Tài liệu Hoa Mân Côi và Hội trưởng gia đình Giáo phận tháng 6.2024

Trong tháng này, các thành viên hãy cầu nguyện cho những người tị nạn, những người đang phải chạy trốn các cuộc chiến tranh hay cảnh nghèo đói. Họ phải đối diện với những chuyến đi đầy nguy hiểm và bạo lực. Xin Chúa cho họ tìm được sự đón tiếp cũng như cơ hội mới về công ăn việc làm trong những nơi họ di cư đến.   

Tải file HOA MÂN CÔI Tháng 06.2024 bên dưới

File PDF A4 File PDF A5 File Word A4 File Word A5

HỘI TRƯỞNG GIA ĐÌNH – Tháng 6.2024

Tải file về


HOA MÂN CÔI Tháng 06/ 2024

***

Ý nguyện: Trong tháng này, chị em hãy cầu nguyện cho những người tị nạn, những người đang phải chạy trốn các cuộc chiến tranh hay cảnh nghèo đói. Họ phải đối diện với những chuyến đi đầy nguy hiểm và bạo lực. Xin Chúa cho họ tìm được sự đón tiếp cũng như cơ hội mới về công ăn việc làm trong những nơi họ di cư đến.   

I – LỜI CHÚA    Đọc Tin Mừng Lễ Mình Máu Thánh Chúa: Mc 14,12-16.22-26

Nói đến máu là nói đến sự sống. Không có máu, không thể có sự sống hoặc thiếu máu nhiều bệnh nhân sẽ khó có thể giữ được mạng sống. Bởi vì, máu rất cần thiết cho sự sống.

Trong bữa tiệc ly, Chúa Kitô đã cho biết Ngài sẽ đổ máu ra để cứu chuộc nhân loại khi Ngài nói: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống. Vì này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới, và vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội”

Trong Cựu ước, máu được dùng để thiết lập giao ước, để được tha tội và để được cứu sống. Máu để cứu sống được diễn tả bằng hình ảnh con Chiên Vượt Qua, để cứu dân Do Thái thoát ra khỏi ách nô lệ Ai Cập. Trong biến cố ấy, Chúa truyền cho người Do-thái giết một con chiên đực không quá một tuổi, lấy máu bôi lên mi cửa. Đêm ấy, thiên thần Chúa đến trừng phạt người Ai Cập, Nhà nào có máu chiên bôi trên mi cửa, sẽ được cứu thoát.

Để tưởng niệm biến cố giải thoát Israel khỏi ách nô lệ của người Ai Cập, hằng năm vào đúng ngày ấy, người Do Thái vẫn giữ tập tục lệ giết chiên mừng lễ. Lễ đó gọi là lễ Vượt Qua và con chiên bị giết đó, gọi là chiên Vượt qua. Khi hiến mình đúng vào dịp lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu trở thành Chiên Vượt Qua mới. Máu Ngài đổ ra cứu linh hồn ta khỏi nô lệ tội lỗi và khỏi chết.

Các thánh Giáo phụ cắt nghĩa rằng: Miệng ta là cửa linh hồn. Ai rước Mình Máu Thánh Chúa vào miệng cũng như bôi máu chiên lên mi cửa, nhờ đó ta sẽ được cứu sống và được giải thoát khỏi nô lệ của ma quỷ.

Máu giao ước thì được diễn tả qua nghi lễ mà ông Môsê cử hành dưới chân núi Sinai khi “Ông Môsê sai các thanh niên trong dân Israel tiến dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò tơ làm lễ hiệp thông tế lễ Thiên Chúa. Ông lấy một nửa phần máu, đổ vào những cái chậu, còn nửa kia thì rảy lên bàn thờ. Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và sẽ tuân theo. Bấy giờ, ông Môsê lấy máu rảy trên dân và nói: Đây là máu giao ước Chúa đã lập với anh em”. Đó là Cựu ước hay giao ước cũ.

Tại một số quốc gia miền Á Đông có tục lệ “uống máu ăn thề”. Khi muốn giao kết với nhau, mỗi người lấy một chút máu của mình hòa chung vào một chén rượu. Sau đó mọi người chia nhau uống cạn chén. Việc uống máu ăn thề thể hiện sự đồng tâm nhất trí. Những người cùng uống chung chén rượu pha máu trở nên ruột thịt của nhau, sống chết có nhau.

Chúa Giêsu đã đổ máu ra để lập một giao ước mới giữa loài người với Thiên Chúa. Máu Chúa Giêsu giao hòa con người với Thiên Chúa và con người với nhau. Máu giao ước đó làm cho con người trở thành con cái của Thiên Chúa và trở nên anh em ruột thịt với nhau.

Trong Cựu ước, máu được dùng để tha tội. Khi dâng lễ đền tội, người ta cũng xả thịt con vật dâng cho Thiên Chúa, lấy máu nó rảy lên tội nhân để ban ơn tha tội. Khi ta rước Mình Máu Thánh Chúa, ta cũng được tha tội vì Máu Chúa không rảy lên thân xác, nhưng rảy vào linh hồn để tẩy xoá tội lỗi cho ta.

Những ý nghĩa mà máu súc vật trong Cựu ước, chính là hình ảnh báo trước việc hoàn thành viên mãn trong Máu Chúa Kitô. Nhân loại đang rên xiết trong ách nô lệ của tội lỗi đã được Ngài giải thoát. Nhân loại đang xa lìa Thiên Chúa và bất hòa với nhau nay đã được Chúa giao hòa thành một gia đình thương yêu hòa thuận, sống chết có nhau. Nhân loại đang sống trong tội lỗi, nay được Máu Chúa tẩy sạch mọi vết nhơ, dơ bẩn.

Chúng ta nhận được ân phúc lớn lao dường ấy là nhờ Chúa Giêsu đã tự hiến mạng sống vì ta. Dòng Máu Ngài đổ ra đến đâu thì đem lại sự sống đến đấy. Dòng Máu ấy lan tràn tới đâu thì ban ơn tha tội đến đó.

Mừng lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô, ta hãy cảm tạ tình yêu vô biên của Chúa đã hiến mình, đổ máu để cứu chuộc ta. Để đáp lại tình yêu của Người, ta hãy siêng năng đến lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa và siêng năng đến thờ lạy Chúa Giêsu ngự trong Bí tích Thánh Thể.

Nhưng để hiệp lễ một cách xứng đáng, chúng ta hãy nhớ rằng; Bí tích Thánh Thể là Bí tích của sự hiệp thông trong thân thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô. Sự hiệp thông ấy không chỉ dừng lại ở mối tương quan giữa chúng ta với Chúa Giêsu mà thôi. Vì không phải chỉ có một mình ta ăn Thịt và uống Máu Ngài, mà cả cộng đoàn dân Chúa đều tham dự vào bàn tiệc của Chúa Kitô: bởi vì chỉ có tấm bánh và tất cả chúng ta cùng chia sẻ, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể. Như thế, Bí tích Thánh Thể không phải chỉ kết hiệp chúng ta với Thiên Chúa mà còn kết hiệp chúng ta với nhau.

Thế nhưng, không thiếu gì những kẻ rước lễ trong tình trạng thù hận với người khác, đôi khi với cả gia đình, với cả cộng đoàn. Có những cặp vợ chồng ly thân, thậm chí ly dị, bị ngăn trở hay đang mắc vạ tuyệt thông mà vẫn cố tình lên hiệp lễ. Họ đâu có hiểu rằng làm như vậy là sỉ nhục Chúa Giêsu, là xé nát thân thể của Ngài. Họ đâu có hiểu rằng làm như thế có nghĩa là bắt Chúa đồng loã với hành động xấu xa tội lỗi của mình. Như thế, làm sao Chúa Kitô có thể hiệp nhất với chúng ta, đang khi chính chúng ta lại chia rẽ và không chấp nhận nhau. Hãy nhớ rằng Thánh thể không phải chỉ kết hiệp chúng ta lại với Chúa, mà còn kết hiệp chúng ta lại với nhau, để làm thành một đoàn chiên duy nhất.

Khi mừng lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, ta hãy siêng năng lãnh nhận Bí tích Thánh Thể và hãy noi gương Chúa, biết quên mình, hiến thân cho sự hiệp nhất với Chúa và với tha nhân trong thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô là chính Hội Thánh của Ngài. Amen.

III – GỢI Ý THẢO LUẬN, CHIA SẺ 

  1. Tôi có ước ao đón rước Chúa hay tôi thờ ơ, lạnh nhạt với Ngài ?
  2. Tôi có dọn mình xứng đáng mỗi khi đón rước Thánh Thể không?
  3. Tôi siêng năng hay lười biếng trong việc viếng Thánh Thể Chúa?

* Cầu nguyện cho chị em đã được Chúa gọi về trong tháng.

1- Maria Nguyễn Thị Vãn, Họ Nhà xứ, Giáo xứ Bảo Sơn.

2- Anna Nguyễn Thị Thục, Họ Nhà xứ, Giáo xứ Vinh Tiến.

3- Maria Nguyễn Thị Trình, Giáo họ Ngọc Bảo, Giáo xứ Hữu Bằng

4- Anna Trần Thị Dương, Họ Nhà xứ, Giáo xứ Vinh Tiến.

5- Maria Trần Thị Nhung, Họ Nhà xứ, Giáo xứ Tân Cương.

6- Maria Nguyễn Thị Oanh, Họ Nhà xứ, Giáo xứ Ngô Khê.

7- Maria Nguyễn Thị Cần, Giáo họ Đại Lợi, Giáo xứ Phúc Yên.

8- Têrêxa Nguyễn Thị Liên, Họ Nhà xứ, Giáo xứ Đồng Chương.

*Lưu ý: Thứ Bảy, ngày 06/07/2024, theo lịch phân công, Giáo hạt Bắc Giang sẽ tập trung tại TTTM Từ Phong lúc 16h30 để học hỏi, chia sẻ => 18h30 dâng hoa kính Đức Mẹ. => 19h00 Thánh lễ.

Lm. Phêrô Mai Viết Thắng

Đặc trách Hội Mân Côi Giáo Phận Bắc Ninh.

 

HỘI TRƯỞNG GIA ĐÌNH GPBN – Tháng 06/2024

  1. LỜI CHÚA: Thứ tư, sau Chúa Nhật IX Thường Niên: Mc 12, 18 – 27
  2. SUY NIỆM: SỰ SỐNG VÀ SỰ CHẾT

Trên đời, câu chuyện đời sau vẫn là thao thức muôn thuở của con người. Con người luôn băn khoăn trong lòng rằng, tôi sẽ đi về đâu sau cuộc sống ngắn ngủi trên cõi dương gian. Nhưng tiếc thay, nhiều người vẫn còn quan niệm rằng, “chết là hết”. Họ tin rằng chẳng có điều gì xảy ra sau cái chết cả. Hóa ra cuộc sống trên đời này cũng chỉ là chuyến đi lông bông, vô định mà không rõ đích đến. Nhóm Xa đốc trong bài Tin mừng hôm nay cũng thuộc nhóm người trên. Họ là những tư tế Do thái giáo thuộc nhóm bảo thủ không chấp nhận chuyện người chết sống lại hay ngay cả sự hiện hữu của các thiên thần. Nhưng Đức Giê-su đã khai mở cho họ sự thật về đời sau, về sự sống đằng sau sự chết nhờ cuộc tự vấn của chính họ.

Dù chấp nhận hay không, khao khát muốn sống và sống mãi vẫn nằm trong tâm khảm của con người. Chính việc lập gia đình là khởi đầu để có con cái nối dài sự sống của cha mẹ của ông bà tổ tiên. Thật thế, thời Cựu Ước, Luật Mô-sê đã dạy em phải lấy vợ của anh đã chết mà không để lại con cái cũng là để có con nối dài sự sống ấy. Có lẽ chính khao khát ấy đã khiến nhóm Xa-đốc hiểu rằng, cuộc sống đời sau như một hình thức kéo dài cuộc sống hiện tại. Nơi đó, họ vẫn có thể dựng vợ gả chồng, vẫn sinh con đẻ cái. Nhưng Đức Giê-su đã nặng nề chê trách họ và cho thấy một viễn cảnh hoàn toàn khác của cuộc sống đời sau. Không phải cưới vợ, cũng chẳng phải lấy chống, họ sống “như các thiên thần trên trời,” nghĩa là sống trọn vẹn với việc phụng sự Thiên Chúa. Ở nơi đó, thân xác đã được biến đối trở nên giống với thân xác của Đấng Phục Sinh. Khi ấy, Đức Giê-su đã trích sách Xuất Hành để minh chứng cho sự sống lại trong biến cố Thiên Chúa tỏ mình ra với ông Mô-sê trong bụi gai bốc cháy. Thiên Chúa nhận mình là Thiên Chúa của các tổ phụ. Abraham, I-xa-ác và Gia-cóp không thể là các người đã chết, nhưng phải là những người đang sống, tức là những người đã chết và đã được phục sinh vinh hiển. Hơn thế nữa, ở nơi đó, không hề mất đi tình nghĩa con người. Ở nơi đó, tình yêu thương với Thầy Giê-su, và mối tương thân tương ái giữa con người với nhau lại trở nên bền vững, trở nên hoàn hảo hơn. Ở nơi đó, người ta sẽ không cưới xin hay sinh con đẻ cái, nhưng tình nghĩa vợ chồng được nâng lên một tương quan mới. Đó là đức tin chắc chắn của chúng ta.

Lạy Chúa, dù con người vẫn khao khát được sống, vẫn muốn nối dài sự sống ấy, không muốn chấm dứt với cái chết, nhưng trong đời sống hàng ngày, không ít người vẫn lao mình về cái chết. Người ta vẫn hủy hoại sức khỏe, hủy hoại thân xác của mình với đầy trò tiêu khiển: ăn uống quá độ, nghiện ngập say sưa, chơi bời hưởng thụ. Người ta vẫn vô tình thiếu tôn trọng sự sống nơi những người già cả tật nguyền. Đặc biệt, người ta cũng không biết quý trọng sự sống của linh hồn, người ta vẫn lao mình vào dịp tội, bỏ bê Lời Chúa, chẳng màng đến việc đón rước Chúa vào trong tâm hồn mình. Xin Chúa giúp chúng con biết trân trọng sự sống đời này và để đời sau được hưởng hạnh phúc bên Chúa muôn đời.

Gợi ý cầu nguyện và chia sẻ:

  • Qua những chọn lựa trong đời sống mỗi ngày của mình, có phản ánh cùng đích của cuộc đời tôi là hướng về sự sống vĩnh cửu không?
  • Tôi đã làm gì để chuẩn bị cho cuộc sống đời sau của mình?

III- CẦU NGUYỆN CHO CÁC THÀNH VIÊN MỚI QUA ĐỜI:

  1. Phêrô Nguyễn Văn Kiểm – Trung Xuyên xứ Trung Xuân.
  2. Tômasô Nguyễn Văn Huấn (Hạ) – Nhà xứ Nội Bài.
  3. Giuse Nịnh Văn Thủy – Nhà xứ Đức Bản hạt Tuyên Quang
  4. Giuse Nguyễn Thái Học – Nhà xứ Yên Mỹ
  5. Vicentê Nguyễn Văn Luyện – Họ Đồng Quỳ xứ Yên Mỹ.
  6. Phêrô Nguyễn Văn Sơn – Họ Kim Tràng xứ Phúc Yên
  7. Đa-minh Chương Quang Thiết – Giáo họ Sơn Đình giáo xứ Đại Điền
  8. Juse Hoàng Ngọc Đạo – Họ nhà xứ Yên Thịnh .

Lm. Đặc trách HTGĐ GPBN

Fx. Nguyễn Văn Huân