tôi chỉ mỉm cười, nửa đùa nửa thật trả lời, muốn xin con nuôi thì cũng dễ thôi cứ xuống nhà tình thương Hương La mà xin, các Sơ cho ngay… Nghe đến hai tiếng Hương La, đa phần họ lắc đầu, lè lưỡi hay cười trừ, có người chỉ nói duy nhất một câu “chú cứ đùa”. Bởi thế mà trong nghi thức cửa hành bí tích Hôn phối bao giờ vị Linh mục chủ sự cũng hỏi đôi bạn trẻ câu này “các con có sẵn sàng đón nhận con cái mà Chúa ban và giáo dục chúng theo luật của Hội Thánh không?”… Câu trả lời đều là có nhưng khi cuộc sống diễn ra theo chiều hướng xấu thì hỏi mấy đôi thực hiện được lời cam kết của mình.
Chia tay bà Hừu, chị Hồng, anh Hào, đoàn chúng tôi thảo luận về việc cố gắng giúp đỡ anh Hào một chiếc xe lăn có gắn động cơ điện để anh đi bán hàng giúp mẹ. Chỉ khi anh có cơ hội được hòa nhập vào cuộc sống, anh mới có thể cố gắng vượt lên số phận mà sống có ích cho đời. Mai sau nữa, đến một ngày bà Hừu già yếu không còn sức lao động thì anh Hào có thể đã tự lập và giúp đỡ chính bản thân mình.
Trên con đường trở về đầy ắp nắng, tôi thấy trong trái tim mình vơi đầy những bâng khuâng. Các cụ xưa có câu “có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”, tạ ơn Chúa đã cho tôi được nuôi trẻ con trong suốt gần một năm, dù đó không phải là con đẻ của tôi nhưng tôi yêu nó vô cùng, ngày nào cũng nhớ đến nó. Nhờ đứa trẻ đó mà tôi thêm trưởng thành và nhất là luôn biết ơn cha mẹ vì “công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”.Với sự hy sinh vĩ đại cho con cái, tôi khẳng định chắc chắn rằng bà Hừu là một trong những người mẹ yêu con hơn… biển Thái Bình./.
Nguyên Đức