Suy niệm Mầu nhiệm giáng sinh
Trong đời sống con người, lúc nào người ta cũng muốn cố gắng đẩy xa cái nghèo, cái khổ đau, và cố gắng đi lên để tách biệt khỏi nó. Nhưng có thể nói, cái nghèo và sự đau khổ luôn là những thực tại dai dẳng và như gắn chặt với phận người. Dường như nhân loại không thể hoàn toàn thoát ra khỏi cái nghèo khó và đau khổ. Giả như tôi không nghèo, không đau khổ, thì chung quanh tôi vẫn còn đó những người nghèo đang đau khổ. Đặt mình trong cuộc sống như thế, đặc biệt ngày hôm nay, khoảng cách giữa cái giàu sang và cái nghèo lại trở nên xa hơn, ta sẽ có suy nghĩ gì?
Ta muốn thuộc về phía bên nào của thế giới: giữa những cái thanh bần, chất phác, đơn nghèo, đơn giản với một sự yêu mến và kính trọng; hay là những sự hào nhoáng, sang trọng, hưởng thụ tiện nghi, để rồi xem thường và khinh chê cái nghèo, cái chất phác? Đặt vấn đề này, ta hãy suy niệm và chiêm ngắm mầu nhiệm giáng sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa.
***
Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa, trong mầu nhiệm giáng sinh, đã trở nên xác phàm. Ngài đã đi vào và nên một với cái nghèo, cái thanh bần của con người. Đặc biệt, Ngài đã trở thành con người nhỏ bé, nghèo khổ, bị áp bức, và bị xem thường. Tuy trong nhân loại cũng đã có rất nhiều vĩ nhân đứng về phía người nghèo, yêu mến sự thanh bần, nhưng không ai có thể nên giống hoặc đồng hình đồng dạng với cái nghèo như Đức Giêsu người Nazareth-Ngôi Hai Thiên Chúa.
Mầu nhiệm giáng sinh của Con Thiên Chúa, đã phản chiếu đúng bản chất và ý định cứu độ của Thiên Chúa, khi Ngài trở nên một người thật như bao người khác và trở nên nghèo khó như bao người nghèo khác. Cái nghèo và đau khổ của con người không còn ở ngoài Ngài nữa, nhưng đã trở nên bản chất rất thật của Thiên Chúa; để từ đây, từ khởi điểm này, Ngài đưa con người gồm cả cái nghèo và đau khổ của ta vào trong sự bình an đích thực của Thiên Chúa.
Con người sống với nhau, tuy cùng là thân phận nghèo, đau khổ, tội lỗi yếu đuối và phải chết; ấy thế mà người ta luôn cố gắng tạo ra khoảng cách, “đẳng cấp”, để phân biệt: người nghèo-người giàu; người nhà quê-người sang trọng; người quyền lực-người nhỏ bé đơn sơ. Và người ta sẵn sàng sử dụng quyền lực, tiền bạc, để tàn sát, khống chế, làm cho người khác đau khổ.
Tất cả những điều này đều đi ngược lại với mầu nhiệm giáng sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Với tư cách là Thiên Chúa, nhưng Con Thiên Chúa lại cúi mình xuống để nên một với con người, làm cho Thiên Chúa và con người không còn khoảng cách nữa. Hôm nay, trong thân phận trẻ thơ, Ngài ôm trọn lấy thân phận nhỏ nhoi, yếu đuối và nhơ nhớp tội lỗi của con người và nên một với thân phận nghèo hèn cùng cực ấy. Vị Thiên Chúa-người ấy đã sống một cuộc đời nghèo khó và Ngài đã ra tay bênh vực người nghèo khổ, người bị áp bức, xoa dịu nỗi đau khổ lầm than của dân nghèo. Ngài đã lên án bạo lực, bất công, nơi chính cái chết thập giá sau này của Ngài.
Nơi mầu nhiệm giáng sinh, Thiên Chúa-người chẳng có chút quyền lực, giàu sang hay một sức mạnh trần thế nào, nhưng Ngài vẫn can đảm và khẳng khái lên tiếng và đứng hẳn về phía người nghèo, người đau khổ, để chống lại cả một cơ chế quyền lực hùng mạnh, đang vẫy vùng vào thời ấy.
***
Ngày hôm nay cũng tương tự thế, một đàng thế giới vẫn đang chứng kiến những tiếng kêu cứu của biết bao người nghèo khổ, đói khát, thiếu lương thực và những điều kiện sống tối thiểu… nhưng đàng khác cũng lại cho thấy những sự hào nhoáng, lộng lẫy của một thế giới sang trọng, hưởng thụ chuyên nghiệp. Và thế giới này như thể một tảng băng khổng lồ, đang trôi vô định giữa đại dương mênh mông. Tảng băng này chỉ có ba phần nổi, tượng trưng cho sự giàu sang hào nhoáng; nhưng có tới bảy phần chìm, tượng trưng cho sự nghèo khổ đang nằm sâu dưới lòng đại dương. Người ta chỉ muốn ở phần nổi và không mấy quan tâm liên đới với phần đang chìm; người ta không dám hành xử như Chúa Giêsu, nên cái nghèo, cái đói vẫn đang giày xéo con người ở nhiều nơi trên thế giới.
Mầu nhiệm giáng sinh của Con Thiên Chúa làm người đã phản ánh sự đánh giá đúng đắn của Thiên Chúa, Ngài đã đi đúng vào cái nghèo khổ và nên một với nó. Quyết định này của Thiên Chúa, như thể là một bảo đảm nói với con người, Thiên Chúa không chỉ nhìn cái bề ngoài mà đánh giá, và Thiên Chúa luôn là Thiên Chúa của người nghèo khó, đau khổ. Ngài không bao giờ rời bỏ con người, không xem thường sự nhỏ bé, tội lỗi, bởi lẽ Ngài là Thiên Chúa, là tình yêu. Ngài đã đóng ấn vĩnh cửu trên thân phận con người bằng chính Hài Nhi Giêsu.
Chúa Giêsu đã yêu thương con người trong chính thân phận của Ngài, điều này sẽ lên án tất cả những thái độ và hành động coi khinh con người, những trò áp bức bỉ ổi của những người tự cho mình có quyền trên người khác để giày xéo anh em mình. Mầu nhiệm giáng sinh là một lời khẳng định chắc nịch của Thiên Chúa, rằng muôn đời Ngài sẽ đứng về phía người nghèo và nên một với họ. Không bao giờ Ngài mảy may chạy theo quyền lực, để gây ra bạo lực, áp bức người khác. Cuộc đời và cái chết của Ngài đã chứng mình điều đó. Thế nên ai khinh thường và ghê tởm người nghèo, người đau khổ là đang khinh thường và ghê tởm chính Thiên Chúa toàn năng.
***
Tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa là cốt lõi của mầu nhiệm giáng sinh, và làm nên liên hệ thâm sâu giữa Thiên Chúa với con người. Từ đời đời, tình yêu là nguyên lý của Thiên Chúa, nhưng hôm nay, tình yêu ấy đã trào tràn đến cho con người nơi mầu nhiệm giáng sinh. Nơi mầu nhiệm giáng sinh, Thiên Chúa mời gọi con người quý chuộng, đón nhận nhau như anh em, không có sự phân biệt, vì gốc rễ của con người là tình yêu chứ không phải điều gì khác. Nên chẳng lạ gì, khi ngươi ta yêu thương nhau, tha thứ cho nhau thật sự, hay làm điều gì tốt cho nhau, thì người ta mới nghiệm thấy bình an, niềm vui; và trải nghiệm đó như thể tìm lại được chính mình.
Còn mối bận tâm của con người ngày hôm nay, là làm sao kiếm được thật nhiều tiền, để có cuộc sống thoải mái sung túc. Người ta ít để ý đến những sự túng thiếu, khốn cực của những người nghèo, người đau khổ. Người ta cố gắng chạy đua với công việc, chỉ chú tâm đến nhu cầu của chính mình, không còn thời gian để nghĩ đến người khác sống chết thế nào. Dường như tâm khảm con người sẽ dần bị thoái hoá, và trở nên ích kỷ khi thiếu vắng tình yêu. Đó là nguy cơ trầm trọng nhất mà con người phải đối diện khi khước từ Thiên Chúa, để chạy theo sự giàu sang.
Mầu nhiệm giáng sinh đã đi vào và nên một với con người nhưng mà dường như thế giới này không có chỗ cho Ngài nữa. Bởi vì Ngài phải đang kêu cứu nơi thân phận của những người bị áp bức, bị quên lãng trong sự đói khát, thiếu thốn về những điều kiện tối thiểu nhất. Những quyền lực và thế mạnh kinh tế của một số cá nhân và tập thể trên thế giới đã áp đảo và gây ra sự mất cân bằng trong đời sống chung của nhân loại. Cuối cùng ra, mọi của cải tài nguyên chỉ để phục vụ những lợi ích riêng tư của một vài cá nhân, tập thể. Logich quyền lực của những cá nhân và tập thể đó đã phá nát sự sống hài hoà của thế giới, dẫn đến sự đói nghèo trên diện rộng.
***
Tính thực dụng và tham lam phát sinh từ nguyên tội, đang tồn tại và bành chướng trong mỗi người. Bản chất tiêu cực này đã đánh tan những thiện chí đầu tiên của con người và đã làm cho con người không còn nguyên vẹn tính “bản thiện” đối với Thiên Chúa và với nhau nữa.
Qua mầu nhiệm giáng sinh, Con Thiên Chúa đến làm người trong nhân loại, để đưa con người thoát khỏi cái thực dụng và tính tham lam đó, để mọi người biết yêu thương nhau, loại bỏ những điều không xứng đáng trong chính con người của mình. Để mọi người trở nên giống nhau, dù giàu hay nghèo, đều có tấm lòng yêu mến của Thiên Chúa. Dù cuộc sống vẫn còn những người nghèo, người đau khổ nhưng tất cả mọi người biết yêu thương nhau, đùm bọc nâng đỡ và hợp nhất với nhau trong Chúa Giêsu Kitô. Đây là ý muốn của Thiên Chúa, và chính Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa đã khai mở con đường này nơi mầu nhiệm giáng sinh, để tất cả chúng ta, khi chiêm ngắm và suy niệm mầu nhiệm này, biết nhìn ra tập sống yêu mến như Ngài.
***
Tóm lại, suy niệm mầu nhiệm giáng sinh năm nay, ta lại được mời gọi suy niệm về tình yêu cao cả của Thiên Chúa. Ngài đã cúi mình xuống trở nên người phàm, nên một với chúng ta trong thân phận nghèo hèn, đau khổ, để dạy chúng ta bài học yêu mến con người mà đặc biệt trân trọng và yêu mến những người nghèo, những người không được may mắn ở chung quanh chúng ta. Mầu nhiệm giáng sinh nhắc nhở chúng ta yêu mến họ, vì chính Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã nên một, đồng hình đồng dạng với ta và với họ. Yêu mến Chúa Giêsu Hài Đồng và suy niệm một cách nghiêm túc, mầu nhiệm giáng sinh sẽ dẫn ta đến một tâm tình và trách nhiệm phải yêu mến và trợ giúp người khác, đặc biệt là những người nghèo. Ở đây, không còn phải là tâm tình đạo đức trái mùa, nhưng đó thật sự là trách nhiệm liên đới trong Chúa, trong đức tin và trong thân phận con người với nhau. Ai xem thường điều này, sẽ đánh hỏng cội nguồn của chính mình, và giày xéo lên mầu nhiệm giáng sinh của chính Con Thiên Chúa, mà Ngài đã cống hiến đến cùng dấn bước vào để cứu độ con người.
Út hậu
Tin liên quan